Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Góc Cổ Thi: Vọng Phu Sơn của Thái Thuận (bài viết của Đỗ Chiêu Đức) & Góp thơ của Mailoc, Phương Hà, Quên Đi

                               Vọng Phu Sơn


... Đá Vọng Phu nhớ thương thổn thức, 
Tay bồng con non nước  vời trông.
Xa xa mặt biển mênh mông,
Đầu non tượng đá tỏ lòng tiết trinh!...
     (Nước Tôi- Nguyễn Văn Cổn)


             Nối tiếp Góc VIỆT THI, sau VỌNG PHU THẠCH của NGUYỄN DU và CAO BÁ QUÁT, xin kính mời tất cả cùng đọc tiếp VỌNG PHU SƠN của THÁI THUẬN...

       望夫山                      Vọng Phu Sơn

化石山頭幾夕曛,  Hóa thạch sơn đầu kỉ tịch huân,
傷心無路更逢君。  Thương tâm vô lộ cánh phùng quân.
天崖目斷年年月,  Thiên nhai mục đoạn niên niên nguyệt
江上魂消暮暮雲。  Giang thượng hồn tiêu mộ mộ vân.
青淚一般花露滴,  Thanh lệ nhất ban hoa lộ trích,
離情萬種草煙雰。  Ly tình vạn chủng thảo yên phân.
湘妃若識相思苦,  Tương Phi nhược thức tương tư khổ,
不惜哀絃寄予聞。  Bất tích ai huyền kí dữ văn.
     蔡 順                                      Thái Thuận

Dịch nghĩa:
                                   Núi Vọng Phu
             Đã biết bao buổi chiều tà nung nấu đến nỗi phải hóa đá trên đầu núi.  Quả đáng thương tâm vì không còn đường nào để gặp lại chàng được nữa!  Năm năm cứ mãi nhìn mút con mắt cái vầng trăng ở phía chân trời, và mỗi chiều chiều hồn mộng cứ vẩn vơ theo những đám mây ở ven sông.  Những giọt lệ màu xanh nhểu xuống như những giọt sương rêu, còn tình ly biệt thì tản mạn như hơi khói bốc lên từ cỏ dại.  Nàng Tương Phi nếu biết được là tương tư sẽ phải khổ sở như thế nầy, thì chắc cũng không tiếc chi những tiếng tơ ai oán mà không gởi cho nhau nghe!

Chú thích:
        TƯƠNG PHI OÁN 湘妃怨 là tên bài thơ của Trịnh Tiều đời Tống, thông qua việc tả Tương Phi để gởi gấm tâm sự ai oán của mình. Một tài liệu khác...
        TƯƠNG HOÀN trong lúc được Vua sủng ái, lại khuyên Vua chia đều ơn vũ lộ với những cung tần khác, nhưng lại muốn Vua luôn đến để nghe mình đàn bài từ được phổ nhạc của TÀO HUÂN đời Tống là: Vũ tiêu tiêu hề Động Đình, Yên phi phi hề Hoàng Lăng. ( Mưa rả rít kìa Động Đình, khói mơ màng nọ Hoàng Lăng ! ).
        TƯƠNG PHI OÁN còn là tên của một ca khúc đời NGUYÊN (NGUYÊN KHÚC) tả việc oán hận tương tư của một cung nhân thương nhớ Vua như CUNG OÁN NGÂM KHÚC của ta vậy.

Diễn nôm:

                      Núi Vọng Phu

            Bao chiều hóa đá đứng đầu non,
            Gặp lại người xưa mộng hết còn.
            Mút mắt chân trời trăng đã bạc,
            Tiêu hồn mặt nước dạ chưa tròn.
            Lệ nhòa sắc biếc trông sương khói,
            Tình quyện màu mây ngóng mõi mòn.
            Nếu biết tương tư càng chuốc khổ,
            Tương Phi chẳng tiếc gởi lòng son.

                 Đỗ Chiêu Đức
                      
                   ************


       Núi Vọng Phu

Đầu non hóa đá sớm chiều đợi,
Nẽo nào gặp lại hỡi chàng ơi!
Năm năm nguyệt dỏi chân trời,
Sóng dồn hồn lặn mây trôi chiều tà.
Sương rơi rơi lòng hoa lệ nhỏ,
Ly biệt tình khói cỏ vấn vương.
Tương tư ví biết nàng Tương,
Đàn sầu chẳng tiếc mấy đường cùng nghe.
          
         Mailoc phỏng dịch 
  
          ************


         Núi Vọng Phu

Chờ đợi bao năm đến mỏi mòn
Biến thành tượng đá ở đầu non
Bóng chàng biền biệt, trăng mờ khuất
Hồn thiếp bơ vơ, mây héo hon
Lệ thấm sương rêu, sầu nhỏ giọt
Tình vương khói cỏ, muộn vây hồn
Tương Phi nếu biết yêu là khổ
Thì có ngân hoài điệu sắt son?

Phương Hà phỏng dịch

                **************


Chào Anh Chiêu Đức,

Tích trông chồng chinh chiến nơi xa tuy không lạ gì với chúng ta, nhưng khi đọc lại những bài thơ thế này thật không thể dằn lòng thương cảm.
Cám ơn anh đã giới thiệu bài thơ này cùng những giải thích thông thoáng.

Tuy nhiên, tôi có chút nghi ngờ khi anh cho rằng  chữ Tương Phi xuất xứ từ bài Thơ "Tương Phi Oán" của Trịnh Tiều đời Tống, thông qua việc tả Tương Phi để gởi gấm tâm sự ai oán của mình.
Lời than thở của một phi tần bị thất sủng có thích hợp với ý bài thơ "Vọng Phu Sơn" này chăng?
Theo tôi nghĩ chữ Tương Phi này từ bài "Tương Phi Oán" của Vương Trinh Bạch đời Đường, nói về tâm trạng của hại vị Vương Phi là Nga Hoàng  và Nữ Anh trông chờ chồng là Đế Thuấn nơi bến sông Tương.
Xin góp vui với bài dịch:

         Núi Vọng Phu
Đầu non hoá đá trải thời gian
Mong gặp đường nao đến với chàng
Mấy lượt chân trời trăng khuyết lặn
Bao lần sóng nước mảnh hồn tan
Trong hoa sương đọng tuôn dòng lệ
Trên cỏ khói dừng nỗi khổ đan
Một khúc tương tư sầu cách biệt
Xót thay gởi đến mấy cung đàn
                        Quên Đi
                       
                 **************

Thân gởi anh HUỲNH HỮU ĐỨC,

     Hòn Vọng Phu là chỉ những Hòn Đá có hình thù giống như là người thiếu phụ đứng chờ chồng, có chỗ còn có thêm hình dáng của đứa bé được ẵm trên tay. Dường như khắp nơi trên thế giới đều có, nhưng đi sâu vào lòng người, vào dân gian, thì chỉ ở Việt Nam và Trung Hoa mà thôi, có lẽ do lễ giáo phong kiến của Nho Gia muốn đề cao Tiết Hạnh của người phụ nữ mà ra chăng?!

      Ở Việt Nam ta trước đây nổi tiếng nhất là ở Đồng Đăng đã đi vào dân gian với câu ca dao bất hủ :

              Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
           Có nàng TÔ THỊ, có chùa Tam Thanh.

      Rất tiếc là hình tượng TÔ THỊ VỌNG PHU đã bị vỡ nát năm 1991 và một tượng bằng... Xi-Măng được thay vào... Ngoài ra, ta còn có :

* Hòn vọng phu trên đỉnh núi Bà, Bình Định, Việt Nam
* Hòn vọng phu trên đỉnh núi M'drak, Đắk Lắk
* Hòn vọng phu trên đỉnh núi Nhồi, Thanh Hoá
* Hòn vọng phu bên bờ khe Giai, bản Cơ Lêc, Nghệ An. Ca dao Việt Nam có câu:

                     Ngước mắt nhìn sang
                     Đá vọng phu ôm con trán ướt
                     Mắt đăm đăm nhìn nước sông Giai...

        Còn ở Trung Hoa thì có :
     
▪Vọng Phu Sơn ở huyện Điện Bạch tỉnh Quảng Đông.
▪Vọng Phu Sơn ở TP Xích Bích tỉnh Hồ Bắc.
▪Vọng Phu Sơn ở Thái Sơn thuộc TP Thái An tỉnh Sơn Đông.

        Vì vậy, mà Trung Hoa cũng có rất nhiều truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, sẽ giới thiệu ở phần trình bày bài thơ Vọng Phu Sơn của Lưu Vũ Tích...
        Bây giờ thì xin nói về 2 câu cuối của bài thơ Vong Phu Sơn của Thái Thuận là :

         湘妃若識相思苦,  Tương Phi nhược thức tương tư khổ,
         不惜哀絃寄予聞。  Bất tích ai huyền kí dữ văn.

        Căn cứ vào từ "Tương Phi" ở câu 7 và từ "Ai Huyền" ở câu 8, cho ta biết đó là một bản đàn. "TƯƠNG PHI OÁN" là một CẦM PHỔ đời NGUYÊN cho ĐÀN TRANH, ta vẫn thường quen gọi những bản đàn nầy là "NGUYÊN KHÚC" theo như thói quen mọi người thường gọi là "Đường Thi, Tống Từ, Nguyên Khúc, Minh Thanh Tiểu Thuyết" (Đời Đường thì nổi tiếng về thơ, đời Tống thì nổi tiếng về Từ, đời Nguyên thì nổi tiếng với các Bản đàn và Khúc ca, còn đời Minh và đời Thanh thì nổi tiếng với các bộ Tiểu ThuYết). Nên, có gần một chục nguồn về khúc đàn TƯƠNG PHI OÁN.  Cái mà anh nêu lên chỉ là một trong các nguồn đó mà thôi, nhưng xét thấy là Nga Hoàng và Nữ Anh là khóc chồng chết, còn ở đây VỌNG PHU là đợi chồng về... Nhưng điều nầy cũng không quan trọng, chủ yếu của 2 câu thơ là muốn nói đến... sự thông cảm nhau trong việc nhớ thương chờ đợi thông qua tiếng tơ ai oán mà thôi!

              Cám ơn Anh đã góp Ý tìm hiểu, hẹn gặp nhau ở cuối tuần với bài VỌNG PHU SƠN của Lưu Vũ Tích đời Đường.
          Thân mến,
      Đỗ Chiêu Đức.




Không có nhận xét nào: