Giai Thoại Văn Chương :
DỊCH THỦY TỐNG BIỆT
Năm Nghi Phụng thứ 3 đời Đường Cao Tông (678), Lạc Tân Vương 駱 賓 王, một trong Sơ ĐườNG Tứ Kiệt, đang giữ chức Thị Ngự Sử, ông nhiều lần dâng sớ can gián làm phật lòng Võ Hậu, nên bị giam vào ngục. Mùa Thu năm sau (679), ông được xá tội. Mùa Đông năm đó ông đi về đất Yên (thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay) làm Tham Quân trong một doanh trại, quyết lòng ra sức lập công báo quốc. Bài "Dịch Thủy Tống Biệt" được làm trong khoảng thời gian nầy khi ông cảm khái lúc đưa bạn qua dòng sông Dịch.
易 水 送 別 DỊCH THỦY TỐNG BIỆT
此 地 別 燕 丹, Thử địa biệt Yên Đan
壯 士 髮 衝 冠。 Tráng sĩ phát xung quan.
昔 時 人 已 沒, Tích thời nhân dĩ một,
今 日 水 猶 寒。 Kim nhật thủy do hàn !
Ta đưa bạn ở nơi nầy, nơi mà Kinh Kha 荆 軻 đã từng vẩy tay ly biệt với Thái tử Đan của nước Yên. Người tráng sĩ ra đi (thích khách Tần Thủy Hoàng) bi hùng cảm khái đến nổi tóc dựng đứng đội cả mão lên. Bây giờ, người xưa tuy đã mất rồi, nhưng dòng nước nơi đây vẫn còn toát hơi lạnh lẽo...
Yên Đan giả biệt nơi nầy,
Anh hùng tóc dựng tràn đầy hùng ca.
Người xưa tuy đã lìa xa,
Hôm nay nước vẫn la đà lạnh căm !
KINH KHA 荆 軻 (?-227 trước Công nguyên) cuối thời Chiến Quốc. Kinh Kha vốn người nước Tề, sau thuyên cư sang nước Vệ, thích đọc sách múa kiếm, người khảng khái trượng nghĩa, sống phóng túng, thích uống rượu. Khi đến nước Yên thì kết giao với một tên đồ tể bán thịt chó và rất thân với một danh sĩ rất giỏi về đàn trúc là Cao Tiệm Ly 高 漸 離. Mỗi ngày 3 người đều cùng nhậu thịt chó, gảy đàn, ca những khúc ca bi tráng đến nổi khóc lóc bi thương, cả thành nước Yên họ đều xem như chỗ không người. Tuy nhiên lúc tỉnh táo thì Kinh Kha là người rất thâm trầm, thông kinh sách và giỏi võ nghệ, kết giao với nhiều danh sĩ của các nước lúc bấy giờ.
Trong bài số 6 của "Vịnh Sử bát thủ 咏 史 八 首" nhà thơ Tả Tư 左 思 đời Ngụy Tấn có 4 câu thơ như sau :
荆 軻 飲 燕 市, Kinh Kha ẩm Yên thị,
酒 酣 氣 益 震。 Tửu hàm khí ích chấn.
哀 歌 和 漸 離, Ai ca hòa Tiệm Ly,
謂 若 傍 無 人。 Vị nhược bàng vô nhân !
Có nghĩa :
Kinh Kha uống rượu chợ Yên,
Rượu say khí thế ngang nhiên bất phàm.
Tiệm Ly cùng hát họa đàn,
Thiên hạ mặc kệ ngang tàng như không !
Hiệp khách danh sĩ của nước Yên là Điền Quang 田 光 biết Kinh Kha không phải là kẻ tầm thường. Điền Quang là du hiệp đã về già nhưng rất nổi tiếng, nên được Thái Tử Đan rất trọng dụng. Lúc Bấy giờ đã cuối thời Chiến Quốc, nên chỉ còn lại có Chiến Quốc Thất Hùng (là Bảy nước hùng mạnh nhất), đó là: Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Sở, Yên, và Tần. Nước Tần là nước mạnh nhất, nên có dã tâm muốn gồm thâu lục quốc. Trước mắt Tần đã đánh chiếm nước Hàn rồi, sẽ lăm le đánh chiếm nước Triệu trong nay mai. Sẵn đang căm thù vua Tần đã ngược đãi mình khi cùng làm con tin ở nước Triệu và cũng để giữ an toàn cho nước Yên, Thái tử Đan bàn với Điền Quang định ám sát vua Tần. Điền Quang bèn tiến cử Kinh Kha là người tài giỏi và còn trẻ hơn mình, rồi tự sát để cho Thái Tử Đan yên tâm mình không tiết lộ về chuyện muốn hành thích Tần Thủy Hoàng và để cho Kinh Kha hết lòng giúp Thái tử Đan.
Sau khi Điền Quang chết, Thái tử Đan tiếp đãi Kinh Kha như một bậc thượng khanh, cho ở nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ toàn là người đẹp, ăn uống toàn là cao lương mỹ vị, lại thường tới lui thăm hỏi, dâng tặng lễ vật quý giá. Lúc bấy giờ có tướng Phàn Ô Kỳ 樊 於 期 (Tên người nên phải đọc Ư 於 thành Ô) của nước Tần là bạn cũ của Thái tử Đan, bỏ Tần theo về với Yên, cũng rất được Thái tử Đan xem trọng. Khi ba người cùng cởi thiên lý mã đi săn bắn, Phàn Ô Kỳ nói với Kinh Kha là gan của thiên lý mã ăn rất ngon. Kinh Kha nói mình chưa được ăn qua và ao ước được ăn thử cho biết. Khi về cung, Thái tử Đan bèn cho người giết con thiên lý mã để lấy gan tặng cho Kinh Kha ăn. Lại một lần, cùng dạo chơi ở Đông Cung Trì, trông thấy có một con rùa nổi lên mặt nước, Kinh Kha nhặt một viên ngói định ném nó. Thái tử Đan ngăn lại và đưa cho Kinh Kha một thỏi vàng để ném rùa chơi cho vui. Lại một lần khác, khi cùng ăn tiệc ở Dương Hoa Đài trong cung, có một đoàn mỹ nữ ca múa giúp vui. Trong đó có một cô có đôi tay thật đẹp, múa thật hay. Kinh Kha buộc miệng khen: "Đôi tay đẹp quá!" Thế là sau buổi tiệc, Thái tử Đan cho chặt "đôi tay đẹp quá" của nàng cung nữ đặt lên mâm cho người mang đến tặng cho Kinh Kha! Kinh Kha đã cảm khái thốt lên rằng: "Thái tử đãi ta quá hậu !".
Năm 227 trước Công nguyên, tướng Tần là Vương Tiễn đánh chiếm nước Triệu và bắt vua Triệu làm tù binh. Đại quân Tần đang lăm le biên giới phía nam của nước Yên bên bờ sông Dịch Thủy. Kinh Kha biết đã đến giờ hành động, bèn xin với Thái tử rằng: "Muốn tiếp cận được vua Tần không phải là chuyện dễ dàng, Thái tử cho thần xin hai món quà để được vua Tần triệu kiến. Một là Đầu của tướng quân Phàn Ô Kỳ mà vua Tần đã treo thưởng ngàn vàng và chức Vạn Hộ Hầu; Hai là Bản đồ vùng Đốc Kháng phì nhiêu của nước Yên để dâng lên cho vua Tần; thì chắc chắn vua Tần sẽ triệu kiến mà thôi." Thái tử Đan nói rằng: "Bản đồ không thành vấn đề, đất nước mất thì còn đâu là bản đồ nữa! Nhưng Phàn Ô Kỳ là cố tri lại bỏ Tần về với ta, nên ta không nở lòng giết hại". Kinh Kha bèn tìm gặp để thuyết phục Phàn Ô Kỳ; cảm vì tấm chân tình của Thái tử, Phàn Ô Kỳ đã tự sát để hiến đầu mình.
Trong "Vịnh Sử Thi" bài "Xuân Thu Chiến Quốc Môn Kinh Kha 春 秋 戰 國 門 荆 軻" sau nầy của Chu Đàm 周 曇, một thi sĩ thời Tàn Đường có câu:
有 心 為 報 懷 權 略, Hữu tâm vị báo hoài quyền lược,
可 在 於 期 与 地 圖。 Khả tại Ô Kỳ dữ địa đồ.
Có nghĩa :
Có lòng báo đáp mang thao lược,
Đầu của Ô Kỳ với bản đồ.
Thái tử Đan lại tìm gặp Từ Phu Nhân của nước Triệu, dùng một trăm lương vàng để mua lại cây chủy thủ (dao găm) sắc bén, rồi cho thợ rèn nung nóng tẩm thuốc cực độc vào, hễ trầy da thấy máu là sẽ chết ngay. Mọi việc đều chuẩn bị xong xuôi đâu đó, Thái tử Đan lại phái một dũng sĩ của nước Yên là Tần Vũ Dương (Tên nầy đã biết giết người từ năm 13 tuổi) theo làm trợ thủ cho Kinh Kha. Buổi tiễn đưa bên bờ sông Dịch diễn ra thật bi hùng tráng, tất cả quan viên đưa tiễn đều mặc đồ tang trắng một cách trịnh trọng, Thái tử Đan đặt tiệc rượu tiễn hành bên bờ sông, Cao Tiệm Ly người bạn tri âm tri kỷ của Kinh Kha lại gãy tiễn đưa bạn bằng một khúc nhạc bi hùng. Kinh Kha đã rất xúc động và cảm khái mà nương theo tiếng đàn hát hai câu thơ bất hủ là:
Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn,
風 蕭 蕭 兮 易 水 寒,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn!
壯 士 一 去 兮 不 復 還 !
Có nghĩa :
Gió hiu hiu hề ... nước sông Dịch lạnh,
Tráng sĩ một đi hề... chẳng trở về đâu !
Tiếng đàn lại thánh thót chuyển sang âm Chủy hùng tráng cao vút, làm cho mọi người đều rùng mình sởn tóc gáy dựng đứng cả lên! Trong bài thơ Vịnh Sử của nhà thơ Nguyễn Vũ 阮 瑀 (165—212), một trong Kiến An Thất Tử cuối đời Đông Hán tả lại cảnh tiễn đưa trên bờ sông Dịch như sau:
燕 丹 善 勇 士。 Yên Đan thiện dũng sĩ,
荆 軻 為 上 賓。 Kinh Kha vi thượng tân.
....
素 車 駕 白 馬。 Tố xa giá bạch mã,
相 送 易 水 津。 Tương tống Dịch Thủy tân.
漸 離 擊 築 歌。 Tiệm ly kích trúc ca,
悲 聲 感 路 人。 Bi thanh cảm lộ nhân.
舉 坐 同 咨 嗟。 Cử tọa đồng tư ta,
嘆 氣 若 青 雲。 Thán khí nhược thanh vân.
Có nghĩa :
Thái tử Yên Đan trọng người hùng,
Kinh Kha là khách tột cùng trong cung.
.....
Áo trắng xe ngựa trắng trong,
Tiễn đưa sông Dịch mà lòng xót xa.
Tiệm ly đàn một khúc ca,
Qua đường người cũng chan hòa niềm thương
Nâng ly cảm khái lên đường,
Ngất trời hào khí thẳng đường mây xanh !
Khi đến nước Tần, Kinh Kha lại mang lễ vật đáng giá ngàn vàng do Thái tử Đan chuẩn bị sẵn tặng cho cận thần sủng ái của Tần Vương là Mông Gia, nên rất nhanh đã được vua Tần triệu kiến. Hôm triều kiến Tần Vương, Kinh Kha cầm chiếc hộp có đựng đầu lâu của tướng Phàn Ô Kỳ, còn bản đồ đất Yên cuộn tròn đựng trong một chiếc hộp khác do trợ thủ của Kinh Kha là Tần Vũ Dương cầm. Không ngờ khi vào chầu vua Tần ở chính điện, trông thấy khí thế uy nghiêm của triều đình vua Tần, Tần Vũ Dương mất bình tĩnh tay run mặt tái. Sau khi trình đầu của phản tướng Phàn Ô Kỳ, Kinh Kha bèn giựt cái hộp đựng bản đồ trên tay Tần Vũ Dương mà biện minh với vua Tần: Đây là tên quê mùa hèn nhát chưa từng thấy qua vẻ uy nghiêm của bệ hạ, xin hãy thứ tội. Đoạn bước tới mở hộp trình cuộn bản đồ nhượng đất lên cho vua Tần. Khi mở đến cuối bức bản đồ thì một con dao găm (chủy thủ) hiện ra. Kinh Kha rất nhanh, tay trái nắm lấy tay áo của Tần Vương còn tay phải thì chụp con dao găm đâm thẳng vào ngực vua Tần. Nhưng vì trước đó vua Tần đã cảnh giác khi trông thấy thái độ run sợ kỳ lạ của Tần Vũ Dương nên đã có phòng bị. Trong cơn hoảng loạn vua Tần giựt rách tay áo, né khỏi con dao của Kinh Kha và chạy vòng quanh các cây cột lớn trong chánh điện để né tránh Kinh Kha truy đuổi. Các quan dưới điện trông thấy vội vã nhắc vua Tần rút lưỡi kiếm đang đeo phía sau lưng chém vào đùi Kinh Kha, Kinh Kha bị thương bèn phóng lưỡi chủy thủ về phía vua Tần, nhưng chủy thủ lại ghim vào cột điện... Mưu sát bất thành, Kinh Kha vong mạng và nước Yên cũng nhanh chóng rơi vào tay nước Tần...
Vì tích trên mà ta lại có được môt thành ngữ nữa là ĐỒ CÙNG CHỦY HIỆN 圖 窮 匕 見 là "cuối bản đồ thì dao găm hiện ra" để chỉ những việc gì đó đến mức cuối cùng cũng sẽ lộ ra chân tướng thật sự của nó mà thôi !
Thi sĩ nổi tiếng là khổ ngâm Giả Đảo ở buổi Tàn Đường cũng có bài thơ "Dịch Thủy Hoài Cổ 易 水 懷 古" như sau:
荆 卿 重 虚 死, Kinh Khanh trọng hư tử,
節 烈 書 前 史。 Tiết liệt thư tiền sử.
我 嘆 方 寸 心, Ngã thán phương thốn tâm,
誰 論 一 時 事。 Thùy luận nhất thời sự.
至 今 易 水 橋, Chí kim Dịch Thủy kiều,
寒 風 兮 萧 萧。 Hàn phong hề tiêu tiêu.
易 水 流 得 盡, Dịch thủy lưu đắc tận,
荆 卿 名 不 消。 Kinh Khanh danh bất tiêu !
Có nghĩa :
Nhẹ xem cái chết Kinh Khanh,*
Tiết liệt còn đó sử xanh ghi vào.
Tấc lòng ta cảm biết bao,
Ai bàn thế sự luận vào nói ra.
Đến nay sông Dịch nước nhòa,
Hiu hiu gió thổi hề... hà lạnh căm.
Sông Dịch nước chảy quanh năm,
Kinh Khanh còn đó tiếng tăm muôn đời !
* Kinh Khanh : Một cách gọi riêng tên của Kinh Kha.
Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Kinh Kha 荆 軻" của Trương Lỗi 張 耒 đời Bắc Tống đã đánh giá bao quát về sự việc hành thích Tần Vương như sau:
燕 丹 計 盡 問 田 生, Yên Đan kế tận vấn Điền sinh,
易 水 悲 歌 壯 士 行。 Dịch Thủy bi ca tráng sĩ hành.
嗟 爾 有 心 雖 苦 拙, Ta nhĩ hữu tâm tuy khổ chuyết,
區 區 两 死 一 無 成。 Khu khu lưỡng tử nhất vô thành!
Có nghĩa :
Yên Đan hết kế hỏi Điền Quang,
Sông Dịch bi ca tráng sĩ sang.
Tận lực khá thương tâm chẳng đạt,
Chẳng thành hai mạng lại chết oan !
Không phải chỉ có 2 mạng (lưỡng tử) mà đến 4 người phải chết trong việc hành thích Tần Vương chẳng thành: Trước tiên là Điền Quang, rồi đến Phàn Ô Kỳ, sau hết là Tần Vũ Dương và Kinh Kha. Cho nên trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình đã viết trong bài VỌNG NHÂN HÀNH là:
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề”...
... và lại làm cho ta nhớ đến bài TỐNG BIỆT HÀNH cũng của nhà thơ Thâm tâm thời Tiền Chiến:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong !
Không phải văn thi sĩ nào cũng ca ngợi và tán dương Kinh Kha; Chu Hy(1130~1200)một nhà thơ, nhà giáo, nhà tư tưởng... đời Nam Tống, đã nhận xét đánh giá về Kinh Kha như sau:
軻 匹 夫 之 勇, Kha thất phu chi dũng,
其 事 無 足 言。 Kỳ sự vô túc ngôn !
Có nghĩa :
Kinh Kha cái dũng thất phu,
Chuyện làm chẳng đáng xuân thu lưu truyền !
Nhà giáo dục, nhà tư tưởng Chu Hy cho rằng: "Kinh Kha chỉ là cái dũng của kẻ tầm thường, câu chuyện của anh ta chẳng có gì đáng bàn đáng nói cả!"
Theo ý bạn, thì bạn nghĩ như thế nào về nhân vật Kinh Kha?!
Hẹn bài viết tới !
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét