THĂM ĐỒNG MÔN (TT)
(Viết tiếp status 23/02 và status 24/02/2023)
Sau khi viếng được mộ một thầy - LM. Nguyễn Văn Thích (1891 - 1978) và mộ một đồng môn - Trần thị Nguyệt (1943 - 2015) vào sáng 23/02/2023, trưa, chúng tôi - 11 cựu sinh viên Viện Hán Học - ghé về nhà anh Phan Thuận An để thăm anh đang yếu và nhờ chị - vợ anh - giúp cho bữa ăn trưa.
Anh Phan Thuận An sinh năm 1940 học khóa 1 Hán Học (1959 - 1964). Anh là nhà nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt lịch sử Huế có tiếng trong học giới.
Anh bị tai biến cách đây đã nhiều năm, hiện việc đi đứng của anh khó khăn, phải nhờ cái gậy và có lúc phải cần người dìu.
Chúng tôi đến, anh chống gậy bước ra tươi cười chào trong bộ trang phục màu trắng tinh khiết; anh nhận diện và nói tên đúng từng người. Chúng tôi mừng: Anh vẫn còn minh mẫn.
Anh chuẩn bị sẵn trên bàn quà tặng cho mỗi người. Mỗi phần quà là một trong những quyển sách dày chứa đựng công trình nghiên cứu hàn lâm của anh: Quần Thể Di Tích Huế, Huế Xưa Và Nay: Di Tích và Danh Thắng, Kiến Trúc Cố Đô Huế, Kinh Thành Huế ...
Anh dành cho tôi sự ưu ái; ngoài quyển "Kinh Thành Huế", anh tặng riêng thêm cho tôi 4 bản nhạc do anh soạn nhạc và viết lời: Viết Cho Huế, Mơ Về Huế, Hương Sắc Đà Lạt, Gửi Lên Đà Lạt.
Anh Lý Văn Nghiên cầm hát cho anh chị em nghe, không đàn không micro; đến hai bài về Đà Lạt, anh Nghiên nói đây là tình cảm của anh An dành cho Đà Lạt trong thời gian ở trường Võ Bị Quốc Gia.
Cô đồng môn Ngọc Hương ngồi bên cạnh hỏi nhỏ tôi: "Rứa anh An có đi sĩ quan Đà Lạt à?".
Không.
Anh An, sau khi tốt nghiệp Hán Học, vừa đi dạy vừa học thêm cho xong Cử Nhân Sử Học (1966). Năm 1968, lệnh tổng động viên đưa anh vào thụ huấn khóa 2/1968 ở quân trường đào tạo sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tốt nghiệp Thủ Đức, anh được đưa lên giảng dạy học phần Sử trong chương trình văn hóa dành cho sinh viên Võ Bị.
Anh An đến Võ Bị Đà Lạt để dạy, chứ không phải để học.
Viện Hán Học cho ra lò 2 khóa, nhưng sau Thủ Đức, có đến 3 người lên dạy văn hóa tại trường Võ Bị Đà Lạt: Phan Thuận An, Ngô Hữu Kỉnh dạy môn Sử (khóa 1 Hán Học, khóa 2/68 Thủ Đức) và Nguyễn Văn Đài dạy môn Văn Chương Việt Nam (khóa 2 Hán Học, khóa 5/68 Thủ Đức).
Khi có chương trình của Việt Nam Cộng Hòa trả giáo chức động viên về lại trường sở cũ vì quá thiếu nhân viên giảng huấn, anh Phan Thuận An xin thuyên chuyển từ trường Võ Bị Đà Lạt về Tiểu Khu Thừa Thiên để được trở lại bộ Giáo Dục đi dạy học sinh và anh dạy Quốc Học Huế đến 1975.
Trong thời gian dạy Quốc Học, anh lại tiếp tục việc học, nghiên cứu, viết tiểu luận (mémoire) trình lấy bằng Cao Học Sử (bây giờ gọi Thạc Sĩ thay cho Cao Học) ở Đại Học Sài Gòn năm 1972
Năm 1978, nhà nước trưng dụng anh vào làm việc ở Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế.
Vốn là người thông minh, thích nghiên cứu văn hóa, lại sống trong môi trường gia đình và công việc có điều kiện tiếp cận sách vở, bên cạnh là bà vợ hiền thục, anh đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nghiên cứu công phu.
Khi tôi rời nhà anh, anh chống gậy lần ra, chào tạm biệt tôi. Giây phút ấy, tôi bùi ngùi, cảm động lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét