Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn, Kim Văn, Đại Triện đều là hình vẽ Mặt Trời phân hai, nửa chiếu lên nửa chiếu xuống, ánh mặt trời là màu Sáng Trắng, nên ...
BẠCH 白 : là Màu Trắng, là Sáng Trắng, là Trong Trắng... như:
BẠCH MAI 白梅 : là Mai màu trắng.
BẠCH NHẬT 白日 : là Mặt trời Trắng, là Ban Ngày, với ánh sáng trắng. Thanh Thiên Bạch Nhật 青天白日 : là Trời Xanh Nắng Sáng, là Ban Ngày Ban Mặt.
THANH BẠCH 清白 : là Trong Trắng, không lấm lem, không bợn nhơ. Trái với Thanh Bạch là Ô TRỌC 污濁 : là Đen và Dơ, là đen đúa Dơ dáy, là Bợn Nhơ.
Theo âm dương ngũ hành, màu TRẮNG thuộc hành KIM, về phương hướng, màu TRẮNG thuộc hướng Tây, về thời tiết là Mùa Thu, nên gió mùa thu gọi là GIÓ TÂY, GIÓ VÀNG ( Kim Phong 金風 )như Ôn Như Hầu đã mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc bằng câu :
Trải vách quế GIÓ VÀNG hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng !
MINH BẠCH 明白 : MINH là Sáng, BẠCH là Trắng. MINH BẠCH là Sáng Trắng, nên có nghĩa là RÕ RÀNG ! Trong đàm thoại, Minh Bạch có nghĩa là HIỂU RÕ. " Minh Bạch chưa ? " là " Hiểu rõ chưa ? ".
TỰ BẠCH 自白 : là Tự Mình nói RÕ về việc gì đó của Mình.
BẠCH THOẠI 白話 : là Văn nói bình thường, đơn giản, trái với Văn Ngôn 文言 là Văn Viết, cầu kỳ sâu xa hơn.
BẠCH THỦ THÀNH GIA 白手成家 : là Tay trắng xây dựng nên gia đình hạnh phúc. Ta nói là Tay Trắng Làm Nên.
BẠCH ĐẦU GIAI LÃO 白頭偕老 : là Cùng sánh đôi nhau cho đến lúc bạc đầu. Đây là lời chúc đám cưới cho cô Dâu chú Rể.
BẠCH Y THIÊN SỨ 白衣天使 : là Thiên thần áo trắng, là thành ngữ dùng để tôn xưng những cô Y Tá trong bệnh viện.
BẠCH Y THƯƠNG CẨU 白衣蒼狗 : là Áo Trắng Chó Xanh, Xuất xứ từ 2 câu thơ cũa Đỗ Phủ trong bài Khả Thán Thi 唐·杜甫 "可歎詩":
天上浮雲似白衣, Thiên thượng phù vân tự BẠCH Y,
斯須改變如蒼狗 ! Tư tu cải biến như THƯƠNG CẨU !
Có nghĩa :
Đám mây nổi ở trên trời, trông tựa như tà áo trắng, nhưng ...
Trong phút chốc lại biến đổi giống như là con chó màu xanh.
Ý chỉ chuyện đời thay đổi nhanh chóng mà ta không thể lường trước được. Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã mượn ý nầy để viết nên 2 câu sau đây :
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh VÂN CẨU vẽ người tang thương!
Bức tranh VÂN CẨU vẽ người tang thương !
Có tất cả 49 chữ được ghép bởi bộ BẠCH 白 nầy, tiêu biểu có chữ :
HẠO 皓 : là Trắng Xóa, Trắng Bạc, Trắng Bóng. Như :
HẠO BẠCH 皓白 : là Trắng Tinh.
HẠO PHÁCH 皓魄 : là Cái Đĩa Bạc trắng xóa, là từ dùng để chỉ Mặt Trăng sáng. Ta hay nói : " Trăng tròn như cái Đĩa Bạc " là do từ này mà ra.
HẠO XỈ CHU THẦN 皓齒朱唇 : là Răng trắng Môi son, chỉ vẻ đẹp của các cô gái có Môi Son Răng Trắng!
THƯƠNG SƠN TỨ HẠO 商山四皓 : Đó chính là Đông Viên Công, Hạ Hoàng Công, Ỷ Lý Quý và Lục Lý ( 東園公、夏黃公、綺里季、甪里) 4 người, vì tị mạn loan lạc đời nhà Tần mà vào núi Thương Sơn ẩn cư, hái rau chi mà sống. Cả 4 người đều trên 80 tuổi, râu tóc đều bạc phơ, nên người đời gọi là THƯƠNG SƠN TỨ HẠO. Trong tác phẩm SÃI VÃI của Nguyễn Cư Trinh, ông Sãi đã luận về niềm vui của mình như sau :
..... Non Bồng Lai bước tới, Sãi vui với Bát Tiên,
Núi Thương Lãnh tìm lên, Sãi vui cùng TỨ HẠO !...
Thương Sơn Tứ Hạo
Bồng Lai Bát Tiên.
BÁT 癶 : là Hai chân dang ngược nhau ra, đi đứng bất tiện nên BÁT 癶 là Gạt ra ngoài, là Đạp ra. Tiêu biểu cho bộ BÁT có 3 chữ:
* QUÝ 癸 : Ngôi chót của Thập Vị Thiên Can là : Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, QUÝ. Ta hay nói : NAM NHÂM NỮ QUÝ 男壬女癸, chính là NHÂM và QUÝ nầy đây.
* ĐĂNG 登 : là LÊN. ĐĂNG LÂU 登樓 : là Lên Lầu.
ĐĂNG QUANG 登光 : là Nhậm Chức. Lễ Đăng Quang là Lễ Nhậm Chức. Đây là từ Hán Việt của riêng người Việt, người Hoa không biết đến từ nầy.
ĐĂNG KHOA 登科 : là Tên được ghi lên khoa bảng, là THI ĐẬU. Ngày xưa, khi cưới vợ, để cho được vẻ vang, và chắc cũng để khuyến khích chú rể gắng công phấn đấu, nên khi làm Lễ rước dâu, chú rể được quyền mặc đồ của Trạng Nguyên và cô dâu thì mặc đồ của Nhất phẩm Phu nhân, tục gọi là TIỂU ĐĂNG KHOA 小登科. Còn thật sự đỗ Trạng Nguyên hay Tiến Sĩ thì gọi là ĐẠI ĐĂNG KHOA 大登科. Ngày xưa, các thư sinh sau khi thi đỗ, thường hay được các nhà quyền quí gả con gái cho, có người còn được kén làm Phò Mã nữa. Đã thi đậu lại còn được vợ sang, người đời mừng là được song hỉ lâm môn, đã ĐẠI ĐĂNG KHOA rồi còn TIỂU ĐĂNG KHOA kế tiếp luôn nữa !
ĐĂNG CAO 登高 : là Leo lên trên cao, là Leo lên Núi. Tiết Đăng Cao là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch, còn gọi là Tiết Trùng Cửu 重九hay Trùng Dương 重陽. Sau khi thu hoạch mùa màng xong, thì Đăng Cao để tảo mộ cúng bái để tạ ơn ông bà tổ tiên. Dân vùng cao, những vùng đất bằng dùng để trồng trọt, nên mồ mả ông bà đều chôn cất ở trên núi.
ĐĂNG ĐỒ 登途 : là Lên Đường, nghĩa như ĐĂNG LỘ 登路, ĐĂNG TRÌNH 登程, trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, tả lúc người Chinh phụ nhớ chồng có đoạn :
Thuở ĐĂNG ĐỒ, mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông.
Nay đào đã luyến gió Đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ phờ.
Thuở Đăng Đồ
Chinh Phu Tiểu Đăng Khoa
* PHÁT 發 : là Phát ra, là Phất lên, là Mọc lên... như :
PHÁT LƯƠNG 發糧 : là Phát lương, người Hoa gọi là Xuất Lương.
PHÁT TÀI 發財 : là Phất lên vì có nhiều tiền. KHAI TRƯƠNG
HỒNG PHÁT 開張鴻發 là chữ PHÁT nầy. PHÁT TƯỚNG 發相, PHÁT
PHÚC 發福, PHÁT LỘC 發祿 ... đều là chữ PHÁT với ý nghĩa là
Phất lên nầy.
Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :
Hữu ý tài hoa hoa bất PHÁT, 有意栽花花不發,
Vô tâm tháp liễu liễu thành âm. 無心插柳柳成蔭。
Có nghĩa :
Có ý trồng hoa, nhưng hoa không MỌC LÊN.
Vô tình cắm nhánh liễu xuống đất, thì liễu lại mọc xanh om.
Câu trên dùng để chỉ : Nhiều khi ta cố ý bỏ công sức để làm một việc gì đó, nhưng lại không có kết qủa. Lại có lúc chỉ vô tình làm chơi chơi thôi, không mong đợi, mà lại cho kết qủa thật tốt.
Một câu đối rất hay, vừa thanh vừa tục về tài tử giai nhân như sau :
Tài lang ngọc duẫn tam canh PHÁT, 才郎玉筍三更發,
Mỹ nữ đào hoa bán dạ khai. 美女桃花半夜開。
Có nghĩa :
* THANH :
Chàng là tài tử quý như là măng tre ngọc, mọc lên lúc canh ba.
Nàng là mỹ nữ đẹp như đóa hoa đào, nở ra lúc nửa đêm.
* TỤC :
"Cây măng ngọc" của chàng tài tử, phát lên lúc canh ba. và...
" Đóa hoa đào " của nàng mỹ nữ thì nở ra lúc nửa đêm!
CAM 甘 : là NGỌT. Đây là chữ mượn Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn và kim Văn Đại Triện đều có vẽ một vạch ngang ở trong miệng, ý là vật gì đó có thể ngậm trong miệng được thì là vật ngon vật ngọt . Nên CAM 甘 là NGỌT, nghĩa phát sinh là Cam Tâm, Cam Chịu, là Chấp Nhận, như ta thường nói là: CAM TÂM TÌNH NGUYỆN 甘心情願, chớ không có ai ép buộc gì cả ! (Câu này người Hoa nói là TÂM CAM TÌNH NGUYỆN 心甘情願 ).
ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ 同甘共苦 : là Cùng Ngọt Cùng Đắng với nhau. Ta nói là : Cùng nhau Chia Ngọt Xẻ Bùi. Nhắc đến "Ngọt Bùi" lại nhớ đến 2 câu thơ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài " Khóc chồng làm Thầy Thuốc " là :
... Ngọt bùi thiếp nhớ mùi Cam thảo,
Cay đắng chàng ơi vị Quế chi!...
CAM LỘ 甘露 : là Những giọt sương ngọt, chỉ Loại nước trong Tịnh bình của bà Quan Âm có thể cứu khổ cứu nạn, cải tử hồi sinh... Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :
Khát thời nhất trích như CAM LỘ, 渴時一滴如甘露,
Tuý hậu thiêm bôi bất như vô! 醉後添杯不如無!
Có nghĩa :
Lúc khát thì một giọt nước cũng quý như là nước CAM LỘ vậy.
Sau khi say rồi ( đã uống tới đã chứng rồi !) có uống thêm một ly nữa thì cũng như không mà thôi !
TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN
KHỔ TẬN CAM LAI 苦盡甘來 : là Cái Khổ đến tận cùng rồi thì Cái Ngọt sẽ đến mà thôi. Ta nói là " Hết cơn bỉ cực, đến hồi thái lai " !
Tiêu biểu cho bộ CAM 甘 có chữ :
ĐIỀM 甜 ( 甛 ) : là NGỌT. Có 2 hình thức chữ viết như đã trình bày. Ta có từ kép CAM ĐIỀM 甘甜 : là Ngọt Ngào.
ĐIỀM NGÔN MẬT NGỮ 甜言蜜語 : Ta nói là "Lời ngon tiếng ngọt".
TOAN ĐIỀM KHỔ LẠP 酸甜苦辣 : là Chua Ngọt Đắng Cay. Ta nói là: Cay Đắng Ngọt Bùi đều đủ cả!
QUA 瓜 : là DƯA. QUA 瓜 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Kim Văn, Đại Triện, Tiểu Triện đều là hình tượng của loại dây leo kết trái treo tòn ten ở giữa. Nên, QUA 瓜 là DƯA, là BÍ ... như :
TÂY QUA 西瓜 : là Dưa Hấu, còn gọi là HỒ QUA 胡瓜 do Trương Khiên đời Hán mang từ xứ Hồ ở tận vùng Tây Vực về bằng "Con Đường Tơ Lụa".
ĐÔNG QUA 冬瓜 : là Trái Bí Đao.
NAM QUA 南瓜 : là Trái Bí Rợ.
QUA PHÂN 瓜分 : là Bị chia ra thành từng phần nhỏ như là Dưa bị xắt ra từng mảnh vậy .
QUA QUẢ 瓜果 : là Dưa và Trái, là từ chỉ chung TRÁI CÂY.
QUA TỬ 瓜子 : là Hạt Dưa. QUA TỬ DIỆN 瓜子面 : là Mặt hạt dưa. Ta nói là " Mặt Trái Xoan ".
QUA ĐIỀN LÝ HẠ 瓜田李下 : là Trên ruộng Dưa và Dưới cây Lý. Là Thành Ngữ chỉ những nơi dễ bị người khác nghi ngờ nhất. Đi trên ruộng dưa thì không được cuối xuống sửa giày, sợ người ta nghi ngờ mình hái trộm dưa, còn đứng phía dưới cây lý cây mận thì không nên sửa nón, sửa mão, sợ người ta nghi ngờ mình hái trộm lý, hái trộm mận.
QUA ĐIỀN LÝ HẠ 瓜田李下
Có tất cả 10 chữ được ghép bởi bộ QUA 瓜. Tiêu biểu có chữ :
HỒ 瓠 : là BẦU. HỒ QUA 瓠瓜 : Trái Bầu. HỒ TỬ 瓠子 : Hột Bầu.
BIỆN 瓣 : là Những Cánh hoa hay những mãnh tách đôi của hạt. Ngoài chữ BIỆN 瓣 là Cánh Hoa này ra, ta còn có 4 chữ BIỆN nữa:
BIỆN 辨 : Bộ ĐAO 刂 ở giữa, nên BIỆN nầy là Phân hai rạch ròi, ta có từ BIỆN BIỆT 辨別 : là Phân biệt một cách rõ ràng.
BIỆN 辯 : có Bộ NGÔN 言 là Lời Nói ở giữa, nên BIỆN nầy là BIỆN LUẬN 辯論, là Hùng biện 雄辯, là Tranh Biện 爭辯 ...
BIỆN 辮 : có Bộ MỊCH 糸 là Sợi Tơ ở giữa, nên BIỆN nầy là Cái Bím Tóc, người Miền Nam gọi là Thắt Bính. BIỆN TỬ 辮子 : là từ kép của Cái Bím Tóc, Cái Bính tóc.
BIỆN 辦 : có Bộ LỰC 力 là Sức ở giữa, nên BIỆN nầy có nghĩa là bỏ công sức ra để LÀM. Ta có từ BIỆN PHÁP 辦法 : là Cách Làm. Trong Truyện Kiều tả lúc Vương Viên Ngoại đi mừng thọ " Ngoại Gia ", Cụ Nguyễn Du đã viết như sau :
Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
Trên hai đường dưới cùng là hai em.
Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
BIỆN dâng một lễ, xa đem tấc thành!
BIỆN dâng một lễ : là LÀM một mâm lễ vật để dâng lên.
HÒA 禾 : là Cây LÚA. Nói chung HÒA 禾 là từ chỉ chung các loại cây Ngũ Cốc. HÒA là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn, Kim Văn cho đến Đại Triện đều giống như hình của cây lúa, cây bắp... đang trổ cờ rũ nhánh bông trên đầu xuống một bên. Nên HÒA 禾 là loại cây ngũ cốc nói chung, là Cây Lúa nói riêng. Ta thường hay nghe câu nói của ông bà ngày xưa như sau:
Học gỉa như HÒA như đạo, 學者如禾如稻,
Bất học gỉa như cảo như thảo! 不學者如稿如草!
Có nghĩa :
Người có học thì như cây lúa, như hạt lúa.
Người không có học thì như rơm, như cỏ!
Tất cả có 185 chữ được ghép bởi bộ HÒA 禾 nầy, tiêu biểu nhất là chữ :
ĐẠO 稻 : là Hạt Lúa, mà cũng là Cây Lúa nữa. Ngạn ngữ xưa của Trung Hoa có câu :
Nhất niên thọ ĐẠO, 一年樹稻,
Thập niên thọ mộc, 十年樹木,
Bách niên Thọ nhơn. 百年樹人。
Có nghĩa :
Vì lợi ích của...
Một năm thì trồng LÚA,
Mười năm thì trồng cây,
Trăm năm thì trồng người !
THỌ NHƠN 樹人 : là Trồng Người, tức là Gầy Dựng nên, Đào Tạo nên một thế hệ con người theo tiêu chuẩn yêu cầu của xã hội. Ta nhớ lại ngày xưa, ở Việt Nam có rất nhiều trường học do Hoa kiều lập nên lấy tên là THỌ NHƠN, như ở Đà Nẳng, Cần Thơ ....
Tiêu biểu cho bộ HÒA 禾 còn có chữ :
THU 秋 ( 秌 ) : là Mùa THU. Đây là chữ Hội Ý được ghép bởi bộ HÒA 禾 là Cây Lúa và bộ HỎA 火 là Lửa ( HÒA 禾 và HỎA 火 có thể thay đổi thứ tự, đặt trước hay đặt sau gì cũng được, nhưng thường thì HÒA trước HỎA sau 秋 ). MÙA mà bông lúa chín đỏ rực như lửa, đó là MÙA THU và cũng là mùa Thu Hoạch nông phẩm của nông dân ngày xưa, khi mỗi năm chỉ trồng có một vụ mùa.
THU cũng là mùa của thi nhân, ta thấy trong bài "Cảm Thu, Tiễn Thu" của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bao gồm đủ cả THU PHONG, THU SƯƠNG, THU NGUYỆT, THU DIỆP, THU GIANG... trong các câu mở đầu của bài thơ ....
Từ vào thu đến nay:
Gió thu hiu hắt, ( Thu Phong 秋風 )
Sương thu lạnh, ( Thu Sương 秋霜 )
Trăng thu bạch, ( Thu Nguyệt 秋月 )
Khói thu xây thành. (Thu Yên 秋煙 )
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh (Thu Diệp 秋葉 )
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly... (Thu Giang 秋江 )
Trong Kiều cũng không thiếu cảnh mùa thu với ...
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng !
hoặc như :
...Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phao cầu giá đen gầm ngàn mây.
Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người!
LẬP 立 : là ĐỨNG. Chữ Tượng Hình, được hình thành theo diễn tiến hình vẽ rất tượng hình,
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn đến Kim Văn, Đại Triện, Tiểu Triện đều là hình tượng của một con người đang đứng hiên ngang chàng hảng trên mặt đất, làm ta nhớ đến thành ngữ ĐĨNH THIÊN LẬP ĐỊA 顶天立地 là " Đội Trời Đạp Đất ở đời " như Từ Hải trong truyện Kiều vậy !
* Ngoài nghĩa ĐỨNG ra, LẬP 立 còn có nghĩa là LÀM RA, như:
THIẾT LẬP 設立 : là Làm ra, là Gầy dựng nên.
KIẾN LẬP 建立 : là Tạo dựng nên, cũng như Thiết Lập.
* LẬP còn có nghĩa bày tỏ chí khí của mình, như :
LẬP THÂN 立身, LẬP CHÍ 立志, LẬP Ý 立意 ...
* LẬP còn biểu thị sự tồn tại, sinh tồn của mình, như :
TỰ LẬP 自立, ĐỘC LẬP 獨立 : là Tự mình đứng vững mà không cần phải vựa dẫm vào người khác., thế lực khác.
* LẬP là Liền Ngay, Tức Khắc, như : LẬP TỨC 立即, LẬP ĐỊA 立地 ... Như trong câu kệ :
Phóng hạ đồ đao, 放下屠刀,
LẬP ĐỊA thành Phật. 立地成佛。
Có nghĩa :
Bỏ con dao sát sanh xuống, là có thể thành Phật ngay nơi đó tức thì!
Phóng hạ đồ đao, LẬP ĐỊA thành Phật.
Tiêu biểu cho bộ LẬP 立 có chữ :
ĐOAN 端 : là Ngay Ngắn, là Đàng Hoàng. Như :
ĐOAN CHÁNH 端正 : là Ngay ngắn, không thiên lệch méo mó.
ĐOAN TRANG 端粧 : là Đàng Hoàng, là Nết Na Thuỳ Mị, cùng nghĩa với Đoan Chính. Trong Truyện Kiều sau khi đờn cho Kim Trọng nghe, và sau khi " Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi ". Kiều đã năn nỉ Kim rằng :
... Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt hẵn đền bồi có khi !
Nên Kim mới ...
Thấy lời ĐOAN CHÍNH dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân !
ĐOAN NGỌ 端午 hay ĐOAN DƯƠNG 端陽 là ngày Lễ Tết giữa năm, ngày Mùng 5 tháng 5 Âm lịch.
ĐOAN còn có nghĩa là ĐẦU MỐI, như SỰ ĐOAN 事端 : là Đầu mối của sự việc, là Nguyên Nhân của sự việc.
ĐA ĐOAN 多端 :là Nhiều Đầu, Nhiều Mối, không biết đâu mà lường. Ta có các thành ngữ như :
TÁC ÁC ĐA ĐOAN 作惡多端 : là Làm nhiều điều ác độc không biết đâu mà kể.
QUỸ KẾ ĐA ĐOAN 詭計多端 : là Có rất nhiều quỹ kế không biết đâu mà phòng.
BIẾN HÓA ĐA ĐOAN 變化多端 : là Biến hoá vô cùng không biết đâu mà lường trước được.
MÂU 矛 : là Một loại Vũ Khí ngày xưa dùng để tấn công. Đây là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Theo Kim Văn là hình vẽ của một loại vũ khí đầu có 2 ngạnh, cán dài, đến Đại Triện lại thêm những phần phức tạp ở đằng đầu cho dễ sát thương, và khi đến Tiểu Triện thì các phần được đơn giản hóa bằng các nét cong và thẳng.
Mâu
Song mâu
Xà mâu
XÀ MÂU 蛇矛 : là Loại Mâu có đầu uốn lượn cong như mình con rắn để tăng thêm sự sát thương khi đâm trúng đối phương.
Nói đến MÂU 矛 thì phải nhắc đến THUẪN 盾. Trích bài 12 :
.... MÂU 矛 là vũ khí để đâm, và THUẪN 盾 là cái Mộc để đở. Theo tích sau đây :
Theo sách Hàn Phi Tử - chương Nan Nhất : Có người ra chợ bán Mâu, rao rằng Mâu của ông ta rất bén nhọn, bất cứ vật gì cứng tới đâu cũng có thể đâm lủng được. Hôm sau, ông ta lại mang ra bán một cái Thuẫn, và lại rao rằng : Thuẫn nầy rất cứng chắc, không có vật bén nhọn nào có thể đâm lủng được. Có người hỏi ông rằng : Thế lấy cây Mâu hôm qua của ông có thể đâm lủng được cái Thuẫn này hay không?!. Người bán MÂU và THUẪN cứng họng không trả lời được. Mới hay, hai sự việc cực đoan thì không thể song hành tồn tại với nhau! Cho nên...
MÂU THUẪN 矛盾 : là Hai hoặc nhiều sự việc trái ngược hẵn nhau, không thể nào tồn tại song song với nhau được.
TỰ TƯƠNG MÂU THUẪN 自相矛盾
TỰ TƯƠNG MÂU THUẪN 自相矛盾 : là thành ngữ chỉ 2 sự việc trái ngược hẵn nhau cùng xảy ra cùng lúc với cùng một người hoặc cùng một hoàn cảnh, tình huống.
DĨ TỬ CHI MÂU, CÔNG TỬ CHI THUẪN 以子之矛,攻子之盾 : là "Lấy cây mâu của ông để tấn công cái thuẫn của ông", như ta thường nói là "Lấy gậy của ông để đập lưng của ông" vậy!
Tiêu biểu cho bộ MÂU 矛 có chữ:
CĂNG 矜 : là Thương Xót. Như CĂNG TÍCH 矜惜, CĂNG MẪN 矜憫, CĂNG LÂN 矜憐, CĂNG TUẤT 矜恤 ... đều có nghĩa là Xót Thương.
CĂNG là Thương Xót, nhưng nếu Mình thương xót Mình, thì sẽ trở nên tự cao tự đại, ta có từ: TỰ CĂNG 自矜 : Nghĩa như Tự Kiêu 自驕.
KIÊU CĂNG 驕矜 : là Kiêu Ngạo chẳng coi ai ra gì cả !
8. BỘ MẪN 皿 : Còn đọc là MÃNH.
MẪN 皿 : là Dụng cụ dùng để đựng, thường là đồ nung, đồ gốm, là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết,
Ta thấy :
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Triện, Tiểu Triện đều là hình tượng của một dụng cụ dùng để đựng, thường dùng ở trong nhà như: OẢN 碗 là Chén、ĐIỆP 碟 là Dĩa、BÔI 杯 là Ly、BÀN 盤 là Mâm .... Ta phân biệt 2 từ :
MẪN KHÍ 皿器 : Chỉ chung Dụng cụ dùng để Đựng.
MẪN KIM 皿金 : Chỉ riêng Dụng cụ dùng để Đựng được làm bằng Kim Loại.
Tất cả có 49 chữ được tạo bởi bộ MẪN nầy, tiêu biểu là :
MINH 盟 : Vốn nghĩa là cái chậu đựng máu trâu ngày xưa khi cắt huyết ăn thề, nên MINH 盟 : là Lời Thề nguyền, Lời Ước Hẹn. Bây giờ là những Hiệp Ước, MINH ước Bắc Đại Tây Dương là chữ MINH nầy. Ta có các từ tương tự như : ĐỒNG MINH 同盟, LIÊN MINH 聯盟 ...
HẢI THỆ SƠN MINH 海誓山盟 : là Thề non hẹn biển.
THÀNH HẠ YÊU MINH 城下邀盟 : là Hẹn ra dưới thành để thề thốt ước hẹn với nhau về việc binh : Hòa hay Chiến hay Liên hợp như thế nào đó. Trong Truyện Kiều, ta thấy Hồ Tôn Hiến đã lừa Từ Hải đầu hàng, và Từ đã nhẹ dạ nghe theo :
Tin lời THÀNH HẠ YÊU MINH,
Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng.
Thành hạ yêu minh : Minh ước dưới thành
VU 盂 : là dụng cụ hình ống miệng tròn, như THUỶ VU 水盂 : là Cái Bình Đựng Nước. ĐÀM VU 痰盂 : là Cái Ống Nhổ để khạc đàm.
BỒN 盆 : là Cái Thau, Cái Chậu, như DIỆN BỒN 面盆 : là Cái Thau Rửa Mặt. HOA BỒN 花盆 : là Cái Chậu trồng Bông.
VU LAN BỒN 盂蘭盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂蘭盆會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂蘭勝會. Căn cứ theo ghi chép của " Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛说盂蘭盆经 ",Vu Lan Bồn 盂蘭盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là " Treo Ngược ", BỒN là " Cái Chậu ", nên VU LAN BỒN 盂蘭盆 là: Cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị để cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.
VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地官大帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目犍連救母.
Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự : 目犍連; tên Latinh hóa : Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana ) hay gọi tắt là Mục-Liên (目連 ) ( Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍利弗, Mục-Kiền-Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hành Thanh văn đệ tử của Đức Phật.
Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
Phật dạy rằng:
“ Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂蘭盆法 ).
Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.
Lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Liên cứu mẹ.
Như thường lệ ...
Để kết thúc cho bài viết hôm nay, xin mời tất cả cùng đoán một chữ với câu đố sau đây :
一邊綠,一邊紅。 Nhất biên lục, nhất biên hồng,
一邊喜雨,一邊喜風。Nhất biên hỉ vũ, nhất biên hỉ phong.
喜風就怕雨, Hỉ phong tựu phạ vũ,
喜雨就怕蟲 ! Hỉ vũ tựu phạ trùng !
Có nghĩa :
Một bên màu xanh, một bên màu đỏ.
Một bên thích mưa, một bên thích gió. Nhưng...
Bên thích gió thì sợ mưa,
Bên thích mưa thì sợ bọ !
Tất cả những câu trên cùng để đoán MỘT chữ đã có đề cập đến trong bài đọc trên.
Hẹn gặp lại trong bài kế tiếp về các bộ 5 nét!
Đỗ Chiêu Đức