Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) Chương 12: Hải Phận Bình Thuận

                 Đời Thủy Thủ II  

                                 Vũ Thất

                                 

    Chương 12:   Hải Phận Bình Thuận

Chủ nhật 6/8/1967 02:00G

Chương trình văn nghệ lai rai chấm dứt vào 11 giờ khuya. Đã lâu mới được ca hát thoải mái nên lòng còn tiếc nuối. Tôi theo Võ Bằng xuống khu sĩ quan. Khi đứng trước cửa buồng ngủ ‘của tôi’, anh chàng nói nếu tôi thích lên đài chỉ huy ngắm cảnh về khuya thì khi nghe còi báo đổi phiên hải hành ra phòng ăn. Lời mời hấp dẫn xem chừng lấn lướt cơn mệt mỏi. Tuy vậy tôi trả lời lửng lơ “để xem”.

Tôi nhanh chóng tắm gội, mặc lại bộ đồ cũ và ngả lên giường. Chưa kịp nghĩ gì thì đã chìm vào giấc ngủ mê man.

Rồi tiếng còi báo đổi phiên dội vào tai đủ để gợi tôi nhớ Võ Bằng đang đợi ở phòng ăn. Tôi tự hỏi ngủ tiếp hay theo Võ Bằng lên đài chỉ huy? Ngủ tiếp thì dễ dàng và mặc sức ngủ khi về nhà trong khi đêm nay là đêm chót của chuyến đi nghìn năm một thuở trên tàu này. Ngày mai, vào lúc nào đó tôi sẽ xa rời vĩnh viễn. Vào lúc đó, theo dự trù, nhiều người tôi bắt đầu cảm mến sẽ tan xác cùng con tàu. Tôi muốn dành hết thì giờ còn lại để nhìn thật kỹ sự việc, để đánh giá thật đúng công tác tôi đang thực hiện…

Khi bước ra phòng ăn thì Võ Bằng và Thiếu úy Hoàng Văn đã ngồi đó tự bao giờ. Thấy tôi, Võ Bằng nở nụ cười tôi tin chẳng bao giờ quên được. Nụ cười hài lòng và hạnh phúc khác hẳn nụ cười xã giao của Thiếu úy Văn.

Ly trà đá trước anh chàng chỉ còn một nửa. Ly trà đá trước chỗ ngồi của tôi thì đầy ắp. Hộp bánh LU đang mở nắp. Tôi ngồi xuống đúng lúc Thiếu úy Văn đứng lên. Anh mang tách cà phê bỏ vào bồn rửa rồi xin phép rời phòng.

Tôi nâng ly cụng vào ly của Võ Bằng rồi đưa lên môi. Mùi hương của trà Lipton không bằng trà Bảo Lộc nhưng vị thì nghe thật ngọt ngào. Tôi uống một hơi, nhắm chừng còn bằng ly của Võ Bằng thì ngưng lại. Tôi tin rằng anh chàng hiểu đó là cách tôi thay lời cám ơn đã pha cho ly trà.

Bằng đưa tôi chiếc bánh LU:

– “Nên ăn, vì thức khuya sẽ thấy đói.”

Tôi cám ơn và cắn đôi. Nếu Bằng là Hưng thì tôi đút cho anh nửa còn lại. Tôi ăn hết và lấy thêm…

Võ Bằng lặng lẽ nhấp từng ngụm. Khi chiếc ly đã cạn, anh chàng không đặt xuống bàn mà lại đưa lên mắt. Rồi anh chàng nghiêng mặt sang tôi, đưa chiếc ly từ mắt phải sang mắt trái rồi ngược lại. Tôi ngượng nghịu nói:

– “Tôi xấu quá phải hôn?”

– “Phải! Cô thật xấu. Tôi mừng thấy cô thật xấu cho … dễ quên!”

Tôi uống vội vàng để đè nén nỗi xúc cảm. Khi đặt ly xuống, nỗi xúc cảm tiêu tan… Võ Bằng lặng lẽ mang hai ly bỏ vào chậu rửa, rồi ra dấu tôi theo lên đài chỉ huy.

Thấy tôi, Thiếu úy Hoàng Văn ngạc nhiên:

– “Cô Phượng cũng đi ca tiên?”

– “Ca tiên?” Nghe từ ngữ lạ, tôi hỏi.

– “Là tên gọi cho phiên trực hải hành từ nửa đêm tới 4 giờ sáng.” Võ Bằng nhanh nhẩu.

– “Vì sao gọi là ca tiên?”

– “Có thể nó mang nghĩa ca trực đầu tiên trong ngày. Cũng có thể do giờ giấc của nó dễ gặp tiên nữ chăng?”

– “Đại úy chắc đã nhiều lần gặp tiên nữ?” Tôi trêu chọc.

– “Chưa lần nào, nhưng đêm nay thì đã gặp. Và sau đêm nay thì xem chừng chẳng bao giờ còn gặp nữa.”

– “Tôi thì sợ gặp… tiên ông!” Tôi nói.

Chúng tôi cười vang. Võ Bằng, Thiếu úy Văn và Trung úy Bạch, Thiếu úy Ấn bàn giao phiên hải hành. Tôi nhìn quanh. Một người đang giữ tay lái, hai người đứng hai bên đều có vóc dáng trung bình. Không thấy bóng dáng tên Mỹ. Trung úy Bạch và Thiếu úy Ấn rời đài chỉ huy. Võ Bằng và Thiếu úy Văn chính thức nắm vận mạng con tàu. Tôi nghe niềm hãnh diện dâng lên. Trăm năm đô hộ không cản được tài ba của dân Việt. Tôi đứng khoanh tay lên thành đài, thưởng thức không gian êm ả thanh bình, sảng khoái dõi mắt trên mặt đại dương. Không bóng tối nào ngăn được vẻ long lanh của các ngọn sóng. Và bầu trời cũng chia vui với vô vàn vì sao lấp lánh. Càng ngắm tôi càng ngạc nhiên. Ở biển, bầu trời về đêm sâu thẳm và lộng lẫy, không như bầu trời thành phố vàng vọt, sao thưa thớt. Tôi nhớ đến bầu trời màu xanh ban ngày.

Khi Võ Bằng bước đến đứng bên tôi, tôi hỏi ngay:

– “Đại úy đã giải thích vì sao bầu trời màu xanh, bây giờ tôi thấy bầu trời màu đen…”

– “Thì ban đêm nó phải đen, chứ sao! Chúng ta đều biết ban ngày thì sáng, ban đêm thì tối!”

– “Đại úy đã căn dặn tôi phải hỏi ‘vì sao’?”

– “Có câu nói tôi không nhớ của ai: ‘Nếu chưa đứng vững trên đất thì đừng nói chuyện trên trời.’ Hôm nay tôi nhớ lại câu đó nên xin… ngậm miệng!”

– “Chớ không phải Đại úy bị… bí? Người ta nói ‘nếu không đứng vững trên đất’ chớ có nói ‘trên biển’ đâu mà không được bàn chuyện trên trời!”

– “Với cô, thật khó mà qua mặt! Quả là tôi bí lù với câu hỏi này. Xin trả lời sau nếu còn có dịp gặp lại!”

Thiếu úy Văn báo Võ Bằng có nhiều đèn phía trước mũi. Võ Bằng ngắm nghía rồi ban lệnh tăng giảm máy và lệnh đổi hướng tránh né các ghe câu. Có khi con tàu cách chiếc ghe chừng năm mười thước, đếm được số người trên ghe. Mãi nửa giờ sau, không gian trở lại mịt mùng và con tàu lại tăng tốc độ.

Khi Võ Bằng trở lại đứng bên tôi. Tôi nói:

– “Bầu trời lộng lẫy quá, như có vô vàn hạt kim cương. Mỗi hạt có độ lấp lánh khác nhau, sắc màu khác nhau.”

– “Tôi coi như cô muốn đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, vì sao các ngôi sao lấp lánh? Vì ánh sáng từ ngôi sao bị khúc xạ khi qua lớp khí quyển. Thứ nhì, vì sao sắc màu khác nhau? Vì tùy thuộc độ xa, độ lớn, độ nóng, chất liệu và tuổi tác của ngôi sao. Như với ngôi sao màu xanh, ngôi sao đó xa trái đất hơn ngôi sao màu đỏ. Hoặc có màu xanh vì nhiệt độ của nó nóng hơn ngôi sao màu đỏ. Về tuổi tác cũng tương tự. Màu đỏ cho biết ngôi sao ở cuối đời. Câu hỏi kế tiếp…”

Hỏi gì đây? Gió? Biết rồi. Mưa? Biết rồi. Bão? Biết rồi. Võ Bằng lên tiếng:

– “Cô cứ suy nghĩ và tự do đặt câu hỏi. Tôi rất vui được trả lời mọi câu hỏi. Tuy nhiên sẽ vui hơn nếu cô hứa trả lời một câu hỏi của tôi. Một câu hỏi duy nhất.”

Tôi ngại ngần. Câu hỏi duy nhất hẳn phải là câu hỏi khó! Khó nhất thì cũng chỉ là câu ‘Cô có yêu tôi không?’ Sợ gì mà không trả lời có. Dù gì Võ Bằng cũng đã dành cho tôi sự tiếp đãi đặc biệt ân cần, Trả lời có như là một cách cám ơn. Rồi vĩnh viễn không thấy mặt nhau. Tôi hăng hái hứa:

– “Tôi hứa sẽ trả lời.”

Võ Bằng gật đầu cười khoái chí. Vẫn nụ cười tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi lại ngắm khung trời thăm thẳm lung linh để trấn áp nỗi buồn mênh mang ập đến.

Tiếng nhắc nhở của Võ Bằng:

– “Hỏi tiếp đi chớ!”

Tôi lại nhìn lên khung trời ngàn sao và chợt nhớ đến truyện ngắn tôi học lớp đêm ở Hội Việt Mỹ năm rồi. Tôi đã nghĩ đó chỉ là những lời hoa mỹ của một nhà văn. Nhưng đêm nay, ngoài biển xa khơi, tôi thấy lời văn hoa mỹ đó chừng như chưa diễn đạt đầy đủ. Bởi vì chính mắt tôi đang chiêm ngưỡng bầu trời đêm tuyệt vời. Tôi đặt ngay câu hỏi:

– “Đại úy có đọc truyện The Stars của Alphonse Daudet?”

– “’The Stars’ thì chưa, nhưng ‘Les Étoiles’ thì có. Thời trung học của tôi còn ngoại ngữ Pháp văn nên Alphonse Daudet nằm trong chương trình.”

– “Bầu trời tôi đang chiêm ngưỡng còn đẹp hơn bầu trời của cô chủ Stéphanette nói với chàng chăn cừu: ‘Never had the heavens appeared to me so profound, never the stars so brilliant.’” (1)

– “Tôi thì thích câu tiếng Pháp, nghe… Tây hơn: ‘Jamais le ciel ne m’avait paru si profond, les étoiles si brillantes…’”

Tôi cười thầm. Anh chàng có vẻ muốn khoe mình biết tiếng Pháp chăng? Vậy thì nói thêm một câu tiếng Anh nữa cho bõ ghét:

– “If one has ever passed a night under the stars, one knows that during the hours when most people sleep a mysterious world awakens in the solitude and the silence.” (2)

– “Cô Phượng thuộc cả bài tiếng Anh?”

– “Tôi từng thuộc cả bài nhưng giờ thì quên nhiều!”

– “Đây là câu tiếp theo: ‘Lúc bấy giờ những dòng suối có tiếng ngân trong trẻo hơn, những hồ nước lấp lánh những đốm lửa nhỏ. Các thần linh của núi rừng đi lại tự do; và trong không gian có những xao xuyến, những âm thanh không thể nghe được, tuồng như người ta nghe cây cối tăng trưởng, cỏ hoa mọc thêm’. Trong trường hợp đứng giữa biển mịt mùng như đêm nay, lời diễn đạt trên cần bổ sung thêm một đoạn nữa: và tuồng như người ta nghe được cả nhịp tim của công chúa Thủy Tề và nỗi hân hoan của người thủy thủ…”

———–

(1). Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời sâu thẳm và các vì sao rực rỡ đến thế’. 

(2). Nếu có bao giờ thức ngoài trời một đêm đầy sao, bạn mới biết rằng trong lúc chúng ta ngủ, một thế giới huyền bí thức dậy trong cô đơn và tĩnh mịch. (Bản dịch của Hà Kỳ Lam)

———–

Lời thêm thắt của Võ Bằng mang cho tôi niềm hưng phấn và bạo dạn. Tôi cao hứng đọc tiếp, đổi tiếng ‘shepherd’ thành ‘lieutenant’:

– “How beautiful the stars are! I have never seen so many. Do you know their names, lieutenant?” (3)

– “Mais oui, Mademoiselle Phượng. Tenez! Juste au-dessus de nous, voilà le Chemin de Saint Jacques (la Voie lactée).” (4)

Chúng tôi cùng cười phá lên. Mọi người hiện diện quay lui nhìn chúng tôi như hai quái vật. Không ngờ Võ Bằng lại nhạy bén đến thế. Tôi vui thích ngợi khen:

– “Xem chừng đại úy thuộc cả bài tiếng Pháp?”

– “Cũng không hơn gì cô!”

– “Tôi không tài nào nhớ cái đoạn anh chàng chăn cừu kể chuyện tình các vì sao! Vừa khó hiểu vừa có những danh từ riêng lạ lẫm…”

Anh chàng nghiêng mặt nhìn tôi:

– “Vậy thì để tôi thử đóng vai chàng chăn cừu tán hươu tán vượn may ra giúp cô hiểu rõ hơn chăng! Nhưng trước hết tôi phải giao quyền chỉ huy cho Thiếu úy Văn. Cô chờ tôi một chút!”

Võ Bằng bước sang bàn hải đồ, loay hoay đo đạc. Tôi tiếp tục ngước nhìn các vì sao, hít sâu làn gió nhẹ, cố đè nén xúc động. Sao bỗng dưng tôi lại gài Võ Bằng và tôi vào hai nhân vật của một truyện tình tuyệt đẹp? Trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi đang có ước muốn đó sao? Chưa bao giờ tôi và Hưng có những giây phút êm đềm thơ mộng như thế này. Hưng quá thực tế. Trong đầu Hưng lúc nào cũng đấu tranh cướp chính quyền, lúc nào cũng tìm phương cách đuổi Mỹ về nước, lúc nào cũng mộng mơ xây dựng một xã hội không có người bóc lột người. Ngay cả khi ngồi bên nhau ở những quán cà phê ngoài trời, tôi cũng không nhận được một lời tình tứ ngọt ngào nào. Thậm chí có lần tôi phải mượn một câu trong một truyện của Bùi Quang Đoài để tỏ lòng mình: ‘Anh hãy đếm những vì sao trên trời, được bao nhiêu thì em yêu anh còn hơn thế nữa’. Hưng nghe mà chỉ cười trừ…”

___________

(3). Đẹp quá. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều như thế. Đại úy có biết tên tất cả các ngôi sao kia không?

(4). Thưa cô, biết chứ. Cô hãy nhìn kia! Ngay trên đầu chúng ta là con đường Thánh Jacques (dải Ngân Hà)

—————

Võ Bằng trở lui đứng bên tôi, hỏi:

– “Cô Phượng thấy ‘The Stars’ ra sao?”

Tôi lại nhìn lên bầu trời rồi thú nhận:

– “Sao nhiều hơn và sáng tỏ hơn ở thành phố… vạn lần.”

– “Tôi muốn hỏi cảm nghĩ về truyện Les Étoiles”.

– “Rất tuyệt! Tôi mê lắm, mê đến thuộc lòng!” 

– “Chỉ câu kết thôi cũng đủ ăn tiền, phải không?” Võ Bằng cười khẽ. “Có lúc tôi ngỡ rằng một trong những ngôi sao đó, ngôi sao đẹp nhất, sáng nhất, lạc đường đã đến tựa trên vai tôi mà ngủ….”

 – “Đẹp như mơ! Mọi người mê là vì vậy”.

– “Thời đó tôi cũng mê lắm, nhưng sau vào Hải Quân, được học Hàng hải Thiên văn, có dịp nghiên cứu các vì sao mới thấy anh chàng chăn cừu này có phần… ma giáo.”

– “Ma giáo, ma giáo là sao?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

– “Cô chê anh chàng chăn cừu kể chuyện tình các vì sao khó hiểu. Tôi tạm tóm lược đoạn khó hiểu đó: ‘Cô hãy nhìn kia! Ngay trên đầu chúng ta là con đường Thánh Jacques (dải Ngân Hà)… Chính Thánh Jacques đã vạch con đường này cho hoàng đế Charlemagne tiến đánh bọn Sarrasins. Xa hơn, là cỗ xe chở linh hồn (Ðại Hùng Tinh) với bốn trục bánh xe sáng rực. Ba ngôi sao đi đầu là ba con vật kéo xe, và ngôi sao bé tí gần ngôi sao thứ ba là người xà ích điều khiển xe… Thấp một chút là sao Ba Ông Vua… Thấp hơn một chút, vẫn về phía nam, là ngôi sao Jean de Milan, ngọn đuốc của các vì sao. Về ngôi sao này, các mục đồng có truyền tụng một câu chuyện như sau. Vào một đêm nào đó, Jean de Milan cùng với sao Ba Vua và sao Poussinière (sao Rua) được mời dự tiệc cưới của một sao bạn gái. Sao Poussinière vội vã hơn nên đi trước và chọn lộ trình cao… Sao Ba Vua đi đường thấp hơn và đuổi kịp; nhưng anh chàng Jean de Milan lười biếng này, vì ngủ dậy trễ, đi lẹt đẹt sau chót, giận dữ đưa cây gậy ra để chận các sao kia lại. Vì thế, sao Ba Vua còn được gọi là cây gậy của Jean de Milan. Nhưng ngôi sao đẹp nhất trong tất cả các vì sao, là ngôi sao của chúng tôi, Ngôi Sao của Kẻ Chăn Cừu (sao Hôm, sao Mai)… Chúng tôi còn gọi sao đó là Maguelonne. Nàng Maguelonne kiều diễm chạy theo chàng Pierre của xứ Provence (Thổ Tinh) và kết hôn với chàng ta cứ bảy năm một lần.’ Câu chuyện mờ mờ ảo ảo, tính danh các vì sao không giống ai, kết cuộc chẳng đâu vào đâu! Vậy có khác gì những lời ru ngủ cho cô chủ vốn đang mỏi mệt vì lạc đường, vì mưa lạnh! Ngồi cạnh kề nhau mà ngủ gục thì đương nhiên nàng phải ngả vào vai chàng! Ma giáo là chỗ đó!”

– “Đại úy có ý tưởng… quỷ quái thật!”

– “Tôi chỉ bông lơn cho vui thôi. Huyền thoại của Pháp về các vì sao đến anh chàng chăn cừu cũng biết thì coi như người Pháp nào mà không biết! Chỉ chúng ta mù mờ vì bận mê… truyện cổ nước Nam!”

Tôi vẫn cảm thấy bực dọc. Dù là ý nghĩ bông lơn nhưng vẫn là một xúc phạm đến nét đẹp của nội dung. Phải chọc quê cho bõ ghét, tôi nói khích:

– Đại Úy trách anh chàng chăn cừu ma giáo. Vậy, với cái tâm trong sáng, Đại Úy sẽ kể câu chuyện thế nào?”

– “À à! Cô Phượng làm khó tôi chi vậy; có là khùng mới sửa đổi một tuyệt phẩm văn chương. Tôi chỉ dám liều mạng lan man cái đoạn khó hiểu cho nó… dễ hiểu hơn thôi!”

– “Tôi xin lắng nghe.”

– “Trường hợp việc tôi lan man càng khiến cô Phượng thêm khó hiểu, thì hãy như cô chủ của chàng chăn cừu, cô quá giang của chiến hạm cứ tự nhiên… tựa lên vai tôi mà ngủ!”

– “Đại Úy! Xin làm ơn…” Tôi ngượng nghịu kêu lên.

– “Trước khi lan man,” Võ Bằng thản nhiên tiếp, “tôi xin có vài lời phi lộ về thiên văn. Như cô đang nhìn thấy và như trong truyện kể, bầu trời quả là sâu thẳm với vô vàn các vì sao. Sâu thẳm là vì nó vô cùng tận. Rồi cô sẽ thấy vì đâu nó vô cùng tận. Còn với vô vàn các vì sao, thì ngay với kính thiên văn, cũng không ai đếm được hết. Tuy vậy, từ năm ngàn năm trước, các nhà thiên văn đã quan sát, nghiên cứu và chọn đặt tên cho chừng vài chục ngôi sao sáng nhất, có lợi ích nhất cho mùa màng và hàng hải. Nhưng việc nhận dạng từng vì sao lại là chuyện khó nên tùy vị trí của chúng, họ đặt chúng thành từng chòm, và hình dung mỗi chòm thành một con người hay một con vật. Và qua hình dạng của nó, họ bịa ra một câu chuyện thần thoại để dựa vào đó mà đặt tên cho chòm sao. Có tất cả 88 chòm sao thấy được bằng mắt thường trên bầu trời, gồm 12 chòm sao Hoàng Đạo, 29 chòm sao ở Bắc bán cầu và 47 chòm ở Nam bán cầu. Cô Phượng theo kịp chứ?”

– “Xin tiếp tục…”

– “Vào thời điểm anh chăn cừu ngồi bên cô chủ ở một trang trại nào đó trên nước Pháp nằm khoảng giữa Bắc bán cầu, bầu trời hiện ra những chòm sao như được kể trong truyện: Con đường của Thánh Jacques tức Dải Ngân Hà, Chòm Đại Hùng Tinh với Cỗ Xe chở Linh Hồn, chòm Lạp Hộ với sao Ba Vua, chòm Đại Khuyển với sao Sirius, chòm Kim Ngưu với cụm sao Rua cùng hai hành tinh Sao Kim và Sao Thổ. Vậy, tôi bắt đầu bằng huyền thoại Dải Ngân Hà…”  

  Dải Ngân Hà

Tôi chận lời Võ Bằng:

– “Huyền thoại dải Ngân Hà – con đường Thánh Jacques, theo ông thầy tôi giảng thì đó là con đường hành hương từ Pháp sang Tây Ban Nha mà vì tín đồ đi hành hương quá đông, bụi bay mờ mịt thành một dải sáng trông như sữa, nên được đặt tên là La Voie lactée. Mình gọi là Dải Ngân Hà.”

– “Đó chính là huyền thoại được kể trong truyện. Nhưng còn một huyền thoại khác cũng ‘trông như sữa’, mà hấp dẫn hơn. Thần thoại Hy Lạp kể rằng trên trời có một vị thần chúa tể tên Zeus, rất uy quyền mà cũng rất…. loạng quạng! Một hôm, một đứa con ngoại hôn của ông bị khát sữa vì mẹ đi vắng, ông liều mạng cho nó bú trộm vú hoàng hậu Hera đang ngủ say. Hoàng hậu giật mình đẩy đứa bé ra, khiến dòng sữa văng tung tóe lên bầu trời thành Milky Way.”

Võ Bằng nâng ống dòm lên tìm kiếm rồi đưa cho tôi:

– “Cô Phượng nhìn kỹ hướng này sẽ thấy một dải sáng chạy dài từ hướng lái đến hướng mũi tàu. Đó là Milky Way.

Tôi nhìn qua ống dòm. Đúng là có một dải sáng, nơi thì rực trắng, chỗ thì ửng hồng quyện lẫn những làn mây đen nằm vắt ngang bầu trời. Một hình ảnh lạ lùng, tuyệt đẹp nhưng không có gì giống một đường sữa hay long lanh thủy ngân. Tôi hỏi:

– “Milky Way sao lại dịch là Dải Ngân Hà?”

– “Thì đông là đông, tây là tây mà! Người châu Âu thấy nó như dòng sữa nhưng người châu Á trông nó tựa như dòng sông! Phải chăng vì dân châu Á nghèo nàn ít thấy sữa nên chỉ có hình ảnh nước trong đầu? Nhưng chính nhờ nghĩ tới dòng sông Ngân Hà mà ngày nay văn học Việt Nam có được câu chuyện tình đẫm nước mắt mà đẹp hơn cả Les Étoiles. Đẹp hơn là cái chắc: Cô con gái út của Ngọc Hoàng yêu chàng chăn trâu. Và vì quá yêu nhau mà phải bị phạt xa nhau! Cô hãy nhìn lại dải Ngân Hà, và tôi sẽ chỉ cô đâu là Chức Nữ, đâu là Ngưu Lang…”

Tôi phản đối:

– “Đại Úy ơi, đây chỉ là huyền thoại!”

– “Đúng là huyền thoại nhưng là huyền thoại về các thực thể. Thực tế trên bầu trời có một ngôi sao mang tên Chức Nữ và một ngôi sao mang tên Ngưu Lang, mỗi ngôi sao nằm một bên dải Ngân Hà. Hãy nhìn theo ngón tay của tôi. Ngôi sao sáng nhất, lấp lánh ánh xanh bên trên bờ sông chính là nàng Chức Nữ. Còn ngôi sao dĩ nhiên sáng thua Chức Nữ đôi chút ở bờ bên dưới, về phía tay phải chính là chàng Ngưu Lang. Và ngôi sao nằm ngang sao Ngưu Lang bên tay trái chính là tiên nữ Thiên Tân, người được Ngọc Hoàng biệt phái đưa đò cho ‘đôi trẻ’ hằng năm gặp lại nhau. Cô nhận ra ba ngôi sao rồi chứ?”

– “Thấy rồi.” Tôi hăng hái gật đầu.

– “Cô có biết đôi uyên ương bị chia cách bao xa không?”

Tôi cười:

– “Chắc không quá xa. Xa quá thì tiên nữ Thiên Tân chèo gì nổi!”

Võ Bằng hướng nhìn về vùng trời mông lung như đang đo lường khoảng cách giữa hai vì sao. Tôi nghe ấm ức với cách hỏi của Võ Bằng, câu hỏi vô bổ, vô lý như muốn chọc tức người nghe. Có ai đi đo làm gì khoảng cách giữa hai vì sao. Tôi xoay người nhìn các thủy thủ đương phiên. Ba bóng đen vẫn đứng dàn hàng như ba pho tượng, Ở vành cung đối diện tôi với Võ Bằng là bóng dáng của Thiếu úy Văn, ống dòm dán vào mắt. Chiếc ghế hạm trưởng trống vắng im lìm. Tiếng của Võ Bằng kéo tôi xoay lại:

– “Muốn thấy được là bao xa, tôi cần nói thêm đôi chút về dải Ngân Hà. Nó có chừng vài trăm tỷ ngôi sao trong đó có ngôi sao Mặt Trời. Chúng ta đã học Thái Dương Hệ gồm Mặt Trời và 9 hành tinh quay quanh nó. Trái Đất chúng ta là một. Dải Ngân Hà thực ra là một khối hình trụ tròn, tựa như vòng thổi của khói thuốc, có đường kính khoảng 100.000 năm-ánh-sáng, có độ dày khoảng 1.000 năm! So với vũ trụ, cô đã thấy dải Ngân Hà chỉ chiếm một khoảng trời bé nhỏ. Để hình dung vũ trụ lớn cỡ nào, chỉ cần biết dải Ngân Hà bé cỡ nào. Cô hẳn còn nhớ tốc độ của ánh sáng là ba-trăm-ngàn-cây-số-trong-một-giây. Một năm-ánh-sáng là gần 10 ngàn tỷ cây số. Theo công thức tính thể tích hình trụ tròn, ta lấy bình phương của 10 ngàn tỷ cây số nhân cho bán kính 50.000 năm-ánh-sáng, rồi nhân chiều cao 10 ngàn tỷ cây số, rồi nhân cho 1.000 năm rồi nhân cho Pi. Cô thử hình dung số thành của bài toán!”

 – “Quả là càng không thể hình dung vũ trụ lớn đến cỡ nào!”

– “Với một dải Ngân Hà mênh mông như vậy thì khoảng cách xa nhau giữa Chức Nữ và Ngưu Lang là 16 triệu năm-ánh-sáng xem ra có bao!”

– “Xa như vậy thì làm thế nào một năm gặp một lần được?”

– “Thì như vậy mới gọi là huyền thoại! Ngọc Hoàng chỉ cần cho gặp là… gặp thôi!”

Võ Bằng cười sảng khoái. Tôi cũng thấy vui lây. Không ngờ trên trời lại có những con số quá sức khổng lồ. Tôi thích thú hỏi tiếp:

– “Ngưu Lang, Chức Nữ mỗi năm được tái ngộ vào tháng bảy mưa ngâu, còn trong truyện của Alphonse Daudet, Kim Tinh và Thổ Tinh phải cần đến 7 năm mới kết hôn một lần là sao?”

– “Thực tình mà nói, tôi cũng… mù luôn! Tuy nhiên, theo tôi suy đoán thì chắc tác giả muốn nói về thời điểm gặp gỡ giữa Kim Tinh và Thổ Tinh được nhìn từ Quả Đất.”

Võ Bằng lặng thinh một lúc như tìm giải đáp:

– “Cái rắc rối là người đẹp Kim Tinh – Vệ Nữ  – không chịu quay quanh Mặt Trời cùng chiều với 8 hành tinh kia mà lại quay theo chiều ngược lại. Người đẹp này lại nhiều e ấp. Trong một thời gian nào đó, nàng vừa là sao Mai vừa là sao Hôm; một thời gian khác chỉ là sao Mai hoặc sao Hôm; lại có khi lâu vài ba tháng nàng biến mất trên bầu trời. Với người đẹp Kim Tinh thì vậy, còn người đẹp Kim Phượng cũng nào kém: lúc thì vừa quen vừa lạ, khi thì chỉ lạ hoặc chỉ quen và ngày mai đây cũng sẽ biến mất!”

Tôi cười:

– “Tôi được Ngọc Hoàng gửi tạm xuống chiến hạm này để đồng hành cùng đại úy một lần… rồi thôi. Rồi biến mất vĩnh viễn.”

– “Cũng đành!” Võ Bằng lắc đầu.

Tiếng Thiếu úy Văn vang lên:

 “Trình Hạm Phó, chiến hạm nằm lệch ngoài đường nửa hải lý.”

– “Anh cho lệnh lái vào hải lộ.”

– “Đáp nhận.”

Võ Bằng lặng thinh nhìn hướng mũi tàu như đang quan sát tác động của các lệnh Thiếu úy Văn ban hành. Một lúc, anh quay sang tôi:

– “Còn câu chuyện của chúng ta, tôi có… lệch xa lắm không?”

– “Đại Úy vẫn còn đi trên thiên cầu nhưng chưa nói về chòm sao Đại Hùng Tinh với cổ xe chỡ linh hồn!”

Giọng Bằng đều đều ấm áp như được phát ra từ nụ cười:

– “Về chòm Đại Hùng Tinh, tên thiên văn l Ursa Major, gọi nôm na là Gấu Lớn, có 7 ngôi sao sáng rất “danh trấn giang hồ” cả trong thiên văn lẫn văn học, mang tên Thất Tinh Bắc Đẩu. Gạch nối 7 ngôi sao này, nó thành hình một cái gầu. Người xưa tưởng tượng cái gầu là thân con gấu. Tuy nhiên, các nhà thiên văn thời Ả Rập cổ xưa lại tưởng tượng thành một chiếc xe với 4 ngôi sao là cỗ quan tài và ba ngôi sao còn lại là ba con vật kéo xe. Đó là hình ảnh Cỗ Xe chở Linh Hồn theo như truyện kể.”

Bằng chỉ tay về vùng trời sau lái tàu, gần chân trời:

– “Hãy cố tập trung vào bảy vì sao sáng tạo hình cái gầu. Kéo dài cạnh cuối của chiếc gầu gấp năm lần sẽ gặp ngôi sao sáng nhất và cũng là ngôi sao quan trọng nhất. Đó là sao Polaris tức sao Bắc Đẩu. Nó quan trọng vì luôn luôn chỉ gần đúng hướng Bắc của địa cầu. Sao Bắc Đẩu cũng là ngôi sao nằm cuối đuôi của Gấu Nhỏ, tức chòm Tiểu Hùng Tinh, Ursa Minor.”

Bằng nghiêng người chỉ ngôi sao sáng tỏ gần chân trời, trọn vẹn cánh tay còn lại dính chặt vào cánh tay của tôi. Trời đang gió lặng biển êm mà tôi như người trong cơn bão. Tôi bấu các ngón tay vào thành sắt, tưởng như có lực kéo bay khỏi đài chỉ huy. Tôi vội lên tiếng và nhích rời cánh tay:

– “Tôi chịu thua, thấy sao nào cũng giống sao nào!”

– “Giống thế nào được. Hãy nhìn ngôi sao tỏ nhất.”

Tôi nghiêng đầu, nhắm một mắt theo ngón tay của Bằng. Cuối cùng tôi cũng nhận ra ngôi sao giây phút trước đó mang lại  nhiều xao xuyến. Tôi không kềm được tiếng kêu thích thú:

– “Tôi đã hiểu vì sao các anh đi biển lâu ngày mà không chán rồi!”

– “Đối với các nhà hàng hải, từ chòm Đại Hùng Tinh còn giúp tìm được thêm nhiều chòm sao lân cận bằng cách cứ kẻ đường kéo dài đi qua hai ngôi sao nào đó trong chòm. Còn đối với nhà nông, cứ nhìn Thất tinh Bắc Đẩu là biết mùa: Vào lúc hoàng hôn, nếu thấy cái cán chỉ về hướng Đông thì nhân thế vào mùa Xuân, chỉ hướng Nam – mùa Hè, hướng Tây – mùa Thu và hướng Bắc – mùa Đông.”

Tôi lại thích thú khẽ reo:

– “A, hay quá!”

Qua một cử động đổi thế đứng, cánh tay tôi vô tình chạm vào cánh tay Bằng. Lần này, sự va chạm rất nhẹ nhưng đủ làm thân tôi như hòa nhịp con tàu đang rung. Tôi cố xóa cảm giác lạ lùng đó. Thời may, vừa lúc đó một lằn sáng xẹt nghiêng bầu trời. Tôi mừng rỡ kêu lên:

– “Ô, sao băng. Một ngôi sao băng thiệt đẹp!”

Bằng nói khẽ:

– “Cô Phượng ước điều gì đi. Thấy sao băng, ước gì được nấy.”

Tôi nghĩ đến Hưng. Ước làm vợ Hưng chăng? Tôi từng thầm ao ước làm vợ Hưng nhưng sao lúc này lại ngần ngừ? Tôi nhìn Bằng rồi hướng về ngôi sao băng đã tắt, thầm nói. “Ước gì tôi đã không…” Tiếng Bằng cắt ngang:

– “Cô ước gì, tôi biết được chăng?”

– “Không! Không thể được!” Tôi ấp úng.

– “Sao lại không? Thông thường người ta ước điều tốt đẹp.”

– “Điều tôi muốn ước, xem ra không còn thích hợp!”

– “Cô có muốn nghe điều ước của tôi không?”

Có thể Bằng đã ước được tôi yêu; cũng có thể đã ước được tôi… làm vợ. Nếu thật vậy và nếu Bằng ngỏ ý, tôi sẽ trả lời sao? Tôi tự cười nhạo mình sao bỗng dưng lại có ý tưởng quá ngạo mạn. Hay chính tôi đang khao khát được như vậy?  Không kềm được óc tò mò, tôi ngại ngùng hỏi:

– “Đại Úy nói nghe thử!”

– “Nghe thử thì không nói!”

– “Thì nghe thiệt!”

– “Ước gì cô Phượng đã không xuống tàu…”

Tôi lại ngước nhìn muôn vạn vì sao. Dường như chúng đang chao đảo, nhòe nhoẹt. Thật lạ lùng, đó cũng chính điều tôi muốn ước! Tôi đã ước giống Bằng nhưng không phải như mục đích của Bằng. Bằng chỉ muốn bày tỏ tình yêu dành cho tôi, còn tôi, chỉ vì yêu Hưng mà bước xuống tàu để rồi tình yêu đó chừng như không còn nguyên vẹn. Giọng êm ái của Bằng như sóng gió ập phủ lên tôi:

– “Thôi thì cứ xem cô như ngôi sao băng. Thấy đó rồi mất đó.”

Tôi lại vội lên tiếng để tránh khỏi mềm lòng:

– “Vì sao có sao băng, Đại Úy?”

– “Sao băng, còn gọi là sao đổi ngôi khi thiên thạch bay vào bầu khí quyển bị bốc cháy do cọ xát. Thường thì chúng biến thành tro bụi. Thiên thạch nào lớn quá, không cháy hết, sẽ rơi xuống mặt đất và được gọi là vẩn thạch. Mưa sao băng là các sao băng cùng phát ra từ một hướng. Mưa sao băng thường là do sao chổi bị vỡ ra. Sao chổi được hình thành từ các đám mây ngoài thái dương hệ. Đuôi sao chổi có thể dài hàng triệu cây số. Câu hỏi kế tiếp?”

– “Đại Úy đã nói về dải Ngân Hà, chòm Đại Hùng Tinh, mà chưa kể chuyện sao Ba Vua.”

– “Đó là ba ngôi sao thẳng hàng nổi bật trên cái đai lưng của người thợ săn Lạp Hộ Orion. Chòm sao này không chỉ giúp chàng chăn cừu biết giờ giấc mà còn tối cần cho các nhà hàng hải định vị và định hướng con tàu. Chòm sao này có lắm điều thú vị…”

Tiếng còi vang lên, lồng lộng. Bằng nói:

– Mười lăm phút nữa tôi sẽ mãn phiên. Nếu cô Phượng còn muốn tiếp tục…”

Tôi nhanh nhẩu:

– “Nếu Đại Úy không buồn ngủ…”

– “Tôi sẽ ngủ bù sau khi cô rời tàu. Chừng đó còn dịp gặp lại cô… trong mơ!”

Tôi dở cười dở khóc. Biết Võ Bằng hay nói xa nói gần mà cứ thích dây dưa. Trăng sao có dính dáng gì đến tương lai, sao phải nghe cho hao tâm tổn tướng. Tôi định rút lại lời nói, bỏ xuống phòng nhưng giọng êm đềm của Bằng như mệnh lệnh bắt tôi ngồi yên:

– “Cô Phượng chờ một tí.   Bàn giao xong, chúng ta mặc sức theo chân chàng thợ săn Lạp Hộ…”

  Chòm Hổ Cáp và Lạp Hộ

Khi chúng tôi ngồi mỗi người một ghế ở khẩu đại bác 76 ly 2 trước mũi, Bằng nhìn bao quát bầu trời một lúc mới lên tiếng:

– “Quả là không thấy chòm Lạp Hộ Orion. Theo sách vở, chòm sao này chỉ thấy từ mùa Thu qua đến mùa Xuân. Vào mùa Hạ, chàng thợ săn cũng đi nghỉ hè như cô Phượng. Vậy cô chịu khó tưởng tượng trên nền trời có ba ngôi sao sáng gần nhau và thẳng hàng, đó là đai kiếm của chàng thợ săn Lạp Hộ. Đó cũng chính là sao Ba Vua. Rồi tưởng tượng tiếp có bốn ngôi sao sáng khác bao quanh: hai ngôi sao phía trên màu đỏ là Bellatrix và Betelgeuse, mỗi sao trên mỗi vai của một chàng thợ săn này và hai ngôi sao phía dưới, một không tên, một sắc rực xanh Rigel nằm ở hai đầu gối.”

Tôi cố tưởng tượng chàng thợ săn nhưng chỉ loáng thoáng hình bóng của Bằng! Tôi kêu lên:

– “Nào thấy gì đâu!”

– “Nếu có cơ hội, tôi sẽ cho cô xem hình, còn bây giờ thì phải ráng tưởng tượng thôi. Từ cái đai lưng Sao Ba Vua, kéo dài ở hai đầu, sẽ gặp hai ngôi sao cũng được truyện nhắc đến là sao Jean de Milan tức sao Sirius, tức sao Thiên Lang sáng nhất bầu trời thuộc chòm Đại Khuyển và cụm Poussinière, tức cụm Thất Nữ tuyệt đẹp thuộc chòm Kim Ngưu. Cụm Thất Nữ chính là cụm sao mà người mình gọi là Sao Rua, hay Tua Rua. Quan sát bằng kính thiên văn, cụm sao này có đến 250 vì sao nhưng nhìn bằng mắt thường, có cái lạ là người ngoại quốc thì thấy 7 ngôi sao mà người mình lại thấy tới 9. Bởi vậy mới có các câu ca dao:

Sao Rua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha.

Sao Rua chín cái nằm ngang,
Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng.
Sao Rua chín cái nằm chồng,
Thương em từ thuở mẹ bồng mát tay.
Sao Rua chín cái nằm xoay,
Thương em từ thuở em hay khóc nhè.

Sao Rua chín cái nằm gần.
Thương em từ thuở bước chân xuống tàu.”

Tôi không nhịn được tiếng cười:

– “Hai câu chót chắc là ca dao mới, do đại úy Bằng sáng tác.”

Bằng cười giòn. Sợ Bằng thêm sáng tác, tôi vội tiếp:

– “Theo lời Đại Úy, các nhà thiên văn đặt tên các chòm sao theo hình tượng con người và con vật. Xin cho vài ví dụ…”

– “Ví dụ như Xà Phu, Hổ Cáp, Song Nam, như Thiên Nga, Song Ngư, Bắc Giải… Trong việc đặt tên, các nhà thiên văn còn thận trọng đặt cho đủ giống đực giống cái để giúp các chòm sao khỏi cô đơn. Ví dụ như về vợ chồng thì có chòm Thiên Vương, Thiên Hậu; về bạn bè thì có Anh Tiên, Xử Nữ; về bồ bịch thì có Tiên Nữ, Mục Phu…”

– “Đại Úy quả là có lòng quảng đại, cho Tiên Nữ có bồ…. cowboy!”

– “Thì truyện Les Étoiles đã chẳng gợi ý chàng chăn cừu mê cô chủ? Rồi thêm truyện con gái Ngọc Hoàng mê chàng chăn trâu. Còn truyện tôi đang tưởng tượng thì vai chính cũng đang mê một giai nhân…”

Tôi hốt hoảng tránh né:

– “Đại Úy nói, vị trí con tàu được xác định bằng nhiều cách, như bằng La Bàn đo góc độ đối vật, bằng Radar đo khoảng cách, bằng Loran nhận tín hiệu. Vậy thì còn học thêm môn Thiên Văn rắc rối mà làm gì!”

– “Cô Phượng ngưng gọi tôi ‘đại úy’ tôi sẽ nói lý do. Đây là lần yêu cầu cuối cùng.”

Tôi đắn đo. Nhưng chắc phải đành thôi. Đường về thì còn xa mà bị Võ Bằng xem như người lạ thì càng thấy xa hơn. Tuy nhiên tôi liều thử hoãn binh như lần trước:

– “Chỉ mới quen Đại Úy hơn một ngày. Vẫn còn quá sớm!”

– “Cô hứa sẽ gọi ‘Anh’ trước khi rời tàu?” Võ Bằng lặp lại câu hôm qua.

– “Tôi hứa!”

Gọi anh một lần trước khi rời tàu thì chỉ một lần ngượng miệng. Mà lời hứa lúc này thì ít nhất cũng giúp cho câu chuyện tiếp tục vui vẻ. Giọng Võ Bằng vui vẻ:

– “Một cách tổng quát, các vì sao, các chòm sao giúp cho các nhà hàng hải ở mọi thời đại định được vị trí và hướng đi của con tàu. Vì vậy, đã vào Hải Quân thì phải học Hàng Hải Thiên Văn, như lên trung học là phải đọc The Stars! Đành rằng có nhiều phương pháp định vị nhưng thói thường cái gì gọi là máy móc thì đều có thể bị hư hỏng hoặc bị phá hoại. Vì vậy, phương pháp hải hành bằng thiên văn là phương pháp tuy cổ điển mà ăn chắc.”

– “Nhưng sao thì nhiều mà toàn tên tiếng La Mã, Hy Lạp…”

– “Mới bắt đầu môn học, chúng tôi cũng rất sợ. Nhưng sau khi tiếp nhận căn bản, càng học càng mê. Sao có hai loại: hành tinh và định tinh. Hành tinh là 9 ngôi sao thuộc Thái Dương Hệ. Định tinh là các sao có vị trí cố định trên thiên cầu. Chòm sao là tập hợp một số định tinh gần nhau thành một hình tượng cho dễ phân biệt, dễ nhận dạng các định tinh. Lại có các vì sao, chẳng phải hành tinh mà cũng chẳng định tinh, đôi khi đi lạc làm say đắm lòng người như vì sao lạc vào chòi chàng chăn cừu và vì sao lạc xuống tàu…

– “Đại Úy! Xin Đại Úy…” Tôi nài nỉ và bắt đầu thực sự thấy sợ lời bóng gió chừng như bất tận của Bằng.

– “Cô Phượng có xem phim Anastasia, kể chuyện cô con gái út của Nga Hoàng?”

Bằng chuyển đề tài đột ngột làm tôi mừng quýnh. Vội nói:

– “Có chứ, tôi cũng… mê phim này lắm.”

– “Cô mê gì nhất?”

– “Nữ tài tử Ingrid Bergman, đẹp mà diễn xuất tuyệt vời, đã nhận được giải Oscar.”

– “Còn ‘mê’ gì nữa?”

Bằng có ý gì? Sẽ dẫn tôi tới đâu? Tôi duyệt lại nội dung bộ phim. Đó là chuyện một người con gái đã từng là công chúa nước Nga thoát chết trong cuộc tàn sát của Nga Cộng năm 1917. Công chúa thoát chết, bị thất lạc, và bị mất trí. Hàng chục năm sau có người nhận ra nàng. Thế mà, ngay trong buổi lễ trang trọng của Hoàng Gia xác nhận ngôi vị Công Chúa, nàng lại từ chối cuộc sống sang giàu để đuổi theo người khám phá ra mình. Tôi nói:

– “Tôi mê phim nhưng chê đoạn kết! Tôi không thuộc loại quá tôn thờ tình yêu.”

– “Tôi thì thích bản nhạc nền. Lời thật nên thơ, ví nàng Công Chúa từ ngôi sao nào đó đi lạc xuống trần”

– “A!” Tôi chợt nhớ, kêu lên. “Tôi cũng rất thích bản đó. Pat Boone hát thật tuyệt vời!” Tôi cao hứng cất tiếng. “Anastasia. Tell me who you are? Are you someone? From another star? Anastasia. Beautiful stranger. Step down from your star. I only know I love you so. Whoever you are.’”

Tia nhìn đắm say của Bằng chiếu vào mắt tôi cùng với lời ngọt ngào đi thẳng vào tim:

– “Tôi cũng đã định hát tặng Phượng…”

– “Đại Úy.” Tôi hốt hoảng. “Xin trở lại chuyện các vì sao. Hải Quân học Hàng Hải Thiên Văn là học những gì?”

– “Chúng tôi không học chuyên về thiên văn là môn học nghiên cứu và giải thích các chuyển động, các hiện tượng vật lý của các thiên thể trong không gian. Chúng tôi chỉ học về những gì có liên quan đến hàng hải, tức là phải biết nhận dạng ngôi sao để định hướng đi, phải biết đo cao độ sao để định vị trí con tàu. Học định hướng không khó, nhưng học đo cao độ mới là nhiêu khê. Thứ nhất, nếu không ‘nhận diện’ được thiên thể thì phải rành sử dụng bảng-tìm-sao hoặc bản-đồ thiên-cầu. Thứ hai, tìm được tên ngôi sao rồi, phải biết cách dùng kính lục phân Sextant đo cao độ, biết dùng lịch The Nautical Almanac cho kinh tuyến Greenwich cùng độ phương vị, và dùng các dụng cụ lỉnh kỉnh khác… Cô hẳn có đọc quyển Ngư Ông và Biển Cả của Ernest Hemingway?”

– “Có! Tôi mê quyển đó còn hơn nữa!”

– “Vậy thì cô nhớ đoạn lão ngư ông nhìn sao để tìm đường về bến sau khi bị con cá khổng lồ lôi đi vô định, xà quần?”

– “Tôi nhớ quá đi chứ, cũng như nhớ Đại Úy nói bầu trời có 88 chòm sao, trong đó có 12 chòm sao Hoàng Đạo. Sao gọi là 12 chòm sao Hoàng Đạo?”

– “Ngày xưa cổ nhân cho rằng Trái Đất là trung tâm vũ trụ và mọi thiên thể quay quanh nó. Ai nói ngược lại thì bị tử hình. Tương truyền rằng nhà thiên văn học Galileo chịu tử hình chớ không nói khác sự thật: Mặt Trời mới là trung tâm và Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Ông bị bắt giam. Đến khi bị mang lên giàn thiêu, người ta cho ông cơ hội nói lại để được sống, ông bảo, dù ông có chết Trái Đất vẫn cứ quay quanh Mặt Trời. Đúng là vậy nhưng, để cô Phượng dễ hiểu, tôi tạm để Trái Đất đứng yên và Mặt Trời quay quanh thiên cầu. Và trong khi du hành giáp vòng là một năm, Mặt Trời đi qua đúng 12 chòm sao trong số 88 chòm sao trên thiên cầu. Người ta gọi đó là 12 chòm sao Hoàng Đạo. Về phương diện chiêm tinh, 12 chòm sao Hoàng Đạo chính là 12 cung Hoàng Đạo của tử vi tây phương. Mỗi cung tương ứng một tháng…”

– “À ra thế!”

– “Cô có tin tử vi không?”

– “Không tin nhưng tuần nào cũng mua báo để đọc tử vi. Đó là mục giải trí ưa thích!”

– “Nếu ưa thích tử vi thì hẳn cũng ưa thích… Hải Quân vì Hải Quân lấy 12 chòm sao hoàng đạo đặt tên cho các khóa sĩ quan. Như khóa tôi thuộc cung thứ 11: Bảo Bình.

– “Ô, thật vậy sao?”

– “Tháng sinh của cô thuộc cung nào?”

– “Cung Hải Sư.”

– “Người thuộc cung Hải Sư rất vui vẻ, dễ thương, thích văn chương thi phú và hợp với tuổi Kim Ngưu, tuổi của tôi…”

Tôi mạnh dạn cắt ngang:

– “Xin Đại Úy tiếp tục chuyện các vì sao. Đại Úy còn chưa “làm rõ” ngôi sao Jean de Milan, sao Rua.’’ Tôi cười nhạo. “Hay đại Úy bí rồi nên chuyển qua coi tử vi chăng?”

– “’Em chớ hỏi: sóng đi trên biển lớn. Cớ làm sao thành nhã nhạc dâng lên. Cớ làm sao muôn tinh tú trong đêm. Bỗng rung động khi em cười rất nhẹ’. Thơ Nguyên Sa đó, nghe tình quá phải không?”

– “Chưa biết là của Nguyên Sa mà lòng đã xiểng liểng!” Tôi thú nhận. “Đại Úy tính đem hết sao trời bủa vây không chừa lối thoát cho tôi sao? Thì cũng được nhưng với điều kiện: ‘Anh về đếm hết sao trời. Em đây kết tóc ở đời với anh’.”

Tôi nghe tiếng Bằng thở dài:

– “Cô Phượng ơi! Chỉ nội dải Ngân Hà không thôi đã có vài trăm tỉ ngôi sao mà cô lại đòi tôi phải đếm hết trọn cả bầu trời. Chắc phải hẹn gặp cô hàng muôn tỉ tỉ kiếp sau…”

Tôi tự mắng thầm. Đã sợ mà còn ‘anh anh, em em’ có khác gì khuyến khích Bằng tiến tới, tôi vội chuyển hướng:

– “Đại Úy nói người xưa bịa ra những câu chuyện thần thoại để đặt tên cho 88 chòm sao. Phượng rất muốn nghe. Mỗi một truyện Đại Úy kể, Phượng hứa sẽ… tăng thêm số sao Đại Úy phải đếm! Bắt đầu bằng chuyện vì sao có hai chòm sao đặt tên Gấu Lớn Gấu Nhỏ.”

Bằng cười:

– “Khó mà ngờ cô Phượng độc ác đến thế! Đã không giảm mà còn tăng. Nhưng lỡ ăn thua thì cho… thua luôn! Về nguyên do có hai chòm sao mang tên Gấu Lớn Gấu Nhỏ, cũng theo thần thoại Hy Lạp, ông vua Zeus lại léng phéng có con với một người đẹp khác, nên hoàng hậu Hera lại nổi cơn ghen và biến người đẹp này thành con gấu, Vua Zeus quá bi thương nên đưa nàng lên trời. Đó là hình tượng chòm Gấu Lớn. Về sau đứa con, hình tượng chòm Gấu Nhỏ, được vua cha cho về sống bên mẹ. Thế nhưng cả hai vẫn không được yên thân. Hoàng hậu còn ấm ức nên nhờ anh mình là thần biển không cho phép họ uống nước. Vì vậy mà hai mẹ con Gấu cứ chạy lòng vòng trên bầu trời Bắc cực, không bao giờ được xuống dưới đường chân trời.”

 Gấu Lớn – Gấu Nhỏ

– “Đai Úy có hứa lúc mãn phiên hải hành, rằng chúng ta sẽ mặc sức theo chân chàng thợ săn Lạp Hộ…”

Bằng đăm đăm nhìn tôi:

– “Tôi có nói vậy sao? Đúng ra, thì anh chàng này có số xui, gặp phải bà chằng lửa!

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, bởi anh thợ săn này quá kiêu căng, tự xưng mình là tay săn bắn giỏi nhất trần đời nên Hoàng Hậu Hera nổi sùng, bèn sai con Bồ Cạp (Hổ Cáp) chòm Scorpio dùng nọc độc giết chết. Vua Zeus nghe tin lấy làm thương xót và quyết định cho cả Hổ Cáp lẫn Lạp Hộ lên thiên cầu nằm ở hai vị trí đối nghịch. Hễ chòm sao này mọc thì chòm sao kia lặn để cho hai kẻ thù chẳng bao giờ thấy mặt nhau…”

Vẫn giọng êm ấm thân tình, Bằng kể tiếp qua thần thoại chòm Đại Khuyển với ngôi sao sáng nhất trong mọi vì sao là Sirius Thiên Lang. Giọng kể chuyện ngọt ngào của Bằng tạo cho tôi cái cảm tưởng như chính mình đang sống trong thần thoại. Tôi không biết Bằng có định kể trọn bộ huyền thoại của 88 chòm sao hay không nhưng tôi mong Bằng đừng chấm dứt trước khi tôi rời tàu. Bởi vì chừng như Bằng không đang kể về chuyện tình những chòm sao mà lại là đang thổ lộ tâm tư thầm kín Bằng dành cho tôi. Đến một lúc, tôi chợt nhận ra một điều khác thường. Không như cô chủ nghe chàng chăn cừu kể chuyện các vì sao mà ngủ gục, tôi đã vô cùng tỉnh táo và vui thích lắng nghe từng lời Bằng kể. Có điều trong lúc lắng nghe, tôi vẫn muốn được như cô chủ là tựa đầu vào vai Bằng!

(Còn tiếp)








Không có nhận xét nào: