Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

* Xuân Hương Khóc Nguyễn Hầu - Hồ Đắc Duy

XUÂN HƯƠNG KHÓC
NGUYỄN HẦU

Tin Nguyễn Du qua đời đột ngột đến Bắc Thành làm bàng hoàng một số văn nhân, thi sĩ, người thân, bạn bè và những người ngưỡng mộ ông.
Trong nỗi tiếc thương vô hạn của nhiều người, có một phụ nữ sống bên cạnh Hồ Tây âm thầm đau đớn quằn quại trước hung tin đó. Người đàn bà ấy là Xuân Hương người yêu của Nguyễn Hầu ( Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân), người ta nói Nguyễn Hầu chính là Nguyễn Du vì cả làng Tiên Điền chỉ có một người duy nhất mang tên Nguyễn Du được vua phong chức Hầu .
Cuộc tình giữa Xuân Hương và Nguyễn Hầu qua bài "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân là một mối tình mà “Mối tình chốc đã ba năm vẹn, Giấc mộng rồi ra nửa khắc không” thì cái chết của người tình cũng như môt vết dao đâm vào trái tim của nàng.
Đi theo với tin dữ, bệnh dịch cũng lan tới với một tốc độ nhanh chóng khủng khiếp, số người tử vong càng ngày càng lớn, đời sống xã hội trở nên rối loạn trầm trọng, xác người chết không kịp chôn, môi trường tất nhiên là ô nhiễm, nhà cầm quyền, quan lại cũng như các thầy thuốc đành bó tay để cho cơn đại dịch mặc sức hoành hành.
Cơn đại dịch từ kinh đô Phú Xuân lan khắp cả nước đến mức mà tình trạng kinh tế, nhân lực quốc gia rơi vào cơn khủng hoảng.  Thử nhìn và suy ngẫm các con số ghi trong Quốc Triều Chính Biên Toát  Yếu một cuốn lịch sử tóm tắt của Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn:  “Năm 1820 bệnh dịch từ mùa Thu qua mùa Đông, khởi đầu từ Hà Tiên suốt đến Bắc thành, số dân chết đến 206.835 người (trên tổng số hộ dân cả nước là 612.912 người tương đương với 1/3 dân số chính thức của cả nước lúc bấy giờ, không kể trai gái già trẻ ở ngoại tịch… Người ta đồn rằng bệnh dịch ấy từ bên thái tây lây qua.”
Chết hết 1/3 dân số, một thông tin khó tưởng tượng nổi trong thời đại hiện nay
 Một đoạn khác ghi thêm rằng “Tháng 5 năm Kỷ sửu (1829): "Bộ Hộ tâu dâng: Số hộ trong cả nước cộng 719.510 người. Ngài (vua Minh Mạng) ngự chế bài “Hộ Khẩu Ký Sự” để ghi việc ấy so với năm Gia Long thứ 18 (năm 1819 dân số cả nước là 612.912) dân số tăng thêm được  106.598 người trong vòng 10 năm (1819 đến 1829) .
Chúng ta thử tưởng tượng hình ảnh cứ 3 người, có một người chết ở chung quanh mình thì nỗi kinh hoàng của mọi người ra sao? xã hội, tỉnh thành làng xã, chợ búa… sẽ ra sao?
Và chính lúc ấy mới có thể cảm nhận được tâm lý cực kỳ hoảng loạn của con người sống trong thời điểm đó: Cố gắng sống trong cái chết ở chung quanh. Xuân Hương chắc cũng phải rơi trong tình cảnh đó
Nguyễn Hành trong Minh Nguyên Thi Tập có làm 2 bài thơ mô tả lại cơn đại dịch năm 1820 qua bài Đại Dịch: “Dữ dội như đại quân kéo đi náo động khắp muôn dân. Xưa nay chưa từng có trận dịch nào như thế. Từ Xiêm La, Chân Lạp đến Thăng Long. Thấy nhân dân chết mà đau đớn. Xót thương loài người trời sinh ra. Giận mình không có thuật gì để cứu chữa. Mà đem hiến các vị công khanh mà cứu dân.”
Bầu Đá nữa hồn nằm gối đất
Hồ Tây một dạ đứng không yên
Cánh đồng Bầu Đá là nơi nhà thơ tài hoa được an táng vội vàng trong cơn đại dịch
Hồ Tây là nơi Xuân Hương sống, ở đó Xuân Hương có xây một Cổ Nguyệt Đường nơi mà các tao nhân mặc khách thường tới lui xướng họa với nữ chủ nhân 
Nguyễn Du là nạn nhân của trận đại dịch ấy, ông mắc bệnh rồi mất nhanh chóng vào ngày mồng mười tháng 8 âm lịch, tức ngày 16-09-1820. Ông chết mà không kịp trối trăn
Người nhà của Nguyễn Du đã mô tả tình trạng bệnh lý và tâm lý của ông như sau: Khi ốm nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói với ông là đã lạnh. Ông nói “Được” rồi mất, không trối lại một lời. Bên cạnh ông lúc ấy có em là Nguyễn Ức và cháu là Nguyễn Thảng, con Nguyễn Khản, đang làm quan ở Phú Xuân.
Ông được chôn cất vội vàng ở cánh đồng Bầu Đá, An Ninh, Phú Xuân.
Cháu của ông là Nguyễn Hành bấy giờ ở Bắc Thành được tin ông mất, có làm thơ khóc chú và nói lên cái chết nhanh chóng bi thảm đến với ông như sau :
                   Thập cửu niên tiền Tố Như tử,
                   Nhất thế tài hoa kim dĩ hỉ.
                   Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn,
                   Dịch lệ hà năng tốc công tử?
                   Tam thu xuân lạc thử thành trung,
                   Nam vọng phù vân mỗi ức công.
                   Quy khứ gia sơn văn dạ lạp,
                   Tinh linh hoảng dữ năng thời đồng.

          (Trong khoảng 19 năm trước đây, Chú Tố Như nổi tiếng tài hoa nhất đời. Phúc dày nhà ta chú đã khéo giữ được trọn vẹn. Bệnh dịch sao có thể làm chú chết mau đến thế? Ba năm lưu lạc ở thành này, mỗi lần nhìn về phương Nam thấy mây lơ lửng là mỗi lần nhớ chú. Từ nay về núi nhà ban đêm nghe tiếng người đi săn, Thì tâm hồn lại hoảng hốt giống y như ngày xưa còn chú).
         
          Đến  mùa hè năm Giáp Thân (1824), tức là 4 năm sau, con trai ông là Nguyễn Ngũ cải táng hài cốt của cha về ở quê nhà, xứ Đồng Mát, nơi vườn cũ của ông ở lúc sinh thời, thuộc xóm Tiên Giáp (nay đổi là Tiên Mỹ).  Năm 1928, lại cải táng sang xóm Đồng cùng ở xóm Tiên An, cách làng 2 cây số về phía Đông Nam trên một bãi cát hẻo lánh. Con cháu có dựng một ngôi nhà thờ ở vườn cũ. Năm 1940, hội Khai Trí Tiến Đức có quyên tiền xây một ngôi nhà thờ gạch, lợp ngói.  Năm 1954, chiến tranh phá hủy ngôi nhà thờ này. Hiện nay kỷ vật của Nguyễn Du chỉ còn một quản bút, một con dao ngà, một chiếc la bàn và một chiếc đĩa sứ to có vẽ cảnh mai hạc với một câu thơ lục bát:
         
                   Nghêu ngao vui thú yên hà,
                   Mai là bạn cũ hạc là người quen.
         
Nhân thân của Nguyễn Du, Nguyễn Hầu, Xuân Hương và Hồ Xuân Hương được hậu thế đem ra mổ xẻ, tranh luận, minh chứng rằng họ tuy hai là một, một luận cứ đối lập thì cho là Hồ Xuân Hương và Xuân Hương là hai nhân vật.
Trong bài viết trước tôi đã giải mã bài “Mộng đắc thái liên” , “Ngẫu Hứng Ngũ Thư”của Nguyễn Du mà nhiều bậc thức giả cho rằng nó ẩn chứa tình cảm của nhà đại văn hào này gởi cho Xuân Hương
Cái chết tức tưởi, một cái chết không được báo trước của người tình và một trận dịch như một cơn lốc bão tàn khốc đi qua Thăng Long,  Xuân Hương sẽ phải trải qua một cơn khủng hoảng ít nhất là vài tháng mới có thể bình tâm, mới có thể khóc cho người tình và cho số phận của mình trước nghịch cảnh éo le tạo hóa gây ra, hình như 24 tháng sau khi Nguyễn Du qua đời thì Xuân Hương cũng bỏ cuộc chơi và về nơi suối vàng với chàng thi sĩ nhất mực tài hoa.
Trong 24 tháng đó, Xuân Hương đã nhỏ bao nhiêu nước mắt cho người tình? bao nhiêu đêm thao thức quay quắt nhớ nhung ? hồi tưởng những kỷ niệm êm đềm của ba năm hương lửa, có biết bao nhiêu thơ văn xướng họa với nhau mà chỉ có hai người biết
Một kho tàng văn chương của hai người đang bàng bạc đâu đó, một kho tàng vô giá có thể ngang hàng với truyện Kiều với những trước tác bằng Hán văn của Nguyễn Du hay Lưu Hương Ký của Xuân Hương.
Nằm mộng còn ai thấy hái sen
Người đi kẻ ở nhỡ lời nguyền
Tình yêu những tưởng muôn năm mãi
Ân ái chỉ còn mỗi một đêm
Bầu Đá nửa hồn nằm gối đất
Hồ Tây một dạ đứng không yên
Sao đi không nói lời trăn trối         
Cho mắt lưng tròng nhỡ hết duyên
Chắc rằng sẽ còn nhiều nhà nghiên cứu khám sau này phá ra trong truyện tình thiên thu Xuân Hương – Nguyễn Hầu hay Hồ Xuân Hương – Nguyễn Du sẽ có thêm nhiều điều thú vị.

     HỒ ĐẮC DUY  
24 THÁNG 2 NĂM 2008







Không có nhận xét nào: