Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Đôi điều tâm sự: Giang Hồ Khí Cốt - Đỗ Chiêu Đức


Đôi điều tâm sự:
                     Giang Hồ Khí Cốt

        Nhân đọc bài Tạp Ghi "Tiếu Ngạo Giang Hồ" của Thầy Đoàn Xuân Thu, làm cho tôi xúc động tâm tình nhớ đến một tình huống... Tiếu Ngạo của mình (nhưng chưa có Giang Hồ!) Bây giờ thì xin Quý vị hãy đọc lại bài thơ "Giang Hồ" của Phạm Hữu Quang, để thấy được thế nào là Giang Hồ và cái "Khí Cốt  Giang Hồ" là ra làm sao?!... thì mới thấm thía được câu chuyện tôi sẽ kể dưới bài thơ nầy...
     ...Phạm Hữu Quang (1952-2000), quê Thốt Nốt, Cần Thơ, có bài thơ “Giang Hồ” đọc nghe rất đã và rất tiếu ngạo giang hồ...
 
Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng…

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu…

Giang hồ ta chẳng thay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

             Phạm Hữu Quang

 
      Trước khi kể chuyện của tôi, xin mời tất cả chúng ta cùng ôn lại hai tác giả lớn trong văn học cổ Việt Nam ta nhé, đó là...
       
    Inline image Nguyễn Khuyến, Tam nguyên Yên Đỗ, vì ông ở làng Yên Đỗ và đậu đầu 3 cuộc thi nên gọi là TAM NGUYÊN: Đậu đầu thi hương gọi là HƯƠNG NGUYÊN  (còn gọi là GIẢI NGUYÊN), đậu đầu thi hội gọi là HỘI NGUYÊN và đậu đầu thi đình gọi là ĐÌNH NGUYÊN  (còn gọi là TRẠNG NGUYÊN). Ông rất giỏi vể làm câu đối. Ngày xưa, khi nhà có điều hiếu hỉ như đám cưới, đám ma... thường được mừng chúc hoặc chia buồn bằng đôi câu đối. Muốn có câu đối hay thì phải nhờ đến những bậc Đại khoa có tài như Nguyễn Khuyến làm thì mới có giá trị. Muốn nhờ những bậc đại khoa nầy làm câu đối thì phải có lễ vật, tốn kém vô cùng. 
          Một hôm, có một anh kia mang lễ vật rất hậu đến nói với cụ Tam Nguyên rằng: Nhờ cụ làm cho một đôi câu đối mà hiếu hay hỉ gì cũng dùng được cả vì đám cưới, đám ma, chúc thọ... nhiều quá, mỗi lần đều rất tốn kém, thà tốn một lần cho xứng đáng để khỏi phải mỗi lần mỗi tốn. Cụ cười cho cái hảo ý của anh ta, và viết cho đôi câu đối như sau:
         
     Nhất đức tại thiên tùy phó phận,    一德在天随付份,
     Thất tình ư ngã khởi vô tâm.          七情於我豈無心.

Giải thích như sau:
       * Nếu là đám cưới sẽ có nghĩa như thế nầy: Cái đức là do Trời ban, duyên Trời rung ruổi phải gặp số phận nhân duyên như thế. Về mặt tình cảm của con người  (Thất tình là Hỉ, Nộ, Ái , Ố, Ai, Cụ, (lạc), Dục) Tôi đâu thể vô tâm trước cái vui của quý vị... (Khởi vô tâm: có nghĩa: Sao mà có thể vô tâm cho được!)
        * Nếu là đám ma thì sẽ giải thích như sau:  Cái đức do Trời ban cho số phận có bao nhiêu đó mà thôi (đừng buồn nữa). Về mặt tình người thì tôi đâu thể vô tâm làm ngơ (trước sự tang tóc của các vị cho được!...)
        * Nếu là chúc thọ thì lại có nghĩa: Cái đức của Trời cho được hưởng phước phần trường thọ là vậy, còn về nhân tình thì tôi cũng đâu thể làm ngơ, tức là tôi cũng chúc mừng cho quý vị đó! 

Image result for Trần Tế XươngBây giờ, thì ta nói về Trần Tế Xương nhé! TTX có một bài thơ  theo thể HÁT NÓI là "Tết Dán Câu Đối", trong đó có 2 câu đối rất hay. Mời Quý vị cùng đọc bài Hát nói sau:
 
"Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống chi mình cũng đã đỗ tú tài
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối
Đối rằng:
"Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài 
  極 人 間 之 品 價,       風 月 情 懷
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt” 
  最 世 上 之 風 流,    江 湖 氣 骨

Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay
Rằng hay thì thật là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài

Xưa nay em vẫn chịu ngài".  
         Hai câu đối trên thuộc loại Câu đối 10 chữ, (thuộc loại văn Biền Ngẫu kiểu Tứ Lục & Lục Tứ) có nghĩa như sau:

        Câu 1:  Cái phẩm giá cao nhất trong đời nầy là:  Tình hoài vọng về gió trăng phong nguyệt (chỉ sự cao thượng, không nhuốm mùi tiền bạc tầm thường của thế tục).
       Câu 2:  Cái phong lưu nhất trên đời nầy là: Khí cốt của kẻ giang hồ (rày đây mai đó, không màng đến lợi danh tầm thường của nhân thế!)
           
 Inline image Bây giờ thì tôi sẽ kể một câu chuyên về bản thân tôi nhé! 
       Năm tôi 20 tuổi, nghĩa là đã đi dạy học được 2 năm rồi, và cũng có nghĩa là đến tuổi động viên phải đi lính rồi. Tôi là Chuyên viên Điện ảnh của Sư đoàn 3 Không Quân Biên Hòa. Cuối tuần, thường hay đi phép về Chợ Lớn, Ở trọ nhà một người bạn học cũ. Một hôm, khi vừa về đến Chợ Lớn thì ông bạn của tôi cho biết tin là mẹ của người chủ nhà trọ qua đời tối hôm trước. Trong lúc bất ngờ, không kịp chuẩn bị, sẵn miếng vải lị ông bạn tôi làm để điếu tang, tôi viết luôn đôi Câu đối của Cụ Nguyễn Khuyến lên đó:

    Nhất đức tại thiên tùy phó phận,   一德在天随付份,
    Thất tình ư ngã khởi vô tâm.         七情於我豈無心.

        Lúc đó, tôi còn trẻ, nét chữ còn mạnh mẽ như rồng bay phượng múa, làm cho một người bà con đến điếu tang trầm trồ và tìm đến gặp tôi để hỏi thăm... đủ thứ. Sau đó, hỏi lại người bà con, mới biết Ông ta họ Lưu và là vua mức bí của Chợ Lớn, thấy tôi tuổi trẻ mà viết được Câu đối cao siêu làm vậy, lại thêm nét chữ thanh nhã bay bướm, nên mới hỏi thăm gia thế và định bắt tôi... làm rễ. Mời tôi đến nhà chơi, ăn cơm, để cho con gái ông ta xem mắt, và rất thường xuyên lui tới với gia đình ông bạn của tôi.
       Chuyên tưởng như xong xuôi đâu đấy cả rồi, chuyến nầy chuột sa hủ nếp, tha hồ mà béo nhé! Tết năm đó, tôi ăn mức bí ngọt tới tim luôn, sẵn hứng chí, thừa thắng xông lên, tôi viết luôn một đôi liễn Tết dán lên nhà của người bà con để khoe tài. Đó là đôi liễn "quỷ quái" của Ngài Trần Tế Xương đó:
     Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,
       極 人 間 之 品 價,       風 月 情 懷
     Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.
       最 世 上 之 風 流,    江 湖 氣 骨 !

       Ông Vua mức bí đến xem thấy, hỏi của ai viết, rồi bảo gở xuống, và từ đó ông ta không thèm hỏi thăm đến tôi nữa. Đợi hoài không thấy động tịnh gì cả, tôi đâm nghi ngờ, rồi hỏi thăm người bà con, thì được họ nói cho biết như sau:
       Trước đây, ông ta thấy tôi tuổi trẻ mà có học thức, văn hay chữ tốt, nên định chiêu tôi làm rễ để tiếp giúp ông ta quản lý sổ sách, phát triển làm ăn, chừng thấy câu đối Tết của tôi, Ông ta nản chí quá. Suốt ngày nó cứ "Phong nguyệt tình hoài" hú hí với con gái mình hoài, không biết lo làm ăn, lại còn "giang hồ khí cốt" nữa chứ, không khéo nó rủ rê con gái mình bỏ nhà theo nó đi giang hồ thì bỏ bu luôn. Không được, phải kiếm thằng nào chí thú làm ăn, giúp ông ta làm giàu thêm nữa thì mới được... Thế là vãn tuồng cải lương!
       Quý Vị thấy đó, đồng thời cũng là một Câu đối, nhưng Câu đối của Nguyễn Khuyến thì người ta khen hay muốn gả con gái cho, còn Câu đối của Trần Tế Xương thì làm hư việc hết... Suy cho kỹ thì cũng tại mấy chữ "Giang hồ Khí cốt" mà ra cả!

       Đây là chuyện thật một trăm phần trăm của đời tôi hồi còn trẻ, tuổi trẻ thường sống với lý tưởng cao nhã, tình cảm cao thượng mà phóng túng, không chịu gò bó vào vòng danh lợi, không nuốn hơn thua với đời, mà chỉ chuộng cái khí cốt giang hồ thanh cao, đẹp đẽ... Hơn nữa, Trần Tế Xương là một tác giả lớn trong chương trình học, mà học sinh nào thích văn chương đều rất ngưỡng mộ, đâu có ngờ câu đối của ông ta lại cho "ép phê ngược" như thế! Thì ra cuộc đời thực tế khác hẵn với cuộc đời trong văn chương là vậy! Lúc đó, tôi cũng rất ngạc nhiên là, tại sao câu đối của Trần Tế Xương hay là thế, mà lại bị chê dữ vậy...
        Bây giờ thì đầu đã bạc rồi, con người đâm ra thực tế hơn. Nói thật, nếu bây giờ có "thằng nào đó" mà có cái "Khí cốt giang hồ" đến để hỏi cưới con gái tôi, thì chắc tôi cũng lắc đầu từ chối, trừ phi con gái tôi nó chịu!... (Nói chơi, chứ con gái tôi đã có chồng con hết rồi!)
   
                       CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ

       Sẵn đang trên đà hồi tưởng, xin cho Đỗ Chiêu Đức tôi kể luôn một câu chuyện văn chương thời trai trẻ cùa mình nữa cho nó đủ bộ...
         
       Inline image   Như trong bài "Giang hồ Khí cốt" vừa rồi có nói, tôi là Chuyên viên Điện ảnh của Sư Đoàn 3 Không quân Biên Hòa, Phòng Điện Ảnh của Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị, thuộc loại lính Thành phố. Trong Không Quân có lệ, gọi thượng cấp là Ông Thầy, nhất là các loại lính nghề, lính kỹ thuật... Các Trung sĩ, Thượng sĩ, nhất là các Chuẩn úy già... đều là "Ông Thầy" cả! Đặc biệt, chỉ có anh Binh Nhất Đỗ Chiêu Đức, mặc dù là lính, nhưng vẫn được mọi người gọi bằng Ông Thầy! Tại sao?!  Xin thưa: Có 3 lý do như sau: Thứ nhất, là vì mọi người đều biết anh ta là thầy giáo xuất thân, là thanh niên nhưng trông đạo mạo như một ông cụ non, tác phong nghiêm chỉnh, chửng chạc. Thứ hai, là mọi người đều biết anh ta rất giỏi chữ Nho và văn chương, có gì thắc mắc về mặt chữ Nho chữ Hán, cứ tìm anh ta là xong ngay. Thứ ba, là lý do quan trọng nhất, vì anh ta là... Chuyên viên Phòng Tối... Chuyên rửa, rọi và tráng phim ảnh. Hễ anh em nào, kể cả cấp chỉ huy, sĩ quan... nhà có đám ma, đám cưới... thì sau đó đều phải kiếm anh ta để... rửa dùm vài cuốn phim, nên câu mà anh ta thường nghe nói nhất là: "Ông Thầy... giúp rửa dùm vài cuồn phim nhen!" Lúc bấy giờ, lính Mỹ đã rút hết, giao toàn bộ cơ sở vật chất đã xây dựng lại cho quân đội VN tiếp nhận, trong đó có Phòng Điện ảnh với đầy đủ thiết bị máy móc tráng, rọi, và rửa phim ảnh, kể cả máy xấy hình và một lô giấy KODAK khổng lồ gần hết DATE, nên ông Trung Tá Tham Mưu Phó CTCT cho sử dụng thoải mái, và vì anh ta là lính trẻ, độc thân, nên ở luôn tại phần sở TMP của mình, vì thế mà ban đêm, thức tráng phim, rửa hình thoải mái.  Cứ phim đưa ngày hôm nay thì sáng hôm sau đã có hình rồi!  Mau hơn ngoài tiệm nhiều mà lại... khỏi tốn tiền nữa, nên kêu một tiếng "Ông Thầy" không ai tiếc cả!
       Sau Hiệp Định Ba Lê năm 1973, mọi người đều đinh ninh là... Hòa Bình sắp đến, ai cũng mong chờ và hy vọng, nhưng sau những đợt trao trả tù binh... súng vẫn còn nổ lai rai hoài, thấy mà phát rầu, riêng Tham Mưu Phó CTCT của Sư Đoàn thì lại rộn rịp hẳn lên, cấp trên chỉ thị xuống là thời gian sắp tới đấu tranh Chính Trị là chính trong Hòa Hợp Hòa Giải dân tộc, rồi Tổng Tuyển Cử  v.v... và v. v.... Nhưng, đợi mãi , vẫn không thấy gì, 1973 đi qua, rồi 1974 cũng đi... tuốt, nên Tết đầu năm 1975, anh lính trẻ có làm 2 bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt để gởi đăng báo như sau:
 
         長望和平          TRƯỜNG VỌNG HÒA BÌNH
 
     機場野草炎黃色     Cơ trường dã thảo viêm hoàng sắc
     難使春風吹又生     Nan sử xuân phong xuy hựu sanh
     不見梅花和燕子     Bất kiến mai hoa hòa yến tử
     年來未覺有何更 !   Niên lai vị giác hữu hà canh !
 
     年來未覺又何新 ?   Niên lai vị giác hựu hà tân,? 
     烽火猶愁軍與民     Phong hỏa do sầu quân dữ dân
     長望和平長不到     Trường vọng hòa bình trường bất đáo
     不求春至又逢春 !   Bất cầu xuân chí hựu phùng xuân !
 
Chú thích :
       * "Xuân phong xuy hựu sanh" là lấy ý ở hai câu thơ của nhà thơ Bạch Cư Dị là "Dã hỏa thiêu bất tận, xuân phong xuy hựu sanh , 野火燒不盡,春風吹又生". Có nghĩa: Sức sống của cỏ ngay cả "Lửa dại đốt cũng không thể chết được, vì khi gió xuân thổi là tất cả cỏ dại sẽ xanh tốt trở lại ngay!" 
       * "Cơ trường": là Phi trường. Ta gọi Phi trường nghĩa là Sân bay, Sân để cho máy bay cất cánh bay đi. Còn người Hoa gọi là Cơ Trường, là Sân để cho máy bay đậu. Đây gọi là tập quán ngôn ngữ và là cái khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hoa. Một ví dụ nữa như: Ta gọi Người Xem là Khán Giả, còn người Hoa gọi là Quan Chúng...

Dịch nghĩa :
       Cỏ trong phi trường vàng úa như bị cháy xém, khó có thể nào gió xuân thổi mà có thể xanh tốt trở lại được.  Cũng chẳng thấy có hoa mai nở và chim én bay lượn, mùa xuân đã đến rồi mà lại chẳng thấy có gì thay đổi cho có vẻ xuân cả!
       Chẳng có gì đổi mới cho có vẻ xuân thì xuân đến mà chi?  Chiến tranh vẫn còn làm cho quân và dân lo rầu buồn bã. Dài cả cổ trông ngóng Hòa Bình, mà hòa bình nào có tới cho đâu, chẳng cầu mùa xuân đến thì lại vẫn phải đón xuân như thường!

Diễn nôm:
                Phi trường cỏ dại vàng như cháy,
                Gió xuân khó khiến lại xanh um.
                Cũng chẳng hoa mai, chim én lượn,
                Xuân sang chẳng thấy có gì xuân!
 
               Chẳng có gì xuân sao gọi xuân?
               Chiến tranh sầu muộn cả quân dân
               Trông ngóng hòa bình trông chẳng thấy
               Chẳng cầu xuân đến lại mừng xuân!
 
       Hai câu cuối của bài Tứ Tuyệt sau là nhại ý của hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:
                   Tôi có chờ đâu có đợi đâu
                   Mang chi xuân đến gợi thêm sầu!
 
       Được phép của Ngài Trung Tá Tham Mưu Phó CTCT Phạm Kim Lân, anh ta viết luôn một đôi liễn Tết dán ở phía trước Văn Phòng chánh của TMP CTCT như sau:
 
        戰征 難阻春風至    CHIẾN TRANH nan trở xuân phong chí,
        政治 猶期勝利來    CHÍNH TRỊ do kỳ thắng lợi lai.
 
Dịch nghĩa :
        Chiến tranh cũng khó mà cản trở được gió xuân thổi đến ,
        (chiến tranh thì chiến tranh, mùa xuân đến thì vẫn cứ đến).
        Chính trị thì còn đang kỳ vọng vào thắng lợi sắp đến!
 
        Câu đối trên còn hay ở chỗ dùng được 4 chữ CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ để mở đầu 2 câu đối và nêu được cái nhiệm vụ chính yếu của CTCT trong thời gian sắp tới!
        Rất tình cờ, thằng bạn Nguyễn Hoàng Hưng cũng là Chuyên Viên Điện Ảnh ở Sư Đoàn 4 Không Quân, phi trường Trà Nóc, Thành phố Cần Thơ, gọi điện xin đôi câu đối để dự thi cho Đặc San hay Giai Phẩm xuân gì đó của TMP CTCT Sư Đoàn 4 KQ, tôi bèn gởi ngay 2 câu đối trên cho anh ta với đầy đủ giải thích, rồi quên luôn... Hai ba tuần sau, Hưng vui mừng gọi điện cho tôi báo tin là đã trúng Giải Nhất và được đăng trên Giai Phẩm Xuân của đơn vị. Rất tiếc là tình hình thời sự... lu bu của lúc ấy, nên tôi cũng không có nhận được báo do Hưng gởi tặng.....

                        Đỗ Chiêu Đức 




Không có nhận xét nào: