Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Nguyễn Đức Cung Giới Thiệu và Phê Bình tác phẩm: Chữ Hán, Tiếng Hán Việt, và Sự Vận Dụng Tiếng Hán Việt của Thái Gia Kỳ _ Phần IV: Như Phần Kết Từ

BÀI GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH TÁC PHẨM “CHỮ HÁN, TIẾNG HÁN VIỆT, VÀ SỰ VẬN DỤNG TIẾNG HÁN VIỆT TRONG TIẾNG VIỆT” (Tiếp theo và hết)
(Tác giả THÁI GIA KỲ)
                                                                                                                                                                    Nguyễn Đức Cung



        IV.- NHƯ PHẦN KẾT TỪ
        Sau hết, khi bàn về tiếng Việt, tác giả Thái Gia Kỳ đã quên một chủ đề khá quan trọng đó là khả năng chuyển ngữ của tiếng Việt ở đại học mà chúng tôi xin nhắc trong phần kết từ này. Tinh thần của đại học là tinh thần tự trị và sự dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở đại học nói lên tính khai phóng của một nền giáo dục trong phạm trù quốc gia mang tính văn hóa giáo dục và kỹ trị.
        Trong lãnh vực văn hóa giáo dục chúng ta đọc lại những lời của Francisque Vial viết năm 1939 than phiền về việc dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ trong các trường Đông Dương rằng: “Chúng ta hãy thú nhận rằng chúng ta chưa làm được gì hết hay chỉ mới làm được tí chút thôi trong việc thiết lập một nền học vấn hữu hiệu cho Đông Dương, bao lâu chuyển ngữ của nền học vấn đó chưa phải là tiếng mẹ đẻ (của người Đông Dương). Chúng ta thử tưởng tượng xem nền học vấn chính quốc chúng ta sẽ ra thế nào, nếu người ta đem dùng tiếng Nga chẳng hạn để dạy cho trẻ em Pháp. Thế mà tiếng Nga còn ít khác tiếng Pháp hơn nhiều khi so sự khác nhau giữa tiếng Pháp và tiếng Việt hay tiếng Mên. Hỏi bao giờ đến cái thời kỳ trong đó chương trình Trung Học Đông Dương sẽ gồm những môn có tính chất Viễn đông với chuyển ngữ là ngôn ngữ Đông Dương, và tiếng Pháp chỉ còn giữ một địa vị giống như địa vị của tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, trong chương trình giáo dục chính quốc chúng ta… Một khi đã dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ, các bài sẽ dạy bằng Việt ngữ, các bài nghiên cứu sẽ bằng Việt ngữ, nhờ đó, chẳng những nền quốc học được dồi dào thêm, mà văn hóa còn có thể phổ biến mau chóng, rộng rãi hơn, vì số người có thể đọc được và dùng làm món ăn tinh thần sẽ đông đảo hơn.” (Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, tr. 210).
        Trong lãnh vực chính trị, chúng ta đọc thấy quan điểm của Ngô Đình Nhu (tức Tùng Phong) trong cuốn Chính đề Việt Nam về vấn đề chuyển ngữ như sau: “Công cuộc thu thập kỹ thuật Tây phương đặt ra nhiều nhu cầu, trong đó, vấn đề chuyển ngữ là một điểm rất quan trọng. Vấn đề này đã được mang ra làm đề tài thảo luận trong rất nhiều cơ hội. Chủ trương dùng ngoại ngữ cũng được nhiều người tán thành như chủ trương dùng Việt ngữ. Lấy sinh ngữ nào để làm chuyển ngữ, trong các ngành giáo dục chính danh và giáo dục quần chúng? Những người chủ trương nên lấy ngoại ngữ lập luận rằng, nếu muốn Tây phương hóa thì phải Tây phương hóa cho đến nơi và phải rút cho hết cái tinh túy của Tây phương. Như vậy chỉ có ngoại ngữ mới giúp chúng ta đạt mục đích đó: Việt ngữ không đủ phong phú trong danh từ, và không đủ khả năng diễn tả các lý luận khúc chiết và các tư tưởng trừu tượng siêu thoát. Nhưng những người chủ trương như vậy quên rằng, một công cuộc thâu thập kỹ thuật Tây phương như trên chỉ có thể thực hiện được cho một thiểu số của cộng đồng, và đã như vậy thì, như chúng ta đã biết, sẽ không giải quyết được được vấn đề của cộng đồng. Những người chủ trương lấy Việt ngữ làm chuyển ngữ, lại lập luận rằng quần chúng là trọng. Nếu công cuộc Tây phương hóa không phổ biến đến được đại chúng, thì công cuộc đó kể như đã thất bại. Và như chúng ta đã thấy, lập luận của họ là đúng. Đã như thế thì chỉ có Việt ngữ mới giúp cho chúng ta đạt mục đích trên. Nhưng, những người chủ trương như vậy lại quên rằng, tất cả các kho tàng kiến thức, liên hệ đến kỹ thuật Tây phương, mà sự thâu thập đối với chúng ta đã là một vấn đề thiết yếu và mất còn, tất cả các kho tàng đó, đều nằm trong ngoại ngữ. Nếu chúng ta không dùng ngoại ngữ một cách rộng rãi và đến một mức độ tinh vi, thì vấn đề thâu thập kỹ thuật không làm sao thực hiện được.” (Ngô Đình Nhu, Sách đã dẫn, tr. 148).
        Cũng trong phần kết này, ở trang 184,  sau khi đưa ra 60 bảng so sánh công phu đó, tác giả Thái Gia Kỳ viết những dòng in đậm: “Bây giờ còn có mức độ giống nhau như vậy, huống hồ chi là một ngàn, hai ngàn năm trước, làm sao chúng không “thực sự” giống nhau được? Đó chính là lý do mà cha ông ta nói là “Tiếng Hán Việt có lẽ xuất phát từ Trường An vậy”.
        Chính tác phẩm của ông Thái Gia Kỳ, nhất là những câu trích đây đã giúp tô đậm thêm giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam mà chúng tôi đã được thụ giáo tại Trường Đại Học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Viện Đại Học Huế, cách đây 57 năm.
        Trong tác phẩm có tên Việt Nam thời khai sinh, Linh mục Nguyễn Phương, Giáo sư Sử học thuộc Viện Đại Học Huế từ 1957 đến 1975, đã chủ trương rằng người Việt Nam là con cháu của người Trung Hoa di cư sang cổ Việt từ thời Triệu Đà, khác với các luận thuyết cho rằng người VN là con cháu của người Lạc Việt, hay như Bình Nguyên Lộc dựa trên giả thuyết của Linh mục Souvignet chủ trương người Việt từ đảo Mã Lai lên. Bằng các chứng minh dựa trên khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, Linh mục sử gia Nguyễn Phương chủ trương rằng đất nước Việt Nam từ trước đã có nhiều giống người đến sinh cư, từ người sơ thủy đến người sơ khai (cách nay hàng trăm nghìn năm), rồi đến các giống Anh-đô-nê-diêng, Mê-la-nê-diêng, Mông cổ… Trung Hoa, Chàm v.v… từng nhấn mạnh rằng người Lạc Việt là chủ nhân văn hóa Đông Sơn hoàn toàn không có liên hệ gì đến người VN cả. Cuốn sách của tác giả Thái Gia Kỳ hôm nay đã cho chúng tôi một suy nghĩ khi nhớ đến giả thuyết của sử gia Nguyễn Phương về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Sau khi nhắc đến những tương đồng về nhân chủng giữa người Trung Hoa và Việt còn có nhiều tương đồng khác không kém phần quan trọng như tương đồng về phong tục, về tập quán, về tôn giáo, tác giả Nguyễn Phương viết:
        Ngôn ngữ cũng là một khía cạnh cần phải nhắc đến, và đây nữa, sự tương đồng cũng rất rõ rệt. Hầu như có thể nói được rằng tiếng Việt Nam ngày nay, sau mười thế kỷ độc lập, vẫn còn là chính tiếng Tàu nhưng đọc lên một cách hơi khác với các cách đọc của những tiếng địa phương ở Trung Quốc. Cố nhiên, trong Việt ngữ, đôi khi có xen vào một số những tiếng không phải gốc Tàu, như tiếng Mọi, tiếng Chàm, nhưng hiện tượng đó không thể nói lên gì khác, ngoài sự người Việt Nam trên đường bành trướng, đã có gặp người Mọi, người Chàm, cũng một cách như họ đã gặp người Pháp trong thế kỷ vừa qua, và họ đã thâu nhận một số tiếng Pháp vào trong kho ngôn ngữ của họ.
        Người ta có thể nói chữ nôm là thứ chữ riêng của người Việt Nam. Thực ra, chữ nôm chỉ làm chứng một cách hùng hồn hơn rằng tiếng Việt rất lệ thuộc tiếng Tàu, bởi vì tiếng dùng và nghĩa tiếng đã giống của người Trung Hoa, mà còn phải dùng những yếu tố của văn tự Trung Hoa để phiên diễn cách đọc hơi riêng của mình. Đàng khác, chữ nôm đâu có phải có trước khi người Tàu đến, mà chỉ mới xuất hiện mấy trăm năm sau khi người Việt Nam đã có một nền chính trị riêng. Cho nên, người ta rất có thể nói được rằng cách đọc riêng, thường được kể là đặc tính của Việt ngữ đó, mới xuất hiện sau khi quốc gia đã sống đời sống biệt lập, còn về trước, những người (sau nầy sẽ thành người Việt Nam) ở cổ Việt, cũng nói một tiếng như người Trung Quốc. Và người ta phải nói thế, một khi đã làm chứng được rằng người Việt Nam ngày nay là người Trung Quốc di cư sang đây trong thời Bắc thuộc.” (Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1965, tr. 230).
        Tóm lại, cuộc hành trình của ngôn ngữ Việt Nam từ chữ Hán đến tiếng Hán Việt, chữ Nôm và tiếng Việt rồi chữ Quốc ngữ vốn là những chặng đường gian nan, vất vả vượt qua thời gian hơn hai nghìn năm do công trình xây đắp, tu bổ, điểm xuyết của cả một dân tộc trong đó có sự tham gia góp công của nhiều vị thừa sai và học giả ngoại quốc vốn lấy dân tộc, đất nước ta làm quê hương, xứ sở để “sống gửi nạc, thác gửi xương”. Chúng ta trân quý tiếng tiếng Hán Việt, chữ Việt, chữ Quốc ngữ trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn” với ý thức bảo lưu và làm trong sáng gia tài ngôn ngữ để truyền lại cho con cháu về sau. Đây cũng là bài học đầu đời với tiếng mẹ ru và cũng là câu hát, tùy theo từng tôn giáo, tiễn đưa ta về chốn an giấc ngàn thu.

                                        NGUYỄN ĐỨC CUNG, 
                                         Philadelphia 01-5-2019.
                                                                                                                                                       

       
       

Không có nhận xét nào: