Giai Thoại Văn Chương :
NGƯỜI CHUYÊN VIẾT CA TỪ CHO KỸ NỮ:
Liễu Vĩnh
LIỄU VĨNH 柳 永 (984—1053)vốn tên là Tam Biến 三 變, tự là Cảnh Trang 景 粧; sau đổi tên là VĨNH, tự là KỲ KHANH 耆 卿; vì đứng hàng thứ bảy trong anh em, nên còn được gọi là LIỄU THẤT 柳 七. Ông người đất Sùng An thuộc tỉnh Phúc Kiến, là Từ nhân nổi tiếng thời Bắc Tống của hệ phái trữ tình lãng mạn. Xuất thân từ gia đình quyền qúy, từ nhỏ đã trao dồi kinh sử thi thư. Năm Hàm Bình thứ 5 (1002) Liễu Vĩnh rời bỏ quê hương lưu ngụ Hàng Châu, Tô Châu. Năm Đại Trung nguyên niên (1008) trở về kinh ứng thí, nhưng mấy khoa đều thi rớt, bèn quyết chí một lòng chuyên sáng tác từ. Cảnh Hựu nguyên niên (1034) mới đậu Tiến sĩ khi tuổi đã 50. Từng giữ các chức Mục Châu Đoàn Luyện Thôi Quan, Dư Hàng Huyện Lệnh, Hiểu Phong Diêm Giám, Tứ Châu Phán Quan, cuối cùng là Đôn Điền Viên Ngoại Lang, nên người đời còn gọi ông là Liễu Đôn Điền. Năm Hoàng Hựu thứ 5 (1053) ông tạ thế ở Nhuận Châu.
Hễ nhắc đến Liễu Vĩnh là mọi người đều nghĩ ngay đến câu từ nổi tiếng bất hủ của ông là:
今 宵 酒 醒 何 處, Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ,
楊 柳 岸 曉 風 殘 月. Dương liễu ngạn hiểu phong tàn nguyệt.
Có nghĩa :
Đêm nay say tỉnh nơi nao,
Bên bờ liễu rủ gió rao trăng tàn !
Có người thích lời thơ trữ tình gợi cảm một cách uyển chuyển nầy, cũng có người cho là lời thơ qúa mền yếu ủy mị. Nhưng dù nhận xét như thế nào thì cũng không phủ nhận được sức ảnh hưởng mạnh mẽ to lớn của các bài từ của Liễu Vĩnh đối với phong hóa xã hội lúc bấy giờ. Một học giả đời Nam Tống đã từng nhận xét: "Hễ nơi nào có giếng nước là nơi đó có ca từ của Liễu Vĩnh" cho thấy sự truyền tải các bài từ của Liễu Vĩnh thâm nhập một cách rộng rải vào đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân như một nhân vật truyền kỳ.
Thời gian sống ở Tô Châu và Hàng Châu, Liễu Vĩnh thường lăn lóc trong các xóm yên hoa và nổi tiếng ở các lầu xanh về tài điền từ 填 詞, tức là chuyên viết ca từ cho các cô kỹ nữ hát khi các nhạc sư soạn được ca khúc mới. Nói cũng lạ, khi các cô hát những khúc hát do Liễu Vĩnh viết ca từ thì luôn luôn được mọi người tán thưởng và bản thân cô kỹ nữ đó cũng được nâng cấp lên mấy bậc và được thưởng thật nhiều tiền. Vì thế mà các cô cũng rất hậu đãi và chào đón Liễu Vĩnh một cách thật niềm nở nhiệt tình, lắm cô lại mê mệt vì vẻ trẻ trung tuấn tú và tài hoa của chàng thanh niên công tử sống lăn lộn từ kỹ viện nầy đến thanh lâu khác một cách hồn nhiên.
Khi trở về kinh ứng thí với tên ban đầu là Liễu Tam Biến, rớt liền mấy khoa, Liễu Vĩnh buồn lòng viết nên bài từ "Hạc Xung Thiên 鹤 冲 天" với các câu sau:
黄 金 榜 上,偶 失 龍 頭 望。
Hoàng kim bảng thượng, ngẫu thất long đầu vọng.
明 代 暂 遗 賢,如 何 向...
Minh đại tạm di hiền, như hà hướng...
才 子 詞 人,自 是 白 衣 卿 相.
Tài tử từ nhân, tự thị bạch y khanh tướng!
烟 花 巷 陌,依 约 丹 青 屏 障。
Yên hoa hạng mâch, y ước đan thanh bình chướng.
幸 有 意 中 人,堪 尋 訪...
Hạnh hữu ý trung nhân, kham tầm phưởng...
忍 把 浮 名,換 了 淺 斟 低 唱!
Nhẫn bả phù danh, hoán liễu thiển châm đê xướng !
Có nghĩa :
Bảng vàng đã chẳng có tên,
Vua chưa tuyển dụng biết nên sao nào ?
Điền từ tài tử tự hào,
"Bạch y khanh tướng" chẳng nao lòng này !
Yên hoa trong xóm vui vầy,
Ý trung nhân khắp bạn bầy tìm đâu ?
Phù danh thôi chớ âu sầu,
Đổi thành rượu nhạt hát câu chung tình !
"Bạch Y Khanh Tướng" như ta nói là "Thượng Thư Áo Vải" vậy. Thi rớt nói nghe cho đỡ ngượng và tự hào dù có chút mỉa mai; Thi rớt nhưng ta vẫn là "Tể Tướng" điền ca từ cho xóm yên hoa. Công danh chỉ là phù du tạm bợ, thôi thì cứ gát bỏ một bên để đêm đêm cứ rót ly rượu nhạt nghe giọng hát tỉ tê của các nàng ý trung nhân trong ca lâu là qúa đủ rồi!
Bài từ trên được phổ biến khắp kinh thành, mọi người đều tán thưởng, cả hoàng đế Tống Nhân Tông cũng có đọc qua, nên lần thi sau, triều thần đều tiến cử Liễu Vĩnh lên cho nhà vua. Vua Tống Nhân Tông là người am tường về âm luật, nên trước đây cũng rất thích những lời từ hoa mỹ diễm lệ của Liễu Vĩnh. Nhưng sau khi lên ngôi nhà vua lại chú trọng đến nho nhả chính phái mà không thích lối phóng đãng bất chấp của Liễu Vĩnh, nên mới gạch bỏ tên của Liễu Vĩnh trên bảng vàng và dùng lời từ của chính Liễu Vĩnh phê rằng: "Cho về viết ca từ để đêm đêm rót ly rượu nhạt hát câu chung tình tỉ tê cùng các ý trung nhân". Thật mỉa mai chua xót!
Đã vậy, Liễu Vĩnh nhân đó lại nghiêm chỉnh chấp hành lời phê của vua mà bố cáo với thiên hạ rằng "Mình phụng chỉ nhà vua về chốn yên hoa điền từ cho các ca nương" với chiếu dụ: "Phụng Thánh Chỉ Điền Từ Liễu Tam Biến 奉 聖 旨 填 詞 柳 三 變" Từ đó, các bài từ của Liễu Vĩnh viết ra càng nổi tiếng và càng cao giá hơn nữa.
Thật ra nhờ thi rớt, nhờ bất đắc chí, nhờ thất tình với các ca nương trong chốn yên hoa, nhờ sống lây lất bất cần đời trong chốn ăn chơi trác táng mà thơ và ca từ của Liễu Vĩnh mới gợi tình gợi ý và mới đánh động được lòng người với những cảm xúc rất chân thật như đời thường, rất thấm thía với cuộc sống nhân sinh. Ông lấy vợ từ năm 17 tuổi, vợ là Thiến Nương 倩 娘 tuổi mới 15, là một tiểu mỹ nhân eo thon xinh xắn, ngây thơ đáng yêu như lời từ của ông miêu tả trong bài "Đấu Bách Hoa 鬥 百 花" :
满 搦 宫 腰 纖 细, Mãn nhược cung yêu tiêm tế,
年 纪 方 當 笄 歲。 Niên kỷ phương đang kê tuế.
剛 被 風 流 沾 惹, Cương bị phong lưu triêm nhạ,
与 合 垂 楊 双 髻。 Dữ hợp thùy dương song kế.
初 學 嚴 妝, Sơ học nghiêm trang,
如 描 似 削 身 材, Như miêu tự tước thân tài,
怯 雨 羞 雲 情 意。 Khước vũ tu vân tình ý,
舉 措 多 嬌 媚。 Cử thố đa kiều mỵ !
Có nghĩa :
Eo thon còn lỏng vòng tay,
Cập kê tuổi mới biết cài trâm hoa.
Phong lưu e ấp dáng ngà,
Tóc mây tựa liễu bím xòa hai mang.
Lần đầu mới biết điểm trang,
Thân thon mình nhẹ miên man ý tình.
Mây mưa e thẹn chưa rành,
Yêu kiều diễm lệ cho đành lòng nhau.
Vừa ngây thơ vừa đáng yêu Thiến Nương lại vừa chu đáo, biết Liễu Vĩnh khi điền từ ít khi chừa nháp, nên mới âm thầm thu nhặt hết những bài từ của chồng, gom góp lại thành một "Nhạc Chương Tập 樂 章 集" với lời đề tựa rất dễ thương: "Phu quân Kỳ Khanh 耆 卿 của tôi rất giỏi về từ. Người không biết thì cho đó chỉ là những lời ướt át ủy mị, còn người thông hiểu thì cho đó là những tâm huyết đóng góp cho từ đàn...". Có được người vợ như thế còn gì qúy giá và hạnh phúc hơn nữa. Đáng tiếc là người tốt lại vắn số, nên khi tuổi còn rất trẻ nàng đã bỏ Liễu Vĩnh mà về cõi vĩnh hằng. Ông lại vì người vợ thân yêu mà viết bài "Phụng Thê Ngô 鳳 棲 梧" với những lời thương nhớ rất não lòng như sau:
佇 倚 危 樓 風 細 細, Trữ ỷ nguy lâu phong tế tế,
望 極 春 愁,黯 黯 生 天 際。 Vọng cực xuân sầu, ảm ảm sinh thiên tế.
草 色 煙 光 殘 照 里, Thảo sắc yên quang tàn chiếu lý,
無 言 誰 會 憑 闌 意。 Vô ngôn thùy hội bằng lan ý.
擬 把 疏 狂 圖 一 醉, Nghĩ bả sơ cuồng đồ nhất túy,
對 酒 當 歌,強 樂 還 無 味。 Đối tửu đương ca, cưởng lạc hoàn vô vị !
衣 帶 漸 寬 終 不 悔, Y đới tạm khoan chung bất hối,
為 伊 消 得 人 憔 悴。 Vị y tiêu đắc nhân tiều tụy !
Có nghĩa :
Lầu cao gió nhẹ một thân,
Xuân sầu mút mắt tần ngần riêng ta.
Nắng tàn cỏ úa nẻo xa,
Âm thầm lặng lẽ nhạt nhòa lan can.
Muốn say một trận cho cam...
Rượu, ca vô vị vui làm sao đây !?
Lỏng vòng xiêm áo ai hay...
Vì ai tiều tụy hao gầy vì ai ?!
Quả là một tấm lòng chân thành của một người chồng khóc thương vợ. Nhưng song song với cuộc sống trong chốn yên hoa, Liễu Vĩnh cũng rất chân tình rất thật lòng với tất cả những ca nhi kỹ nữ, các người đẹp ca nương nổi tiếng ở chốn thanh lâu... Sau khi liên tục thi rớt, ông gần như sống hẵn ở các xóm yên hoa như một thành viên bao cấp không thể thiếu. Ông vừa dạy nhạc lý vừa điền từ cho các nhạc công và ca kỹ ở giáo phường, khiến cho các nàng luôn luôn được tán thưởng và bội thu, nên việc cơm áo cũng khỏi phải lo toan.
Năm Thiên Thánh thứ hai (1024), lần thứ tư thi rớt, rời kinh sư trong nỗi phẫn hận buồn thương lại bị người tình lúc bấy giờ là Trùng Nương ruồng rẫy, Liễu Vĩnh đã làm bài từ nổi tiếng tiêu biểu cho thể từ ủy mỵ ướt át của ông là 《Vũ Lâm Linh. Hàn Thiềm Thê Thiết 雨 霖 鈴·寒 蝉 凄 切》sau đây:
多 情 自 古 傷 離 别, Đa tình tự cổ thương ly biệt,
更 那 堪,冷 落 清 秋 節! Cánh na kham, Lãnh lạc thanh thu tiết!
今 宵 酒 醒 何 處? Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ ?
楊 柳 岸, 曉 風 殘 月。 Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt.
此 去 经 年, Thử khứ kinh niên,
應 是 良 辰 好 景 虚 設。 Ưng thị lương thần hảo cảnh hư thiết.
便 縱 有 千 种 風 情, Tiện túng hữu thiên chủng phong tình,
更 与 何 人 說 ? Cánh dữ hà nhân thuyết ?!
Có nghĩa :
Đa tình vốn khổ xưa nay,
Huống trong hiu hắt ai hoài tàn thu.
Đêm nay rượu tỉnh nơi mô ?
Bên bờ liễu rủ trăng mờ gió lay.
Biệt ly đã suốt năm nay,
Đoàn viên cảnh đẹp chỉ hoài công thôi.
Cho dù tình có ngất trời,
Nỗi lòng biết tỏ với ngưới nào đây ?!
Trở về với cuộc sống trong xóm yên hoa, khi điền ca từ cho hoa khôi nổi tiếng ở Hàng Châu lúc bấy giờ là Tạ Thiên Hương 謝 天 香 ông bắt gặp một tập "Liễu Thất Tân Từ 柳 七 新 词" là Các bài từ mới sáng tác của Liễu Thất với nét chữ chép tay thanh tú của người đep. À, thì ra hoa khôi tài sắc song toàn nầy đã cảm mến ông từ lâu. Từ đó hai người gắn bó lấy nhau không rời xa nhau nửa bước và cùng hẹn ước tiến đến hôn nhân. Liễu Vĩnh có người bạn thân là Tiền Khả là quan Phủ Doãn nơi đó; Khả khuyến khích Vĩnh lai kinh ứng thí, mình sẽ thay Vĩnh mà chiếu cố cho Thiên Hương.
Qủa nhiên, sau khi Vĩnh lai kinh, Khả đã chuộc Thiên Hương về phủ với danh nghĩa là Thiếu phu nhân; Nhưng suốt thời gian ba năm trường Khả không hề thân cận, Thiên Hương rất lấy làm lạ. Mãi đến năm Cảnh Hựu Nguyên niên 景 祐 元 年(1034)Liễu Vĩnh đậu Tiến sĩ vinh quy trở về, Tiền Khả mới mời bạn đến nhà trao trả lại Thiên Hương cho chàng và nói cho Vĩnh biết là mình giữ Thiên Hương trong phủ chỉ là để thay cho Liễu Vĩnh chiếu cố nàng mà thôi. Bấy giờ Thiên Hương mới vỡ lẽ ra, hai người rất cảm động và cùng tạ ơn cho tấm lòng tốt có một không hai của Tiền Phủ Doãn. Trong niềm cảm khái Liễu Vĩnh đã viết nên bài từ《Hợp Hoan Đới 合 歡 帶》sau đây:
桃 花 零 落,溪 水 潺 湲, Đào hoa linh lạc, khê thủy sàn viên,
重 尋 仙 徑 非 遙。 Trùng tầm tiên kính phi diêu.
莫 道 千 金 酬 一 笑, Mạc đạo thiên kim thù nhất tiếu,
便 明 珠、萬 斛 須 邀。 Tiện minh châu, vạn đấu tu yêu.
檀 郎 幸 有,凌 雲 詞 賦, Đàn lang hạnh hữu, lăng vân từ phú,
擲 果 風 標。 Trịch qủa phong tiêu.
況 當 年,便 好 相 攜, Huống đương niên, tiện hảo tương huề,
鳳 樓 深 處 吹 簫。 Phụng lâu thâm xứ xuy tiêu!
Có nghĩa :
Hoa đào rơi, nước chảy xuôi,
Đường về tiên cảnh núi đồi là đây.
Ngàn vàng cười nói vui vầy,
Nâng ly vạn chén cùng mời nhau say.
Đàn lang Phan Nhạc xưa nay,
Bài từ cao vút ngàn mây lưng chừng.
Như nay tay bắt mặt mừng,
Thổi tiêu lầu phụng riêng lòng ngẩn ngơ !
Con đường hoạn lộ của Liễu Vĩnh qủa cam go trắc trở trăm bề. Tục ngữ có câu "Thi nhân bất hạnh thi gia hạnh 詩 人 不 幸 詩 家 幸" có nghĩa: "Sự bất hạnh của nhà thơ là cái may mắn cho gia đình thơ". Ý muốn nói: Nhờ sự bất hạnh gian nan trắc trở, trải qua trăm cay ngàn đắng của nhà thơ, vì nghèo khổ, vì bất đắc chí, vì thất tình... ta mới có được những vần thơ tuyệt diệu thắm thía về cuộc sống nhân sinh. Và cũng nhờ vậy mà thi đàn mới có được những vần thơ hay, những bài thơ bất hủ để tryền lại cho đời sau và để cho mọi người cùng ngâm nga tán thưởng.
Theo "Lịch Đại Thi Dư 歷 代 詩 餘" của Du Văn Báo 俞 文 豹 ghi lại trong "Xuy Kiếm Lục 吹 劍 錄" : Tô Thức tức Tô Đông Pha khi đang là Hàn Lâm Học Sĩ ở Hàn Lâm Viện đã hỏi một môn khách rất giỏi về ca hát rằng: "Từ của ta và từ của Liễu Vĩnh được so sánh nhau như thế nào?" Người môn khách đáp rằng: "Từ của Liễu Lang Trung chỉ hợp với các cô gái mười bảy mười tám tuổi tay cầm thẻ ngà gỏ nhịp hát câu "Dương liễu ngạn, hiểu phong tàn nguyệt 楊 柳 岸 曉 風 殘 月". Còn từ của Học sĩ (chỉ Tô Đông Pha) thì thích hợp với các đại hán vùng Quan tây, tay ôm đàn tì bà gỏ nhịp sắt hát câu "Đại Giang Đông Khứ 大 江 東 去 !"
Trong xóm yên hoa các cô đều gọi Liễu Vĩnh bằng một tên rất thân thương gần gũi là Liễu Thất. Cô nào không biết Liễu Thất là ai thì cô đó thuộc hàng "hạ phẩm", đến nỗi hình thành các câu khẩu hiệu như sau:
不 願 穿 綾 羅,願 依 柳 七 哥;
Bất nguyện xuyên lăng la, nguyện y Liễu Thất ca;
不 願 君 王 召,願 得 柳 七 叫;
Bất nguyện quân vương triệu, nguyện đắc Liễu Thất khiếu;
不 願 千 黃 金,願 中 柳 七 心;
Bất nguyện thiên hoàng câm, nguyện trúng Liễu Thất tâm;
不 願 神 仙 見,願 識 柳 七 面。
Bất nguyện thần tiên kiến, nguyện thức Liễu Thất diện.
Có nghĩa :
- Không cần ăn mặc lụa là, chỉ cần Liễu Thất ca ca;
- Không cần quân vương chiếu triệu, chỉ cần Liễu Thất kêu ta;
- Không cần ngàn lượng hoàng kim, chỉ cần Liễu Thất gởi tim.
- Không cần gặp được thần tiên, chỉ cần gặp mặt Liễu Thất thật hiền mà thôi !
Theo "Dụ Thế Minh Ngôn 喻 世 明 言" của Phùng Mộng Long 馮 夢 龍 đời Minh, thiên《Chúng Danh Cơ Xuân Phong Điếu Liễu Thất 众 名 姬 春 风 吊 柳 七》ghi: Khi Liễu Vĩnh chết, tất cả kỹ viện của cả thành Biện Lương đều cùng nhau đến chung tiền và tổ chức tang lễ cho Liễu Vĩnh. Ngày động quan tất cả kỹ nữ ca nương đều đến đưa tang, tiếng thương khóc ngất trời vang động cả một góc thành và vang xa đến mấy dặm. Sau đó mỗi năm đến ngày Thanh Minh tất cả các cô đều chẳng hẹn mà cùng đến tảo mộ cúng bái Liễu Vĩnh thật đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét