Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***

Làng


Chúng tôi chỉ nói đến những tiếng Việt gốc, do hay không do tiếng Tàu mà ra. Nhưng nếu nó không do tiếng Tàu mà ra thì tự nhiên nó thành hình, hay do ngôn ngữ nào khác? Về điểm đó, chúng tôi chưa kịp học cho tới nơi, những công trình ngôn ngữ học của người Pháp cho rằng tiếng Việt có họ hàng với tiếng Thái cũng chưa chứng minh được gì. 


Nhưng tiết lộ sau đây có thể làm quí vị ngẩn ngơ suy nghĩ. 

Là danh từ làng của ta là tiếng Mã Lai đấy. 

Người Mã Lai đọc là T'Làng.


(Bình Nguyên Lộc - Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)


Miếu là gì? 


Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu. Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn Thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy Thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu Thổ Thần.


Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, 

không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. 

Miếu nhỏ được gọi là Miễu.



Tại sao gọi người Bình Định là “dân Nẫu”

Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định – Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.


Vì đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định – Phú Yên) không phân biệt cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. 

Bởi vậy, “Nậu” hay được phát âm là “Nẫu”.


(Nguồn: Bình Định xưa / Dansaigonxua)



Phù dung, phù du

Phù là nổi lên mặt nước, còn có nghĩa khác là hư không.

Phù dung là một loại cây sống trong nước. Lá to, hoa đỏ, trắng hay vàng. (Lý Bạch cho "phù dung" là một loài sen)


Phù du là tiếng Hán, tiếng Việt là con vờ vờ ban ngày bay ở trên mặt nước, tối hay bay ở gần bóng đèn và mau chết. 

Phù dung và phù du chỉ đời sống ngắn ngủi, vô thường.


Về trong phố xưa - 1

Trong cuộc sống mỗi người đều để lại dấu vết, vết thương yêu là đậm nhất. Một ngày ở Virginia, chợt bắt gặp lại hình ảnh một họa sĩ vóc dáng mảnh khảnh, khuôn mặt trầm tư, gầy, đôi mắt sâu, sáng, dăm sợi râu bạc, với hai bàn tay dài tài hoa, đang chậm rãi đi những đường viền đen đậm trên bức tranh đang vẽ, phố Hà Nội; một cảnh thoáng qua trong băng video “Hà Nội Trong Mắt Ai” của Trần Văn Thuỷ, cùng với “Chuyện Tử Tế”.


Trong nhiều năm, Bùi Xuân Phái đã miệt mài theo đuổi một đề tài lớn nhất trong đời: Hà Nội. Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái của phố cũ Hà Nội đó. Hà Nội của lần đầu tiên tôi xuống ga Hàng Cỏ những năm 80, lang thang đây đó theo dấu vết của Tự Lực Văn Đoàn, của Thạch Lam, Nhà Mẹ Lê. Nhớ vô cùng, nhìn lại gương mặt trầm buồn của anh. Bây giờ thì anh đã nằm sâu dưới mộ, mới đó mà đã 22 năm.



(Đinh Cường)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ngửi mùi hoa sữa
(Nguồn: Tôi đi đâu)



Về trong phố xưa - 2

Nhớ buổi sáng cùng bạn bè ngồi uống cà phê lề đường ở Đa Kao, nghe tin anh mất, tôi ngậm ngùi, trở về nhà ngồi im bên chiếc giá vẽ với bức tranh đang dở dang.



Lúc đó là tháng Sáu, 1988, anh được mời đi Paris triển lãm tranh, cùng với hoạ sĩ Bửu Chỉ ở Huế. Vậy mà anh đành bỏ cuộc… Nghe Dương Tường ở Hà Nội vào kể, anh bị viêm thanh quản không nói ra tiếng, khi bác sĩ đến nhà khám bệnh, anh chỉ bút đàm, và gạch dưới câu viết: “Con người không thoát khỏi số phận”, gạch nhiều lần dưới chữ “số phận” 


Nhớ đến anh, nhớ đến một hoạ sĩ tài ba, bình dị, mang đầy âm sắc của Hà Nội. Và không hiểu sao, hoạ sĩ Văn Đen ở Sài Gòn cũng trùng chứng bệnh như vậy, viêm thanh quản, anh chỉ bút đàm những ngày cuối đời, một hoạ sĩ vẽ sơn dầu chắc nịch, vững vàng, những nhân vật trong quán nước, quán rượu bình dân, những chiếc siêu đất, vùng thôn quê bình dị miền Nam. Anh có nhiều môn đệ, bạn bè quý mến, cũng qua đời thời gian sau đó…

(Đinh Cường)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn mỳ vằn thắn phố Hàng Chiếu
(Nguồn: Tôi đi đâu)



206 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Nhưng đằng sau nhà tuỳ bút Võ Phiến là ai?


Theo tôi, đó là một nhà nghiên cứu.

Sự khác biệt này đã được Võ Phiến nhận thấy khi ông tự so sánh ông với Nguyễn Tuân và Vũ Bằng. Theo ông, cả Nguyễn Tuân lẫn Vũ Bằng đều viết “tuỳ bút tâm tình” và đều “chủ về cái tâm, không phải cái lý”. Thật ra thì không phải bài tuỳ bút nào của Võ Phiến cũng thiên về cái lý. Tuỳ bút của ông rất đa dạng về đề tài cũng như về hình thức: ông có những bài tuỳ bút gần với thơ văn xuôi; một số bài tuỳ bút khác gần với truyện ngắn và khá nhiều bài tuỳ bút gần với tiểu luận. Ở hình thức nào Võ Phiến cũng có những thành tựu nhất định. Khó nói được đâu là sở trường của ông. 

Chỉ biết, về số lượng, hình thức thứ ba nhiều nhất: chiếm nguyên cả tập Tuỳ bút 1 (1986), trong khi hai hình thức trên được gộp chung, cùng với một số bài thơ, vào tập Tuỳ bút 2 (1987). Hơn nữa, dường như đó cũng chính là nơi dấu ấn của Võ Phiến đậm nhất. Và cũng sắc nhất. 

Làm nên dấu ấn ấy có công lao của một nhà nghiên cứu.


Thử nêu một ví dụ: cả ba người, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và Võ Phiến đều thích viết về các món ăn và thức uống nhưng cách viết của Võ Phiến khác hẳn hai người kia. Trong khi Nguyễn Tuân và Vũ Bằng thường xem các món ăn và thức uống như một nghệ thuật hoặc một hoài niệm, Võ Phiến xem chúng như những phản ánh của tâm hồn một địa phương, một dân tộc hay một thời đại.

Trong khi Nguyễn Tuân và Vũ Bằng say sưa mô tả cảm giác và cảm xúc của họ về những món ăn và thức uống ấy, Võ Phiến lại đăm đăm nghĩ ngợi về ý nghĩa văn hoá và lịch sử của chúng. 


Trong khi Nguyễn Tuân và Vũ Bằng cảm, Võ Phiến luận; trong khi Nguyễn Tuân và Vũ Bằng lúc nào cũng tỏ ra là những kẻ thưởng ngoạn sành sỏi, tài hoa và hào hoa, Võ Phiến hiện ra trên trang viết như một người hay tư lự, đọc nhiều và nhận xét tinh tế


Trong khi Nguyễn Tuân và Vũ Bằng chủ yếu khai thác độ nhạy bén và sự giàu có trong tâm hồn, Võ Phiến chủ yếu khai thác sự rộng rãi của kiến thức và sự sắc sảo của trí tuệ. Nói cách khác, tuỳ bút của Nguyễn Tuân và Vũ Bằng có tính chất phản tỉnh (reflective); tuỳ bút của Võ Phiến, ngay cả những bài tuỳ bút gần với truyện ngắn nhất, cũng hơi nghiêng về tính chất phân tích (analytical): hoặc phân tích một vấn đề, một hiện tượng hoặc phân tích một tính cách nhân vật trong chiến tranh, giữa những biến động khốc liệt của lịch sử. 


(Đi tìm Võ Phiến - Nguyễn Hưng Quốc)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Người khôn con mắt đen sì
Người dại con mắt nửa chì nửa than



Tác giả tiểu thuyết Cậu chó - 1


Trần Đức Lai, tên thật là Bùi Bá Nhân, quê ở làng Do Xuyên, tổng VânTrai, Phủ Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vào nghề viết báo từ năm 1938, làm Thông Tín Viên cho Nhựt Báo Đông Pháp ở Thanh Hóa. Năm 1940, làm Thông Tín Viên cho Nhựt Báo Tin Mới do Nhà Văn kiêm Nhà Báo Tam Lang làm Chủ Bút.


Bắt đầu viết văn từ năm 1942. Truyện ngắn đầu tiên mang bút hiệu Thiềm Cung.


Năm 1951 hồi cư viết cho tờ Quốc Dân, Thăng Long, Bạn Dân. Năm 1952, viết báo Dân Chúng, Dân Nguyện với bút hiệu Tô Văn.

Năm 1955, di cư vô Nam viết cho Nhựt Báo Ngôn Luận, Saigon Mai, ký giả Tô Văn thường viết truyện ma quái trên các Nhựt Báo Dân Chúng, Đồng Nai, Trắng Đen được các văn hữu tặng danh hiệu Ma sư.



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Tướng đi chân bước hai hàng
Nàng thì rộng lượng, còn chàng tiểu tâm



Tác giả tiểu thuyết Cậu chó - 2

Tô Văn Trần Đức Lai người cao to hơn 1,80m, tính tình vui vẻ và rất hoà đồng với mọi người. Khi ấy, tôi vừa là thư ký tòa soạn vừa là người phụ trách trang trong, bổn phận phải nhận – hối thúc hay phải “tám” cho vừa chỗ trống khi không có bài để đăng, vì rằng với tôn chỉ không được để trắng cùng câu “xin cáo lỗi cùng độc giả, hôm nay tiểu thuyết xxxx xin tạm ngưng một kỳ vì tác giả bị bệnh bất ngờ v.v…” thì người phụ trách như tôi phải “trám” tiếp như đã nói (theo kiểu viết nối đuôi), còn như bác Tô Văn tuy không bệnh nhưng thường xuyên nằm “ngậm dọc tẩu” trong con hẻm gần đền Sòng đường Nguyện Thiện Thuật, nên thường trễ giờ giao bài, vì vậy tôi hay chạy đến lấy bài cho typo kịp giờ sắp chữ lên báo.

Nhân đây cũng nói, bác Tô Văn lên đài truyền hình số 9 dẫn chương trình, buổi đó còn có chiêm tinh gia Huỳnh Liên, ký giả Cát Hữu (những người làm bạn với cô ba Phù Dung) cùng “bàn luận” về đề tài tôi đã bỏ hút thuốc phiện như thế nào”.



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Còn duyên kén cá chọn canh.

Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ.



Nguyễn Công Hoan: viết truyện ngắn

Thử tìm hiểu lối kết cấu truyện của Nguyễn Công Hoan. 

Truyện “Cái Kính” kể về nhân vật “tôi” mong được đeo kính cho ra dáng trí thức, bỗng cảm thấy mắt hóa mờ, vậy là tìm đến các bác sĩ để khám. Một loạt những giáo sư, bác sĩ được đào tạo trong nước, ngoài nước khám mắt cho “tôi” và kê đơn cắt những cái kính khác nhau: cái cận thị, cái viễn thị, cái vừa cận vừa viễn, cái loạn thị,... Bởi đeo cái kính nào vào mắt cũng chập chờn hay tối mịt. Hôm nọ, đang mang cái kính mờ mờ ảo ảo thì bước hụt một cái, ngã nhào xuống đất, cái kính văng xa. Khi được người ta đỡ dậy và nhặt kính đưa cho, “tôi” mang vào, thì ôi thôi, mọi cái đều trông rõ mồn một, sảng khoái vô cùng! 

Có ngờ đâu hai mắt kính đã vỡ vụn, không dính vào gọng nữa.

Đoạn kết truyện: 
“Tôi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.
- Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.
- Làm sao?

Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết”. 

(Triều Nguyên)



Ba mươi năm: Khỏang cách và dấu nối

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

Nguyễn Trọng Tạo: Về sự "thống nhất" văn học trong và ngoài nước theo tôi có lẽ chỉ cần một chữ "hay" là đủ.


Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

Nguyễn Trọng Tạo: Tôi muốn các nhà văn hải ngoại nhìn thấy trong túi tôi có rượutrên trán tôi đôi mắt kính được nâng lên.


(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)



Nhượng Tống - 1

Nhượng Tống (1904-1949), tên thật là Hoàng Phạm Trân, vì bút danh Nhượng Tống nên còn được gọi là Hoàng Nhượng Tống. Ông người làng Đô Hoàng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông là nhà văn, nhà báo.

Năm 1927, ông cùng với các đồng chí thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng tại làng Thể Giao, Hà Nội. Năm 1929, theo kế hoạch của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống vào Huế gặp Phan Bội Châu, nhưng khi trở ra thì bị Pháp đón bắt. Hội đồng đề hình tuyên án ông 10 năm tù rồi đày ra Côn Đảo mãi đến năm 1936 mới được tha, nhưng vẫn chịu sự quản thúc tại quê nhà.



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Bàn tay đỏ ửng như son
Không người danh tướng cũng con học hành



Nhượng Tống - 2

Năm 1947, Việt Nam Quốc Dân Đảng tham gia Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Toàn quốc, chống lại chính quyền Việt Minh và ủng hộ giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc Gia Việt Nam. Ông làm cố vấn cho Tổng Trấn Bắc Phần Nghiêm Xuân Thiện. Vì những mâu thuẫn trong giới chính khách Hà Nội, trong nội bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, nên đầu năm 1949, ông lặng lẽ trở về hành nghề thầy thuốc Bắc tại 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội.

Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Nhượng Tống bị công an mật Việt Minh ám sát tại Hà Nội vì bị cho là phản quốc.


Tác phẩm dịch của Nhượng Tống:

- Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1962; tái bản sau 1975: Văn học, 2001);

- Khuất Nguyên, Ly Tao, 1944 (in lại trong: Khuất Nguyên, Sở từ, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch, Hà Nội, Nxb Văn học.

- Thơ Đỗ Phủ, Hà Nội: Tân Việt, 1944 (tái bản sau 1975: 1996);

- Sử Ký Tư Mã Thiên, Hà Nội: Tân Việt, 1944;

- Vương Thực Phủ, Mái Tây (Tây sương ký), Hà Nội: Tân Việt, 1944 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt; in lần 3: Sài Gòn: Tân Việt, 1963; sau 1975: Văn học, 1992);

- Tào Tuyết Cần, Hồng Lâu Mộng, 1945;



Cuộc di cư của chữ nghĩa

Huyền thoại về việc xây tháp cổ Babel phải chăng là một bằng cớ báo trước về sự sa đà của ngôn ngữ, chữ nghĩa và đến cả số phận của nó nữa. (1)
Số phận chữ nghĩa, cái sống, cái chết của nó là sống mòn, chết mòn, chết từ từ. Mỗi ngày của nó là một bước ngắn lại. Cả làng, cả nước đang dùng, vậy mà không đâu biến đi đằng nào. Từ mòn đến là hay, nó gợi lên văn ảnh của một đồ vật mới đầu bóng loáng, sáng choang, mầu sắc rực rỡ, hấp dẫn người ta. Ai ai cũng mê, cũng nói, cũng dùng. Chữ trở thành thời thượng. Càng được dùng, càng nhiều người nhắc đi nhắc lại, càng phổ biến thì cái nguy cơ mất lúc nào không hay. Chữ vẫn đó, mà nghĩa đã mất dần. Cái xe chở chữ, lúc chở chữ này, lúc khác chở chữ khác, hoặc dán nhãn hiệu khác. Nó đã chở như thế bao nhiêu chuyến, đã thay hình đổi dạng bao nhiêu lần.

Nói như thế thì chữ mòn hay nghĩa mòn. Cái nào mòn trước, cái nào mòn sau. Chữ là cái chuyên chở nghĩa và một chữ có thể có nhiều nghĩa, tùy theo vị trí của nó trong câu nên nghĩa dễ bị mòn hơn chữ. Chẳng hạn, chữ cái con. Chữ chỉ có hai, nhưng nghĩa thì nhiều lắm nên nghĩa lúc thế này, lúc thế khác. Cũng là con, nhưng con dao, con với cái, nhỏ con, con dại cái mang, cỏn con. Nhưng cũng không thiếu trường hợp cả hai đều mệnh yểu.

Chữ càng mòn nhanh nếu nó chuyên chở nhiều nội dung, ý hướng của người dùng.Tất cả tuỳ thuộc vào ý hướng người sử dụng. Nhưng làm sao nắm bắt được ý hướng đó. 

Dĩ nhiên khó lắm. Vấn đề nay đã lây lan sang một chủ đề triết lý là: sự ngộ nhận, sự thông cảm hay sự bất lực trong việc tìm hiểu tha nhân mà các triết gia hiện sinh thường đề cập tới. Vì có dụng ý chữ nghĩa đôi lúc trở thành gian dối, lừa phỉnh và trong chính trị trở thành tuyên truyền. Một thứ bạo lực ngôn ngữ, một thứ vũ khí như con dao, khẩu súng. Chẳng hạn chữ Việt Gian thời Việt Minh, hay chữ Tay Sai Cộng Sản thời bây giờ.

(Đặng Trần Huân)


(1) Theo Thánh kinh, các con của ông Noé muốn xây một cái tháp ở Babel (Thành Babylone) để tới được trời cao. Chúa thấy sự cao ngạo đó nên muốn dẹp tan ý định ngông cuồng đó bằng cách tạo ra sự lẫn lộn và phức hợp của các ngôn ngữ. Quả nhiên ý định xây tháp không thành, vì mỗi người nói và hiểu khác nhau.



Vài ý về dùng chữ trong thơ - 1

Hãy xét ý cách dùng vài chữ sau đây trong thơ” Miên Du

1. Kết hợp Miên Du có thể hiểu trên cơ sở lắp ghép nghĩa của các thành tố tạo nên nó: Miên và Du
-- Du 遊 là "đi, đi xa, đi chơi"
-- Miên có nhiều nghĩa:

- Miên 眠 bộ Mục"ngủ". Theo kiểu nói trong tiếng Việt Miên Du nghĩa là "ngủ đi ".


Nếu theo cấu tạo từ tiếng Hán, thì du là thành tố chính: "đi"; còn Miên là thành tố phụ: "giấc ngủ, trong tư thế ngủ". Nghĩa của cả kết hợp: Đi vào giấc ngủ, đi trong tư thế ngủ. Nếu nghĩa "đi trong tư thế ngủ thì mộng du chăng? 

- Miên bộ Mịch 綿 là kéo dài, dằng dặc không dứt. Vậy "miên du" là đi đi hoài.
(Nguyên Lạc)



Chữ nghiã làng văn 

Tôi đã nhận ra điều ấy từ lâu. Ngay lúc còn trẻ, những năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, lòng nhen nhúm chút ước mơ viết văn, tôi đã tập tành viết câu. Dạo ấy, tôi viết mỗi ngày, trong các cuốn vở học trò, dưới một nhan đề chung Nghĩ dọc đường đời

Mỗi ý nghĩ được cô đúc trong một câu, hoặc nhiều nhất là đoạn. Trong mỗi câu (hoặc mỗi đoạn), tôi cố gắng nhắm đến hai điểm: Một, về ý, thật hàm súc, để câu văn vừa có nhiều dung lượng thông tin lại vừa chặt chẽ với một độ nén thật cao.

Và hai, giữa các câu phải có thật nhiều nhạc tính, nhưng không phải thứ nhạc tính du dương, ngân nga, trầm bổng với những hư từ lõng bõng, mà là một thứ nhạc tính cứng cáp, gồm những thực từ, nhiều vần trắc để đọc, người ta có cảm tưởng như nghe những cú đấm chan chát.


Thực hiện điều thứ hai, tôi quan tâm nhiều nhất đến vai trò của các dấu câu. Dấu câu có hai bình diện: Một, về ngữ pháp, nhằm phân hoá ý tưởng cho thật rõ ràng; và hai, về nhạc điệu, nhằm tạo hơi văn. Khi cầm bút, tôi tận dụng thật nhiều loại dấu câu nhạc điệu. Để âm vang câu trước có thể tràn lên câu sau; và âm vang câu sau tràn lên câu sau nữa. Để tất cả cùng ngân lên dồn dập.


(Những ý nghĩ rời - Nguyễn Hưng Quốc)



Vài ý về dùng chữ trong thơ - 2

Giờ ta thử xét các câu thơ sau:


Tôi miên du bước vào hoài niệm

- Câu thơ này có nghĩa sao?: Tôi "đi vào giấc ngủ/ đi trong tư thế ngủ" bước vào hoài niệm hay Tôi "đi đi hoài" bước vào hoài niệm?

- Lại nữa trong câu: 'Tôi "miên du" bước vào hoài niệm" này, “du” 遊 nghĩa là đi, bước đi. Đã có chữ bước rồi sao còn dùng thêm chi chữ bước nữa?


Theo Nguyễn Anh Khiêm (Ký ức sơ sài) thì tiến trình ngôn ngữ như sau: Đủ chữ/ đủ ý: Thoại –> đủ chữ/ nhiều ý: Văn –> ít chữ/ nhiều ý: Thơ. Do vậy trong thơ càng ít chữ mà càng nhiều nghĩa thì thơ càng hay. Để được ít chữ, nhiều khi nhà thơ phải làm công việc "ẩ̉n chữ", để độc giả tự đoán ra.

(Nguyên Lạc)



Ô Cầu Giấy

Cầu Giấy là tên cây cầu bắc ngang sông Tô Lịch đi từ ngã ba phố Kim Mã, đường La Thành (trước cửa đền Voi Phục) vượt qua cầu, tới ngã ba là tới thị trấn Cầu Giấy. 

Còn Ô Cầu Giấy thì là một cửa ô xẻ qua tòa thành đất bao quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa. Cửa ô này gần bến xe Kim Mã bây giờ. Tên Cầu Giấy có từ thời Nguyễn. 

Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Cầu Giấy dài ba trượng, trên cầu có nhà lợp ngói”

Có lẽ sử gia dựa vào nghề làm giấy của làng mà gọi tên cầu.


Chuyện xưa kể rằng, ông tổ nghề giấy dó là Thái Luân từ Tàu sang đã đi suốt dọc ven sông Tô để dạy nghề. Thoạt tiên ông đến làng An Hòa toan truyền nghề. Song có người đối đãi với ông không tốt, ông bỏ đi lên vùng Bưởi, dạy nghề cho làng Yên Thái, cuối cùng là Nghĩa Đô. 


Ở mỗi nơi ông dạy làm một loại giấy riêng. Làng Yên Thái học được cách làm giấy lệnh, tức giấy bản tốt mà khổ lại lớn để viết lệnh chỉ của triều đình. Ở Nghĩa Đô có người họ Lại học được nghề làm giấy sắc là loại giấy dùng để viết thần sắc vua ban. Loại giấy này khi xeo xong còn phải "nghè" tức đặt trên phiến đá rồi dùng vồ đập vào giấy cho giấy được thật mịn mặt và bền

Do đó làng này có tên là làng Nghè ở Nghĩa Đô, Hà Đông



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Truyện” 

Chuyện người bán ngọc – Lê Hoằng Mưu

Lê Hoằng Mưu bút hiệu Mộng Huê Lầu (đảo các mẫu tự họ tên). Ông sinh năm 1879 tại làng Cái Cối, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre. Ban đầu, ông học ở Bến Tre, sau học ở Sài Gòn, rồi gia nhập làng văn, làng báo ở Sài Gòn cho đến cuối đời.

Ông nổi tiếng là một trong số các cây bút tiểu thuyết thuộc giai đoạn phôi thai ở miền Nam. 

Năm Tân Tỵ (1941), ông mất tại Sài Gòn, thọ 62 tuổi.


Với truyện Người Bán Ngọc là Tô Thương Hậu giả phụ nữ bán ngọc để gần gũi và trở thành tình nhân của Hồ phu nhân trong hai năm chồng đi xa. Trước là đồng tình luyến ái. Sau trai gái thật khi Tô Thương Hậu không cầm lòng được đã để lộ cái..."oan gia". 

" …Vén mùng rồi vừa gạt chưn lên giường, xẩy thấy một tòa thiên nhiên, lịch sự như tiên giáng thế, làm cho người bán ngọc mảng mê nhan sắc trố mắt đứng nhìn (…)... Thấy Hồ phu nhân mê mẩn giấc nồng sổ đầu, nằm bỏ tóc, xấp xả khó gìn cho đặng. Bèn đưa tay rờ rẫm vuốt ve cho thỏa. Không dè, mới thò tay tới bụng sợ phập phồng nó làm cho tấc dạ bồi hồi, tay rung lập cập. Người bán ngọc không dám rờ! Lật đật thục tay vào rồi xây mặt ngó quanh quẩn bên mình... Vuốt qua vuốt lại, rờ xuống rờ lên đôi ba phen mà Hồ phu nhân mê mẩn không hay, người bán ngọc thấy vậy mới dễ ngươi, ái tình lại dối lòng tà dục... muốn kề má hun cho phỉ dạ. Có một điều là rờ rẫm vuốt ve thì không sao, chớ hễ muốn kề má xuống hun, thì lại hườn cựu lệ, trống ngực đánh rầm rầm, chân tay run lẩy bẩy... đổ mồ hôi ướt đẫm như người bị cảm mạo phong sương... dục thúc quá dằn lòng không đặng, người bán ngọc bèn gượng đưa tay ra rờ cái ngọc cốt phi phàm... Rờ tới đâu chết điếng tới đó..." 


(Lê Minh Quốc)



Chữ nghĩa hiện đại hiện thực

Muốn làm chuyện lớn thì đừng làm… lớn chuyện



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ 

Thể lọai “Ký sự”


Hạn mạn du ky – Nguyễn Bá Trác - 1

Nguyễn Bá Trác sinh năm 1881 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Thuở nhỏ ông theo học ở Quảng Nam, năm 1906, ông đỗ cử nhân ở Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Duy Tân của Phan Chu Trinh, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp và năm 1908, ông tìm cách theo du học sinh sang Nhật. Khi chính phủ Nhật giải tán học sinh du học, ông sang Trung Hoa rồi trở về Việt Nam năm 1914.


Năm 1917, dưới sự bảo trợ của Louis Marty, Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong Tạp Chí, chủ nhiệm kiêm chủ bút và Nguyễn Bá Trác đảm trách Chủ Bút phần Hán Văn. Rời tờ Nam Phong, ông làm Tá lý Bộ Học ở Huế, Tuần Phủ ở Quảng Ngãi, rồi Tổng Đốc Thanh Hóa, Bình Định. 

Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, ông bị xử bắn ở Quy Nhơn, Phạm Quỳnh bị xử bắn ở Huế.


Ngoài nhiều bài viết trên tờ Nam Phong, Nguyễn Bá Trác đã biên soạn rất nhiều tác phẩm: v…v…tác phẩm được nhiều người bết đến là Hạn Mạn Du Ký (1920), là ký sự gồm 14 chương kể lại cuộc Đông Du của tác giả trong khoảng 6 năm (1908-1914) từ Sài Gòn sang Xiêm La –  Nhật Bản – Trung Hoa – rồi về Việt Nam.

Hạn Mạn Du Ký trước tiên được viết bằng chữ Hán, sau đó ký sự này được chính tác giả dịch sang chữ Việt và đăng tải ở phần chữ Việt của Nam Phong. Thiên du ký của Nguyễn Bá Trác được ông gọi một cách khiêm tốn là “Hạn Mạn Du Ký” có ý nghĩa “chuyến chơi phiếm” để che đậy một tâm sự. Ông từng là một kẻ sĩ thành danh (đậu cử nhân) theo phong trào Đông Du sang Nhật để tìm đường canh tân xứ sở và giải phóng dân tộc. Nhưng con đường gian lao, sĩ phu có tâm huyết lúc đó chịu áp lực từ nhiều phía dần dần thoái chí và trở về cộng tác với chính quyền Pháp, trong đó có Nguyễn Bá Trác. (trong đó có Sở Cuồng Lê Dư) (1)


(1) Lê Dư tên thật là Lê Đăng Dư, hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở; là nhà nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam. Lê Dư là người ở xã Nông Sơn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khoảng năm 1900, ông cùng với Nguyễn Bá TrácPhan Khôi (anh vợ ông là Phan Khôi) ra Hà Nội học tiếng Pháp, rồi tham gia công tác tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Đông Du. Ông cũng là bố vợ của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan



Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo

Tóc thề em để ngang vai. 
Anh mà đụng tới bụp liền đó nghe



Ao nghiên ruộng chữ: người trăm năm cũ

Thể lọai “Ký sự


Hạn Mạn Du Ký – Nguyễn Bá Trác - 2

Trích đọan: “Một hôm trời đã chiều hôm, hiu hiu gió bể, chúng tôi rủ nhau đi chơi phố. Nguyên quân cao hứng muốn vào tửu lâu, tôi cũng hợp ý; bèn thuê xe đến ngay Đào Đào quán ở trong tô giới. Nguyên quân cả năm không hay uống rượu đã uống thì say, đã say thì hay hát. Hát không hiểu khúc, song tiếng trong mà cao; cứ nghêu ngao mấy câu cổ phong. 

Chiều hôm ấy, rượu ngà ngà, Nguyên quân cũng đứng dậy mà hát. Cách phòng có một người khách, tên là Lưu mỗ hỏi: “Vừa nghe quý hữu hát ấy là điệu gì?”. Nguyên quân nói: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương Nam”. Khách nói: “Nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái”. Nói rồi, liền gọi thằng hầu lấy bút giấy, xin Nguyên quân viết bài hát cho mà xem. 

Nguyên quân cầm bút viết ngay. 

Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương

(…)

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ

Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.


Sau khi trò chuyện, người khách họ Lưu hiểu tâm trạng kẻ sĩ phương nam phải lưu lạc nơi đất bắc vì tiền đồ tổ quốc nên hứa giới thiệu họ vào trường lục quân ở Quảng Tây để theo học. Sau đó bộ ba từ biệt. Tôi với Nguyên quân về nhà trọ rồi, ngao ngán cho cái tiền đồ của mình, đã trải mấy lần tìm đường lướt sóng, mà nay hãy còn lênh đênh trong sông khổ bến mê; ở đời không sợ hoạn nạn, chỉ lo hư sinh. Như mình đã bôn đông tẩu tây, ăn cay uống đắng, có phải là sợ hoạn nạn đâu, chỉ sợ chí lớn tài hèn, chiếc thân lưu lạc; rồi đây chẳng làm nên công trạng gì, đem nắm xương tàn, gửi với cỏ cây nơi đất khách, nhân sinh đến thế thời cũng đáng thương cho đời lắm thay! Hai người cứ ngơ ngẩn nhìn nhau, ngổn ngang trăm mối, tiền đồ chưa quyết là làm sao. 


Nguyên quân lại nói: ‘Thôi! Tôi với anh, kể từ hôm nay vi thủy, hẹn bốn năm nữa; còn nghĩa bằng hữu, tình cố quốc, hãy để một bên, bốn năm sau ta sẽ định’”. Thương nghị rồi, chuông đã năm giờ, chúng tôi đi nghỉ.



Học lại chữ Hán 

Câu chuyện dưới đây, tôi đã nghe gần mười cụ kể lại, nhưng vẫn cứ nghi ngờ. Vì nghi ngờ nên phải kiểm soát, và nhờ kiểm soát, nên sự thật mới xuất hiện. Các cụ kể rằng ngày nay, ai mà có được một cái nghiên mực Tàu làm bằng ngói của Cung Vị Ương đời nhà Hán, thì người đó trở nên khá giả ngay tức khắc, bởi giá thị trường của loại nghiên mực ấy có thể lên tới năm mươi nghìn bạc (tiền Việt Nam trước 1975). Các cụ giải thích thêm rằng dưới đời nhà Hán, văn hóa Tàu lên cao tới đỉnh. Bất kỳ cái gì, cũng hay, cũng giỏi, cũng khéo, kể cả công nghệ nhỏ là công nghệ làm ngói cũng vượt bực, mà công nghệ về sau không sánh kịp.


Tôi nghi ngờ vì tôi được xem sách khảo cổ về Trung Quốc của Pháp, họ có chụp hình rất rõ ngói của đời nhà Hán, những mảnh ngói đào được rải rác nơi nầy nơi nọ, và được khoa học định tuổi là ngói ấy chế tạo vào đời nhà Hán. Đó là ngói mỏng, y hệt như ngói ngày nay của Tàu hay của ta. Có thể nào mà biến chế loại ngói mỏng ấy ra thành nghiên mực được chăng ? 


Cái nơi lõm của các nghiên mực có cạn lắm cũng phải sâu được một phân tây trong khi đó thì ngói nhà Hán cũng chỉ dày tối đa có một phân tây mà thôi. Nếu mài ngói để tạo ra vũng chứa mực, chứa bông hút mực, thì bề sâu của vũng sẽ choán hết bề dày của ngói, tức ao mực ấy sẽ không dày được, và sau vài tiếng đồng hồ thì mực sẽ thẩm lậu qua cái đáy ao, đáy này chỉ còn là một lớp đất nung dày không tới một ly tây.

(Bình Nguyên Lộc)



Nỗi băn khoăn của “trái” và “quả” trong tiếng Việt 

Dùng chung cho trái cây, người miền Nam có "trái" (người miền Bắc nói "quả"): trái chuối, trái xoài. Loại hoa trái hay sự vật nào đơm thành chùm, thành nhúm, loại từ cứ vậy mà biến dạng: chùm nho, chùm hoa, chùm chìa khoá, nhúm tóc, chùm lông … 

Riêng trứng gà, trứng vịt, Bắc nói "quả ", Nam không nói "trái" mà dùng từ "hột"; Bắc đa sự: "quả trứng gà", Nam ngắn gọn: "hột gà". "Hột" hay "hạt" (giọng Bắc) còn là loại từ dành cho những mầm cây trái (có thể suy ra, vì lẽ đó mà người miền Nam nói "hột gà", "hột vịt" chăng?): Hạt na, hạt nhãn, hột sầu riêng, hột xoài, … Nhỏ hơn có: hạt tiêu, hạt vừng, hột gạo, v.v…Và, ngay cả những mảnh vụn của tổng thể: hạt sạn, hột cát, hạt mưa… là những thứ không có mầm miếc gì ráo.



Ca dao Việt nam có những câu tỏ tình mặn mà:

Hột muối mặn, ba năm còn mặn. 
Lát gừng cay, sắc chín nước còn cay. 

(Ngô Nguyên Dũng)



Thành ngữ tục ngữ… sai 

Nhân nào quả ấy 

Ý nói Con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ.\

Hoàn toàn sai ! “Nhân nào quả ấy” thực chất là luật “nhân quả”, nhà Phật gọi là nhân duyênquả báo: Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân. Quả báo lành là do nhân duyên lành, quả báo dữ là do nhân duyên ác. Ví như gieo giống (nhân) ngọt thì sinh trái (quả) ngọt; gieo giống (nhân) đắng thì sinh trái (quả) đắng. 


Nói đến nhân quả là nói đến quy luật tất yếu, đâu chỉ là “con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ” như cách giải thích của GS.

(Hoàng Tuấn Công)



Những đòn trừng phạt bằng chữ nghĩa

Làm quan, Nguyễn Công Trứ được dân chúng cảm phục, quý mến nhưng cũng bị không ít kẻ ghen ghét, hãm hại, khiến cụ đã bao phen lên voi xuống chó. Nhưng là một văn nhân nhân văn, những ân oán đó cụ không trả bằng những mưu mô thảm độc, máu chảy đầu rơi, mà chỉ bằng trí tuệ sắc sảo, bằng lời nói thâm thuý đôi khi cay độc - những đòn trừng phạt bằng chữ nghĩa nhiều khi còn đau hơn hoạn, có khi còn hơn cả án tử hình!


Sau đây là một vài câu chuyện.
Với quan tỉnh Bắc Ninh

Tương truyền, một trong những người đã từng vu khống Nguyễn Công Trứ là quan Tổng Đốc Bắc Ninh họ Phạm, và Nguyễn Công Trứ đã trừng phạt như sau:
Trong một bữa tiệc có quan Tổng Đốc Bắc Ninh cùng dự, khi chén rượu đã ngà ngà, đáp lời mọi người mời mọc, thúc dục kể chuyện vui, cụ Trứ nói:
- Thưa các quan, cách đây mấy năm, khi đương làm quan ở đất Bắc, nhân đi hành hạt tại huyện lỵ Nam Sách gặp một đứa bé con mới lên bảy tám tuổi mà thông minh linh lợi khác thường, tôi liền ra cho nó một vế đối Nôm: Lời vàng quan tỉnh Bắc Ninh. Không ngờ, chẳng cần phải nghĩ ngợi lâu, nó ứng khẩu đối luôn: Cửa ngọc bà huyện Nam Sách. Chà, “Lời vàng” đối với “cửa ngọc”, “quan tỉnh” đối với “bà huyện”, “Bắc Ninh” đối với “Nam Sách” thì còn chê làm sao được! Tôi liền thưởng cho nó một quan tiền. 


Nghe chuyện, các quan đều phá ra cười, chỉ có quan Tổng Đốc Bắc Ninh họ Phạm thì đỏ mặt tía tai, cố ngồi nín thinh cho qua bữa tiệc.

(xem tiếp kỳ tới)



Nhà thơ Thành Tôn và những quyển sách thủ công

Theo nhà thơ Trần Yên Hòa: “Có thể nói anh là một người có đầy đủ sách nhất. Điều này tôi chỉ biết qua nhận xét của tôi thôi. Anh mua đủ loại sách, dù có những quyển sách anh không thích nhưng anh vẫn mua về để làm tài liệu. Những sách cũ của các tác giả xuất bản ở VN truớc 1975, qua cuộc đổi đời 75, khi ra đi không mang theo đuợc. Thế mà hỏi Thành Tôn, anh lại có, như những tập thơ của Du Tử Lê chẳng hạn. Khi Du Tử Lê in toàn tập thơ Du Tử Lê, Thành Tôn đã cung cấp cho Du Tử Lê những tập thơ cũ mà Du Tử Lê không còn. Hay bây giờ, nếu một bạn văn nào đó cần tài liệu cũ, Thành Tôn đều có và cho mượn ngay. Đến nhà anh, anh cho xem những tác phẩm của các nhà xuất bản An Tiêm, Ca Dao, Lá Bối… mà anh đã đem theo và còn cất giữ, mới thấy được hết tấm lòng của Thành Tôn đối với chữ nghĩa, sách vở. Anh kể, khi anh đi Mỹ, quan trọng nhất là 2 thùng sách anh mang theo, sau đó mới là những vật dụng cá nhân cho gia đình.


… Nhà thơ Thành Tôn còn cho thấy, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi, những gì ông có. Dù đó là những cuốn sách mà ông sưu tầm, nâng niu, như những đứa con quý báu nhất của ông” (Thành Tôn: Một thời làm thơ, một đời mê sách – Trần Yên Hòa).


Cầm tập thơ phó bản “Mật Đắng” của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trên tay, lần giở từng trang và đọc lại những bài thơ kỷ niệm của một thời, tôi thấy vị Trung (thượng) niên thi sĩ ngồi bên cạnh tôi quả thực thật đáng yêu vì những gì ông đã làm. Với tôi, đây là bài thơ đầy ý nghĩa của một người yêu sách yêu chữ hết lòng hết sức, chỉ biết cho đi làm niềm vui lúc nào cũng lấp lánh trong đôi mắt đầy những tia nắng ấm áp kia. Vậy thì Thành Tôn đâu cần phải tiếp tục làm thơ mới được người đời… tiếp tục gọi là thi sĩ.


Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ đã tự mình “trình bày bìa, sắp chữ, đạp máy in, đóng, cắt, và phát hành” cho tập thơ đầu đời của mình. Nay, bất chấp thế giới kỹ thuật đang chi phối mọi lãnh vực đời sống ngoài kia, nhà thơ của chúng ta vẫn miệt mài với chụp, cắt, dán, đóng những trang sách cũ bằng đôi tay khéo léo của mình. Chỉ để mang niềm vui đến cho anh em bằng hữu thân sơ.


Chẳng phải đó cũng là ước muốn của thi nhân khi chau chuốt từng vần thơ gởi đến cho đời hay sao?


(T.Vấn - Nguồn: Thư Viện Sáng Tạo)



Làm báo văn học ở hải ngoại 


Như thế, với nhiều công sức tài lực của nhiều anh chị em, Hợp Lưu ra mắt số đầu tiên đầu tháng 10 năm 1991.


Tám năm trôi qua. Bao nhiêu sóng gió. Nhất là giai đoạn đầu, gần như tuần nào, tháng nào, trên hầu hết các tờ báo, Hợp Lưu và nhóm chủ trương, nhất là tôi... cũng bị đem ra làm bia tập bắn. Nhẹ, lời lẽ ôn hoà xây dựng; nặng, bỉ thử thô lỗ, có khi mang cả đời tư của chúng tôi và những hệ luỵ cật ruột ra bêu rếu, ném bùn. Nhiều tháng liền, cách vài ba đêm, giữa khuya, một cú điện thoại từ đâu đó gọi tới, đòi "đốt nhà, ném lựu đạn, bắn bỏ" cái kẻ "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản", cái bọn "nằm vùng, đâm sau lưng chiến sĩ". Ban đầu, thấy mọi người thân trong gia đình lo sợ, khủng hoảng, tôi định đổi số phone. Nhưng nghĩ lại, vô ích, một tờ báo tất phải có địa chỉ và số phone tòa soạn. Làm sao giấu được. Vả, nghĩ xa hơn, tôi thấy hành động như thế nào khác gì trốn lánh, đào thoát. Hèn quá. Vì thế, tôi quyết định... chịu trận. Có khi cao hứng, tôi chọc lại bằng cái phong cách rất... nhảy dù: hẹn các đấng hùng anh kia đến một công viên nào đó chọi tay đôi, hoặc đấu súng đấu dao tùy chọn lựa, bảo đảm không báo trước với cảnh sát. Tất nhiên tôi biết thừa: phàm những anh đấu võ mồm hung hăng nhất đều có những lá gan bé nhất, nên chẳng bao giờ tôi được hân hạnh "biểu diễn võ công". Và món võ lì này có hiệu quả. Gọi mãi, chửi mãi, hăm dọa mãi, vẫn thấy Hợp Lưu xuất hiện đều đặn, đúng kỳ trên các sạp báo ở các nhà sách. Những cú điện thoại thưa dần, rồi dứt hẳn.


Nhiều năm trôi qua, Hợp Lưu không chết, trái lại, mỗi ngày thêm vững vàng, nhờ lực lượng sáng tác được bổ sung đều, và nhờ độc giả tìm đọc ngày thêm đông. Cơn hấp hối (nhiều anh chị em đồng nghiệp ở xa vẫn nghĩ thế, vào những năm đầu) của Hợp Lưu thực sự đã bị đẩy lùi. Tờ báo đang sống, tờ báo sẽ sống, bình thường, như rất nhiều anh em đồng nghiệp khác.


Viết về những tình cờ định mệnh đẩy đưa một người cầm cọ đến cầm bút, và viết về kinh nghiệm đã trải qua trên mười năm "tắm gội" trong nghiệp báo, tôi nghĩ, cũng là một cách nào đó, tự trả lời cho chính bản thân một câu hỏi, rằng từ lúc chọn chữ nghĩa như nghiệp dĩ thứ hai, liệu tôi có lỗi lầm nào đáng chê trách? Tôi nghĩ, hình như có. Đó là, nhiều lúc tôi cảm thấy nản lòng, muốn buông trôi, bỏ cuộc. Nhiều lúc khác, không dằn được bức xúc do mọi sức ép tăm tối bên ngoài, tôi đã thả lỏng ngòi bút của mình, mặc cho những cơn giận dữ cuốn đi. Thuở còn sinh tiền, nhà văn Mai Thảo thỉnh thoảng vẫn bảo: "Chữ nghĩa đẹp đẽ lắm cơ. Còn sống với chữ nghĩa thì phải cố mà nuôi dưỡng nó cho đàng hoàng."

Sống đàng hoàng với chữ nghĩa, tôi cho là điều khó khăn nhất, và cũng là điều cần nhiều nỗ lực nhất, đối với một người cầm bút.


(Khánh Trường)


Tiểu sử: Khánh Trường tên thật: Nguyễn Khánh Trường. Sinh năm 1948 tại Quảng Ngãi, hiện định cư ở California.

Khánh Trường là họa sĩ, viết văn, chủ bút tạp chí Hợp Lưu), làm thơ

Tác phẩm: Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng, Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại 1975-1995, Buồn Ơi, Tôi Bỏ Tôi Chìm Đắm, Chung Cuộc.


***


Phụ đính I


Như giấc chiêm bao 

Đã có lần Trịnh Công Sơn phát biểu bằng văn bản: "Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông, chúng ta phải luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn cuộc sống."

Trịnh Công Sơn đã khẳng định quan niệm đó qua hơn 600 (1) ca khúc mà anh sáng tác suốt 42 năm ròng, từ bài hát Ướt Mi công bố năm 1958. 


(1) Phụ bản: 

Có tác giả ở Paris lọc lựa thì Trịnh Công Sơn chỉ có 282 ca khúc.


Thế nhưng, càng về sau, anh càng mải mê với "trò chơi sắc màu". Kết quả là hàng loạt tranh bút sắt, màu nước, phấn tiên, sơn dầu ra đời. Tôi chất vấn:

- Tại sao?

Anh đáp:

- Xét kỹ thì ca khúc vẫn phải sử dụng âm thanh, ngôn ngữ. Mà niềm vui nỗi buồn dậy lên trong lòng, đâu phải lúc nào cũng diễn đạt được trọn vẹn bằng lời, bằng giai điệu? Do đó, lắm lúc mình phải nhờ hội hoạ để vươn tới cảnh giới vô ngôn, vô thanh.


Nói thì nói vậy, song chính Trịnh Công Sơn nhiều khi quay về "khởi thuỷ là lời": anh làm thơ, viết đoản văn. Tôi nhớ dạo tháng 10-1998, đến viếng linh cữu Bùi Giáng quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, Trịnh Công Sơn nổi sáng tác lục bát và ghi vào sổ tang:

Bùi Giáng Bàng Giúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hoá ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô hạn ứ ừ viễn vông.


Anh hỏi tôi:

- Phanxipăng thấy mấy câu ấy thế nào?

Tôi im lặng, mơ hồ linh cảm "một lời là một vận vào...". Dường đoán được tâm tư tôi, anh cười:

- Hồi còn rất trẻ, mình từng tập trung suy nghĩ về sự chết và mạnh dạn đề cập trực tiếp đến cái chết. Không chỉ một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời...


Giấc chiêm bao của Trịnh Công Sơn, buồn thay, hôm nay đã trở thành sự thật! Ông mất tại Sài Gòn, chủ nhật 1-4-2000.


(Phanxipăng)


***


Phụ đính II


Họan quan

Trong khi người đàn bà được chờ đợi ấy cởi áo quần, thái giám bước vào, cầm một áo khoác màu đỏ không có tay và quấn nàng vào trong áo choàng. Những hành lang có âm vọng của bước chân đi qua, thái giám bước nhanh, ôm chặt trên ngực của báu ấy. Dừng chân lại. Ánh sáng lờ mờ, hơi thơm thoang thoảng, thái giám đặt khối nặng ấy vào trong cái mơn man của nhung lụa trên một cái giường. Sáng hôm sau, người thái giám đứng canh trong đêm, mang mỹ nữ đang thiêm thiếp trở lại khuê phòng.


Thái giám lại làm tờ trình để xác nhận trong trường hợp xảy ra thụ thai. Điều bắt buộc trước lúc trở lại khuê phòng là người phụ nữ đã được vua "ngự dâm" ấy nằm trong áo choàng và được đưa đến trình diện nơi một cái bàn thờ để cầu thần phù hộ cho việc làm của vua.

(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)



Họan quan

Trong bài "Thái giám - loại người phục vụ đặc biệt trong cung Nguyễn", Nguyễn Đắc Xuân viết: Việc chọn lựa người để ân ái do vua quyết định. Nhưng các thái giám cũng có nhiều "mánh khóe" để có thể "tiếp thị" với nhà vua nên chọn bà nào. Do đó, nhiều thái giám hay được các bà đút lót để được vua "sủng ái" nhiều lần. Có nhiều bà do khinh thường thái giám nên suốt cả cuộc đời ở trong cung cấm vẫn không một lần được thấy mặt vua…


Thái giám là những người thân cận nhất của vua và biết rất rõ về đời tư của vua. Vì vậy, để tránh sự lộng quyền của các thái giám trong cung cấm, nhà Nguyễn đã sử dụng hệ thống thái giám trong cung vào những việc sai vặt chứ nhất định không cho can dự vào triều chính. Bởi lẽ trước đó, nhà Nguyễn đã rút ra được một bài học về sự lạm quyền của cận thần thái giám Lê Văn Duyệt thời Nguyễn sơ.


(Nguồn Tổng hợp: T.H và VTCNews)











Không có nhận xét nào: