Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

           Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Chữ là nghĩa


Cũng gần sông Trẹm có con kinh Cán Gáo. 

Tôi chẳng thấy có cây gáo mà cũng chẳng giống cái cán gáo múc nước! Ngẫm nghĩ ra thì đúng là mấy ông Tàu vào cửa này để ăn sáp ong và lông chim. 

Cảng Khẩu: mấy ông Tiều và Minh Hương phát âm là cán gáo.

(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)


Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Cho đến giờ, sau hơn 70 năm ra đời, có nhiều giả thuyết về nguyên mẫu của "cô hàng cà phê" trong bài hát nổi tiếng của Canh Thân. Người thì nói rằng đó là cô Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, con ông bà Thăng Long chủ quán ở chợ Đại - Cống Thần (giáp ranh Hòa Bình - Hà Nam), sau tản cư tiếp vào vùng Chợ Neo, Thanh Hóa, để rồi cuối cùng cô bén duyên với nhạc sĩ Phạm Duy. 

Tuy nhiên, chính Đoàn Chuẩn lại hé một câu chuyện khác: chàng cùng Canh Thân đều đem lòng yêu cô Nhung là chủ quán Thanh Hương ở vùng liên khu Ba, thế rồi nảy sinh các ca khúc để đời như Cô Hàng Cà Phê, Tình Nghệ Sĩ và Mộng Chiều Xuân. Vả lại, quán Thăng Long bán phở!

  (Nhạc sĩ Lê Văn Thương)



Sông Thương

Sông Thương – Một con sông ở bên Tàu. Khi bị trích ở Thương giang, Đỗ Phủ có câu thơ “Nhất ngọa Thương giang kinh tuế vản”.

 

Ở Bắc Kỳ gần biên giới Tàu, cũng có một con sông tên gọi là sông Thương chảy vào sông Thái Bình. 

Ca dao có câu: 

Ai lên xứ Lạng cùng anh

(…)

Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương

Ý ở Lạng Sơn, mơ tưởng đi đò sông Thương về với người thân.

(Phan Mạnh Danh – Thập ngũ san)


228 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Ban chấp hành Hội Nhà Văn xuất bản “Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi đến lớp nhà văn vừa được kết nạp… Điều quan trọng cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “Nhà văn Việt Nam hiện đại” mà lại không có Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh,… 


Đã đành, trong điều kiện Việt hiện nay, việc đánh giá tác giả, tác phẩm văn học khó tránh được sự chi phối của ý thức hệ, nhưng chúng ta đều biết, văn học còn có những giá trị trường tồn, vượt qua ý thức hệ. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay “Chí Phèo” của Nam Cao là những bằng chứng hiển nhiên rằng: Trong một chế độ phản tiến bộ, vẫn có nhà văn viết nên những tác phẩm có giá trị lâu bền. Đã đến lúc, cần phải đặt thẳng vấn đề: 


Chẳng lẽ suốt 20 năm (1955-1975), những sáng tác văn học ở miền Bắc đều là thứ “vứt đi”, không đáng đếm xỉa gì đến? Dù biết đây là vấn đề “nhạy cảm” và phải cân nhắc thận trọng, nhưng nhất thiết không thể né tránh vì nếu “khoanh vùng” trong phạm vi các nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, do nhận thức ấu trĩ, đã có thời muốn “vứt đi” những di sản văn hoá tiền nhân để lại, muốn “vứt đi” cả những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
(Nguyễn Khắc Phê - Nhà văn hiện đại)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xỉ: xỉ mắng; xỉ nhục”

Viết đúng phải là “sỉ mắng”, “sỈ nhục” 恥 辱, vì “sỈ” 恥 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã.

(Hòang Tuấn Công)


Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 1

Viết sai chính tả - Vụ Phan Khôi

Trước Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ, Phan Khôi đã chê trách lối viết sai bét chính tả ngay từ hồi 1929 - 1930 trên Phụ Nữ Tân Văn. 

“…Chữ quốc ngữ phát nguyên từ miền Bắc, nhưng kể ra người Annam ta bắt đầu thông dụng nó, học tập nó, làm sách vở bằng nó, thì lại từ miền Nam, tức là Nam Kỳ.

Chữ quốc ngữ hồi đầu chỉ có tín đồ đạo Thiên Chúa dùng mà thôi. Họ lấy nó mà dịch kinh, dịch sách rồi đem dạy trong các nhà trường của họ. Sự đó suốt từ Bắc chí Nam như nhau, không khác; nghĩa là trong dân Annam thì người có đạo Thiên Chúa dùng chữ quốc ngữ trước hết thảy; mà họ lại dùng theo y một lối? Bắc phải theo sự đúng của Nam; Nam phải theo sự đúng của Bắc, từ đó cho đến bây giờ.


- Kể cái công tập tành chữ quốc ngữ, cho quen và rải rác nó cho một ngày một rộng ra ấy là phải kể cho xứ Nam Kỳ.

Tôi muốn nói xứ Nam Kỳ là thầy dạy chữ quốc ngữ cho cả và dân Annam cũng không phải là quá đáng... Mà là thầy thật. Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký (1) và ông Paulus Của. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng Annam. Các ông cũng là học trò trường bên đạo mà ra, cho nên các ông viết chữ quốc ngữ y như người bên đạo, nghĩa là viết đúng…

Hồi bấy giờ chắc người Nam Kỳ phát âm cũng vẫn là không đủ cũng vẫn là lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi, song le các ông viết ra thì phân biệt đâu ra đó, vì vậy các ông mới dám làm tự điển. Mà tự điển của các ông sau rồi trở nên mẫu mực cho người Annam, ai cũng phải dùng, dùng đến cả phía Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ là miền chữ quốc ngữ đã do đó mà sanh ra. 


Mà tôi tưởng, không những hai ông đại sư ấy, lúc bây giờ người Nam Kỳ hễ đã viết quốc ngữ là ai cũng phải viết đúng. Vì hồi đó người ta học quốc ngữ một cách nghiêm túc. Bây giờ thử tìm một vài cuốn sách xuất bản thời ấy mà coi, cuốn nào in cũng hẳn hoi, cho đến dấu ngã dấu hỏi cũng phân minh…".


(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)


(1) Không phải những học giả khác ở Bắc Hà đều đánh giá Trương Vĩnh Ký như Phạm Quỳnh, không kể Lê Thanh đã vào Saigon để tìm tài liệu biên soạn một cuốn về TVK chỉ cần nhắc tới bài biên khảo dài, rất nghiêm túc và khách quan, khoa học của cụ Nguyễn Văn Tố mà cho đến nay rất ít người biết đến đăng trong Bulletin de la Société de l'enseignement mutuel au Tonkin, Tome XVII. 1937. Chỉ những người cỡ cụ Tố mới có khả năng phê bình Trương Vĩnh Ký về nho học, văn học cổ Việt Nam (chữ nho, chữ nôm, quốc ngữ) về mặt chú thích hiệu đính, về ngôn ngữ học... 

Bây giờ chúng ta có làm, mỗi người có thể chỉ làm được một mặt, và có lẽ không hơn gì cụ Tố.



Hỏi nhẹ, ngã nặng

Phan Văn Hùm nổi tiếng về hoạt động chính trị, nhưng ông cũng là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Ý kiến liên hệ thanh với nghĩa được Phan Văn Hùm diễn giải: 

giọng hỏimột giọng gãy, nhưng mà dịu, nên chỉ những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nhẹ, hoặc ngắn, hoặc nhỏ, hoặc dễ v.v. 


Còn giọng ngã, vì gãy mà chìm, nói phải ráng đưa hơi từ trong ngực ra, nên chi những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nặng, hoặc dài, hoặc lớn, hoặc khó, hoặc bền v.v.
Thí dụ, hai chữ mỏng mảnh không thể có dấu ngã được; còn những chữ nặng trĩu, dài nhẵng, phải đánh dấu ngã.


(Nguyễn Hiến Lê - Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam)



Bên lề chữ nghĩa

Theo cuốn “Từ Điển Tiếng Việt” do NXB Bách Khoa Hà Nội:

”nhà xác” là… “nhà vĩnh biệt”


Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua - 2

Chính nhà văn người miền Nam phủ nhận và bỏ qua

Đông Hồ thú nhận đọc Hồ Biểu Chánh phải nhận ông tả đúng đời sống xã hội của Nam Kỳ lục tỉnh... nhưng "đọc thì cũng đọc, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơn tru thẳng tuột hời hợt của ông. Thời kỳ đó, theo quan niệm của chúng tôi viết là làm văn chương mà văn chương thì phải sửa sang gọt dũa, chải chuốt. Đâu là tả thực đâu là tả chân, câu văn cũng phải xếp đặt lại hơn ngôn ngữ thường dân. Tối thiểu phải có một kỹ thuật... Tôi không chịu được văn của Hồ Biểu Chánh. 

Như tôi bây giờ vẫn không chịu nổi văn chương hát cải lương với văn chương của những tiểu thuyết "chưởng" hiện đang thạnh hành. Trong lúc đó thì mọi người chung quanh tôi hoan nghênh nồng nhiệt. Như vậy chứng tỏ rằng quan niệm của tôi sai lầm và cảm quan của tôi lệch lạc. Bởi tôi đã bị thành kiến chi phối và bị truyền thống bó buộc chưa cởi mở được.


Mảng văn học này bị bỏ quên vì không được biết đến. Không được biết đến có thể vì không có mà đọc. Sống ở miền Bắc và ngay sống ở miền Nam, kiếm một bộ Nam Phong thật không khó gì, các thư viện công đều có, thư viện tư nhiều người cũng có, lại có cả bộ Mục Lục đầy đủ đã in ra để tra cứu, nhưng không dễ gì kiếm ra vài số Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm. Trầm trọng hơn, có mà không đọc hoặc ngay cả đọc mà có thiên kiến này nọ thì dù ở xa hay ở gần, đều không thấy gì cả; hoặc chỉ thấy điều mình muốn thấy, nghĩa là những điều đúng theo định kiến... Thực tế hay sự thực như tấm màn chỉ vén lên mở ra, mặc khải trước những cái nhìn sẵn sàng, vô tư và thiện cảm nếu không, nó vẫn khép kín, không buông xuống. Người ta không ưa thích cải lương vọng cổ vì định kiến này nọ không bao giờ thấy được cái hay của cải lương, cảm được cái mùi của vọng cổ...


Kể ra có nhiều thiên kiến lắm. Chẳng hạn: Gia Định Báo à? Rặt đăng tin thông cáo của nhà nước thì có gì lý thú, hay ho mà đọc! Hoặc Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, đó là những tờ báo cổ võ việc làm ăn buôn bán, pha chút văn thơ, đâu phải những tờ báo văn học nghệ thuật, hiểu theo nghĩa "thuần túy văn học nghệ thuật". Truyện xuất bản nhiều đấy, bán chạy như tôm tươi nhưng hầu hết là thứ truyện Tàu phỏng dịch nhảm nhí, "chỉ để giải trí không có giá trị văn chương" (Lê Văn Siêu). 


Còn tiểu thuyết gọi là hiện đại, lấy đề tài Việt Nam thì hoặc là viết theo lối trơn tuột chẳng có chải chuốt gì, nôm na, thô kệch hoặc sai bét về chính tả, làm sao gọi được là văn chương.

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

“Xỉa: xưng xỉa”

Viết đúng là “sưng sỉa”. Đây là từ ghép: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt); “sỉa” = sưng phù lên (mặt sưng mày sỉa).

(Hòang Tuấn Công)


Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 1

Năm sớm năm muộn xê xích ít chút nhưng nói chung hàng năm cứ đến khoảng cuối tháng mười một, đầu tháng chạp dương lịch, khi những chiếc lá bàng chuyển dần từ màu xanh sang màu đồng điếu, trời đất thấm lạnh đôi khi có thể giá rét thấu xương – thứ rét ngọt như người ta vẫn nói – thì cũng là lúc dân làm báo Hà Nội chúng tôi bắt tay vào một công việc thuộc loại vất vả trong năm là chuẩn bị những số báo Tết.


Ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội nơi tôi công tác những năm ấy, có lệ mỗi lần Tết đến, mọi phóng viên trong toà soạn phải góp một bài để số báo có chất lượng. Thơ thẩn còn không ngại, chứ đến truyện ngắn và các mục râu ria như giai thoại, thơ vui, câu đố, cùng nhiều thể tài gọi là tạp nhạp khác, thì quả thật viết đã khó, mà chạy ra bài lấp đầy các số báo cũng không dễ. Hình như hồi ấy, chúng tôi thường bận tâm vì những suy nghĩ nghiêm trang, nên tay nghề xoàng xĩnh và không biết làm hàng như về sau này! 


Bởi vậy vừa dọn dẹp bài vở cho số Tết, vừa nhăn nhó và cứ nghĩ đến việc phải vẽ vời ra cho được dăm ba bài chọc cười mọi người, đã thấy lúng túng, bụng bảo dạ mình thì làm cho ai cười được! Những lúc ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu thường nhìn cánh trực biên tập một cách thương hại, và tủm tỉm:

- Trông kia kìa, chắc cụ Thanh Tịnh đã viết được vài bài rồi, giờ lại đang viết tiếp đấy. Tết năm ngoái, đọc sơ sơ các báo, mình đếm chắc chưa đầy đủ, mà đã có đến chục bài ký tên Thanh Tịnh… Ở nhà này, về khoản làm báo, cánh cầm bút lớp sau cứ gọi là xách dép cho cụ Tịnh cũng không đáng!

(Vương Trí Nhàn)



Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

Xoa: xít xoa”

Viết đúng là “xuýt xoa” (“xuýt” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hay tiếc nuối…).

(Hòang Tuấn Công)


Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 2

Cố nhiên là Nguyễn Minh Châu không nói oan cho Thanh Tịnh chút nào. Đóng góp của ông cho các số báo Tết làm cho chúng tôi ngạc nhiên, vì như bắt gặp một Thanh Tịnh khác so với con người chúng tôi vẫn gặp. Có cảm thưởng như sau một năm dông dài, ông chợt nhớ ra phải làm việc nào đó để bù lại tháng ngày đã mất. Và mỗi lần thấy ông vừa thở phì phì, vừa bước những bước nặng nề đi lại trong phòng để ngẫm nghĩ, rồi thỉnh thoảng lại quay vào bàn ghi ghi chép chép, rồi cười thầm như tự thưởng cho những ý nghĩ hóm hỉnh của mình thì chúng tôi chỉ còn có cách bảo nhau rằng hẳn ngày xưa, một ông đồ già lọ mọ lục lại đống bồ cũ, lấy ra mấy thỏi mực, mấy tờ giấy hồng điều, thử lại vài cây bút mốc meo bấy lâu xếp xó trước khi ra phố bò toài trên chiếu viết thuê các loại câu đối Tết, chắc có cái vẻ mải miết tương tự.


Từ những ngày làm báo Tết ấy, tôi nghĩ rộng ra cả cuộc đời Thanh Tịnh để hiểu về một cách tồn tại độc đáo trong văn học.

Cuộc sống là một sự phân công tự nhiên, thì cũng đã có sự phân công đôi khi rất ngẫu nhiên ấy. Có người đóng góp cho cuộc đời này chỉ như trái ớt quả chanh, thêm thắt tô điểm bên mâm cơm, không có không chết ai nhưng sự thực là thiếu đi, cũng dễ làm cho đời sống mất hết ý vị. Nói thế này không rõ vong linh Thanh Tịnh ở dưới suối vàng có giận không, chứ quả thật, sự tồn tại của Thanh Tịnh thời tiền chiến theo tôi hiểu là thuộc cái dạng một sự thêm thắt không thể thiếu ấy.

(Vương Trí Nhàn)


Thanh Tịnh (1911-1988), tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh).

 

Ông sinh ngày 12-12-1911 tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô Huế. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán đến năm 11 tuổi, theo vào trung học ở Huế.

Đỗ bằng Thành Chung, sau đó làm nghề dạy học. Ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Thanh Nghị.

Thanh Tịnh mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội

Tác phẩm: Quê Mẹ (truyện ngắn, 1941), Chị và Em (truyện ngắn, 1942), Ngậm Ngải Tìm Trầm (truyện ngắn, 1943), Đi Từ Giữa Mùa Sen (truyện thơ, 1973),Thanh Tịnh Đời và Văn (1996).

(Vương Trí Nhàn)


Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

Chúng tôi tiếp tục dẫn ra những ví dụ sai chính tả của cuốn “Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt” GS-TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương; Đại Học Quốc gia Hà Nội).


“Reo: reo rắc”


Viết đúng là “gieo rắc” - từ ghép: “gieo” đồng nghĩa với “gieo” trong “gieo hạt” +rắc” trong “rắc hạt”

  (Hòang Tuấn Công)



Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 3

Đến như đóng góp của Thanh Tịnh trong văn học – một tập truyện ngắn một ít bài thơ, tất cả đều có cái giọng bùi ngùi, và càng bùi ngùi thêm vì loanh quanh toàn kể về những con người hiền lành song bất hạnh – sự đóng góp ấy cũng chỉ là một sự thêm thắt nếu người ta tính đến số lượng ít ỏi của nó. Có điều, nhờ sự thành thật, và cả cái vẻ dịu dàng nhỏ nhẻ, không giống một ai mà rồi những trang văn chương ấy sẽ tồn tại trong tâm trí nhiều thế hệ. 


Sau khi đã đọc bao nhiêu ý tưởng của Nhất Linh và Vũ Trọng Phụng, sau khi đã biết đến cái đậm đà duyên dáng của tiểu thuyết Khái Hưng, cũng như sau khi nghe tiếng nói thâm trầm và điềm đạm của Thạch Lam, người ta vẫn có những lý do riêng, để thỉnh thoảng tìm đến với văn Thanh Tịnh.


Đời xếp anh tôi với Thạch Lam

Ngồi chung một chiếu hội văn đàn

Chao ôi! Chiếu đã hai lần lạnh

Còn lại mình tôi vớí thế gian


Hồ Dzếnh đã viết như thế khi Thanh Tịnh qua đời. Đọc mấy câu thơ người ta cảm nghe được một cái gì giống như lời an ủi về “cùng một lứa bên trời lận đận” của các ông, những ngòi bút không thuộc dòng chủ lưu, nhưng lại làm cho không ai quên nổi.

Thanh Tịnh là thế, là cuốn theo chiều gió, là ngọn cỏ gió đùa, là nương theo sự xô đẩy của hoàn cảnh mà tìm lấy tính chủ động, và hình như càng gặp những điều kiện sống khó khăn, không ổn định ông càng trở nên sinh động tự nhiên và nổi bật lên với khả năng thích ứng. Ngược lại sẽ hiện ra sẽ sống khó khăn thậm chí ông yếu đuối, lạc lõng lúng túng trong những hoàn cảnh ổn định, mọi thứ sắp xếp đâu vào đấy.

(Vương Trí Nhàn)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xòai: xóng xoài”

Viết chuẩn là “sóng soài”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”). 

(Hòang Tuấn Công)



Bản Bolero đầu tiên của âm nhạc Việt 

Bản nhạc được các nhà xuất bản An Phú (Sài Gòn), Tinh Hoa (Sài Gòn) và Tinh Hoa (Huế) in ra nhiều lần thành bài rời; mỗi lần in khoảng 3.000 bản. Năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và đã dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam Tình Ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan Thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch Dương. Cả hai nữ danh ca này có vẻ như rất mến mộ Lê Trọng Nguyễn. 


Sau đó, Nắng Chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á Châu tình ca!

Vậy đó, Nắng Chiều với phong cách rumba bolero đầu tiên đã trở thành bài tình ca đẹp nửa sau thế kỷ thứ 20 trong âm nhạc Việt Nam. Nó thoát hẳn phong cách xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero Mỹ Latin; tạo nên một phong cách bolero Việt Nam chậm và kể lể (lento recitativo), chậm và diễn cảm (lento expressivo). Về sau này, Lê Trọng Nguyễn tiếp tục lối sáng tác ấy để viết hai ca khúc Bến Giang Đầu (Nắng Chiều 2) và Chim Chiều Không Tổ. Hai ca khúc này đều viết với cung re trưởng; chất bolero thật đậm nét. Ông còn là người dung nạp tài hoa các điệu nhạc đặc trưng của Mỹ và đảo Hawaii như jazz, blue, boston rock, slow để viết những bài tình ca khác.


Các nhạc sĩ hòa âm sau này đã hòa âm cho ca sĩ hát Nắng Chiều với các điệu khác nhau như rumba, bolero, calypso, baiao hoặc nhanh hơn chút nữa thì chachacha. Từ năm 1955 trở đi, miền Nam phát triển một hệ tình ca mới chủ yếu sử dụng dòng bolero làm chủ đạo. Nhiều nhạc sĩ khác cũng đồng thời dùng bolero viết tình ca, hình thành hẳn một dòng nhạc bolero trữ tình, đặc sắc, gần gũi với đông đảo người nghe nhạc.


(Vũ Đức Sao Biển)



Sinh phần

Người xưa nói rằng:

"Nhất mệnh, nhì vận, tam âm công, tứ phong thổ, ngũ độc thư".

Ý là số phận con người còn phụ thuộc vào mồ mả và phước đức ông bà, tổ tiên để lại, còn chuyện học hành, cố cho lắm mà không gặp thời vận thì cũng chỉ là tên cuồng nho, mọt sách mà thôi. 

Vì vậy cac cụ ta xưa xây sẵn một sinh phần (huyệt mộ).


Săng

Săng : cây, gỗ

(săng là quan tài bằng gỗ)



Giai thoại làng văn

Từ xưa tới nay chỉ có hai nhà văn nằm xuống được hai nhà thơ bạn của mình làm câu đối tiễn đưa bằng cách ghép tên tác phẩm của nhà văn: Đó là nhà thơ Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn) và thi sĩ Vũ Hoàng Chương.


Bùi Huy Phồn làm thơ tiễn bạn mình là Vũ Trọng Phụng như sau:

Cạm bẫy người, tạo hóa khéo ghen chi, qua Giông tố lại thêm Số đỏ

Số độc đắc, văn chương vừa trúng thế, bỗng Dứt tình không một tiếng vang


Vũ Hoàng Chương có hai câu đối tiễn biệt nhà văn Nhất Linh:

Ngườ quay tơ, Đôi bạn, Tối tăm, Anh phải sống chứ sao Đoạn tuyệt

Đời mưa gió, Lạnh lùng, Bướm trắng, Buổi chiều vàng đâu nhỉ Nắng thu”.


Xuân Sách và…- 1

Tên thật Ngô Xuân Sách.

 

Bút hiệu khác: Lê Hoài Đăng.

Tác giả 4 tiểu thuyết, 4 tập truyện, 4 tập thơ. Trong 4 tập thơ có: 

Nơi đi và đến, Chân dung nhà văn

Người ơi, người ở lại và Cõi người


***

Phố biển. Gió dính vào da thịt, nắng nhăn nhó mặt người. Quán rộng mênh mông. Một mênh mông lặng ngắt trưa hè. Chẳng biết quán đã chán người hay người chán quán. Có lẽ cùng chán nhau. Chúng tôi chọn một cái bàn tít phía trong, dựa lưng vào một hàng lan can bằng sắt. Phía sau là một cái ao hay một cái hồ nhỏ. Cũng chẳng nhớ gồm năm hay sáu người gì đấy. Tất cả đều như những hình nhân.

Hình nhân tôi ngồi giữa, có vẻ đậm đà hơn một chút, nét mặt cố làm ra vẻ gian ngoan, vừa láu cá vừa vô hồn. Bên trái là một bộ xương già lổng khổng, mà thời gian đã nấu thành cao. Mỗi cử động dù chậm rãi, song vẫn nghe như có những tiếng lục khục, va vào nhau giữa các khúc xương. 

Nhân giả ấy mang cái tên trẻ mãi: Xuân Sách. 


Bên phải tôi là cả một cuộc gày gò đeo kính cận dày cộp, nước da xám như đồ đồng cổ, đội mái tóc muối tiêu lòa xòa như tóc giả. Người này ngồi bất cứ chỗ nào cũng như thể đang ngồi trong bụi cây, xem thiên hạ như một vở rối, chỉ muốn từ trong bụi thò cái cổ ra ngoài. Gương mặt xương xẩu tiết kiệm thịt tối đa, nhưng cái vẻ ngạo đời thì không dấu đi đâu được. Nhân giả ấy chỉ có cái tên là lẫn vào với muôn mặt đời thường, tuy vẫn hơi kiêu bởi có độc hai từ cộc lốc: Nguyễn Hòa vcv.

(Phạm Lưu Vũ)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Trừu: trừu mến”

Viết đúng là “trìu mến”. Vì “trìu” biến âm của “tríu”, là thương mến, không muốn rời ra. Việt Nam Tự Điển (Lê Văn Đức) mục “trìu mến” hướng dẫn xem “tríu-mến”: Trìu-mến, yêu-thương như ghiền (nghiện) hơi, khiến quấn-quýt một bên luôn”.

(Hòang Tuấn Công)


Xuân Sách và…- 2

Cũng cần nói thêm một chút, rằng hai nhân giả này tôi hội ngộ đã nhiều lần, lần nào tôi cũng say, đến nỗi không biết lối mà chào hỏi lúc chia tay. Để tới khi tỉnh rượu mới thấy lòng ân hận. Cũng như những quyền lực ngự trị giữa hai kì bầu bán, nỗi ân hận của tôi cũng ngự trị suốt thời gian giữa hai kì hội ngộ, để rồi lần sau lại lặp lại y chang...

Trước mặt ba chúng tôi là hai hay ba người gì đấy. Nom tươi tắn, hớn hở mà vẫn mờ ảo như bị lẫn trong một đám khói sương. Mấy gương mặt lúc nhìn rõ thì lại giống y hệt những tờ giấy bạc. Ôi những tờ giấy bạc hấp dẫn, đầy ấn tượng, hình như nhiều lắm, ở chỗ nào cũng bắt gặp. Giấy bạc ngồi trong quán, giấy bạc trên diễn đàn, giấy bạc ngự trên cao, giấy bạc chạy đầy đường... Xung quanh chúng tôi, nhân loại đang bước vào một canh bạc khổng lồ. 


Nghe họ giới thiệu quê ở một làng nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp. Tôi quay sang bảo vị nhân giả bên trái: “Họ ở đúng cái làng mà ngày xưa bác viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Đội Du Kích Thiếu Niên...” đấy!”. Rồi quay lại, hãnh diện nói với họ: “Đây chính là tác giả cuốn tiểu thuyết ấy”. Những gương mặt giấy bạc “thế ạ” rồi ngẩn ra hỏi nhau: “Quái lạ! Làng mình làm gì thấy có du kích du cót nhỉ?”.

Tôi bật cười vì câu nói ngộ nghĩnh ấy. Bèn nói với vị nhân giả: “Thế là “xong phim” rồi bác nhá”. Rồi buột mồm nghêu ngao một bài hát quen thuộc: “Việt Nam, trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời. Nghe ấm lòng những khi...” Câu hát bị sững lại đột ngột vì có món lẩu vừa đặt lên bàn. Lẩu thập cẩm, đủ các loại thịt, rau tuông vào cốt đánh lừa vị giác. Bất cứ cái mồm nào cũng có thể tìm thấy cảm hứng ở trong đó. Cũng như chúng tôi ngồi đây, lúc nào cũng ra sức tự đánh lừa rằng mình đang sống kiếp người


Ca từ vừa rồi cũng của vị nhân giả ngồi bên trái tên là Xuân Sách ấy. Hình như làm ra cách đây đã già ba chục năm. Tôi ngắm nhìn gương mặt kỉ hà của ông. Gương mặt ấy nói với tôi: 

Thời ấy, nó thế. Thời nó... ấy thế!”.

(Phạm Lưu Vũ)



Nghi vấn văn học 

Tác giả Trần Văn Tích, trong bài ”Từ Hán Vũ Đế tới Hồ Xuân Hương”, có đưa ra nghi vấn về bài ”Thu Tứ Ca” trong tập Lưu Hương Ký của nữ sĩ họ Hồ. Theo ông bài này là của Hán Vũ Đế. 

Căn cứ vào tác phẩm Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quí Đôn, Trần Văn Tích lại đặt những nghi vấn liên hệ tới truyện Việt Tỉnh  trong Lĩnh Nam Chích Quái và bài văn tế một vị công chúa người Tàu, tương truyền là của Mạc Đỉnh Chi. Và một đôi câu đối mà từ trước tới giờ các tác giả Phan Kế Bính, Dương Quảng Hàm cho là của một vị trạng nguyên đời Trần.


Tạm bỏ sang một bên những gì Trần Văn Tích kết luận, mà tôi sợ rằng quá vội vã, trước vấn đề đã được nêu lên này, người ta không thể chỉ đưa ra một câu trả lời duy nhất: Tất cả đều là của người Tàu. Lý do là vì truyện Việt Tỉnh, bài văn tế một vị công chúa, đôi câu đối kể trên khi cùng lúc hiện diện trong cả hai nền văn học Trung Quốc và Việt Nam có thể do ba nguyên nhân khác nhau: Thứ nhất chúng là của người Tàu và người Việt đã chép lại. Thứ hai: chúng là của người Việt và người Tàu đã chép lại. Thứ ba, người Tàu, người Việt đều căn cứ vào cùng một truyền thuyết phát xuất tự miền Lĩnh Nam, miền đất xưa của người Việt hay ít ra không phải là của người Hán trong buổi đầu (truyện Việt Tỉnh).

(Lĩnh Nam Chích Quái - Phạm Cao Dương)


Ông Nghè ông Cống xưa và nay

Thuật ngữ tiến sĩ mà chúng ta dùng hiện nay là kế thừa của quá khứ khi mà tiến sĩ là người có học tiến cử cho triều đình dùng Tuy nhiên tính từ dưới lên trên thì:

- Tú tài: người ưu tài

- Cử nhân: cử người giúp vua trị dân trị nước

- Tiến sĩ: tiến cử nho sĩ  đã đậu thi Đình


Ngày nay thuật ngữ tiến sĩ để chỉ mảnh bằng lúc ban đầu chứ không phải là sự kết thúc. Tất nhiên ở nước khác, không phải bất cứ ai có văn bằng này cũng đều phải tiếp tục đi theo đường nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên việc đào tạo tiến sĩ phải là rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, chứ không phải là cấp một mảnh giấy chứng nhận giúp người có nó, xưa tiến cử cho…“vua”. 


Hơn nữa đề tài luận án tiến sĩ phải có tính học thuật (academic), độc sáng (originality). Nó không thể là một nghiên cứu bình thường như đề tài…Chế tạo máy làm bánh tráng công nghiệp”.


(Trần Thạnh)



Làng văn xóm chữ - 1

Tôi chuyển đề tài để ra khỏi những ngày tháng mà chị muốn giữ riêng cho chị. Tôi hỏi chị sau khi miền Nam sụp đổ, chị có đi hát không thì chị trả lời rất nhanh: "Không. Chắc chắn là không".

Hỏi : Việt cộng nó có đến mời chị hát không ?

Thái Thanh : Có. Họ có mời vào đoàn hát này đoàn hát nọ nhưng tôi từ chối. Mà phải từ chối khéo chứ lôi thôi là nó đưa mình vào tù ngay. Tôi nói với họ rằng tôi chưa thể đi hát lúc này vì các con tôi chúng nó đã di tản nên tôi nhớ con lắm.


Nguyễn Đắc Điều : Vậy mà nó để yên cho chị ?

Thái Thanh: Thì à... tôi không biết cái kiểu để yên và không để yên của người cộng sản như thế nào nhưng mà tôi chỉ biết tôi ở nhà của mẹ tôi ở tầng lầu trên cùng bỗng tự dưng không có nước máy lên nữa. Tôi đi hỏi thì họ trả lời là: "Nước yếu". Tôi nói: "Tại sao thời không có cộng sản thì nước lại mạnh?" Nói thì nói chứ từ đó là tôi phải đi xách nước lên hai ba lầu rã cả cánh tay đấy. Lúc đó tôi cũng năm mươi tuổi rồi chứ trẻ gì đâu. Nói là xách dưới nhà nhưng thật ra là xách nước từ bên kia đường, rồi leo bao nhiêu là bậc thang nên đổ toẹt hết cả. 

(Đỗ Tiến Đức)


Để nhớ lại một thời

Hoài niệm xe lô

Tôi còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà Vinh. Năm đó tôi chín tuổi. Xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Đằng và Bến Chương Dương. Xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách.


Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Để gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới.

(Trang Nguyên)


Làng văn xóm chữ

Tôi hỏi : Chị nghĩ gì về chế độ cộng sản ?

Thái Thanh : Tôi là một nghệ sĩ, tôi chỉ hiểu có một điều là tôi không thích hợp được với chế độ cộng sản. Một phần lớn là tôi nhìn vào những anh đi học tập cải tạo. Những người cộng sản đã đối xử với những anh em cải tạo phải nói là quá dã man.

Câu chuyện làm tôi nhớ lại hồi chúng tôi vượt biên, mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng trôi dạt vào đảo Bidong ở miền Bắc Mã Lai. Tôi tới sớm, vào thời đảo chưa có cơ sở gì cả. Con tàu chở gia đình tôi mang số hiệu TC 2763, xuất phát từ Bến Tre, theo diện người Hoa, tới đảo ngày 16 tháng 10 năm 1978.


Ngày đầu tiên ở đảo, chúng tôi ngủ ngay ngoài bãi biển, dưới gốc những cây dừa cao lêu đêu, mang trên ngọn chùm trái vừa xanh vừa khô. Buổi tối, nước biển dâng cao, quét gần tới nơi chúng tôi nằm. Những ngày sau, chúng tôi theo bước những người tới trước, phát quang một khoảnh đất nhỏ, chặt cây rừng làm túp lều đụt mưa trú nắng. Dần dần, tàu vượt biên tới hòn đảo hoang không tới hai cây số vuông này ngày một nhiều, nâng số dân tỵ nạn có lúc lên tới 35,000 người chen chúc nhau và sống chung với ruồi. Giới văn nghệ sĩ tới đây có ca sĩ Thanh Tuyền, Kim Tuyến, Băng Châu, Hùng Cường, Nguyễn Đức Quang, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà báo Duy Sinh, nhà báo Nguyễn Ang Ca...

(Đỗ Tiến Đức)


Võ Kỳ Điền với thảo mộc

Cây dâu 

Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc cây dâu tằm ăn thường được nhắc đi nhắc lại. Ở Việt Nam thì cây dâu được trồng nhiều. Ngày trước ở Tân Châu (Châu Đốc) trồng dâu để nuôi tằm dệt lãnh Mỹ A, bây giờ thì ở Đà Lạt. Ngoài Bắc thì tôi đoán chắc là Hà Đông, nỗi tiếng nhờ lụa dệt bằng tơ tằm: 

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai. 

(Chinh phụ) 



Tản mạn về tiếng Việt 

Quả

Mạo từ quả thường dùng trước tất cả mọi thứ quả. Ví dụ như quả cam, quả táo, quả hồng, quả bưởi, quả xoài riêng, v…v...
Nhưng cũng gọi quả bóng, quả núi, quả đất, quả địa cầu, quả tạ, quả đấm (để mở cửa), quả pháo, quả cười, v…v...
Chữ quả còn áp dụng cho cả một thứ không cụ thể và không hình dáng, hình thù gì cả. Đó là… quả cười,

(Minh Võ)



Lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn

Chúa Sải Vương Nguyễn Phúc Nguyên gả quận chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetha II, nhằm đổi lại vài “đặc ân”: Chúa Nguyễn xin triều đình Chân Lạp cho phép người dân Việt buôn bán tại vùng Morea (tức Bà Rịa) và Prei Nokor (tức Sài Gòn), và được mở trạm thâu thuế.

Sau khi Chey Chetha II từ trần, những vùng đất Prei Nokor, Morea, Do Nai (Đồng Nai), đã có nhiều quân dân Việt đến ở. Sau đó dần dần thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn như: Kampong Srakartrey (Biên Hòa) vào năm 1651; Prah Suakea hay Morea (Bà Rịa) vào năm 1651 và  Kampong Krabey Prei Nokor (Sài Gòn) vào năm 1696.


Tóm lại năm 1679, các tướng quân thuộc lực lượng “Kháng Thanh Phục Minh” mang  3000 di thần, di dân nhà Minh di tản trên 50-60 chiến thuyền tới các cửa tại Thuận An xin tị nạn, thì ông phó vương Miên trấn thủ vùng Thủy Chân Lạp là Nặc Ông Nộn, đang có kinh thành tại Prei Nokor (Sài Gòn), lại là con ruột của công chúa Ngọc Vạn. Chúa Hiền liền viết thư cho Nặc Ông Nộn, yêu cầu chia cấp đất cho 3000 di dân Minh Hương làm ăn sinh sống quanh vùng Prei Nokor, Nặc Ông Nộn đồng ý.


Như vậy, coi như đã sáng tỏ việc tại sao, Dương Ngạn Địch đã được phép triều đình Huế đem thuyền chở người đến vùng đất Peam Mesar (Mỹ Tho) và Trần Thượng Xuyên đem thuyền chở người vào cửa Cần Giờ (Bến Nghé)

(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)



Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Hơn nữa, quân báo của phe đồng minh đã thu được nhiều tài liệu, thông tin về các di chuyển quân sự đáng kể của quân cộng sản vào Nam. Nghị quyết 13 “Đồng loạt nổi dậy (ở miền Nam) để đi đến thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn nhất là một tài liệu phe đồng minh đã có từ đầu tháng 10, 1967. Nghị quyết này đã được thông qua từ tháng 4, 1967 trong hội nghị Trung Ương đảng Cộng sản lần thứ 13.


Đã có thông tin trước sao vẫn còn bất ngờ? Đại tá Hoàng Ngọc Lung, cựu Trưởng Phòng 2, Bộ Tổng Tham Mưu, trong “Tổng tấn công 1968-69” cũng xác định tình báo quân đội VNCH đã có bản “nghị quyết 13 của bộ chính trị cộng sản Việt Nam” và ngày 25/10/1967 có thêm một tài liệu cộng sản khác (“Tài liệu hướng dẫn để hiểu rõ tình hình mới và công tác mới của ta.”) thu được ở Tây Ninh: chấm dứt sự có mặt của Hoa Kỳ tại Việt Nam bằng cách thành lập chính phủ liên hiệp và Mặt trận Giải Phóng Miễn Nam sẽ đóng vai trò trọng yếu. Mục đính cuộc tấn công để: đánh bại quân đội VNCH, phá huỷ mọi cơ sở chính trị, quân sự Mỹ và thứ ba là kích động dân chúng tổng khởi nghĩa. Văn bản này có mã số TCK-TKN (Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa).


Phe đồng minh tiếp tục lấy được thông tin về cuộc tổng công kích sắp xảy ra: ngày 03/11/1967, tại Dakto, tài liệu của Chiến trường B-3 nhằm tấn công vào cao nguyên; ngày 04/01/1968, quân báo Mỹ lại bắt được tài liệu “Lệnh hành quân số 1”: tấn công Pleiku trước Tết. Giữa tháng Giêng 1968, một tài liệu khác của Trung đoàn 273, Sư đoàn 9 cộng sản thu được ở vùng III chiến thuật: Kế hoạch tấn công Phú Cường, Bình Dương, v.v…

(Trần Giao Thủy)


Bức tượng “Thương Tiếc”

Anh Thu có thể thấy từng đường nét diễn biến trên khuôn mặt lúc anh lính ngồi buồn một mình và nhà điêu khắc đã phác họa lại trên giấy khuôn mặt anh. Phần mình, Hạ sĩ Võ Văn Hai lại sợ đã làm chuyện gì khiến Đại úy Nguyễn Thanh Thu phiền lòng nên cho anh về sớm mà không biết ông đã bí mật quan sát.


(Khuôn mặt người lính “Thương Tiếc” 

bạn được tái hiện qua bức tượng 

trong cuộc phỏng vấn)


Khoảng 3 giờ sáng anh Thu thức dậy để bắt đầu giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng của bức tượng: nét mặt của người lính. Anh dùng đèn cầy để lấy ánh sáng chiếu vào nhiều góc cạnh, qua đó anh có thể sửa lại nét mặt người lính theo những gì anh phác họa. Loại ánh sáng nhân tạo qua ánh đèn cầy có tác dụng điều chỉnh các góc cạnh của tác phẩm theo hướng người nghệ sĩ di chuyển từ nhiều phía. Anh Thu hoàn toàn bị cuốn hút vào những cảm xúc trên khuôn mặt người lính. Đó là những giây phút chỉ mình anh và nhân vật của bức tượng trong ánh sáng mờ ảo của cây đèn cầy.    

Sau một giấc ngủ ngắn, anh tỉnh dậy sáng hôm sau để quan sát và so sánh công trình của mình đêm qua dưới ánh đèn cầy với ánh sáng ban ngày. Anh mừng vì khuôn mặt của người lính giữa ánh sáng tự nhiên ban ngày và ánh sáng nhân tạo từ đèn cầy vẫn hiện lên một nét buồn ray rứt. Như vậy là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu có thể hài lòng với công trình nghệ thuật kéo dài 3 tháng của mình. Và chúng ta được chứng kiến pho tượng “Thương Tiếc” ngồi trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa từ năm 1967 cho đến sau ngày 30/4/1975.

(Nguyễn Ngọc Chính)


Đại phong

Tiếng Anh phân biệt bão Thái Bình dương là typhoon

và Đại Tây dương là hurricane.

Typhoon là tiếng mượn của người Tàu: đại phong.


Hai chữ đại phong được nhắc đến qua giai thoại về

Trạng Quỳnh với… lọ tương. Nhưng đại phong cũng còn

là tiếng lóng của bọn trộm cướp, nghĩa là một mẻ cướp

lớn trong truyện Thuyết Đường khi bọn cướp hô lớn:

“Hữu đại phong. Đại phong”

Nghĩa là có mối cướp lớn, nhiều tiền của.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)


Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn

Trong một lần khác gặp lại Trần Lê Nguyễn, tôi khoe tìm lại được quyển kịch Bão Thời Đại của anh ở gánh ve chai. Anh hỏi người ta cho hay mua lại. Tôi nói mua lại. Anh lại hỏi có đắt không, bao nhiêu tiền? Tôi nói chỉ có năm đồng bạc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Anh nói vậy thì đáng giá rồi, chỉ thế thôi, có khi hớ đấy, nếu không người ta cũng xé ra để gói xôi. Mua thế được giá cho người bán, mẹ ve chai trúng mánh. Cả cuốn sách chỉ cân nặng lối hai trăm gờ ram, bán giấy vụn giá cũng chỉ vài đồng bạc một ký lô, đủ mua một gói xôi bắp ăn ấm lòng. Tôi bỗng thấy nhói lên ở trong lòng. Con người chúng tôi nếu có được đánh giá cũng là giá "bèo" huống chi là những tác phẩm. Bức tranh sơn dầu chỉ là mảnh vải cũ, bức tranh sơn mài chỉ là tấm ván cũ. Trước đây người ta đốt đi cũng là phải.

Theo cái lý của người ta. Tôi chẳng nói đến cái lý phải quấy ấy làm chi.
Một ngày khác nữa, Trần Lê Nguyễn đến ngôi nhà cũ của tôi ở ấp Đông Ba xưa, xem xét căn nhà hoang của tôi, rồi biết tôi vẫn thất nghiệp, anh khuyên tôi nên nuôi chim cút. Tôi nói tôi chẳng có kinh nghiệm gì về chim cút hết, anh rủ tôi đến nhà anh ăn sáng, căn nhà gác chật chội ở bến Chương Dương kê đầy chuồng chim cút, đẻ trứng lia chia. Anh mời tôi ăn bánh mì "ớp la " trứng chim cút. Tôi đếm được mỗi đĩa trứng có sáu cái. Trong khi bà vợ anh nhặt một giỏ trứng mang xuống chợ bán mỗi ngày. Anh nói gia đình anh vẫn có thịt ăn. Anh chỉ bầy chim cút trong chuồng. Thế rồi suốt ngày hôm ấy Trần Lê Nguyễn và tôi đi lang thang, lên tận Gò Vấp, vào nhà Tô Thùy Yên để học kinh nghiệm nuôi chim cút của nhà thơ này. Một nhà thơ mới ở tù ra và được coi là hết thời, đang chờ ra đi nước ngoài theo diện HO.

Cái vốn liếng tù tội của Tô Thùy Yên có lẽ dư thừa còn vốn liếng kinh nghiệm nuôi chim cút của anh thì tôi không biết có từ bao giờ. Nhưng nghe nói anh cũng dầy dạn kinh nghiệm lắm. Tôi thì không theo nghề ấy, vì một lần nuôi gà bị chết toi cả bầy. Sạch luôn cả vốn liếng mà bạn bè có lòng giúp đỡ. Nói tóm lại, tôi không có tay nuôi gia cầm.
(Nguyễn Thụy Long)


Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ

Chúng ta - mỗi người Sài Gòn cũ, dù là lưu vong ở xứ người hay đang lưu vong ngay trên quê hương mình, cũng đều rất giống nhau ở nỗi niềm hoài cổ luôn muốn tìm lại một thời đáng yêu, một thời huy hòang, kiêu hãnh và những năm tháng đầy bi tráng đã qua, như một cách để quên đi cái hiện tại đang làm mình hư hao, chết mòn.


 

“Con Ốc Sên,” gốm xưa, thuộc dòng gốm Lái Thiêu của miền Nam Việt Nam mà tác giả tìm thấy trên vỉa hè Sài Gòn. 
(Hình: Trịnh Cung)

Một trong những con đường đưa tôi về lại, dù chỉ là phút giây, với “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!” thời chưa bị đổi chủ thay tên đó chính là những món đồ cũ, những ngôi nhà cũ, những con đường cũ, những hàng quán cũ, những bài ca cũ và cả những con người cũ, còn rơi rớt lại sau trận đại hồng thủy 1975.

(Trịnh Cung)


Trịnh Cung tên thật Nguyễn Văn Liễu, sinh năm 1939 tại Nha Trang. Năm 1963: Vào quân đội, là SQ huấn luyện tại Trường Sĩ Quan Thủ Đức. Năm 1975: Bị tù 3 năm, không vẽ 11 năm. Năm 1963: Bức tranh “Người Ngồi” của ông được chọn gửi đi dự giải “Triển Lãm Lưỡng Niên Paris 1963”. Năm 1958, bài thơ "Cuối cùng cho một tình yêu", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành nhạc phẩm cùng tên. Năm 1966: Tham gia Hội Họa Sĩ Trẻ với chức vụ là Tổng Thư Ký. Năm 2013: Định cư tại California.


***


Phụ đính I


40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)


Vương Đức Lệ
(1937-2008)

Ông tên thật là Lê Ðức Vượng, sinh ngày 15 tháng 11, 1937 tại Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông.

– Học Trung Học Chu Văn An Hà Nội và sau 1954, tại Sài Gòn. Đã theo học Luật Khoa và Văn Khoa.

– Năm 1962, ông bắt đầu đi dạy, sau đó làm Ký Giả cho Việt Nam Thông Tấn Xã, rồi làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Long An rồi làm Biên Tập Viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn.

– Năm 1989, ông tham gia nhóm Diễn Đàn Tự Do (Đoàn Viết Hoạt), bị bắt và bị giam cho tới cuối năm 1995.

– Định cư tại Hoa-Kỳ, Tiểu Bang Virginia từ năm 2000, hoạt động với nhà xuất bản Tủ Sách Tiếng Quê Hương (Uyên Thao)


Tác phẩm
– Tình Thơ Vương Ðức Lệ, Sài Gòn 1970

– Thơ Vương Ðức Lệ, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia 2000
– Thơ Tình Vương Ðức Lệ, Tủ sách Tiếng Quê Hương, 2003
– Thơ Giữa Đời Thường, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia

 

Ông qua đời ngày 20 tháng 1, 2008 tại Annandale, Virginia.



Tìm lại tam cúc

Nhà thơ Hoàng Cầm cũng có bài thơ “Cây Tam Cúc” dùng cây bài nói lên chuyện tình riêng tư. Ông nhà thơ này luôn ám ảnh mối tình chị em. Nhỏ tuổi nhưng chơi trèo. Điển hình nhất là bài thơ “Lá Diêu Bông”. Trong bài thơ “Cây Tam Cúc”, người tình si Hoàng Cầm cũng với tay trèo cao như vậy.


Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị tới quê em...

Ghé coi bài, tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa, chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui xấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi xuân thì...

Ðứa được bài chinh chuyền xủng xẻng
Ðứa thua bài đáo gỡ ngoài thềm.
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Ðổi xe hồng, đưa chị tới quê em...

Pháo, mã ra bài, năm sau giặc giã
Quan Ðốc Ðồng áo đen nẹp đỏ
Xua tốt điều đè lũ tốt đen
Thả tịnh vàng đưa chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo,
Em gọi : ... Ðôi 


(Song Thao)


***


Phụ đính II


Võ Phiến, Trùng Dương

Tôi được biết Viên Linh và Lê Tất Điều hiện đang có mặt trên đảo tị nạn. Cuối cùng, tôi đến thành phố Pennsylvania miền Bắc Mỹ.  Bỗng tôi sực nhớ mấy lời trao đổi giữa nhà văn Lê Tất Điều và nhà báo Lê Phương Chi ngày nào còn ở Sàigòn:
“ Tình yêu của Võ Phiến dành cho cô bạn xứ Huế đã chết nghẻo cổ rồi, gái Huế ngủ đò và hò Huế chấm hết từ canh ba rồi. Bây giờ Võ Phiến chỉ mơ ước ngủ với Trùng Dương biển cả.”
“ Bạn nói đúng quá và thật quá! Trùng Dương Nguyễn Thị Thái trẻ hơn nhiều và đẹp. À, mà có phải Trùng Dương đó không? Sức mấy! Võ Phiến mơ cao quá!”

Thanh Nam gặp bạn quen dừng lại nói chuyện, tôi kéo bốn đứa con bước về lều trại số tám, dân tị nạn kêu là barrack số tám.

(Túy Hồng viết về Võ Phiến) 


Võ Phiến và vợ

Trước cửa barrack có một người đàn ông đang đứng đợi ai đó. Tôi tiến lại gần chút nữa. Hóa ra là cố nhân Võ Phiến. Ối giời ôi... Võ Phiến cũng đi được sao? Ôi thôi rồi tôi quên lú đi mất. Võ Phiến cũng cộng tác với đài phát thanh Mỹ. Vậy mà tôi cứ tưởng chỉ có Lê Tất Điều với Viên Linh trong chuyến hành trình qua Mỹ quy mã này mà thôi.

Võ Phiến chạy chậm đến bên tôi, mặt mày tái nhạt và ẩm mồ hôi, hỏi thở tưởng như sắp đứt, nói: “ Em đem con em đến barrack số mười đi, gia đình anh đã ở trong barrack số tám này rồi, vợ anh đang nghỉ ngơi trong đó, vợ anh hơi mệt, vợ anh cần dưỡng sức, vợ anh đang nằm trong đó. Vợ anh... vợ anh..”


Tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế.

Vợ anh, vợ anh... cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp giựt mất. 

(Túy Hồng viết về Võ Phiến) 


Tiểu sử  Túy Hồng tên thật: Nguyễn Thị Tuý Hồng. 

Sinh 12.10.1938 tại Phong Điền, Thừa Thiên. Mất ngày 19.7.2020 tại Seattle, tiểu bang Washington Mỹ

Tác phẩm: Thở Dài (1965), Vết Thương Dậy Thì (1966), Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (1970), Những Sợi Sắc Không (1971), Bướm Khuya (1971), Thông Đưa Tiếng Kệ (1973).












Không có nhận xét nào: