Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

TẢN MẠN SUY TƯ NHÂN CUỘC DIỄN HÀNH VĂN HÓA QUỐC TẾ 2023 TẠI NEW YORK… Bài của NGUYỄN ĐỨC CUNG

TẢN MẠN SUY TƯ NHÂN CUỘC DIỄN HÀNH VĂN HÓA  QUỐC TẾ 2023 TẠI NEW YORK 


Bài của NGUYỄN ĐỨC CUNG 

Joachim Peiper, một tác giả Tây phương đã từng xác quyết: “Lịch sử luôn  được viết bởi người chiến thắng…”. Thê thảm hơn, một câu ngạn ngữ La Tinh có trước đây hơn hai nghìn năm từng được xác nhận như là một chân lý của lịch sử:  “Khốn khổ thay những người bại trận” (Vae victis. – Malheurs aux vaincus).[Petit  Larousse illustré, 1987, Locutions Latines, Grecques et Étrangères, page XIII]. Sau  ngày 30-4-975, tờ báo lá cải Sài Gòn Giải Phóng của Cộng sản trong bài xã luận ra  ngày 16-5-1975 đã gọi quân dân cán chính VNCH là những “con thú” (Huy Đức,  Bên thắng cuộc, quyển I, OsinBook, 2012, trang 66).  

Ai là những con thú? Ai là kẻ thắng cuộc thì ngày nay, sau gần nửa thế kỷ lịch  sử đã lần lượt trả lời. 

Ngày thứ Bảy, 10/6/2023, Cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế do Cộng Đồng  Việt Nam Quốc Gia khắp nơi trên thế giới tổ chức, đã quy tụ rất đông người Việt hải  ngoại về tại New York để hân hoan viết lại trang sử oai hùng của dân tộc với chủ đề lịch sử “Hai Bà Trưng”. 

Quả thật trong quá khứ vẫn xảy ra nhiều sự kiện rất oái oăm bằng chứng rõ nhất là trong phạm trù văn hóa rất nhiều trường hợp người chiến thắng lại phải cúi  mình nhận lấy những lời dạy dỗ qua nền văn hóa của kẻ chiến bại đó là trường hợp  người chiến thắng Mãn Thanh trong năm 1645 khi tiến vào Nam Kinh đã phải chấp  nhận nền văn hóa của Trung Hoa của các triều đại phong kiến về trước làm khuôn  vàng thước ngọc trong việc cai trị một đất nước rộng bao la, từ việc nhỏ cho tới việc  lớn, thuộc nhiều lãnh vực. Kinh nghiệm đó nay đã được lặp lại trong lãnh vực văn  hóa khi nhiều cây bút ở hải ngoại, thí dụ nhà văn Trần Hữu Thục đã từng có những  bài viết nói lên sự ưu thắng của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa cũng như các nhà 

văn chân chính trong nước như Hoàng Hưng, Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên,  Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Cống, rồi Dương Thu Hương v.v… đã không hết  lời khen ngợi, tán dương nền văn hóa rực sáng của VNCH với ba tiêu điểm đó là dân tộc, nhân bản và khai phóng. Tất cả các văn hóa phẩm của Miền Nam Việt Nam  đã được người dân Miền Bắc tìm đọc, trước lén lút thì nay công khai, nhiều ấn phẩm được in lại, sao chép để chuyền nhau đọc. Rõ ràng nhất, nhạc vàng trước đây bị cấm  đoán, tịch thu, ngăn cản nhưng nay cả nước từ nam chí bắc đều đua nhau nghe trong  các dịp lễ tết, tiệc tùng, đình đám riêng tư. 

Nói về sự “thống trị” của ca nhạc VNCH (một lãnh vực của Văn hóa VNCH) qua sinh hoạt giải trí hiện nay trong cả nước, nhà thơ Hoàng Hưng vốn là người được  đào tạo dưới chế độ CS, đã viết: “Nhu cầu hát, một trong những nhu cầu tự nhiên  nhất của con người, sau nhiều năm bị “nhạc đỏ” độc quyền thống trị đã bùng lên  với “nhạc vàng” khắp phố phường ngõ xóm(…) Đến mức bây giờ, nhạc “boléro”  một thời vốn không được đánh giá cao lắm bởi giới có học ở Sài Gòn, nay đang  “tràn ngập lãnh thổ”, chiếm lĩnh không gian âm nhạc cả chính thống lẫn tự phát.” 

Nếu mùa xuân là thời điểm mở đầu của một chu kỳ của trời đất, thì Điệp Khúc Mùa Xuân của nhạc sĩ Quốc Dũng của VNCH được những người Cộng Sản đứng  đầu thành phố Sài Gòn, “bấm bụng bấm gan” chọn làm ca khúc mở đầu cuộc triển  lãm “Đường hoa Nguyễn Huệ” năm Nhâm Dần 2022. Nói cho đúng họ không thể làm gì khác hơn! 

Và như nhà thơ Đỗ Trung Quân của miền Bắc phát biểu, sự thắng thế của nhạc  miền Nam là cuộc “phục thù ngọt ngào” của bên thua cuộc. Muốn nó chết, dễ thôi!  Các anh hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó… Dèm  pha, mai mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa! Nó càng bất tử! Chỉ vậy thôi!” (Trích từ ấn  phẩm Xuân Đại Việt Nhâm Dần 2022,Tổng Bộ Báo Chí thuộc Đại Việt Cách Mạng  Đảng thực hiện, do Nguyễn Lý Tưởng & Nguyễn Đức Cung, TS Lê Đình Cai chủ biên, trang 18-19). 

Những năm tháng gần đây lại xuất hiện Nhóm nghiên cứu lịch sử với con  chim đầu đàn là Tiến sĩ Vũ Tường, Trưởng Khoa Sử Học thuộc Viện Đại Học Oregon  cùng một loạt nhiều vị tiến sĩ trẻ tuổi được đào tạo rất bài bản trong nhiều trường đại  học tại Hoa Kỳ, Nhật Bản v.v… xếp hàng bên cạnh ông như TS Alex-Thai Dinh Vo, Nguyễn Lương Hải Khôi và phu nhân là TS… Tôi có cơ duyên gặp gỡ nhóm này qua hai cuộc ra mắt sách một được tổ chức từ trung tuần tháng Tư, tại Hoa Thịnh  Đốn và một tại Thành phố Houston ngày 3 tháng Sáu năm 2023. Số ấn phẩm xuất  bản của họ khá nhiều và được giới thiệu nhiều lần trên các trang điện tử lớn đặc biệt  trên trang mạng tiếng Việt của BBC, VOA. Hiện tôi chỉ có trong tay các cuốn sách  như Building A Republican In Vietnam, 1920-1963 edited by Nu-Anh Tran, The  Republic of Vietnam, 1955-1975 – Vietnamese Perpectives on Nation Building edited  by Tuong Vu and Sean Fear, Toward A Framework For Vietnamese American  Studies (History, Community, and Memory, edited by Linda Ho Peché, Aex-Thai  Dinh Vo, and Tuong Vu). Tôi nghĩ rằng nhóm của GS Vũ Tường là một Think tank về sử học, có năng lực và với vốn liếng thời gian rất dài để đào sâu nghiên cứu về chủ đề Cộng Hòa cùng nhiều lãnh vực nghiên cứu khác trong công cuộc tranh đấu  giành lại chính nghĩa của sự thật cho Việt Nam Cộng Hòa đã bị nhóm sử gia thiên  Cộng trong các đại học Hoa Kỳ được mua chuộc bằng tiền bạc mà viết sách, viết  báo để nhục mạ, hạ bệ Miền Nam trong mấy chục năm qua. Triển vọng làm việc của  nhóm GS Vũ Tường sẽ mang lại rất nhiều hy vọng và rất cần được đồng bào Việt  Nam tại hải ngoại nâng đỡ, khích lệ. 

Đây là một ghi nhận thoáng qua trong suy tư về Cuộc Diễn Hành Văn Hóa  Quốc Tế. Tổ chức các cuộc diễn hành về văn hóa hằng năm như vậy của Người Việt  Quốc Gia khắp nơi trên thế giới và trên đất Hoa Kỳ chính là có đủ bằng chứng để nói lên lý do chiến thắng tất yếu của nền văn hóa chúng ta. 

Trên chiếc xe 15 chỗ ngồi dành cho Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại  Philadelphia và Phụ Cận do bà La Cẩm Tú làm Chủ Tịch cùng các thành viên, Hội  Văn Hóa Việt Nam và Hội Cao Niên Người Việt tại Pennsylvania, Hội Cầu Nguyện  Philadelphia cùng với một số thân hữu mà tôi nhớ tên như chị Ngô Việt Quyền, chị 

Hoàng Ken, chị Hạt Cát, chị Diệu Thông, anh Tư Điệu, anh Hồ Dũng, anh Jimmy  Huỳnh và một số khác tôi không biết tên; rất nhiều hội viên của các tổ chức này đã dùng phương tiện di chuyển riêng để đi trước. 

Trong câu chuyện trên xe, một người bạn đã hỏi tôi: “Có người đã nói với tôi rằng nước Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến, vậy anh nghĩ thế nào? Việt Nam có bốn nghìn năm hay hai nghìn năm văn hiến?” Tôi trả lời: “Lịch sử phải học và phải  nghiên cứu đến nơi đến chỗ mới biết tường tận, chứ không thể đọc qua mà biết được  nên có khi nói sai lạc hoặc ấm ớ. Khi học để lấy được các học vị MA hay Ph.D tại  đại học, người ta phải trải qua nhiều năm tháng học hỏi, nghiên cứu”. Một nhà văn  nổi tiếng trong nước Nguyễn Hiến Lê đã nhận định rằng : “Trong giới biên khảo, sử gia giữ một địa vị đặc biệt vì sức làm việc phi thường của họ. Họ kiên nhẫn, cặm cụi  hơn hết thảy các nhà khác, hi sinh suốt đời cho văn hóa, không màng danh vọng, lợi  lộc, bỏ ra từ ba đến năm chục năm để lập nên sự nghiệp. Họ đọc sách nhiều, du lịch  nhiều, suy tư nhiều, và nếu họ ít có thành kiến, thì tác phẩm của họ càng lâu đời  càng có giá trị; hiện nay ở phương Tây, loại sách về sử được phổ biến rất rộng, có cái cơ muốn lấn át tiểu thuyết.” (Lịch sử Văn minh Ấn Độ của Will Durant, Nguyễn  Hiến Lê dịch, Lời nói đầu, T&T 1989, trang VII). 

Tôi trả lời người bạn : “Chỉ có hai nghìn năm văn hiến thôi, còn những hai  nghìn năm trước thì theo vua Tự Đức trước đây và các sử gia chân chính hiện tại, đa số đều là những chuyện hoang đường, chuyện “ma trâu thần rắnnói theo chữ Hán mà vị vua này đưa ra đó là ngưu quỷ xà thần”. 

Người bạn ấy lại hỏi tiếp: “Anh nghĩ thế nào về Hai Bà Trưng?” Tôi không  trả lời vội bởi vì trong đầu tôi lúc bấy giờ hiện ra một lúc hai “loại chuyện” về Hai Bà Trưng: một thuộc loại huyền sử xen sự thật và một loại chuyện xây dựng theo  tinh thần khoa học mà tôi gặp thấy trong nghiên cứu ở cấp đại học. Tôi trả lời: “Những sự hiểu biết của tôi về Hai Bà Trưng khi tôi còn ở cấp  Trung học thì khác nhưng khi đi vào ngành Sử ở cấp Đại Học thì Hai Bà Trưng lại  khác và khác hẳn từ nguồn gốc cho đến hành trạng của Hai Bà.” Miên man theo dòng tư tưởng, tôi nhớ lại trong trí đoạn thơ viết về Hai Bà Trưng của hai tác giả thế kỷ XIX là Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái trong tác phẩm  Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca được soạn chung năm 1860-1870 vốn đã thuộc lòng khi  còn tuổi ở trung học như sau: 

Bà Trưng quê ở châu Phong 

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên 

Chị em nặng một lời nguyền, 

Phất cờ nương-tử, thay quyền tướng-quân. 

Ngàn Tây nổi áng phong trần, 

Ầm ầm binh mã tới gần Long biên 

Hồng quần nhẹ bước chinh yên, 

Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành. 

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, 

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta,  

Ba thu gánh vác sơn hà, 

Một là báo phục, hai là bá vương. 

Uy thanh động đến Bắc phương, 

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công. 

Hồ Tây đua sức vẫy vùng, 

Nữ nhi chống với anh hùng được nao? 

Cấm khê đến lúc hiểm nghèo, 

Chị em thất thế cũng liều với sông. 

Phục Ba mới dựng cột đồng 

Ải quan truyền dấu biên công cõi ngoài. 

Trưng vương vắng mặt còn ai? 

Đi về thay đổi mặc người Hán quan. 

Khi theo học ngành Sử ở Viện Đại Học Huế từ năm 1962, tôi được học với  các giáo sư Sử nổi tiếng của VNCH là Linh mục sử gia NGUYỄN PHƯƠNG (1921- 1993), một người mà Tiến Sĩ Wynn Gadkar-Wilcox đã gọi là : the historian and  political scientist Father Nguyễn Phương (1921-1993) [Tham khảo sách Toward A  Framework For Vietnamese American Studies của Linda Ho Peché, Alex-Thai Dinh 

Võ và Tuong Vu, 2023, trang 64] và Giáo sư NGUYỄN THẾ ANH (1936-2023),  người được Tiến Sĩ Wilcox gọi là “The eminent Vietnamese historian” (Sách đã dẫn,  trang 72). Tinh thần khoa học và tự do đã được đưa vào trong phong cách giảng dạy tại Trường Văn Khoa Huế qua chứng chỉ “Phương Pháp Sử Học” được trình bày cụ thể trong cuốn Phương Pháp Sử Học của Nguyễn Phương xuất bản năm 1964 và cuốn Nhập Môn Phương Pháp Sử Học của Nguyễn Thế Anh in năm 1973 tại Sài  Gòn. Cần nói thêm là Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã mất tại Pháp ngày 19 tháng Ba  năm 2023, để lại một kho tàng đồ sộ hơn 120 ấn phẩm gồm sách và bài viết bằng  tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Việt về lịch sử VN, cùng lịch sử Đông Nam Á, đã được nhiều giải thưởng quốc tế về sử học. Một sử gia Hoa Kỳ nổi tiếng là Keith  Weller Taylor đã viết trong Monde du Vietnam: Hommage à Nguyễn Thế Anh, được  trích lại trong cuốn sách Nguyễn Thế Anh theo dòng lịch sử của Nguyễn Q. Thắng  (in năm 2017, tại trang bìa sau) rằng: “Với lòng biết ơn đối với cuộc đời và sự nghiệp  của Nguyễn Thế Anh, những khảo luận trong tập sách này là để dành tặng ông và  vinh danh ông với hi vọng rằng chúng tôi, dù còn thiếu sót, song vẫn là những người  được chứng kiến sự hiện diện của một học giả lớn trong thế hệ chúng tôi.” Linh mục  sử gia Nguyễn Phương khi đứng trên lập trường khoa học và tự do đã đưa ra nhiều  luận điểm sử học chứng minh về sự hiện diện của Hai Bà Trưng với những quan  điểm khác biệt với các nhà viết sử trước đây dưới các triều đại quân chủ như Lê Văn  Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Cao Xuân Dục ngay cả đối với các nhà văn gần  chúng ta như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tường Phượng, kể cả các sử gia mác xít như Đào  Duy Anh, Văn Tân, Văn Tạo, Trần Huy Liệu v.v… Câu chuyện về Hai Bà Trưng cho  chúng tôi nhiều thích thú, chẳng hạn tên chồng của Bà Trưng Trắc là Thi chứ không  phải Thi Sách. Ông Thi này không bị Tô Định giết mà đã cùng với Bà Trưng khởi  nghĩa chống nhau với Tô Định. Cả hai bị Mã Viện chém đầu và đưa đầu về Lạc  Dương chứ không hề có chuyện “Bà Trưng” nhảy xuống sông Hát Giang mà tự tử…  như lời kể của Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca được nghe ở trên và sau này được nhiều  người viết sử dùng lại. Các chuyện ấy do thời sau truyền lại, đó là thói quen “dĩ ngoa  truyền ngoa”. Chủ đề của cuộc diễn hành văn hóa năm nay là “Hai Bà Trưng” cho  tôi nhớ về các công trình nghiên cứu của sử gia Nguyễn Phương qua cuốn sách xuất  bản năm 1965 tại Huế nhan đề Việt Nam Thời Khai Sinh nói rõ về nguồn gốc dân tộc  Việt Nam được dạy tại Viện Đại Học Huế trong gần suốt hai mươi năm (1957-1975) và trong cuốn di cảo của ngài để lại cho tôi có tên “Cổ Sử Việt Nam Trong Ngoại Kỷ Toàn Thư”với rất nhiều tư liệu quý giá chưa xuất bản mà tôi hiện có. Trong các sách  của Linh mục sử gia Nguyễn Phương như Phương pháp sử học, xuất bản năm 1964,  trang 95-97; Việt Nam Thời Khai Sinh, xuất bản năm 1965 trang 174-184; The  Ancient History of Vietnam, A New Study, 1976, page 76-92 và Cổ Sử Việt Nam Trong  Ngoại Kỷ Toàn Thư (di cảo), trang 48-57), những sự kiện về danh xưng của chồng  Bà Trưng, hành trạng, sự nghiệp đã được cẩn án lại theo tinh thần khoa học. Để thấy rõ về những sự kiện liên hệ tới Hai Bà Trưng, xin đọc lại một bài báo  trong nước có tên “Chồng bà Trưng Trắc là ai?” đăng trong tạp chí Kiến Thức Ngày  Nay số 274 ra ngày 10/3/1998 của tác giả Lê Thí, như sau: 

“Lâu nay trong tất cả tài liệu sách báo chúng ta đều nói rằng chồng của Trưng  Trắc là Thi Sách, con trai quan Lạc tướng huyện Châu Diên. Thi Sách bị Thái thú Giao Chỉ là Tô Định giết chết. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị nổi dậy đánh đuổi  Tô Định chạy về Tàu để trả thù cho chồng, rửa hờn cho nước. Sự việc xảy ra vào  năm 40 Công nguyên. 

Nhưng cách đây hơn 30 năm, tôi có đọc một tài liệu lịch sử viết một cách rất  nghiêm túc lại cho rằng thực tế chồng Trưng Trắc tên là Thi chứ không phải là Thi  Sách. Đó là quyển Phương pháp sử học của Nguyễn Phương do Viện đại học Huế xuất bản năm 1964. 

Trong tài liệu đó tác giả Nguyễn Phương đã đưa ra những chứng lý hết sức lý thú và rất chặt chẽ để biện dẫn cho ý kiến của mình và giải thích nguyên nhân dẫn  đến sự sai lầm này. 

Theo tác giả Nguyễn Phương thì tài liệu sử đầu tiên nói về cuộc khởi nghĩa  của Hai Bà Trưng là quyển Hậu Hán thư do Thái thú Phạm Việp viết vào thế kỷ thứ V. Trong tài liệu này không hề đề cập đến tên của chồng bà Trưng Trắc. Sách chỉ viết: “Hữu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc cập nữ đệ Trưng Nhị phản công dịch kỳ quận”. 

Tạm dịch: “Giao Chỉ có nữ tử Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản  đóng chiếm (ở) quận ấy”. 

Tiếp theo Hậu Hán thư, vào thế kỷ thứ VI, Lệ Đào Nguyên là người đầu tiên  đề cập đến tên chồng bà Trưng Trắc trong tác phẩm Thủy kinh chú. Lệ Đào Nguyên  viết “châu diên lạc tướng tử danh thi sách mê linh lạc tướng nữ danh trưng trắc vi  thê trắc vi nhân hữu đảm dũng tương thi khỉ tặc mã viện tương binh phạt trắc thi tẩu  nhập kim khê” (Đoạn này trích nguyên Thủy Kinh chú không viết hoa và chấm phẩy  ngắt câu theo tinh thần chữ Hán cổ). 

Đến thế kỷ thứ 8, Thái tử Hiền đã chú thích cho bộ Hậu Hán thư và đã dùng  đoạn trên trong Thủy kinh chú để nói rõ hơn về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sau các chữ “Trưng Nhị phản…” của Hậu Hán thư như vừa trích ở trên, Thái  tử Hiền viết thêm lời chú: “Trưng Trắc giả Mê Linh huyện Lạc tướng chi nữ giá vi  Châu Diên Thi Sách thê, thậm hùng dũng”. Tạm dịch: “Trưng Trắc, con gái của Lạc  tướng huyện Mê Linh, (là) vợ của Thi Sách người Châu Diên, rất hùng mạnh”.

Ở đây câu văn nguyên của Thủy kinh chú đã bị rút ra khỏi ngữ cảnh và vì thế khi đọc lên người đọc thấy ngay rằng ý của Thái tử Hiền lấy Thi Sách làm một tên  riêng. 

Sai lầm bắt đầu từ đây. 

Về sau các sử gia Việt Nam khi viết về cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng đều  dựa vào Hậu Hán thư để viết, vì vậy đều cho rằng: chồng của bà Trưng Trắc tên là Thi Sách. (Có thể chỉ một mình Lê Văn Hưu dựa theo Hậu Hán thư có lời chú của  Thái tử Hiền sai, sau này Ngô Sĩ Liên dựa theo Lê Văn Hưu nên cũng sai nốt – nên  nhớ Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký vào thế kỷ 13, còn Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt sử ký toàn thư vào thế kỷ 15. Còn các sử gia sau này cứ tiếp tục theo Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên mà viết, nên cứ đinh ninh rằng chồng bà Trưng Trắc tên là Thi Sách cho  mãi đến bây giờ). 

Để hiểu rõ lý giải của Nguyễn Phương xin mời đọc lại ý kiến của ông trong  tác phẩm đã dẫn ở trên trang 96, 97. 

“Các học giả Việt Nam như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên cũng như nhiều người  khác chắc ít khi đọc đến những bộ sách dài dằng dặc và ít hứng thú như bộ Thủy  Kinh chú, trái lại họ chỉ đọc có Hậu Hán thư và cứ đinh ninh rằng Thi Sách là tên  chồng bà Trưng Trắc. Nhưng giả sử họ có biết đến đoạn văn chính thức của Thủy  Kinh chú như vừa trích lại ở trên thì nhất thiết họ phải nhận thấy rằng tên ông đó chỉ là Thi mà thôi chứ không thể nào là Thi Sách được. Quả thế nếu chấm phẩy cho đúng  và hiểu cho đúng thì câu văn của Lệ Đào Nguyên phải viết ra Hán Việt như thế này:  “Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi  thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng tương Thi khỉ tặc. Mã Viện tương binh phạt. Trắc  Thi tẩu nhập Kim Khê” nghĩa là “Con trai của vị Lạc tướng Châu Diên tên là Thi,  lấy con gái vị Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người có đảm  dũng đem Thi nổi dậy làm giặc. Mã Viện đem quân sang đánh. Trắc và Thi chạy vào  Kim Khê”. Chúng ta thấy rằng tác giả Thủy Kinh chú khi gọi bà Trưng Trắc (cả hai chữ) khi thì gọi bằng Trắc (một chữ) và khi gọi bằng một chữ như vậy ông gọi với  chữ sau (Trắc) chứ không phải với chữ trước (Trưng). Vậy giả sử tên chồng của bà Trưng là Thi Sách thì khi gọi tắt bằng một chữ, ông sẽ phải dùng chữ Sách chứ không  phải chữ Thi, ấy thế mà hai lần sau ông vẫn cứ dùng chữ Thi chứ không còn lặp lại  chữ Sách. Đàng khác chiếu theo nghĩa của câu văn thì phải hiểu rằng tên chồng bà  Trưng là Thi mà thôi mới đúng bởi vì “sách vi thê” có nghĩa là lấy làm vợ” (Sđd,  trang 96-97). 

Nguyễn Phương cũng cho rằng không phải ông là người đầu tiên phát hiện ra  sự sai lầm này. Người đầu tiên đề cập đến cái sai của Thái tử Hiền chính là Huệ Đống, một cụ đồ nho người Tàu. Huệ Đống đã đề cập đến sai lầm này khi bổ chú

cho Hậu Hán thư. Lời bổ chú này được đăng trong phần phụ lục của chuyện Mã Viện, với nội dung như sau: “Cứu Triệu Nhất Thanh viết: Sách thê do ngôn thú thê.  Phạm sử tác “Giá vi Châu diên nhân thi sách thê” mậu hĩ; án cứ Thủy kinh chú ngôn  tương Thi, ngôn “Trắc, Thi” minh chỉ danh Thi” (nghĩa là: Xét Triệu Nhất Thanh nói  rằng Sách thê còn có nghĩa là cưới vợ, quyển sử của Phạm chép “Gả làm vợ người  Châu diên tên là Thi Sách” là lầm vậy, xem Thủy Kinh chú thấy nói “tương Thi” rồi  nói “Trắc và Thi” chỉ rõ rằng tên ông đó là Thi). (Sđd, tr 97) 

Hàng năm cứ đến ngày 8/3, Ngày quốc tế phụ nữ cũng là ngày kỷ niệm khởi  nghĩa của Hai Bà Trưng chúng ta thường lặp đi lặp lại ở khắp nơi chồng bà Trưng  Trắc tên là Thi Sách; vả lại cho rằng bà Trưng nổi dậy trước để trả thù chồng sau để rửa hờn cho nước là không đúng sự thật và hạ thấp ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa. Nếu  Nguyễn Phương nói đúng (hay đúng hơn Thủy kinh chú nói đúng) thì cả gia đình bà Trưng đã vì “nghĩa lớn” mà nổi dậy chứ không phải chỉ vì “tình riêng”. 

Thiết nghĩ việc gọi đúng tên một người đã có công đấu tranh giành độc lập  cho đất nước như chồng của bà Trưng Trắc là một việc cần thiết và cũng là trách  nhiệm của các nhà sử học…Đà Nẵng, tháng 2/1998.” 

Đọc lại bài báo này của Lê Thí, tôi đã sửa tên Huệ Đồng ra Huệ Đống cho  đúng với tên ông này và với phần trích dẫn theo nguyên bản của tác giả Nguyễn  Phương. Thái tử Hiền hay Thái tử Lý Hiền là con thứ hai của Vũ Tắc Thiên (624- 705) được Cao tông sai lo việc nước, ông xử trí việc nước cẩn thận, đã cho mời học  giả đương thời là Trương Đại An và một số nhà sử học khác vào cung tập trung lo  việc chú thích sách Hậu Hán thư của Phạm Việp, rất nổi tiếng trong giới học giả. 

(Vương Tuệ Mẫn, 100 Danh nhân có ảnh hưởng đế lịch sử Trung Quốc, Dịch giả TS Nguyễn Văn Dương, NHà xb. Văn hóa-Thông tin, TPHCM, 2002, trang 123). Nhân chủ đề cuộc Diễn hành Văn hóa Quốc tế tại New York về Hai Bà Trưng,  nhắc lại một vài sự kiện mới trong quá trình nghiên cứu sử học của một số học giả đi trước tại VNCH là để chứng minh tinh thần khai phóng, nhân bản dân tộc vốn  có trong nền giáo dục của Miền Nam trước đây. 

Theo Louis Raymond, một môn sinh của Giáo sư Nguyễn Thế Anh trong bài  viết có tên “Nguyễn Thế Anh, l’historien sur le fil” (Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên  lằn ranh) đăng tải trên Les Cahiers du Nem, 19/07/2021, sử gia Nguyễn Thế Anh tuy  bị vài vị đồng nghiệp thiên Cộng không thích vì cho ông là “thân Diệm” (Diêmiste),  một người ủng hộ Ngô Đình Diệm nhưng ông được sinh viên Huế cũng như Sài Gòn  kính trọng. Ông cũng bị nhóm người này kết án là “Việt gian” trong khi theo Giáo  sư Nguyễn Thế Anh, những người như GS Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan  thuộc cánh tả lại là những người “gần giống cộng sản”. Theo Giáo sư Nguyễn Thế Anh, “Có vô số điều sai sự thật về một số nhân vật, vì vậy chúng ta thường đắm 

chìm trong dã sử. Nhà sử học không có nhu cầu thần thánh hóa mà phải đánh vào  lòng kiêu hãnh yêu nước mong manh nhất: Chúng ta đã bịa ra truyền thuyết để không  thừa nhận rằng giữa người Hoa và người Việt vẫn còn một cộng đồng tổ tiên.” 

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thế Anh, vào thế kỷ 20 có một “phát minh” gọi  là tiểu thuyết dân tộc của Việt Nam, theo nghĩa như Jules Michelet [1798-1874] đã phát minh ra tiểu thuyết dân tộc Pháp vào thế kỷ 19: theo đó quyền lực chính trị đảm  bảo rằng lịch sử phải đáp ứng nhu cầu của hiện tại, nghĩa là, lịch sử phải hợp pháp  hóa hiện tại. Phát minh này là một phần của quá trình “Marx hóa” (marxisation), đôi  khi thô thiển, về quá khứ của đất nước. “Ngay cả những nhà sử học như Phan Huy  Lê [1934-2018] hay Hà Văn Tấn [1937-2019], hai trong những nhà sử học khách  quan nhất của miền Bắc và là bạn bè của tôi, cũng không thoát khỏi điều đó: họ phải  theo đường lối của Đảng.” 

Người Cộng sản dùng lịch sử để biện minh cho việc cướp chính quyền của họ từ năm 1945 cho đến bây giờ. Những điều gì tìm thấy trong lịch sử phù hợp với  đường lối, chính sách, thể chế của họ là họ đề cao, đánh bóng, có khi bưng toàn bộ đặt vào lịch sử của Việt Nam, thí dụ họ đề cao nhà Tây Sơn, miệt thị nhà Nguyễn,  kê tội Phan Thanh Giản, Nguyễn Thân v.v… Văn Tạo, nguyên Viện Trưởng Viện Sử Học Hà Nội, đã từng phát biểu ở Đại Học Paris VII, năm 1988 rằng: “Chúng tôi  không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới.”  (Dẫn từ Hugues Tertrais của Nguyễn Thế Anh, Historical Research in VN: a  Tentative History”, trong Journal of Southeast Asian Studies, số tháng 3.1995). 

Trong cuộc diễn hành văn hóa quốc tế năm 2023, có rất nhiều người Việt từ các tiểu bang khắp Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Canada về tham dự, đặc biệt là các cô, các  bà, các cháu thanh niên, nam nữ trang phục rất đẹp mắt, trẻ trung, oai phong. Nhiều  vị nổi tiếng trong cộng đồng như nhà văn Nam Lộc, Khoa học gia Dương Nguyệt  Ánh, nữ danh ca Phương Hồng Quế từ California bay sang, ông Huỳnh Ngọc Ánh từ Houston lên, BS Đỗ Đình Hữu, LS Lê Quốc Huy, LS Nguyễn Thanh Phong v.v… Không có vị đại diện nào của các tôn giáo lớn như thường có mọi năm. Ban tổ chức  là Chủ Tịch và Ban CHấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa  Kỳ với sự tham gia của BCH các Tiểu Bang. Cuộc lễ được tuyên bố khai mạc lúc 11  giờ trưa trong không khí trong mát của buổi trưa mùa hè thật êm dịu của vùng đông  bắc Hoa Kỳ. 

Trước khi khai mạc cuộc diễn hành quốc tế này có rất nhiều vị khách mời  trong giới truyền thông như các đài SBTN với cô Hương Lê ở Philadelphia, đại diện  đài SBTN tại Washington, ông Sean Le thuộc đài Sean Le TV. Tiếng nói Tự do, cô Bích Phượng, ái nữ của Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Trong số những người được 

phỏng vấn có Bà La Cẩm Tú, cựu Dân biểu VNCH Nguyễn Đức Cung đến từ Philadelphia. 

Khi được mời phát biểu trong cuộc phỏng vấn của Sean Le TV, tôi nói đôi lời  rằng: “Về sức mạnh của nền văn hóa dân tộc vốn được thai nghén và tài bồi qua quá  trình lịch sử. Văn hóa bao gồm nhiều phạm trù như ngôn ngữ, văn tự, nghệ thuật,  tín ngưỡng, tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội v.v… Tất cả là sức mạnh của dân tộc  với sự đóng góp của nhiều thế hệ, sắc dân và địa phương. Đối với thế hệ đang qua  đi như chúng tôi, bổn phận trước mắt là chúng tôi phải tìm người để trao lại tài sản  văn hóa để họ tiếp tục bảo lưu, trân quý. Đối với thế hệ trẻ nối tiếp chúng tôi, họ phải kiên nhẫn học hỏi để thấu triệt cái tinh hoa, tinh túy trong nền văn hóa Việt  Nam dù ở bất cứ nơi đâu. Hiện tại về văn hóa dân tộc, chúng ta đã dẫn trước và dẫn  xa kẻ thù của chúng ta trong lãnh vực này. Đây là một triễn vọng tốt đẹp cần khai  thác, thể hiện qua các ấn phẩm viết về văn hóa, lịch sử, văn học của các nhà văn,  nhà báo, nhà nghiên cứu sử học ở hải ngoại mà mọi người nên lưu tâm hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất. Có như vậy đà thắng lợi của chúng ta trong lãnh vực  văn hóa ngày băng nhanh hơn về phía trước”. 

Có rất nhiều người được mời lên phát biểu như nhà văn Nam Lộc, bà Dương  Nguyệt Ánh, ông Huỳnh Công Ánh, và các vị đại diện khác tôi quen như nhà văn Trần Quán Niệm, ông Nguyễn Tường Thược, chủ tịch Cựu tù nhân CT New Jersey, một vài vị được xướng tên (nhưng không có mặt) trong hàng ngũ quan khách vị vọng  với rất nhiều các vị đại điện các cộng đồng, tổ chức, đoàn thể, hiệp hội chính trị, văn  hóa và xã hội v.v… 

Trong số các diễn giả xuất hiện trước máy vi âm, có hai bậc nữ lưu lừng lẫy  tên tuổi mà tiếng nói của họ vẫn còn vang vọng trong tâm thức của tôi cho đến mãi  hôm nay đó là bà Dương Nguyệt Ánh, khoa học gia đến từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn  và bà La Cẩm Tú, tức nhà thơ Xuân Thiên Vị, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt  Quốc Gia kiêm chủ tịch Cộng Đồng Mỹ Việt Tiểu Bang Pennsyvania đến từ Thành  Phố Cựu Đô Hoa Kỳ Philadelphia. 

Bằng một giọng nói mà âm thanh trong trẻo, mạnh mẽ, bà Dương Nguyệt Ánh  nói rằng: 

Hai Bà Trưng đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng, đánh  đuổi Tàu ra khỏi quê hương của mình, cởi xích nô lệ cho toàn dân trước khi hai bà xưng vương, và đạt nên đế nghiệp. Chỉ một điều đó đủ cho tất cả chị em phụ nữ Việt  Nam hãnh diện đến muôn đời, huống gì là nhờ cái gương quật cường đó, cái lòng can đãm, tinh thần phấn đấu đó mà cả một ngàn năm sau, khi chúng ta đã bị rơi vào  Bắc thuộc cả gần một ngàn năm dài rồi mà người Việt chúng ta vẫn không bị đồng  hóa, không chịu trở thành người Tàu và rốt cuộc giành lại được độc lập. Đó là nhờ

tinh thần Trưng Vương còn tồn tại trong lòng chúng ta. Hôm nay chúng tôi nhân dịp  này để muốn nhắn nhủ tới người trẻ chúng ta tổ chức diễn hành tại New York là nơi  đặt trụ sở của Liên Hiệp Quốc, là nơi mà quốc tế luôn luôn nhìn vào. Lát nữa chúng  ta sẽ nâng cao lá cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt Quốc Gia thay cho cờ đỏ của  Việt Nam Cộng Sản sẽ được tự do tung bay trong thành phố New York sẽ là một nhắc  nhở đối thế giới về căn cước tự do của chúng ta, của những người Việt Nam tự do tị nạn cộng sản…” Diễn giả cũng nhắn nhủ đến các thế hệ trẻ nối tiếp tinh thần đấu  tranh của Hai Bà Trưng cương quyết không để cho CSVN tiếp tục những hành vi  nhượng đất, nhượng biển hay mở các đặc khu kinh tế có lợi cho ngoại bang v.v… 

Bà La Cẩm Tú, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Philadelphia và Phụ Cận đã phát biểu ý kiến đúng vào chủ đề với nội dung như sau: 

Văn hóa là nền tảng giá trị của người Việt Nam. Làm thế nào để chúng ta tự giáo dục bản thân và con cháu? 

Chúng ta phải khẳng định văn hóa là tinh hoa của dân tộc và đã được tổ tiên  thâu nhập, lưu trữ, và lưu truyền cho con cháu. 

Là người Việt Nam, chúng ta phải am tường về văn hóa Việt Nam. Chúng ta  phải duy trì, phải tự hào để không hỗ thẹn khi nhắc đến câu nói, “Con cháu Rồng  Tiên với bốn ngàn năm văn viến.” 

Văn Hóa còn; Quê Hương còn. 

We must affirm that culture is a quintessential tradition of Vietnamese people  that has been preserved, refined, and passed on by our ancestors. As Vietnamese, we must be knowledgeable about Vietnamese culture. We  should proudly say, “We are the descendants of the legend Dragon and Fairy and  continue to prosper our four thousand years of civilization.” 

Culture is alive; the homeland will thrive. 

LCT 

2023 Internatioal Cultural Day 

Một câu chuyện bên lề tưởng cũng nên được chia xẻ ở đây là khi đi vào một  tiệm cà phê gần đó, La Cẩm Tú đã gặp một bà người Việt lớn tuổi ngồi đó. Bà ấy  nói: “Khi nãy nghe bà phát biểu ý kiến rất rõ ràng, mạch lạc và đúng chủ đề về văn  hóa, tôi rất thích. Trái với một vài người khác là cứ nhắm vào mục tiêu chính trị, tôi  cảm thấy như họ nói xa hẳn với chủ đề văn hóa là “Hai Bà Trưng”. La Cẩm Tú khiêm tốn góp ý: “Nhưng tất cả mọi ý kiến cũng đều nhằm tô điểm cho mục tiêu văn  hóa của VNCH của chúng ta,” và chấp nhận lời khen ý nhị của vị đồng hương cao  tuổi bằng một nụ cười thân hữu.

Một ghi nhận rất phấn khởi của cuộc diễn hành văn hóa năm 2023 là có rất  nhiều khuôn mặt của giới trẻ hiện diện trong nhiều bộ sắc phục lộng lẫy và đủ nhiều  mầu sắc rất đẹp, quyến rủ, cách tân đó là những tà áo dài phụ nữ với vóc dáng truyền  thống nhưng may theo kiểu mới với cổ tay, thân áo, quần dài, sít sao ôm lấy những  tấm thân mảnh mai, duyên dáng đầy gợi cảm và rất bắt mắt. Rất nhiều người ngoại  quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ấn Độ, nhiều người thuộc sắc tộc Á Châu, Phi Châu vợ chồng, con cái, trẻ em dẫn nhau đi dọc theo hai đại lộ dành cho đoàn diễn hành đã 

vẫy chào đoàn diễn hành Việt Nam trên hai chiếc xe hoa trang trí công phu, đẹp đẽ và có ý nghĩa. Rất nhiều chiếc áo dài VN cách tân của thanh niên và thiếu nữ, đủ màu sắc đỏ, vàng, xanh hoặc tím, thêu rồng phượng sặc sỡ, thanh tú, rất mỹ thuật đã được mang trên nhiều vóc dáng nhanh nhẹn, những khuôn mặt đẹp trai hay những  

tấm thân ngà xinh xắn, tươi vui nói lên niềm hãnh diện của người Việt Nam tại hải  ngoại trong cuộc diễn hành này. Tôi ngước mắt nhìn một thanh niên mang biển “Ban  Trật Tự” với chiếc áo dài mầu đỏ thêu hình con rồng vàng dày cộm trên ngực mà thấy vui trong lòng… 

Hình như hai chiếc xe hoa được trang trí theo chủ đề “Hai Bà Trưng” cũng  chưa đủ nói lên được tính lịch sử của biến cố chống xâm lược, một đoàn xe mô-tô Harley tiếng nổ vang trời đi cuối đoàn diễn hành với lá cờ vàng ba sọc đỏ cùng với  quốc kỳ Hoa Kỳ làm chấn động cả một vùng đường phố rộng rinh của thành phố thương mãi New York… 

Chúng ta học sử, nghiên cứu lịch sử là để học hỏi kinh nghiệm và tôn trọng  sự thật, như Cicero (106-43 trước Công nguyên) một chính khách và nhà hùng biện  cổ La mã đã từng nói: “Luật đầu tiên của lịch sử là không được nói gì mà không  đúng với sự thật, và không có gì thật mà không nói đến” (Primam esse historiae  legem, ne quid falsi dicere audeat, ne quid veri non audeat). 

Nguyễn Đức Cung 

Philadelphia 

15/6/2023 




Không có nhận xét nào: