Con Đường Tôi Về
Tôi không biết nữ nhạc sĩ Lê Tín Hương đã sáng tác bao nhiêu bản nhạc, nhưng có hai bài của bà đã đi vào tâm hồn tôi:
1-CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG nói về mình
2-CON ĐƯỜNG TÔI VỀ nói về đời
Với "Có Những Niềm Riêng", bà đã mở lòng mình mà nói với thiên hạ rằng bà đã từng yêu trước khi đi lấy chồng:
Có những niềm riêng làm sao nói hết
Như mây như mưa như cát biển khơi
Có những niềm riêng làm sao ai biết
Như trăng trên cao cách xa vời vợi...
Chuyện tình của một người con gái không nói ra thì có
ma mà biết!
Có một câu nói (chẳng biết của ai ) là YÊU NGƯỜI CON GÁI CÓ MỘT DĨ VÃNG và NGƯỜI CON TRAI CÓ MỘT TƯƠNG LAI
Bạn nghĩ sao về câu nói ấy, chấp nhận hay say NO? Cái đó tùy ở bạn!
Bạn lấy một người đàn bà từng trải trong tình trường giúp bạn có nhiều khoái cảm trong chuyện chăn gối hay từng trải trong thương trường giúp bạn khỏi phải lo về kinh tế, cứ ăn no ngủ kỹ, mọi việc để mẹ đĩ lo, đêm nằm ngủ ngáy o o, sáng ra là có sữa bò ba tê... rồi bạn có Teslar đời mới, đi đâu cũng tới , khỏi ơi ới gọi taxi ...
Nhưng rồi có lúc ngồi trước gương, người nữ nhạc sĩ đã tâm sự với chúng ta:
Có những niềm riêng một đời dấu kín
Như rêu như rong đắm trong biển khơi
Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay, còn chút ngậm ngùi...
Quan niệm của người xưa thì "chữ trinh đáng giá ngàn vàng", nhưng với Phương Tây thì rẻ như bèo hoa dâu! Ngày Tốt nghiệp Trung Học, họ đi PROM là "con ong đã tỏ đường đi lối về"!
Mà các cụ nhà ta đã chả từng phóng khoáng lắm đó sao:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ
Chính vì chút ăn năn đó mà Lê Tín Hương đã để lại cho đời ca khúc bất hủ CÓ NHỮNG NIỀM RIÊNG, nếu không bất tử thì cũng còn mãi với đời, với chúng ta, những người yêu âm nhạc. ÂM NHẠC đã cho tôi những hương hoa và mật ngọt và cả những đắng cay... những lúc vui và cả những lúc buồn, xin được cám ơn người nhạc sĩ sinh ra từ miền đất của thơ văn:
Miền Trung vọng tiếng ai hò
Em xinh em bé tên là Hương Giang...
Trở về với chủ đề hôm nay là bản nhạc CON ĐƯỜNG TÔI VỀ:
Con đường tôi về, còn tiếng chim ca
Còn hàng phố nhỏ nhạt nhòa bóng ma
Còn anh mệt nhoài trên đôi nạng gỗ
Trên chiếc xe lô, lê giữa chợ đời
Nuôi thân khô cằn, giọt mồ hôi rơi ...
Rồi :
Con đường tôi về, còn đó như xưa
Nhưng người năm cũ là xác chưa đưa
Cha về tử tù, đau thương hao mòn
Mẹ quê gầy còm mong manh áo vá
Vá được áo đời, hồn rách tả tơi...
Bi thương quá! Tôi không tìm hiểu bản nhạc được viết vào năm nào, nhưng chắc CON ĐƯỜNG TÔI VỀ của nhạc sĩ họ Lê được viết vào thời điểm khi có những người tù được thả về sau 5 năm, 10 năm trong địa ngục. Tôi gỡ có gần 6 cuốn lịch mà cũng thấy ê
càng!
Đừng nhìn vào những xa lộ, cao ốc, xe cộ hôm nay ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng hay các tỉnh ở Miền Bắc mà bảo rằng người dân Việt đã khấm khá!
Kẻ giầu thì tiền tiêu không hết
Kẻ nghèo thì lết bết như xe trâu !
Cách biệt GIẦU-NGHÈO xa vạn dậm !
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG là nỗi nhục ngàn đời !
Mười năm sau khi ở Mỹ, năm 2000, chúng tôi về lại quê hương, không phải là " áo gấm về làng" mà về để cám ơn những người đã giúp người đàn bà đi thăm TÙ. Và con đường chúng tôi về chỉ thấy bơ vơ và lạc lõng!
Tôi chết giữa quê hương mình đã sống
Và nghẹn ngào với hơi thở thời gian
Tôi bước đi trong từng bước bàng hoàng
Và nhất định không bao giờ trở lại...
Tất cả những gì khi tôi về không còn là của mình nữa, dù chỉ có 10 năm xa cách. Còn hôm nay, thêm hai thập niên nữa, ngay cái tên con đường cũ cũng chẳng còn thì còn gì để nói nữa!
Chuyện ông anh rể họ tôi: một Đ/Tá của QLVNCH về quê hương thăm lại người em ruột phía "bên kia"sau bao năm xa cách, theo Bác và Đảng, cũng cấp Đ/Tá: Anh không chịu được sự tuyên truyền CS của thằng em và anh đã làm một trận sỉ vả ra trò và thế là hết tình hết nghĩa! Phải chi ông anh tôi đừng về:
Con đường anh về thật quá chua cay
Anh em khác hướng, chả khác tù đầy!
Nếu anh không về thì tình chưa mất
Gặp nhau rồi, tình nghĩa bỗng theo mây...
An Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét