Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

               Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ Nghĩa Làng Văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

Bụt

Đức Phật tổ cho rằng đạo của người là đạo "Tỉnh thức". 

"Tỉnh thức" nói theo tiếng Magadhi là Budn (tức là Bụt). 


Ký, Đường, Tự, Kim 

Kim 金 có nghĩa là vàng, là kim loại qúy có ký hiệu hóa học là Au (L. aurum) và số nguyên tử là 79. Vàng 24K là vàng ròng, không tạp chất. Đặt tên có chữ Kim là tiệm bán vàng nguyên chất. Ngày trước người ta chỉ dùng một tên, một từ có thể là tên riêng, tên chủ hiệu hoặc một chữ mang ước vọng, mong đợi của chủ nhân kèm với chữ Kim. Ví như Kim Phúc, Kim Đức, Kim Phát... Sau năm 1975 tiệm vàng đặt tên theo ý thích của chủ nhân, cũng chẳng cần kèm theo chữ Kim nữa.
(Đỗ Duy Ngọc)



Mưa phùn, mưa bụi

Mưa phùn là mưa cuối Đông sang Xuân như gió bấc mưa phùn.

Còn cuối Xuân sang Hè mưa nhẹ hạt và dày gọi là mưa bụi.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

sâm: sâm sấp. → không viết: xâm.”  Gs Nguyễn Văn Khang

(viết đúng = xâm xấp, xăm xắp)

(Hòang Tuấn Công)


Hội An

Thế kỷ XVI, người Nhật buôn bán ở Quảng Nam thuộc Đàng Trong.  Sau họ xin chúa Nguyễn cho lập phố ở bến cảng Hội An.

Năm 1618, giáo sĩ Boris viết: “Thành phố Hội An lớn lắm, có hai thị trấn, một của người Nhật, một của người Hoa”.



Văn hóa

Người Trung Hoa quan niệm văn hóa thế nào? Theo Thái Văn Kiểm, khởi thủy người Tàu không có chữ “văn hóa” viết liền nhau. Trong Kinh dịch có câu:

Quan thiên “văn” dĩ sát thời biến

Quan nhân “hóa” dĩ thành thiên hạ

(Nghĩa: Nhìn hiện tượng trên trời để xét sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của người ta trong xã hội để sửa đổi thiên hạ).


Văn là nét vẻ thể hiện bề ngoài. Hóa là biến đổi cho tốt hơn. Hai chữ này không đứng chung với nhau nhưng người Tàu ghép làm một để chỉ cho văn chương và nghệ thuật.


(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)



Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 1

Từ Chiến khu Tư đến Sài Gòn

Năm 1951 Nguyễn Đức Quỳnh từ giã kháng chiến, từ Thanh Hóa đi thuyền ra Hải Phòng rồi về Hà Nội. Sau đó ông vào Huế. Ông vào Sài Gòn, cộng tác với một số nhật báo, rồi đứng chủ trì báo Đời Mới của Trần Văn Ân. Ông làm cho tờ tuần báo khởi sắc, ông viết đủ các mục trong tờ báo này, ký nhiều tên khác nhau, và viết truyện dài Làm lại cuộc đời dưới tên Hà Việt Phương.


Nguyễn Đức Quỳnh cùng các nhà văn khác lập nhóm Quan Điểm, có Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Lê Văn Siêu. 

Chủ đề của nhóm Quan Điểm là một “viễn kiến” phát xuất từ giới trí thức Việt Nam rất đáng chú ý; vì từ nửa sau thế kỷ 20 thì cả thế giới đồng ý giới trung lưu là đầu tầu trong các cuộc cách mạng dân chủ, sang thế kỷ 21 càng thấy rõ. Nhưng trong không khí chính trị và văn hóa ở miền Nam Việt Nam thời gian đó, chính quyền đề cao lý thuyết Nhân Vị, một chủ nghĩa được giới trí thức Công Giáo Pháp đề xướng. Cho nên những nỗ lực của nhóm Quan Điểm không gây được ảnh hưởng, và những người trong nhóm cũng không đủ các kiến thức kinh tế học, xã hội học để khai triển “viễn kiến” này.

(Đỗ Quý Toàn)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Tới Highlands Coffee – Hàm Cá Mập để ngắm bờ hồ về đêm

(Nguồn: Tôi đi đâu)



Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh - 2

Đàm trường viễn kiến

Kiêm Đạt nhớ lại Nguyễn Đức Quỳnh đã tổ chức các buổi họp hàng tuần mặt ở tòa soạn Đời Mới, với những người tham dự như Tô Thùy Yên, Nguyễn Khắc Ngữ, Hồ Hán Sơn, Trần Thanh Hiệp, Quách Thoại, Thế Phong, vân vân. Kiêm Đạt còn nhớ “Bước chân lãng đãng của Nghiêm Xuân Hồng, khuôn mặt huyền bí của Lý Đại Nguyên, chiếc (xe) solex bệnh hoạn của Trần Lê Nguyễn, vân vân. Những nhà văn, nhà thơ trên sau đó cũng họp mặt trong Đàm trường viễn kiến. Ngoài ra còn những người tới trễ hơn như Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Ngọc Yến, Trần Dạ Từ,Nguyễn Thụy Long, Viên Linh, Đỗ Quý Toàn, Trần Tuấn Kiệt, v…v…. 

Khoảng những năm trước 1960 Nguyễn Đức Quỳnh lập Đàm trường viễn kiến ngay trong nhà ông, bên cạnh ngôi chùa Từ Quang do Thượng tọa Thích Tâm Châu trụ trì, trong một ngõ hẻm trên “Đường 20,” tức đường Phan Thanh Giản cũ. 

Dương Nghiễm Mậu hồi tưởng về căn nhà này

Sau những chuyện liên can đến những điều thật lớn cho tới những điều thực nhỏ; tôi nhắc tới căn nhà cũ của anh. Ngôi nhà nhìn thẳng ra con hẻm của chùa Từ Quang, căn nhà có một khoảng hiên hẹp, mái ngói thấp và một cây ổi với hàng rào cây.”

(Đỗ Quý Toàn)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Những người thành thật môi dày
Lại thêm ít nói lòng đầy nghĩa nhân

196 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ  

Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ hai vị đã được 45 tuổi (cả hai đều sinh năm 1943). Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sinh năm 1943 (Thát sinh quán tại Quảng Trị và Tuệ Sỹ thì nguyên quán tại Quảng Bình và ra đời ở Paksé tại Lào). 


Tên thực của Tuệ Sỹ là Phạm Văn Thương và pháp hiệu Tuệ Sỹ do chính mình tự đặt ra, có lẽ vì muốn theo gương của vị Ðại Thiền sư đời Trần Tuệ Trung Thượng Sỹ? Cũng như Lê Mạnh Thát đã tự đặt pháp hiệu là Trí Siêu để gợi lại tên tuổi của hai vị trưởng lão thiền sư có tài và có đức nhất thời đó?


Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị thiền sư lỗi lạc, v…v… Nhưng tại sao gọi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là "hai vị thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất hiện nay?” Thiền sư! Chỉ nội cái danh hiệu "thiền sư" đã là mệt rồi, lại còn thêm mấy chữ mơ hồ như "lỗi lạc nhất, thông minh nhất?” Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọng và suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị. 

Mấy chữ "thiền sư" đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng kẻ khác với nông nổi dễ dãi nhất là từ lúc Thiền hay Zen trở thành cái mốt trí thức. Bất cứ người nào tỏ vẻ "khác thường" một chút là có những hành động cử chỉ "ngược đời trái đạo" một chút thì tự gán hay bị gán là…"thiền sư'.


Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ không bao giờ tự nhận lời "thiền sư" và cũng không bao giờ nghĩ mình là cái gì cả trên mặt đất này. Hai người này chỉ là những kẻ lễ độ khiêm tốn một cách tự nhiên và không bao giờ biết giả vờ "hạ mình" với ý đồ kín đáo chà đạp lên trên kẻ khác.


Giữa dòng thác lũ ào ạt và địa chấn thường trực của sinh mệnh, thế mệnh, và tính mệnh của quê hương, một sớm hôm nào đó, tôi đã được xô đẩy lặn hụp với Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát; tất cả ba anh em chúng tôi đều xuất thân từ Viện Phật Học miền Trung mà vị cha già của chúng tôi Hòa Thượng Trí Thủ. *


( * người đã bị Cộng sản Hà Nội thủ tiêu sau khi Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt giam vào ngày 1-4-1984, vì "tội tán thành, che chởhành động phản cách mạng, lật đổ chế độ cộng sản").


(Hai vị Thiền sư - Phạm Công Thiện)



Tướng mặt

Mặt vuông

Vuông phần trán giáp với chân tóc cho tới hàm, đó là người tham lam, bướng bỉnh, gàn dở.

- Vuông cả mặt, trán vuông hàm nở rộng như chim én xòe cánh, đó là tướng anh hùng cái thế.

- Vuông khoảng giữa, từ ngang mắt tới ngang môi, hai bên trán, dưới hai bên cằm hẹp lại, thì là người kém trí, tham lam, gàn dở.



Nguyễn Hữu Tiến và việc bảo tồn văn hóa cổ - 1

Trong nhóm Nam Phong, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến được coi là cây viết bền lòng dùng ngòi bút bảo tồn tinh hoa văn học và văn hóa cũ.

Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1875 quán làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Đông, tạ thế 1941 tại quê hương. Ông thi Hương đậu Tú Tài nhưng không theo hoạn lộ mà chuyển sang con đường báo chí và biên khảo.

Khi Nam Phong ra đời, ông đã được mời cộng tác. Gia nhập làng báo, Nguyễn Hữu Tiến đóng góp đều bài vở, vừa biên khảo vừa dịch thuật và sáng tác, cho tờ Nam Phong trong hơn 17 năm trời.


Điều hậu thế không bao giờ quên, Nguyễn Hữu Tiến đã dành trọn cuộc đời trong việc xây dựng chữ quốc ngữ và nền văn học chữ quốc ngữ, đồng thời bảo tồn tinh hoa văn hóa cũ xây dựng trên học thuyết Khổng Mạnh. Ông dịch hai bộ Luận Ngữ và Mạnh Tử ra quốc âm. Ông đã dịch những tác phẩm liên quan đến văn hóa Trung Hoa của những tác giả tân học như Trung Quốc Luân Lý Học Sử, Văn Học Sử nước Tàu, Trung Quốc Phong Tục Sử.


Đối với văn hóa và văn học nước nhà, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cũng dành nhiều trang báo để biên khảo và nghiên cứu.



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Chồng người cưỡi ngựa bắn cung
Chồng em thì lấy… dây thung bắn ruồi



Nguyễn Hữu Tiến và việc bảo tồn văn hóa cổ - 2

Năm 1915, ông đã xuất bản tập biên khảo nổi tiếng về nữ sĩ Hồ Xuân Hương với cái tên Giai Nhân Di Mặc (Nét mực giai nhân để lại).

Trong Giai Nhân Di Mặc, Nguyễn Hữu Tiến giới thiệu gần như đầy đủ tác phẩm của “bà chúa thơ nôm” mà ông sưu tầm được và kể lại nhiều sự tích về nữ sĩ này. Tiếc thay, nhiều điều ông khẳng định về nhà thơ nữ này lại không dẫn nguồn tư liệu chuẩn mực nào, nên tác phẩm chỉ được coi như một truyện ký hơn là một biên khảo có giá trị.


Một tác phẩm quan trọng khác của Nguyễn Hữu Tiến là Cổ Xúy Nguyên Âm (1917). Tác phẩm này gồm những bài giảng về các thể loại văn học cũ và tuyển tập thi ca cổ chọn lọc từ văn học cổ điển Việt Nam. Trên Nam Phong, ông giữ mục Thi Ca Bình Chú Nam Âm Thi Ca Khảo Biện và giới thiệu nhiều thi nhân từ Ôn Như Hầu, Nguyễn Hữu Chỉnh tới Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, và Dương Khuê.



Tố Như không phải tên tự Nguyễn Du

Tôi (khuyết danh) có “trực giác” thấy mối liên hệ giữa nàng Tiểu Thanh lấy lẽ họ Phùng ở Tây Hồ và Hồ Xuân Hương lấy lẽ Cai Tổng Cóc. Rồi câu đầu: Tây Hồ Hoa Uyển Tẩn Thành Khư (Tây Hồ vườn cảnh đã hoang vu) của Nguyễn Du trong bài Độc Tiểu Thanh Ký với câu: Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa, trong bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn của Hồ Xuân Hương. 


Sáng hôm đó tôi đến gõ cửa sớm nhà Giáo sư Võ Thu Tịnh ở Paris. Tác giả nhiều sách giáo khoa miền Nam. “Bác Tịnh ơi, tra giùm với cháu chữ Tố Như “. Giáo sư Võ Thu Tịnh ngẩn người: Tố Như là tên tự Nguyễn Du tra làm gì ? 

Nhưng rồi bác Tịnh cũng tra tự điển Thiều Chửu và các tự điển khác: Tố là tơ trắng, là người phẩm hạnh cao quý, Như là như thế, như vậy. Vậy thì câu: Bách tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, chỉ có nghĩa: Ba trăm năm lẽ nữa, thiên hạ ai người khóc người phẩm hạnh cao quý như nàng Tiểu Thanh.


Thì ra năm 1804 Nguyễn Du làm tri phủ Thường Tín, vợ mất, tìm về Cổ Nguyệt Đường, mong gặp Hồ Xuân Hương để nối lại duyên xưa, Hồ Xuân Hương đang làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà. 

Nên Nguyễn Du đứng bên song cửa Cổ Nguyệt Đường viết bài Độc Tiểu Thanh Ký gửi Hồ Xuân Hương. 

Vì vậy Tố Như không phải tên tự Nguyễn Du.

(Khuyết danh)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa
Ngày thì khấn những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh



Hồ Xuân Hương: Huyền thoại và sự thực

Gần đây nhất nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý lại đưa ra một phương cách tiếp cận khá mới mẻ và độc đáo để đọc thơ Hồ Xuân Hương, trong đó, ông kết hợp tín ngưỡng phồn thực trong dân gian với lí thuyết “vô thức tập thể” của nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Thậm chí học giả người nước ngoài cũng đặc biệt chú ý đến bà và dịch thơ bà sang Anh ngữ. Học giả người Nga Niculin thì dịch thơ bà sang tiếng Nga.


Hiếm thấy một tác giả Việt Nam nào, trung đại, cận đại hoặc hiện đại, được chiếu cố kĩ như thế. Bởi thế, tất cả những gì tôi định ca ngợi “Bà Chúa Thơ Nôm” chỉ là những điều thừa thãi. Ở đây tôi chỉ mượn tên tuổi bà như cái cớ để nói đến sự kiện mà tôi thấy khá độc đáo trong văn học Việt Nam. Đó là, văn học Việt Nam không cần đợi đến thời hiện đại, nói cách khác, trước khi dân tộc va chạm với nền văn hoá phương Tây, đã có những người làm thơ phái nữ kiệt xuất, đã có những vị anh thư được gọi bằng danh hiệu đầy trang trọng: nữ sĩ. 

Từ thời nhà Lê, chúng ta có bà Đoàn Thị Điểm; bước sang triều đại nhà Nguyễn, chúng ta có thêm hai bà: Hồ Xuân Hương và bà Huyện Thanh Quan.

(Hồ Xuân Hương và tôi trên hoang đảo – Trịnh Y Thư)



Chữ ngiã làng văn xóm chữ

Tôi (Trịnh Y Thư) không rõ nguyên do, động lực nào thúc đẩy tôi vẫn tiếp tục viết.

Để tự trả lời có lẽ tôi đành phải mượn câu nói của bà Joyce Carol Oates, nhà văn nữ kiệt xuất của văn học Mỹ đương đại. Bà bảo viết văn và mơ mộng là do cùng một nguyên do, một động lực thúc đẩy - “bởi chúng ta chẳng thể nào không mơ, bởi mơ là thao tác nằm tự nhiên trong trí tưởng tượng của con người”. Viết và mơ là một, bà bảo thế, nhưng đừng hiểu sai ý bà. Viết không phải là hành vi chạy trốn thực tại, không phải bởi không kham nổi đời sống nên phải đi núp sau bức bình phong văn chương. 

Một nhà văn nữ khác, bà Flannery O’Connor (ra đời trước Joyce Carol Oates mười ba năm) bảo “Viết không phải là đào thoát khỏi thực tại, viết là nhảy thật sâu vào thực tại và khiến hệ đời sống như bị chấn động bởi cơn sốc.” Bà nói thêm, “Nhà văn là kẻ vẫn còn hi vọng trên cõi đời, kẻ không còn hi vọng không viết văn.

(Ngồi quán – Trịnh Y Thư)



Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Về vua Hùng, sử gia Tây phương dựa vào thổ ngơi người miên núi và chữ Việt cổ…

Theo Keith Weller Taylor qua The Birth of Vietnam: Những người mà hiện nay gọi là người Mường vì nhiều nhân vật lịch sử như Lê Lợi. Hay nói theo Taylor: Vua Hùng gốc gác là… người Mường

Như Tang Thương Ngũ Lục của Phạm Đình Hổ kể rằng Nguyễn Trãi đến tìm Lê Lợi để mưu đồ đại sự. Lần đầu gặp ngày giỗ, Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi là hào trưởng miền núi, vừa cắt thịt ăn ngồm ngoàm vừa uống rươu nên thất vọng bỏ về.

***

Trước Keith Weller Taylor, linh mục Léopld Cadière là sử gia và nhà ngôn ngữ học, trong biên khảo Dialectes du Annam (1902) đã kết luận hai sắc dân Mường- Việt vốn là anh em họ hàng, cùng một chủng tộc nhưng chia làm hai theo cổ thuyết con rồng cháu tiên: Một đằng (Lạc Long) ở đồng bằng, duyên hải. Một đằng (Âu Cơ) cao nguyên, miền núi Bắc Việt. Tên Việt cổ là Âu Cơ. Tên Mường cổ là... Ngu Cơ.


Đồng tình với Taylor, nhà sử học Hà Nội Trần Quốc Vượng cho rằng: ”Thời Hùng vương là một thời kỳ khuyết sử. Qua sử phẩm Từ Hoa Lư đến Thăng Long ông viết: “Thời đại các vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều


Tôi (Trần Quốc Vượng) đã tìm ra vua Hùng tên tiếng Việt cổ là Pò Khun (Vua = Bua = , Hùng = Khun) tức hệ thủ lĩnh Mường chiếm cứ vùng đỉnh núi châu thổ sông Hồng (Việt Trì)”.


Tục ngữ dân tộc Mường

Qua tục ngữ dân tộc Mường và Kinh có thể bạn đọc nghi ngờ về sự giống nhau như..."hai giọt nước ".

Các bạn có thể suy nghĩ theo các chiều hướng sau đây:

Do sưu tầm âm từ dân tộc này sang dân tộc kia, cũng có thể vợ Kinh chồng Mường, hoặc vợ Mường chồng Kinh, đến đời con cháu có sự giao thoa văn hoá giữa hai dân tộc. 


(Nguyễn Văn Hoa)



Khoa cử thời xưa

Đời Nguyễn (1802-1945)

Báo trước cho sự cáo chung của nền khoa cử Nho học là nghị định ngày 21/12/1917 của Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut về việc cho ban hành Quy Chế Chung Về Ngành Giáo Dục ở Đông dương. Và phải đợi đến chấm dứt Chiến tranh đệ nhất thế chiến, nhà Nguyễn mới…”chấm dứt” kỳ thi Hương cuối cùng tại trường thi Nam Định vào năm 1915Nghệ An, Bình Định năm 1918. Và phải chờ đến khi Albert Sarraut ra lệnh đình chỉ khoa cử Tống Nho bằng vào khoa thi Hội. Ngày 01/3 năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4, ngày 01/4/1919 triều đình Huế mở khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức dưới triều nhà Nguyễn và cũng là khoa thi cuối cùng của nền khoa cử nước ta. 


Như vậy, kể từ khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) dưới đời Lý Nhân Tông đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) dưới đời Nguyễn Bửu Đảo Khải Định, lịch sử nền khoa cử sau ngót 900 năm tồn tại đã có tất cả 188 khoa thi (đại khoa), lấy đỗ được 2898 vị, trong đó có 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 76 Thám hoa, 2462 Tiến sĩ và 266 Phó bảng.


Khải Định hạ chiếu chính thống hóa văn tự An Nam và ban cho tên mới là Quốc ngữ  vào năm 1918.



Giai thọai làng… vua xóm chữ

Charles Edouard Hocquard là bác sĩ người Pháp, ông được nhiều người Việt biết đến qua “Bộ tranh Hocquard” mà ông chụp từ Hà Nội vào tới Huế. Tuy nhiên cũng may nhờ ông tới Huế triều kiến vua Tự Đức năm 1886 sau đó viết hồi ký với chuyện:


Mỗi bữa đều thay đũa mới. Vua dùng đũa tre không dùng đũa ngà vì đũa ngà nặng quá. Gạo vua dùng được lựa từng hạt. Hạt nào cũng phải còn nguyên vẹn, không bị sứt mẻ. Cơm được nấu bằng nồi đất, dùng một lần rồi đập bỏ. 


Vì vậy nhờ Hocquard, dân gian mới hay biết cơm niêu (đập bể nồi đất) đã có từ thời Tự Đức.



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ Điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

ngoại lệ, ngoại ngạch, ngoại thành 
Ngoại lệ là ở ngoài lệ luật quy định, ngoại ngạch là ở ngoài mức quy định, ngoại thành là ngoài thành phố.

Người Việt Nam thường dùng các từ này với nghĩa như vậy, và soạn giả đã giải thích đúng. Nhưng, người đọc cẩn thận và có suy nghĩ sẽ hỏi rằng, vậy thì tại sao ngoại bang lại là nước ngoài chứ không phải là ngoài nước; ngoại cảnh là hoàn cảnh hay môi trường bên ngoài chứ không phải là ngoài hoàn cảnh hay ngoài môi trường. 


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài - 1

Một họa sĩ, một điêu khắc gia

Năm 1899, vua Hàm Nghi sang thăm Paris và trong dịp này ông đến thăm phòng triển lãm tranh của hoạ sĩ Paul Gauguin và được giới thiệu với Gauguin và sau đó hai người trở thành tương đắc, do đó tranh của ông có phần nào chịu ảnh hưởng của Gauguin.

Paul Gauguin (1848-1903) được xem như là một trong những người chịu ảnh hưởng của phái ấn tượng. Nhờ những kinh nghiệm thu đạt được trong thời gian sống ở đảo Tahiti, ông đã tạo ra được một trường phái gọi là “nghệ thuật nguyên thủy ” (primitive arts) và về sau hai nhà hoạ sĩ khác cũng đi theo chiều hướng của ông, đó là Matisse và Picasso. 

Bức tranh do ông sáng tác tại Tahiti vào thời này mang tên là “Chúng ta từ đâu đến, chúng ta là ai và chúng ta sẽ đi về đâu” là một tác phẩm vô giá hiện nay trên thế giới dù rằng khi còn sống thì Gauguin là một hoạ sĩ rất nghèo.


Một nhà điêu khắc

Người bạn thân Paul Gauguin, vua Hàm Nghi còn là “bạn qúy” của Auguste Rodin, nhà điêu khắc hàng đầu của thế kỷ thứ 19

Về sự say mê nghệ thuật của vua Hàm Nghi, sử gia Fournier cho biết thêm như sau:

“Cựu Hoàng thường nặn tượng, vẽ tranh, có lần đã triển lãm tại Paris nên quen biết với nhà điêu khắc nổi tiếng Auguste Rodin. 


Điêu khắc gia Auguste Rodin

Một học giả chuyên nghiên cứu về văn hoá và lịch sử VN là Thái Văn Kiểm, người đã từng giữ chức Qủan Thủ Thư Viện tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris từ năm 1976 đến năm 1987 cho biết thêm nhà điêu khắc Rodin là “bạn qúy ” của vua Hàm Nghi :

“Nhà vua đã trở thành một nhà hội hoạ có tài năng và có quen thuộc nhà điêu khắc Rodin, Giáo Sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Pháp, số 11 bến sông Seine, gọi là Quai Malaquais, quận 6 St Germain des Prés ”



Tôi có nghe kể rằng chính phủ Pháp đã cho phép vua Hàm Nghi sang Pháp mấy lần để thăm ông bạn qúy Auguste Rodin, chuyên dạy điêu khắc, tác giả bức tượng Le Penseur (The Thinker) lừng danh. 


(vua Hàm Nghi với những tác phẩm điêu khắc)


Người ta kể lại rằng khi đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris để học nặn tượng với Auguste Rodin: Vua Hàm Nghi vẫn để tóc búi và vẫn mặc trang phục VN, giữ vững truyền thống dân tộc. 

Ngài không hề kể chuyện về đời mình, song viết rất nhiều, không may rương sách của ngài bị cháy thành ra hậu thế không được biết thêm chi tiết gì về 3 năm ngài lưu lạc trong rừng sâu… (1)

(1) Fournier: “Annam-Tonkin 1885-1895” Paris, trang 158-162.


(Trần Đông Phong) 



Người Minh Hương

Trong lịch sử khẩn hoang ở miền Nam, sự đóng góp của người Minh Hương và Hoa từ xưa đến nay về văn hóa thật là to lớn. Bao nhiêu danh nhân Việt Nam trong lịch sử là có gốc Minh hương, từ Trịnh Hoài Đức, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản.. đến những nhân vật có tên tuổi trong văn hóa gần đây như Hồ Dzếnh, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển...

(Nguyễn Đức Hiệp)



Hàm Nghi: một nghệ sĩ đa tài - 2

Bạn với nữ sĩ Judith Gautier

Ngòai ra vua Hàm Nghi còn quen biết với nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ ở Pháp, trong số đó có nữ sĩ Judith Gautier và Suzanne Meyer-Zundel.

“Bà Judith Gautier là người tài sắc vẹn tòan nổi bật trên văn đàn thời ấy, (từng làm mê mẩn những người như nhà văn Victor Hugo, nhạc sĩ R. Wagner v.v.). Bà viết tiểu thuyết, làm thơ, dịch thơ Đường, sáng tác kịch, nặn tượng (bà có điêu khắc chân dung Hàm Nghi). Bà học chữ Hán, say mê các nền văn hoá Á Đông và điều ít ai được biết là 3 năm trước khi quen biết với Hàm Nghi, bà đã sáng tác truyện ngắn “Ông Hoàng Thủ Cấp Máu Đỏ ” mà chủ đề là cuộc chiến của Hai Bà Trưng (truyện này được đăng trên bán nguyệt san La Revue de Paris số đề ngày 15-12-1897)


Judith Gautier có viết một vở kịch thơ “Les Portes Rouges ” (Những cánh cửa đỏ) trong đó có nhiều bài về “Ông Hoàng An Nam” (Le Roi d’Annam), có một bài thơ dài nói lên tình cảm và sự trân quý đối với ông qua hai câu tiêu biểu: “Ôi, quân vương niên thiếu lên ngôi - Rồng quằn quại dưới thềm, hấp hối”. 

(theo nguồn khác Judith Gautier là người tình của Hàm Nghi, số thư hai người trao đổi 93 lá thư giữa năm 1900 và 1916)

Năm 1914, hai bà Gautier và Meyer-Zundel đáp tàu sang Alger chơi và họ đã lưu lại Villa Gia Long trong hai tuần lễ. Sau khi trở về Pháp, ba năm sau thì bà Judith Gautier từ trần vào ngày 26 tháng 12 năm 1917, vì chiến tranh đang tiếp diễn, Vua Hàm Nghi không sang Pháp tiễn đưa người bạn nghệ sĩ mà ông xem rất thân tình. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết:



“Ngôi mộ của bà còn mang chứng tích của mối tình bạn hiếm có ấy. Sau khi bà Gautier mất, bà Suzanne Meyer-Zundel thấy trong phòng của bạn có mấy câu chữ Hán dán trong phòng do vua Hàm Nghi tặng, bà không hiểu nghiã cho nên đã tô vẽ lại rồi gửi sang Alger hỏi ông hoàng Annam. Vua Hàm Nghi trả lời về ý nghiã mấy câu đó và bà Meyer-Zundel đã cho khắc hai hàng chữ trên nắp ngôi mộ của bạn mình. 

Ở cột bên trái có ba chữ “Tử Xuân bái “, Tử Xuân là tên hiệu của Nguyễn Phúc Ưng Lịch tức Hàm Nghi, bái là cúi chào. 


Cột bên cạnh là “Ngã Ma Y Gia ” và trên là “Nhật Lai Thiên “.
Với bạn bè rất thân, trong đó có vua Hàm Nghi, bà Judith Gautier thường tự xưng là Maya, do đó Ngã Ma Y Gia có thể hiểu là “Tôi Là Maya “, còn câu Nhật Lai Thiên có thể hiểu là Ngày (Thiên), Ánh sáng mặt trời (Nhật),  hiện ra (Lai)  do vua Hàm Nghi dịch ra từ câu “La Lumière du Ciel arrive “.

(Trần Đông Phong)



Tại sao gọi họ là người Tàu?

Vậy [艚 ] Tào của Lưu Quân Kiệt mà ông "Học giả" An Chi cố mang vào không phải là từ tàu trong âm hưởng Việt Nam. Tàu mà người Việt dùng trong sinh hoạt hằng ngày biến hóa theo sự văn minh của nhân loại, nó không là thứ tử ngữ khóa chặt với bộ chu, là chiếc thuyền gỗ mỏng manh. Tàu đây không phải là loại xe mà cái ông Lưu Quân Kiệt nào đó bịa ra và ông chộp lấy đưa vào lập luận của mình. Đem một khái niệm từ có trong thế kỷ 20 để giảng giải một từ đã có từ thế kỷ thứ X hay trước nữa, cách đây hàng ngàn năm là một "sự ngụy biện dốt". 


Tôi có hai ưu tư. Một là, lối lý giải này tôi e có thể không có ông Lưu Quân Kiệt nào nói cả. Vì sao? Vì tôi không tiếp cận được văn bản chính. Hai là, nếu có ông Lưu Quân Kiệt đang khảo sát chỉ nhằm mục đích phù hợp với khẩu ngữ và suy nghĩ của người Việt, bởi Vương Lực, nhà thông thái về ngữ học của Tàu sống vào giữa đầu thế kỷ 20, tìm từ Hán cổ thông qua tiếng Việt, bởi họ cho rằng người Việt nay vẫn còn đang nói âm đời Đường mà bên Tàu nay đã không còn nói nữa. Họ đi tìm để rồi quy áp "định luật phi lý", "người Việt vốn không có tiếng nói". Chính ông đã từng dùng nó khi nói rằng người Việt không hề có từ gọi "cha" mình, ông đã từng kết luận "bố" trong cụm Bố Cái đại vương vốn là từ âm Phụ mà ra. Bụt từ âm Phật mà ra. Do vì ông đã quá yếu về Việt ngữ, ác nỗi chữ quốc ngữ chỉ thể hiện âm, không có bộ như chữ Hán, không có ngữ căn như tiếng Pháp, tiếng Anh nên rất khó tìm từ nguyên. Việt ta dùng từ rất linh hoạt. Đó là trở ngại quá lớn cho ông. Thủa nào mà anh Nguyễn Cung Thông không ban cho ông cụm từ "học giả vĩa hè". Âu cũng không quá lời.


Tôi nghĩ đến đây cũng đã quá dài. Bực mình "Học giả" An Chi đã xúc phạm tình tự dân tộc, lạm dụng sự mơ hồ của phương pháp luận khoa nhân văn, lại khôn vặt trong khoa sử dụng "giải pháp bán thân bất toại", lúc nào ông cũng ôm lấy tư tưởng "tiếng Việt là từ tiếng Tàu mà ra". 


(Lai Quảng Nam)



Tàu với chữ nghĩa

Tra từ điển Lê Ngọc Trụ – Lê Văn Đức  tôi không tìm thấy chữ tầu (có dấu).

Chữ /tàu/ ta đang dùng có nhiều nghĩa:

1- /Tàu/, chỉ những gì thuộc về nước Trung Hoa: Ba Tàu, trà Tàu, Tàu Chợ Lớn, chú chệt về Tàu,…

2- /Tàu/, chỉ chiếc ghe lớn có gắn máy hay buồm đi trên sông, trên biển: Tàu buồm, giặc Tàu Ô, tàu chiến, Vũng Tàu…;

3- /Tàu/, chỉ bẹ lá: Tàu chuối, tàu cau,…


“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?

Nhờ mấy bài học vỡ lòng trong cuốn "Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp sơ đẳng, Việt Nam Tiểu học Tùng Thư… Sách này do Nha Học Chính đã giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận soạn… 

Eo ơi. Cái buổi thơ ấy đó nay còn đâu, mà thầy phái viên nhà báo và ông độc giả nghèo rớt mồng tơi nọ thân thiết nhau. (trong truyện Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam)


Để sau đó…

"Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:

- Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi… Chắc thầy tới đây thâu tiền.

- Đâu có! Đâu có! Mình là bạn đời với nhau…

- Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi ‘đăng’ là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.

- Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư Tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài hoài cho tới số chót."


(Ngô Nguyên Dũng)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng 

Đây là lý tưởng của một chàng nông dân lười, ngại đi xa và có tư tưởng thiển cận.

Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng. Đó là lý tưởng của một chị nông dân thiển cận.


Thực ra “ruộng đầu chợ”  là mảnh ruộng hay bị người ta xoi mói, trăm người hai trăm con mắt đều nhìn vào. Nếu canh tác không tốt (lúa xấu, cỏ mọc) thì hay bị chê. Mặt khác ruộng đầu chợ dễ bị xâm phạm (bị ăn đòng đòng lúa hoặc ngắt lúa…). 


Còn “vợ đầu làng” xấu đẹp gì cũng hay bị “người ta” để ý, trêu ghẹo, dòm ngó. Thậm chí ngày xưa đêm hôm tuần đinh lợi dụng tạt vào trêu ghẹo vờ khám xét “tòm tem” nếu ông chồng đi làm ăn phu phen, tạp dịch vắng nhà. 

Như thế, “Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng” đều nói đến hai điều bất lợi, không phải là “lý tưởng” như cách lý giải của GS Nguyễn Lân.


Với câu “Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng” thì “giữa” có nghĩa là ngay tại, rất gần. (Ca dao Thanh Hóa: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên, Chợ Gia trước mặt, quán Nam giữa đàng”.  “Giữa đàng” đây tức là ngay bên cạnh đường, gần đường). “Ruộng giữa đồng” là ruộng gần, ruộng làng (đồng nhà), tiện canh tác, thăm nom; “chồng giữa làng” là chồng gần, ngay ở trong làng. Hai bên trai gái đã hiểu nhau, lại tiện đi về thăm nom, chăm sóc bố mẹ. (Trâu ta ăn cỏ đồng ta hoặc Có con mà gả chồng gần, Có bát canh cần nó cũng đem cho). Bởi thế, lấy chồng cùng làng, lại ở giữa làng thì yên tâm lớn.


Hai câu tục ngữ trên đúc kết kinh nghiệm chọn nơi canh tác, nơi ở, lấy vợ, lấy chồng của dân quê xưa. Chẳng có gì gọi là “thiển cận”, đáng chê như cách phân tích của GS Nguyễn Lân.


(Hoàng Tuấn Công)



Gia Định Báo - 1

3.2. GĐB dùng loại bỏ văn hóa Trung Hoa     

Về phần chính phủ Pháp, họ tận dụng thời cơ phổ biến chữ quốc ngữ để tách rời dân Nam Kỳ khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Đến khi chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức tại Nam Kỳ vào năm 1882, ông Trương Vĩnh Ký chuyển ngữ ngay nền văn chương truyền khẩu bình dân, gồm những áng văn vần và chuyện dân gian rất được ưa chuộng, như: Phép Lịch Sự Annam (1881), Thơ Dạy Làm Dâu (1882), Thơ Mẹ Dạy Con (1882), Nữ Tắc (1882), Thạnh Suy Bỉ Thới Phú (1883), Cờ Bạc Nha Phiến (1884), Ngư Tiều Trường Điệu (1884)…
Trong cuốn Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận định: «Hồi đó, ông (Trương Vĩnh Ký) cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian... »   
 

3.3. Gia Định Báo dạy viết nhựt trình

Ngày 16.9.1869, Thống Đốc Nam Kỳ G. Ohier đã ký quyết định số 189 bổ nhiệm Trương Vĩnh Ký phụ trách biên tập tờ Gia Định báo. Toàn văn văn kiện này được tạm dịch như sau:
Quyết định: Kể từ hôm nay, việc biên tập tờ Gia Định Báo được giao phó cho ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, người với tư cách là chánh tổng tài của tờ này, sẽ được lãnh một khoản lương hàng năm là 3000 đồng quan Pháp.


Tờ báo tiếp tục ra mỗi tuần.
Nó sẽ được chia ra làm hai phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông Thống Đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do Nha Nội Vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác, không chính thức, sẽ gồm có những bài viết bổ ích và vui về những đề tài lịch sử, những sự kiện về luân lý, thời sự v... v... để có thể đọc được trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm đến. Gia Định Báo số 11 phát hành ngày 8.4.1870  có đăng lời kêu gọi của Chánh Tổng Tài Trương Vĩnh Ký như sau:
Lời cùng các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập vân vân đặng hay:

(Nam Sơn Trần Văn Chi)



Gia Định Báo - 2

Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn, ở một chỗ, nên không có lẽ mà biết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi; nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay nửa tháng phải viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở, như:
An cướp, ăn trộm,
Bệnh hoạn, tai nạn.
Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt.
Cháy chợ, cháy nhà; mùa màng thể nào.
Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân


Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ, đem vô nhựt trình cho người ta biết, viết rồi thì phải đề mà gởi về cho Gia Định Báo Chánh Tổng Tài ở Chợ Quán…”

Và Trương Vĩnh Ký  với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, nội dung tờ báo thêm phần phong phú: có bài khảo cứu, nghị luận, có mục sưu tầm tục ngữ ca dao, thi ca và cổ tích. Đây là một tờ tuần báo, nhưng ngày ra không nhất định - khi thì thứ Ba, khi thì thứ Tư hoặc thứ Bảy. Số trang cũng không ổn định - từ 4 đến 12 trang. Báo có khuôn khổ 32 x 25 (cm), giá bán mỗi số là 0,17 đồng.

 
Ban đầu nội dung bao gồm hai phần: công vụ và tạp vụ, về sau có thêm phần mở rộng (phần khảo cứu, nghị luận). Phần mở rộng có giá trị và sức lôi cuốn nhất. Đây là phần khảo cứu, nghị luận về văn hóa, phong tục, tư tưởng, lịch sử, thơ văn, v…v... Ngoài những phần trên, Gia Định Báo còn có mục quảng cáo gồm những lời cáo dưới dạng thông báo, nhắn tin, bố cáo, cáo phó, v…v... và những lời rao vặt như trên  các báo Pháp thời đó.   
 

(Nam Sơn Trần Văn Chi)


Nam Sơn Trần Văn Chi quê gốc Gò Công, hiện ngụ ở nam California.


- Tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, ban Sử Địa 1964-1968
-Tổng Thư Ký Hội Liên Trường trước 1975 Pétrus Ký,  Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản
- Giảng viên, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Hoà Hảo, trước 1975

- Nhà biên khảo Văn hoá, phong tục (có 8 đầu sách)


***


Phụ đính I


Những nhà văn, nhà thơ ẩn khuất sau ngày 30-4

Tro cốt Hiếu Chân

Bây giờ, tới phiên anh Hiếu Chân. Tro cốt anh, giờ này, hẳn đang cùng người con rể lênh đênh trên một chiếc xuồng nhỏ. Cũng có thể đã được rãi trên mặt sông. Nước sông Saigon đang chảy về phía nào, lên núi hay ra biển? Đâu còn bạn hữu nào ở bên anh phút này. Nguyễn Khánh Giư, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thuỷ... đang ở trong tù. Chỉ còn mình tôi lang thang trong thành phố. Cũng đâu chỉ mình tôi. Quay lại: bên kia lề đường, một cái bóng vừa khuất sau gốc cây. Vẫn cái đuôi công an canh chừng đấy thôi. Thây kệ. Cứ phải ra bờ sông, phải nhìn thấy dòng nước.

Anh Hiếu Chân, anh thong thả, tôi tới.


Loanh quanh một lát, đi hết đường Tự Do, mặt sông Saigon hiện ra trong nắng trưa chói chang. Tro cốt anh Hiếu Chân được rải trên mặt sông, chắc giờ này đã tan vào dòng nước. Lại cái bóng quen thuộc của anh chàng công an bên kia đường. Mời theo. Tôi tới nơi hẹn bí mật với thành phần nguy hiểm đây: dòng sông đang chảy về phía Nhà Bè.


Anh Hiếu Chân.

Bao năm day dứt. Điều gì đã gọi anh từ nhà tù. Gọi cách nào mà khiến anh phải vào tù cho bằng được để chết? Có phải đó là tiếng gọi bạn hữu, tiếng gọi tư cách người cầm bút? Vào tù. Vào lửa. Vào nước. Thỏa lòng rồi. Anh yên tâm chưa, khi tro cốt đã tan vào dòng sông, thành bọt nước tung toé reo vui, nơi này, nơi kia?

(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)


***

Phụ đính II


Họan quan

Phụ bản

Thời nhà Minh họ bắt nước ta cống ngoài gái đẹp, sư sãi, thầy bói, thầy pháp, còn những người có tài đem về để hoạn, để làm họa quan. Trong đó có Nguyễn An.   

Minh sử có ghi rằng vào những năm cuối của Minh Thái Tổ và mấy năm đầu của Minh Thành Tổ, Trương Phụ thường đi sứ sang nước ta. Trương Phụ bắt triều đình nhà Hồ phải cống nạp những người tài và nam nhân tuấn tú. Phụ đem những người này về Tầu bắt phải bị thiến để sung vào lực lượng hoạn quan. Những hoạn quan gốc Việt Nam do Trương Phụ bắt về nổi tiếng có Phạm Hoằng, Vương Cẩn, Nguyễn An, Nguyễn Lăng.


Trong sách “Thủy Động Nhật Ký” của Diệp Thịnh thời Minh có viết: “Nguyễn An cũng gọi là A Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về xây dựng. Trong các công trình sửa sang lại Tử Cấm Thành Bắc Kinh và 9 cửa lầu, 2 cung 3 điện, 3 phủ 6 bộ đều có nhiều công lao to lớn.”

(nguồn: Lê Thanh Hoa)


Bác tôi là hoạn quan 

Đồ tế nhuyễn của bác đựng trong một chiếc hộp nhỏ sơn đen cẩn xà cừ óng ánh. Trong hộp chỉ có một chiếc trâm đã gãy, một vòng ngọc thạch bị vỡ, một ít viên phấn nụ màu trắng lâu ngày đã xỉn và sứt mẻ. Bác thường bày ra trên một chiếc khăn nhiễu đỏ, nâng niu mấy món đồ vô dụng ấy với tất cả lòng sùng kính. Có cảm giác như bác đang đứng hầu ai đó một cách khiêm cung. Một đôi khi bác nói thành tiếng, thưa đức ngài, con trót dại. Có thể nghĩ rằng đó là những vật trong cung mà bác vô ý làm hư hại nên bị quở mắng. Cái kỷ niệm xót xa đó gắn liền với chút vàng son một thuở khiến bác quên đi cái thực tại nghèo đói tồi tàn. Bác lơ mơ, ngầy ngật giữa mùi hương lạnh lẽo và xa vắng như đang mộng du. Cầm đôi đũa tre tưởng như đũa ngà, bưng chén đất tưởng như chén ngọc, nghe gió thổi qua lùm tre kẽo kẹt tưởng như đàn sáo dìu dặt, thấy ống quần ai vén lên tận háng khi rửa chân tưởng lệnh bà đang đi tắm…


(K.D.)


Tác giả: K.Đ. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu.


 

Tên thường gọi Trương Thanh Sơn. Hiện sống tại Bình Định.

Tác phẩm: Những Tháng Năm Cuồng Nộ, Người Giữ Nhà Thờ Họ, Lão Tiền Bối, Bác tôi là hoạn quan.











Không có nhận xét nào: