Chữ Nghĩa Làng Văn
Ngộ Không Phí Ngọc Hùn
***
Chữ nghĩa địa danh
Ở Tân An có rạch Châu Phê. Người ta giải thích rằng chúa Nguyễn châu phê cho Nguyễn Cửu Vân nguyên con rạch và ruộng hai bên rạch.
Thực ra thì đó là đất của một ông Châu Phê trưởng sóc người Miên. (người Pháp phát âm là Chaufée)
(Tự điển dân gian - Chân Diện Mục)
Thú chơi chữ
1. Tiểu sử Phùng Tất Đắc
Phùng Tất Đắc (1907-2008), bút hiệu Lãng Nhân, Cố Nhi Tân, và Tị Tân. Sinh quán Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Nam. Từ 1954 đến 1975, phụ trách nhà in Kim Lai và nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Năm 1975, tỵ nạn tại Cambridge, Anh quốc.
Ông qua đời ngày 29-2-2008.
Các tác phẩm đã xuất bản: Trước Đèn, Chuyện Vô Lý, Chơi Chữ, Cáo Tồn, Giai Thoại Làng Nho, Hán Văn Tinh Túy, Thơ Pháp Tuyển Dịch, Chuyện Cà Kê, Khổng Tử, Tư Mã Quang-Vương An Thạch, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết, Nghiêm Phục, Hương Sắc Quê Mình, Nhớ Nơi Kỳ Ngộ.
Chơi Chữ, Giai Thoại Làng Nho là hai tác phẩm được nhiều người thích đọc trước 1975.
Tư liệu tôi tham khảo để viết bài này từ sách “Chơi Chữ” do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1970.
2. Vài trích đoạn lý thú trong sách Chơi Chữ:
– Mở đầu tác phẩm Chơi Chữ, ông Phùng viết:
“Nghề chơi cũng lắm công phu“, huống hồ chơi… chữ!
Hai cách chơi chữ trong tiếng Việt được thấy nhiều nhất là “Nói Lái” và dùng chữ “Đồng Âm Khác Nghĩa”.
(Nguyên Lạc)
Chữ nghĩa biên khảo
Đồ sứ cổ men lam Huế thường hay được gọi tắt là sứ men lam Huế là sai. Ngày xưa, nước ta cũng có sản xuất đồ sành đó là đồ gốm Bát Tràng, đồ gốm Thổ Hà.
Thực ra, khi người ta gọi đồ sứ men lam Huế, có nghĩa là đồ gốm do các quan đi sứ sang Tàu đặt làm mang về.
(Trần Nghi Hoàng – “Dòng Đời” chảy về đâu?)
Nói lái mà chơi, nghe lái chơi
Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những sản phẩm nói lái, hoặc câu đố, câu đối, hò vè, thơ ca không rõ tác giả. Những câu đố sử dụng nói lái không khó giải vì thường lời giải đã có sẵn:.
Bò la, bò liệt đố ai biết gì? - (đáp: khoai lang).
- Con gì ở cạnh bờ sông,
Cái mui thì nát cái cong thì còn - (đáp: con còng - cong còn nói lái thành con còng)
- Cái gì bằng ngón chưn cái mà chai cứng - (đáp: ngón chưn cái)
Tay ông cai dài, ông cai khoanh - (đáp: canh bí, canh khoai)
- Ông cố ngoài Huế ông cố ai. (đáp : cái ô )
(Thân Trọng Sơn)
233 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Bây giờ, thú thật, tôi (Trần Phong Giao) không còn nhớ nổi những liên lạc lúc đầu tiên giữa Y Uyên và tôi. Có điều chắc chắn đó là, ít nhất trong giai đoạn khởi đầu, mối liên lạc bình thường giữa một thư ký toà soạn và một nhà văn trẻ có nhiều triển vọng. Một trong những chủ trương của VĂN, ngay từ những số đầu tiên, là quy tụ, hướng dẫn và khám phá những cây bút trẻ. Nếu việc "bắt liên lạc" với Thế Uyên là do anh Nguyễn Mạnh Côn, thì việc tìm tới Y Uyên hẳn do anh Võ Phiến.
Y Uyên có mặt trong VĂN số 6, tuyển tập đầu tiên giới thiệu những cây bút trẻ. Đăng truyện Bấm Đốt Ngón Tay, rồi tôi có gửi cho Y Uyên một lá thư. Thư này dường như làm cho anh không hài lòng, nên mãi lâu lắm về sau, tới số 16, VĂN mới lại đăng truyện Sương Rơi Ngoài Vườn. Cùng với bưu phiếu nhuận bút, lại có một cánh thư dài của tòa soạn. Mặc dù thư được viết rất khéo léo, nhưng chắc chắn cũng đã làm cho người nhận không vui lòng. Gần tết Ất Tỵ, nhận được bài mới của Y Uyên, tôi biết là anh buồn mà không giận (truyện Vết Chân Thần Thoại đăng trong VĂN số 28). Tới đây ghi dấu giai đoạn "căng thẳng" quan trọng mối giao tình giữa Y Uyên và tòa soạn VĂN. Những bài anh viết gửi về, liên tiếp bị chúng tôi gửi trả lại anh, kèm theo những lá thư luôn luôn thúc giục đòi hỏi nơi văn tài anh một cái gì "khác hơn thế nữa, mới hơn thế nữa".
Tôi nhớ, có một lần tôi viết gửi anh đại ý: "Cậu có cố chẻ sợi tóc ra làm tư đi chăng nữa thì giỏi lắm cậu cũng chỉ bằng được Võ Phiến là cùng; hãy viết khác đi, hãy dời bỏ những thăm dò ngược về quá khứ, hãy xông vào cuộc đời trước mặt, chất liệu truyện hãy lấy ngay từ cuộc sống thường nhật, cuộc sống của một thầy giáo dạy trường làng miền Trung đang chìm trong khói lửa”.
(Nhớ Y Uyên – Trần Phong Giao)
Chân dung văn học nghệ thuật & văn hóa
Lịch sử hiện lên khi nhà văn Lê Tất Điều trông thấy nhà văn Võ Phiến ứa nước mắt khóc trên con tàu Challenger đậu ngoài khơi trong chuyến di tản rời bỏ quê hương không ngày trở lại. Lịch sử hiện lên với nỗi đau không ai biết của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vì mất tích đứa con trai trên đường vượt biển, và suốt thời gian sau đó ông “đã không ngừng khắc khoải trong vô vọng lần tìm tin tức và dấu vết đứa con mất tích ấy.”
Chuyện ấy ấy được nhà thơ Thanh Tâm Tuyền gói ghém một cách tuyệt hảo trong 6 câu thơ viết năm 1988:
Như chim chao liệng chưa hừng đông
trên hoang phế cuối đêm thảm họa
buột tiếng kêu vô vọng thinh không.
Như con nước cuồng lưu mùa lũ
Trắng xóa bão gông mù mịt nguồn
Trôi giạt bến bờ đất khốn đọa.
(Trịnh Y Thư)
Bẵng đi rất lâu, tôi cũng không biết gì thêm về tác giả Tạ Chí Đại Trường và những công trình mới của ông. Cho đến vài năm gần đây mạng Internet phát triển, nhớ đến tên tác giả “là lạ” tôi vào Google tìm kiếm. Thiệt là may, tôi đã tìm thấy nhiều bài viết của ông trên một số Website. Bèn copy tất cả các bài viết của ông.
Năm ngóai năm kia có 2 cuốn sách của ông được xuất bản trong nước, đó là cuốn sách nói trên “Thần, Người và Đất Việt”, và “Lịch Sử Một Cuộc Nội Chiến”. Rồi năm nay thêm một cuốn nữa “Những Bài Dã Sử Việt”… Thế là tôi có thêm cơ hội được “gặp” ông qua các công trình nghiên cứu lịch sử rất thú vị.
Biết bác Tạ Chí Đại Trường mới về Sài Gòn, tôi đã nhờ bạn giới thiệu cho tôi được gặp bác. Bác đã tặng tôi mấy cuốn sách của bác in bên Mỹ. Được gặp và nói chuyện với bác, nghe bác kể về một số công trình của bác in trong nước và nhiều công trình khác, tôi hiểu rõ hơn vì sao mình lại quan tâm và thích thú như thế khi đọc những cuốn sách của ông.
Đầu tiên là giọng văn của ông: nghiêm túc, khúc chiết nhưng không hiếm khi hóm hỉnh, có khi mỉa mai khi châm chọc, có lúc “cực đoan” thậm chí đầy vẻ định kiến khi chê/ phê một ai đó. Nhưng giọng văn ấy cũng rất “có duyên”, lôi cuốn người đọc, có khi làm cho người đọc thầm tranh luận lại. Người đọc không chán, xem đi xem lại, như trò chuyện với ông nhiều lần vậy.
Giọng văn ấy lôi cuốn còn vì người đọc thấy được “lập trường” khoa học của chính tác giả. Tôi nhận thấy những cuốn sách nghiên cứu lịch sử, sách giáo khoa lịch sử được viết hay, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc thì sẽ làm cho người đọc quan tâm, tìm hiểu và yêu thích lịch sử nói chung và sử học nói riêng.
(Nguyễn Thị Hậu)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“riếc: riếc móc → không viết: diếc”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “nhiếc” mới chuẩn, nhiếc móc
(Hòang Tuấn Công)
Thứ hai, quan trọng hơn, đó là vấn đề tư liệu trong các công trình của ông. Ông tiếp cận các vấn đề, sự kiện lịch sử đầu tiên từ chính nguồn sử liệu vốn/ sẵn có. Và cách đơn giản nhất nhưng cũng là cơ bản và khoa học nhất là: Đọc kỹ sử liệu, không chỉ từng câu từng từ mà còn đọc trong sự liên hệ, liên kết các sự kiện, con người mà sử đã ghi chép lại. Để nhận ra, nhìn thấy những gì mà sử gia thời trước không viết ra bằng câu chữ, tức là đọc lịch sử như người cùng thời để hiểu những gì diễn ra đằng sau những câu chữ.
Như ông bảo, tất cả những “phát hiện mới” của ông đều đã được ghi chép trong ĐVSKTT cũng như trong các bộ chính sử khác. Những phát hiện “tư liệu mới” của ông làm cho nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử trở nên sáng tỏ hơn – nhất là làm ta hiểu hơn bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử - cái nhìn biện chứng hơn.
Các vấn đề ông phát hiện, nêu ra liên quan đến những nhân vật, những triều đại lịch sử mà trước nay ta thường chỉ nhìn thấy mặt chủ đạo của nó. Nói cách khác là ông cho chúng ta một góc nhìn khác về lịch sử.
(Nguyễn Thị Hậu) (*)
(*) Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958 tại Hà Nội. Quê gốc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hiện đang ở Sài Gòn. Tiến sĩ Khảo cổ học, Hiện là Phó tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử VN.
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang - Đại học Quốc gia Hà Nội, dày 806 trang, khổ lớn. GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót.
“rò: rò lan. → không viết: dò, giò”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “dò” mới đúng. dò phong lan ~ dò thuỷ tiên”.
(Hòang Tuấn Công)
Thứ ba: Các công trình của ông thực sự là những công trình liên ngành: tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều ngành nhiều tư liệu khác nhau, để tìm ra bản chất vấn đề. Nếu những góc nhìn ấy đều đi đến bản chất của vấn đề thì kết quả nghiên cứu là đúng. Còn nếu như mỗi góc nhìn cho thấy những “bản chất” mâu thuẫn với nhau thì hoặc, phải kiểm tra lại tòan bộ tư liệu, hoặc cách đặt vấn đề của mình là sai!
Như vậy phương pháp liên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự khách quan khi sử dụng kết quả, phương pháp của các ngành khác, bởi vì nó có thể làm phá sản ý đồ nghiên cứu của mình. Có lẽ vì vậy mà lâu nay có những công trình nghiên cứu luôn ghi rằng “sử dụng phương pháp liên ngành” nhưng thường là chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu nào phù hợp/ ủng hộ ý tưởng của tác giả mà né tránh, thậm chí lờ đi những gì ngược với suy nghĩ của mình.
Phương pháp liên ngành luôn đòi người nghiên cứu phải đặt những câu hỏi Tại sao, như thế nào với ngay những suy luận của mình… Trong nghiên cứu lịch sử biết đặt câu hỏi đúng là đã thành công được hơn một nửa? Nắm vững tư liệu lịch sử đó là chiều sâu, sử dụng tài liệu liên ngành đó là chiều rộng.
(Nguyễn Thị Hậu)
Chữ nghĩa làng văn
Nỗi nhớ qua một số tác giả
Sau hơn một phần tư thế kỷ bó mình sống ở ngoài nước, người Việt chúng ta thường vẫn sống với những quá khứ đã ngày càng rời xa, với những mảnh đất con người ngày càng thay đối hoặc biến dạng, với những thân quyến bạn bè mới "nhi bất hoặc" đã "cổ lai hy." Cũng trong thời gian đó, nhiều nhà văn đã có công ghi lại những nỗi nhớ, những quá vãng và kỷ niệm, thơ mộng hay hiện thực. Trong phần này chúng tôi ghi lại tổng quát về một số nhà văn có liên hệ mật thiết với vùng tỉnh Mỹ Tho - Bến Tre.
Chúng tôi đã có dịp nhận xét rằng sau 1975, ở hải ngoại đã có hiện tượng đặc biệt văn chương miệt vườn, vì đây là lần đầu trong lịch sử người miền Nam lục tỉnh phải bỏ nước ra đi: một văn nghệ "miệt vườn" nở rộ. Có thể nói với biến cố 30-4-1975, trong hoài niệm người miền Nam đã làm sống lại một "mảng" văn học trước đó âm thầm và bị lơ là. Miền Nam Cộng Hòa là của chung, nhưng người miền Nam lần đầu phải bỏ quê hương đông đảo đã thành công ghi lại quá vãng văn hóa, tình tự con người và những thú điền viên không còn nữa hay không còn hy vọng tìm lại! Võ Kỳ Điền, Kiệt Tấn, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Thị Long An, v.v.
Nếu ở giai đoạn ngay sau 1954, văn học miền Nam ghi nhận sự đóng góp mạnh mẽ của người miền Bắc và Nghệ Tĩnh khi họ phải rời quê cha đất tổ, phải vượt tuyến lội sông hoặc băng rừng qua Lào, thì sau 1975, là thời của người miền Nam "lục tỉnh".
Nhưng vào những năm cuối thế kỷ, "mặt trận" văn chương "miệt vườn" lặng lờ hơn, người viết ít lại và ít tác phẩm hơn. Tính chất khai phóng của văn học miền Nam dần mất phần nào khía cạnh bộc phát hồn nhiên văn chương và tình ý được lăng-kính tâm và trí thức gạn lọc hơn.
(Nguyễn Vy Khanh)
Trò chuyện cùng nhà văn Vũ Thư Hiên - 1
VOA: Ông vừa nói đến “thoáng”, như vậy là các nhà văn bên trong Việt Nam hiện nay không còn “biết sợ” giống như nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói trước đây.
VTH: Tôi nghĩ là cái sợ nó cũng bớt đi rồi. Nó bớt cũng là do tình thế. Ngày xưa cái cấm kỵ nó nhiều hơn, cái sợ nó nhiều hơn. Bây giờ cấm kỵ giảm đi thì cái sợ cũng bớt đi. Nhưng vẫn có những cái phải sợ, bởi vì nếu mà không cẩn thận sẽ gặp phiền phức, mặc dù Việt Nam đã có những cố gắng để hội nhập với thế giới, tức là chịu khó từ bỏ hành động toàn trị mà trước kia vốn thuộc bản chất của chế độ xã hội ấy.
Thí dụ trước kia chỉ cần nói hơi một tí cũng đủ để bỏ người ta vào tù, cho người ta một lệnh tập trung 3 năm, sau đó 3 năm nữa, rồi 3 năm nữa, không biết bao giờ mới ra. Bây giờ người ta cố gắng làm nó khác đi. Và có lẽ theo quán tính thì sự sợ hãi vẫn còn, nó vẫn còn sống dai dẳng. Vì vậy cho nên con đường dân tộc Việt Nam đi đến chỗ khá hơn, tức là bứt phá khỏi vòng vây của những tư tưởng cổ hủ và sai trái để phóng lên con đường cùng với nhân loại, xem ra cũng còn nhiều gian nan lắm.
VOA: Nếu ông nói rằng vẫn còn sợ thì chúng ta đã thấy các phát biểu của Trần Mạnh Hảo; các hồi ký của Trần Vàng Sao hoặc Tiêu Dao Bảo Cự, thì họ đâu có sợ gì đâu.
VTH: Cái đó nó cũng nằm trong cái chung thôi. Ví dụ như trước đây không người nào dám nói như anh Trần Mạnh Hảo, anh Tiêu Dao Bảo Cự ; thì bây giờ không phải một người mà có nhiều người nói. Số đông bao giờ cũng cho người ta cái cảm giác bớt sợ hãi, tất nhiên những người đi tiên phong thì phải gánh chịu những cái khó khăn hơn.
Đặc biệt là gần đây có những người từng giữ những chức vụ khá trong cơ quan đảng hoặc nhà nước, ví dụ như ông Nguyễn Trung, từng là đại sứ, ông ta viết tôi thấy cũng nặng nề lắm. Ông viết: đảng cộng sản cứ nắm chặt con tàu Việt Nam, còn đảng viên đảng cộng sản Việt Nam thì cứ giữ chặt những cái ghế trên con tàu ấy, mà con tàu này thì đi theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, mà đảng cộng sản chưa nói rõ Xã Hội Chủ Nghĩa nó là cái gì.
(VOA phỏng vấn Vũ Thư Hiên)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“rỏ = nhỏ: nhỏ rãi”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “nhỏ dãi” mới đúng. “Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem luốc, mũi dãi (…) bôi đầy mặt.” (Nam Cao)”.
(Hòang Tuấn Công)
Trò chuyện cùng nhà văn Vũ Thư Hiên - 2
VOA: Một số người nói rằng, so với thời phải ăn bo bo trước đây thì bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Là một nhà văn, ông nghĩ sao về luận điểm này.
VTH: Tôi cho là đúng. Khá nhiều chứ, nó xảy ra với bất kỳ một nước nào, chứ không riêng Việt Nam, như là một hiện tượng thần kỳ, không có đâu. Còn nếu nói rằng bây giờ khác trước, thì chỉ có những cán bộ tuyên huấn mới nói đấy là thành tích do đảng cộng sản tạo ra, chứ còn người dân bình thường người ta thấy hết chiến tranh thì người ta phải làm, phải sống, và sống khá hơn trước. Nhưng bây giờ, đáng chú ý là nếu như có cái gì đó, do đảng cộng sản tạo ra thì đó là sự phân biệt giàu nghèo, sự chênh lệch kinh khủng hiện nay. Ta thử tính xem, một thằng cha nó cá độ đến 1 triệu 8 đôla, báo trong nước đăng rồi, thì thử hỏi một nông dân cần cù phải nhịn ăn bao nhiêu năm và bao nhiêu thế hệ nữa mới chơi được một lần cá cược như anh kia.
VOA: Có những tác phẩm văn học mà sau khi đọc xong, chúng ta có thể gọi là tiếng kêu của loài chim báo bão. Việt Nam đã có một tác phẩm nào báo bão hay chưa, thưa ông?
VTH: Chưa có tác phẩm nào có tính chất báo bão cả. Việt Nam chúng ta có cái đặc biệt là chẳng bao giờ ở cái mắt bão trên đất nước chúng ta cả. Chúng ta toàn chịu những cơn bão rớt thôi. Bão ở vùng biển Đông và nó rớt vào vùng này vùng kia ở nước ta. Những chấn động thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều, và nếu người Việt Nam không mau mắn để chọn con đường đi của mình, cứ chờ đợi một chấn động từ bên ngoài, thì đất nước mình sẽ chậm chạp lắm. Nếu có một con chim báo bão nào thì nó phải báo to điều đó.
(VOA phỏng vấn Vũ Thư Hiên)
Vài hàng về tác giả Vũ Thư Hiên
Vũ Thư Hiên (18 tháng 10 năm 1933). Ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh, bí thư của ông Hồ. Ông Vũ Đình Huỳnh trong thời gian dài, sau làm vụ trưởng vụ lễ tân bộ Ngoại Giao, Vụ Trưởng trong ban kiểm tra trung ương đảng.
Ông Vũ Thư Hiên là một trong những nhân vật của Vụ Án Xét Lại chốngng đảng. Năm 1997, hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày của ông được xuất bản. Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ Án Xét Lại chốngng đảng, ông bị chính quyền bí mật bắt và giam cầm sau khi đã bắt cha ông (Vũ Ðình Huỳnh) 2 tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên ôtô và đưa về nhà tù Hỏa Lò ngay trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội.
Ông bị giam 9 năm, trong đó bị giam trong xà lim cá nhân bốn năm rưỡi, qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây) và Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Chính quyền thả ông không án cũng như không xét xử. Ra tù năm 1976, nhưng còn bị quản thúc bằng lệnh miệng của nhà cầm quyền mãi cho tới mùa thu năm 1980 mới được phép vào Nam.
Năm 1993, ông qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo. Tại đây ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày về chín năm bị giam cầm.
Cuối năm 1995, ở Nga, sau một vụ tấn công dàn dựng của mật vụ VN, ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Ba Lan. Ðến cuối năm 1996, sau một chuyến đi Paris, trở về Ba Lan ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký. Do đó ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày.
Ông ở Strassbourg (Pháp) 1 năm, Bern (Thuỵ Sĩ) 1 năm, Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers, German PEN Club và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg (Nurnberg)."
Những tác phẩm của ông đã xuất bản khi còn ở Việt Nam:
Lối thoát (kịch, 1954)
Bông hồng vàng (dịch của tác giả Paustovsky, 1960)
Truyện ngắn Paustovsky (dịch, 1962)
Luật rừng (truyện, in chung, 1985)
Khúc quân hành lặng lẽ (truyện nhiều tập, 1985-1989)
Luật rừng (kịch bản, 1988)
Miền thơ ấu (tiểu thuyết); và một số kịch bản điện ảnh.
Bánh đúc lạc
Để đến khi nguội, bánh đúc phải giòn như bì lợn luộc, dùng dao cắt hoặc bẻ ăn không dính tay, không nồng vôi, bánh có độ mặn, mịn và bóng mới đạt yêu cầu.
Khi ăn, bánh đúc có vị giòn, mát, mịn, không béo. Cứ nghĩ đến tấm bánh đúc nhàn nhạt, mềm mượt chấm vào cái vị ngọt thanh, bùi béo của những giọt tương màu vàng sậm tạo cho người thưởng thức một cảm nhận rõ cái độ mát của bột gạo, vị ngòn ngọt, thanh thanh của tương, bùi bùi, thơm và béo của lạc rang.
(Tuệ Phong)
Sống, mái
Người Bắc gọi gà trống là gà sống.
Gà sống là chồng gà mái.
Vậy mà “một trận sống mái” lại có nghĩa khác là “một mất, một còn”. Chứng tỏ ở đâu có “sống mái” là có…“một mất một còn”.
(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)
Chữ nghĩa làng văn
Cái Hay cái Dở ở thơ Bùi Giáng - 2
Thưởng thức thơ, bất nhất như với ẩm thực. Vì "mùi sầu riêng" ở thơ Bùi Giáng mà sinh tranh cãi – đó là điều dễ hiểu. Như, trong bài Tặng Quán phở Huyền Trân:
Hai cô bán phở dịu dàng
Đừng nên nói bậy hai nàng buồn ta
Trẫm từ lịch kiếp phôi pha
(…)
Tuỳ thời thể dựng mà tuy nhiên là
Khi mà Nguyễn Hưng Quốc ngạc nhiên "Ai cũng thấy rõ hai câu đầu và sáu câu sau có giọng điệu khác hẳn nhau. Vậy mà, riêng tôi, thú thật, tôi không hiểu tại sao Bùi Giáng có thể chuyển từ hai câu đầu xuống sáu câu dưới một cách dễ dàng tự nhiên như vậy",
(Đỗ Quyên)
Nguyễn Hưng Quốc: Trường hợp Bùi Giáng
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Hà Hương phong nguyệt truyện
(tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của miền Nam)
Trong quá trình nghiên cứu văn học quốc ngữ miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có một ý kiến của nhà nghiên cứu Bằng Giang trong công trình Văn Học Quốc Ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 khiến chúng tôi đặc biệt lưu ý: “Còn tiểu thuyết chỉ bắt đầu với Hà Hương Phong Nguyệt của Lê Hoằng Mưu đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915”.
Nhà văn miền Nam Bình Nguyên Lộc trong cuộc phỏng vấn trên The Vietnam Forum số 13/1990 lúc sang Mỹ định cư cũng cho biết: "Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương Phong Nguyệt Truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam”.
Thái Bạch trong “Truyền thống bất khuất của văn nghệ miền Nam” in trên Tin Văn số 12 ngày 9.6.1967 vẫn còn nhớ đến cuộc bút chiến quanh tác phẩm này. Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm Sách Xưa & Nay trong Hồi Ký 60 Năm Chơi Sách cho biết có người đã từng yêu cầu ông “làm bất cứ cách nào” và mua hộ “bằng bất cứ giá nào” quyển sách này của Lê Hoằng Mưu.
(Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học – Võ Văn Nhơn)
Giai thoại bài thơ "Tương tư"
Ông Nguyễn Công Trứ (1778-1859), đỗ Giải Nguyên, làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông có tài thơ văn, đặc biệt sở trường về lối ca trù. Ông là một trong những thi nhân có nhiều giai thoại văn chương.
Dưới đây là một trong những giai thoại rất mực phong lưu.
Thuở thiếu thời, lúc còn là học trò nghèo, ông đã rất thích nghe hát ả đào. Gần miền có một ả đào tên Hiệu Thư nhan sắc xinh đẹp lại nổi tiếng hát hay, nhưng tính nết kiêu kỳ. Chưa ai thưởng thức được giọng hát lời ca của cô ta. Ông muốn gần mà không thể gần được, bèn nghĩ ra một kế là đến xin theo Hiệu Thư làm kép. Đàn đáy ông rất hay, mỗi khi Hiệu Thư đi hát đình đám, ông thường cùng một tiểu đồng quảy gánh mang đàn theo sau.
Một hôm có đám ở huyện bên mời Hiệu Thư sang hát, ông cố ý để quên dây đàn ở nhà. Đi được vài dặm đến chỗ đồng không quãng vắng, ông giả vờ luống cuống. Hiệu Thư gạn gỏi, ông nói: "Vội vàng bỏ quên dây đàn ở nhà, bây giờ biết làm thế nào? "
Hiệu Thư sai tiểu đồng chạy trở về lấy. Lúc ấy bốn bề vắng vẻ, chỉ còn hai người, ông liền đến ôm lấy, Hiệu Thư chỉ kêu ứ hự. Sau lần đó, ông bỏ đi không trở lại nữa.
10 năm sau, ông làm Tổng đốc Hải Dương, ông mở tiệc ăn mừng, cho tìm ả đào danh ca các nơi về hát. Tình cờ Hiệu Thư lại ở trong đám ca nhi ấy. Ngồi vào chiếu hát, nàng liếc nhìn thấy ông quan trang nghiêm đang cầm roi chầu ngồi trên sập kia chính là anh kép đàn năm xưa đã trêu ghẹo mình ở chỗ đồng không quãng vắng, liền bắt đầu bài hát nói bằng hai câu mưỡu rằng:
Giang sơn một gánh giữa đồng,
Thuyền quyên ứ hự… anh hùng nhớ chăng?
Ông nghe hát sực nhớ chuyện cũ, liền ngừng tay trống hỏi:
- À , té ra cố nhân đó ư?
Rồi ông đọc luôn một bài thơ rằng:
Liếc trông giá đáng mấy mười mươi,
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười.
Trăng xế nhưng mà cung chưa khuyết,
Hoa tàn song lại nhụy còn tươi.
Chia đời duyên nọ đà hơn một,
Mà nét xuân kia vẹn cả mười.
Vì chút tình duyên nên đằm thắm,
Khéo làm cho bận khách làng chơi.
Ông hỏi ra mới biết nàng vẫn còn chờ đợi, không chịu lấy ai, liền cưới làm tiểu thiếp. Ông có nhiều vợ, mà đối với vợ nào cũng tỏ ra nặng tình. Tuy nhiên, Hiệu Thư vẫn là người được ông yêu thương thắm thiết hơn cả. Sau đó ít lâu, ông phụng chỉ đem quân dẹp giặc ở vùng Tuyên Quang, Cao Bằng, xông pha nơi lâm sơn chướng khí. Những khi việc quân nhàn hạ, chạnh thương ai phòng không chiếc bóng, vò võ năm canh, ông làm bài thơ "Tương tư" theo lối "thủ vĩ ngâm" rồi cho người mang về:
Tương tư khôn biết cái làm sao?
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào!
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt, ngờ chân bước
Gió thổi bên tai, tưởng miệng chào
Một nước một non, người một ngả
Tương tư khôn biết cái làm sao?
Để nhớ lại một thời
Xích lô một thủa
Nói về chuyện cạnh tranh giữa xích lô đạp và xích lô máy, thằng bạn thân của tôi rất rành. Ba của hắn chạy xích lô máy vào thuở chúng tôi còn chưa ra đời. Vào những năm cuối thập niên 50, giá một chiếc xe xích lô máy khoảng tám cây vàng.
Hình ảnh xe Triporteur hiệu Peugeot
năm 1950 tại Pháp trước khi chế tác
lại làm xe xích lô máy
Bạn kể, nghe đâu xích lô máy của ba bạn là loại xe được chế tác lại từ kiểu xe nguyên thủy mới nhất của xe Triporteur Peugeot hai thì chạy bằng xăng pha nhớt, sản xuất tại Pháp. Loại xe này nguyên là xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng nông thôn đến các chợ hoặc siêu thị bên Pháp. Hình dáng của nó gần giống xe ba gác máy chở hàng.
Dàn phía sau là của xe Triporteur, còn dàn phía trước rập khuôn xích lô đạp nên gọi là xích lô máy.
(TN baotreonline)
Những ngôi chùa Bắc
Chùa Láng
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.
Theo tài liệu của Nguyễn Đổng Chi thì sự tích về chùa Láng có liên quan với những truyền thuyết của vị thiền sư Từ Đạo Hạnh đời nhà Lý. Ông là một vị cao tăng thời vua Lý Nhân Tông. Tục danh của ông là Từ Lộ.
Chùa Láng còn có tên là Chiêu Thiền Tự. Mỗi năm đến ngày mồng 7 tháng ba âm lịch, cũng là ngày sinh của Từ Đạo Hạnh, dân chúng trong vùng mở hội chùa Láng. Hiện nay, chùa Láng tọa lạc cách Hà Nội chừng bảy cây số về hướng tây. Trong giai đoạn sơ khởi chùa nầy tọa lạc trên một cảnh trí trang nghiêm, phong quang: chùa ở một ngọn đồi nhỏ giữa cánh đồng rộng bát ngát; chung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ.
Cổng tam quan của chùa Láng theo kiểu cung điện của mô thức kiến trúc của cổng vương phủ triều Nguyễn: phía trước có một dãy hàng cột trụ biểu, xây bằng gạch có gắn những mãnh sành sứ. Cổng có ba mái cong lên, theo kiểu cấu trúc Maya của nghệ thuật Chiêm Thành trước đây.
Sân chùa được lót bằng gạch Bát Tràng, nối liền cổng chùa và cửa tam quan. Chùa chính bao gồm: Tiền đường, toà Thiên hương, thượng điện, nhà thờ Tổ, tăng phòng.
Chùa Láng được xem là đệ nhất tùng lâm trong kinh thành.
(Kiêm Thêm)
Huyền thoại về cây gạo cổ
Sân đình làng tôi có cây gạo cổ đứng bên cống hành mã, cùng soi bóng xuống hồ nước xanh, trông bề thế và lung linh màu huyền thoại. Không ai biết cây gạo đã có bao nhiêu năm, ngay cả ông nội tôi cũng bảo rằng: thời ông còn bé cây gạo đã như thế.
Dáng cây sừng sững, to đến mấy người ôm, những u bướu xù xì, lồi lõm. Cành lá ngang, tàng che mát cả một vùng. Dù ai đi buôn, đi bán trăm nghề, đi tha phương cầu thực đâu đâu, khi trở về quê, mới đến bến đò bên kia sông, nhìn thấy bóng cây gạo đã thấy ấm lòng. Tháng ba, hoa gạo nở bung ra, đỏ thắm, chói lọi, rực rỡ như những quầng lửa thắp sáng niềm tin ở chốn quê nghèo. Những đàn chim khách, sáo sậu, liếu điếu về cây làm tổ, hót ríu ran, thả những bông hoa năm cánh đỏ chói xuống sân đình.
(Vô danh thị)
Địa danh Sài Gòn và huyền thọai
Được sự trợ giúp của chúa Nguyễn, hai lần quân Xiêm (1621 và 1623) bị đẩy lui. Sau sự việc này, chúa Nguyễn xin vua Chân Lạp cho phép dân Việt đến khai khẩn đất đai trong vùng đất Kampong Krabei tên Việt là Bến Nghé.
Theo Petrus Ký: Bến Nghé từ tiếng Khmer là Kampong Krabei (hay Prei Kor) với nghĩa vũng trâu hay bến trâu
Theo Vương Hồng Sển: Tiếng Khmer thì Kor là gòn mà cũng có nghĩa là bò. Vậy Prei Kor là…rừng bò chứ chưa hẳn là rừng gòn.
Năm 1777, quân Tây Sơn đánh Cù Lao Phố, người Hoa kéo nhau về “Sài Gòn” (sau này gọi là Chợ Lớn) lập thành phố khác. Crawford (người Anh) cho hay “Bến Nghé” và “Sài Gòn” (Chợ Lớn) là 2 thành phố khác biệt, cách nhau độ 1, 2 dặm. Bến Nghé là đồn binh, “Sài Gòn” (Chợ Lớn) là phố buôn bán của người Hoa
Do từ Bến Nghé khó phát âm đối với người Pháp hơn là từ “Sài Gòn”. Nên người Pháp gọi Bến Nghé là Sài Gòn.
Vì vậy Bến Nghé xưa kia là Sài Gòn sau này.
Bến Nghé là một khúc sông Sài Gòn (từ cầu Khánh Hội đến cầu Chữ Y) chảy qua Sài Gòn hợp với sông Đồng Nai ở Nhà Be đổ ra biển Đông.
(Bến Nghé năm xưa)
Kênh Chợ Vải (kênh Lớn) và đường Nguyễn Huệ nhìn từ phía sông Sài Gòn vào phía Tòa Thị Chính (lúc này chưa xây) và cũng chưa có Nhà thờ Đức Bà (khởi công 1877, hoàn thành 1880).
Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là một con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là kênh Grand, người Việt gọi là kênh Chợ Vải.
(Trần Văn Miêng)
Phạm Duy, ông là ai? - 1
Câu chuyện điện thoại với ông Lê Hữu Mục để lại trong tôi một ấn tượng khá nặng nề, kéo dài suốt nhiều tháng ngày kế tiếp. Đúng, Phạm Duy là một khuôn mặt nổi của nền ca hát Việt Nam từ thời Kháng Chiến chống Pháp trở lại đây. Nhưng có một điều đúng hơn mà ít người biết: "Kể riêng về mặt âm nhạc, Phạm Duy không thật sự lớn như quần chúng đã ưu ái suy tôn ông."
Tôi là một được người sinh ra và lớn lên trong cái nôi âm nhạc truyền thống của gia đình. Tôi tốt nghiệp violon nhạc cổ điển Tây Phương trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn năm 1967, dưới quyền giám đốc của ông Nguyễn Phụng, trực thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa thời ông Mai Thọ Truyền. Từ đó đến nay, tôi vẫn tiếp tục học và nghiên cứu âm nhạc qua nhiều hình thức và với nhiều vị giáo sư khác nhau, từ Việt Nam đến Âu Châu. Trên lãnh vực âm nhạc, được giao tiếp với nhiều người tài giỏi, nhìn lại ông Phạm Duy, tôi không cho rằng ông xứng đáng với ba chữ “khuôn mặt lớn” của nền ca hát Việt Nam.
(Trần Thị Bông Giấy)
Tiểu sử : Trần Thị Bông Giấy tên thật Trần Thị Thu Vân , chào đời tại Huế, lớn lên tại Sài Gòn. Hiện đang ở San José, California.
Tác phẩm : Nước Chảy Qua Cầu, Một Truyện Dài Không Có Tên, Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau, Đi Tìm Thời Gian Đã Mất, Dostoievski, Cuộc Đời và Sự Nghiệp
Phạm Duy, ông là ai? - 2
Một nhạc sĩ sáng tác lớn phải hội đủ những điều kiện sau:
1/ Thông Suốt Ký Âm Pháp.
Trong nhạc Đông Phương, nói về Thúy Kiều, Nguyễn Du đã viết: "Cung, Thương làu bậc ngũ âm", thì phía nhạc Tây Phương, Mozart, Beethoven, Schubert... khi viết các symphonie, concerto, opéra, và nhiều thể loại khác, đã chứng tỏ được sự siêu đẳng của mình trên phần ký âm pháp.
Cá nhân Phạm Duy cho thấy không có được trình độ như vậy. Sáng tác của ông chỉ quanh đi quẩn lại là các ca khúc rất đơn giản, âm sắc bình thường, bài nào cũng giống nhau một cách đơn điệu nhàm chán. Phần kỹ thuật chẳng đưa ra được tính phá cách cần thiết trong nghệ thuật sáng tạo. Nói cho đúng, ca khúc của ông thành công là do thinh điệu phong phú của tiếng Việt, hay do sự đẩy đưa ngân nga trong cách trình bày của ca sĩ. Nếu che đi hết phần lời trong các ca khúc, chỉ tấu lên phần mélodie bằng âm thanh một nhạc khí nào đó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra sự nghèo nàn trong âm nhạc Phạm Duy.
2/ Điêu Luyện Nhạc Khí
Trong khi Thúy Kiều của Nguyễn Du "Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương", thì các soạn nhạc gia quốc tế, từ cổ sang kim, từ Beethoven, Chopin, Mozart, Schubert.... đến John Lennon, Nat King Cole, Ray Charles... đều là những tay instrumentiste chuyên nghiệp, mỗi người có thể sử dụng vững vàng từ một đến hai, ba thứ nhạc khí. Riêng Phạm Duy, thử hỏi ông thông làu được nhạc khí nào, nếu không chỉ là các hợp âm guitare loại "son đố mì" ông có từ thời còn làm nghề hát dạo? Hơn nữa là vài ngón dương cầm võ vẽ học lóm được trong một lớp dự thính tại Conservatoire de Paris nhờ sự quen biết của ông anh Phạm Duy Khiêm gửi gấm, ông mới được có mặt? Dạo về sau ông cũng biết sử dụng chút ít keyboard, loại nhạc khí thời trang mà mọi phần hòa âm phối khí trên ấy (viết ra và ghi lại từ tài năng kẻ khác) đều đã được lắp ráp sẵn?
(Trần Thị Bông Giấy)
Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)
Báo chí thế giới 40 năm sau “Tet Offensive”
Viết về Mậu Thân 40 năm sau dường như không phải là đề tài nóng hổi, giựt gân, thu hút bạn đọc nên các bài viết về Mậu Thân 1968 ở báo chí thế giới năm 2008 là điều hiếm có. The Lies of Tet (34) của Arthur Herman, đăng ngày February 6, 2008 trên Wall Street Journal Online là một thí dụ.
“Vietnam Syndrome” (Hội chứng Việt Nam) (35) của David Warren, một columnist của tờ Ottawa Citizen – Ottawa, Ontario, Canada – viết ngày 3 tháng 2, 2008 là một bài khác. Trong bài Hội chứng Việt Nam, Warren đã nhắc lại cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng:
Cộng sản tuyên bố Tổng khởi nghĩa, nhưng việc đó đã không xẩy ra. Chỉ vài ngày sau quân và đồng minh đã chuyển sang phản công. Khi tái chiếm lại các thị xã, và thành phố họ phát hiện những cuộc thảm sát do quân cộng sản thực hiện. Mục tiêu chính của cuộc tổng công kích của địch là tiêu diệt cả xã hội (nguyên văn “decapitate a whole society”)
Uwe Siemon-Netto. Nguồn: concordia.typepad.com
http://www.dcvonline.net/images/102008/uwephoto.jpg
Warren viết tiếp, thuật lại lời một người bạn là ký giả, mục sư Lút-ti người Đức Uwe Siemon-Netto:
Tôi đi vào khu ký túc xá đại học (Huế) để thăm hỏi tin tức bạn bè, những giáo sư người Đức của trường Y khoa. Tôi được cho biết tên của những người bạn tôi cùng nằm trong danh sách 1.800 người sống tại Huế được chọn để thủ tiêu.
Sáu tuần sau, người ta tìm thấy xác của các bác sĩ Alois Altekoester, Raimund Discher, Horst-Guenther Krainick, và Elisabeth, vợ của Krainick, trong một mồ chôn chung mà Việt Cộng đã bắt họ tự đào lấy.
(Trần Giao Thủy)
Đám ma Lý Toét
Nằm dúm trên giường, Lý Toét mở thao láo hai mắt nhìn lên đình màn. Người khô đét như con mắm, tuy đắp chăn mà các đầu xương vẫn hằn ra ngoài, mặt võ vàng, gò má lồi ra, hai mắt sâu thành to thêm. Tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc và rụng dần, búi tóc chỉ còn bằng củ hành to.
Đầu giường có vài chiếc bát không, cơ chừng bát uống thuốc; một đĩa mía tiện sẵn, toàn khẩu nạc, mấy quả cam, táo. Cô Ba Vành hết lòng săn sóc bố, nhưng nào bố có ăn được! Hai con mắt vẫn tỉnh lắm, rất tinh nhanh. Có lúc râu mép vểnh lên, mấp máy. Khi mệt yếu quá, Lý Toét rên khừ khừ hay thở dài những tiếng thực mạnh, làm Xã Xệ giật mình chạy lại. Lý Toét nhìn Xã Xệ, dáng tức tối, có lẽ vì Xã Xệ đang uống rượu gian bên.
Trong nhà im lặng. Ai nấy đi lại rón rén, không động mạnh guốc. Cạnh chân giường Lý Toét, mấy cái củi gộc lom dom trong chiếc bếp kê tạm để hâm thuốc, và để cho ấm nhà. Thỉnh thỏang Xã Xệ đến cạnh bếp, cúi lom khom cời lửa. ánh sáng chiếu vào cái đầu mập lù, bóng nhoáng. Cô Ba Vành ngồi trong buồng khâu vội mấy chiếc áo trắng. Bà Lý bận cơm nước, thằng Toe vẫn đi chơi với trẻ. Hai con chó, con Vàng và con Vện, nằm ép dưới gầm cũi, chẳng buồn cắn những người tới hỏi thăm.
(Đỗ Đức Thu)
Nứt đố đổ vách
Đố là đoạn tre hay đoạn gỗ ở bức vách để đan nan. Nứt đố đổ vách là của cải chất nhiều trong nhà đến nỗi cái đố bị nứt ra, vách nhà bị đổ. Nghĩa là giầu lắm.
Cũng có nới nói giầu nứt đấu đổ vách. Đấu là vật dụng để đong thóc hay gạo. Nứt đấu là nhiều thóc gạo đến độ đong nứt đấu ra.
Thưng là 1/10 cái đấu, do chữ thăng đọc trạnh ra
Thưng đấu nhờ tay một mẹ mày
(Trần Tế Xương)
Là chuyện buôn bán, chạy gạo thì phải nhờ vợ.
(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng về bài của Nguyễn Vỹ
Cũng theo ông Nguyễn Vỹ, bài thơ nổi tiếng này đã được hai nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bản của nhà thơ Michen Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais – (Ed. Hachette), nguyên văn như sau:
Combien triste est l’ automme
Quand j’ entends la voix
Du serf qui brame
En foulant et dispersant les feuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne
(Mùa thu buồn làm sao
Khi tôi nghe tiếng
Của con hươu đực thé lên
(rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Trong những nơi sâu thẳm của núi).
(Trần Đăng Khoa)
Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ
Gặp lại ốc sên
Tao đã rửa nhớt của mày bằng muối
Ướp mày bằng ngũ vị hương
Nấu mày trong ống bơ
Ăn mày những ngày đói ở trại tù sĩ quan ngụy Xuân Lộc
Tao ăn mà sợ sợ
Hỏi thằng tù bác sĩ:
Có sao không Hải?
“Chỉ chậm chạp qua đời…”
Đói nên không dám ói
36 năm rồi
Tao chưa chết
Để gặp lại mày
Trên vỉa hè phố đồ cổ Lê Công Kiều chiều nay
Đời mày phơi nắng dầm mưa bao lâu rồi
Mày đến từ lò thiêu Biên Hòa, Cây Mai hay Lái Thiêu không ai còn biết
Nay mày rụng hết tai mù hết mắt miệng hết mở
Cũng như tao hồi đó hay sao
Thằng bán mày chắc cũng không mấy được no
Mua bán chầm chày may rủi
Từ những gánh ve chai
Từ những cái túi lấm la lấm lét
Cái số mày với tao
36 năm không chết còn gặp lại nhau
Trong một chiều hiếm khi
Tao phải đưa mày về nhà
Và thằng bán mày chiều nay có bữa lai rai.
Sg, 2011
(Trịnh Cung)
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ, Jan 22, 2012)
Trịnh Cung tên thật Nguyễn Văn Liễu, sinh năm 1939 tại Nha Trang. Năm 1963: Vào quân đội, là SQ huấn luyện tại Trường Sĩ Quan Thủ Đức. Năm 1975: Bị tù 3 năm, không vẽ 11 năm. Năm 1963: Bức tranh “Người Ngồi” của ông được chọn gửi đi dự giải “Triển Lãm Lưỡng Niên Paris 1963”. Năm 1958, bài thơ "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành nhạc phẩm cùng tên. Năm 1966: Tham gia Hội Họa Sĩ Trẻ với chức vụ là Tổng Thư Ký. Năm 2013: Định cư tại California.
***
Phụ đính I
40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn
nhà thơ đã khuất núi
(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn
Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Thảo Trường
(1936-2010)
Nhà văn Thảo Trường tên thật Trần Duy Hinh, sinh ngày 25-12-1936 tại Nam Định trong một gia đình đông con, ông là người thứ chín. Thân phụ ông mất sớm, năm 1954 ông di cư vào Nam để lại mẹ và người chị ở quê nhà lo phụng dưỡng ông nội và coi sóc mồ mả tổ tiên. Nhưng sau đó, mẹ ông bị đấu tố, bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, phải ra ở ngoài gò đất giữa cánh đồng nước mênh mông. Vào Nam, nhà văn Thảo Trường gia nhập quân đội theo học khóa 6 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, và chính thức viết văn.
Truyện ngắn “Hương Gió Lướt Đi” là tác phẩm đầu tiên của ông đăng trên tạp chí Sáng Tạo do nhà văn Mai Thảo làm chủ bút. Ngày 30/4/1975 ông đi tù gần 17 năm, trải qua 18 nơi giam giữ. Sau khi ra tù một năm, ông sang Mỹ đoàn tụ với vợ con. Ông đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi
Các tác phẩm đã xuất bản gồm:
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng (1973) , Cát (1974), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Miểng (2005), Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết (2008).
***
Phụ đính II
Chữ nghĩa làng văn
Học giả Hoàng Văn Chí
Ông Hoàng Văn Chí sinh ngày 1-10-1913 tại Thanh Hóa; khi ra Hà Nội học Albert Sarraut (1928-1935), và đậu cử nhân Khoa Học tại Ðại Học Ðông Dương (1940). Bút hiệu Mạc Ðịnh. Năm 1940 kết hôn với bà Lê Hằng Phấn, ái nữ Sở Cuồng Lê Dư.
Tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1946, chính thức hoạt động với chính quyền Việt Minh (1949-53) với tư cách chuyên viên phụ trách đúc tiền, làm giấy in bạc, chế tạo hóa chất cho quốc phòng. Năm 1954 ông bỏ kháng chiến trở về thành.
Sau năm 54, ông di cư vào Nam (1955). Qua Âu Châu lưu trú tại Pháp (1960-65) bắt đầu viết sách và hoạt động văn hóa. Tác giả cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”. Tác giả từ trần ngày 6-7-1988 tại Maryland Hoa Kỳ, thọ 75 tuổi.
(Người phát giác vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” – Viên Linh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét