Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Ngày Từ Phụ - Đỗ Chiêu Đức


                              Ngày Từ Phụ
          
Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ!!!...
           Ngày Lễ Cha, Father's Day, không thể gọi là ngày HIỀN PHỤ được, vì Hiền Phụ 賢婦 là VỢ HIỀN, chớ không phải CHA HIỀN. Muốn nói Cha Hiền thì phải gọi là TỪ PHỤ 慈父, lấy trong thành ngữ "Phụ Từ Tử Hiếu 父慈子孝", tương đương trong tiếng Nôm ta là "Cha Hiền Con Thảo."  Trong gia đình Phong Kiến ngày xưa, người Cha luôn luôn nghiêm khắc và nghiêm cẩn trong mọi hành vi cũng như sinh hoạt của gia đình, nên còn được gọi là NGHIÊM ĐƯỜNG, NGHIÊM PHỤ.  Lời dạy của Cha thì gọi là NGHIÊM HUẤN, như trong Truyện Kiều, khi Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ cô Kiều, cụ NGUYỄN DU đã viết :

    Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
    Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.

Nhưng bây giờ mà ta gọi như thế thì nghe Nghiêm khắc và xa rời con cháu quá!   Còn một từ dùng để gọi cha ngày xưa nữa là XUÂN ĐƯỜNG (còn đọc là THUNG ĐƯỜNG) 椿堂. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình.  Khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...

     Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
    Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.

          Sẵn trình bày luôn về từ dùng để chỉ Mẹ là HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.  HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ nên ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN.  Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao ", khiến cho :

    XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
    Hóa ra khi đến thế nào mà hay!

     Xin được trở lại và nói thêm  về từ HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN;   HIỀN 賢:  Ngoài nghĩa trái với Dữ là HIền Thục ra, Hiền còn có nghĩa là GIỎI GIANG.  Ví dụ: Hiền Thần là Bề tôi giỏi để phò Vua giúp nước.  Hiền Tài là người có Tài Giỏi và đây cũng là một chức sắc Giỏi Giang trong Cao Đài Giáo.
   PHỤ 婦:  Đây là kiểu chữ HỘI Ý, được ghép bởi bộ NỮ 女 bên trái là Cô Gái, và chữ TRỮU 帚 bên phải là Cây Chổi  hàm ý là cô gái mà cầm cây chổi (để quét dọn nhà cửa) là đã trở thành người chủ của gia đình rồi, đã kết hôn rồi, nên PHỤ là Đàn Bà, là Người Vợ.  Vì thế mà HIỀN PHỤ là VỢ HIỀN.  PHỤ NỮ là chỉ chung tất cả CÁC BÀ CÁC CÔ có chồng hoặc "chổng chừa!"  PHU PHỤ là Vợ Chồng.  Hồi nhỏ thường hay nghe Má tôi hát ru em như thế nầy:
              Sông dài cá lội biệt tăm,
  Phải duyên PHU PHỤ ngàn năm em cũng chờ!

   Nên...
           HIỀN PHỤ: Chẳng những chỉ người đàn bà hiền thục, mà còn chỉ người đàn bà giỏi giang "Tướng phu giáo tử"  (Giúp đỡ chồng và nuôi dạy con cái).

          Trong văn chương không thiếu những áng văn những bài thơ ca tụng mẹ hiền, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng "Lập nghiêm" của ông cha.  Cha thì lo việc lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội...  Nhưng cũng có những người cha có máu "giang hồ" thích lang bạt rày đây mai đó... Ta hãy cùng đọc một bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt của Đỗ Mục đời Đường để thắm thía hơn với cái máu "giang hồ" của các ông cha ngày trước...


         歸家                           QUY GIA
   稚子牽衣問,            Trỉ tử khiên y vấn
   歸來何太遲。            Quy lai hà thái trì ?
   共誰爭歲月,            Cộng thùy tranh tuế nguyệt
   贏得鬢如絲。            Doanh đắc mấn như ti
        杜牧                                       Đỗ Mục

Thích nghĩa :
QUY là về, GIA là nhà, QUY GIA là Về Lại Nhà.
   1. Câu 1: Trỉ là non, Tử là Con. TRỈ TỬ: không phải là con non mà là Con Thơ.  Khiên: là nắm, là níu, là dắt.  Y là Áo, Vấn là Hỏi.  Nghĩa toàn câu là :
                     "Con thơ níu áo hỏi"
   2. Câu 2: Quy là Về, LAI là Xu hướng Động từ, chỉ sự di chuyển gần đến người viết hoặc nói.  QUY LAI là Về lại, là Về "đây."  QUY KHỨ là Về "đi " (KHỨ chỉ di chuyển Xa người nói hoặc viết).  Hà là Sao? Thái là Quá.  Trì là Trễ, muộn. Nghĩa cả câu:
       "Sao muộn quá mới về nhà?"

   3. Câu 3: Cộng là cùng, chung.  Thùy là Ai?  Tranh là dành, giựt.  Tuế là Tuổi, là Năm.  Nguyệt là Tháng.  

Nghĩa cả câu : 
Cùng với ai dành giựt năm tháng, ý nói: "Cùng với ai sống đua chen trong những năm tháng đó?"

   4. Câu 4: Doanh là Lời, thắng, Ăn, thu hoạch.  Đắc là được. Mấn là Tóc mai.  Như là giống, giống như.  Ti là Tơ. 

Nghĩa cả câu :
(chỉ) lời được hai bên tóc mai trắng như tơ.

Diễn nôm : 
                  Về Lại Nhà
            Con thơ trì áo hỏi
            Sao đi mãi đến giờ ?
            Cùng ai ngày tháng ấy
            Mà tóc đã bạc phơ!

Lục bát :
           Con thơ níu áo hỏi ba
      Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con!
           Cùng ai ngày tháng mõi mòn?
      Sương pha tóc trắng chẳng còn như xưa!

     Hai câu đầu là lời chất vấn, thắc mắc, thơ ngây nhưng lắc léo của con thơ.  Nhưng hai câu sau... hình như là lời than van, oán trách, khúc mắc, thở than của bà... nội tướng đã biết bao ngày khoắc khoải, mòn mỏi đợi chàng về!

     Trong ngày LỄ CHA, mong rằng các ông cha luôn luôn trân quý sự sum họp và tình cảm gia đình để gắn bó hơn với con cái và các thành viên trong đó, nhất là với người đầu gối tay ấp, sao cho...
      Một nhà sum họp trúc mai,
  Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông!
                        (  Truyện Kiều )



                                                        Đỗ Chiêu Đức
 


Không có nhận xét nào: