Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất
Chương 13 : Hải Phận Bình Thuận (T T)
Chủ nhật 6/8/1967 08:00G
Tiếng còi ‘tích te” xoáy vào giấc ngủ mê mệt làm tôi giật bắn người, thùm thụp tim đập. Tôi vẫn chưa quen tiếng còi rền rĩ này. Ngày và đêm, cứ 4 tiếng ré lên một lần, mỗi lần chín cặp ‘tích te”. Đầu tôi nhức như búa bổ. Tôi đưa hai tay xoa hai bên thái dương và chầm chậm mở mắt. Những thanh sắt ngang dọc trên trần tàu quay cuồng. Tôi vội nhắm kín. Cảm giác lo sợ len lỏi theo từng sợi thần kinh. Cùng lúc, cũng chợt nhận ra cả người ê ẩm đến rã rời. Ý nghĩ thật xấu xa đến từ tên Mỹ. Dám bị hắn chụp thuốc mê và làm hỗn lắm. Tôi lắng nghe biến chuyển trong cơ thể. Không. Chỉ là mỏi mệt do dậy sớm thức khuya và nhịp đong đưa của con tàu. Đêm trước, đêm đầu tiên xuống tàu, tôi ngủ quá ít lại còn bị ác mộng. Đêm qua thì mải mê chuyện các vì sao đến 5 giờ sáng. Tính ra tôi mới ngủ chưa đầy ba tiếng. Tôi không tha thiết ăn sáng, nhưng cần chứng tỏ ước mong của chuyến đi.
Tôi xoay nghiêng, bỏ chân ngoài giường, chống tay nâng tấm thân rã rời ngồi thẳng dậy. Ngồi hít thở một lúc, thấy khỏe hơn, tôi xỏ chân vào đôi bata rồi vào phòng tắm.
Khi bước vào phòng ăn, tôi tưởng sẽ gặp nhiều người nhưng chỉ thấy Trung úy Thạch Trung Cang và Thiếu úy Vương Văn Tiến. Họ lên tiếng trước:
– “Chào cô Phượng.”
– “Chào cô Phượng.”
– “Chào hai anh.” Tôi nói. “Hai anh sắp đi phiên?”
– “Trái lại, vừa dứt phiên.” Trung Úy Cang cười.
– “Mình tới đâu rồi Trung Úy?”
– “Sắp ngang qua thành phố Phan Thiết.”
– “Chừng nào mới về đến Sài Gòn?”
Trung Úy Cang nhíu mày như đang tính toán. Anh chiêu đãi hỏi tôi:
– “Chị ăn cháo với thịt kho hay bánh mì omelette?
– “Anh cho bánh mì trứng chiên. Tôi thích ăn chín.”
Anh chiêu đãi rời phòng. Trung Úy Cang nói:
– “Nếu không có gì trở ngại, tàu sẽ cặp cầu lúc 8 giờ tối.”
– “Tám giờ tối!” Tôi kêu lên. “Tôi quá sợ cái câu ‘nếu không có gì trở ngại!’”
– “Chúng tôi thì quen rồi!” Thiếu Úy Tiến cười. “Nhà binh mà!”
Theo kinh nghiệm của Anh Đào, thời gian đi từ Quy Nhơn về Sài Gòn đúng 36 tiếng. Đêm kia tàu rời Quy Nhơn lúc 7 giờ rưỡi, tính đến sáng nay là đúng 36 tiếng, lẽ ra giờ này đã cặp cầu Sài Gòn. Tối mới đến là trễ trên 10 tiếng. Đó là không gặp trở ngại, còn ‘nếu có trở ngại’ thì nào biết đến bao lâu! Mà thật ra Hưng có phải chờ thì cũng đáng kiếp. Anh đã đưa tôi vào hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan! Tôi vừa muốn gặp anh lại vừa không muốn. Mà cũng có thể là chẳng bao giờ. Niềm tin dành cho anh đang lung lay…
Anh chiêu đãi đặt trước tôi dĩa bánh mì và dĩa trứng chiên. Trứng chiên hai mặt vừa đúng ý tôi. Anh hỏi:
– “Chị uống cà phê hay trà đá?”
– “Xin anh cà phê sữa. Cám ơn anh.”
Trung Úy Cang đưa tôi chai Maggi, cười nói:
– “Đêm qua thấy cô và Hạm Phó ôm ổ súng đến năm giờ sáng mà giờ này cô đã thức! Coi như cô thắng Hạm Phó là tay nổi tiếng ít ngủ!”
Tôi không biết nói sao, lặng lẽ gắp trứng bỏ vào bánh mì. Tên Mỹ kéo ghế trước mặt. Hắn mỉm cười:
– “Chào cô Phượng buổi sáng. Cô ngủ ngon chứ?”
Chợt nhớ đã nghĩ oan cho hắn tội làm hỗn, tôi vui vẻ đáp:
– “Cám ơn. Mi thế nào?”
– “Ngủ ngon lắm. Cám ơn.”
Tôi thích lối chào hỏi kiểu Mỹ. Tôi không rõ lời chào của miền Bắc và miền Trung, riêng miền Nam thì vắn tắt quá. Gặp nhau chỉ nói ‘chào ông, chào bác, chào thầy, chào cô’, tuy đủ lễ độ mà thiếu lịch sự. Thậm chí người cùng nhà gặp nhau chỉ chào nhau bằng nụ cười, không một lời hỏi han sức khỏe. Lần này về nhà, buổi sáng tôi sẽ nói ‘chào ba mẹ, ba mẹ khỏe không?’ và ban đêm, ‘chúc ba mẹ ngon giấc’.
Anh chiêu đãi mang tách cà phê và hộp sữa cho tôi rồi rời phòng, không buồn hỏi tên Mỹ ăn gì. Tôi nghĩ chắc hắn có mang theo ration C, đã ăn sáng trong buồng. Nhưng tôi nghĩ sai, anh chiêu đãi trở lại đặt trước hắn dĩa bánh mì và dĩa omelette. Thì ra đó là phần ăn sáng cố định mỗi ngày của hắn.
Khi tôi lên trên boong thì trước mắt tôi hàng trăm ghe đánh cá phủ kín mặt biển từ tàu đến gần bờ. Tôi cũng nhận thấy con tàu đang chạy thật chậm thật sát các chiếc ghe. Nếu đêm qua tàu chạy gần đến nổi tôi có thể đếm số người trên ghe thì sáng nay tôi thấy họ vẫy tay với nụ cười. Tôi cũng vẫy tay, hô to ‘chào các bác, chúc các bác bắt được nhiều cá’. Một hình ảnh thích thú khác mà đêm qua tôi không thấy là ghe nào cũng treo cờ vàng ba sọc đỏ. Phải nói đó là một rừng cờ vàng làm tăng vẻ đẹp của biển xanh lóng lánh.
Tôi bước qua mạn trái. Số ghe câu càng đông hơn, đến mút chân trời. Mặt trời rực trắng bao bọc bằng hai nền màu khác biệt. Phần nền từ nửa mặt trời đến đường chân trời có màu hồng tươi. Phần nửa trên nhuộm vàng các dải mây trắng. Tôi không nhận ra đó là loại mây gì và nếu có Bằng bên cạnh tôi cũng không hỏi. Không phải tôi sợ anh chàng chê tôi kém trí nhớ mà vì tôi không chủ tâm nhớ. Nghe thì thích nhưng nhớ cũng chẳng ích gì!
– “Cô Phượng!”
Tôi nhìn quanh tìm Võ Bằng.
– “Cô Phượng!”
Tiếng gọi từ trên cao. Tôi ngước nhìn đài chỉ huy. Một người đang vẫy tay, dường như là Trung Úy Bạch. Rồi anh ngoắt ra dấu tôi lên với anh. Tôi mừng húm vì cảnh đẹp thế này mà được ngắm từ trên cao thì còn gì bằng.
Đã qua vài lần leo trèo, lần này tôi bước lên từng bậc thang nhanh hơn. Khi còn vài bậc cuối đến đài chỉ huy, hình dáng đầu tiên tôi trông thấy là tên Mỹ. Hắn đang nói gì đó với người ngồi trên chiếc ghế dành riêng cho Hạm Trưởng. Khi bước hẳn vào trong, tôi nói:
– “Xin chào Thiếu Tá! Thiếu Tá thức sớm quá!”
Hạm Trưởng nghiêng mặt nhìn tôi:
– “Không thức sớm thì không xong với vùng này. Sơ sẩy là đụng chìm ghe. Nói theo chuyên môn thì cả một hạm đội ghe! Nói theo miền Nam thì ‘quỷ thần thiên địa ơi, minh mông ghe là ghe’! Đó cũng là lý do tôi cho gọi cô lên đây thưởng thức một cảnh tượng khó có dịp thấy lần thứ hai.”
Tôi đảo mắt nguyên một vòng. Quả là nhìn từ trên cao, hình ảnh ghe chen chúc trông đậm nét hơn, cờ vàng rực rỡ hơn.
Hạm Trưởng hỏi:
– “Đêm qua, sau mục ca hát, còn mục gì khác không? Như đi ca tiên với Hạm Phó?”
Tôi giật mình. Ông hỏi thật hay đã được báo cáo mà vờ hỏi. Tôi thấy nên nói thật:
– “Thưa có. Được Hạm Phó kể huyền thoại các chòm sao nghe mê luôn, tới 5 giờ sáng mới đi ngủ!”
– “Thế mà 8 giờ sáng đã lên boong ngắm biển!”
– “Nhờ vậy mới được thấy… ghe ôi là ghe!” Tôi cười nói.
– “Lại thêm trời trong, gió nhẹ, biển êm. Cô may mắn lắm đó. Tháng tám là tháng bão mà!”
– “Gặp bão chắc Phượng ói mửa chết thôi!”
– “Thật ra dân đi biển chết vì bị bão đánh chìm chớ không chết vì ói mửa. Cùng lắm thì gần chết!”
– “Với Phượng, thà chết còn hơn!”
Tôi định nêu lên câu hỏi ‘gặp bão làm sao tránh’ thì có tiếng la của anh Trung Sĩ:
– “Báo cáo Trung Úy, có ghe vượt mũi tàu.”
Trung Úy Bạch quan sát nhanh bằng ống dòm rồi ban lệnh cho nhân viên điều khiển tay lái. Hạm Trưởng vụt đứng lên nhìn mũi tàu đang quay qua phải. Một chiếc ghe hiện ra ngay trước mũi và lùi dần dọc theo mạn trái. Mấy người trên ghe hớn hở vẫy tay. Hạm Trưởng càu nhàu:
– “Sợ luôn! Cá đâu không thấy, chỉ thấy chết trước mắt!”
– “Nghĩa là sao, thưa Thiếu Tá?”
– “Họ có niềm tin hễ vượt qua mũi tàu là ngày đó đánh được nhiều cá!”
Tôi chỉ biết cảm thông cho cả hai phía bằng cách lắc đầu! Thiếu Úy Ẩn từ cánh trái bước đến chiếc la bàn điện. Tên Mỹ đứng sát ghế Hạm Trưởng nhường chỗ cho Ấn đo góc độ ba đối vật. Đo xong, Ấn bước đến bàn hải đồ xác định vị trí chiến hạm. Anh nói:
– “Trình Hạm Trưởng vị trí chiến hạm trên đường đi.”
– “Tốt.”
Thiếu Úy Ấn và tên Mỹ trở lại chỗ đứng cũ. Tôi giơ tay mỉm cười chào Thiếu Úy Ấn. Tôi cũng muốn chào anh Trung Sĩ và hai thủy thủ đương phiên nhưng cả ba mải hướng về mũi tàu. Tôi nhìn Hạm Trưởng nêu câu đã định hỏi:
“Tàu của Thiếu Tá phải qua hơn một tháng trên Thái Bình Dương, có khi nào gặp bão không? Gặp bão thì tránh cách nào?”
– “Nhờ trời, chỉ gặp mười ba cơn dông, sức gió đều dưới 63 cây số giờ, tiếng chuyên môn gọi là áp suất nhiệt đới! Cô sắp làm giáo sư Sử Địa, chắc đã rành về nguyên nhân hình thành một cơn bão.”
– “Thưa có. Đại khái, bão chỉ xuất phát giữa vĩ độ từ 5° tới 30°, từ nơi biển có độ sâu 50 mét và có độ ấm 27 độ C. Nước Việt nằm gọn trong giới hạn này nên bị bão lia chia.”
– “Người Việt ta gọi bão là gì, bằng tiếng Anh?”
– “Typhoon.”
– “Cô có biết từ ngữ typhoon do đâu mà có?”
Tôi lắc đầu. Hạm Trưởng hỏi tiếp:
– “Cô biết từ ngữ hurricane, cyclone?”
– “Phượng chỉ biết cả ba chữ đều có nghĩa là bão.”
– “Đồng ý, nhưng khi nào thì dùng hurricane, khi nào dùng cyclone, typhoon?”
Tôi lắc đầu. Hạm Trưởng mỉm cười:
– “Tôi cũng mới biết trong chuyến đi từ Tây sang Đông. Bão trên Đại Tây Dương, Mỹ gọi là hurricane, trên Thái Bình Dương, người Việt, người Hoa gọi là typhoon, còn các nước vùng Ấn Độ Dương thì gọi cyclone.”
Từ sáng tới giờ, tên Mỹ vẫn lặng thinh ôm trụ la bàn, bỗng gật đầu lia lịa. Thấy anh chàng tỏ vẻ hiểu biết, tôi hào hứng hỏi:
– “Thưa Thiếu Tá, sao lại có sự khác biệt về từ ngữ?”
– “Có lẽ do lịch sử địa phương. Tiếng hurricane thì lấy từ tiếng hurakan, tên vị thần hủy diệt người Maya cổ đại ở Trung Mỹ giáp Đại Tây Dương. Nước Tàu giáp Thái Bình Dương gọi bão là taifeng – 颱風 đại phong, dịch âm Typhoon. Còn từ cyclone mang nghĩa cơn lốc xoáy mượn từ tiếng Anh, có lẽ do thời Ấn Độ còn là thuộc địa Anh.”
– “Khi gặp bão thì tàu tránh thế nào, thưa Thiếu Tá?” Tôi nhắc lại câu hỏi.
– “Tránh thì cũng dễ trừ phi quá xui! Tàu nào cũng có máy nhận tin bão. Trong công điện tin tức khí tượng, họ cho biết tâm bão đang ở đâu, sức mạnh của cơn bão, hướng và tốc độ di chuyển. Từ các yếu tố đó so với vị trí con tàu, chiến hạm phải tính toán thế nào để sớm tránh xa cơn bão.”
– “Sao gọi là quá xui!”
– “Hoặc là vì máy truyền tin hư, hoặc là do cơn bão hình thành bất thường.”
– “Thiếu Tá có lần nào gặp xui?”
– “Chưa, đều gặp may mắn. Như cô đi chuyến này không gặp bão.”
Lệnh ngưng máy của Trung Úy Bạch vang lên đột ngột. Hạm Trưởng lại đứng thẳng người, đưa ống dòm lên mắt. Tôi nghiêng người ra phía ngoài quan sát chuyện gì xảy ra. Con tàu êm ái lướt qua dãy phao giăng chắn ngang hướng đi. Mãi khi dãy phao nổi lên xa phía sau Trung Úy Bạch mới cho lệnh tăng máy.
– “Sao phải ngưng máy, Trung Úy?” Tôi hỏi Bạch.
– “À, họ đang chăng lưới bắt cá. Ngưng máy để lưới không bị cuốn vào chân vịt. Cả hai bên cùng có lợi. Với chiến hạm thì khỏi phải cho người lặn xuống gỡ lưới. Với ngư dân thì họ không phải mua lưới mới. Có tới 5, 7 chục ngàn chớ ít sao!”
Nói xong, anh cho lệnh tăng thêm tốc độ. Tôi ngạc nhiên về thái độ bình thản của Hạm Trưởng. Ông chỉ quan sát, theo dõi, không lần nào nói như lần trước ‘Hạm Trưởng nhận quyền chỉ huy’. Ông để Trung Úy Bạch toàn quyền điều khiển hải hành. Rõ ràng ông đặt hết tin tưởng vào khả năng của Trung Úy Bạch. Điều đó cũng hợp lý. Sau gần hai tháng lênh đênh, các sĩ quan hẳn đều đã thu thập nhiều kinh nghiệm.
Hạm Trưởng thả người, tựa lưng vào ghế, giọng hài lòng:
– “Giỏi lắm, Trung Úy Bạch. Nay mai Đại Úy Bằng đổi đi, Trung Úy sẽ thay làm Hạm Phó.”
Võ Bằng đổi đi. Đi đâu? Tự dưng tôi nghe buồn buồn. Tự dưng tôi nhớ tới mấy câu ca dao về bão của anh chàng. Có một người bạn như Võ Bằng thỉnh thoảng gặp nhau đấu hót cũng vui. Không nén được tò mò, tôi hỏi Hạm Trưởng:
– “Thưa Thiếu Tá, Đại Úy Bằng đổi đi đâu?”
– “Đi đâu thì chưa biết. Theo thông lệ, một sĩ quan ở một đơn vị không quá hai năm. Tôi vừa bình điểm thường niên, xếp hạng xuất sắc cho Võ Bằng. Rất có thể nay mai Hạm Phó sẽ ôm chức Hạm Trưởng một Tuần Duyên Hạm.”
– “Có giống tàu Hộ Tống Hạm này không, thưa Hạm Trưởng?”
– “Gần giống nhưng nhỏ hơn. Nhân viên chừng nửa tàu này.”
– “Thưa Thiếu Tá, nghe tên gọi các chiến hạm hùng hồn quá. Hộ Tống Hạm, Tuần Duyên Hạm rồi gì nữa?”
– “Rất vui thấy cô quan tâm đến Hải Quân. Càng vui nếu cô sớm là thành viên gia đình Hải Quân. Chiến hạm có nhiều loại. Loại hoạt động trong sông thì có Giang Pháo Hạm, Trợ Chiến Hạm. Hoạt động ngoài biển thì có Dương Vận Hạm, Hộ Tống Hạm, Tuần Duyên Hạm, Hải Vận Hạm, Trục Lôi Hạm, Hỏa Vận Hạm, và nhiều nữa… Tổng cộng khoảng bốn mươi mấy chiếc. Trong tương lai gần, Hải Quân sẽ tiếp nhận các loại chiến hạm cỡ lớn, mỗi tàu cần đến 3, 4 trăm người điều hành. Tên gọi là Tuần Dương Hạm, Khu Trục Hạm. Cô theo kịp không?”
Tôi vui vẻ nói:
– “Có quá nhiều danh từ mới lạ, nhớ thì nhớ không nổi mà nghe thì rất thích. Xin Thiếu Tá tiếp tục.”
– “Tôi tưởng cô không ưa Hải Quân!” Ông nhìn tôi dò xét.
– “Ưa chứ, thưa Thiếu Tá.” Tôi trả lời không suy nghĩ.
Tôi nghe nhiều tiếng cười, trong đó có cả tên Mỹ. Ngẫm nghĩ, tôi trả lời không sai với tình cảm hiện tại. Ít nhất cũng không còn thấy ghét. Hạm Trưởng tiếp tục:
– “Đó là mới kể về ‘hạm’. Còn với tàu nhỏ hơn, thì gọi là ‘đỉnh’, chỉ hoạt động ven biển và trong sông. Có đến hàng chục loại, xếp theo chức năng. Tổng cộng vài trăm chiếc. Như Tuần Duyên Đỉnh, Quân Vận Đỉnh, Khinh Tốc Đỉnh, Soái Đỉnh, Tiền Phong Đỉnh, Xung Kích Đỉnh… Cô nghe đã ớn chưa?”
– “Phượng thấy thích lắm!”
– “Thế thì tôi tiếp tục. Ngoài loại chiến đỉnh, chiến hạm, còn có loại chiến thuyền. Đây là loại ghe đánh cá cải biên, do Hải Quân Công Xưởng chế tạo. Có ba loại ghe là Chủ Lực, Di Cư và Yabuta. Tùy chức năng, ghe được trang bị hoặc đại bác, hoặc đại liên, tiểu liên. Một số ghe tập hợp thành Duyên Đoàn. Có tất cả 27 Duyên Đoàn hoạt động suốt từ Bến Hải đến Hà Tiên. Nhiệm vụ Duyên Đoàn là tuần tiễu, ngăn chận Việt Cộng xâm nhập vào các làng ven biển. Thành tích mới nhất của họ vào đầu năm nay là bắn chìm hai tàu tiếp tế súng đạn từ miền Bắc ở bờ biển Bình Đại, Bến Tre. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, hai ghe chủ lực tấn công và bắt sống một tàu tiếp tế ở cửa Hàm Luông, thu nhiều súng đạn.”
– “Thiếu Tá sao nhớ hay vậy?”
– “Một là tôi từng chỉ huy các đơn vị này. Hai là công điện phổ biến Tin Hải Quân hàng ngày.”
Thiếu Úy Ấn lại xin lỗi tên Mỹ để dùng la bàn. Tôi để ý thấy anh lặp lại việc làm mỗi 15 phút. Tôi nhìn theo anh đang nhắm vào mũi nhọn nhô ra biển khá xa trước mũi tàu. Rồi nhắm vào thành phố con tàu đang ngang qua. Rồi nhắm mũi nhọn xa phía lái. Một khối vuông vàng ố từ đó vượt qua bãi cát đỏ, vươn lên nền trời xanh. Tôi hỏi Hạm Trưởng:
– “Thưa Thiếu Tá, cái khối vuông kia là gì vậy”?
– “À, đó là một di tích lịch sử có liên quan đến tác giả hai câu thơ Thiếu Úy Ấn ngâm nga trong bữa cơm trưa qua: ‘Ngày mai trong đám xuân xanh ấy. Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.’”
– “Xin Thiếu Tá nói rõ hơn!”
Ông thi sĩ đó cũng là tác giả bốn câu thơ này:
‘Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăиg
Lầu Ông-Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết.’”
– “A! Lầu Ông Hoàng,” Tôi kêu lên. “Cái tên được nhắc trong bản nhạc Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh.”
– “Đúng!” Hạm Trưởng tươi cười. “Nhưng cái khối trụ vuông ố vàng đó không phải là Lầu Ông Hoàng như nhiều người lầm tưởng. Đó là cái pháo đài do Pháp xây để chống lại quân kháng chiến của Hoàng Hoa Thám. Lầu Ông Hoàng được xây gần đó, cách nay trên nửa thế kỷ, là một dinh thự có tới 13 phòng của một công tước người Pháp. Rồi sau khi Pháp rút, bị bỏ hoang phế. Cách đây 4, 5 năm, Duyên Đoàn 28 phối hợp hành quân với bộ binh tảo thanh Việt Cộng, tôi có đến tận nơi, thấy Lầu Ông Hoàng chỉ còn vài phế tích.”
Tôi lại nhìn pháo đài, tưởng tượng đôi tình nhân ngồi kề vai ngắm biển cả, trăng sao. Tôi hát thầm ‘Ai mua trăng tôi bán trăng cho…’ Trong nỗi ngậm ngùi, tôi tự hứa sẽ có một ngày đến viếng nơi hẹn hò này của nhà thơ bạc phước và nàng thơ Mộng Cầm. Tuần rồi Hưng đã đưa tôi vào trại cùi Làng Phong viếng ngôi mộ giả của Hàn Mặc Tử, và sau đó đến viếng ngôi mộ thật ở Gành Ráng. Lần viếng đồi Lầu Ông Hoàng sắp tới, chắc chắn tôi sẽ không đi với Hưng. Viếng một nơi tình tứ mà đi với một người quá khô khan thì thà đi một mình. Đi với Võ Bằng thì quá thích hợp nhưng liệu chừng đó tôi còn gặp lại anh chàng? Thôi thì đi một mình theo gợi ý của Hàn Mặc Tử ‘Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng’. Hướng nào thì Võ Bằng đã dẫn giải. Chòm Thất Tinh chỉ hướng Bắc. Từ Sài Gòn, cứ theo Gấu Mẹ là tới. Nhưng có đáng bõ công không? Cũng đáng lắm. Ngồi trên đỉnh đồi như trên đài chỉ huy, trước mặt là đại dương dạt dào, trên trời vô vàn vì sao. Còn nơi nào thích hợp hơn để nhớ… chuyến đi này! Tiếng của Hạm Trưởng nhẹ vang:
– “Cô Phượng có biết tác giả bản Hàn Mặc Tử là người Phan Thiết.”
– “Vậy sao?” Tôi ngạc nhiên. “Hèn gì lời nhạc nghe rất cảm động. Thiếu Tá thích nhạc Trần Thiện Thanh?”
– “Thỉnh thoảng có nghe trên đài Quân Đội. Còn cô?”
– “Chỉ thích vài bản. Như Hàn Mặc Tử, Lâu Đài Tình Ái. Thích Hàn Mặc Tử nhưng chê Tâm Sự Mộng Cầm!”
– “Bút hiệu của nhà thơ trên bản nhạc Hàn Mặc Tử ghi sai. Phải là Hàn Mạc Tử, không dấu á.”
– “Thiếu Tá dựa vào đâu mà cả quyết là sai?”
– “Cô về tìm đọc quyển Hàn Mạc Tử của nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại. Đó là quyển tiểu sử được đích thân nhà thơ Hàn Mạc Tử yêu cầu tác giả chấp bút.”
Hạm Trưởng lặng thinh nhìn phía trước. Tôi lại vội lên tiếng:
– “Thưa Thiếu Tá, ngoài Lầu Ông Hoàng, Phan Thiết có gì đặc biệt khác?”
– “Tôi không biết nhiều về Phan Thiết. Nói rộng hơn là cả tỉnh Bình Thuận. Chỉ nghe nói nước mắm Phan Thiết ngon không thua gì Phú Quốc.”
Ông ra dáng suy nghĩ. Tôi cũng cố tìm một câu hỏi. Ông lên tiếng trước:
– “Nếu nói riêng về mối quan hệ với Hải Quân thì có địa danh Mũi Né.”
– “Liên hệ ra sao, thưa Thiếu Tá?”
– “Cái tên Mũi Né đã nói lên sự liên hệ rồi!”
– “Phượng không thấy gì hết. Xin Thiếu Tá nói rõ hơn.”
– “Theo đồn đại dân gian thì sở dĩ có tên Mũi Né vì đó là vịnh tốt nhất cho ghe tàu né sóng lớn.”
– “Thiếu Tá cho tàu né lần nào chưa?” Tôi cười hỏi.
– “Chưa vì còn một chỗ vừa né được sóng mà cũng né được gió. Đó là đảo Hòn Bà thuộc hải phận Phước Tuy. Còn khá xa, phải qua hải đăng Kê Gà mới có thể thấy.
Cũng khoảng 3 tiếng nữa.”
– “Hải đăng Kê Gà, cái tên nghe hay hay. Đã Kê mà còn Gà. Vì sao có tên đó?”
– “Sách vở nói sở dĩ có tên Kê Gà là vì hòn đảo có dạng đầu con gà, còn chữ Kê nguyên thủy là chữ Khe, dân gian đọc thành Kê. So với hải đăng Cù Lao Xanh ở Quy Nhơn, vừa xa đất liền vừa chỉ cao 19 thước, Hải đăng Kê Gà cao 60 thước trên một hòn đảo cách đất liền nửa cây số. Đặc biệt, khi thủy triều xuống, du khách có thể tản bộ trên bãi cát. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay là 67 năm, cả hai hải đăng hoạt động liên tục, hữu hiệu.”
Tôi hít một hơi dài. Có quá nhiều đặc ngữ, thuật ngữ, danh từ cùng lúc dồn dập vào đầu như cơn bão ập đến. Còn đang ngất ngư, Hạm Trưởng đột ngột hỏi:
– “Lên đại học, tiếng Anh của cô chắc khá lắm!”
– “Tôi có học thêm ở Hội Việt Mỹ.”
Trả lời xong tôi giật mình nhớ tới Hưng. Chính Hưng xúi tôi học thêm tiếng Anh để xin vào làm ở các cơ quan Mỹ nghe ngóng, săn tin. Hạm Trưởng định dẫn mình tới đâu đây?
– “Cô có đọc tiểu thuyết tiếng Anh?”
– “Thưa, đôi khi.”
– “Có hai quyển truyện liên quan đến ngọn hải đăng. Một quyển dễ đọc, một quyển khó nhằn. Cả hai truyện đều hay. Đó là quyển ‘The Lighthouse at the End of the World’ của Jules Verne và quyển ‘To the Lighthouse’ của Virginia Woof. Tôi biết cô thích Sử Địa, nhưng nếu có chút máu văn chương thì rất nên đọc.”
– “Xin ghi nhận. Cám ơn Thiếu Tá.”
Tôi không ngạc nhiên thấy ông đọc nhiều. Dưới quyền là các sĩ quan giỏi nghề, lại ‘nếu không có gì trở ngại’, ông có quá nhiều thì giờ rỗi rảnh. Tên Mỹ cũng thế, lúc nào cũng ôm bộ bài hay quyển sách. Còn Võ Bằng… Tiếng Hạm Trưởng vang lên:
– “Trở lại đường về, ở phía nam hải đăng Kê Gà có một bãi cạn chìm dưới mặt nước chưa đầy một mét, cách bờ độ 30 cây số, gọi là Banc de Britto. Nếu đi tắt giữa bờ và Banc de Britto, thời gian hải hành sẽ rút ngắn cả tiếng nhưng nguy hiểm vì có thể bị dòng nước ngầm và gió đẩy tàu dạt vào bãi cạn. Thông thường với Hạm Trưởng thích ăn chắc mặc bền, ông ta cho tàu bung xa ngoài dãy banc để được an toàn.”
Tôi cũng muốn được an toàn. Từ lúc xuống tàu, tôi lúc nào cũng nguyện cầu được an toàn. Giờ phút nào còn ở trên tàu là giờ phút đó tôi thiếu an toàn. Nhưng tôi lại muốn rời tàu càng sớm càng tốt nên hy vọng ông chọn đi đường tắt. Tôi hồi hộp hỏi:
– “Thưa Hạm Trưởng, vậy mình đang đi tắt hay bung ra ngoài?”
– “Hạm Phó thì thích đi bung ra ngoài! Còn cô Phượng thì sao?”
Tôi cố nén bực mình, giữ giọng lễ độ:
– “Dĩ nhiên Phượng muốn về Sài Gòn sớm!”
– “Coi như xổ số: Cô bước đến bàn hải đồ xem tàu đi trong hay đi ngoài!”
Bàn hải đồ đặt ngay giữa đài chỉ huy, Thiếu Úy Ấn từ cánh trái bước qua đứng cạnh. Tấm hải đồ hai màu đen trắng chi chít con số và các đường cong queo nhưng so với bản đồ được thấy qua môn địa lý thì vẫn sáng sủa hơn. Nhìn qua, tôi đã nhận ra hải lộ của chiến hạm được kẻ bằng viết chì. Nhưng Banc de Britto ở đâu? Thiếu Úy Ấn thấy tôi lò dò, nên chỉ một đốm xám có hàng chữ vắt ngang Banc de Britto. Rõ ràng hải lộ nằm giữa bãi cạn và bờ. Nụ cười khoái chí nở cùng lòng quý mến. Ông Hạm Trưởng này có lòng nhân ái, biết cảm thông ước muốn của nhân viên. Ai chẳng mong sớm đoàn tụ gia đình sau công tác dài hạn. Nếu chỉ nghĩ riêng tương lai cá nhân, với uy quyền tối thượng ‘trên có Trời dưới có Hạm Trưởng’, ông có toàn quyền chọn đường đi an toàn. Tôi trở lui tươi cười với Hạm Trưởng:
– “Cảm ơn. Cảm ơn. Rất cảm ơn.”
Ông cười, nụ cười nửa hài lòng nửa kẻ cả. Nhìn nụ cười tươi rói của ông, tôi bất chợt nghĩ đến câu thành ngữ ông đề cập trong bữa ăn trưa hôm qua. Câu đó xem ra còn thiếu sót. Tôi thấy nên thêm vài chữ cho đầy đủ: ‘trên có Trời dưới có Hạm Trưởng và Phan Kim Phượng’. Bởi vì tôi cũng có toàn quyền cho bom nổ hay không!
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét