Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 14: Hải Phận Bình Tuy

          Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất

                             

       Chương 14 :  Hải Phận Bình Tuy 

Chủ nhật 6/8/1967 12:00G

Đúng 11g30, chúng tôi rời đài chỉ huy chuẩn bị dự cơm trưa. Hạm Trưởng vào phòng riêng của ông, tôi và tên Mỹ xuống thêm một bậc thang để về phòng của mình. Bước vào phòng ăn thì gặp Võ Bằng và Thiếu Úy Văn đang ăn sớm để nhận phiên. Tôi chưa kịp chào xã giao thì Võ Bằng đã lên tiếng:

– Tìm khắp tàu, tưởng cô bị rớt xuống biển rồi!

Giọng Võ Bằng điểm chút hờn giận. Tôi cười đùa:

– “Chắc Đại Úy mong tôi rớt lắm?”

Võ Bằng trừng mắt rồi cúi xuống tiếp tục ăn. Tôi tiếp tục trêu chọc:

– “Im lặng đồng nghĩa với… cho chết luôn!”

– “Phải! Cho cô chết luôn!” Võ Bằng quắc mắt.

Nghe giọng nói lạnh lùng, tôi lặng người. Không lẽ chỉ vì giận mà Võ Bằng tàn nhẫn đến thế. Vẫn giọng lạnh lùng, anh chàng tiếp:

– “Bởi vì tôi sẽ nhảy xuống… chết theo cô!”

Thiếu Úy Văn cười tán thưởng. Tôi cũng cười mà lòng xao xuyến. Dù biết anh chàng hay nói xa gần nhưng vẫn xúc động. Tôi đang còn nghĩ xem phải đáp trả thế nào thì tên Mỹ bước vào. Hắn chào Võ Bằng:

– “Chào buổi sáng X O. Anh mạnh khỏe?”

Võ Bằng quay nhìn, tươi cười.

– “Khỏe. Cám ơn Rick. Anh thì sao?”

– “Không có gì than phiền.”

Thủ tục nhàm chán nhưng không thể thiếu. Hỏi han nhau mang thân tình cho nhau. Tên Mỹ kéo ghế ngồi. Bằng kéo ghế cho tôi. Tôi vẫn đứng hỏi:

– “X O là gì vậy, Đại Úy?”

Võ Bằng đang nhai nên tên Mỹ trả lời:

– “X O là executive officer, là Hạm Phó. Như tôi gọi Hạm Trưởng là Cap, tức Captain.”

Võ Bằng hỏi tôi:

– “Cô có xem phim Moby Dick?”

– “Có.”

– “Các thủy thủ gọi Thuyền Trưởng là gì?”

– “Không để ý.”

– “Là Skip.”

– “Vì sao gọi Skip?”

– “Tôi thấy mình thật dại, khuyên cô luôn luôn hỏi ‘vì sao’ để chính mình bị hai lần bí!”

Tên Mỹ lại lên tiếng:

– “Skip là gọi tắt của skipper, nguồn gốc tiếng Hòa Lan schipper.”

Tôi thấy vui vui khi nghĩ nếu mình có dịp quá giang thêm vài chuyến chắc còn biết thêm nhiều tiếng lạ, thêm nhiều hiểu biết chuyện trên trời dưới biển. ‘Đi một ngày đàng học một sàng khôn’ là đây! Tôi nói ‘thank you’ với tên Mỹ rồi hỏi Võ Bằng:

– “Ăn cơm xong, tôi lên đài chỉ huy được hôn?”

– “Tôi chờ cô từng phút lại từng giây!”

Tôi ngượng nghịu nói:

– “Đại Úy cứ nói giỡn hoài, Thiếu Úy Văn cười chết!”

– “Kỳ tới, có cô nào quá giang, tôi sẽ bắt chước Hạm Phó! Master của tôi đó!”

Tôi trừng mắt với Văn. Thầy trò bênh nhau thì chịu thua thôi. Tôi cáo lỗi rút về buồng, đi thẳng vào phòng vệ sinh. Tôi nâng cổ tay xem đồng hồ: 11g45. Tôi có 10 phút chỉnh đốn cá nhân. Tôi tự hỏi khi tàu về bến sinh hoạt không biết ra sao chớ hai ngày qua thì giờ chặt chẽ quá. Đến ở phòng vệ sinh cũng phải canh giờ.

Khi còn 5 phút đúng ngọ, tôi trở ra ngồi vào chỗ chờ Hạm Trưởng. Đây là bữa ăn thứ ba của tôi do Hạm Trưởng chủ tọa. Hạm Phó, Thiếu Úy Văn đã rời bàn và Trung Úy Bạch, Thiếu Úy Ấn xuống phiên ngồi ở ghế chỉ định. Tôi để ý thấy bàn ăn luôn luôn có 7 người. Hai người vắng mặt là hai sĩ quan đương phiên. Tôi cũng thấy có người luôn luôn có mặt là tên Đại Úy Mỹ và Trung Úy Lê Giáp Thân, người thỉnh thoảng Hạm Trưởng hỏi về tình trạng máy móc.

Vẫn thủ tục như hai bữa ăn trước, Thiếu Úy Văn hô nghiêm khi Hạm Trưởng xuất hiện ở cửa vào. Ông tiến đến ghế đầu bàn, nhìn quanh một lượt rồi nói ‘mời ngồi’. Và cũng như lần trước, sau khi thả người lên ghế, ông dành câu nói đầu tiên cho tôi:

– “Rất vui thấy cô hiện diện sau hai ngày thiếu ngủ.” Ông nhìn Thiếu Úy Văn ngồi đối diện, cuối bàn: 

– “Đây là bữa cơm chót của cô Phượng. Sĩ quan Ẩm thực đãi cô Phượng những món gì đây?”

– “Thưa Hạm Trưởng, thưa quý vị, thực đơn gồm cơm trắng, rau muống xào tỏi, thịt kho hột vịt, canh bí đao. Tráng miệng bánh LU. Xin thưa trước, các món ăn không được hòa hợp vì lý do kho cạn!”

– “Ái chà, toàn miếng ngon miền Tây. Rất tế nhị, Thiếu Úy Văn. Nhớ chuyển lời tôi khen hỏa đầu quân. Món thịt kho hột vịt cũng là món ruột của nhà tôi. Nào, mời cầm đũa.”

Tên Mỹ nhấc đôi đũa và dùng tay kia sửa đổi vị trí thích ứng, rồi gắp miếng thịt kho, mỡ nhiều hơn nạc. Hắn cẩn thận đưa chén cơm đến tận mép dĩa thịt kho. Nét mặt bình thản của người chấp nhận hội nhập.

Tôi chan canh bí đao. Tôi thích ăn cơm với nước canh bí đao. Tôi múc từng muỗng đưa lên miệng thay vì và. Tên Mỹ nói với tôi ‘good idea’ rồi bắt chước. Hắn ăn với vẻ hài lòng và thỉnh thoảng nhìn qua tôi như muốn học cách ăn từ tôi.

– “Cô sẽ về thăm ba mẹ trước khi nhập học chứ?” Hạm Trưởng hỏi.

– “Dạ!”

– “Tôi sẽ kể chuyện với nhà tôi về gia thế của cô. Nếu bà ấy muốn nhìn bà con, chúng tôi sẽ nhờ cô đưa xuống Vĩnh Long thăm viếng ba mẹ cô.”

Tôi thầm kêu trời nhưng buộc phải nói xuôi theo:

– “Ba mẹ Phượng sẽ rất vui mừng tiếp đón.”

Tôi moi óc nhớ địa chỉ của tiệm tạp hóa nào đó lỡ ông hỏi tới. Nhưng ông không hỏi. Có thể ông nghĩ đã có địa chỉ nhà tôi trong giấy quá giang hoặc cho rằng Hạm Phó và tôi sẽ còn tiếp tục gặp gỡ. Nhưng nếu bom nổ, ông chết, mọi sự êm xuôi. Chỉ có điều đang đi ngoài dự tính: Tôi cảm thấy chùn tay.

– “Qua gần hai ngày hai đêm trên chiến hạm, cảm tưởng của cô ra sao?” Hạm Trưởng ân cần hỏi.

– “Chưa bao giờ trong đời Phượng được sống qua những giờ phút tuyệt vời như hai ngày qua.” Tôi vui vẻ đáp. “Từ góc nhìn di động xa khơi, Phượng được ngắm thỏa thuê núi tiếp núi trùng điệp, biển tiếp biển bao la. Và được chiêm ngưỡng những cảnh tượng độc đáo chưa từng được thấy ở thành phố.”

Tôi lướt mắt qua từng người quanh bàn, tiếp lời:

– “Thêm vào đó, những sinh hoạt tâm tình với thủy thủ đoàn, khiến Phương đâm ra mê… đời thủy thủ. Rất mong một chuyến đi khác.”

Hạm Trưởng gật gù tỏ vẻ hài lòng. Rồi ông gắp thức ăn nhai ngon lành. Một lúc, ông buông đũa, hỏi:

– “Chỉ có thế thôi sao?”

Tôi không hiểu ý ông là gì, đành nêu chung chung:

– “Nếu không có chuyến quá giang này, có lẽ cả đời Phượng vẫn ngu ngơ về trời, sao, mây, nước cũng như mù tịt về hoạt động gian nan của Hải Quân. Xin thú thật, sau khi rời chiến hạm, quan điểm sống của Phượng chắc sẽ hoàn toàn thay đổi.”

– “Một thí dụ?” Trung Úy Bạch ngồi cạnh tôi hỏi.

Tôi nghiêng mặt nhìn anh. Đó là ý ám chỉ làm sao cho thí dụ được. Tôi trầm ngâm:

– “Thí dụ như thấy các anh mặc quân phục trắng dạo phố, tôi nghĩ binh chủng Hải Quân quá nhàn tản!”

Nhiều tiếng cười nổi lên. Tên Mỹ cũng tỏ vẻ thích thú. Hạm Trưởng lên tiếng:

– “Nhân sự việc trắng đen hai mặt, khó phân biệt đúng sai, tôi nhớ đến lối tuyên truyền bịp bợm của bọn Việt Cộng vào dịp tổng tuyển cử bầu Tổng Thống ngày 3 tháng 9 sắp tới. Họ tuyên truyền rằng chính quyền tổ chức bầu cử cho có hình thức chứ ai làm Tổng Thống thì đã chọn sẵn rồi! Hãy khách quan nhìn sự việc: Cuộc bầu cử diễn ra công khai trước thế giới và báo chí quốc tế, không cách gì bịp bợm được! Chúng ta có Hiến Pháp, chúng ta có Luật Bầu Cử. Chúng ta có đến 11 Liên danh Ứng cử gồm đủ mọi thành phần kể cả thành phần thiên Cộng. Tôi khuyên các sĩ quan nên đi bầu và các Trưởng ban nên khuyến khích nhân viên của mình đi bầu. Hãy cẩn thận chọn lựa người thật sự vì dân vì nước.”

Hạm Trưởng nhìn tôi:

– “Cô Phượng đã định bầu cho ai chưa?

– “Thú thật, Phượng không rõ ai là ai!”

Ông gác đũa, tựa ngửa vào lưng ghế, ngạc nhiên:

– “Chỉ còn ba tuần nữa là đi bầu mà không rõ ai là ai!”

– “Thưa Thiếu Tá, vì Phượng không thích chính trị.”

Ông chồm tới, đăm đăm nhìn tôi:

– “Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, thích hay không cũng phải tham gia. Chẳng lẽ cô không định đi bầu?”

– “Phượng đi chứ.” Thấy ông giận, tôi nói dối.

– “Không biết ai ứng cử thì bầu cho ai. Đúng là cô bị tụi sinh viên nằm vùng tuyên truyền đừng đi bầu rồi?”

Dù ông đoán đúng nhưng tôi vẫn thấy tức bực. Ông có quyền gì mà hạch sách. Tôi nén giận, giọng mềm mỏng:

– “Không ai xúi. Phượng đã nói Phượng sẽ đi bầu. Vẫn còn nhiều thì giờ mà!”

Hạm Trưởng xuống giọng:

– “Cô Phượng nên đi bầu. Lá phiếu của cô hình thành tương lai của cô.”  

– “Theo Thiếu Tá, Phượng nên chọn liên danh nào?”

– “Tôi không chọn giùm cô. Chính cô, cũng như các sĩ quan của tôi, mỗi người tự chọn lấy, tự trách nhiệm về sự chọn lựa của mình.”

Ông nhìn các sĩ quan rồi lại cầm đũa. Tôi vừa nhai vừa nghĩ tới Hưng. Anh vừa nhắc nhở đừng đi bầu và khuyên tôi tích cực xúi giục bạn bè nằm nhà. Tôi không tính đi bầu nhưng cũng chưa xúi giục ai. Hạm Trưởng có lý. Tại sao không đích thân đi bầu để chọn người lãnh đạo mình tin tưởng. Có cả liên danh thiên Cộng kia mà!

– “Thưa Thiếu Tá, Phượng xin lặp lại là sẽ đi bầu.”

Hạm Trưởng gật đầu hài lòng. Ông sửa thế ngồi, hai bàn tay đặt tựa mép bàn, người thẳng đứng. Đó là thế ngồi chung của mọi người khi không cầm chén và đũa. Hạm Trưởng nhai từ tốn, không hở đôi môi. Có lúc đôi môi đó mím lại thành một nụ cười mỉa mai như nụ cười của Rhett dành cho cô vợ ngổ ngáo Scarlett trong Cuốn Theo Chiều Gió. Tôi đã ghét nụ cười đó trong phim và nay tôi ghét nụ cười của ông.

Có lẽ thấy bầu không khí trầm lắng, Trung Úy Thân đùa cợt:

– “Chào cô Phượng. Nếu cô ngại đi bầu, tôi sẽ xin phép ‘người ấy’ đến nhà rủ cô đi.”

– “‘Người ấy’ là ai vậy?” Tôi bật cười.

– “‘Người ấy’ là người không có mặt ở đây.”

– “Không phải ‘người ấy’.”

– “Vậy ‘người ấy’ là ai?” Trung Úy Thân dai dẳng.

– “Là ‘người ấy’!” Tôi cộc lốc.

– “Là ‘me’ chăng?” Tên Mỹ chen vô.

– “Mi có vợ rồi, nhất định không phải mi!” Tôi xua tay.

Cả bàn cười rộ. Thiếu Úy Tiến góp lời:

– “Không bao lâu nữa cô Phượng sẽ rời tàu. Chắc chắn chúng tôi sẽ nhớ cô vì cô là người quá giang đầu tiên mà lại vô cùng đẹp. Còn với cô, tôi đồ rằng, sau khi cô về bên ‘người ấy’, cô quên hết chúng tôi!”

– “Không bao giờ!” Tôi phản đối. “Chiến hạm này đưa Phượng ra khơi lần đầu, lại cho Phượng bao nhiêu kỷ niệm tuyệt đẹp thì Phượng đương nhiên coi hơn cả… ‘người ấy’!”

– “Vậy có nghĩa là cô xác nhận đã có ‘người ấy’!” Trung Úy Cang lên tiếng.

– “Có đó, rồi sao?” Tôi vui vẻ thách thức.

– “Rồi thôi! Thôi rồi!” Trung Úy Cang ỡm ờ.

Thiếu Úy Ấn lại ngâm nga, nhại Nguyễn Bính:

– “Gái lớn lên ai chẳng có bồ! Can gì mà khóc với kêu ca!”

Tôi thích chí cười to. Tôi đã thấy lý do họ đi biển lâu ngày mà không buồn chán. Ở đâu, bất cứ lúc nào họ cũng vui vẻ, cười đùa. Tại sao tôi không đi chuyến nữa và… không mang theo quả bom? Chắc chắn là vui đùa mặc sức! Hạm Trưởng lên tiếng:

– “Như tôi nói, đây là bữa cơm chót của cô trên tàu này. Sẵn gần đông đủ sĩ quan, cô có gì không hài lòng hay có gì thắc mắc, cứ nêu lên chúng ta cùng giải tỏa.”

– “Thưa Hạm Trưởng.’ Tôi cảm động nói: “Cho tới giờ phút này Phượng không có gì gọi là không hài lòng. Xin đa tạ sự đối đãi niềm nở của quý vị. Còn về thắc mắc, chắc phải cần ra khơi vài chuyến nữa may ra mới hết thắc mắc.”

– “Thử nêu một xem.” Hạm Trưởng nói.

Tôi nghĩ đến câu đã hỏi và Võ Bằng không trả lời được. Nếu đem ra hỏi Hạm Trưởng, liệu có chạm tự ái Võ Bằng? Rồi lỡ Hạm Trưởng cũng không biết, liệu có làm ông mất mặt? Hạm Phó thì đang ở đài chỉ huy, còn Hạm Trưởng thì chắc gì ông bí. Trường hợp ông trả lời suôn sẻ thì được hiểu biết thêm, lợi bất cập hại! Tôi mạnh dạn:

– “Điều Phượng thắc mắc là vì sao về đêm, bầu trời lại màu đen?”

– “Câu trả lời dễ nhất: Vì ban đêm trời tối đen!” Hạm Trưởng nói ngay.

Thầy trò trả lời giống nhau quá! Tôi bật cười:

– “Thưa Thiếu tá, Phượng nghĩ là câu trả lời đó thiếu tính khoa học. Là vì theo sách vở, ánh sáng mặt trời cực mạnh, nó đủ sức chiếu sáng cả bầu trời. Quả đất chỉ là một điểm nhỏ, không chận được hết ánh sáng. Thí dụ như mình chiếu đèn pha trong phòng tối, một trái cam không thể che tối cả căn phòng.”

– “Tôi nói đùa thôi, cô Phượng đúng. Ban đêm ta thấy bầu trời màu đen không phải vì đêm tối. Để làm sáng tỏ, tôi cần dông dài một chút. Trước hết phải hiểu một số danh từ chuyên môn như bầu trời là gì, không gian, vũ trụ là gì? Bầu trời là bầu khí quyển bao bọc quanh một thiên thể. Thiên thể là các ngôi sao như hành tinh, định tinh, sao chổi, vân vân. Không gian là khoảng trống giữa các thiên thể. Vô số thiên thể hợp thành thiên hà. Vũ trụ là không gian vô tận chứa các thiên hà. Có 200 tỷ thiên hà. Mỗi thiên hà cách nhau 2 triệu năm ánh sáng. Cô Phượng thử hình dung độ rộng của vũ trụ.”

– “Phượng hình dung thế này: lấy 2 triệu năm ánh sáng nhân cho 200 tỷ thiên hà.”

– “Vũ trụ thì quá sức lớn, không gian lại chỉ là chân không nên không có hiện tượng tản xạ. Nói cách khác, vũ trụ luôn luôn đen tối. Bây giờ, trở lại quả đất. Quả đất nằm trong Thái Dương Hệ là một nhóm gồm 9 hành tinh thuộc dải Ngân Hà. Mặt Trời là ngôi sao trung tâm bởi vì chỉ một mình Mặt Trời tự sinh bức xạ và phát ánh sáng. Ánh sáng có màu trắng, tổng hợp của 7 màu. Quả Đất nhận ánh sáng từ Mặt Trời. Chúng ta biết Quả Đất có bầu khí quyển. Ngoài 100 cây số là không gian chân không. Bầu khí quyển chính yếu gồm phân tử ni-tơ, oxy, hơi nước. Khi ta thấy Mặt Trời, có nghĩa là ánh sáng mặt trời xuyên qua bầu khí quyển chiếu sáng Trái Đất. Tuy nhiên 7 màu của nguồn sáng cũng bị tản xạ, lưu lại màu xanh trên bầu trời. Ngược lại, khi ta không thấy Mặt Trời, không có ánh sáng mặt trời xuyên qua khí quyển tới mắt chúng ta, chỉ thấy không gian là vũ trụ đen tối. Vì các ngôi sao quá xa, ánh sáng tới mắt ta quá yếu, chỉ đủ cho bầu khí quyển tản xạ lấp lánh. Đó là lý do vì sao bầu trời đen tối khi mặt trời lặn. Hy vọng cô hài lòng?”

Tôi nghiêng mặt nhìn các sĩ quan. Ai nấy đều tỏ ra hớn hở với lời dẫn giải của Hạm Trưởng. Dù hiểu đại khái, tôi cũng hăng hái nói:       

– “Thưa Thiếu Tá, Phượng đã rõ, xin cám ơn nhiều.”

Cả bàn tiếp tục ăn. Tôi vừa nhai vừa nghĩ thêm câu hỏi. Năm phút sau, tôi nói:

– “Thưa Thiếu Tá, xin thêm một thắc mắc. Chuyện trên trời coi như tạm đủ biết, giờ xin thắc mắc về chính Hạm Trưởng.”

Tôi nhìn ông xem phản ứng. Nét mặt ông bình thản như nét mặt của Clark Gable khi ra lệnh đánh đắm tàu ngầm Bismark. Ông hỏi:

– “Về chuyện gì?”

– “Những điều kiện nào cần có để được làm Hạm Trưởng?”

Ông không trả lời ngay mà cầm đũa tiếp tục bữa ăn. Tôi cũng cạn chén của mình. Mãi vài phút sau ông mới dẫn giải:

– “Cô biết rồi, cần thỏa mãn ba chữ trên huy hiệu Hạm Trưởng: Danh Dự, Tài Đức, Kỷ Luật.”

– “Xin nói cụ thể hơn.”

– “Danh dự và kỷ luật thì cô quá biết. Còn về Tài Đức, thì Đức phải thế nào, cô giáo như cô càng rành rẽ. Chỉ còn lại Tài. Tài thì phải rèn luyện. Học tập ở quân trường, chỉ là căn bản. Sau khi xuống tàu, phải gian nan rèn luyện, bắt đầu từ chức vụ ít quan trọng, lần lần lên chức Hạm Phó. Sau một  thời gian, phải được vị Hạm Trưởng đương thời đề bạt. Rồi tùy thâm niên và tùy cấp bậc, phải qua các trường Huấn Luyện Bổ Túc, trường Chỉ Huy Tham Mưu, Cao Đẳng Hải Chiến, Đại Học Quân Sự. Mục đích là sĩ quan mang cấp bậc nào bắt buộc phải có kiến thức tương đương cấp bậc đó. Thí dụ như cấp tá như tôi, phải học Cao Đẳng Hải Chiến để biết về chiến thuật chiến lược Hải Quân và nghệ thuật hải chiến.”

– “Về hải chiến, có quyển nào được bày bán ở Khai Trí hôn, thưa Thiếu Tá?”

– “Thấy có hai quyển viết về các trận hải chiến giữa Mỹ và Nhật, là trận Trân Châu Cảng và trận Midway.”

– “Phượng sẽ đọc.”

– “Sẵn nhắc tới thế chiến 2, tôi giới thiệu cô một quyển truyện về thế chiến 1 tôi vừa đọc xong. Rất là hay. Đó là quyển The Cruel Sea xuất bản năm 1951 của tác giả người Anh, cựu Hải Quân Thiếu Tá Nicholas Monsarrat. Nội dung mô tả hai hộ tống hạm, mỗi chiếc 150 nhân viên, lớn hơn chiếc hộ tống hạm này, lần lượt trải qua các cơn bão táp dữ dội cũng như các trận hải chiến kinh hồn với các tàu ngầm U-boat của Đức. Truyện được quay thành phim năm 1953 và thành công lớn. Rất tiếc là chưa được chiếu ở Việt Nam.”

– “Ba năm trước, tình cờ có bạn rủ Phượng coi phim ‘Đánh Đắm Tàu Bismark’. Từ đó Phượng đâm mê coi các trận hải chiến. Năm sau, xem ngay từ ngày đầu chiếu ‘Run Silent, Run Deep’. Coi xong lại đâm mê hai tài tử Clark Gable và Burt Lancaster. Trời xui đất khiến, xuống tàu này gặp nhị vị Hạm Trưởng, Hạm Phó giống hai tài tử đó quá.”

– “Nhà tôi cũng thấy như cô. Bởi thế tôi thấy ông hải quân giống Burt Lancaster là người cô nên chọn.”

Hạm Trưởng lại nở nụ cười ngạo mạn như Clark Gable. Tôi chợt thấy ghét cả hai. Tôi hết muốn lên đài chỉ huy gặp Võ Bằng. Hạm Trưởng lại hỏi:

– “Thắc mắc tiếp theo là gì?”

Tôi hết muốn nêu thắc mắc. Mà rời bàn cũng không xong. Thôi thì hỏi thêm cho qua thì giờ:

– “Thưa Thiếu Tá, tôi để ý thấy Hạ Sĩ Quan và thủy thủ đeo phù hiệu nghề trên cánh tay, đa số không giống nhau. Vậy Hải Quân có tới mấy nghề lận?”

Ông vừa nhai miếng thịt vừa ngẫm nghĩ. Một lúc, ông nói:

– “Trung Úy Bạch, Hạm Phó tương lai, trả lời câu này.”

Trung Úy Bạch giật mình, cúi mặt, miệng lẩm bẩm. Một phút sau, anh nói:

– “Theo tôi biết có 15 nghề. Từ chuyên môn gọi là chuyên nghiệp. Một chiến hạm, tùy lớn nhỏ, muốn hoạt động hữu hiệu, phải có đủ nhân viên theo cấp số, và phải gồm đủ 15 chuyên nghiệp. Như Cơ Khí, Điện Khí, Điện Tử, Vô Tuyến, Trọng Pháo, Vận Chuyển, Y tá, Tiếp Vụ, Bí Thư, vân vân. Bình thường, họ làm việc theo chuyên nghiệp, nhưng khi có nhiệm sở tác chiến, họ được chỉ định vào các ổ súng…”

Tôi cám ơn Trung Úy Bạch rồi tiếp tục ăn. Một lúc thấy không ai nói gì tôi lại nhìn Hạm Trưởng. Đôi mắt ông tỏ dấu chờ câu hỏi. Tôi hy vọng câu này làm ông bí:

– “Thưa Thiếu Tá, còn sĩ quan thì sao? Không thấy người nào có phù hiệu chuyên nghiệp!”

– “Các sĩ quan, ngoài chuyên môn hàng hải, tức là khả năng chỉ huy một chiến hạm, đều phải học khái quát các chuyên nghiệp. Nói cách khác, các sĩ quan không đeo phù hiệu chuyên nghiệp vì… không có chỗ để đeo!” Hạm Trưởng cười. “Tuy nhiên, để hoạt động hữu hiệu, mỗi sĩ quan được chỉ định phụ trách một ban, gồm các nhân viên có chuyên nghiệp liên hệ.  Như Thiếu Úy Văn, trong chức vụ Trưởng Ban Ẩm Thực, sẽ giám sát các nhân viên các nghề liên hệ gồm Kế Toán, Tiếp Vụ, Quản Kho. Như Thiếu Úy Nguyễn Ấn, Trưởng Ban Truyền Tin, trông coi nhân viên Vô Tuyến, Điện Tử, Thám Xuất. Như Trung Úy Lê Giáp Thân, Trưởng ban Cơ Khí, trông coi nhân viên Cơ Khí, Điện Khí, vân vân.”

Ông dừng lại, nhìn Thiếu Úy Vương Văn Tiến rồi nhìn tôi:

– “Còn một sĩ quan, cấp bậc nhỏ nhất mà lại trông coi toàn thể thủy thủ đoàn cả trăm người, là Thiếu Úy Vương Văn Tiến, chức vụQ Sĩ uan An ninh. Thiếu Úy Tiến cho biết nhiệm vụ của Sĩ quan An Ninh là gì?”

– “Thưa Hạm Trưởng, nhiệm vụ Sĩ uQan An Ninh là theo dõi, điều tra và bắt giữ Việt Cộng trà trộn trên tàu.”

Tôi nghe mà lạnh người…

(Còn tiếp)








Không có nhận xét nào: