Tại Sao Nhật Bản Tiếp Nhận Được Văn Minh Tây Phương nhanh hơn các Nước Á Châu Khác
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
DĐKP Giới thiệu: Fukuzawa Yukichi là người đi tiên phong trong trào lưu khai sáng Nhật Bản, cũng là một trong những khai quốc công thần quan trọng trong công cuộc chấn hưng đất nước cuối thế kỷ 19 dưới triều đại Minh Trị Thiên Hoàng. Nghiên cứu tư tưởng của ông chắc chắn là điều vô cùng bổ ích. Bài này và những bài sau giới thiệu tư tưởng của ông về khoa học và lối sống khoa học.
***
Có căn cứ vào cơ sở khoa học hay không là điểm khác biệt chính yếu của văn minh học Tây Phương ngày nay và cái học cổ xưa của Nhật Bản và Trung quốc.
Khoa học được xây dựng trên nguyên lý chân lý (quy luật luôn luôn đúng) của vũ trụ, của tự nhiên. Khoa học làm sáng tỏ số lượng, hình dạng, tính chất, và tác dụng của sự vật để cuối cùng con người có thể sử dụng chúng vào đời sống. Khoa học tự nó không thay đổi theo không gian và thời gian, ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ và từ hàng chục triệu năm trước cho đến hàng chục triệu năm sau. Theo tiến bộ kiến thức khoa học của nhân loại, con người sáng tỏ sự vật mà ngày xưa đã không thể hiểu biết, và lĩnh vực phát minh của con người ngày càng phát triển rộng lớn hơn.
Đáng tiếc ở thời điểm hiện nay khả năng khoa học của con người trong lĩnh vực tinh thần hay vô hình chưa được như trong lĩnh vực vật chất hay hữu hình. Trong lĩnh vực tinh thần vô hình, điều mà con người cho là đúng, là tốt luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Điều hôm qua mới nói là sai (xấu) hôm nay có thể được cho là đúng (tốt); lợi hay hại, được hay mất cũng không cố định.
Hãy xem xét thử vài thí dụ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và đạo đức. Chính sách mà người xưa cho là ân huệ nhân nghĩa, người ngày nay cho là áp chế, đáng ghét không nên theo. Quốc gia này xem tự do mậu dịch là chính sách tốt đẹp, trong khi nước khác áp dụng chính sách hạn chế thương mại để bảo vệ lợi ích kinh tế cho nước họ. Người đạo Thiên chúa cho rằng người của Nho giáo và Phật giáo không có đạo đức. Người của Nho giáo và Phật giáo không ngừng cho rằng người đạo Thiên chúa không đúng. Tình trạng mâu thuẫn, xung khắc nói trên không những phát sinh ở quy mô thế giới mà chính ngay trong phạm vi cục bộ hạn hẹp của một nước cũng nhiều và thường xảy ra. Tỉ dụ, gần đây mặc dù chính phủ tuyên bố sẽ đổi mới chính sách, canh tân luật pháp nhưng rồi họ phế bỏ hẳn chúng đi. Có khi lại phục hồi quy định mà họ mới vừa phế bỏ năm trước.
Tóm lại các thí dụ trên là chứng cứ cho thấy lý luận trong lĩnh vực vô hình không có một tiêu chuẩn phán đoán nhất định. Đối với các vấn đề trong lĩnh vực vô hình thì lý luận của văn minh Tây phương và của cổ học Đông phương cũng giống nhau, cả hai đều khó khăn để khẳng định đúng sai hoặc lợi hại. Tỉ dụ, các nhà Tây học cũng thích đọc Hàn Phi Tử và cho rằng nên xem “Kinh tế lục” (2) của Dazai Shyundai (Thái Tể Xuân Đài, nho học, 1680-1747), “Thảo trữ ngụy ngôn” (3) của Nakai Takeyama (Trung Tỉnh Trúc Sơn, nho học, 1730 -1804).
Hãy xem một thí dụ khác trong y học, một bộ môn có cả vô hình (nội khoa) và hữu hình (ngoại khoa). Phương pháp chuẩn bệnh nội khoa có thể nói Tây y và Đông y giống nhau. Nhưng đối với ngoại khoa, thủ thuật hữu hình đã tiến bộ nhiều nên y sĩ của Tây phương biết rất nhiều y thuật mới trong khi y sĩ Đông y không biết gì cả. Do đó, giới trí thức cho rằng y thuật phải tiến bộ từ ngoại khoa, mà ngoại khoa lại thuộc lĩnh vực của khoa học.
Khoa học căn cứ vào nguyên lý chân lý của tự nhiên, và nguyên lý này vĩnh viễn đúng với tất cả vạn vật trong vũ trụ. Phạm vi chi phối của khoa học rất to lớn vô cùng. Khoa học là vật quý báu nhất của nhân loại. Đời sống con người không thể thiếu nó. Ảnh hưởng của khoa học không chỉ hạn chế trong phạm vi công nghệ hay sản xuất. Đạo lý của sự việc dần dần sẽ rõ ràng hơn theo tiến bộ của văn minh và học thuật. Cuối cùng các lĩnh vực mà hiện nay con người xem là vô hình như chính trị, kinh tế v.v… cũng sẽ là đối tượng của khoa học. Tình trạng này giống như sự tiến bộ của các phương tiện, kỹ thuật vật chất đã tạo nên lợi thế cho ngoại khoa trị lành các căn bệnh thần kinh hay tinh thần của nội khoa.
Phạm vi chi phối và giá trị của khoa học như vừa trình bày ở trên.
Khi tra cứu quá trình giao tiếp với văn minh Tây phương, tôi phải khẳng định rằng Nhật Bản thật sự may mắn là đã bắt đầu tiếp xúc nền văn minh Tây Phương qua cánh cửa khoa học. Trung Quốc và các quốc gia khác đã tiếp xúc lâu dài nền văn minh này nhưng đến nay họ vẫn chưa có được tiến bộ thuận lợi. Thật tội nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì tầng lớp du nhập các yếu tố mới của văn minh Tây Phương là giới thương mại, tầng cấp thấp của nước họ, nên từ đầu họ đã không xem trọng nền văn minh này.
Gác chuyện không may của nước khác qua một bên. Hãy xem lý do tại sao tầng lớp bắt đầu giao tiếp với văn minh Tây Phương ở Nhật Bản là tầng lớp trí thức có trình độ rất cao.
Không tính việc ngoại giao vào các năm cuối thời kỳ Tướng quân Ashikaga (1336-1573) (4), do chính sách bế quan tỏa cảng của thời kỳ Tướng quân Tokugawa (1603-1867) (5) Nhật Bản thật sự hoàn toàn không có ngoại giao với bên ngoài nên mọi người không có cách nào để biết tình hình của các nước khác. Ngay cả quan thông dịch ở Nagasaki (Trường Khi) chỉ giao dịch qua lời nói khi cần thiết, còn việc đọc sách nước ngoài đều bị cấm. Đến các năm của niên hiệu Kyoho (Hưởng Bảo) (1716-1735) mới được cho phép. Trong thời kỳ không người trí thức nào ở Nhật Bản đọc sách Tây học, một việc lạ xảy ra. Số là vào khoảng năm 1763 hay 1764 có một thầy thuốc tên Maeno Ryotaku (Tiền Dã Lương Trạch), hiệu là Ranka (Lan Hóa) (6) lần đầu tiên quyết tâm đọc sách tiếng Hòa Lan. Tiên sinh làm việc cho phiên Nakatsu (Trung Luật) của lãnh chúa Okudaira (Ốc Bình), và đang sống ở thành phố Eido. Tiên sinh cùng với tiên sinh Sugita Genpaku (Sam Điền Huyền Bạch), hiệu là Isai, thầy thuốc của phiên Obama của lãnh chúa Sakai, và ba bốn người khác có cùng chí hướng lập kế hoạch đọc sách tiếng Hòa Lan để áp dụng vào thực tế. Họ chọn tiên sinh Lan Hóa làm nhóm trưởng và tập hợp ở nhà ông, lúc đó gần tư dinh lãnh chúa Okudaira trong khu Tsukuji Teppôsu của thành phố Edo, để bắt đầu đọc và tìm hiểu nội dung quyển sách về giải phẫu thân thể con người. Tên sách là “Ontleedkundige Tafelen” (7) được xuất bản ở Hòa Lan. Lúc ấy vào ngày 5 tháng 3 năm Meiwa thứ 8 (Minh Hòa, 1771 dương lịch).
Vừa cực khổ học tiếng Hòa Lan vừa tìm hiểu nội dung sách, và bắt đầu công việc dịch sách này khi đã hiểu được một ít. Bốn năm sau, sau 11 lần tu sửa bản thảo, tiên sinh Sugita Genpaku cho xuất bản sách dịch với tên là “Giải thể tân thư”. (Về chi tiết xem quyển “Langaku Kotohajime” (Bắt đầu của Lan học (8)).
Đây thật là công trình vĩ đại từ lúc Nhật Bản khai tịch (bắt đầu có lịch sử) đến nay. Nó đã mở cổng cho đất nước vào con đường văn minh sau này. Không cần phải nói đó là kết quả khắc khổ nhẫn nại của tiền nhân. Nhưng điều đặc biệt quan trọng cần nhấn mạnh là đất nước chúng ta đã vào con đường văn minh qua cổng khoa học.
Từ xa xưa các thầy thuốc theo đường lối cổ xưa của Nhật-Hán, không hiểu lý lẽ của sự vật, chỉ tin vào lý thuyết âm dương ngũ hành không có căn cứ mà không bao giờ nghi ngờ. Nhưng công trình dịch thuật tân thư đã đánh vỡ nhanh chóng sự mê muội này. Lúc đó những y sĩ có khí khái đều khuất phục tinh thần của thực học, và môn phái “Lan học” (học từ sách vở viết bằng tiếng Hòa Lan)” đã được hình thành.
Từ đó cho đến cuối thời kỳ Tướng quân Tokugawa (1867) trong khoảng 100 năm nhiều học giả tài giỏi liên tục xuất hiện. Ở thành phố Edo có các tiên sinh như Ôtsuki, Udagawa, Tsuboi, Mitukuri, Sugita đời thứ 2 và đời thứ 3, Itô, Kawamoto, Totsuka, Hayashi (9) mở trường tư thục. Ở thành phố Kyoto có các tiên sinh như Shinguu, Komori (10). Ở thành phố Osaka có tiên sinh Ogata (11).
Trong môn phái “Lan học” có người làm nghề y, có người chuyên dịch sách. Số sách dịch được xuất bản không phải ít. Nếu không phải là sách y học, thì là sách vật lý, sách hóa học, sách vạn vật v.v… Chúng không những rất hữu ích cho việc trị bệnh mà cũng được phổ biến đến các học giả, giới trí thức thượng lưu. Nói chung, ngay cả các Nho gia lão luyện từ xưa cũng không thể dễ dàng đối kháng lại học thuyết khoa học của Hòa Lan. Tuy nhiên, vì số người theo “Lan học” rất ít, nên bên ngoài họ như bị xã hội bài xích nhưng trong thực tế có thể nói “Lan học” đã chinh phục được một phần thế lực đáng kể trong giới thượng lưu.
Tại sao vậy? Tuy rằng số người của phái bảo thủ cố chấp đông đảo nhưng nếu là người có kiến thức, óc phán đoán giỏi, họ sẽ hiểu ngay chân lý hay quy luật của khoa học là không sai và họ nhanh chóng trở thành những người bạn tốt của khoa học. Và một khi họ đã vào con đường văn minh bằng cổng khoa học, thì chí hướng về khoa học của họ không còn dao động. Nền tảng du nhập văn minh Tây phương ở Nhật Bản có nền tảng kiên cố, và mục đích của nó cao thượng, là sự thật không thể nghi ngờ.
Vào thời Tướng quân Tokugawa (5), giả sử như muốn du nhập văn minh Tây phương vào Nhật Bản nhưng không qua cánh cửa khoa học, trái lại qua các lý thuyết xã hội vô hình như chính trị, thương mại, kinh tế đồng thời biên dịch sách vở thuộc lĩnh vực này để chủ xướng, truyền bá chúng. Hoặc như thông qua tiếp xúc, giao lưu của giới nghèo khó hạ lưu trong nước với ngoại quốc. Nếu bằng hai phương pháp này thì chắc chắn từ đầu mọi người trong nước sẽ khinh thường văn minh Tây phương và không đoái hoài đến nó. Hai học thuyết cũ mới sẽ xung đột nhau và gây ra hỗn loạn to lớn. Kết cuộc Tây học chắc chắn sẽ không tránh khỏi vận mệnh là bị mọi người đoạn tuyệt.
Tuy nhiên, trong thực tế đất nước chúng ta đã tiến đến lĩnh vực khoa học bằng con đường y học. Con đường này không những đã không gặp nhiều thù địch, trái lại đã được nhiều người bạn có thực lực giúp đỡ, hỗ trợ. Thật là may mắn. Mặc dù việc bắt đầu hành trình đến thế giới khoa học là do tiền nhân chúng ta ngẫu nhiên nghĩ ra nhưng phải nói sự may mắn nói trên là do công đức của khoa học.
Như đã nói ở trên, đất nước chúng ta đã du nhập văn minh Tây phương qua cánh cửa của y học. Trong khoảng thời gian khoảng 100 năm nay từ thời Meiwa (Minh Hòa) đến thời kỳ cuối Tokugawa (Đức Xuyên), mặc dù các sách dịch về khoa học (12) không phải là ít nhưng do chính sách “bế quốc” nên không ai có thế tiếp xúc với nước ngoài, ngay cả việc mua sách ngoại quốc cũng khó khăn. Do đó trình độ học thuật (13) cả nước không thể nói là cao.
Tôi kể lại chút ít chuyện bản thân của tôi để độc giả biết đại khái tình hình lúc bấy giờ.
Vào thời Kôka (Quảng Hóa, 1844~1847) và Kaei (Gia Vĩnh, 1848~1855), trong các trường tư thục, trường phồn thịnh nhất là “Thích thục” (14) của tiên sinh Ogata Kôan ở Osaka. Tôi cũng theo học trường này. Vào lúc ấy sách tiếng Hòa Lan nguyên bản hầu hết là sách y học. Sách về khoa học chỉ có “School book” (Giáo khoa thư), “Volks Natuurkunde” (Khoa học tự nhiên nhập môn) v.v… Các sách này có lẽ là sách để cho học sinh cấp tiểu học hay trung học ở Hòa Lan học nhưng ở trường chúng tôi mỗi thứ chỉ có được một quyển. Vì vậy, học sinh tuần tự chép sao lại, sau đó tụ hợp lại đọc chung và tìm hiểu ý nghĩa của sách. Tôi còn nhớ lúc đó cách nay khoảng 40 năm, vào năm Ansei (An Chính) thứ 3, thứ 4 gì đó (1856, 1857), tuổi tôi khoảng 23, 24.
Một ngày kia, Hầu tước Kurota Nagahiro (Hắc Điền Trường Phổ) của phiên Chikuzen Fukuoka có dự định ghé Osaka. Vì ngày trước Hầu tước rất yêu mến và hỗ trợ tiên sinh Ogata, nên khi tiên sinh biết được dự định này, tiên sinh đã đến chào ngài Kurota ở tư dinh tại Nakanoshima trong thành phố Osaka. Trong cuộc thăm viếng này tiên sinh Ogata đã mượn được quyển sách tiếng Hòa Lan nguyên bản mà Hầu Tước vừa mua được ở Nagasaki. Khi về đến trường tiên sinh Ogata gọi tôi cho biết chuyện này. Lúc đó tôi đang là hiệu trưởng của trường.
Nhìn sơ qua biết được là sách khoa học do tác giả Pieter Van Der Burg (1808-1889) biên soạn vừa được xuất bản gần đây. Không có thời giờ để đọc phần chữ viết trong sách nhưng nhìn qua các hình vẽ trong sách tôi chỉ biết ngạc nhiên kinh ngạc mà thôi.
Theo lời của tiên sinh Ogata, Hầu Tước đã mua quyển sách này với giá 80 lượng tiền vàng (15). Số tiền 80 lượng rất lớn, học giả hay học sinh thời đó khó có đủ tiền mua được. Bởi vậy tôi khẩn thiết nhờ tiên sinh Ogata giao thiệp với Hầu Tước để ngài cho mượn quyển sách trong 3 ngày, số ngày mà ngài ở Osaka. Sau đó tôi bàn thảo với các bạn thân trong trường chia phiên nhau sao chép lại quyển sách. Mỗi người phải tự mình chuẩn bị bút mực giấy. Người này mệt, người khác thay. Sau 2 ngày 3 đêm, khoảng 60 tiếng đồng hồ liên tục không phút nghỉ ngơi, chúng tôi đã hoàn thành sao chép xong phần chữ viết, hình vẽ kể cả phần hiệu chính. Nội dung sách là “điện khí”. Đến ngày Hầu tước Kurota rời Osaka, sách mượn phải trả lại cho ngài. Phần lớn học sinh nghèo phải chia tay quyển sách tiếng Hòa Lan với tâm trạng như phải xa cách cha mẹ thân yêu của mình.
Sau đó chúng tôi đọc nội dung của sách đã sao chép, có vô số điều lạ khó thể kể hết. Qua các sách khoa học chúng tôi đã học từ trước đến nay chúng tôi chỉ biết được như sau.
Việc phát sinh do ma sát của 2 tấm thủy tinh gọi là “điện khí” (16). Việc phát sinh do kim loại và acid gọi là “galvany” (điện lưu hay dòng điện). Hai phát sinh này có vẻ giống nhau nhưng thực chất thì khác nhau.
Phương pháp phát sinh “galvany” là kẹp miếng vải giữa 2 đồng tiền bằng đồng, đặt nhiều lớp như vậy trong một ống hình trụ tròn như ống trúc thổi lửa. Các miếng vải được tẩm dấm hay acid sulfuric có nồng độ thấp, như vậy chúng ta sẽ có liền dòng điện phát sinh và thấy được tác dụng của cực dương và cực âm. Kết quả này được gọi là pin kiểu Volta v.v… Trình độ kiến thức học được từ trước của chúng tôi chỉ có vậy thôi.
Nhưng cuốn sách quý hiếm mới lần này có ghi học thuyết của Faraday, người có thể nói là tổ khai sáng ngành điện học của nước Anh. Ấn tượng quý trọng mà chúng tôi đã dành cho pin Volta từ trước nay đã bay mất, không còn nữa. Các hình vẽ của Faraday giải thích cách phát sinh ra điện thật mới lạ làm cho các học sinh của trường “Thích thục” say mê, ngơ ngẩn.
Bảng liệt kê 60 mấy nguyên tố vật chất và thứ tự phát sinh cực dương, cực âm của chúng thật quá sức tưởng tượng đối với chúng tôi. Do đó vào lúc ấy có chuyện buồn cười như sau đã xảy ra.
Số là trong lúc bắt đầu đọc sách nhưng chưa đọc kỹ nội dung thuyết minh, thấy trên bảng tuần hoàn các nguyên tố có ghi “carbon” nên có ai đó chủ trương: “carbon là than, than cũng có quan hệ với điện sao? Theo lý thuyết điện của Galvani thì điện phát sinh từ kim loại, điều này kỳ cục, không đúng. Nếu vậy tra từ điển xem ngoài nghĩa là than, carbon còn nghĩa nào khác không?” Kết quả tra từ điển cho chúng tôi biết carbon không có nghĩa nào khác ngoài than. Sau đó từ từ đọc kỹ mới hiểu được là sách giải thích các đặc tính của kẽm, than v.v…, các tài liệu được dùng cho máy phát điện. Lúc đó mọi người mới vỡ ra và cười rộ lên.
Tóm lại lý thuyết của Faraday về điện đã làm chấn động các học sinh trường “Thích thục” của tiên sinh Ogata. Xưa nay dù đọc sách khoa học cũng chỉ biết được nội dung của nhiệt và năng lượng. Quyển sách trên đã mở chân trời mới, nhờ đó mọi người chúng tôi bắt đầu quan tâm, có hứng thú về năng lượng của điện. Sau đó trong chúng tôi, có người dịch lại quyển sách trên làm quà tặng cho bạn bè ở quê nhà, có người lấy bình đựng rượu, tộ đựng cơm, kẽm, than cây v.v… để làm thí nghiệm phát điện. Mặc dù hiểu lý thuyết nhưng thực tế không được như ý muốn, có người than thở vì thiếu dụng cụ.
Bởi vì không thể làm thí nghiệm nên chúng tôi chỉ hiểu lý thuyết điện học bằng nội dung của quyển sách đã sao chép lại. Vào thời điểm trên, trên toàn đất Nhật chỉ có chúng tôi, học sinh trường “Thích thục” ở Osaka của tiên sinh Ogata mới biết được lý thuyết mới này của điện học. Ngay cả các người theo Lan học ở thành phố Edo và Nagasaki cũng không biết. Bởi vậy chúng tôi không tránh khỏi kiêu hãnh, vui sướng của tuổi trẻ.
Truyện trên kể về việc học môn điện học của chúng tôi khi xưa. Nó không ích lợi gì cho đời sống hiện nay nhưng cho thấy nhiệt tâm học khoa học của những người theo “Lan học” thời đó.
Trở về thời trước, hai tiên sinh Maeno Ryotaku và Sugita Genpaku là tổ khai mở con đường khoa học, để rồi trong 110 năm nay cách tư duy, tư tưởng khoa học liên tục được bồi dưỡng trên đất Nhật Bản. Giới trí thức và học giả không hề ra khỏi khuôn khổ chân lý hay nguyên tắc của khoa học một ly tấc nào. Phải nói đó là công ơn của tiền nhân.
Ngày nay ở Nhật Bản không những các môn học mà cả chính trị, luật pháp, công nghiệp, thương mại, vô số sự việc lẫn lộn, xen kẽ nhau, và các phương pháp xử lý các rối rắm này cũng phức tạp, đa dạng. Nhưng nếu chúng ta nhắm mắt lại trong giây lát để lòng thanh thoát tự do và tự hỏi điều cơ bản để con người xử lý mọi việc nằm ở đâu? Câu trả lời sẽ là chân lý hay nguyên tắc của tự nhiên. Và khoa học dạy cho chúng ta biết chân lý đó. Khoa học là môn học nhằm giải quyết mọi việc của con người.
Bởi vậy học sinh đời sau mỗi người phải nên theo đuổi môn khoa học thích họp cho mình. Tuy theo hoàn cảnh, có người chuyên môn về chính trị hay luật pháp, có người chuyên môn thương mại, công nghiệp hay biển, núi, sông, rừng nhưng không nên quên nghiên cứu học cho được tư duy khoa học và khoa học, cả hai là cơ bản của mỗi môn học chuyên ngành. Tôi ân cần nhắc nhở mọi người nên lưu tâm việc này.
Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2017
Nguồn: Truyện số 17 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng
Chú thích
- Nguyên văn: “Vật lý học”. Từ “khoa học” ở đây nên hiểu là “khoa học tự nhiên”, không bao gồm “khoa học xã hội”.
Tựa phụ do dịch giả đặt thêm.
- “Keizairoku” (1729): bắt đầu từ tổng luận kinh tế, rồi lễ nhạc, quan chức, thiên văn, địa lý, luật lịch. Tác giả xem trọng nông nghiệp.
- “Sôbôkigen (1789), gồm 10 quyển. Bàn về chế độ quốc gia, tiền tệ, vật giá, hộ khẩu, dưỡng lão, thủy lợi v.v….
- Dòng dõi Ashikaga làm Tướng quân 13 đời trong thời đại Muromachi (1338-1573), nên gọi là thời đại Ashikaga vì Tướng quân họ Ashikaga là người có thực quyền trong thời đại này. Thực ra chính thức phải gọi là thời đại Muromachi.
- Dòng dõi Tokugawa làm Tướng quân 15 đời trong thời đại Edo (1603-1867). Lý do tương tự như trên.
- Hiệu ban đầu là Rakuzan (Lạc Sơn), vì có có công biên dịch các sách tiếng Hoà Lan sang tiếng Nhật nên được Lãnh chúa Okudaira của Phiên Nakatsu ban hiệu mới là “Lan Hóa”.
- Tên chính của sách gốc là “Anatomische Tabellen” do y sĩ người Đức tên Johann Adam Kulmus (1689-1745) viết, xuất bản năm 1722 và tái bản năm 1732. Sau đó được dịch sang tiếng La tinh, tiếng Pháp và tiếng Hoà Lan. Tên bản dịch tiếng Hoà Lan là “Ontleedkundige Tafelen” do y sĩ người Hà Lan tên Geard Dicten (1696? ~1770), xuất bản năm 1734.
Chi tiết xem “Dịch sách (Truyện Maeno Ryôtaku)”, nguyên tác của Yoshimura Akira, biên dịch Nguyễn Nam Trân (2016).
http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/DichSach.htm
- “Lan học” ở đây dùng để dịch “Rangaku” để chỉ phong trào, môn phái học y học và văn minh Tây phương bằng sách vở tiếng Hòa Lan (vì lúc đó ở Nhật Bản chỉ có thể mua được sách tiếng Hòa Lan).
- Ôtsuki Gentaku (1757-1827): y sĩ Lan học, học trò của Sugita Genpaku và Maeno Ryotaku. Tên ông lấy “Gen” và “Taku” của 2 thầy gộp lại. Sách ông dịch trên 300 quyển.
- Udagawa Genshin (1770-2835): y sĩ Lan học, người thực chất kế thừa ông Ôtsuki Gentaku. Thầy của Tsuboi Shindô, Mitukuri Genpo, Kawamoto Kômin v.v…. Trường của ông dạy y học, hóa học, khoa học, triết học tự nhiên.
- Tsuboi Shindô (1795-1848): y sĩ Lan học.
- Mitukuri Genpo (1799-1863): y sĩ Lan học, người lập tạp chí y học đầu tiên ở Nhật Bản, dịch quốc thư của Tổng thống Mỹ.
- Sugita đời thứ 2 và đời thứ 3: con cháu của Sugita Genpaku.
- Sugita Seikei (1817-1859) (đời thứ 3): trước tác và dịch nhiều sách, học trò của Tsuboi Shindô.
- Itô Genboku (1801-1871), có công xác lập địa vị y thuật Lan học ở Nhật Bản
- Kawamoto Koomin (1810-1871) được xem tổ môn hóa học của Nhật Bản
- Totsuka Seikai (1799-1876), y sĩ Lan học.
- Hayashi: không rõ.
10. Shinguu Ryotei (1787-1854), KomoriToou (1782-1843): y sĩ Lan học.
11. Ogata Kôan (Tự Phương Hồng Am) (1810-1863): thầy thuốc, mở tư thục “Thích thục”, cống hiến nhiều cho trị bệnh đậu mùa, được xem là tổ y học hiện đại của Nhật Bản. Thầy của Fukuza Yukichi.
12. Nguyên văn là “cứu lý”, nghĩa là xem xét tận cùng lý lẽ sự vật. Cho đến thời kỳ cuối Tokugawa Nhật Bản gọi chung khoa học Tây phương là “cứu lý”. Đến đầu thời Minh Trị được dùng với nghĩa “triết học”.
13. Nguyên văn vẫn là “học thuật”.
14. Hiệu của Ogata Kôan là Thích Thích Tề nên tên trường thường được gọi là “Thích thục”.
15. Một lượng tiền vàng của Nhật có giá trị khoảng 130 ngàn Yên ngày nay. Trọng lượng khoảng nặng 41~42 gram.
16. Ngày nay gọi là “tỉnh điện”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét