“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Nói lái xưa và nay
Có những bài không rõ tác gỉa, trong bài sau đây, cách nói méo trời méo đất thật là tài tình :
Yêu em từ độ méo trời
Khi nào méo đất mới… rời em ra .
(Nói lái mà chơi, nghe lái chơi - Thân Trọng Sơn)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối”
Gà mở cửa mả
Theo phong tục xưa khi chôn ai được ba ngày thì rước thầy cúng
làm lễ mở cửa mả
Lễ mở cửa mả, lễ vật ngoài hương đèn, hoa quả còn bộ tam sên:
- Trứng, con cua luộc, và miếng thịt ba rọi
- Và một con gà mái còn sống.
Con gà này được buộc dây vào một chân rồi dắt đi quanh mả.
Sau đó thả gà cho đi đâu thì đi. Gà phải đợi làm lễ, vừa bơ vơ,
vừa mệt nên ngơ ngơ không biết đi đâu nữa.
Ngụ ý câu thành ngữ trên chỉ những người lúc nào cũng ngơ
ngơ, ngác ngác như…gà mở cửa mả.
(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)
Tướng mặt
Mặt là bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất trong nhân tướng học phương Đông. Chỉ cần nhìn qua người đối diện, bạn có thể biết cá tính, vận mệnh cả đời của người đó.
1 - Khuôn mặt chữ Điền (田) :
Đây là khuôn mặt vuông vức có trán rộng, cằm hơi nhô, độ dài, rộng của cằm tương đương phần trán. Mặt trông rắn rỏi nhưng không thô, thuộc dạng dễ coi.
Đây được coi là quý tướng, khuôn mặt này tiêu biểu cho sự quyết đoán, do đó, chủ nhân vận thế tương đối tốt. Cả đời luôn được mạnh khỏe, sung túc.
Khoa trương trong ca dao của người Việt
Trong “Phong cách học tiếng Việt hiện đại” khoa trương hay phóng đại là biện pháp nói giảm hay nói quá sự thật nhằm diễn tả sự vật hiện tượng dưới cái nhìn châm biếm hoặc khách quan.
Ví dụ:
Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Như vậy, theo cách hiểu của tôi thì, khoa trương hay phóng đại bao gồm cả “nói giảm” và “nói quá sự thật”.
(Nguyễn Ngọc Kiên)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Có chí làm quan
Có gan thì làm paté
Nỗi nhớ qua một số tác giả
Nguyễn Tấn Hưng
Không khí tác phẩm của Nguyễn Tấn Hưng thu hẹp trong cuộc đời của một số nhân vật khởi đầu làm học trò ở quê lên Mỹ Tho trọ học với những cuộc tình đầu đời, vụng về, nơi lớp học, vườn cây. Sau thành sinh viên lên Sài-gòn rồi phận trai thời chiến nhập ngũ, theo binh chủng Hải quân, theo thời gian thành sĩ quan lên đến chức Trưởng Phòng Nhì Vùng 4 duyên hải Phú Quốc (Một Thuở Làm Trùm, Một Chuyến Ra Khơi, Một Trời Một Biển, ...).
Sau 1975 là cuộc sống tha hương, hội nhập, vươn lên (Một Đời Để Học, Một Nỗi Buồn Riêng, Một Cảnh Hai Quê). Nhưng rồi quê hương Mỹ Tho và quá khứ thanh xuân của ông trở lại ám ảnh mạnh mẽ (bộ Một Giấc Mơ Tiên)!
Trong tác phẩm của Nguyễn Tấn Hưng hay có cảnh sex: tình dục được ông tả như là hậu quả tất nhiên của tình yêu, bất kể hanh thông hay trục trặc. Khi còn là học trò, tình dục còn ngại ngần, đến khi lên Sài-Gòn trọ học thì mãnh liệt hơn, đến khi đã là sinh viên sĩ quan hay ra trường hải quân, tình dục bất kể ngày mai. Mỗi giai đoạn một cường độ và "lập trường" khác nhau. Nhìn chung, toát cái không khí xác thịt tự nhiên, với những quan sát đặc biệt chi tiết và tâm lý dành cho nhân vật nữ trong khi tác giả hay lơ là nhân vật nam, như cố tình quên chất tự truyện chăng?
(Nguyễn Vy Khanh)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“siếc: siếc sẫm”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết chuẩn là “siếc sẩm”.
(Hòang Tuấn Công)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Ăn uống khoan thai là người thanh cao
Ăn uống nhồm nhoàm là người thô tục
Bạn tôi, Trần Đông Phong
Những bài biên khảo của ông gần đây trên báo chí hải ngoaị đã chứng tỏ ông là người biên tập có trách nhiệm và những tài liệu ông đã sưu tập, tra cứu, phần lớn mới lạ, chưa được trình bày trên báo chí và mang một giá trị lịch sử cao.
Năm 2006, cuốn “Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng” của Trần Đông Phong được xem như một best-seller nhưng chưa được tái bản, cũng như cuốn “Kẻ Sĩ Cuối Cùng” chưa kịp ấn hành trước khi ông qua đời. Trần Đông Phong cũng đã để lại nhiều bản thảo biên khảo trên trang nhà Vietnam Exodus và nhiều tài liệu biên khảo công phu khác chưa ra mắt bạn đọc.
Gần đây ông được mời vào Ban Giáo Sư của Hội Việt Học và đã thuyết trình tại hội về hai đề tài: “Cuộc Gặp Gỡ Đầu Tiên Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam: Thomas Jefferson và Hoàng Tử Cảnh” và “Vua Hàm Nghi: một nhà ái quốc, một nghệ sĩ tài hoa”. (ĐQAT)
(Nguyễn Xuân Thiệp)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“siêu: siêu tán. → không viết: xiêu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (như hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…). “xiêu tán 飄 散 [phiêu tán nói trại] như phiêu tán. dân phải xiêu tán vì giặc giã”.
(Hòang Tuấn Công)
Vài kỷ niệm với những gặp gỡ
Bên chiếc bàn nhỏ sát góc căn tin có một người đàn ông đứng tuổi ngồi uống bia một mình với bịch đậu phộng rang, ông đạp xe đến đây đúng giờ và đều đặn mỗi ngày, người đàn ông đó là nhà văn, dịch giả Trần Phong Giao nhưng anh lại nổi tiếng với vai trò một thư ký tòa soạn. Thập niên trước năm 1975 người viết trẻ nào được anh chọn bài đăng trên bán nguyệt san Văn coi như đã bước một chân vào ngưỡng cửa văn học, đó là điều bất thành văn nhưng người viết nào cũng đều ngầm hiểu như vậy.
Anh ngồi đó nhâm nhi ly bia trông cô độc như một thiền sư, tôi lân la hỏi chuyện xưa, anh nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ, tôi thích như ngày nào cứ trông chờ Văn ra để tìm đọc mục Tin văn…vắn.
Những người xuất hiện trên Văn đa số đều thành danh và nổi tiếng như: Y Uyên, Nguyễn Mộng Giác, Kinh Dương Vương, Trần Hoài Thư, v…v… (dĩ nhiên trong một bài viết như thế này sự thiếu sót các tên tuổi không làm sao tránh khỏi)
(Phạm Thành Chương)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“siêu: liêu siêu. → không viết: xiêu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “xiêu” mới đúng. Nếu xem “liêu xiêu” là từ láy, thì “xiêu” chính là tiếng gốc, có nghĩa là xiêu vẹo, xiêu đổ. “liêu xiêu ở trạng thái ngả nghiêng, lệch như muốn đổ. Đi liêu xiêu chỉ chực ngã”.
(Hòang Tuấn Công)
Gặp gỡ nhà văn miền Bắc
Tên chủ nhà ghi trên tấm bảng đồng gắn phía trước cửa khiến tiếng gõ của tôi thêm mạnh dạn. Bên trong có tiếng giầy dép khua động. Rồi cửa mở. Chủ nhà, một người nhỏ thấp, giơ bắt tay tôi. Tôi bước lên một chiếc cầu thang gỗ. Ở đầu cầu thang nhìn qua một gian phòng rộng. Tôi bước vào một phòng lớn trông như một thư viện. Một tủ sách rất rộng và cao chiếm nguyên một vách tường dài. Tủ gỗ đánh véc-ni bóng, sau ngăn kính những cuốn sách dầy cộm xếp ngay ngắn, trang trọng. Nhìn qua gáy tôi thấy có rất nhiều sách chữ Hán.
Giữa phòng là hai cái bàn phủ khăn trắng đặt liền nhau, trên để những chai rượu bia và đĩa đựng trái cây. Chủ nhà xếp tôi ngồi nơi một chiếc ghế đặt ở đầu bàn. Tôi nhìn hai dẫy ghế trống dài ở hai bên bàn, nói với chủ nhà:
– Anh bắt đầu làm tôi lo đấy. Tưởng đến thăm anh nói chuyện một lát thôi, không ngờ anh làm to chuyện quá.
Anh ta khẽ mỉm cười, nheo cặp mắt sáng sau cặp kính cận, nói:
– Có gì đâu. Nghe tin anh về một số anh em ở đây cũng muốn gặp anh. Vả lại hôm nay là một ngày rất đặc biệt, ngày sinh thứ 100 của Cụ. Chúng tôi cũng muốn làm cái gì để tưởng nhớ Cụ. Anh cứ tự nhiên nhé. Các anh em cũng sắp tới cả bây giờ.
Nói xong anh xin lỗi đi xuống cầu thang…
Tôi nhìn xung quanh. Bên cạnh tôi trên một chiếc bàn nhỏ có đặt một máy vi tính để mở. Màn ảnh của máy hiện lên bức chân dung màu của bố tôi, bức tranh do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ.
![](https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXftKREKook6yzasftg_t8tSikQdbCr-fGus8z3GhlIpMMLa25f4vkcDgQGEm-zzRTq183bT7Gp7xP3iq7BKUHH_ZLWJCGU5DXBV3RwImqIjmE13qVyQ7QboUwZX-bgDUw8M_IeUeKjBVV1c4cHlvQ?key=o0AheIWeN7efqISCIlejBAXO)
Ngay trước mặt tôi đặt một quyển sách rất dầy, bìa bọc giấy láng đề Từ Điển Văn Học Bộ Mới. Tôi giở trang sách. Trên trang giấy đầu dưới hàng chữ in Từ Điển Văn Học là hàng chữ viết tay nắn nót và chữ ký của chủ nhà.
Bản tặng anh Nguyễn Tường Thiết và gia đình Nguyễn Tường nhân 100 năm ngày sinh cố văn hào Nhất Linh. Hà Nội 25-7-2006.
Nguyễn Huệ Chi. (*)
(Một trăm ngọn nến – Nguyễn Tường Thiết)
(*) Nguyễn Huệ Chi sinh ở Hà Tĩnh, học khoa ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khoá I, 1956 – 1959. Từ năm 1961 đến nay công tác tại Viện Văn học. Trưởng ban văn học Cổ – cận đại Việt Nam - Viện Văn Học thuộc Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia. Đã từng là Uỷ Viên biên tập Tạp Chí Văn Học trong 15 năm và Chủ Tịch Hội Đồng Khoa Học Viện Văn học .
Tác phẩm: Mấy Vẻ Mặt Thi Ca Việt Nam Thời Cổ Cận Đại (tập tiểu luận, H. 1963), Từ Điển Văn Học, (Khoa học xã hội, H. 1983), Thơ văn Lý – Trần (nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật H.1974 và 1989), Gương Mặt Văn Học Thăng Long (Nghiên cứu văn hoá Hà Nội), Trung Tâm Văn Hoá Văn Miếu – Quốc Tử Giám (H. 1994)
Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả
“síu: tí síu. → không viết: xíu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)
Viết “xíu” mới đúng. Vì “xíu” nghĩa là “nhỏ” (trong “bé xíu”, “chút xíu”). “tí xíu như chút xíu. Còn tí xíu nữa”.
(Hòang Tuấn Công)
Người viết tiểu thuyết về con trâu
Con Trâu - tác phẩm độc đáo
Độc đáo vì Trần Tiêu là người duy nhất của Tự Lực Văn Đoàn gồm những trí thức văn nghệ sĩ Tây Học và trung lưu thành thị lại sống gắn bó với nhà quê và tự đảm nhận việc miêu tả tỉ mỉ đời sống ở nhà quê. Ngoài Con Trâu, tất cả những truyện ngắn, truyện dài của Trần Tiêu đều có thể trở thành tư liệu “thực tế” cho các thế hệ sau. Những tác phẩm khác của ông về đề tài này, có thể kể như Chồng Con (tiểu thuyết, 1941), Sau Lũy Tre (tập truyện vừa, 1942), Truyện Quê (tập truyện ngắn, 1942)… Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, người đọc đã thấy tác giả này có bút pháp gọn gẽ, dễ hiểu, bỏ những cấu trúc và từ ngữ cổ điển trong tạp chí Nam Phong.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nếu muốn tìm những việc oái oăm, những cơ mưu lắt léo trong Con Trâu người ta sẽ không bao giờ thấy cả. Ở tập truyện này chỉ diễn ra rặt những việc rất thường trong lũy tre xanh, những việc hàng ngày của dân quê”.
Còn nhà văn Kim Lân thì cho rằng: “Tác giả này khai thác những nét bình dị, chân thật của đất quê, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Tôi rất thích tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người”.
(Nguyễn Tiến Văn)
Trần Vàng Sao: nhà thơ mê vẽ
* Bút danh Trần Vàng Sao xuất hiện bao giờ? Anh sáng tác Bài thơ của một người yêu nước mình trong hoàn cảnh nào?
- Nhiều người tưởng mình ký bút danh Trần Vàng Sao lúc ở côi ngàn. Không phải mô. Mình chọn bút danh Trần Vàng Sao khi ở Huế, từ bài thơ Khởi Hành. Tập san Nhận Thức đăng tác phẩm ni, nhưng ban biên tập lo ngại lộ bí mật nên giản lược Trần Vàng Sao thành Trần Sao. Tháng 6-1965, mình lên rừng. Cuối năm 1967, mình bị sốt, phải vô trạm xá để điều trị. Lúc đó, Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế thực hiện tập văn thơ Nổi Lửa. Anh em tới trạm xá hỏi bài, mình viết ngay một mạch Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình, kể toàn chuyện đời mình. Cuối bài thơ, mình ghi rõ ngày sáng tác: 19-12-1967. Tập Nổi Lửa được in ronéo theo phương pháp thủ công, chỉ mấy chục bản. Không hiểu bằng cách chi mà Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao được phổ biến nhanh chóng và sâu rộng.
* Nhưng nói lái bút danh Trần Vàng Sao thì hiển hiện số phận anh cực kỳ nhọc nhằn gay cấn: Trào Vàng Sân!
- Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình được văn đàn cùng bạn đọc miền Nam lẫn miền Bắc khen ngợi. Sách 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2007) đã in bài này. Rứa mà năm 1976, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên - Huế ấn hành Huế Từ Ấy, tập thơ chọn lọc nhiều tác giả, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng nhạc sĩ Trần Hoàn muốn mình đừng ký Trần Vàng Sao mà ký Nguyễn Đính.
Mình cự: “Đăng hay không là quyền anh. Đổi tên tác giả là quyền tôi. Tôi không bao giờ đổi tên Trần Vàng Sao. Nếu đăng, anh không đươc quyền đổi tên tác giả.” Lúc đó, báo Văn Nghệ Giải Phóng in lại Bài thơ của một người yêu nước mình với bút danh Trần Vàng Sao. Do đó, Trần Hoàn lúc nớ mần Trưởng Ty Văn Hoá tỉnh Thừa Thiên đồng ý giữ nguyên bút danh Trần Vàng Sao ở 2 bài thơ Nổi Thêm Lửa Căm Thù và Bài Thơ của Một Người Yêu Nước Mình trong tập Huế Từ Ấy.
(Phanxipăng)
Gặp gỡ “văn học” Sài Gòn giải phóng
Sài Gòn là tây, điều đó hấp dẫn tôi đến nỗi đêm nào tôi cũng mơ tới Sài Gòn. Kỳ nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn. Ba tôi vẫn bắt tôi không được đi đâu, “ở nhà học hành cho tử tế”, nhưng tôi đủ lớn để bác bỏ sự ngăn cấm của ông. Hơn nữa cô họ tôi rất yêu tôi, đã cho người ra Hà Nội đón tôi vào. Xe chạy ba ngày ba đêm tôi được gặp Sài Gòn.
Tôi sẽ không kể những gì lần đầu tôi thấy trong biệt thự của ông bác tôi, từ máy điều hòa, tủ lạnh, ti vi tới xe máy, ô tô, cầu thang máy và bà giúp việc tuổi năm mươi một mực lễ phép gọi tôi bằng cậu. Ngay mấy cục đá lạnh cần lúc nào có ngay lúc đó cũng đã làm tôi thán phục lắm rồi.
Xin kể những gì buổi sáng đầu tiên tôi thực sự gặp gỡ Sài Gòn.
Hồi hộp, rụt rè là cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng “Dạ” ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng “Dạ” ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy.
Từ bé cho đến giờ tôi toàn thấy những bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh của các mậu dịch viên, coi khách hàng như những kẻ làm phiền họ. Lâu ngày rồi chính khách hàng cũng tự thấy mình có lỗi và chịu ơn các mậu dịch viên. Nghe một tiếng dạ, thấy một nụ cười của các mậu dịch viên dù là giả tạo cũng là điều không tưởng, thậm chí là phi lí.
Tôi mua ba chục cái bút bi về làm quà cho bạn bè. Bà chủ lấy dây chun bó bút bi và cho vào túi nilon, chăm chút cẩn thận cứ như bà đang gói hàng cho bà chứ không phải cho tôi. Không một mậu dịch viên nào, cả những bà hàng xén quê tôi, phục vụ khách hàng được như thế, cái túi nilon gói hàng càng không thể có. Ai đòi hỏi khách hàng dây chun buộc hàng và túi nilon đựng hàng sẽ bắt gặp cái nhìn khinh bỉ, vì đó là đòi hỏi của một kẻ không hâm hấp cũng ngu đần.
Giờ đây bà chủ tạp hóa Sài Gòn làm điều đó hồn hậu như một niềm vui của chính bà, khiến tôi sửng sốt. Cách đó chưa đầy một tuần, ở Hà Nội tôi đi sắp hàng mua thịt cho anh cả. Cô mậu dịch viên hất hàm hỏi tôi, hết thịt, có đổi thịt sang sườn không? Dù thấy cả một rổ thịt tươi dưới chân cô mậu dịch viên tôi vẫn đáp có.
Tranh cãi với các mậu dịch viên là điều dại dột nhất trần đời. Cô mậu dịch viên ném miếng sườn heo cho tôi. Cô ném mạnh quá, miếng sườn văng vào tôi và tôi vui mừng đã chụp được miếng sườn, không để nó rơi xuống đất.
Kể vậy để biết vì sao bà chủ tạp hóa Sài Gòn đã làm tôi sửng sốt.
(Sài Gòn gải phóng tôi – Nguyễn Quang Lập)
Chân dung Văn học Nghệ thuật & Văn hóa
Đặc biệt thú vị hơn các tác phẩm “chân dung” khác, ở cuốn này, nhà văn Ngô Thế Vinh còn cho chúng ta biết “tình trạng sức khỏe” của các văn nghệ sĩ ra sao. Ông bỏ ra khá nhiều chữ nghĩa với không ít thuật ngữ y học viết về một số ca bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mệnh người bạn văn. Cao Xuân Huy lì lợm cắn răng chịu đựng chứng ung thư “melanoma-mắt với di căn gan”; Nguyễn Xuân Hoàng lao đao trên con dốc tử sinh với chứng “sarcoma cột sống.” Ngô Thế Vinh đôi lúc nhìn bạn mình trong vai trò một y sĩ. Dễ hiểu thôi, ngoài đời ông là bác sĩ y khoa, và đối với “bệnh-nhân-bạn-văn,” ông là hình ảnh của một “lương y như từ mẫu.”
Tôi không rõ lắm sự nhân hậu nơi con người nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh đến từ bản chất con người ông; hay những năm tháng bên cạnh giường người bệnh, đau với nỗi đau của nhân sinh. Có thể là tất cả những điều trên. Sự nhân hậu ấy phản ánh trong mắt nhìn chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo lưu vong, phảng phất đôi nét u buồn, chua xót:
“Căn phòng nhỏ hẹp ngày nóng đêm lạnh ấy là không gian sống và cũng là tòa soạn báo Văn của Mai Thảo. Mỗi lần tới thăm anh, tôi vẫn để ý tới chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo kê sát khung cửa sổ thấp nhìn thoáng ra bên ngoài. Rồi tới kệ sách, không có nhiều sách Mai Thảo, chỉ có ít cuốn sách tiếng Pháp, mấy số báo Văn, đôi ba cuốn sách mới bạn văn gửi tặng anh.”
Hoặc, tại nhà Dương Nghiễm Mậu, trong bữa cơm gia đình sau những tang thương dâu bể mà thân phận mình, bằng hữu mình cũng như đất nước như đang hấp hối:
“Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu nhau rồi.”
(Trịnh Y Thư)
Một phần tuổi thơ...
Thời đó con nít nhà nghèo, sống ở vùng ven đô làm gì có chậu kiếng để nuôi cá, chỉ nuôi bằng hủ chao đủ loại, đủ cỡ. Mà hủ chao chắc làm bằng thuỷ tinh dỏm hay sao mà bọt không, màu lại không trong, đôi khi có màu xanh ve nhạt nên nhìn con cá không được nỗi trội về màu sắc cho lắm. Thỉnh thoảng xin hoặc lượm được hủ đựng xúc xích của Mỹ thì mừng lắm quý như nhặt được vàng, vì hủ thuỷ tinh của Mỹ dầy mà lại trong veo, rộng nuôi cá lia thia đã lắm.
Cá nuôi nhiều hủ, để liền kề sát nhau, giữa các hủ lấy một tờ giấy tập ngăn lại cho tụi nó không nhìn thấy nhau. Chớ nếu mà nhìn thấy, thì nó sẽ đá bóng đến rách đuôi, toách mỏ chớ không đơn giản. Cá lia thia nuôi bằng rong vớt ở những hồ có nước mưa ứ đọn . Khi nào có tiền để dành thì cả đám lội bộ đi qua Phú Lâm, qua Xóm Giá để mua cá lia thia xịn về chơi. Cá xịn là cá phùng 2 mang ra khá to, Cá màu xanh dương đều, không có một tí đỏ xen kẻ, đám nhỏ tụi tôi gọi là cá Xiêm. (chữ Xiêm nầy hình như có liên quan đến mãng cầu xiêm, chuối xiêm, và dừa xiêm), Xiêm là tên gọi nước Thái thời nhà Nguyễn .
Khi nào muốn đá, thì vớt hai con sang hủ to. Hoặc tô, tộ ăn cơm hay thau nhôm loại vừa cho tụi nó đá. Nhiều con nhát mới đá là bỏ chạy. Nhiều con lì lợm đá mình mẫy trầy trụa đuôi rách tả tơi nhưng quyết tâm không chạy.
(Trần Ngọc Hiếu)
4000 năm văn hiến
Theo giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhờ tìm ra Đại Việt Sử Lược hay Việt Sử Lược viết vào thế kỷ 14, ông dịch sang Việt ngữ mới hay biết vua Hùng lập quốc khoảng 700 năm trước CN, vào đời Chu. Cộng chung 2.700 năm chứ không phải 4.000 năm.
Chữ nghĩa làng văn
Mai Thảo và tạp chí Văn - 2
Đó cũng là nơi trở về sau buổi tối cùng anh em ở những hàng quán. Trong lòng băng ghế trước, ông ngồi so vai lặng lẽ giữa âm thanh nổ trầm một nhịp của động cơ xe hơi. Năm phút, mười phút... bỗng ngẩng đầu nhìn lên vuông cửa sáng đèn, rồi nhìn gã ‘tài xế’ (cũng là bạn rượu) (Cao Xuân Huy), cất giọng: "Bây giờ... lên trên ấy... Buồn nhỉ?"
Giọng nói nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, nhừa nhựa hơi men. Không phải lời ta thán. Nhưng mà, nhưng mà... nó xoáy vào tai, nó làm trái tim đau quặn, nó mở ra trước mặt người nghe cái thế giới quạnh hiu hoang lạnh một cuối đời.
Đó cũng là nơi, nhiều ngày, nhiều tuần, tấm màn cửa sổ mãi khép toàn phần, cánh cửa màu nâu sẫm mãi đóng câm lặng: Ông đang lang thang đâu đó trong một thành phố khác, một nơi khác. Những chuyến đi, những cảnh thổ mới, những bè bạn. "Vẫn vậy, hết rồi những ngạc nhiên, những bàng hoàng, những niềm vui bất chợt. Đi không có nghĩa như một tìm kiếm cái lạ cái hay. Đi chỉ giản dị là đi. Bởi ở đâu thì cũng thế, ở đâu thì cũng là di chuyển một bàn rượu này qua một bàn rượu khác".
Và mỉm cười hom hem:
"Ngày xưa Nguyễn Tuân mơ ước lúc chết sẽ được thuộc da làm chiếc va-li. Thời trẻ tôi yêu lắm ước mơ này của Nguyễn. Bây giờ, ngẫm nghĩ, đi như ông ấy thì... ‘ra cái đếch gì’."
(Khánh Trường)
Gặp gỡ người viết trẻ “ngụ cư” ở hải ngọai
Tôi đi qua một nửa đời, tìm đọc không biết là bao sách cũ dù biết là mình không thể nào đọc hết dẫu có thể thu góp lại tất cả kho tàng, những câu hỏi cũ còn hoài, cho đến khi tuổi đời ghè bớt cái tánh cứng đầu, bớt lòng háo thắng. Tôi phải tìm đọc Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền để tự trả lời mình, văn học miền Nam lẽ đâu chỉ gồm những cái tên vô nghĩa. Quá khứ của tôi, của bao người, lẽ nào chỉ là những dòng mực đen.
Tôi tìm thấy Mai Thảo khi đọc câu thơ “Đời ta sử chép cả nghìn chương,” khi Mai Thảo tuôn đổ cảm xúc suy nghĩ xuống trang giấy trắng. Cái nhìn về một quyết định không thể giải thích của một cõi lòng hoang mang trong một khoảnh khắc thật ngắn mà không thể bỏ qua không thể quên đi, đọc lại vẫn thấy ngợp.
Và không thể nhớ gì hơn dù một chữ, một lời. Những con chữ, chấm câu ngắt khúc, nó có nhịp sống riêng không gạn lọc so đo. Chưa chắc người viết có thể sửa được những gì đã được viết xuống mà không phản bội cảm xúc ý nghĩ của mình. Nếu đọc chữ của Mai Thảo như đọc văn, một mạch với những kết cấu dựng nên thì sẽ bị nhốt trong cái sườn văn hoa đó. Quên hết đi chỉ đọc những suy cảm, không tìm mà thấy một Mai Thảo với tâm hồn và suy nghĩ thật phong phú sâu sắc, một con người chỉ viết về quá khứ và chỉ nói về cảm xúc của mình. Mai Thảo sống thật trọn vẹn mà vẫn mang theo mình một nỗi cô đơn; xem thường tất cả mà mọi người chung quanh vẫn cảm được cái quan hoài; thật ngang ngược thật quái mà người chung quanh vẫn bị cuốn hút vào, hạt cát sông Hằng ấy, từ những năm 50’s, 60’s, đã đòi
chế lấy mây và gây lấy nắng
chế lấy, đừng vay mượn đất trời…
Văn học với những tâm hồn ý tưởng đó đáng ra phải được bảo tồn phát huy, có phải?
(Văn học miền Nam, điều sót lại – Lưu Na)
Phê bình nhất định là khó
Tôi không thể bỏ qua cuộc bút chiến giữa một bên là ông Trần Mạnh Hảo và bên kia là các giáo sư Trần Đình Sử và Nguyễn Đăng Mạnh. Ông Trần Mạnh Hảo là tài tử, còn hai ông kia là chuyên nghiệp. Nhưng ông Hảo đã dùng từ chuyên nghiệp, trái lại hai ông kia như ở trên đập xuống, gọi ông Hảo là anh Chí (Chí Phèo) và dùng những từ miệt thị… Ông Nguyễn Đăng Mạnh chửi chưa đã, học trò ông Mạnh cũng chửi theo giọng hùa hùa.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Trung gọi: phê bình một bài phê bình của người khác là: Phê Bình Phê Bình. Thế kỷ 21 này có lẽ phải có môn: Phê Bình Phê Bình Phê Bình. Rồi người thứ ba lại Phê Bình những lập luận của các ông Nguyễn Đăng Mạnh, v…v…
Trở lại ông Nguyễn Huy Thiệp, sau khi nổi tiếng, nhất là văn giới bên Pháp chú ý, người ta viết về ông ào ào! Có lẽ thuộc loại kỷ lục. Tôi thấy có hai nhà lý luận, chắc là được đào tạo bài bản, viết bài mà tôi đọc hiểu… chết liền! Có lẽ chính hai ông, sau này đọc lại cũng không hiểu mình viết gì.
Khi nhà phê bình nhiều quá! không biết viết gì thì sẽ… soi mói thôi. Thảo nào nhiều người không thích và… xem thường các nhà phê bình. Ông Hoài Thanh nói mình chỉ bình thôi chứ không dám phê. Ông Nguyễn Tuân thì không ưa, không thích nói chuyện với các nhà phê bình. Còn Nguyễn Huy Thiệp thì rất bực bội khi có người “nhòm ngó“ vào tâm hồn ông để xem xem nó ra làm sao (!), ông có “thực“ là một “nhà văn“ hay không?
Khi nhà phê bình rất nhiều, mà chữ nghĩa thì tỷ lệ nghịch với số lượng thì… nó ra làm sao!
Mà nếu nhà phê bình kém xa nhà văn về chữ nghĩa cũng như tư tưởng thì nó ra làm sao?
(Chân Diện Muc)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Vì sao Hà Hương Phong Nguyệt lại bị công kích dữ dội?
Việc Hà Hương Phong Nguyệt bị dư luận lên án mạnh mẽ, đó là bởi diễn ngôn tính dục mới mẻ của tác phẩm này. Trong lúc vấn đề tình dục vẫn được xem là một điều cấm kỵ trong văn chương thì tác phẩm lại có nhiều cảnh nhạy cảm khi miêu tả những chuyện tình tự trai gái. Những đoạn tả cảnh tình tự trai gái giữa Nghĩa Hữu và Hà Hương, giữa anh Bảy Chà và Hà Hương, giữa Ái Nhơn và Bảy Nhỏ… khá táo bạo so với “tầm đón nhận” của độc giả thời đó.
Lãng Tử đã viết trên Tuần báo Mai như sau: “Bây giờ, quen thuộc với cái táo bạo của tư tưởng Âu Mỹ, ta còn phải ngạc nhiên với lời văn khiêu dâm của ông Trương Tửu, Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, chớ có biết đâu rằng hồi đó, lúc ảnh hưởng của Tống Nho còn đang khắc nghiệt vô cùng mà Lê quân cũng đã dám có những ý nghĩ táo tợn và dạn dĩ mà viết Hà Hương Phong Nguyệt”.
Đã có một cuộc bút chiến dữ dội xung quanh tác phẩm này. Nhiều nhà văn, nhà báo như Nam Kiều Trần Huy Liệu, Hốt Tất Liệt Nguyễn Háo Vĩnh, Nguyễn Chánh Sắt, Cao Hải Để, Trì Nam Tử... đã phê phán kịch liệt tác phẩm này cùng với tác giả của nó.
Có những ý kiến hết sức gay gắt, thậm chí có người còn lên án Lê Hoằng Mưu như là “một đứa tội nhơn lớn nhứt của nước An Nam” (Công luận báo, số 48, 1928). Trước áp lực của dư luận, cuối cùng Hà Hương Phong Nguyệt đã bị chính quyền thuộc địa ra lệnh tịch thu và tiêu hủy ví lý do tác giả đã miêu tả những cảnh “ăn chơi trác táng trái với thuần phong mĩ tục”.
(Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học – Võ Văn Nhơn)
Sắc không, không sắc
Cuối năm 1946, trên đường tản cư, khi qua làng Văn Tràng, tỉnh Nam Định, chúng tôi thấy trên cổng chùa đề bốn chữ : Sắc không, không sắc. Bốn chữ tuy ý nghĩa uyên ảo song là chữ cửa miệng của nhà Phật, không có gì đặc biệt, đặc biệt có chăng lá bên giòng lạc khoản đề tên Tam Nguyên Yên Đổ.
Chúng tôi lấy làm lạ sao ông Tam Nguyên lại cho bốn chữ thông thường quá như thế, sau có một bạn người làng giảng cho mới hiểu. Nguyên làng này chuyên về nghề mài dao đánh kéo, trong lúc làm người ta thường hay vấn đáp: “Sắc chửa - Chưa sắc”
Bốn chữ "Sắc không, không sắc" dùng chỗ khác thì không có gì đặc sắc nhưng đề vào chùa một làng mài dao, thì lại ngụ một nụ cười hóm hỉnh!
Là vì nếu đặt câu hỏi: sao không dùng như lời nói thường "Sắc sắc không không" hoặc "Không không sắc sắc" mà lại đặt chéo là "Sắc không không sắc"? Nếu hỏi thế, ắt đã phải ngợ một dụng ý gì của ông Tam Nguyên. Ngợ thế thôi, chứ cũng chẳng ai ngợ được rằng ông Tam Nguyên đã dùng chữ sắc theo cái nghĩa là …sắc bén.
(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)
Những ngôi chùa Bắc
Chùa Keo
Chùa Keo (Thái Bình) tên chữ là chùa Thần Quang, có liên hệ với ngài Minh Không đời nhà Lý. Ngài Minh Không tên thật là Dương Không Lộ, vốn làm nghề chài lưới để nuôi mẹ già, nhưng lại có tài trị nhiều chứng bệnh hiễm nghèo, khiến dân chúng khắp nơi đều thán phục.
Theo những tài liệu được ghi trong Không Lộ Thiền Sư Ký Ngữ Lục năm 1061, thì nhà sư Không Lộ đã dựng lên ngôi chùa Nghiêm Quang tại địa phận của làng Giao Thủy (cũng gọi là làng Keo) ở về phía hữu ngạn của con sông Hồng. Sau khi thiền sư Không Lộ qua đời thì chùa Nghiêm Quang được đổi tên là chùa Thần Quang. Năm 1611, trận lụt lớn trong vùng sông Hồng đã cuốn đi làng mạc trong vùng kể cả chùa Keo nữa.
Dân chúng trong làng di dân về vùng Đông Nam hữu ngạn sông Hồng dựng chùa Keo ở khu vực làng Hành Thiện; còn số người khác thì đến lập nghiệp tại phía đông bắc tả ngạn sông Hồng và dựng lên chùa Keo ở Thái Bình. Những chứng liệu cho biết là chùa làng Keo ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Chùa Keo Thái Bình
Chùa keo Nam Định
Về chuyện thiền sư Không Lộ có nhiều truyền thuyết. Ngài tên thật là Nguyễn Chí Thành; chịu ảnh hưởng của Mật Giáo do từ ngài Vô Ngôn Thông truyền thừa. Ngài từng sang Ấn Độ học về giáo lý và bùa phép Mật Tông và đắc quả Lục Trì Thần Thông có nhiều khả năng trị bệnh.
Nhiều giai thoại chung quanh ngài Không Lộ.
Chẳng hạn như việc ngài Không Lộ qua nước Tống xin đồng về đúc chuông, tượng và đỉnh. Với một tay nải nhỏ mà ngài đã bỏ vào gần hết kho đồng của nhà Tống được thu nhỏ lại (?)
(Kiêm Thêm)
Văn hóa… cây cỏ
Cây cơm nguội
Cây cơm nguội sống hàng trăm năm, có khi còn dài hơn một đời người. Cây cơm nguội mọc thành hàng, cho phố thêm thơ mộng. Trong bóng hàng cây ấy, ai là người có những kỷ niệm vui buồn của đời mình với một gốc cụ thể nào? Có thể đó là hôm đi bắt ve sầu, lúc đánh mất hòn bi ve, hôm đi tiễn đưa người bạn, cái buổi lần đầu tiên cầm tay ai, hồi hộp không nói nên lời.
Cây cơm nguội hẳn biết chia sẻ nỗi niềm, tình cảm ấy. Vì thế mà nó cứ thì thầm lao xao, mà rung rinh sáng lên trong nắng ấm, trong mưa phùn, trong dòng đời của bao cây khác, hoa rực rỡ hoặc thơm ngát hoặc thơm nồng... Cây cơm nguội khiêm tốn vì hoa không thơm, cành không thẳng, lá không to... nhưng nó là sự kiên tâm, bất chấp đổi thay thời tiết... Tuy vậy, cũng có những cây cơm nguội quá già nua, bị sâu ăn ruỗng, phải nhường chỗ cho cây non, có khi là khác loài. Nhưng nó im lặng, vui lòng./.
(Vô danh thị)
Để nhớ lại một thời
Xe thổ mộ tại Sài Gòn xưa
Xe thổ mộ có thùng (khoang chứa người) bằng gỗ mít, phía trên chia làm ba ô cửa sổ, chiều ngang thùng xe đặt chồng lên hai gọng dài vít cứng trên bộ nhíp thép. Hai bánh bằng gỗ giáng hương tiện khá sắc sảo, ngoài cùng lớp vỏ cao su cắt ra từ vỏ xe tải xe hơi, nối hai đầu cao su bằng một cọng kẽm cứng.
Một bộ yên lưng bằng da có hai quai lồng vào hai gọng đặt hai bên vai ngựa. Sợi yên lưng xuôi trên sống lưng ngựa, ngoài ra có dây bụng mắc vào dưới bộ yên lưng cho ngựa không bị sức nặng đè vai hoặc bó chặt ngực khó chạy.
Bên trong thùng xe, khách ngồi trên chiếc chiếu bông đâu mặt nhau, chân co về một phía, guốc dép máng ở hai cọc sắt phía sau hai góc thùng, ít người thì khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp lên, xuống dễ dàng. Phía đầu thùng xe hai bên là cặp tai đèn. Hai cái vè chở hàng bằng gỗ bề ngang hơn tấc tay, uốn lượn như dợn sóng rất thẩm mỹ, cặp trên hai bên thùng xe có sức chịu lực mỗi bên khoảng ba bốn mươi ký. Trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại như cái vành mũ.
(Khuyết danh)
Một góc Sài Gòn xưa
Cha Cả là ai ?
Tên đầy đủ của Cha Cả là Pierre Joseph Georges Pigneau được Việt hóa thành Bá Đa Lộc. Ông sinh ngày 02 tháng 11 năm 1741 tại Pháp. Khởi đầu ông là linh mục truyền giáo thuộc hội truyền giáo hải ngoại của Pháp.
Tháng 9/1765, ông lên tàu đi làm nhiệm vụ ở châu Á. Năm 1767, ông giảng dạy tại trường của hội truyền giáo hải ngoại lập ra tạm thời tại Hòn Đất.
Ông đã phò Nguyễn Ánh trong suốt 24 năm. Ông cũng là người mang hoàng tử Cảnh, con Nguyễn Ánh sang Pháp làm con tin cầu viện nhờ Pháp giúp đánh Tây Sơn. Lúc đầu Pháp hứa nhưng sau lại nuốt lời và Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh cho tơi tả.
![](https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcXVsGJsPxyInyfRl-gE-KtMeh_TOZlECjSl1b3fAcgBH_rbv_ma1derA2ndgZ80qVC0FCmm-GtECOmkd0XCoh2lSFTvk1JUn2MCxY43fs0TvQ0riwJTQoq7sKjO91Tox6b2_2goZ6NqP5JPglT?key=o0AheIWeN7efqISCIlejBAXO)
Chỉ sau 5 năm có mặt ở Việt Nam, ông đã soạn ra cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773. được chú bằng chữ Latin, chữ Quốc Ngữ, chữ Nôm và chữ Nho. Cuốn tự điển này nguyên bản nay còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo hải ngoại tại Paris. Lăng Cha Cả không còn tồn tại nhưng địa danh Lăng Cha Cả vẫn còn lưu truyền…
(Trân Chánh Nghĩa)
“Ba Tàu” huyễn sử
Tiếp theo thông tin “ngô nghê” nói ở phần trước, trang mạng Wikipedia trích dẫn một bài viết xưa từ số báo ngày 16/2/1870 trên tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam ở Sài Gòn. Bài báo viết:
“…Từ Ba Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị.
Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)... Vì lý do đó mà người Tàu thường gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.”
Giải thích như thế chẳng có gì thuyết phục cả. Nếu “Ba” là để chỉ “ba vùng đất” họ được phép sinh sống, tại sao không gọi hẳn họ là người … Ba Vùng mà lại gọi Ba Tàu cho… rối việc?
(Thiếu Khanh)
Ca dao về cua, còng
Cua nhà nọ, rọ nhà kia
Chạch bỏ giỏ cua
Con tép nó kẹp con cua
Một bầy cá mại cõng rùa đi ăn
Con vua thì lại làm vua,
Con nhà kẻ khó bắt cua cả ngày.
Hồn tôi là hồn con cua
Tám chân hai mắt, biết bò ngang ngang
Con cua kình càng bò ngang cây mít
Thấy chị hai mầy lớn đít tao thương
Con còng mà muốn kẹp con cua
Thôi thôi em đừng có vẽ bùa mà đeo
Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)
Sau đó người ta tiếp tục tìm được những mồ chôn tập thể đây xác phụ nữ và trẻ em. Đa số đã bị đập chết, một số khác bị chôn sống. Người ta có thể biết được thế qua những bàn tay phụ nữ cố cào đất thoát khỏi mồ chôn họ.
Tại một mồ chôn tập thể, ký giả Peter Braestrup tờ Washington Post quay sang hỏi một người quay phim của hãng truyền hình Mỹ, ‘Sao anh không quay phim cảnh này đi?’ Người quay phim trả lời, ‘Tôi đến đây không phải để phát tán tuyên truyền chống cộng.’
Warren viết tiếp:
Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân chấm dứt không những chỉ bằng một chiến thắng vĩ đại ở chiến trường – khoảng 45.000 Việt Cộng chết ở mặt trận, hạ tầng cơ sở của cộng sản ở miền Nam bị tiêu huỷ toàn bộ. Mà, sau sự kiện, đây còn là một chiến thắng để cho những người miền Nam Việt nam còn ngờ vực – và đáng lý phải cho cả thế giới – thấy rõ bản chất của đối phương mà quân đồng minh phải chống trả.
…
David Warren cũng nhắc đến nhận định chủ hoà của nhà báo được tin cậy nhất nước Mỹ, Walter Cronkite, kêu gọi hoà đàm với cộng sản chỉ sau một chuyến viếng thăm rất ngắn tại Sài Gòn sau Mậu Thân. Waren viết:
“Giới truyền thông đã chuyển một chiến thắng vĩ đại thành một chiến bại khổng lồ.”
(Trần Giao Thủy)
Đám ma Lý Toét
Bên trong, người nhớn đứng đắn, ăn uống lâu hơn, vì còn kề cà chén rượu. Câu chuyện bắt đầu từ tốn. Khi chai không xếp bàn bên đã nhiều thì tiếng nói to thêm, rồi thành những cuộc tranh biện hùng hồn của các ông Lý, ông Hương, về việc làng, việc nước, hay việc trời đất. Các ông quên hẳn là đang ở trong nhà có tang. Một người to tiếng, người nữa to tiếng hơn. Trong nhà ồn ào, bà Lý vừa cô Ba chúi ở dưới bếp. Xã Xệ im lìm uống rượu, mặt và đầu đã đỏ hồng như quả táo chín, cái tóc xoắn tròn và vểnh ngược lên.
Mãi đến chiều mới tan. Ai nấy đều say mềm, có người loạng choạng đi không vững. Hương Dần vịn vào vai Xã Quít. Vừa khỏi cổng, có lẽ vì thoáng gió, Dần nôn thốc tháo cả những thức vừa ăn. Hơi rượu sặc sụa, trẻ con xúm lại xem đông. Quít thụt ngay chân xuống rãnh nước, gói phần tung xuống bùn. Dần cũng xuống theo. Nếu không có người giữ thì không hiểu hai người làm sao ra khỏi rãnh nước. Nhiêu Mão đâm vào hàng rào, lưỡi líu lại mà vẫn ba hoa nhất định cãi mình không say. Thỉnh thỏang gió đánh lật cái áo lương lên, bọn trẻ con thấy quần chàng ướt suốt từ đũng xuống gấu.
(Đỗ Đức Thu)
Đám ma Lý Toét
Giới thiệu:
Tất cả bộ mặt xôi thịt làng xã được vẽ lại qua vài nét vẽ phác mà sâu. Hài hước mà đớn đau. Đó là biệt tài của Đỗ Đức Thu, ông đã đạt được nghệ thuật cao của sự mô tả: mỗi nét chấm phá của ông đều vạch ra ít nhất hai bức tranh chồng chéo: bi đi với hài.
(Thụy Khuê)
Mấy hôm sau, dân trong xóm đã quên hẳn Lý Toét. Xã Xệ về uống rượu ở nhà. Cô Ba Vành đi với ông Tây mỏ. Trừ có bà Lý, đêm nào cũng sụt sịt khóc chồng.
Rút từ tập truyện ngắn Vỡ lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940
(Nguồn : chimvietfree.fr)
Tác giả: Đỗ Đức Thu sinh ngày 28-12-1909 tại Thái Bình, nguyên quán quê làng Mọc, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Thuở nhỏ, ông học ở Thái Bình, ở Hà Nội, rồi bỏ học sau lần bãi khóa để tang chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Từ đó, ông viết văn. Ông gia nhập nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1936, sau lần truyện ngắn của ông được tặng giải khuyến khích của văn đoàn này và viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Ngày Nay.. Sau 1954, ông vào Sài Gòn. Ông mất ngày 5-3-1979 tại Tân Định, Sài Gòn, thọ 70 tuổi.
Tác phẩm: Vỡ Lòng (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội 1940, Nhà Bên Kia (tập truyện ngắn) NXB Công Lực, Hà Nội, 1943, Đứa con tạp chí Thanh Nghị 1943
Giá hay vá áo túi cơm?
Giá áo túi cơm chứ không thể là vá áo túi cơm.
Vá áo, túi cơm không có nghĩa.
Phong trần mài một lưỡi gươm
Những loài giá áo túi cơm xá gì
(Kiều 2445 và 2446)
(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng về bài của Nguyễn Vỹ
Còn bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư và Tanka của nhà thơ Nhật Bản Sarumaru là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỉ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao chép của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư, cho cả đến khi ông đã nằm dưới ba thước đất. Đó là một điều rất đỗi đau xót.
(Trần Đăng Khoa)
60 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 - Vĩnh biệt Hải Phòng
Trí nhớ của tôi bắt đầu ghi nhận được là lúc gia đình tôi đã dọn xuống Hải Phòng, có lẽ vào cuối thập niên 1940. Nhỏ nên không biết gì về tình hình chiến sự sôi động hồi ấy, nhưng tôi nhớ có một đôi lần anh lơ xe hớt hải chạy về giữa ban ngày, nói không ra hơi, báo với cha tôi, vỏn vẹn, “Ông ơi, xe bị mìn rồi!” Cha tôi lặng người chết đứng, mẹ tôi ngưng mọi việc đang làm thất thần nhìn cha tôi, trong khi lũ nhỏ chúng tôi biết đã tới lúc đi chỗ khác chơi.
Cha tôi, như nhiều người Việt khác, là người có khả năng sinh tồn mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại và bất hạnh của đời sống để lo cho vợ con. Vào các năm trước cái gọi là Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi tiếp theo là việc ký kết Hiệp định Genève vào mùa hè năm 1954 giữa Pháp, chính phủ Bắc Việt của Hồ Chí Minh, Lào, Trung Cộng, Liên Xô, và Anh (Hoa Kỳ từ chối không ký, còn chính phủ Nam Việt Nam không chấp nhận Hiệp định) được ký kết, cha tôi đã làm chủ một hãng xe chở hành khách gồm cả xe đò và xe nhỏ, hình như hiệu Citroen, không rõ tại sao gọi nôm na là xe lô-ca-xông, tôi đoán từ chữ “location”, ngược xuôi các tuyến đường Hà Nội - Hảỉ Dương - Hải Phòng và Hải Phòng - Đồ Sơn, tôi nhớ đại khái thế. Hãng xe của cha tôi tên là Đông Bình, nên nguời ta hay gọi cha mẹ tôi là Ông Bà Đông Bình, chúng tôi là con Ông Bà Đông Bình. Tôi không bao giờ có dịp hỏi tại sao ông chọn tên đó, nhưng nghĩ có lẽ đó là do khao khát được nhìn thấy hoà bình trên giải đất dọc theo bờ biển Thái Bình Dương lâu nay chiến tranh triền miên này. Hai người anh họ ruột của tôi cũng mỗi người được cha tôi nâng đỡ tậu được một hay hai xe chở hành khách, tự đặt tên là Bắc Bình và Nam Bình. Tôi không rõ vì sao cha tôi không nghĩ tới việc mua bất động sản, mà suốt thời gian sống ở Hải Phòng ông thuê nhà chứ không mua. Tôi còn nhớ ngôi nhà chúng tôi ở trước khi di cư vào Nam là ở số 3 Ngõ Nghĩa Lợi, một đầu ngõ gặp đường Cát Dài, và đầu bên kia đụng một đường rầy xe lửa nằm bên cạnh một hồ sen mà hình ảnh vẫn còn in trong trí nhớ tôi, mà loài sen là hoa tôi rất thích. Không mua nhà đất có lẽ vì cha tôi thấy không cần thiết vì ông chắc chắn sẽ thừa hưởng nhiều ruộng đất để lại của bà Nội tôi khi bà qua đời.
(Trùng Dương)
***
Phụ đính I
40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn
nhà thơ đã khuất núi
(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn
Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7-7-1940 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Thời niên thiếu, ông học ở trường Võ Tánh (Nha Trang), trường Petrus Ký (Sài Gòn).
Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Văn Khoa (Triết học), Viện Đại học Đà Lạt (1958-1961), rồi giảng dạy môn Triết tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà (1961-1962), tại trường Pétrus Ký ở Sài Gòn (1962-1975). Ngoài ra, ông còn làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).
Nguyễn Xuân Hoàng
(1940-2014)
Năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose. Năm 1986-1997, ông làm tổng thư ký báo Người Việt Daily News California). Năm 1989- 1994, ông còn là tổng thư ký tạp chí Thế kỷ 21 (California) thuộc công ty Người Việt. Năm 1994, ông ở trong ban chủ biên tạp chí Văn Học, v…v….
Tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng đã xuất bản gồm:
Tập truyện ngắn
Mù sương (1966)
Sinh nhật (1968)
Truyện dài:
Bụi và rác (1996)
Khu rừng hực lửa (1972)
Kẻ tà đạo (1973)
Người đi trên mây (1987)
Sa mạc (1989)
***
Phụ đính II
Chữ nghĩa làng văn
Tô Hoài và cuốn từ điển về từ ngữ – 1
Ông (Tô Hòai) đặc biệt rất chú ý học chữ. Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì lúc nào cũng học được. Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú về những từ tế nhị như từ chung quanh chuyện ăn, uống... Ông cho nên biên soạn một cuốn từ điển về từ ngữ. Ông thấy tiếng Việt ta có chữ “ăn nằm” rất hay, tránh nói thô. Ông phân biệt “mồm” với “miệng”. Nói “miệng’ sang hơn nói “mồm”. Cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”...
Ông khoe học được một từ nghề nghiệp mới: “ thầy dìu”. Thầy dìu là thầy dạy khiêu vũ, dìu dắt (entrainer) người tập khiêu vũ. Theo ông “tai vách mạch rừng” vốn là “tai vách mạch dứng”. Còn “run như cầy sấy”, Xuân Diệu cho đúng ra phải là “run như cây sậy” . Nhưng Tô Hoài cho thế là Tây nói chứ không phải ta nói...
(Nguyễn Đăng Mạnh)
Tô Hoài và cuốn từ điển về từ ngữ – 2
Có một chuyện rất vui là, vào những năm 60 của thế kỉ trước, Phạm Văn Đồng có đề xướng một cuộc vận động gọi là “Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Ông triệu tập một số nhà văn, nhà ngôn ngữ đến trao đổi về vấn đề này.
Tô Hoài không được mời vì bị coi là viết sai tiếng Việt, sai ngữ pháp, nghĩa là vi phạm vào sự trong sáng của tiếng Việt.
Chính Tô Hoài nói cho tôi biết chuyện này.
(Nguyễn Đăng Mạnh)