Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

Người Ở Lại Charlie - An Hoàng

     

                         

      Người Ở Lại Charlie

Cơm chiều xong, tôi thường về phòng ngủ mở nhạc nghe với một ly Lipton (green tea) nóng hoặc một ly nước vối. Tôi uống trà từ những ngày còn ở Việt Nam, tính ra cũng hơn 40 năm, chả có mất ngủ gì cả mà còn làm cho ngủ ngon nữa là đằng khác!
Bỗng nghe Carol Kim hát bài Người ở lại Charlie, giữa một khung cảnh núi rừng, như ngọn đồi mà người anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Đình Bảo đã nằm lại, một niềm thương nhớ và cảm động đã khiến tôi lại muốn viết về ông. 
Trước ngày ông mang tiểu đoàn lên cao nguyên, tôi đã cùng Nguyễn Trọng Nhi, Trương Dưỡng ngồi uống ở bến Bạch Đằng, ăn đầu cá hấp... ai ngờ đó lại là những chén rượu Kinh Kha và chả bao giờ tôi còn gặp được ông nữa. Trương Dưỡng thì cũng chẳng còn, chỉ còn lại tôi và Nhi giữa Thung Lũng này, hoa vàng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy người là người!         
Cả bản nhạc và tên ông cùng đi vào bất tử.
Niên trưởng Nguyễn Đình Bảo  K14 VBQG, ra Trường năm 1960, trước K20 chúng ta 5 năm. Đồi Charlie chỉ là đồi C, theo ký hiệu truyền tin, như A là Alpha, B là Bravo... trên vùng cao nguyên Dakto, Tân Cảnh.
Với quân số khoảng 600 người mà cả một sư đoàn chính quy địch 320 bao vây và pháo kích, mãnh hổ làm sao mà địch lại quần hồ! và người anh cả của tiểu đoàn 11 ND mang tên Song Kiếm Trấn Ải đã nằm lại cùng hàng trăm binh sĩ của ông nơi đây như câu hát của nhạc Sĩ Hoàng Trọng:
       Hỡi người chiến sĩ, đã để lại chiếc nón sắt bên bờ lau sậy này
                Anh là ai , anh là ai...

Tên ông còn được đặt cho K28 VBQG, những đàn em sau ông 14 khóa:                       
             Anh hùng tử, khí hùng nào tử
             Một lần đi, vĩnh viễn chẳng quay về
             Đồi Charlie ngàn năm vẫn đó
             Và tên ông còn mãi với thiên thu..
 
Ngày ấy, tôi ngồi ở Bộ Tổng Tham Mưu, cuối tuần nào chả có mặt ở Lê Lợi: không Mai Hương, Hà Nội, Thanh Thế thì cũng Hẻm Casino...
Thế rồi một ngày, bức chân dung của ông bổng xuất hiện ở bùng binh Sài Gòn, gần chợ Bến Thành, ông đã hy sinh, đời thật vô thường, còn đó rồi mất đó!
Câu nhạc của bài hát: "Hỡi bức chân dung trên công viên buồn" cứ xoáy vào tim tôi và không sao cầm được nước mắt. Công viên ấy, giữa lòng Thủ Đô, nhộn nhịp và tấp nập, đâu có buồn, nhưng vì có bức hình của ông mà làm cho nó buồn:
           " Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ !"

Cụ Nguyễn Du đã viết như thế, để mỗi lần đi qua, tôi không dám nhìn bức hình ông!
Với một giọng khàn và đục của Carol Kim, chị đã hát với tất cả lòng mình cùng một dàn nhạc có Saxo, trompet, guitar, organ... với những mầu áo hoa dù:
              Anh, nhớ anh trời làm cơn bão
              Anh, tiếc anh chiều rừng thay áo
              Ôi ! Nỗi đau nào đưa anh đến
              Để ngàn đời của nhớ thương
              Hỡi bức chân dung trên công viên buồn...

             Anh, chính anh vừa ở lại một mình
             Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành...

Người dân Sài Gòn chả biết Charlie là đâu, nhưng chúng ta, những người lính thì ngậm ngùi, tiếc thương cho một người anh hùng đã hy sinh thân xác để bảo vệ cho non sông, đất nước:
              Quốc gia hưng vong
              Thất phu hữu trách
              Không thành danh, cũng thành nhân!

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng không còn, nhưng những bản nhạc về lính của ông thì vẫn còn mãi với chúng ta. Và bản nhạc NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE có lẽ là bản nhạc về lính hay nhất của ông.
Quê hương ông: Phan Thiết là hậu cứ của Trung Đoàn 44, đơn vị ngày tôi ra Trường, tôi đã cùng hai đàn anh Chu Trí Lệ K16 VB và Đặng Trung Đức K19 VB sống chết ở đây, suýt bỏ xác ở hai mật khu Lê Hồng Phong và Tam Giác Sắt. Hai đàn anh nay cũng không còn: một ông chết trận, một ông chết bệnh .
        Sao đàn anh cứ bỏ tôi đi ?
        Nỗi buồn ở lại.... Charlie năm nào...  
                                                                                     
                                        AN HOÀNG   






                                                              

Không có nhận xét nào: