Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) / Chương 11: Hải Phận Ninh Thuận

              Đời Thủy Thủ II 

                                                 Vũ Thất

                 

        Chương 11: Hải Phận Ninh Thuận

Thứ bảy 5/8/1967 21:00G

Khi Trung úy Thân trở lại báo cáo hai máy đã hoạt động bình thường, Hạm Trưởng đứng lên, ra dấu Bằng theo ông. Bằng nói nhỏ với tôi: ‘gặp lại sau’. Tôi nói thầm: ‘còn trốn nơi nào khác mà chẳng gặp lại’. Lý trí thì cười nhạo nhưng tình cảm thì lại hụt hẫng. Tôi ghét bộ mặt nhởn nhơ của Võ Bằng nhưng vắng nó tôi lại thấy bồn chồn, lo lắng. Tôi không hiểu nổi chính mình. Tiếng của ai đó vang lên:

– “Làm một ván Belote chăng, các quan ta?”

– “Nên lắm!” Nhiều tiếng đáp.

Thiếu úy Nguyễn Ấn mở hộc tủ lấy bộ bài đặt lên bàn với một tập giấy trắng và cây viết. Cuộc chơi gồm bốn người chia làm hai phe ngồi chéo nhau ở cuối bàn ăn. Thỉnh thoảng khi lá bài đánh xuống, một phe thì cười hét ầm lên, còn phe kia thì mặt mày nhăn nhó! Tôi tò mò hỏi cách chơi. Theo lời Trung úy Bạch, Belote là môn bài cốt để đấu trí chớ không sát phạt. Người chơi phải vận dụng bộ óc không những phải nhớ các lá bài của mình đánh ra lật sấp mà còn phải đoán bạn và địch đang cầm những lá bài nào. Lại có nhiều cách đánh. Như Atout, Sans atout, Tout atout. Với mỗi cách đánh, mỗi con bài được định điểm giá trị khác nhau. Nghe xong tôi hết muốn học.

Tên Mỹ cũng chơi bài, nhưng chơi một mình. Đối diện với hắn là bảy cột bài. Mỗi cột có số lá bài tăng dần từ 1 đến 7. Lá trên hết được lật ngửa. Tên Mỹ mở một lá bài của phần còn lại rồi tìm đặt vào cột thích ứng. Hắn vẻ hào hứng nhưng tôi không hiểu gì hết.

Hắn chợt nhìn tôi, cười hỏi:

– “Chào Miss Phượng. Mi mạnh khỏe?”

– “Cám ơn. Còn mi?”

– “Khỏe! Cám ơn.’ Hắn cười, tiếp. “Mi muốn học cách chơi game Solitaire không?”

– “Không! Chỉ muốn hỏi mi vài câu?”

Hắn khoanh chéo hai tay tựa lên bàn, tỏ ý lắng nghe. Tôi mở cuộc tấn công:

– “Rất ngạc nhiên thấy mi trên tàu này?”

– “Tôi cũng vậy!”

Tôi đăm đăm nhìn hắn. ‘Tôi cũng vậy’ là ý gì? Đâu lẽ hắn tự ngạc nhiên về chính hắn? Không, hắn chủ ý trả đũa câu hỏi của tôi, cũng ngạc nhiên thấy tôi trên tàu. Người Việt đi tàu người Việt, có gì đáng ngạc nhiên? Tôi phớt lờ hỏi tiếp:

– “Mi ở tiểu bang nào?”

– “Colorado.”

– “Ở đó có gì đặc biệt?”

– “Núi cao và vực sâu.”

– “Mi có gia đình chưa?”

– “Có rồi và một con.”

– “Sao không ở nhà với vợ con mà qua Việt Nam làm chi?”

Đến lượt tên Mỹ đăm đăm nhìn tôi như không tin vừa nghe một người Việt nêu lên câu hỏi ngớ ngẩn. Tôi cười cười làm như chỉ đùa thôi. Hắn nói:

– “Lính mà. Lệnh bảo đi đâu thì tới đó.”

– “Nhưng ít nhất, mi cũng biết lý do chứ?”

– “Dĩ nhiên là biết.”

– “Riêng trên tàu này, mi có nhiệm vụ gì?”

– “Làm những gì ông Hạm Trưởng yêu cầu.”

– “Thí dụ?”

Hắn nói chậm rãi thật đúng giọng Việt như muốn chắc chắn tôi hiểu:

– “Thí dụ ông ấy bảo tôi tìm hiểu lý do cô có mặt trên tàu này!”

Tim tôi thót, người ớn lạnh nhưng làm như đó là câu đùa hay, tôi cất tiếng cười vang. Hắn cũng cười thoải mái. Tôi tiếp tục, giọng thân mật:

– “Mi xuống tàu này từ Hoa Kỳ?”

– “Không, xuống ở Sài Gòn cách đây ba tháng!”

– “Chừng nào rời Việt Nam?”

– “Tám tháng tám ngày nữa!”

– “Sẽ trở lại?”

– “Không, trừ phi tình nguyện.”

– “Mi sẽ tình nguyện?”

– “Không! Nhưng có lệnh thì đi.”

– “Chúc may mắn!”

– “Cảm ơn!”

Tôi không hiểu sao lại chúc hắn may mắn. Kẻ đi xâm lược bao giờ cũng đáng chết! Tôi thấy hỏi vậy là đủ. Hỏi thêm e rằng chính mình phạm sơ hở. Qua đối đáp, hắn không phải là tay mơ. Tôi đứng lên, ra dấu tay chào tất cả.

Tôi lên sân chính, đi dần về phía lái, đứng đúng vào nơi tôi ói mửa. Một kỷ niệm khó quên. Con tàu hục hặc nhưng không tròng trành. Gió còn hâm hấp, mạnh hơn trong vịnh. Tôi mong Hạm Trưởng đứng đâu đó thấy tôi nói thật: Tôi đi tàu vì mê biển, cho dù trời tối mù mờ. Những ngọn sóng chập chờn óng ánh lân tinh như đang tranh nhau vượt khỏi màn đêm. Vài ba ánh đèn đủ sáng cho thấy hình dạng các ghe câu. Một đám lửa nung đỏ đỉnh núi. Cao hơn, một trái hỏa châu bừng hồng chốc lát rồi trả lại bầu trời thì đầy sao.

– “Cô Phượng!”

Tôi giật mình, quay lui. Một dáng người lù lù như ma quỷ hiện hình. Tôi ôm lấy ngực, cố nhận dạng nhưng trời quá tối. Tuy nhiên nghe tiếng nói quen quen:

– “Thấy cô đứng một mình, anh em cử tôi đến mời cô cùng ‘lai rai’ với chúng tôi cho vui.”

Tiếng ‘lai rai’ gợi tôi nhớ ba tôi. Ông có thói quen lai rai vài chung rượu đế cuối ngày. Ông không say, chỉ đủ để kể các chuyện vui xảy ra trong lớp học. Tôi hy vọng rượu sẽ đẩy đưa họ nói nhiều và hé lộ những gì tôi muốn biết. Nếu họ đáng chết, tôi sẽ không có gì ân hận.

– “Có những ai vậy anh Tùng?” Tôi thăm dò, mong Bằng có mặt.

– “Quen có, lạ có. Mà trước lạ sau quen, cô đừng ngại.”

Tôi nhớ đến ông Quản Nội Trưởng hoạt bát vui tính:

– “Có Thượng sĩ Hoàng chứ?”

– “Ông ấy chủ xị mà!”

– “Chủ xị là sao?”

– “Là sếp sòng của buổi nhậu, như nhạc trưởng của dàn đờn.”

Tôi thích Thượng sĩ Hoàng, ông có cái vẻ gì đó giống ba tôi. Tôi dứt khoát đứng lên.

– “Tôi đến nhưng cái mục “lai rai” thì cho xin.”

– “Chỉ là bia quân tiếp vụ, nhẹ lắm, không say đâu!”

– “Tôi bị dị ứng với rượu.”

– “Yên trí! Có trà và bánh ngọt!”

Chúng tôi lần lượt leo lên thang đứng. Thấy tôi đến, ‘toán lai rai’ dồn chỗ dành cho tôi.

– “Mời cô Phượng ngồi cạnh tôi đây.”

Nghe tiếng Thượng sĩ Hoàng, tôi vui mừng nói:

– “Chào bác Hoàng, xin chào tất cả”.

Chiếc quần tây bó sát làm tôi co gối một cách khó khăn. Thượng sĩ Hoàng lại lên tiếng:

– “Đứa nào chịu khó đi lấy thùng đạn cho cô Phượng ngồi dễ hơn.”

Tôi xua tay, vội nói:

– “Xin miễn. Tôi thích ngồi… như các anh”

Thượng sĩ Hoàng giới thiệu theo chiều kim đồng hồ. Trong ánh lờ mờ của ngọn đèn hải hành trên cột radar, tôi cố nhớ mặt và tên từng người: Hạ sĩ Trường, Thủy thủ Minh, Trung sĩ Trọng, Thủy thủ Tạo. Trung sĩ Tùng ngồi bên phải tôi, lên tiếng:

– “Thủy thủ Minh, rót trà mời cô Phượng.”

Minh ngồi đối diện, nhấc chiếc bình rót nửa ly đưa cho tôi. Đó là loại ly giấy cỡ nhỏ.

– “Mời cô Phượng. Đây là trà Bảo Lộc thứ thiệt. Sản phẩm quê nhà tôi đó! Cô biết quận Bảo Lộc?”

Tôi tiếp nhận ly trà, mỉm cười:

– “Biết! Mà biết trên sách vở thôi chớ chưa có dịp đến tận nơi. Thậm chí Đà Lạt cũng còn trong ước ao thăm viếng!”

– “Chừng nào cô đi được, cho tôi biết. Tôi sẽ làm hướng dẫn viên cả hai nơi!”

– “Chắc chắn tôi sẽ nhờ anh!”

Mọi người nâng ly:

– “Dô! Dô!”

Tôi nhấp từng ngụm nhỏ, lần đầu thưởng thức hương vị đặc biệt nổi tiếng. Tôi hỏi:

– “Bộ tối nào các bác và các anh cũng tụ tập ‘lai rai’ thế này?”

Thượng sĩ Thức lắc đầu:

– “Không đâu cô. Chỉ trên đường về. Bởi vì ai cũng nôn nao không ngủ được, nên tụ tập nói chuyện tào lao cho qua thì giờ.”

– “Thường là… chuyện gì?”

– “Tùy người mở lời…”

– “Một thí dụ?”

– “Thí dụ như hôm nay, cô là người mở lời …”

– “Tôi? Sao lại tôi?” Tôi hồi hộp hỏi.

– “Tại vì cô là khách đặc biệt, xin mời …”

Tôi tự trách mình nhận lời đến dự làm chi để bây giờ ở vào thế kẹt.

– “Mở lời đi chớ.”

– “Biết nói gì đây!”

– “Thí dụ cô kể trường hợp cô gặp gỡ Hạm phó.” Trung sĩ Trọng gợi ý.

– “Với Hạm Phó, tôi chỉ mới gặp ở cầu tàu khi đến xin quá giang”.

– “Vậy mà tôi tưởng hai người là…” Thượng sĩ Hoàng ngạc nhiên.

– “Không! Không có gì hết!” Tôi kêu lên.

– “Nếu ‘không có gì hết’ thì cho qua. Nhưng cô vẫn phải mở lời…”

Ngẫm nghĩ, chợt nhớ mục đích nhận lời là để tìm hiểu, tôi hỏi:

– “Bác Hoàng vào Hải Quân chắc lâu hơn mọi người ở đây?”

– “Đúng đấy cô ạ. Tôi đã có mười năm thâm niên quân vụ.”

– “Lúc bác vào lính, còn Tây chỉ huy không?”

– “Không! Tôi vào lính năm 1957, tụi Tây đã rút hết về xứ!”

– “Nhưng Mỹ thay thế!”

– “Không! Mỹ không thay thế. Tôi không thấy có tên Mỹ nào ở Cần Thơ, hậu cứ của Hải Đoàn 21 Xung Phong tôi phục vụ lúc đó.”

– “Bác thụ huấn ở đâu?”

– “Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.”

– “Trung Tâm Huấn Luyện của Mỹ?”

– “Của Pháp, năm đó cũng đã bàn giao cho Việt Nam. Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên, mà cũng là vị chỉ huy suốt năm tôi thụ huấn là Hải Quân Thiếu Tá Chung Tấn Cang, mấy năm sau ông lên làm Tư Lệnh Hải Quân.”

– “Còn nhớ năm 1965, các báo đăng tin quân đội Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng. Vậy là rõ ràng Pháp đi, Mỹ tới. Cũng lại bị đô hộ!”

Thấy mọi người mải mê câu chuyện, Hạ sĩ Trường sốt ruột kêu to ‘Dô! Dô!’ Các ly bia được nâng cao. Mồi cá khô được gắp. Một lúc, Thượng sĩ Hoàng lên tiếng:

– “E rằng chúng ta đang vào đề tài chính trị. Vậy tôi chỉ phớt qua, hy vọng đủ để giải tỏa thắc mắc của cô Phượng!  Hẳn cô đã biết, năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, miền Bắc trở thành nước Cộng Sản, miền Nam trở thành quốc gia Tự Do. Miền Nam chủ trương an cư lạc nghiệp trong khi miền Bắc chủ trương nhuộm đỏ luôn miền Nam. Đầu tháng 2/1963, Cộng quân mở trận Ấp Bắc rồi năm sau mở trận Bình Giả…”

Sau một chầu ‘Dô! Dô!’ Thượng sĩ Hoàng lại tiếp:

– “Vào thời điểm đó, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có quân số ít ỏi, vũ khí lỗi thời, phương tiện hành quân giới hạn, do đó việc chống trả gặp nhiều khó khăn. Hải quân cùng hoàn cảnh với quân đội, chỉ có 14 chiến hạm để canh phòng một bờ biển dài 1200 cây số, và chỉ với 250 chiến đỉnh phải bao vùng sông ngòi miền Đông, miền Tây, thậm chỉ cả đến miền Trung! Với số lượng tàu bè ít ỏi, dĩ nhiên khó thể bao vùng. Đầu tháng 2/1965, phe ta tình cờ phát giác một chiếc tàu đang tiếp tế súng đạn cho Cộng quân ở vịnh Vũng Rô. Chiếc này bị đánh chìm. Báo nào cũng đăng tin, chắc cô biết. Cùng năm đó Hải Quân đánh chìm thêm ba tàu nữa ở cửa Tiểu, cửa Bồ Đề, cửa Ba Động. Vũ khí tịch thu cho thấy, từ súng trường đến súng cối do Trung Cộng và Liên Xô cung cấp đều tối tân hơn Việt Nam Cộng Hòa. Như súng AK 47 bắn liên thanh so với súng carbine, garant, bắn từng phát. Như súng cối 81, B40 phe ta chưa có loại tương đương. Việc tình cờ khám phá, cho thấy trước đó địch hẳn đã xâm nhập nhiều chuyến.”

Quản Nội Trưởng lại dừng để ‘Dô, Dô’, còn tôi thì nôn nóng muốn nghe tiếp.

– “Sơ sơ ở chiến trường là vậy. Còn hậu phương thì bị địch gây rối liên miên. Tháng 5/1963, phong trào Phật Giáo đấu tranh nổi lên ở miền Trung. Ở Sài Gòn thì họ tổ chức biểu tình phản đối chính quyền. Họ đặt chất nổ khủng bố nhiều nơi, thậm chí với cả Tòa Đại Sứ Mỹ. Trong thời gian gây rối, bọn Cộng Quân tăng cường xâm nhập tối đa và chuẩn bị đánh chiếm cao nguyên miền Trung. Trước tình hình nguy hiểm đó, chính quyền có tổng động viên tăng quân cũng không kịp. Chỉ còn cách nhờ Mỹ ‘cứu bồ’! Đó là lý do Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng.”

Tôi nhắm mắt duyệt lại sự việc. Thượng sĩ Hoàng nói có lý. Họ đổ quân ở miền Trung để tăng cường bảo vệ miền Trung chớ có đổ quân vào Sài Gòn để chiếm chính quyền đâu. Chính quyền vẫn là của người Việt đang do các tướng tranh giành quyền lãnh đạo. Cộng Sản trà trộn vào sinh viên, xuyên tạc việc Mỹ đổ quân là xâm lược để khích động biểu tình. Và tôi cũng đã tham gia.

Thượng sĩ Hoàng ra lệnh Thủy thủ Tạo rót thêm bia và trà. Chúng tôi lại cụng ly ‘Dô! Dô!’.  Mọi người bận rộn nhai đậu phộng và khô cá. Tôi hỏi:

– “Bác Hoàng nghĩ sao về việc tên Mỹ có mặt trên chiến hạm này?”

– “Nó lịch sự, đàng hoàng.”

– “Tôi muốn hỏi về nhiệm vụ của hắn.”

– “Tôi không rành, đề nghị cô hỏi Hạm Phó.”

– “Bác thấy Hạm Phó ra sao?”

– “Cô Phượng thấy sao?”

Câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng. Tôi nhăn mặt:

– “Cháu hỏi bác trước.”

– “Ổng… xứng với cô lắm!”

Nhiều tiếng cười càng làm tôi bối rối. Tôi cằn nhằn:

– “Ý cháu là muốn biết Hạm Phó đối xử với bác và các anh như thế nào.”

– “Không có gì phàn nàn. Còn cô, có gì phàn nàn Hạm Phó không? Tôi là Quản Nội Trưởng, sẵn sàng chuyển lời phàn nàn của cô!”

Tôi bật cười giòn. Tôi thích cái cách họ ăn nói vô tư, cười đùa thoải mái. Có thể ảnh hưởng từ trời nước bao la mà tâm hồn phóng khoáng. Ngay với một khách quá giang như tôi, họ cũng coi như người thân thích và tôi cũng bắt đầu dành nhiều cảm tình. Rồi bỗng tôi nghe ớn lạnh. Sao tôi lại có ý nghĩ phản động như vậy! Tôi mới sống với họ chỉ hơn một ngày đêm. Tất cả những gì tôi thấy có thể chỉ là bề ngoài. Biết đâu tâm hồn họ đã tiêm nhiễm thói tư bản xấu xa. Tôi phải vững tin ở Hưng, phải tin ở người mình chọn sống chung trọn đời.

Chợt Trung sĩ Tùng lên tiếng:

– “Thú thật với cô Phượng, xin đừng giận. Anh em đây thách tôi, nếu mời được cô đến chung vui thì khi về Sài Gòn sẽ đãi một chầu tưng bừng. Cám ơn cô đã giúp tôi chiến thắng vẻ vang. Theo thỏa thuận, người chiến thắng được quyền mời một người khách, tất nhiên người đó ưu tiên là cô. Mong cô không từ chối…”

Tôi nghĩ đến Hưng, mỉm cười:

– “Tôi nhận lời với điều kiện được đi kèm một người.”

Nói xong mới nhận ra mình lại ngớ ngẩn. Hưng kỵ nhất vụ này mà tôi thì lúc đó coi như đã cao bay xa chạy, tìm đâu ra mà mời. Thủy thủ Tạo lên tiếng:

– “Nếu người đi đó là Hạm Phó thì tán thành trăm phần trăm.”

Tất cả bật cười vang. Trung sĩ Trọng nói:

– “Nếu đúng là Hạm Phó, tôi là người kế tiếp mời cô Phượng!”

– “Khi không tôi lại được hai bữa ăn ngon. Cám ơn các bác các anh.”

Hạ sĩ Trường hỏi giọng khiêu khích:

– “Cô Phượng có dám nhận lời tôi mời không? Bữa ăn thứ ba.”

Tôi cười thầm. Có thêm mười người mời nữa thì cũng chả có bữa ăn nào! Nhưng chuyện đã lỡ. Phóng lao thì đành theo lao. Tôi mạnh dạn nói:

– “Dĩ nhiên là dám chứ. Tuy nhiên, tôi đành từ chối vì sợ lại được mời thêm, rồi thêm nữa. Chắc ăn bể bụng luôn!”

Tiếng cười lại rộ lên. Tôi cũng thực sự vui lây. Bên Hưng, tôi thấy hạnh phúc nhưng không thấy vui. Anh lúc nào cũng khó đăm đăm, lúc nào cũng bàn giải phóng với cách mạng. Có vài khi tôi cười đùa với anh mà lòng vương vấn ưu phiền. Còn ở đây, bên những người vừa quen biết, tôi hoàn toàn thoải mái.

Chợt tiếng của Võ Bằng vang lên:

– “Cô Phượng đây rồi!”

Tất cả vội đứng lên tiếp đón. Võ Bằng ra dấu mời ngồi. Vòng tròn tự động bung rộng bên Trung sĩ Tùng để Hạm Phó ‘được’ ngồi bên tôi. Quản Nội Trưởng Hoàng đích thân rót bia vào ly:

– “Xin mời Hạm Phó. Đúng ra, tham gia trễ, phải bị phạt vài ly. Nhưng với Hạm Phó thì được miễn, chỉ phải đi thật ngọt ly này!”

– “Tuân lệnh chủ xị!” Bằng cười rồi đi ngọt thật.

Tất cả vỗ tay hoan hô. Trung sĩ Tùng bất ngờ đặt câu hỏi:

– “Cô Phượng trước sau vẫn đính chính rằng cô không phải là người yêu của Hạm Phó. Sẵn Hạm Phó có mặt đúng lúc, xin thỉnh ý Hạm Phó.”

Tôi tiếp nhận cái nhìn say đắm của Võ Bằng với cảm giác khó chịu. Lẽ ra anh chàng phải tức khắc xác nhận đúng ý tôi thay vì chần chừ. Không những thế, anh chàng còn đặt câu hỏi khiêu khích:

– “Cô Phượng muốn tôi trả lời sao đây?”

Tôi nghiêng mặt tặng Võ Bằng một cái liếc sắc bén và nói gằn từng tiếng:

– “Là Hạm Phó, xin Đại úy đừng nói trái… sự thực!”

Bằng cười nhẹ:

– “Tôi luôn luôn tôn trọng sự thực. Vậy trước khi tôi trả lời, mong cô xét lại… lòng cô!”

Tôi bật cười để ngăn cơn giận đang bùng vỡ:

– “Đại úy… tránh né hay thật!”

– “Tôi đâu có tránh né. Tôi trả lời theo sự thật đây: cô là người yêu của tôi!”

Tôi giận dữ, co chân dợm đứng lên thì Võ Bằng chụp cánh tay, ghìm giữ tôi ngồi yên. Bằng nói:

– “Cô muốn tôi tôn trọng sự thật và tôi vừa nói thật, sao cô lại giận? Tôi nói ‘cô là người yêu của tôi’ chớ có nói cô yêu tôi đâu!”

Mọi người im lặng chờ phản ứng của tôi. Tôi thua lý lẽ của Võ Bằng. Quá nóng giận tôi đã không kịp suy nghĩ! Võ Bằng nói đúng. Ai cũng có quyền coi tôi là người yêu của họ. Nhưng tôi yêu ai thì lại là chuyện khác. Mà cứ làm người yêu của Võ Bằng thì đã sao! Không việc gì phải giận ra mặt. Thời gian gần họ chẳng còn bao lâu nữa. Cùng lắm là tới chiều mai. Tôi cố đưa ra một câu đùa:

– “Tôi đề nghị chúng ta tiếp tục cuộc vui, coi như không có mặt… Hạm Phó.”

– “Thưa Hạm Phó, xin ghi nhận đó là lời của cô Phượng chớ không phải của chúng tôi.”

Thượng sĩ Hoàng cười nói rồi rót thêm bia vào ly mời Võ Bằng. Anh chàng ực một hơi, đặt ly lên sàn, thấm khăn giấy lên môi rồi chậm rãi nói:

– “Có một bài ca, tôi nghĩ là rất thích hợp để chứng minh tôi có mặt! Tôi bỏ hát lâu rồi nhưng tối nay lại muốn lên tiếng tặng cô Phượng.”

Ϲhưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Ϲó nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu уếm nhìn tôi không nói năng

Ta gặp nhau уêu chẳng hạn kỳ
Mâу ngàn gió ‘biển’ đọng trên mi
Áo baу mở khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi – em nói đi…

Võ Bằng đột ngột ngưng hát, nói trổng ‘Em nói đi, nói đi em!’. Tiếng vỗ tay lẫn tiếng cười vang. Tôi nghe mặt nóng bừng. Tôi không sợ tướng tá của anh chàng nhưng rất sợ lời ca. Không thế võ nào đỡ nổi. Tôi ấm ức cúi mặt. Giọng Thượng sĩ Hoàng nồng nhiệt:

– “Hạm Phó hát quá hay, vậy mà lâu nay giấu nghề. Tới luôn cho trọn bản, thưa Hạm Phó!” Ông ra lệnh cho người đối diện. “Hạ sĩ Trường, còn chờ gì mà chưa chịu lên dây đàn!”

– “Có ngay, thưa ông Quản!”

Hạ sĩ Trường xoay người ra sau. Cây đàn đặt nằm sẵn trên sàn gần đó. Tôi đăm đăm nhìn Võ Bằng. Anh chàng vừa hát đúng bản nhạc tôi ưa thích mà đã hai năm rồi, từ sau ngày quen Hưng tôi bị cấm hát. Hưng không chỉ cấm tôi hát nhạc vàng mà cấm luôn tôi xem phim tư bản. Anh buộc tôi nghe nhạc cách mạng, xem phim cách mạng.  Hai năm rồi tôi nghe cho anh vui chớ chán ngấy đến tận cổ. Đêm nay, dù chỉ mới nghe hai đoạn Mộng Dưới Hoa mà tôi đã rụng rời. Đêm nay tôi sẽ nghe, sẽ hát những bản nhạc tôi cố chôn vùi nhưng chưa bao giờ rời khỏi tâm khảm…

Ít nhất tôi sẽ hát tặng Võ Bằng bài ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’…

(Còn nữa)







Không có nhận xét nào: