Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

ĐỜI MỆ QUA CHIẾN TRANH _ Hoàng Đằng

        ĐỜI MỆ QUA CHIẾN TRANH

 

Mấy ông cháu ngoại đang chuẩn bị lo “lễ tạ mộ” cho mệ.

Mệ, dù được công nhận muộn màng, là mẹ liệt sĩ.

Họ vừa lãnh tiền thờ cúng mệ. Số tiền không đủ để tính 

chuyện xây lăng cho mệ; số tiền cũng chẳng là bao để 

chia chác ra cho ai muốn tiêu gì thì tiêu. Rốt cuộc, họ

 bàn nhau mời thầy, sắm lễ đem lên mộ cúng cầu khẩn 

Đất Đai yên ổn, mua vàng mã đốt ra tro để mệ “dẫn hồi

 phục dụng”. Nhân dịp, con cháu tập trung, liên hoan 

một bữa. Cũng có thể thuê giàn máy về hát karaoke ca 

tụng công đức đấng sinh thành họa may mệ mãn 

nguyện nơi suối vàng.

*

Mộ mệ hiện ở vùng rú, cách làng khoảng 5 cây số, đi 

lên đi về, phải thuê xe hơi; đường sá gập ghềnh, thời

 buổi bây giờ, không ai chịu nhọc gánh lễ vật đi bộ,

 thậm chí, chở lễ vật bằng xe máy, cũng không.

Nói là mộ, nhưng đó chỉ là mô đất chôn cái xương 

cẳng chân của mệ cải táng từ dưới nương mệ lên theo

 lệnh của chính quyền, khi đất nước thống nhất, là

 mồ mả không được ở trong khu gia cư.

Mộ chỉ chôn cái xương cẳng chân. Vậy mà làng xóm 

vẫn cho rằng phần số mệ còn may mắn hơn nhiều 

hoàn cảnh đáng thương khác trong làng.

Chẳng hạn, chú Tồn ở xóm trên đi lính chết trận 

giữa rừng núi bạt ngàn Tây Nguyên, mất xác, cha

 mẹ chú ấy dùng tiền tử tuất mời thầy làm đám chay,

 lấy sọ dừa thay cái đầu, lấy cành cây dâu sắp xếp

 thay bộ xương chôn thành “mộ gió” rồi kinh kệ 

nhiều ngày để chiêu hồn nhập mộ; nghĩa là, không 

được như mộ mệ, mộ của chú Tồn hoàn toàn là giả.

Lại như ở xóm giữa, cậu Tấn đi lính, được cử ra 

trấn giữ quần đảo Hoàng Sa; năm 1974, quân đội 

Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo, cậu Tấn tử 

trận, xác thịt trôi lềnh bềnh trên biển làm thức

 ăn cho cá; gia đình cậu Tấn hiện không còn ai,

 cậu không có mộ phần gì, thậm chí cả “mộ gió” …

*

Mệ sinh ra cuối thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, mệ lấy 

chồng, mới sinh được một trai, một gái thì chồng 

vắng nhà.

Vào giai đoạn cuối của Thế Chiến I (1914 – 1918) ở

 Âu châu; nước ta đang dưới ách cai trị của thực

 dân Pháp, ông bị chính quyền đô hộ Pháp bắt lính, 

đưa qua Âu châu tham chiến, ông tử trận bên ấy.

Ở quê nhà, mệ một tay nuôi hai con khôn lớn trong

 cảnh góa bụa.

Chế độ trọng nam khinh nữ của xã hội ngày xưa

 làm cho sự mưu sinh của mệ vô cùng khó khăn.

Ở quê, mọi người sống bằng nông nghiệp; vậy

 mà gia đình mệ, do không có đàn ông, không được

 cấp ruộng đất.

Thuở ấy, ruộng đất trong làng, ngoài tư điền, tư

 thổ của nhà nào thì nhà đó canh tác, còn công điền

 công thổ chỉ chia cho nam giới. Không có ruộng 

đất, để canh tác nuôi con, mệ đi mót lúa, mót khoai…,

 đi làm thuê, làm mướn theo mùa vụ - làm cỏ lúa, 

cỏ bắp, cỏ đậu... Ngày nào đi làm thuê, đến bữa, 

mệ ăn cơm tại nhà chủ, xong bữa, mệ ngả nón ra,

 chủ đổ hai phần cơm để mệ bới về cho hai con. 

Thời gian làm thuê trong ngày không hạn định giờ

 giấc; sáng, chiều, lao động ngoài đồng, ngoài ruộng;

 trưa, tối, phải phụ xay lúa, giã gạo. Dù cực khổ, mệ

 vẫn mong ngày nào cũng có người thuê. Không ai

 thuê đồng nghĩa với không có gì để mẹ con ăn.

*

Rồi hai người con của mệ trưởng thành, con gái mệ

 gả chồng về một gia đình nông dân nghèo khổ, ít 

bà con thân thuộc; con trai mệ đà dạm vợ vài nơi, 

nhưng không nhà nào chịu gả, họ không bằng lòng

 làm thông gia với mệ vì mệ thuộc diện mẹ góa con 

côi; họ xét không tương xứng với họ về mặt “môn 

đăng hộ đối”.

Chiến tranh Việt - Pháp (1946 – 1954) nổ ra, người 

con trai đi Vệ Quốc Đoàn. Đêm về, mệ ít khi ngủ 

ngon giấc, nằm trằn trọc, hễ nghe tiếng súng gần

 xa, mệ hồi hộp, lo lắng, ngồi dậy trong bóng tối,

 chắp tay nguyện cầu “đứa con trai ở đâu đó được

 vui”, “mong chờ ngày chiến thắng” để con Mệ 

được về với mệ, với xóm làng.

Rủi là ngày chiến thắng chưa về, con trai mệ tử trận.

Mệ sống đơn chiếc trong chiến tranh, lủi thủi trong 

túp lều xiêu vẹo.

Chiến tranh cứ đeo bám mệ, không chịu lìa xa mệ, 

bom đạn cứ tiếp cận mệ. Vào một buổi chiều trời

 đông se lạnh năm 1967, những loạt đạn pháo kích 

réo vang dội vào các căn cứ quân sự ở Đông Hà, 

một quả đạn pháo lạc đường rớt trong vườn mệ, 

mảnh ria lung tung; một mảnh văng trúng cẳng mệ, 

cắt lìa chân mệ khỏi cơ thể. Mệ được đưa đi nhà 

thương cấp cứu, còn cái chân được đem ra chôn ở 

góc vườn.

*

Từ đó, mệ không đi đứng được. Đã 70 tuổi, già yếu,

 mệ chỉ dùng hai cánh tay trườn bò giữa nền nhà 

như đứa bé mới 6 tháng tuổi. Thấy vậy, thương mệ,

 gia đình con, rể đem mệ về ở cùng.  Mệ bỏ lại túp 

lều hoang vắng.

Mùa xuân năm Nhâm Tý (1972), quân Giải Phóng 

đánh từ phía Tây – núi rừng – xuống, đánh từ

 phía Bắc vào. Quân Cộng Hòa bỏ đồn, bót, rút

 dần về Nam. Dân chúng sợ tai nạn bom đạn,  dìu 

dắt người già, bồng bế trẻ thơ, gồng gánh lương 

thực di tản  khỏi làng. Gia đình con, rể mệ cũng phải đi.

Còn mệ, mệ đi thế nào đây? Thôi, mệ ở lại, ứa nước

 mắt, nhìn con cháu ra đi, xa dần, xa dần …

Mệ ở lại, hy vọng quân Giải Phóng tới sớm, thấy 

hoàn cảnh mệ tội nghiệp, lòng trắc ẩn trổi dậy, có 

thể họ tìm cách cưu mang; nếu rủi mà bom đạn

 giết mệ đi thì mệ cũng chết nơi mệ đã sinh ra, lớn 

lên, ấy là quê nhà. Thi hài mệ chắc chắn, chóng hay

 chầy, sẽ có người phát giác đưa ra vườn chôn cất. 

Biết đâu cái chân mệ chôn trước đây ghép lại vào

 xác mệ để mệ trở thành người lành lặn ở thế giới 

bên kia. Ấy là niềm tin đơn sơ trong dân gian; có 

thể hay không thể ai mà biết được!

*

Dân làng di tản ra khỏi làng đã chục ngày rồi 

mà quân Giải Phóng chưa tới. Trong vắng vẻ của 

ngôi nhà, hàng ngày, mệ bò tới bếp nhen lửa thổi 

cơm, bò ra vại kiếm nước uống, rửa ráy.

Chuyện không ngờ \… do quân vụ, thằng cháu 

ngoại mệ là lính Cộng Hòa, từ Huế lái xe ra Đông 

Hà, nó tranh thủ thời gian, ghé nhà, xem tình 

hình mệ thế nào. Khi đi, nó không đành lòng để 

mệ ở lại, bế mệ lên xe, chở vào trại tỵ nạn 

trường Bồ Đề ở tỉnh lỵ Quảng Trị - nơi cha 

mẹ, anh em nó đang nương náu.

Oái oăm là hôm sau, quân Giải Phóng tiến chiếm 

Đông Hà rồi trên đà chiến thắng, tiến về tỉnh

 lỵ Quảng Trị. Dân chúng đang lánh nạn ở trường

 Bồ Đề bỏ chạy – nhóm thì tản về vùng quê Triệu 

Phong, Hải Lăng, nhóm thì theo Quốc Lộ 1 xuôi

 Nam về Huế, Đà Nẵng. Một lần nữa, vấn đề đem

 mệ đi hay bỏ mệ ở lại được đặt ra. Rốt cuộc, 

mệ phải ở lại trong vắng lặng tạm thời để chờ 

đương đầu với súng đạn. Quá thảm!

Tỉnh lỵ Quảng Trị chìm trong đạn lửa, mệ sống 

thêm được bao lâu? Chẳng ai biết. Mệ chết như

 thế nào? Chẳng ai biết; thi hài mệ có được ai

 chôn cất hay thối rữa và phân hủy dần? Chẳng

 ai biết.

*

Cuộc sống của mệ đã chấm dứt – một cuộc sống bị 

bầm dập bởi chiến tranh.

Trên nước Việt Nam và trên những nước thường

 xuyên có chiến tranh, những mảnh đời như mệ 

không phải là ít.

Chừng ấy vẫn chưa đủ động lòng những kẻ 

xem chiến tranh là phương tiện để giành phần “ăn 

trên ngồi trước” cho bản thân mình, phe nhóm

 mình. Chiến tranh đang xẩy ra. Ôi, ghê tởm quá!

Câu chuyện kể ra để minh thị chiến tranh không

 những phân rẽ nước này nước kia trên thế giới, 

phe này phe kia trong một quốc gia mà còn phân 

rẽ thân thể một con người ra mỗi nơi một phần.

*

Tạ mộ là lễ cúng cầu xin Thổ Thần ban phép để 

thi hài kết phát, phò hộ con cháu được hanh thông 

trên đường đời.

Thịt xương mệ một phần rải ở quê nhà, phần còn lại

 ở tỉnh lỵ Quảng Trị, qua hơn 50 năm, đã thành cát bụi.  

Thi hài mệ dưới mộ không có, thì làm sao mà cầu kết

 phát.

Con cháu mệ, theo niềm tin dân gian chỉ tính về bên 

nội, cũng không có; thì cầu nguyện hanh thông cho 

những người sống nào đây!


Hoàng Đằng

        31/8/2022 

       (05/Tám/Nhâm Dần)







Không có nhận xét nào: