Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

* Tháng Ba Con Đường Máu - Phạm Nguyễn Định


Tỉnh Lộ 7B Mỹ Thạnh Tuy Hòa - 

Tháng Ba Con Đường Máu
(Chuyện kể lại những ngày bỏ Kontum đi giữa tháng 3/1975 trên liên tỉnh lộ 7B)

    Tôi và đám bạn cùng chỗ làm ở Kontum vừa xuống tới Pleiku trời nhá nhem tối, thì dưới này, quân đoàn 2, theo lệnh tướng Phú, đã rút khỏi cao nguyên từ giữa trưa ngày 15 tháng 3, và cho tới hôm nay, 17 tháng 3, đoàn quân này có lẽ đã đi khá xa rồi. Bộ Tư Lệnh đèn đuốc còn đó nhưng cổng sắt mở toang; bộ Chỉ Huy Cảnh Sát vùng 2, bên cạnh khách sạn Thanh Lịch quen cũng không khác gì, giấy tờ hồ sơ nằm tứ tung trong sân từng đống, tất cả đều không một bóng người. Dân chúng ở đây, già trẻ lớn bé, nhốn nháo hổn loạn, chạy lên chạy xuống, ơi ới hò hét gọi nhau, chất dọn bất cứ cái gì họ có, tủ giường chiếu gối, quần áo dép giày, nồi niêu son chảo lên đủ mọi loại xe, xe cam nhông, xe lam, xa ba bánh, xe Honda và cả xe đạp, trước khi lôi kéo nhau, lên ngồi chật cứng, lúc lơ lúc lắc trên những đống đồ cao. Xe nào xong, không ai chờ ai, lẳng lặng nổ máy, nối đuôi nhau mà đi.       


    Ngồi trên xe, chạy một vòng, ngược đoàn xe, đoàn người gánh gồng đi bộ, từ Tòa Hành Chánh, qua đường Hoàng Diệu, ngang rạp chiếu bóng Diệp Kính, xuống cổng phi trường Cù Hanh, rồi bọn tôi quay trở lại cư xá tỉnh, nơi đám công chức của Pleiku và Kontum đang tụ họp, ngóng ngóng chờ chờ ở đó. Cảnh vật sao thê thảm như thế này! Hai bên phố, tiệm quán cái cửa đóng kín, cái mở toang, trên đường súng ống, áo lính giày trận, nón sắt nằm ngổn ngang, la liệt, cái này đè lên cái kia phủ một màu bụi đỏ, dưới ánh đèn điện vàng vỏ lạnh lùng giữa màn sương đầu đêm vừa xuống. Bọn tôi nhìn nhau, không biết nói gì hơn, lắc đầu. Trở lại cư xá tỉnh, không xa Tòa Hành Chánh bao nhiêu, đám công chức các ty sở Kontum, Pleiku và gia đình vợ con nhốn nháo, lo sợ ra mặt, cứ lần quầng bên trong hàng rào, bàn ra tán vào, đoán này đoán nọ, chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cứ như vậy mà chờ chờ ngóng ngóng cho tới giữa khuya. Trong lúc đó, dân chúng Pleiku lần lượt tiếp tục ra đi. Cuối cùng, mọi người không ai bảo ai, mạnh ai nấy lo, không có lời từ giã cũng như hẹn gặp lại. Họ lẳng lặng từng xe một rời đi, giữa màn đêm âm u, một màu chướng khí. Tôi cùng đám bạn Kontum lên xe, chiếc xe Ford loại cứu thương, nhập theo đoàn người di tản rời khỏi thị xã Pleiku quá khuya đêm đó,  xem  Kontum và Pleiku đã bỏ ngỏ, không kèn không trống, không văn thư không lệnh lạc vào đầu đêm ngày chủ nhật 17 tháng 3 năm 1975.
    Đoàn người di tản, đi xe đi bộ, lính có dân có, chắc cũng trên cả chục ngàn, cứ lầm lũi mà đi, đêm không nghe tiếng súng. Qua một đêm chịu đựng cái lạnh của núi rừng cao nguyên, rạng sáng, tới ngã ba cách thị xã Pleiku về hướng Nam độ 40 cây số, ngã ba Mỹ Thạnh, đoàn người xuôi theo hướng liên tỉnh lộ 7B. Con đường này nối quốc lộ 14 ở Pleiku đi Phú Yên, dài chừng 250 cây số, đã không dùng, bỏ hoang từ chục năm nay, không xe cộ không bộ hành, núi rừng hiểm trở, chạy ngang qua Phú Bổn. Đoàn người theo dấu giòng người đi trước mấy ngày, tiếp tục đi, vì Ban Mê Thuộc mất rồi, Bắc quân chiếm Phước An, Phú Nhơn từ mấy ngày trước.
      Từ Pleiku xuống tới ngã ba Mỹ Thạnh, suốt một ngày đêm, đường không có gì trở ngại, khỏe thì đi, mệt thì nghỉ rồi cứ thế mà đi tiếp. Bắt đầu vào liên tỉnh lộ 7B, đường chật cứng, nhỏ hẹp, hai bên là rừng mây, chằng chịt, đất đá chen nhau lởm chởm, ngày nắng như thiêu như đốt, đêm lạnh rùng mình. Người lớn thì còn chịu được, tội nghiệp con nít, tội tình gì mà phải như vầy. Vẫn không có tiếng súng, đoàn người và xe cộ chậm chạp, lừ đừ qua đèo Chu Sê, dưới bóng trăng lên pha lẫn ánh đèn của hàng mấy chục chiếc xe GMC, xe Dodge  cùng một số xe hơi dân sự chở đầy người nối đuôi nhau. Từ giữa đoàn, chỗ xe tôi, tính từ đầu, đoàn người dài hơn mấy cây số, đó là chưa kể mấy ngàn người ở phía sau, vào tới Hậu Bổn cũng phải mấy chục cây số nữa, tới sáng chưa chắc đã xong. Sáng hôm sau, nắng chang chang, đoàn người ngang Phú Thiện, không người hoang vắng, lác đác đâu đó hai ba người đàn ông Thượng, không biết sắc tộc nào, áo quần đầy bụi, chậm chạp, ung dung, đẩy xe đạp, trên chất đầy bao bố này bao bố kia, ngược đoàn người di tản, về hướng buôn làng xa nào đó, thằng bạn H ở Phú Thiện chắc cũng đã bỏ đi từ lâu.
    Rồi chuyện gì xảy ra cũng xảy ra, qua cầu Phú Thiện không lâu, sau đó xe hơi, xe Honda, xe GMC bắt đầu lần lần phải bỏ nằm lại, máy móc không hư hao gì nhưng không còn xăng đâu nữa mà chạy. Xe Honda giờ này cho không cũng chẳng ai thèm lấy, chủ nhân quăng đại bên lề rừng. Người bám người, bồng bế nhau, may thì xin quá giang các xe nào còn chỗ nhét lên được, không thì tay xách tay mang, dắt díu mà đi tiếp, không đi nổi ngồi lại thở dốc, nhìn trời cao đất rộng than trách cầu xin. Đói khát là chuyện dĩ nhiên, không biết và cũng không thấy là người ta ăn uống ra sao. Bọn tôi nhờ trên xe có mấy chục gói mì ăn liền, ăn khô không nước  và hai ba nãi chuối chín mang theo từ Kontum, cho sáu miệng ăn, giờ còn lại hai ba gói. Đi như vậy, mấy ngày trời, vừa nóng lòng vừa sợ, mà sợ thật, nếu không về tới ngoài đó, Tuy Hòa, Nha Trang, bị kẹt lại vùng bị chiếm, số phận cũng khó biết ngày sau sẽ ra sao nên khi đói thì chia nhau bẽ từng bốc mà ngậm, nước uống nhờ vào bình nước ni lông 20 lít trên xe, cũng hớp một hớp hai, chớ không làm gì khác hơn.
    Trong bóng đêm, người tiếp nối người, chật kín cả con đường loang lở, xe cộ né tránh mà chạy, chạy chậm hơn người, không ai buồn ngó. Qua lưng chừng đèo không lâu, xe của bọn tôi cũng cùng chung số phận, còn chút xăng đó nhưng cũng chỉ hai ba chục cây số nữa là cùng, không còn nhớt máy, máy nóng quá, tưởng như xe sắp nổ tung. Thôi đành, chúng tôi quyết định cho xe chạy ủi vào một khoảnh đất nhỏ, bên bờ cái hố, bỏ lại đó, rồi ai nấy gom góp những gì mình cần. Không còn cái gì ăn nữa để chia nhau, ngoại trừ chút nước trong bình ni lông, chúng tôi sớt ra, đổ vào mấy cái bình bi–đông lính mà người nào cũng thủ sẳn trong cái túi xách bên mình để chạy vào hôm quân Bắc việt tấn công vào tỉnh lỵ Kontum trước ngày Ban Mê Thuộc mấ. Cũng may nước còn đủ cho mỗi người một nửa bình. Bọn tôi tự động chia tay, hai ba người đi chung, để còn có thể giúp nhau cái gì hay cái đó, lúc nào hay lúc đó. Chúng tôi bắt tay, chúc may mắn, hẹn gặp lại ngoài kia, ngoài kia đó nhưng không biết ở đâu, cứ hẹn đại, rồi nhập vào giòng người rồng rắn, cứ vậy mà nối nhau đi không khác gì một giòng sông chảy chậm. Đi cùng với tôi có B và N, ngó qua ngó lại, giữa trời mờ mờ, nhóm bạn khác đã mất hút trong giòng người từ lâu.
     Xế trưa, phía đầu đoàn người tới đâu đó, chỗ ngã rẽ con đường vào thành phố Hậu Bổn, từ xa vẫn còn thấy ánh đèn sáng trong đó nhưng mọi thứ đều yên lặng, một cái yên lặng đáng sợ. Khi bọn tôi lên tới, người và người như một đoàn kiến rừng, không thấy đất chỉ thấy người, đứng ngồi chật kín cả một khu rộng hơn hai ba cái sân đá banh, đất thì khô cằn, nứt nẻ, trời không một chút mưa. Đi ngang qua chỗ có mấy chiếc GMC nhà binh còn chạy được, đám lính bộ binh của tiểu khu hay sư đoàn nào đó, súng quàng vai thờ thẩn, vây quanh vợ con, miếng nước miếng cơm, nhìn trời ngao ngán, ngó xuống ngó lên, có tiếng con nít khóc kéo dài, đôi khi đứt quảng xa xa. Trên này dưới kia, hể cứ nghe ai đó phía đầu đoàn, nói đầu đoàn chứ cũng phải xa cả cây số, vọng xuống hô hoán đi được thì ai nấy, cả khối người rục rịch đứng dậy ngóng nhìn, như những lần ở mấy đoạn đường trước, rồi lại ngồi xuống chờ vì chưa thấy có gì nhúc nhích.
     Ba thằng tôi chen lẩn vào bụi rậm, giữa rừng người, dưới gốc cây lớn, cao và khô đét, mệt mỏi nhưng cũng đành chịu. Trời bắt đầu vào chiều, chung quanh đếm không biết bao nhiêu là gia đình, người lớn con nít nằm la nằm liệt. Không muốn nhưng thằng nào cũng thấy đói, lấy bịch gạo sấy, khẩu phần hành quân của lính, may nhờ được một anh lính trên chiếc xe jeep đầy bụi đỏ, bỏ lại vì hai bánh xe xẹp lép, thương tình cho, khi họ vác ba lô đi. Bọn tôi chia mỗi người một nhúm nhỏ gọn trong lòng bàn tay rồi ngậm để hy vọng có sức mà đi tiếp. Quay qua quay lại, chưa nuốt trọn, đạn đại pháo của Bắc quân từ phía bên phía dãy đồi xa pháo tới từng chập, rãi rác trên dưới đoàn người, rớt xuống nổ vang vọng, khói bụi đất, cây cỏ văng tứ tung. Người là người hổn loạn, hoảng sợ lôi kéo nhau chạy tứ phía, té ngã nằm chất nằm chồng lên nhau, mặt mài xanh hơn tàu lá.
    Cũng như họ, mấy thằng tôi, mạnh người nào ngưới nấy chạy tìm chỗ trốn. Tôi nằm đại sát xuống đất cầu trời, đồng không mông quạnh, chỗ đâu mà tránh mà núp, số ai nấy chịu. Một lúc sau, tiếng pháo ngưng bặt, thay bằng tiếng khóc tiếng kêu la suốt một quảng đường. Đã có người chết, người bị thương nhưng không biết nhiều hay ít, rũi mà chết thì làm sao, chôn chỗ nào, ở đâu, hay tức tưởi, đứt ruột bỏ lại cho trời đất xứ người. Nghĩ người xấu xố rồi nghĩ tới mình, nếu như là tôi thì sao đây. Tôi ngồi thở dốc, rươm rướm rùng mình. Hai thằng bạn lạc mất rồi. Đám kia cũng không biết giờ này tới đâu. Nắng tắt, hoàng hôn xuống dần, một màu tím đen phủ chụp xuống đoàn người, đen như màu bia mộ đá. Bọn tôi không thấy nhau sau đợt pháo đó.
   Trời tối vào đêm, vẫn còn nghe tiếng khóc nảo nuột, xót xa kéo dài theo chiều gió đêm của rừng đầu hạ, có tiếng gọi nhau từ phía trên vọng xuống, có tiếng máy nổ của mấy chiếc xe GMC già còn lại. Đoàn người không ai bảo ai, đứng dậy, tay xách vai mang, một lần nữa, tôi theo giòng người rời Hậu Bổn trong đêm. Trên đường đi qua, không giống như những đoạn đường trước, lần này có người đi có người ở lại, ở lại vật vả với người thân, xác chết, và vết thương. Có người không còn toàn vẹn, kêu than tuyệt vọng, người đi cứ đi, vì cũng không biết phải làm gì cho người ở lại, nhìn mà buồn ray rứt. Nhắm mắt ráng mà làm ngơ, tôi nhẩm đếm mỗi lần đi ngang qua, dưới màn đêm mờ mờ, chắc cũng không dưới cả trăm người vừa chết vừa bị thương. Trong đêm có tiếng đạn pháo nổ từng chập phía trước, văng vẳng vừa đủ nghe xa xa, không biết ở đâu nhưng chắc cũng đã có người kém may chết nằm trơ trọi trên đường nữa.
    Tới rạng sáng, thêm một số xe GMC nữa bỏ lại trên đường qua đèo Tuna, cách Hậu Bổn chừng bốn năm cây số, về hướng Tuy Hòa, qua khỏi thung lủng Cheo Reo. Hàng trăm xác người chết, già trẻ lớn bé nằm dọc theo đường, ướt đẩm sương đêm, bên cạnh cả hàng dài những chiếc xe GMC, Jeep, Dodge chen lẫn xe dân sự, cháy nám đen, chắc là của quân và dân di tản đợt đầu. Đoàn người có một số dừng lại nghỉ dọc theo bên đường, tôi theo số khác tiếp tục cắm cúi đầu đi tới, đi mà cứ ngóng ngóng, ngó trước ngó sau, mong thấy đám bạn đâu đó. Bịch gạo sấy gần cạn, cuộn lại bỏ lọt tuốt trong cái túi áo ka ki, bụi trộn mồ hôi bám đầy, một màu cháo lòng khét. Cái bình bi – đông nước, mang trên dây nịt cũng không khá gì hơn, còn một phần tư hay hơn chút xíu. Đoàn người lúc này không còn san sát nối nhau mà rời xa từng cụm từng cụm một, nói từng cụm chứ mỗi cụm cũng cả mấy trăm.  Xuống tới chân đèo, sắp giữa trưa, nắng nóng vẫn nóng, mặt trời vừa đứng bóng, đoàn người đi đầu ngừng lại, thấp tha thấp thỏm, không đi cũng không ở. Tôi cùng một số ngưới lính bộ binh, áo quần không còn màu gì ra màu gì nữa, chen lên phía trước. Phía bên kia cầu Le Ba có nhiều xác người chết, chắc là bị trúng đạn pháo của quân Bắc Việt, những chập pháo mà đoàn người di tản đã nghe trong đêm khi bắt đầu lên đèo giữa khuya.


    Tôi và mấy người lính, không ai nói tiếng nào, bỏ đi trước, nhìn lại, người gọi người lục đục theo sau. Cây cầu sắt rĩ sét có từ thời Pháp, lung lay chầm chậm đưa qua đưa lại, tưởng chừng như không bao lâu chắc sập mất nếu cứ theo đà này với số lượng người đông hơn kiến. Đúng như đã thấy, cả một đoạn đường vài trăm thước, chừng cả trăm xác chết, đàn ông đàn bà, có cả con nít, nằm đủ tư thế, trên lề đường cũng như trong bui rậm, không thấy ai ở lại bên cạnh. Người nhà chắc cũng đành chịu đớn đau, khóc biết làm sao mà đủ, nuốt lệ mà đi, cố nhớ chỗ này, nhớ ngày này, may nếu còn sống mà làm tang làm giỗ. Có nhiều người, nhiều lắm, qua cầu xong, chắc lâu rồi không thấy nước, thân thể cũng thèm nó, cho nên mặc cho nhóm người trước bỏ đi, họ nhảy ùn xuống con rạch, nước sâu cở tới bụng, đứng lên ngồi xuống cho đã, chuyện gì rồi tính sao. Từng tốp từng cụm người đi phía sau lẳng lặng hờ hửng ngang qua, cây cầu cũng lắc lư như từ lúc có người qua tới giờ.
    Chiều tối, tới Phú Túc không ai dừng lại, phố xá cũng không khác gì Phú Thiện, tan hoang, không người, người đi cứ đi. Trên đường gần tới cầu Cà Lúi, trong bóng đêm mờ chạng vạng, xác người chết nằm dọc theo, cả một đoạn đường dài, có cả xác con nít, chắc cũng khoảng trên dưới cả trăm, bốc mùi hôi thúi. Không biết họ chết vì bị pháo của quân Bắc việt hay đạn súng bắn, có lẽ nằm đó cũng mấy ngày. Cũng như mấy lần trước, tôi và đoàn người nín thinh, bùi ngùi tránh qua mà đi, hy vọng không có người quen mình trong đó, nhưng xót xa không ít cho người chết bị bỏ lại sau lưng.
    Suốt đêm, có người đi người nghỉ lại, sau một quảng đường lên dốc của ngọn đồi, rừng cây thưa thớt không cao lắm nhưng không là đèo như mấy cái đèo ở đoạn phía sau đã đi qua. Hai bên cỏ tranh cao khỏi đầu người, nhìn xuống ai nấy cũng mừng ra mặt, người này gọi người kia chỉ chỏ. Trời cũng lấp lửng rạng sáng, có chút mặt trời lên, xa xa phía dưới có nhà, có bóng dừa rải rác, có hai ba con đường đất quanh co, và dăm ba đám ruộng, đống rơm. Tôi cũng mừng không ít, dù sao vẫn còn có chút gì đó để bám víu mà hy vọng sống còn. Người ta ai nấy xem ra quên hết mệt mỏi, đi nhanh hơn, vậy mà gần tới xế chiều, đoàn người trong đó có tôi mới tới dưới đầu làng, chắc là xã ấp nào đây nhưng không thấy bóng người. Nhà cửa nhiều hơn, cái tranh cái tôn, cách nhau không xa, dọc theo con đường đất rộng, lác đác ruộng từng đám nằm phía trước phía sau, đất cày và khô cằn rạ. Đi ngang qua một mái nhà tranh có cái lu đựng nước lớn ở góc hiên trước, tôi lấy bình bi – đông mang bên hông, giờ còn chừng không hơn một lóng tay, ấn vào bên trong lu cho nước vào đầy, thở ra nhẹ nhỏm.
    Đi tới gần hơn, băng qua mấy đám ruộng, trước mặt, đã có cả ngàn người ở đó, chật cứng trên một khoảng đất rộng, xem ra giống như cái sân đá banh, đi loanh quanh dòm ngó. Trời bắt đầu chập choạng tối, lác đác chỗ này chỗ kia, gặp bốn năm anh lính mình, chắc là nghĩa quân hay địa phương quân gì đó, còn mang súng, cầm đèn pin, đi lên đi xuống, nhỏ to với nhau. Tôi tới làm quen, hỏi ra mới biết là mình đang ở quận lỵ  Cung Sơn, tỉnh Phú Yên, chỗ này không xa khu chợ quận lắm, không thấy ai ở đó, chỉ còn lưa thưa ánh đèn điện vàng lờ mờ trước mấy dãy nhà tường, có lẽ là văn phòng hay trường học. Ở đây cũng có thằng bạn M nữa, nhưng chắc thân ai nấy liệu rồi, không mong gì gặp được nhưng nếu có gặp ở đây thì chẳng có gì khá hơn, cũng bỏ chạy thôi. Thân hình thì ốm yếu, đói khát bao ngày qua, chưa chết cũng là may, rã mệt, tôi lẩn vào một góc bờ đê đất khô, ngã người nhìn trời, sờ trong túi áo, bịch gạo sấy còn chừng nắm tay nhỏ. Có tiếng đại pháo phía sau lưng vọng về, mơ mơ màng màng nhìn qua nhìn lại, ngủ thiếp đi. Giựt mình tỉnh dậy, dụi mắt ngó quanh, giữa trời lờ mờ sáng, người trên sân vận động, từng nhóm từng nhóm đã lục tục kéo nhau đi xa xa theo con đường đất về hướng bờ sông Ba. Cũng như họ, không chờ không đợi, tôi ngồi bật lẹ dậy, bỏ Cung Sơn đi cùng với năm sáu tốp người lưa thưa theo sau, bên khu chợ quận, trời ửng sáng, không bóng người.
   Chừng một hai giờ trưa đoàn người tới bờ sông Ba. Khúc sông này hẹp, nói hẹp chứ cũng khoảng hơn hai trăm thước, mùa này mực nước cạn, tới ngang đầu gối, người dầy đặc người, đám đi trước lội bừa đi trong nước, đám sau, trong đó tôi cứ như vậy mà theo qua sông. Đoàn người ở Cung Sơn đêm qua đã qua sông gần hết thì cũng vừa lúc mặt trời chập choạng xuống, chưa về chiều hẳn, nắng có phần dịu đi, trời lảng đảng vài cụm mây xám đen lớn nhưng vẫn không có mưa. Khựng lại một lúc sau khi qua sông, người nối người tiếp tục đi, thấy người trước đi người sau cũng đi, con sông chỉ còn là một vạch nhỏ, khuất dần phía sau lưng. Ở đoạn này lại có thêm người chết, vài chục xác nằm rãi rác gần sát trong ven đường rừng, vì đạp trúng phải mìn do quân đội Đại Hàn gài lại dẩy đầy khi họ đóng vùng này trước đây.  
     Đi như vậy cho tới độ chừng một hai giờ sáng, đường không còn đất đá lồi lõm, không mây rừng chằng chịt, dễ đi và thẳng tấp, đoàn người đã tới đầu trên của đập Đồng Cam, khúc cuối của hương lộ 436. Dưới ánh trắng chênh chếch, người ta thấy nhiều đám ruộng chạy dài một bên, còn bên này là một dòng nước, không phải con rạch, giống như một con kinh đào, xa hơn thấy có lưa thưa nhà, có ánh đèn lờ mờ. Không biết nghe được gì ở phía đầu đoàn người, năm ba cô gái trẻ chạy len ngược về phía tôi, đám người ở sau, mừng rỡ luôn miệng nói là đã sắp vào Tuy Hòa rồi,  thì ra ở đây đã có hàng ngàn người đi từ mấy ngày trước, kẹt lại nghẹt cứng. Cuối cùng người tới trước người tới sau, nhập chung dồn cục ở đây, thiên hạ chen lấn, kẻ đầu này kẻ đầu kia, tìm người quen người thân, hỏi nhau câu mất câu còn.
    Rạng sáng, lang thang lên trên phía đầu đoàn người, thử xem tại sao họ lại không đi tiếp nữa, tôi gặp lại B và N, ngồi ở một góc bìa bờ đập nước, cả ba nhìn nhau muốn khóc. Trên dòng nước rãi rác vài xác người chết trôi xình lên bập bềnh, mặt trắng bệch, chắc chết cũng đã lâu. Ba người, không ai hỏi ai chuyện đi đứng ra sao sau khi lạc mất nhau ở Hậu Bổn, còn sống là may là mừng rồi. Đi lên tới phía trên, ở đây có chiếc xe tăng M48, và chiếc xe Dodge có lính mình còn mặc quân phục rằn ri, cả gia đình họ, hình như là Lôi Hỗ, súng ống hẳn hoi, đậu nối nhau trên đường, tôi không chắc lắm. Con đường về hướng Tuy Hòa lặng yên, một bên toàn là đồng cỏ lát hun hút, cao tới gối, lấp xấp nước chạy dài tận dãy đồi rừng cây xa xa. Bên này là những đám ruộng còi trơ gốc rạ mục khô, nứt nẽ đất; lác đác một hai ngôi nhà và mấy đống rơm lớn, không thấy người, dọc theo cũng cùng bên này, có chừng bốn năm ngọn đồi nhỏ, không cao nhưng cây cối chằng chịt, rậm rạp. Đi gần lên chút nữa, đứng gần bên chiếc xe tăng, trước mặt trên một đoạn đường dài cách chỗ tôi bọn tôi đứng khoảng một hai trăm thước, hai ba xác người lính chết nằm vắt ngang trên chiếc xe jeep cháy nám đen. Hàng trăm xác khác, có cả con nít nằm vương vãi đủ tư thế, đủ chỗ, trên đường, trên bờ ruộng, mùi hôi thúi vẫn còn lẩn quẩn theo chiều gió sớm, may mà ở đây không có đám kên kên. Gật đầu chào anh lính ngồi trên xe tăng, bọn tôi quay trở lại, chen đám đông rồi lủi vào gốc mấy bụi chuối già sau hông một căn nhà tranh, cửa đóng không có người tạm nghỉ, nghe B và N kể lại chuyện xảy ra mà mắt tôi cay xé, cổ họng nghèn nghẹn.
    Trời sẩm tối đêm đó, đêm xảy ra thảm nạn, hai ngày trước, gần ba trăm người, trong đó có B (lúc đó B và N chưa gặp lại nhau), ở đầu đoàn, có cả chiếc xe jeep với nhiều người lính bộ binh, thấy đường vắng yên và không có động tịnh gì, giống như những đoạn đường cũ, hễ cứ thấy đi được thì cứ đi. Chiếc xe jeep chầm chậm chạy trước, số người còn lại kéo nhau theo sau. Vừa qua khỏi ngọn đồi cây cối rậm rạp, gần chỗ đoàn người đang ở khá xa, đại liên của quân Bắc Việt đóng chốt trên đó, hình như là đám quân tiền trạm, bắn xối xả vào họ như mưa trong vòng mười lăm hai chục phút. Tiếng đạn rít rợn người tung tóe trên đường, B còn may là một trong số những người sau cùng của toán này, thụt lui lại nằm im chờ tiếng súng ngưng bặt rồi bò sát bờ ruộng quay về, mặt mài không còn chút máu. Có một số người, cũng kẹt trong khúc đường bị bắn, không trúng đạn, phải nằm dầm mình bất động dưới mực nước lấp xấp, chờ im, mới dám bò trở lại chỗ cũ. Họ cho biết chắc những người kia, hơn hai trăm đã chết hết rồi. Chiếc xe jeep quẹo qua, nằm vắt ngang phân nửa trên bờ đường, phân nửa dưới ruộng. Thì ra đoạn đường về Hiếu Xương trước mặt dài chừng hơn mười cây số đã bị quân Bắc Việt đóng chốt trên mấy ngọn đồi.
   Người ta hết đi xuống đi lên chờ. Ba thằng tôi cũng không biết làm gì hơn. Một ngày nữa qua, mà chẳng thấy đoàn người nhúc nhích, ngay cả những người lính và chiếc xe tăng cũng dậm chân tại chỗ. B và N còn được bịch gạo sấy mua lại từ một anh lính địa phương quân ở Cung Sơn nên ba thằng tôi vẫn còn năm ba hột cầm cự cái đói được. Sáng hôm sau, ngày thứ hai từ khi đến đây, ba thằng lang thang lên chỗ chiếc xe tăng M48, làm quen với mấy anh lính trên đó, dò la tin tức, không ngờ gặp lại hai chị em người Thái trắng H và L,  thư ký ở chỗ H làm, có ai đó quen trong toán lính nên đã nhập bọn, xem như là người của gia đình họ. H và L cho bọn tôi thêm mấy bịch gạo sấy nữa. Qua hai cô, được biết là toán lính, dùng máy truyền tin còn xài trên xe, liên lạc với chi khu Hiếu Xương, ở đấy nói một đại đội địa phương quân và một số xe  lội nước M113 đang trên đường tới đập Đồng Cam, sẽ giải tỏa con lộ nay mai, nhưng hai ngày rồi không thấy gì cả. Cũng buổi sáng đó sau khi quày trở lại chỗ cũ không lâu, nắng bắt đầu lên cao, trời nóng như mọi ngày qua, một chiếc oanh tạc cơ A 37, không biết từ đâu bay về, vòng hai ba vòng trên bầu trời rồi thả hai ba trái bom xuống ở phía xa tít nào đó, khói lên thấy rõ, rồi bay đi, mất hút về phía chân trời. Người ta ai nấy chỉ chỏ vui mừng, cứ tưởng là mọi chuyện suôn sẻ nhưng chờ cho tới chiều, và cho tới ngày về đến Hiếu Xương, không thấy bóng dáng chiếc oanh tạc cơ trở lại. Đêm xuống ba thằng nằm chen với người ở một góc ruộng khô bên này đường, nhìn trời cao mà “than thân trách phận”.
    Sáng sớm hôm sau, người người nhốn nháo, chạy lên chạy xuống, sắp xếp đồ đạc, nai nịt thứ này thứ kia, hỏi ra họ nói bữa nay toán quân có xe tăng sẽ đánh chốt mở đường về Hiếu Xương, không chờ nữa. Mọi người chuẩn bị, hễ nghe hô đi được là đi, cùng lúc đó từ phía cuối đoàn, chừng năm sáu chục người lính bộ binh mang súng đi lên, ngang qua nói chung chung, lên phụ mấy anh ở trễn mở đường. Người ùn ùn theo người, trong đó có bọn tôi, háo hức đổ xô đi lên phía trên, gần chỗ đầu có toán quân, chừng hơn một trăm người nhưng không tới gần được, vì cách chỗ họ, chừng hơn một hai trăm thước, ba bốn anh bộ binh đứng chận ngang, ra dấu đứng lại, vừa lo sợ vừa mừng, toán lính đủ binh chủng súng cầm tay, tiếng lên đạn lách cách. Chiếc xe tăng M48 nổ máy, phần trên tháp đại liên thấy một anh ngồi nhô đầu lên không cao lắm, khói đen quyện một khoảng xa. Chiếc xe Dodge có gia đình họ nằm yên. Bọn tôi cũng như những người đầu đoàn ngồi thấp xuống, nín thở chờ, nhìn về hướng ngọn đồi. Phải nhìn nhận là có một cái gì kỳ diệu khó nói trong lúc này, không ai là thuộc cấp của ai nhưng toán lính chừng trăm người, tự chỉ huy tự nghe nhau, theo một thứ kỹ luật bất thành văn đáng phục.
  Chiếc xe tăng M48 rục rịch quay hơi ngang rồi từ từ cặp bên bờ ruộng khô chạy dọc theo đường vì sợ cán xác người trên đường. Họng cây súng đại bác chĩa về hướng cái đồi rậm có quân Bắc Việt đóng chốt từ mấy ngày qua, lừ đừ quay qua quay lại. Toán lính chia làm hai, một nhóm theo sau xe, nhóm còn lại, lần theo bờ đê, núp người thấp xuống, từng bước tiến về hướng đồi. Chưa bao xa thì súng đại liên của quân đóng chốt bắn xuống xối xả từng tràng dài cộng với hai ba trái B40 rớt nổ bên kia đám đồng cỏ lát, nước bùn văng lên tung tóe. Toán lính mình nằm rạp xuống. Trời cũng vừa sắp đứng bóng, nóng vẫn nóng. Ba thằng tôi hốt hoảng ra mặt quay lui lại. Đoàn người hoảng sợ la hét vang trời, một lần nữa nhốn nháo, xô nhau chạy ngược về chỗ cũ, người khum người bò, chiếc xe tăng cùng một lúc, khẩu đại liên trên tháp xe nhả đạn bắn trả và quay họng súng đại bác bắn lên phá tung một khoảng cây rừng chen lẫn đá. Tiếng đại liên hai bên vẫn còn nổ liên hồi. Chiếc xe tăng bắn thêm trái thứ nhì, cát bụi mù mịt, toán lính sau xe đã dàn ra, theo chân toán đi trước, bò sát đất ruộng, dọc theo mấy bờ đê, vừa bắn liên tục vừa tiến về hướng đồi.
    Lúc này đoàn người đã thụt lại chừa một khoảng trống dài trên đường, không ai bảo ai, run cầm cập. Chiếc xe tăng sau đó nằm yên một chỗ, họng súng đại bác vẫn nhắm vào cái đồi, chừng gần tiếng đồng hồ tiếng súng ngưng bặt, không thấy động tịnh gì hết. Ba thằng tôi tim đập thình thịch, ngóng lên ngóng xuống chờ, không ai thấy và không biết là toán lính mình đánh nhau như thế nào, chết sống ra sao. Không bao lâu, họ lần lượt quay trở lại từ phía đồi. Lần này họ đi thẳng, súng trên tay. Người lái chiếc xe tăng nhô đầu lên, nói với họ gì đó, rồi cho xe thụt lui lại, nằm thẳng sát bên bờ lề đường, từ từ tiến chậm về hướng Hiếu Xương. Chiếc xe Dodge nổ máy, xuống ruộng chạy theo dấu xích sắt xe tăng. Hai ba người lính từ khoảng trên la vọng xuống: "đi được rồi". Chỉ nghe vậy thôi, đoàn người ùn ùn đi lên, hình như có tiếng nói tiếng cười nhiều hơn trước.
    Qua ngang khoảng đường bị quân Bắc Việt đóng chốt bắn chận, khoảng đường mà B chết hụt, xác người chết nằm đủ tư thế, xác giữa đường xác bên lề, có cả  con nít, tôi đếm nhẩm chắc cở hơn 200 (đếm thử mà không dám nhìn, sợ nhìn càng lâu càng buồn thêm), nằm vương vải tứ tung, mấy ngày rồi cho nên đã xình, mùi hôi bốc lên tứ phía. Chiếc xe jeep cháy nám đen quay đầu xuống bờ cánh đồng. Hai xác người lính bộ binh nằm gát ngang ghế, máu khô bầm cứng. Người trên đường đông như kiến, cố né cố tránh qua mà đi, không đi kịp được thì xuống đi theo bờ dưới ruộng, con đường mà chiếc xe tăng đã chạy qua. Qua khỏi đó, chiếc xe tăng M48 quẹo lên trên đường, theo sau là chiếc Dodge, chầm chậm tiếp tục về hướng Hiếu Xương. Đoàn người hối hả theo sau, giữ khoảng cách chừng năm sáu chục thước. Toán lính vẫn đi cách khoảng trước sau, như đi di hành, súng ghìm trên tay, nhìn về hướng đồng xa xa, lưa thưa hai ba ngọn đồi, hai ba căn nhà có tranh có ngói, vài đống rơm cao cở gần mái, một hàng dài dọc theo dưới ruộng bên lề đường, không xa chiếc xe tăng lắm.
    Đi như vậy được một lúc khỏi đoạn người chết khá xa, bỗng dưng có nhiều người la lớn, cùng chỉ tay về hướng cái đồi kế tiếp, sau hai ba căn nhà ngói cũ, lụp sụp thấy có người ẩn hiện, thấp thoáng ở hai đống rơm lớn. Toán lính cũng vừa nhận ra, họ dàn hàng ngang, cũng với tư thế hạ người thấp xuống mấy hàng bờ đê ruộng, vừa bắn vừa tiến sâu vào. Chiếc xe tăng được báo, ngừng lại, quay họng súng đại bác bắn hướng căn nhà. Đống rơm bể nát cùng với ba bốn thân người văng cao lên rồi rớt xuống ruộng, và một số chừng chục người từ sau căn nhà bỏ chạy về hướng sông Ba, hình như có mang súng, chắc là quân du kích Việt Cộng ở vùng này. Toán lính mình không tiến thêm, dừng lại ngồi trên đê chờ, cũng khá lâu. Cảnh vật im lìm, nắng bắt đầu ngã bóng chiều, đoàn người cũng kiên nhẩn chờ, toán lính quày trở lại đường, bắt tay nhau làm dấu đường thông rồi. Chiếc xe tăng M48 chạy đi, đoàn người một lần nữa giục nhau hối hả đi tiếp. Cứ đi như vậy cho tới gần chiều, chưa hẳn tối, vẫn còn nắng, đi sau người chen chúc phía đầu đoàn một quảng đường khá xa, cuối cùng, ba thằng tôi cũng tới ven quận lỵ Hiếu Xương. Nhà cửa, cây cối xanh một màu, ngay đầu ngả vào, trên một khoảng đồng cỏ hoang xanh, cả trăm người lính địa phương quân mang súng, đứng rãi rác quanh bốn năm chiếc xe thiết giáp M113 nằm xéo quay đầu về hướng đập Đồng Cam, nhìn đoàn người lặng thinh, phía sau lưng tôi. Người và người giờ đã thắm mệt, thất thểu nhưng vẫn nối đuôi nhau đi, trời bắt đầu tối hẳn.
    Nằm ở một góc hiên nhà ai đó còn có người ở, đoàn người di tản từ Pleiku xuống cứ lầm lũi đi ngang trong bóng đêm lờ mờ. Ba thằng tôi thở dài chờ sáng. Chiếc xe tăng, chiếc xe Dodge và thân nhân họ, trong đó có hai cô H và L giờ chắc đã nghĩ chân đâu đó, khỏi nơi này xa lắm rồi, thôi mừng cho họ, mà cũng mừng cho mình. Trời còn thương nên được về tới đây, bỏ lại con đường liên tỉnh lộ 7B Mỹ Thạnh Tuy Hòa, đầy máu và nước mắt sau lưng, mặc dù từ đây đường xuôi Nam vẫn còn dài và dài ngút ngàn hun hút.
   
Phạm Nguyễn Định
Xứ tạm dung tháng ba năm 2019


    *Chân thành tạ ơn những người lính VNCH tại đập Đồng Cam nhất là các anh trên chiếc xe tăng M48 đã dũng cảm chấp nhận hiểm nguy, tấn công phá chốt quân Bắc Việt, mở đường cho đoàn người di tản về tới Hiếu Xương bình an trong những ngày gần cuối tháng ba năm 1975, không biết giờ này các anh ở đâu, nếu đã không may nằm xuống, bài viết này xin được kính dâng các anh như một nén hương lòng tưởng nhớ.


Không có nhận xét nào: