Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Hoa Lạc Giữa Rừng Gươm - Truyện ngắn của Vkp.Phượng Tím


HOA LẠC GIỮA RỪNG GƯƠM  
               vkp phượng tím
(Chuyện mượn một số địa danh thật, tình tiết, bối cảnh và nhân vật được viết bằng tưởng tượng, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình nếu có).
                 

Mấy hôm nay thầy Toán bị bịnh nên cứ đến giờ thầy là lớp Đệ Nhứt B (năm học 1962- 1963 trường Trung Học Công Lập Tây Ninh) ồn ào thấy bắt sợ. Đúng là: “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm.” Từ hai dãy bàn cuối lớp, sách vở thước viết... bay tứ tung, vài nam sinh còn ôm nhau vật lộn. Riêng ở đầu bàn thứ nhất, dãy bên trái lớp,  gần bảng đen, cạnh bàn thầy, Vân và Phượng đang chụm đầu nhỏ to tâm sự:
- Lớp chỉ có hai đứa mình là gái nên bọn con trai bảo với nhau là “Hoa lạc giữa rừng gươm” mà cũng có nhiều cây si đang  trồng đó nhe.
- “Rừng gươm cùn” thì có, mình thấy chẳng ai dám hó hé gì cả?
-Thì tại tụi mình cứ coi các bạn nam học cùng lớp là em út nên mới vậy.
- Nhưng ông thầy giáo trẻ đẹp trai học dự thính ở lớp mình cứ nhìn chầm chầm Vân hoài thì được coi là “Anh” chứ?
- Dẹp đi nhe, ba mình làm thầy giáo nên mình biết, lụm cụm lắm, làm sao thành người hùng của mình được?
- Người hùng “áo liền quần” như anh Quân “cánh bằng lướt gió đưa mây” của Vân đó hả?
- Chứ gì nữa, mà nầy, “cậu em” tên Thành ngồi ở bàn thứ tư, sau lưng mình đó cứ nhìn trộm “mái tóc Phương Hoài Tâm” của Phượng hoài, liệu mà giữ hồn nghen.
- Mình chả thèm, mình cũng có “người hùng biển cả” trong mộng rồi mà.
Miệng thì nói vậy nhưng Phượng cũng bần thần nhớ lại là mỗi khi ngồi nghe thầy giảng bài, Phượng linh cảm như có ai nhìn phía sau lưng mình nên điệu đàng đưa tay vuốt vuốt mái tóc chấm ngang vai như sợ có ai làm rối tung lên rồi len lén quay mặt xuống nhìn Thành, bốn mắt gặp nhau, Phượng bối rối thẹn thùng... Có một lần, thầy Vật lý trẻ bắt gặp Thành cứ nghe lời thầy giảng ít mà chăm chú ngó Phượng nhiều, nên đến cuối giờ, thầy nhắc nhở Thành :
- Sao anh cao như cây tre miễu mà lại ngồi đây? Ngày mai, anh xuống bàn chót ngồi đó nghen.
Từ lúc đó, khi ngồi vào bàn học, Phượng cảm thấy quanh mình như thiếu thiếu cái gì không thể hình dung được.
Tâm tình của hai nàng đang đến hồi hấp dẫn thì... tiếng hô “Nghiêm” dõng dạc vang lên, cả lớp đứng phắt dậy, lấm lét nhìn thầy Giám thị đang đứng lù lù ngay cửa lớp. Thầy bước vào, đưa mắt quan sát từ đầu đến cuối lớp rồi nghiêm nghị tuyên bố: ”Toàn thể học sinh lớp Đệ Nhất B phải viết phạt 100 lần câu: “Tôi không dám làm ồn trong lớp nữa” ngay bây giờ.
Thầy Giám thị vừa đi khỏi, cả lớp lại to nhỏ xì xào nhưng cũng riu ríu lấy tập viết ra để chép phạt.
Rồi cũng đến hè, đáng lẽ có một cuộc chia tay vui nhộn hoặc “man mác buồn” nhưng hình như đứa nào cũng có nỗi lo lắng riêng cho kỳ thi sắp tới nên mạnh ai về nhà nấy trong lặng lẽ ...
Bước ra cửa, Phượng quay nhìn lại lần chót chỗ ngồi trong lớp, bất chợt, bắt gặp ánh mắt tha thiết của Thành xoáy vào mình, Phượng bối rối, vội vàng bước mau như chạy trốn... Đâu đây vẳng nghe tiếng ai hát “Biết ngày sau có còn gặp lại?...”
***
Kỳ thi Tú Tài 2 vào năm 1963,  cả nước chỉ có 8%  thí sinh đậu trong tổng số đã thi, nhưng riêng lớp Đệ Nhất B của Trung học Tây Ninh thì đậu gần hết.  Khỏi nói cũng biết “hai đóa hoa lạc” càng kiêu hãnh đến mức độ nào trước con đường tương lai rộng mở . Cả hai cô tú đều làm ngơ trước những ánh mắt buồn thiu đang dõi theo họ.


Thường thường ghét của nào nếu CHÀNG trao của nấy thì dính ngay, nên chi chỉ cần anh chàng “áo liền quần” thủ thỉ vào tai Vân: “Em à, anh thích em  làm Cô giáo vì em sẽ có dịp kể cho học trò em nghe cuộc đời thực tế của một phi công thời chiến, nó khác xa với những gì mà tác giả Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh mô tả trong quyển Đời Phi Công đó em”, là Vân lập tức ghi tên dự thi vào Sư Phạm... Ra trường, Vân xin về một trường xa tít ngoài Huế để có dịp gần gủi với cánh bằng lướt gió đưa mây vì đơn vị Quân đóng ở vúng 1 chiến thuật.
 Nhưng mà “Trời xanh quen thói má hồng ghét ghen,” cho nên Vân đã phải hết nước mắt khóc vĩnh biệt cánh bằng Quân rơi rụng  trên vùng đất Quảng Trị trong một phi vụ chiến đấu diệt địch. Từ đó, trên cổ tay phải của Vân xuất hiện một vòng đen gồm 9 sợi chỉ đan vào nhau mà theo Vân nói đó là cách Vân chịu tang Quân để anh có thể “chín tầng nhang khói bay vào hư vô.”
Vân đã gầy còm vì nỗi đau đớn tột cùng. Đám học trò nhìn Vân ái ngại vì mỗi lần chúng đến thăm cô, đều thấy cô gục đầu trên chồng thư cũ mà khóc. Quân đã ra đi biền biệt từ chốn nầy nên mỗi lần nhìn thấy những chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời là Vân bật khóc nức nở. Chính nơi đó đã làm lòng Vân tan nát nên nàng quyết tâm từ bỏ để trở về quê hương sống với mẹ già, ngày ngày đến lớp vui cùng đám học trò nhỏ thân yêu...
Còn “ cô tú Phượng “ không chút do dự khi ghi danh vào Đại Học Luật Khoa Saigon vì cô luôn nhớ lời bóng gió trong thư của chàng lính biển: “Em gái ơi, em thử nhắm mắt lại rồi hình dung cảnh một chinh nhân áo trắng đứng đón trước cổng trường Luật, mỗi khi về phép,  để rồi tay trong tay dìu nhau trên con đường Duy Tân đầy bóng mát hoặc trên đường Phan đình Phùng tràn ngập lá me bay, Lúc chân đã mỏi thì quay lại Hồ Con Rùa, mặt trước của trường Luật, ngồi nhặt những lá vàng còn vướng trên tóc ... Ôi, thơ mộng biết bao nhiêu!” Tất nhiên, sau đó phần thưởng dành cho em gái hậu phương được “lên chức” sinh viên là Ngọc, người hùng của biển...


        Biển mặn nhưng tinh lính biển ngọt ngào, cho nên Phượng đã:
                Bao nhiêu sông trút ra lòng biển
                Ngần ấy tình em gởi một phương
        Thương nhớ khi cách xa, dỗi hờn khi chờ đợi vì:
                Lính biển vẫn thường thường hẹn sai
        Hứa về đầu tháng mà cuối tháng.
Chẳng thấy tăm hơi, cứ đợi hoài...

        Ngọc phải dỗ dành:
                Đời Hải Quân mang kiếp sống bềnh bồng
                Nhưng Hải cảng cuối cùng là em đấy!

        Nhớ mãi phút nồng nàn bên nhau:
                Nhớ nụ hôn quyện chặt lấy vành môi
Nhớ đôi tay anh mở rộng đón mời
Nhớ khóe mắt nụ cười sao âu yếm

    
Nhưng Phượng phải nuốt nước mắt khi tiễn Ngọc trở về đơn vị:
 Xa nhau chưa anh?
Sao lòng thấy lạnh?
                Sao dạ thấy nao?
Lệ chực tuôn trào.
 Và cuối cùng là khi Phượng bước lên năm cuối đại học cũng là lúc con thuyền yêu của chàng lính biển đã neo đậu ở một bến bờ khác.  Đâu thể quên Ngọc dễ dàng, Phượng đã:
        Hai năm rồi em chưa nguôi thương nhớ
        Chuyện chúng mình em ngỡ mới hôm qua
        Cứ tường rằng tình ái vẫn đậm đà
        Nên viết mãi... mặc dù là độc thoại!
        Con tim vỡ vụn tan tành nhưng Phượng cũng cố hết sức cho khỏi gục ngã để hoàn thành mảnh bằng Cử Nhân vào cuối năm. Phượng gần như kiệt sức khi thi xong nhưng nhờ Trời thương nên  Phượng cũng có được mảnh bằng Cử Nhân Luật.
          
                               Luật Khoa Đại Học Đường ngày xưa

        Tương lai vẫn còn mịt mờ ở phía trước mà nỗi buồn dang dở mãi vây kín trong lòng, Phượng không thể ở lại Saigon vì không gian nầy đã in quá nhiều hình bóng của Ngọc nên nàng khăn gói trở về quê nhà. May mắn thay, một người thầy cũ vừa mới mở một trường Trung Học Đệ Nhị Cấp và mời Phượng đứng tên thay, vì thầy không đủ điều kiện. Thế là Phượng trở thành hiệu trưởng tư thục Văn Học đồng thời cũng là giáo sư dạy giờ “bất đắc dĩ” của trường Trung Học Công Lập Tây Ninh.
        Dòng đời xô đẩy, hoa trôi bèo dạt thì cũng có lúc tự nó đưa về bến cũ. “Hai hoa lạc giữa rừng gươm” giờ cũng được gần nhau trong môi trường Giáo Dục ở quê nhà. Rồi tình buồn cũng qua đi, Vân lập gia đình với một nhà giáo còn Phượng thì với một kỹ sư ngành Nông. Cả hai đều là lính biệt phái của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH
                                          ***
        Mây xanh nước biếc, sóng lặng gió êm. Đời sống muôn màu muôn vẻ đối với người dân miền Nam lúc bấy giờ nếu không có biến cố 1975 xảy ra.  Vân và Phượng đều phải lặn lội thân cò, kiếm miếng ăn để nuôi con nhỏ và nuôi chồng đi tù cải tạo. Cũng may (?) là cả hai ông chồng đều ra tù sớm để cùng đỡ đần cho Vân và Phượng bớt đi gánh nặng.
        Năm 2013, đám bạn học ngày xưa rủ Vân, Phượng đi Mỹ, tham dự Hội Ngộ Liên Trường Tây Ninh ở Cali. Vân đi, còn Phượng thì từ chối vì hoàn cảnh gia đình vẫn còn rối rắm dù chồng Phượng mất đã hơn 10 năm.
Thật bất ngờ Vân gặp lại Thành trong cuộc hội ngộ, mừng mừng tủi tủi.  Vân ríu rít hỏi về gia cảnh của anh, anh cho biết là sau khi chia tay bạn bè, anh vào quân ngũ, sống đơn độc gần 10 năm ở Cái Bè ( nơi đơn vị đóng quân thuộc tỉnh Tiền Giang ), mãi đến cuối năm 1974 mới cưới vợ, Thành ngậm ngùi nói: “Lúc ấy, mỗi ngày nhìn cảnh chết chóc ở chung quanh, tôi nghĩ đã đến lúc phải đành để hình ảnh người yêu vào mộng, lấy người khác để tìm quên... Mới hơn nửa năm, chưa kịp quên người cũ và cũng chưa đủ mặn nồng cùng người mới mà năm 1975 phải đi tù cải tạo trên 3 năm, vợ bỏ đi vượt biên cùng người đàn ông khác.  Thế coi như đã ba lần thua cuộc, thôi thì giờ dành làm kẻ độc hành trên nước Mỹ...”
Thành cũng tha thiết muốn biết rõ ngọn ngành về Phượng trong thời gian xa cách nên vừa được địa chỉ email của Phượng do Vân cho,Thành liền viết thư ngay:
 Tôi im lặng lắng nghe tiếng lòng khẻ gọi tên em. Xin em hãy trả lại cho tôi những ngày xưa thân ái nơi trường cũ mà tôi ngồi bàn sau lưng em cứ mơ ước chuyện đâu đâu. Những giờ toán của thầy K H , giờ vật lý của thầy Tr c Ng sao mà căng thẳng và rắc rối quá. Nhìn em ngồi chăm chỉ theo dõi bài học tôi thầm khen em sao giỏi quá, hình như bài nào em cũng hiểu một cách thấu đáo, còn tôi nhìn lên bảng thấy những vòng tròn như đang nhảy múa trên mái tóc em, những “tán sắc ánh sáng” làm thành cầu vòng 7 màu, in trên nền áo dài trắng trinh nguyên em đang mặc.
    Xin em trả lại cho tôi những buổi tan trường về, tôi đứng chờ em trước cổng trường để nhìn nét mặt dễ thương của em mà chẳng bao giờ dám ngỏ lời yêu em, cô công chúa nhỏ của lớp đệ nhất B.
    Mùa tựu trường tháng 9 năm ấy, tôi được tin em vào đại học, tôi biết  em sẽ có một tương lai tươi sáng, đời  em sẽ thăng hoa sau khi ra trường, còn tôi, coi như mất em vĩnh viễn. Tôi vào quân đội chấm dứt những ngày tháng cắp sách đến trường, tôi giã từ bè bạn thầy cô không hẹn ngày trở lại. Đời chinh chiến biết tôi còn sống được bao lâu mà mơ với ước!
“ Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê”
          (Thơ Hữu Loan )
     Từ đó, tôi không nghe tin tức gì về em nữa. Đôi khi nghĩ về “Trường xưa bạn cũ” tôi tự hỏi không biết cô “công chúa nhỏ” ngày xưa ấy bây giờ ra sao? Em phiêu bạt phương trời nào rồi?
     Bất ngờ tôi “gặp” lại em dù là gặp trong “thế giới ảo”, sau nửa thế kỷ và cách xa hơn nửa vòng trái đất làm lòng tôi xao xuyến không nguôi.
                     Cali.  tháng 11/2013

         Thế là hai tâm hồn cô quạnh gặp lại nhau bằng hình tượng ảo sau 50 năm xa cách. Qua email, web, blog, facebook..., Phượng và Thành đã múa bút để cùng đồng điệu thơ văn. Họ không ngần ngại khơi lại những kỷ niệm cũ từ thời trung học và những nỗi buồn xa cách hằng nửa thế kỷ qua.
        Ba năm chạy đua với không gian và thời gian để tận
hưởng hạnh phúc ảo cuối đời đã khiến Thành như con
chim sẽ thoát ra khỏi bụi tre gai để bay lượn trên bầu trời
bao la rộng lớn, còn Phượng thì giống như một nữ tu từ bỏ
dòng kín để bước chân vào thế tục...
          Hàng trăm bài viết tràn ngập lầu thơ văn Phượng
Thành, nói lên tình yêu quê hương đát nước, nhất là tình
yêu ngọt ngào nồng thắm của đôi bạn già cách xa vạn
dặm.  Chỉ cần một giọt nước mắt của Phượng nhỏ xuống
vì anh là Thành đã đứng ngồi không yên:
        Cám ơn em đã dành cho anh cảm tình đặc biệt. Anh không nghe tiếng em khóc nhưng cảm nhận được hơi em thở và cả nước mắt em ràn rụa trên gối nữa, mặc dù cách xa ngàn dặm... Bây giờ anh lo cho em còn hơn là lo cho bản thân mình vì đau thương đã làm anh chai đá rồi, hơn nữa anh còn bạn bè và nhiều thú vui lành mạnh khác nên giờ có thêm đau buồn cũng chẳng hề hấn gì anh. Nhưng với em thì khác, em đã cô đơn hơn 10 năm rồi, bây giờ nếu em buồn nữa thì sẽ sinh bịnh trầm cảm mất thôi.
     Nhận được sự an ủi của em, anh thấy rộn lên niềm vui khó tả... và... sao thấy như em đang ngồi cạnh anh vậy?
                                   ***
        Không thể kềm chế được lòng nên Phượng Thành đi
đến quyết định một lần gặp lại nhau cho thỏa nhớ mong.
Cũng không khó để nhận ra nhau ở sân bay vì cả hai đã được xem nhiều hình ảnh không hề trau chuốt, chụp từ truóc. Sau khi quan sát đối phương, Phượng hóm hỉnh hỏi Thành:
- Liệu có sẵn sàng để chạy mất dép chưa?
Thành cười, bóp nhẹ tay Phượng, trả lời:
- Chạy làm sao cho thoát vì tóc mai sợi trắng sợi đen của
em đã quấn quá chặt con tim nầy rồi nên anh phải làm trái
tim ngục tù trọn kiếp thôi.


        Ba năm đợi chờ trong ảo ảnh, giờ  một lần gặp lại
đã tròn nguyện ước. Gần một tháng dong ruỗi khắp nơi
tìm về kỷ niệm cũ khiến cả hai mệt nhoài nhưng hạnh
phúc ngọt ngào in đậm trong ký ức đến mãi nghìn thu:
                Biển sóng reo vui không còn hờn tủi
Trăng sáng mây xanh mừng hội sao đêm
Suối tương tư  róc rách chảy êm đềm
Đâu cần biết đêm ngày hay tối sáng!

        Cho nên:
Chưa xa đã nhớ nhau rồi
Mai anh về chốn xa xôi nghìn trùng...
                                               ***
                Chia tay trong nước mắt, Phượng lặng lẽ trở về nhà mà hồn đã lạc theo chuyến bay có Thành trên đó, nàng thầm cầu mong cho anh về bên ấy được bình an ở mọi chốn mọi nơi dù rằng nơi đây Phượng không còn ai  nâng đỡ chở che !

Anh đi rồi lấy ai che nắng gió?
Bóng dáng lêu nghêu bước chậm bên em?
Gió thổi tóc bay lướt nhẹ môi mềm?
Sợi trắng sợi đen thấm tình ngọt mặn...?



         Nuốt ngược dòng nước mắt, Phượng nhủ với lòng:  
Chừng nào con tim còn nhịp đập
Em vẫn còn yêu anh ngất ngây...

        Saigon 22/06/2016
         Vkp phượng tím




Không có nhận xét nào: