Ôn chuyện cũ:
Thi Cử Trước Đây
Bài viết của Hoàng Đằng
Từ 01/7 đến 04/7/2016, kỳ thi Phổ Thông Trung Học Quốc Gia sẽ được tổ chức nhằm đánh giá kết quả học tập của tất cả học sinh Việt Nam học xong chương trình lớp 12. Kỳ thi có 2 mục đích: một là công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, hai là làm cơ sở xét tuyển vào đại học.
Nhân dịp này, tôi muốn ôn lại chuyện thi cử trước đây với người xưa và cung cấp một ít thông tin cho người nay.
Trước đây, kể từ khi mới vỡ lòng cho đến xong bậc phổ thông trung học, học sinh phải qua 5 kỳ thi đánh giá (examen) lực học mỗi giai đoạn, chưa kể các kỳ thi tuyển (concours); sau mỗi kỳ thi, nếu đỗ, được cấp chứng chỉ - certificat - hay bằng – diplôme.
Bài viết này chỉ giới hạn trong thời kỳ tân học (chương trình học dùng chữ Pháp thời Pháp thuộc rồi chữ Quốc Ngữ trong vùng Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát), không “với” tới thời kỳ cựu học (chương trình học dùng chữ Hán) và thời kỳ tân học trong vùng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát.
Trước năm 1945, bậc tiểu học gồm 6 năm. Xong ba năm đầu, thi Yếu Lược; học thêm 3 năm nữa, thi Tiểu Học. Người học xong yếu lược về trong cộng đồng, được trọng vọng, có thể giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành việc hương thôn, làng xã (lý trưởng, hương chức ...). Sau năm 1945, bậc tiểu học rút bớt 1 năm, còn 5 năm; kỳ thi Yếu Lược bỏ; học sinh học xong 5 năm thi bằng Tiểu Học. Người có bằng Tiểu Học có thể đi làm công sở nhà nước, có thể làm giáo viên dạy các lớp bậc yếu lược.
Bậc trung học gồm 7 năm, chia ra 2 cấp:
- Xong 4 năm đầu, thi bằng Thành Chung (trung học đệ I cấp); người có bằng Thành Chung có thể xin làm công sở nhà nước, sau một thời gian kinh nghiệm, có thể lên hàng lãnh đạo: quản lý, điều hành, giữ những chức vụ như chủ sự phòng (trưởng phòng); người có bằng thành chung cũng có thể xin bổ dụng giáo viên dạy bậc tiểu học, vào quân đội, trước năm 1962, được gởi đi học để ra sĩ quan.
- Nếu không đi làm, học thêm 2 năm nữa, thi Tú Tài phần 1; đỗ Tú Tài phần 1 chỉ được cấp chứng chỉ, không cấp bằng. Xong Tú Tài phần 1, học thêm một năm nữa, thi Tú Tài phần 2 (trung học đệ II cấp), đỗ Tú Tài phần 2 được cấp bằng, gọi là bằng Tú Tài. Người có bằng Tú Tài, nếu không học tiếp đại học, có thể xin tuyển dụng vào nhiều việc: công chức trung cấp, đào tạo thành sĩ quan quân đội hiện dịch …
Thi cử không chỉ dành cho học sinh mà còn dành cho những người tự học, gọi là thí sinh tự do. Thành phần thí sinh tự do này, bằng nhiều cách, cố gắng học xong chương trình cấp mình muốn thi. Trong hồ sơ xin thi, có thêm giấy chứng nhận đã dạy thí sinh hết chương trình bậc học liên quan do một vị nào đó có trình độ cao hơn theo quy định cấp - thi Tiểu Học, vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp; thi Trung Học Đệ I cấp, vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có bằng Tú Tài; thi Tú Tài, vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có bằng Cử Nhân.
Và mỗi kỳ thi được tổ chức 2 lượt cách nhau khoảng trên 2 tháng (khoảng đầu kỳ nghỉ hè và cuối kỳ nghỉ hè); lượt 2 dành cho những người không đỗ lượt 1 hay, vì một lý do gì đó, không dự thi lượt 1 được
Theo thời gian, khi số học sinh tăng lên nhiều, do thi cử tổ chức tốn kém, các kỳ thi rút bớt hoặc bỏ dần.
Năm 1956, kỳ thi Tiểu Học bỏ. Năm 1966, kỳ thi Trung Học Đệ I Cấp (Thành Chung) bỏ.
Năm 1973, kỳ thi Tú Tài phần 1 bỏ. Như thế, sau 12 năm học (5 năm tiểu học + 7 năm trung học), học sinh chỉ còn kỳ thi cuối bậc phổ thông, gọi là thi Tú Tài.
Đó là nói thi cử dành cho học sinh; còn đối với những thành phần tự học, hàng năm vẫn có tổ chức thi cử để chứng nhận trình độ học vấn từng bậc học mà ban phát quyền lợi tương ứng cho họ.
Thi Tiểu Học chỉ có thi viết; còn thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, thi Tú Tài phần 1 và thi Tú Tài phần 2 gồm 2 phần: thi viết và thi vấn đáp; đỗ thi viết mới được thi vấn đáp. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau, phần thi vấn đáp cũng bỏ dần - phần thi vấn đáp kỳ thi Thành Chung bắt đầu bỏ từ năm 1960; phần thi vấn đáp kỳ thi Tú Tài bỏ từ năm 1968.
Cách làm bài thi theo hình thức “tự luận”; mãi đến năm 1974, thi “trắc nghiệm” được đem ra sử dụng và bài thi của thí sinh được chấm bằng máy điện toán.
Ngày trước, thi cử khó, mức đỗ của thí sinh không cao như bây giờ (trên 90%); trường nào có mức đỗ 50% thì đã có thành tích vang dội.
Các tân khoa có 5 cách xếp hạng: Thứ (trung bình); Bình Thứ (trung bình khá); Bình (khá), Uu (giỏi) và Tối Ưu (rất giỏi). Đỗ hạng Thứ là may lắm rồi, đỗ hạng Bình Thứ rất ít; đỗ hạng Bình đã là hiếm, đỗ hạng Uu thuộc loại quý hiếm, vài ba năm mới có thí sinh đạt hạng Ưu, còn đỗ Tối Ưu, e rằng không có.
Trong cộng đồng, do nhiều lý do (nghèo, khả năng tiếp thu chậm…), số người đi học ít, người đi học rất được xã hội trọng vọng, lại được sàng lọc qua nhiều kỳ thi, vì vậy, trước đây, trình độ những người cùng cấp học không chênh lệch nhau bao nhiêu.
Tôi viết ra những gì mình nhớ để ôn lại chuyện cũ cùng người xưa và giúp các thế hệ đến sau biết về quá khứ. Thế thôi!
02/6/2016 (27/4/Bính Thân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét