Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

* Thi hữu Vườn Thơ Thẩn họa bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Qua Đèo Ngang
 
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá lá chen hoa .
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà .
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc ,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia .
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta .
                           Bà Huyện Thanh Quan  

Bài Họa:
         Khắc Khoải 
                   
 
Cứ buồn rười rượi mỗi chiều tà,
Đồng cảm cây vườn cũng rũ hoa .
Vận nước oan khiên hờn sóng gió,
Người dân ai oán hận nhà nhà .
Gươm thiêng Hưng Đạo hồn sông núi ,
Ngọn lửa Diên Hồng khí quốc gia .
Tuổi hạc, Bà ơi ! sầu đất khách,
Ai người chia sẻ cõi lòng ta ?
               Mailoc
           Cali 7-17-2016

ĐƯỜNG LÊN ĐÀ LẠT

Đèo lên Đà Lạt ánh dương tà,
Uốn khúc quanh co, xứ lắm hoa.
Sơn cước mang gùi đi đất đá,
Cao nguyên tay nãi đến thang nhà.
Đồng bào thiểu số,  đôi chim quốc,
Dân tộc người kinh,  mấy nóc gia.
Tâm trạng xưa nay chung lý tưởng,
Quê cha đất tổ mãi lòng ta !

Mai Xuân Thanh 

Phụng hoạ nguyên vận
Đèo ngang, người trước, buổi chiều tà,
Có đá, có cây, có cả hoa !
Dưới núi, nay đâu tiều mấy chú ?
Bên sông, cũng vắng rợ vài nhà !
Xót xa, đau nỗi lòng hoài quốc,
Cám cảnh, buồn thay kẻ báo gia.
Đọc sách, cảm thông người lớp cũ,
Tình riêng chung mảnh, Bà và Ta.
                         Danh Hữu

(*) Nguyên bản là : Rợ mấy nhà. Từ Rợ ngày xưa dùng để chỉ người bản xứ như từ Indigène, nó không mang nghĩa xấu, các nhà làm sách giáo khoa đã chữa ra : Chợ mấy nhà, làm hỏng đi tính thống nhất của bài thơ. Nơi có một nhà chợ cũng đã gọi là đông đúc, nếu có tới mấy nhà chợ thì thành ra nơi phồn hoa mất rồi ! Đâu còn là nơi vắng vẻ nữa.
Bà Huyện Thanh Quan nhũ danh là Nguyễn Thị Hinh, có chồng là tri huyện huyện Thanh Quan, Lưu Nguyên Ôn (1804-1847). Dưới triều vua Tự Đức, bà được vời vào cung, mở lớp Cung trung giáo tập, để dạy các cung phi, công chúa. Sở dĩ cái tên của bà gắn liền với tên Huyện của chồng bà cai quản, là vì có lần chồng bà đi vắng, có một phụ nữ đến đệ đơn xin li dị vì có ông chồng quá hung dữ. Bà thấy tội nghiệp nên không đợi chồng về, đã phê vào đơn 2 câu thơ hàm ý khuyên nàng nên bước đi bước nữa. Người chồng bị vợ bỏ liền khiếu nại lên quan trên cấp khiền chồng bà mất chức. Thấy vậy, dân gian đã đem tên Huyện gắn vào tên bà, như một cách biểu lộ gián tiếp : Huyện đó mãi mãi là của bà, không ai có thể dứt nó ra được.
Thơ bà còn lại không nhiều. Phải chăng là Huyện Thanh Quan đã để lại nhiều dấu ấn cho bà, khiến bà luôn nhớ đến nó, mà nên những bài thơ của bà đều mang tính chất hoài cổ ? Chừng mà có thể lắm!
Danh Hữu


Không có nhận xét nào: