Kỷ niệm thời thơ ấu, thời học sinh
Và những người
Thầy
***
(Riêng tặng Lý Văn
Nghiên và Nguyễn Bá Yên)
Mới đây tôi
ở Vĩnh Long lên Sài Gòn dự đám giỗ Ba tôi được tổ chức hàng năm tại nhà người
anh cả. Nhân một buổi chiều đi bộ (tập thể dục) từ nhà con gái tôi ở đường Hồ
Biểu Chánh, Phú Nhuận, tôi ra Nguyễn Văn Trỗi rồi bẻ xuống Huỳnh Văn Bánh
(trước đây là Nguyễn Huỳnh Đức), vì tôi muốn đi ngang qua số nhà 63 (Huỳnh Văn
Bánh), nơi Ba tôi đã mất vào năm 1992. Căn nhà này bây giờ thuộc chủ khác. Bởi
Ba Mạ tôi cho đứa gái út ngôi nhà, và sau một thời gian ở, em tôi đã bán để mua
một nơi khác xây cất rộng rãi hơn. Tôi vừa đi vừa nghĩ đến Ba tôi rồi rẽ phải
qua đường Phan đình Phùng và vào Nhà sách Phú Nhuận. Tôi đi thẳng tới khu chứa
sách văn học và sử học. Sau khi để mắt lướt qua một lượt những nhan đề sách và
tác giả, tôi sung sướng cầm lên cuốn “Huyền Thoại Về Danh Lam Xứ Huế” của Thầy
Bửu Kế. Cũng như năm 2004, vào một nhà sách thấy “Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên” đồ
sộ của Thầy Bửu Kế với giá rất cao (theo với lúc đó), tôi vẫn mua về. Tiếc là
cuốn Từ điển này ra đời khi Thầy đã mất, do đó, người biên tập, người sửa
“mô-rát” (morasse) có lẽ không cẩn thận lắm, nên đã viết sai và để sót rất
nhiều từ, làm giảm giá trị tác phẩm và làm mất uy tín của Thầy không ít. Bởi
trước năm 1975, những sách và dịch phẩm của Thầy đã in, đều có giá trị cao về
mặt văn học và Thầy đã được nhiều giải thưởng. Trong đó “Tầm Nguyên Từ Điển” đã
giúp cho tôi rất nhiều khi tôi viết hai cuốn “Từ Điển Vần Bằng Tiếng Việt” và
“Từ Điển Vần Trắc Tiếng Việt”. Tôi thường nói với bạn bè, Thầy Bửu Kế cũng như
Thầy Phan Văn Dật mới xứng danh là những “Nhà Huế học”. Anh Nguyễn Q. Thắng- em
ruột của Phạm Liễu (đã mất), sinh viên khóa 1 Viện Hán học - tác giả nhiều công
trình văn học đã “phàn nàn”: “Gần đây có
một số nhà báo trẻ chưa đọc tác phẩm Bửu Kế mà chỉ đọc đôi cuốn sách nhỏ về Huế
viết một cách quá đơn giản, thiếu căn cứ mà vung bút một cách rất chi thiếu tư
liệu khoa học mà gọi ông này là nhà Huế học, ông nọ là nhà Hà Nội học rất tùy
tiện và rất ư tùy… hứng” và anh Thắng đã kết luận: “Chúng ta có thể gọi Ông (tức Thầy Bửu Kế) là một “Nhà Huế học” chân chính của Việt Nam, vì thực chất, Bửu Kế đã
giúp độc giả thấy được diện mục cố đô và các vua triều Nguyễn” (Văn Học
Việt Nam Nơi Miền Đất Mới- Tập 2, NXB Văn Học 2007).
Tại Viện
Hán Học, tôi được học với Thầy Bửu Kế về môn Văn minh học triều Nguyễn ở năm
thứ năm, trong khi có lớp học Anh văn
với Thầy từ năm thứ nhất. Thỉnh thoảng vào giờ ra chơi, tôi đứng trò chuyện với
Thầy ở hành lang, và có lần, tôi đã yêu cầu Thầy sớm cho xuất bản những tác
phẩm về Văn minh học của Thầy. Nhưng hình như mãi sau những năm 1990, “thời mở
cửa”, những tác phẩm đó mới được con Thầy cho in khi Thầy đã mất?
Năm 1965,
ra trường, tôi được bổ dạy ở Nữ Trung học Quy Nhơn. Một hôm, nhân đọc tờ tạp
chí có đăng bài của Thầy Bửu Kế nói về những lỗi trong “Việt Nam Tân Từ Điển” của
Thanh Nghị và Thầy có ý định viết một Từ Điển Tiếng Việt, tôi nảy ra ý thu gom
các từ địa phương – những vùng miền tôi đã ở, đã qua - viết theo mẫu tự
A,B,C…có giải nghĩa, chẳng hạn như: Nẫu:
Người ta (Nẫu nói : Người ta nói); Xứ Nẫu: Chỉ vùng Bình định, Phú Yên. Nậy:
Lớn, Côi: Trên (Côi nớ: Trên ấy) v.v…Rồi khi nào khá nhiều từ, tôi sẽ gởi
ra cho Thầy để Thầy bổ sung vào Từ Điển Tiếng Việt. Bấy giờ Thầy đang làm Quản
thủ Thư viện Huế. Tôi đã gom và viết được một quyển vở 100 trang. Nhưng tiếp
theo là do chuyện lính tráng, chuyện vợ con và nhất là “biến cố 1975”, ý nguyện
của tôi đối với Thầy không thực hiện được, rồi di chuyển, “chạy loạn”, thay nhà
đổi cửa…nên tác phẩm cỏn con đó cũng “bay” đâu mất!
Ngoài việc
soạn từ điển, khảo cứu, dịch thuật, viết văn, Thầy Kế còn làm thơ nữa và đã
được hai giải thưởng (về thơ): một của Đài Phát thanh Pháp Á và một của Hà
Thành Ngọ báo. Thầy có tập thơ “Hoa Đầu Mùa” (chưa xuất bản). Chúng ta đọc đôi
vần thơ sau để thấy tâm hồn lãng mạn của Thầy:
Cần Chi Nữa
Cần chi nữa! Ôi còn cần chi nữa!
Được em yêu thôi thế đã vừa rồi
Tâm hồn anh nay đã bớt mồ côi,
Lò than nóng sưởi bàn tay giá lạnh.
Anh nào khác kẻ bộ hành hiu quạnh,
Chân nặng nề lê giữa gió mưa to.
Em hiện lên như cả một vầng ô,
Khắp vũ trụ hào quang gieo rực rỡ.
Cần chi nữa! Ôi còn cần chi nữa!
Được em yêu, thôi thế đã vừa rồi.
Tình yêu đương tưởng tắt từ thuở xa xôi,
Phút nhóm lại như lửa tàn gặp gió.
Anh chẳng thiết: giàu sang hay nghèo khó,
Lòng ham danh mến lợi đã tiêu tan.
Anh dửng dưng với cảnh sắc của trần gian,
Với tất cả thanh âm trong vũ trụ.
Xuân đằm thắm hay là đông ủ rũ,
Anh lạnh lùng để mặc tháng ngày trôi.
Được em yêu, thôi thế đã vừa rồi.
Cần chi nữa! Ôi còn cần chi nữa!
Bửu Kế
Định Mệnh
Hôm ấy đừng chung một chuyến tàu,
Mắt tình trốn tránh chẳng nhìn nhau,
Má không ửng đỏ vì e thẹn,
Đâu có bây giờ chuyện khổ đau.
Tim chỉ kề tim có một lần,
Tay cầm một bận để cầu thân,
Cũng thừa lưu lại muôn năm nhớ,
Một chút hương nồng của ái ân.
Một buổi yêu đương, vạn buổi sầu,
Nhưng ai ngăn cản được lòng đâu?
Nàng , ta trong lúc trao duyên thắm,
Biết sẽ xa nhau đến bạc đầu.
Tình của đôi ta chỉ thế thôi,
Gần trong giây lát để xa xôi,
Đừng tham nhiều quá, đòi nhiều quá,
Thôi thế nàng ơi! Cũng đủ rồi.
Biết tránh làm sao được hỡi trời!
Một khi ĐỊNH MỆNH buộc người chơi,
Hãy tìm khuây lảng trong an ủi,
Khi đã vô duyên cả cuộc đời.
Bửu Kế
Một số tác phẩm của Thầy:
-
Nếp nhà (Truyện ngắn, giải thưởng văn chương của Bộ
Quốc gia Giáo dục, 1953).
-
Thằng người gỗ (Truyện dịch, giải nhất của Hội phụ
huynh học sinh toàn quốc, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1952).
-
Tầm Nguyên Từ Điển (NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1955).
-
Nguyễn Triều Cố Sự (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1956).
-
Từ điển Hán Việt từ nguyên (NXB Thuận Hóa, Huế, 1999).
-
Huyền thoại về danh lam xứ Huế (NXB Thuận Hóa, Huế,
2012).v.v…
Và nhiều
chuyên đề về kinh thành Huế in trên các tạp chí như:
-
Kinh thành Huế (Tạp chí Đại học Huế, 1961).
-
Lễ tế giao (Tạp chí Đại học Huế, 1964).
-
Vua Đồng Khánh thăng hà, Vua Thành Thái lên ngôi (Tạp
chí Đại học Huế, 1962).
-
Các nghi lễ triều đình Huế (Tập san Sử Địa, Sài gòn,
1967).
-
Lăng Tự Đức (Tạp chí Đại học Huế, 1963).v.v…
Hôm nay ngồi đọc “Huyền Thoại Về Danh Lam Xứ Huế” của
Thầy Bửu Kế, không những tôi nghĩ về Thầy mà nghĩ đến những Thầy khác ở Viện
Hán Học rồi tự nhiên đồng loạt tưởng nhớ tới quí Thầy xa xưa, từ Tiểu học,
Trung học…như cả một thời quá khứ tuổi thơ ập về bên những người Thầy thân
thương mang dấu kỷ niệm…
*
*
*
Ba tôi làm
tại Ty Lục Lộ (tên gọi Sở Công Chánh thời Pháp thuộc. Lục Lộ nghĩa là đường bộ,
ngành chuyên xây dựng, quản lý cầu đường). Cả gia đình tôi ở Thị xã Quảng Trị,
nhưng ở quê, Ba tôi cũng xây một ngôi nhà lớn, nửa Tây nửa ta, giữa một vườn
rộng. “Plan” (họa đồ) do Ba tôi vẽ. Khi Việt Minh nắm chính quyền rồi Pháp trở
lại chiếm Thị xã Quảng Trị, gia đình tôi chạy về quê. Bấy giờ tôi còn nhỏ lắm,
độ năm, sáu tuổi. Tôi bắt đầu đi học ở tại làng.Trong làng chỉ có độc nhất một
lớp a,b,c cho trẻ. Chúng tôi ngồi đối diện nhau trên những chiếc ghế dài, ngắn
đủ kiểu bên mấy cái bàn to, nhỏ, cao, thấp khác nhau sắp thành dãy dài và chúng
tôi quay đầu một bên nhìn lên tập đọc theo thầy những chữ thầy viết trên bảng
(tức là dãy bàn thẳng góc với cái bảng). Chúng tôi - độ mười mấy đứa - học tại
đình làng đã bị đập trống vách và mái lấy gần hết ngói (vì bấy giờ theo lệnh
Việt Minh, những nhà xây, lợp ngói phải đập phá gọi là “tiêu thổ kháng chiến”,
“vườn không nhà trống”, để giặc Pháp không còn chỗ ẩn nấp bắn Việt Minh. Nhà
tôi cũng bị đập cái lớn, còn ở cái nhỏ). Thầy giáo dạy chúng tôi là một trợ
giáo. Tôi gọi là “Bác Trợ Quế”, anh em thúc bá với Ba tôi. Bác tánh tình hiền
lành nhưng nghiêm nghị. Ngoài dạy chữ, Bác còn kể chuyện này chuyện nọ với mục
đích cho chúng tôi biết cách xử thế. Bấy giờ mặc dù chỉ là cậu bé nhưng tôi nhớ
mãi lời khuyên của Bác và tôi đã áp dụng nó vào suốt cuộc đời. Bác bảo chúng ta
nên bình tĩnh trước mọi việc và hãy dằn cơn giận, chờ khi thuận tiện rồi hãy
giãi bày. Bác kể mỗi lần bác gái bực tức hay nói sai điều gì, Bác đều im không
cãi. Chờ đến khi nào hai vợ chồng nằm bên nhau vui vẻ, Bác mới phân tích, tỏ rõ
cho bác gái biết cái sai của mình… Bác Trợ Quế dạy chúng tôi chẳng được bao lâu
thì bị bệnh và mất. Lúc đó ở làng Đại Hòa sát làng tôi (làng Quảng Lượng, Triệu
Phong, Quảng Trị) có một trường Tiểu học năm lớp, mái lợp tranh, tường đất,
dựng trên một khu đất rộng. Chú ruột tôi- ba của Trần văn Lữ tức Thạch (đã mất)
nguyên Sinh viên khóa 2 Viện Hán Học - dạy ở trường Đại Hòa, mới đưa tôi vào
học lớp Năm (lớp Một bây giờ). Chú tôi, Trần Văn Bân, mấy năm sau về dạy Tiểu
học ở làng Dương Lộc, cũng thuộc Triệu Phong, là thầy của Nguyễn Lý Tưởng, (Sinh
viên khóa 1 Viện Hán Học). Thầy dạy tôi lớp Năm tên là Cung, người dong dỏng
cao, hơi gầy, mặt trông có vẻ khắc khổ. Thầy thường mặc sơ-mi (chemise) ngắn,
quần “soọc” (shorts). Tính Thầy hiền hậu, chẳng mấy khi la học trò. Gần hàng
rào, giữa sân, đối diện với dãy nhà mặt trường, là một cột cờ dựng giữa một
mảnh đất vuông, nhỏ, nền cao hơn sân. Phần trên hết của cột là lá cờ đỏ sao
vàng bay phấp phới. Mỗi khi làm lễ chào cờ, học sinh từng lớp sắp hàng ngay
ngắn qua sự điều khiển của một thầy đứng trên nền cột cờ. Tôi nhớ lúc này Quốc
ca không phải bài “Tiến quân ca” của Văn Cao mà là một bài gì bắt đầu bằng câu:
”Dựng cờ chào, cờ dựng…”. Khi thầy điều khiển hô “Chào cờ… Chào!” thì tất cả
học sinh, giáo viên, với bàn tay mặt nắm tròn lại, đưa lên tựa vào màng tang,
trông rất khí thế. Về sau, chào cờ mới đổi qua hát bài “Tiến quân ca”. Khi Nhật
đầu hàng Đồng Minh, bọn Tàu Tưởng (Giới Thạch) được phái qua miền Bắc Việt Nam
tước khí giới Nhật. Tôi nghe nói bọn Tàu này ô hợp, đói rách, ăn mặc dơ dáy,
chân đầy ghẻ lở, nhất là ghẻ hờm (một thứ ghẻ có bề mặt lớn lõm sâu xuống da).
Hàng ngày nhân dân miền Bắc chúng ta cứ bị chúng cướp bóc, phá phách. Lúc bài “Tiến
quân ca” được làm Quốc ca và phổ biến trong dân chúng, không biết ai dựa theo
nhạc mấy câu đầu của bài hát mà đặt ra những lời sau để chế nhạo bọn Tàu Tưởng
: “Đoàn quân Tàu ô kia/ Sao mà gớm thế/
Đem ghẻ hờm qua lây cho người Việt Nam…”. Ở làng tôi, như một bệnh dịch,
nhiều người cũng bị ghẻ hờm. Bấy giờ, Ba tôi là người Tây học, không biết Ba
xem ở sách nào mà chế ra một thứ thuốc trị ghẻ hờm thật hiệu nghiệm. Ba tôi sao
(rang) thanh phàn (phèn xanh), bạch phàn (phèn trắng), tất cả tán thành bột rồi
trộn với thủy ngân. Mỗi lần xức vào, bệnh nhân nhức nhối, quay quắt trong chốc
lát mới dịu lại. Da ở quanh mụt ghẻ lúc đó co rút, xức độ hai ba lần là lành.
Ngay cả Ba tôi bị mạch lươn, chạy chữa nhiều lương y không bớt, vậy mà chỉ một
thời gian ngắn, Ba xức thuốc của mình pha chế thì lành hẳn.
Rồi theo
lệnh chung, ngôi trường của xã cũng phải phá đi, tuy trường chỉ mái lá, vách
đất (nhưng được khu đất rộng, xung quanh có hàng rào). Lớp học và thầy giáo
phân tán dạy học ở các làng khác. Ở làng Đại Hòa chỉ có lớp Tư (lớp Hai bây
giờ) và lớp Ba do Thầy Châu dạy tại nhà Thầy. Thầy Châu người to, mập. Năm học
lớp Ba với Thầy, kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (thi học kỳ một), tôi đứng nhất,
được xã thưởng cho 10 tờ giấy manh. Thời đó, giấy rất quí hiếm. Một thầy nọ lấy
giấy đã viết một mặt, xếp đôi lại, rồi đóng thành tập; tôi mua những tập đó về
làm vở học. Bàn học ở nhà Thầy Châu là những tấm ván được kê lên hơi cao. Chúng
tôi ngồi trên những cái đòn để viết. Đến giờ Nông phố (nghề làm ruộng, làm
vườn), Thầy đưa học trò ra vườn, chia cho mỗi nhóm một khoảnh đất rồi Thầy dạy
cho chúng tôi trồng trọt. Áo quần chúng tôi mặc thường bằng vải to (một thứ vải
dệt tay, màu hơi ngà, thô), nhuộm đen, nhuộm nâu. Tất cả đều đi chân đất. Những
ngày mưa gió thì mang tơi chằm bằng lá, gọi là tơi lá, đội nón, chân ai cũng bê
bết bùn nên phải ra giếng rửa sạch trước khi vào hiên nhà là nơi làm lớp học.
Từ nhà tôi ở Quảng Lượng lên nhà Thầy Châu, làng Đại Hòa, độ ba cây số. Trời dù
nắng gắt vẫn đỡ bớt nhờ con đường nối hai làng nằm giữa cánh đồng lộng gió, còn
vào tháng gió mưa lạnh lẽo thì đi rất khổ sở: Người co ro trong áo tơi, ngón
chân luôn bấm chặt xuống đường sình lầy
mà cũng không khỏi có lúc trượt té, tơi, nón, chân tay đầy bùn.
Vào những
ngày mùa, Thầy gặt lúa về chất đống giữa sân. Và để giúp Thầy, sáng cũng như
trưa, bọn học trò nam chúng tôi thường đi học sớm để đạp lúa cho Thầy. Một hôm,
trên đường đến gần nhà Thầy, tôi thấy cứ mỗi hầm cá nhân sát bụi cây bên đường
đều có một anh bộ đội, mặc bộ đồ xanh dương, tay cầm súng đứng thẳng. Khi chúng
tôi vào học độ nửa giờ, thì nghe tiếng máy bay Pháp, Thầy Châu “lùa” tất cả học
sinh xuống chiếc hầm rộng ở nhà dưới, trên đắp lớp đất dày, núp cùng Thầy và vợ
con Thầy. Vừa đậy nắp hầm, chúng tôi đã nghe tiếng máy bay gầm rú cùng tiếng
đạn liên thanh nổ toang toác. Mọi người đều ngồi chò hỏ, im phăng phắc trong sợ
hãi tột cùng. Máy bay cứ gầm rú xen lẫn tiếng đạn nổ chát chúa khoảng chừng 20
phút thì không nghe gì nữa, chỉ còn tiếng máy bay xa dần cho đến khi chẳng thấy
động tĩnh gì, Thầy mới cho hết cả ra khỏi hầm. Chúng tôi chạy ùa ra sân, nhưng
ôi thôi, sân bị cày nát, đất cát tung tóe văng khắp đó đây, rất may ngôi nhà
của Thầy không hề hấn gì. Có lẽ ngồi trên máy bay nhìn xuống – lúc đó chưa có
những dụng cụ nghe, nhìn tinh vi như bây giờ- thấy đụn rơm, những đống rơm nhỏ
vừa đạp xong, những bó lúa chưa đạp chất chồng lên nhau, bọn giặc chắc tưởng đó
là những hầm trú ẩn hay công sự nên bắn phá ? Còn ở quê tôi, vào một lần phi cơ
Pháp oanh kích, mấy nhà ngói của làng đều bị chúng bắn nát, trong đó có nhà
tôi. Ba tôi xây ngôi nhà này khá kiên cố, vách rất dày, thế mà đạn máy bay bắn
thủng từng lỗ lớn, may mà trước đó Ba đã cho đào một cái hầm vừa sâu vừa rộng ở
giữa nhà, trên đắp đất cao, theo kiểu chữ L. Nhờ vậy mà cả nhà đều được an
toàn. Chẳng hiểu sao ở vùng quê tôi, máy bay Pháp chỉ bắn súng máy cỡ lớn chứ
không thả “bom” (bombe). Nếu thả “bom” chắc sẽ bị thương vong và thiệt hại
nhiều hơn. Bọn trẻ chúng tôi thường lượm đuôi đạn để về làm cán dao. Vào một
ngày, có lẽ trong năm 1948, bọn Tây và Bảo vệ - tên gọi người Việt đi lính cho
Pháp - ở hai Đồn Bồ Bản (cách làng tôi độ 7 cây số) và Đồn Đại Hào, sát làng
tôi, phối hợp bố ráp hai làng Đại Hòa, Quảng Điền – đều cạnh làng tôi. Ngày đó
hay dùng cụm từ “Tây đi lùng”. Rồi hôm sau, tôi nghe tin Thầy Châu bị chết đuối
trong khi lội qua một con sông để trốn Tây. Tôi xin Ba Mạ tôi cho tôi đi phúng
viếng Thầy, nhưng có lẽ tình hình chưa ổn nên Ba Mạ tôi không cho đi. Thế là
tôi khóc òa lên thảm thiết. Tự nhiên tôi quá thương thầy. Ba Mạ tôi không cầm
lòng được, đã bỏ đi nơi khác…
Thầy Châu
mất, chúng tôi được đưa qua học với Thầy Miễn, cũng ở Đại Hòa. Thầy Miễn rất
trẻ, đã bắt học trò gọi Thầy bằng “Anh” – “Anh Miễn”. Chúng tôi “học chạy”,
tháng học nhà này, tháng học nhà khác. Bàn ghế tự túc, bất kể cái gì kê viết
được, ngồi được là cứ dùng. Và mỗi lần tới một nhà mới, điều trước tiên học trò
bắt buộc phải làm, là tự đào một hầm cá nhân hình tròn, sâu độ một thước. Khi
nghe tiếng pháo kích hoặc máy bay, tất cả học sinh, thầy, ai nấy đều chạy, nhảy
xuống hầm của mình ngồi yên. Chúng tôi tuy còn nhỏ trong độ tuổi chín mười,
nhưng ở quê đã quen làm lụng nên tự đào lấy cho mình một cái hầm nhỏ thì cũng
không có gì khó khăn lắm. Học với Anh Miễn được mấy tháng thì nghỉ. Tôi không
biết lý do. Rồi học với Cô Quảng tại nhà Cô, cũng lớp Ba. Cô chưa chồng. Cô là
con một Đốc Phủ thời Pháp. Ngôi nhà Cô rất lớn nhưng vách, mái đều bị đập phá.
Chúng tôi học dưới mấy tấm tranh che tạm. Là giáo viên nữ thì học sinh phải gọi
bằng “Cô” mới đúng chứ, thế mà chẳng biết vì lẽ gì tất cả chúng tôi đều gọi Cô
bằng “Thầy” –Thầy Quảng!
Tình hình
càng ngày càng sôi động. Bọn Tây và Bảo vệ “đi lùng” luôn nên mới học với “Thầy
Quảng” một thời gian ngắn, chúng tôi lại phải nghỉ luôn. Thế là năm đó, chỉ lớp
Ba thôi – chưa đủ niên học-, tôi phải học với ba thầy :Thầy Châu, Anh Miễn và
Cô Quảng. Tại làng tôi, lính đồn Bồ Bản, Đại Hào cũng thường tới càn quét bắt
gà, bắt vịt, đốt phá; nhà không có người, chúng đều đốt cháy. Một lần “thằng
Bảo vệ” – tôi còn bé nhưng nói chuyện với ai, cũng gọi “thằng Bảo vệ”, “thằng
Tây” bởi tôi rất căm ghét chúng! – bắn hụt một con gà, con gà bay qua bụi tre ở
nhà kế bên, tôi nói với tên lính: ”Con gà bay qua bên kia rồi”. Nó liền hung
hãn đáp: “Im đi! Tao bắn mày bây giờ”. Tôi sợ và không dám nói gì nữa. Bấy giờ
một thằng Tây ở đồn Bồ Bản có biệt danh là “Tây mắt mèo”, trông rất dữ tợn. Hôm
đó nó ở nhà bếp đi lên nhà trên, tôi thì đứng nép ở cửa lên xuống, tay nó cầm
khẩu súng đầu cắm lưỡi lê nhọn hoắt. Nhìn nó đi ngang qua mà tôi run lẩy bẩy. Tôi cứ nghĩ bậy nếu nó quay lại đâm
tôi một cái “phụp”, chắc tôi sẽ chết ngay(do quá sợ!). Tôi rất sợ Tây cũng như
sợ Nhật. Lúc còn ở Thị xã Quảng trị tôi độ năm, sáu tuổi, tuy sợ Nhật, có lẽ do
chúng luôn đeo gươm bên mình và mang súng gắn lưỡi lê nhọn, thế mà vì hiếu kỳ,
sáng nào tôi cũng ra trước ngõ chờ xem các toán lính Nhật nhịp nhàng bước qua.
Làng tôi với mấy làng quanh đó mà không có đồn thì thuộc vùng “xôi đậu”. Ban
ngày là của Tây, ban đêm của Việt Minh. Cũng có khi Việt Minh hoạt động ban
ngày, hễ nghe báo động là tất cả cán bộ, thanh niên, trai tráng trong làng cũng
như Ba tôi đều chạy qua làng khác, chỉ còn lại ông bà già với phụ nữ. Để cảnh
giác có giặc đến, ngày nào làng cũng phân người gác ở phía có đồn Tây. Mỗi khi
thấy giặc từ xa đang đến gần, người gác chạy qua từng xóm la to ám hiệu: “Trâu
ăn ló! Trâu ăn ló!” (ló: lúa), ý nói: “Có Tây về!”. Vậy mà có lần Ba tôi ra
thăm ruộng có thể không nghe báo động nên bị Tây bắt. Chúng đem Ba tôi về nhà
(chẳng biết có phải cho lấy áo quần hay xem giấy tờ ? tôi không nhớ) trước khi
dẫn về đồn. Chúng trói chặt hai tay Ba tôi ra sau lưng. Thấy Ba bị bắt, cả nhà Mạ
cũng như anh chị em tôi chỉ biết khóc. Hơn một tuần sau chúng mới thả. Ba tôi cho
biết chúng bắt Ba là do lệnh của Tỉnh. Ty Lục Lộ (Sở Công chánh) thiếu nhân
viên chuyên môn nên chúng muốn Ba tôi đi làm việc lại. Nhưng Ba tôi từ chối,
viện lý do sức khỏe. Thật sự lúc đó Ba tôi rất có cảm tình với Việt Minh, so với
dân làng thì gia đình tôi tương đối khá giả hơn, bởi thế mỗi lần cán bộ về hoạt
động, đều ăn, ở tại nhà tôi, có lúc đến năm, sáu người, ngày này qua ngày khác.
Ba tôi còn đưa áo quần cho họ mặc.
Trước mặt
làng tôi có một con rào (sông nhỏ) ngăn cách làng tôi với Đại Hào. Bấy giờ đang
mùa hè, nước rào rất cạn, dân chúng lội xuống để chơm (nơm), giủi…bắt cá rất
đông. Tôi chẳng có dụng cụ gì cũng lội xuống bắt. Nước đục ngàu màu đất. Tôi
đang lội, bỗng một con cá mắc kẹt giữa hai chân tôi. Tôi kẹp chặt hai chân lại
và bắt lên dễ dàng. Có lẽ cá cay mắt vì nhiều người quậy đục, cá mệt, không còn
sức vùng vẫy nữa. Đó là một con cá gáy khá lớn. Tôi quá mừng. Hai bàn tay nắm
chặt con cá ù chạy về nhà đưa cho Mạ tôi. Chân, tay, lưng, mặt bê bết bùn đất.
Tối hôm ấy nhà lại có mấy cán bộ Việt Minh, không biết Mạ tôi nấu cháo hay kho,
nhưng đến lượt tôi vào ăn thì chẳng còn miếng cá nào. Tôi lẫy, hờn, không ăn,
ra ngoài sân tối ngồi khóc một mình... Để tiếp tế hay giúp Việt Minh, Ba thường
sai chị tôi và tôi lên Thị xã mua thuốc sốt rét, trụ sinh, đồng hồ, bút máy…cho
cán bộ. Chúng tôi ấn từng ống thuốc tiêm vào mỗi trái chuối chín; đồng hồ, bút
máy thì giữ kín trong người hay giấu dưới bắp, đậu khô mua về... Mỗi lần qua “bót”
(poste) Cảnh sát gần Chùa Phật học (Thị xã Quảng Trị), chị em tôi rất lo sợ.
Cảnh sát thường kêu lại hỏi, nhưng họ không lục soát kỹ lắm. Thị xã cách làng
tôi khoảng 15 cây số. Chúng tôi chỉ đi bộ, sáng đi chiều về, chứ không có một
phương tiện nào khác. Cũng vì đi mua đồ cho cán bộ mà một lần nọ chị tôi đã bị
đạn xớt qua đầu. Hôm ấy có Ba tôi cùng đi. Ba đã nhờ xe cứu thương ở đồn Đại
Hào chở chị lên Bệnh viện Tây. Ngày hôm sau, tôi mới lên Tỉnh thăm chị. Thấy
đầu chị quấn băng kín, không còn tóc, tôi xót xa thương chị mà rưng rức khóc .
Rất may, vết thương không nặng (nhờ chị đội bao muối trong có cất giấu thuốc
men…), nhưng có lẽ mất máu nhiều nên chị
phải nằm viện gần cả tháng.
Ở quê, Ba
tôi đi chữa bệnh cho mọi người miễn phí. Ba Mạ còn giúp đỡ những ai gặp khó
khăn. Vào những năm 1945,1946, nhà tôi không thiếu lúa gạo. Một lẫm (kho bằng
gỗ, chứa thóc) to đầy lúa, chưa kể khoai, sắn, bắp, đậu…thế nhưng cả nhà ăn
uống rất đạm bạc. Tôi nhớ cứ mỗi sáng, nhà nấu một nồi hoặc cơm, hoặc khoai,
sắn khô… Sau khi bới dành riêng cho Ba Mạ, chị tôi quản lý cái nồi để chia đều
từ ông anh cả đến đứa em út, mỗi người một chén vun. Chỉ đồ ăn (chẳng có gì
ngoài cá khô, nước ruốc) thì không chia. Ba Mạ tôi sống rất vị tha, hòa đồng
cùng mọi người. Bởi thế, ai đến mượn lúa, Ba Mạ tôi đều vui vẻ cho mượn mà chưa
thấy bao giờ Ba Mạ tôi đòi, ai có thì trả, không có cũng chẳng sao. Có người
trả bằng khoai thay vì lúa, có người khất lại nhiều kỳ…Cũng do cách đối nhân xử
thế ấy mà Ba Mạ tôi được mọi người trong làng yêu mến rồi anh chị em chúng tôi
cũng được thương lây. Nhất là những năm đầu kháng chiến, một số người bị bắt đi
thủ tiêu, thì Ba tôi – một công chức thời Pháp thuộc - vẫn bình an vô sự…
Khoảng 1947, Ủy Ban Kháng chiến Huyện cho “mời” (bắt) Ba tôi. Khuyên Ba tôi ra
giúp Việt Minh nhưng Ba thoái thác, có lẽ sức khỏe không cho phép, nhất là lúc
đó phải làm việc và sống nơi rừng thiêng nước độc. Thay vào đó, Ba tôi cho gọi
người anh đầu đang học Trường Khải Định (Quốc Học Huế) về tham gia. Sau dẫn
thêm ông anh thứ nữa (1954) tập kết ra Bắc.
Tôi vẫn
không được đi học vì chẳng có lớp do tình hình mỗi ngày một căng: bọn Tây và
Bảo vệ đi bố ráp luôn. Ba Mạ tôi mới giao cho chị tôi một số tiền để chị lên
Thị xã buôn bán với người dì ruột, nuôi tôi ăn học. Hôm đó chúng tôi không đi
Thị xã bằng con đường thường ngày hay đi. Chúng tôi lại lộn về làng Dương Lộc,
một làng theo Thiên Chúa Giáo, có Hương vệ - lính ở làng theo Pháp - canh gác.
Chú ruột tôi đang dạy tiểu học ở làng này, đã nhắn chị em tôi xuống để gửi gắm
nhờ một Linh mục (Cha Đạo) dẫn đường (vì đi Thị xã theo con đường thường ngày
dễ gặp bảo vệ hay cảnh sát lục soát lấy hết tiền bạc). Có Ông Cha đi cùng, cảnh
sát hay lính Tây sẽ nể nang, chào thưa mà chẳng xét hỏi gì. Toán đó độ sáu
người. Từ Dương Lộc, chúng tôi xuống Gia Độ đi đò qua một con sông, rồi hướng
về Thị xã Quảng Trị bên phía Bắc sông Thạch Hãn. Khi chạy ngang qua Quốc lộ 1,
tôi thấy một khúc chân người cháy vàng;
chắc là đạp phải “mìn” (mine). Bởi vậy Cha không cho chúng tôi đi quốc lộ mà
ven theo mép bên đường. Từ Dương Lộc đến Thị xã Quảng Trị với cách đi đó cũng
trên hai mươi cây số. Bấy giờ năm 1949,
tôi mười tuổi. Chị tôi hơn tôi một tuổi. Thế mà chúng tôi theo người lớn đi bộ
đến mấy chục cây số vẫn không biết mệt.
Tại Thị xã,
chúng tôi ở với Bà Ngoại và người dì.
Chị tôi tuy còn nhỏ nhưng đã tỏ ra tháo vát, giỏi dang. Hàng ngày chị cùng Dì
ra chợ buôn bán. Mấy tháng sau, Chú tôi về dạy ở Thị xã và đầu niên khóa, Chú xin
cho tôi vào học lớp Nhì (lớp Bốn bây giờ) của Thầy Lê Đình Khởi, người Bồ Bản.
Ở Quảng Trị hồi đó chỉ có bậc tiểu học: một trường Nữ và một trường Nam. Trường
Nam nhỏ, không đủ phòng nên lớp tôi phải thuê nhà dân ở bên ngoài làm lớp. Lớp
học này nằm dưới Chùa Phật học một đoạn. Đây là khu vực gần sông. Vào một ngày
lụt, nước sông đỏ ngàu, chảy xiết, ngập lênh láng lên tận bờ đường, cuốn theo
nhiều cây, cành, củi rác. Ở lớp tôi có anh Sừng lớn nhất lớp, là người vạn
chài, quanh năm sống trên sông nước. Anh xin Thầy vớt củi ở ven bờ sông. Thầy
cho phép. Thế là anh Sừng cùng vài bạn khác lội ở những chỗ cạn, vớt các cây
lớn, vừa…Bọn nhỏ chúng tôi ở trên bờ thì xúm nhau vác những cây về sân lớp. Có
cây phải ba bốn đứa khiêng. Chẳng mấy chốc mà góc sân chất cả một đống cây.
Thấy đã khá nhiều, Thầy không cho vớt nữa. Mấy ngày sau, Thầy bán cho người ta gần
cả trăm đồng bạc Đông Dương để làm quỹ lớp (100 đồng thời đó, có giá trị rất
lớn).
Lúc gia
đình tôi tản cư về quê thì căn nhà ở thị xã (16 Lê Thái Tổ, phường Đệ Tam) hình
như để không (Tôi không nhớ rõ). Về sau,
Ba tôi cho một gia đình công chức, người Huế, làm ở Tỉnh đường Quảng Trị thuê.
Đó là bác Tẩn, ba của Trần Thị Minh Quyết, sinh viên Hán Học Viện khóa 5. Lúc
học lớp Nhì, tôi ở với Ông Ngoại và Bà vợ hai của ông tại làng Thạch Hãn, sát
thị xã. Bà Ngoại hờn ghen, không ở với Ông Ngoại nữa mà về ở với con gái (dì
tôi, em của Mạ). Ông Ngoại là một quan chức Nam triều đã về hưu. Bà Hai của ông
lúc bấy giờ làm hàng xáo. Bà mua lúa về xay, giã gạo trắng rồi bán. Và hầu như
đêm nào tôi cũng phụ giã gạo. Cũng có khi Ông Ngoại vào giã với tôi, giã bằng
chày đạp chứ không phải chày cầm tay. Tiền cho thuê nhà của Ba Mạ tôi, một phần
gửi Ông Bà. Bà cũng nấu cơm tháng cho mấy người quen biết ở quê tôi đi lính
Cảnh vệ, giống như Đia phương quân về sau.
Năm
1952, Thị xã Quảng Trị mới có một trường
Trung học Đệ nhất cấp tư thục (trường cấp 2) được hai lớp: Đệ thất (lớp Sáu) và
Đệ lục (lớp Bảy). Ông Ngoại tôi đã dạy giúp Pháp văn cho một số học sinh, trong
đó có Giáo sư Bác sĩ Văn Tần bây giờ. Năm lớp Nhất (lớp Năm), lúc đầu tôi học
với Thầy Hồ Đắc Hanh. Dáng Thầy cao lớn, trẻ, đẹp; Vợ Thầy cũng rất dễ thương.
Cả hai đều là người Huế, ra Quảng Trị dạy, phải thuê nhà để ở. Lên Tỉnh học,
tôi không còn đi chân đất nữa mà mang guốc gỗ. Áo quần thì có gì mặc nấy. Những
bạn con nhà khá thì mặc áo quần đẹp hơn và mang “xăng-đan” (sandales), nhưng tất
cả mỗi đứa đi học đều phải đem theo một lọ mực xanh hay tím để chấm viết. Học
trò mua những viên mực xanh, tím để vào một cái lọ nhỏ, pha nước lạnh hay nóng,
một lúc sau các viên ấy tan ra thành mực. Học sinh đều dùng một loại viết có
lưỡi, gọi là “viết muỗng”, “viết lá tre” bằng sắt , cắm vào một cán bút bằng
gỗ, chấm mực mà viết, chứ không có bút bi như bây giờ. Năm đó, tôi được xếp
ngồi bàn đầu. Mỗi bàn độ năm, sáu học sinh, và trên bàn trước mặt học sinh là
những lọ mực xanh hay tím. Tôi viết mực tím. Sáng ấy Thầy mặc bộ đồ tây trắng.
Thầy say sưa giảng bài và đứng ngay trước mặt tôi. Không biết tôi tháy máy cách
sao mà làm đổ bình mực vào quần Thầy một vệt tím dài từ trên xuống dưới. Tôi
tái mặt, gần khóc, đứng dậy: “Thưa Thầy, con…” và không nói thêm được tiếng nào.
Cả lớp im phăng phắc. Nhưng Thầy rất bình tĩnh chẳng tỏ ra một chút giận dỗi mà
nhỏ nhẹ nói: “Con ngồi xuống. Thầy biết con vô ý lỡ tay…”. Tôi thật hối hận và
càng kính yêu Thầy hơn. Tôi cứ áy náy suốt cả ngày. Chiều lại, sau giờ học, tôi
muốn đến nhà Thầy để xin lỗi. Tôi đi qua đi lại trước nhà Thầy mấy lần mà rồi
cũng không dám bước vào. Thời ấy chưa có thuốc giặt tẩy, nên chiếc quần lấm mực
đó tất nhiên không thể nào dùng mặc đi ra ngoài được. Xem như bỏ đi!
Thầy Hồ Đắc
Hanh dạy lớp tôi được mấy tháng thì bị động viên đi học Sĩ quan Thủ Đức. Cả lớp
tôi buồn bã tiễn đưa Thầy vào một buổi chiều trên sân ga Quảng Trị. Tôi muốn
chạy tới nói với Thầy một điều gì đó chứng tỏ lòng yêu quý Thầy nhưng vì quá
nhút nhát, tôi chỉ xót xa đứng yên nhìn Thầy chuyện trò với các đồng nghiệp khác…
Mười mấy năm sau, Thầy là trung tá Trung đoàn trưởng thiết giáp đóng tại La
Vang, Quảng Trị. Trong một trận đụng độ ở Nhan Biều (Bắc sông Thạch Hãn, đối
diện Thị xã Quảng Trị), Thầy ngồi tại chiến xa chỉ huy trận đánh. Không may, thiết
giáp trúng B40, Thầy bị chết cháy trong xe. Thi hài được đưa về quê của Thầy ở
Truồi (Thừa Thiên) để tổ chức tang lễ. Lúc qua sông, linh cữu đặt trên một
chiếc M113 (loại chiến xa lội nước). Xe mới chạy ra một đoạn, không hiểu tại
sao, cả xe và quan tài bị chìm lỉm. Thế là chết thêm mấy sĩ quan và tài xế
trong xe. Sau đó người ta phải cho thợ lặn và xe trục vớt quan tài với chiếc
M113 lên. Thật quá thảm! Sao mà Thầy lại xui cả đến khi đã chết? Thầy “chết hai
lần”!. Nghiệp của Thầy theo nhà Phật như
vậy là quá nặng! Đã chết cháy lại còn bị chết nước! Trước 30.4.1975, để nhớ công
ơn của Thầy, Chính quyền Sài Gòn đặt tên con đường nối dài từ La Vang, nơi Thầy
chỉ huy Trung đoàn thiết giáp, về đến cuối làng Thạch Hãn giáp với đường Quang
Trung Thị xã Quảng Trị, là đường Hồ Đắc Hanh.
Thay thế Thầy
Hanh dạy lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) là thầy Lê Đình Khởi, người đã dạy tôi ở
lớp Nhì (lớp Bốn). Lớp của tôi là một nhà dân thuộc đường Quang Trung, gần sân
vận động. (Sau này trường Trung học Nguyễn Hoàng xây trên một góc sân vận
động). Thầy Khởi rất nghiêm, có lần Thầy gọi con Thầy – cùng lớp với tôi- lên
bảng làm toán. Cậu ta làm sai, bị Thầy tát mấy cái, đập đầu vào bảng nghe “rầm
rầm”! Thầy là bạn thơ của Ba tôi trong nhóm Mai Hãn ở Quảng Trị. Thầy và Ba thường xướng họa thơ với nhau. Bút
hiệu của Thầy Khởi là Bồ Giang, tức sông Bồ Bản, quê của Thầy. Chúng ta hãy đọc
mấy vần thơ sau:
Xướng:
Những Giọt Mưa Đêm
Đêm nằm khó ngủ, lắng nghe mưa,
Giọt vắn, giọt dài, giọt nặng thưa.
Giọt khóc nửa chừng tan lối mộng,
Giọt mừng một kiếp vẹn niềm mơ.
Giọt mau lốp đốp như giành giật,
Giọt chậm lai rai, ý đợi chờ.
Nặng nhẹ, nhặt khoan hòa điệu nhạc,
Gẫm đời, vùng dậy, chép vần thơ.
Bồ
Giang Lê Đình Khởi (Thu 1970)
Họa:
Giữa Mùa Chinh Chiến
Đêm thu, gió lạnh, lại trời mưa,
Mưa gió liên miên, nhặt nhặt, thưa.
Tiếng nhạn kêu vang, trời đất lở,
Ngọn trào vỗ nát nỗi niềm mơ.
Khóc thương đất nước đà tan tác,
Mong ước vừng ô, vẫn đón chờ.
Nhà trống, mưa vào, lòng lạnh lẽo,
Năm canh, tâm sự, viết nên thơ.
Xương
Kỳ Trần Văn Thạnh.
(Xương Kỳ Trần Văn Thạnh là Ba tôi).
Xướng:
Sáu Mươi Bốn Cảm Tác
Kính gởi Bác Trợ Khởi
Tôi Bác năm nay sáu bốn rồi,
Phong lưu nếp sẵn, Bác như tôi.
Chào trăng cợt gió, mai chiều rỗi,
Miêu họa ngâm thi, sớm tối dài.
Giấc mộng vàng son xem bọt nước,
Chữ Tây, chữ Hán cũng chè xôi.
Ơn trời mạnh khỏe, vui làm thiện,
Danh lợi đua bơi phó mặc đời.
Xương
Kỳ Trần Văn Thạnh.
Họa:
Chó xuống, heo lên cũng thế rồi,
Sáu tư tuổi Bác, sáu tư tôi.
Ngồi nghe xuân tới trong hơi ấm,
Nhớ lại xuân qua muốn thở dài.
Đối cảnh thời gian sao vội vã,
Dặm đường thống nhất mãi xa xôi.
Hăm lăm xuân lẻ tuồng ly loạn,
Mừng chút không chi miệng thế đời.
Bồ
Giang Lê Đình Khởi
.v.v..
Ngoài thơ
phú ra, Thầy còn cái thú đi bẫy chim cu, nên nhà Thầy treo đầy những lồng cu
cườm. Một chiều, Thầy dẫn học sinh đi dã ngoại, đến một bến sông rất cạn cách
cầu ga chưa đầy một cây số, Thầy cho phép chúng tôi tắm sông nhưng chẳng đứa
nào tắm; chúng tôi chỉ vui đùa, chạy nhảy, đuổi bắt nhau trên bến. Sau đó Thầy
đưa chúng tôi tới chơi ở Vườn Bông. Bên dưới Vườn Bông là một cây cầu nối liền
với đường chạy dọc theo sông Thạch Hãn ngang qua Tòa Sứ về ngả phủ Triệu Phong.
Chiếc cầu này thời Nhật đã bị Mỹ thả bom sập, chỉ còn một khúc đầu cầu phía Vườn
Bông. Đây là một bến sông sâu. Người tắm rất đông, họ thường leo lên cầu, nhảy
xuống sông rồi bơi vào bờ. Trong khi Thầy thơ thẩn ở Vườn Bông thì bọn chúng
tôi kéo xuống bến sông xem họ tắm. Thế rồi thấy họ nhảy xuống nước sao mà hấp
dẫn, chúi đầu rất nghệ thuật, bọn tôi bắt chước, cởi bỏ quần áo, cũng đứng trên
cầu nhảy ùm xuống rồi bơi vào bờ, vừa hò hét om sòm. Bỗng Thầy từ trên bờ cao
phát hiện, Thầy la lớn bắt chúng tôi ngừng lại, lên bờ. Chắc Thầy sợ nguy hiểm.
Mặt Thầy bừng giận, đôi mắt đỏ ngầu. Mỗi đứa lãnh năm cái tát tai đau điếng!
Tôi cũng chung số phận nhưng không hề oán giận Thầy vì biết mình có lỗi. Đối
với Thầy Khởi, cho đến bây giờ tôi vẫn một lòng cung kính, mến yêu.
Cũng con
sông Thạch Hãn này đã ghi vào lòng tôi một kỷ niệm khó quên. Hôm đó tôi tắm ở
khúc sông trước mặt Tòa Sứ. Đoạn này bến sông bị hẳm, ít ai tắm. Một cậu cỡ
tuổi tôi cùng tắm. Bỗng cậu hụt chân và đang chới với trước mặt tôi. Như một
phản xạ, tôi nhảy ùm lặn xuống nước, cậu ta bám chặt vào tôi; tôi ngóc đầu lên
cựa quậy mạnh, may gần bờ, nên vào được an toàn. Hú vía! Nếu xa bờ một chút nữa
thôi, chắc hai đứa đều chết, vì cậu ta đã ôm sát vào một tay và ngực tôi, tôi
bơi không được (mới cố gắng cựa quậy mạnh). Lại nữa, tôi đâu có bơi, lặn giỏi!?
Trong năm
này, Ba tôi hai lần đau nặng, từ quê phải đưa lên tỉnh nằm bệnh viện. Lần đầu
Ba vào bệnh viện Tây. Nơi đây, nhờ những bạn quen biết của Ba như Thầy Chữ, Thầy
Lài…tận tình chữa trị nên bình phục nhanh và sớm được xuất viện. Để đáp lại tấm
thịnh tình, nhất là với Thầy Chữ, y tá trưởng, Ba tôi nhận lời mời của Thầy về nhà
Thầy để làm gia sư (précepteur) dạy cho con, cháu Thầy. Tôi ở cùng Ba. Hai cha
con ngủ chung một giường. Để khỏi mất giấc ngủ của Ba, mỗi sáng, khoảng 4 giờ
hay 4 giờ rưỡi, tôi đã nhè nhẹ bò ra khỏi giường đánh thức mấy con, cháu Thầy Chữ
dậy học bài. Thời ấy, học trò siêng năng lắm, thức khuya dậy sớm là bình
thường. Sơn, con Thầy Chữ cùng học lớp Nhất với tôi nhưng nó học kém, nên có
bài, tôi thay Ba chỉ cho nó. Năm 1959, tôi gặp Sơn ở Sài Gòn. Lúc này nó sống “giang
hồ bạt mạng”, không có tiền, có khi tôi phải cho nó áo quần để mặc. Sơn thi vào
học Sĩ quan Thủ Đức. Trước 30.4.1975, nó là trung tá nhảy dù nhưng nghe đâu nó
đã bị mất tích trong một trận chiến ác liệt xảy ra tại Phan Rang!
Lần sau Ba
tôi đau thì nằm ở Bệnh viện Tỉnh, có tôi ở một bên để săn sóc cho Ba. Bấy giờ
bệnh nhân được bệnh viện phát cơm, cháo miễn phí; mỗi bữa tôi nhận về ăn. Lúc
đó bệnh viện nuôi ăn rất đàng hoàng, khi nào cũng có cá thịt, đầy đủ dinh dưỡng,
tôi ăn ngon lành! Ba tôi thì ăn cơm, cháo do chị tôi nấu mang đến. Các thầy ở bệnh
viện như Thầy Liễn, Thầy Bàn (cha của nhạc sĩ Hoàng Nguyên)…đều là bạn của Ba
tôi. Và chính những thầy này đã khuyên Ba tôi đi làm việc lại. Lúc này kinh tế
gia đình tôi cũng bắt đầu khó khăn, hơn nữa Ba hay đau ốm, ở quê rất bất tiện,
nên cuối cùng Ba tôi đã nghe lời khuyên của bạn bè, xin đi làm lại. Vừa khi Ba
của Minh Quyết đổi vào Huế, Ba lấy lại nhà. Tôi và chị tôi về ở với Ba. Sắp xếp
ổn định, cả nhà bèn dọn từ quê lên Thị
xã.
Mùa hạ,
trời Quảng Trị nắng hừng hực, gió Lào thổi mạnh mà nóng, khô, rát cả mặt. Hè đó
hỏa hoạn, cả phường Đệ Tam, phần lớn nhà tranh, cháy đỏ rực; nhà tôi lợp ngói,
nhưng căn bếp bằng tranh cũng cháy. Tôi lấy mền nhúng nước ướt leo cây mít sát tường
bếp lên chữa; lửa táp vào mặt, may tôi trụt xuống kịp; nếu trèo lên nhà trên,
lửa bao quanh, không còn đường xuống, tất bị chết cháy, hoặc nhảy xuống đất thì
gãy chân hay chết. Lửa nhà bếp, lửa nhà kế sát sau vườn bốc mạnh, cuối cùng
ngôi nhà ngói của Ba Mạ tôi cũng cháy rực. Đồ đạc trong nhà chẳng kéo ra được
gì. Thời ấy, Thị xã Quảng Trị chẳng có xe cứu hỏa. Sau vụ cháy, những nhà bị
nạn đều được chính quyền cấp cho một số “tôn xi-măng” (fibrociment) để lợp nhà.
Năm tôi đậu
Tiểu học, Quảng Trị mới có Trung học Tư Thục được ba lớp : Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ
Ngũ (lớp Sáu, Bảy, Tám bây giờ). Sau trường này trở thành Trung Học Nguyễn
Hoàng (trường công). Ba Mạ cho tôi vào Huế học. Trong nhà chuẩn bị cho tôi học
Trường Providence (Thiên Hựu), một trường Trung học Tư thục Thiên Chúa Giáo
chuyên giảng dạy bằng tiếng Pháp, giống như Trường Pellerin (Bình Linh). Nhưng
tôi cũng nạp đơn thi cầu may vào Trường Khải Định (Quốc Học), lúc
này trường Khải Định lính Tây đang chiếm ở. Bởi vậy, Trường Nữ Đồng Khánh được
chia làm hai: một nửa cho Đồng Khánh từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, một nửa cho Khải
Định “lớn”, từ Đệ Tam đến Đệ Nhất (lớp Mười đến lớp Mười hai), nam nữ học
chung. Còn Khải Định “nhỏ” (Đệ Thất đến Đệ Tứ), học nơi khác và sau trở thành
Trung Học Nguyễn Tri Phương.
Tôi thi ở Khải Đinh “nhỏ”, thí sinh 2000 mà chỉ tuyển
270 cho sáu lớp. Bài vở tôi làm được nhưng cứ nghĩ khó mà đậu! Ai ngờ tôi được
trúng tuyển vào Đệ Thất trường Khải Định. Năm này Thầy Ưng Đồng dạy lớp tôi môn
Quốc văn. Tôi trọ học gần nhà Thầy (đường Chương Đức, Cầu Đất, Huế). Mỗi lần Thầy
bệnh hay bận việc phải nghỉ dạy, Thầy đều nhờ tôi đưa đơn qua Trường xin phép.
Trái lại, khi tôi bị bệnh không đi học được, tôi lại nhờ Thầy giúp chuyển đơn.
Bây giờ nghĩ lại tôi thấy lương tâm không ổn! Tôi cứ tự trách tại sao lúc đó
mình lại làm một việc vô phép như vậy?
Linh mục
Nguyễn Văn Thích dạy lớp tôi tiếng Pháp. Cha dạy hát nhiều bài tiếng Pháp. Khi
qua Viện Hán Học, Cha lại dạy Hán văn cho khóa tôi liên tiếp mấy niên học. Cha
viết chữ Hán rất đẹp, đúng là như “rồng bay phượng múa!”. Cứ Tết đến, Cha viết
cho Sinh viên những câu đối chữ Hán do Cha sáng tác. Cha cũng dạy Sinh Viên
nhiều bài hát của Cha. Bài “Cái nhà” mà tôi thuộc lòng từ những năm Tiểu học, không
ngờ là do Cha viết. Anh Lê Ngọc Bích, sinh viên Viện Hán học khóa 1 (đã mất) đã
bỏ công sưu tầm và in được một tập Thơ,Văn, Nhạc, Họa…của Cha.
Cha Thích
là con Cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại, quê quán làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền,
Thừa Thiên; nhưng sinh quán của Cha là làng An Thái, Phủ An nhơn, Bình Định khi
Cụ Mại vào làm tri phủ ở đó. Lúc đầu Cậu Nguyễn Văn Thích theo học chữ Hán, thi
Hương hai khóa đều hỏng “trường ba”, mới chuyển qua tân học, học ở Pellerin
(Bình Linh) Huế. Đây là một trường tư thục Thiên Chúa giáo, ngoài những môn học
thông thường, nhà trường còn dạy giáo lý là môn bắt buộc. Lại nữa, đầu giờ và
cuối giờ học mỗi buổi, học sinh phải đứng dậy nghiêm chỉnh đọc kinh cầu nguyện.
Chính những sự việc ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của con người
Nguyễn Văn Thích. Bởi vậy, khi tốt nghiệp Trung học, học sư phạm rồi vào dạy ở
tỉnh Khánh Hòa, chỉ 4 tháng sau, Thầy Thích đã lãnh phép Rửa tội tại nhà thờ
Bình Cang, Nha Trang.
Là môn đệ
của Nho giáo, trước sự kiện “tày trời” của con trai mình, Cụ Phó bảng Nguyễn
Văn Mại chống đối quyết liệt. Thầy Thích đã chịu nhiều đau khổ về tinh thần lẫn
thể xác: “Thầy Thích bị nhốt kỹ trong
nhà, Thầy liều mạng trèo lên gỡ mái ngói thoát ra ngoài rồi cải trang làm con
gái ra ga mua vé đi Cửa Tùng, Quảng Trị” (Theo Lê Ngọc Bích) xin vào tu học
ở Tiểu Chủng Viện An Ninh; và ở “Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới” (Tập I), Nguyễn Q. Thắng cho
biết: “Theo lời ông (tức Cha Thích) tâm sự với môn sinh thì Cụ Phó bảng Mại
từng trói ông nơi chân giường nhiều ngày, nhưng sau đó vẫn trốn vào nhà thờ
xưng tội và cầu kinh”. Sau 9 năm tu học, cuối cùng Thầy Thích đã được thụ
phong linh mục.
“Nhìn suốt quá trình hoạt động liên tục về văn hóa,
giáo dục gần 60 năm của Cha, nhớ lại cuộc sống giản dị, thanh đạm mà trẻ trung,
thân ái đối với mọi người, có thể nói không quá rằng Cha là một nhà văn hóa
giáo dục chân chính, lạc quan của miền sông Hương núi Ngự, mà cũng của đất nước
Việt Nam thời gian gần đây” (Đoàn
Khoách- Sảng Đình Thi Tập của J.M. Thích, Cali, USA).
“Tâm hồn Cha đơn sơ vô tội, đầy chất nghệ sĩ cao
thượng, đó là một tâm hồn thấm nhuần nhân đức, thánh thiện, tinh thần Nho giáo
kết hợp hài hòa với Ki-tô giáo” (Lê
Ngọc Bích).
Cha Thích
làm thơ Quốc ngữ, thơ chữ Hán, thơ dịch từ Hán ngữ, Pháp ngữ rất nhiều, đủ các
thể loại. Cha còn cộng tác viết nhiều bài cho các tạp chí ở Huế như Tổ Quốc
(khoảng 1945 - 1946), Vinh Sơn (khoảng 1949 – 1950), Nguồn Sống (khoảng 1958
-1961). Cha là sáng lập viên và chủ bút tuần báo Vì Chúa, viết 3 thứ tiếng
Việt, Hán, Pháp. Cụ Sào Nam có bài thơ:
Mừng Xuân Báo Vì Chúa
Lòng ta vì Chúa, Chúa vì ta
Rước thánh thần
về, đuổi qủy ma!
Đường lối quang
minh lên tột đỉnh
Ai rằng thiên
quốc ở đâu xa!
Phan
Bội Châu
(Báo “Vì Chúa” số 21, ngày 19 Février 1937-
Xuân Đinh Sửu).
Đến năm 1945, báo “Vì chúa” tự đình bản. Chúng ta hãy
đọc mấy vần thơ sau để thấy con người nghệ sĩ trong Cha cùng với tấm lòng thanh
khiết của vị chân tu:
Cảnh Đêm Trăng
Duy
giang thượng chi thanh phong
Dữ sơn gian chi
minh nguyệt…
Thị tạo hóa chi
vô tận tàng dã.
(Tô Thức)
Y chà! Y chà xinh!
Đêm thanh thú cũng thanh:
Trăng trong lồng gió mát,
Nước biếc dợn non xanh.
Trời mở kho vô tận,
Tranh treo bức hữu tình.
Tao đàn kia những kẻ,
Cảnh ấy nỡ làm thinh?
Sảng Đình Nguyễn Văn Thích
THI VỊ SÔNG HƯƠNG
Sông Hương có dòng nước lục,
Trong vẻo trong veo mà không bao giờ đục.
Đây, ta thả thuyền chơi,
Ta lội, ta bơi,
Ta rửa sạch mọi niềm trần tục.
Sông Hương có bóng trăng thanh,
Yếng bạc bũa rải trên lườn sóng long lanh,
Soi tấm lòng ta vằng vặc.
Đối với Tạo vật,
Biết bao nhiêu là cảm tình.
Sông Hương có lườn gió mát,
Phưởng phất dịu dàng như tay ai khéo quạt,
Nó thổi sạch mây mù.
Thổi sạch u sầu,
Kìa tiếng thông reo, tiếng chài hát.
Sảng Đình
Nguyễn Văn Thích
v.v..
Thầy Hồ
Đình Chữ tức nhà thơ Bằng Trình dạy toán lớp tôi. Thầy là giáo sư sang nhất
trong các thầy trẻ ở Khải Định “nhỏ”. Quần áo luôn láng lẩy, giày đánh bóng, Thầy
hay lái xe hơi đến dạy. Thời đó có xe hơi là thuộc lớp giàu. Vợ Thầy là con chủ
hiệu buôn bán lớn gần rạp chiếu bóng Tân Tân, đường Trần Hưng Đạo. Thầy viết
chữ đẹp và bay bướm. Lớp Đệ Thất bấy giờ học số học là môn tôi khá dốt. Cuối
năm vị thứ môn Toán của tôi là 43/45 và Thầy Chữ đã phê vào học bạ “Kém, phải
cố gắng nhiều”. Nhờ các môn khác kéo lại, tôi vẫn được lên lớp. Hôm thầy ra
Toán làm tại lớp, tôi “cóp-pi” (copier) đứa bên cạnh. Nó che tay không cho tôi
xem. Tức mình, tôi nói: “Lên Đệ Lục, học hình học, chắc gì mi đã hơn tau?”. Hè
đó, tôi quyết tâm học toán. Tôi mua sách Hình học, Đại số có bài giải bằng tiếng
Pháp về luyện thêm. Bấy giờ sách toán tiếng Việt rất hiếm. Ngay cả sách giáo
khoa Toán cũng chỉ có bộ từ Đệ Thất đến Đệ Tứ của Đinh Quy, Bùi Tấn, Lê Nguyên
Diệm. Qua Đệ Lục cũng Thầy Chữ dạy Toán nên Thầy rất ngạc nhiên khi những bài
tập toán của tôi thường được điểm 10 dành vị thứ cuối năm 6/45. Sau này ra dạy,
có lần đi chấm thi tôi gặp Thầy Chữ ở cùng trung tâm, tôi nhắc kỷ niệm học toán
với Thầy, Thầy cười thích thú!… Trong khi dạy Trung học, Thầy vẫn ghi danh học
Đại học Văn khoa Huế, Thầy đậu Đại học, Cao học rồi học tiếp nữa…Trước 1975,
Thầy là giáo sư Đại Học Huế. Tôi nhớ, sau 1990, trong một buổi phỏng vấn Thầy
về Văn học của Đài BBC, người ta gọi Thầy là “Tiến sĩ Hồ Đình Chữ”. Thầy hiện
đang sinh sống ở Úc.
Còn dạy Anh
văn lớp Đệ Lục của tôi là Thầy Cao Cự Phúc. Thầy ở vùng kháng chiến về, học lại
trường Khải Định “lớn”, đậu Tú Tài 2 Ban C (Ban Văn chương, Sinh ngữ) rồi xin
dạy Khải Định “nhỏ”. Thầy bắt học trò gọi Thầy bằng “Anh”.
Anh Phúc là
người Quảng Trị với tôi, con Thầy Bàn, bạn của Ba (mà tôi đã nhắc ở trên). Nhà
Anh ở sau nhà tôi, cách mấy căn. Môn Anh văn tôi học khá và Anh rất mến tôi.
Tôi được Anh cử thi “Concour général”
của khối Đệ Lục. Thỉnh thoảng, trên tạp chí Đời Mới – một tờ báo uy tín thời
bấy giờ- tôi thấy có bài viết của Anh. Anh chính là Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác
giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ai
lên xứ hoa đào”, “Đàn ơi xa rồi”, “Tà áo tím” v..v…Sau Hiệp định Genève,
một nhóm trí thức ở Huế tranh đấu cho hòa bình thế giới. Nhóm này bị công an
bắt, trong đó có Anh Phúc và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, dạy nhạc trường tôi. Hàng
ngày, ngoài giờ học, học sinh chúng tôi thường kéo đến trước cổng Ty Công An - Cảnh
Sát, gần trường tôi để nghe ngóng tin tức. Trong Ty, các thầy và một số người
khác ngồi trước hàng hiên nhìn ra chúng tôi. Tuy lúc đó, họ không hành hạ hay
uy hiếp gì các thầy nhưng chúng tôi vẫn rất xót xa và thương thầy của mình… Một
tuần sau, tất cả được thả về, Anh Phúc tiếp tục dạy Anh văn lớp tôi cho đến hết
niên khóa. Rồi nghe nói “người ta” không cho Anh ở Huế, Anh lên Đà Lạt dạy ở Trường
Bồ Đề. Một mối tình lãng mạn ở xứ “ngàn hoa” đã cho chúng ta ba tác phẩm tuyệt
vời của Hoàng Nguyên: “Ai lên xứ hoa
đào”, “Bài thơ hoa đào” và “Đường nào
lên Thiên Thai”. Một lần bố ráp, ở phòng trọ của Anh, cảnh sát không biết
tìm được những gì, nhưng nghe nói trong đó có bài Quốc ca Miền Bắc (Tiến quân
ca) của người nhạc sĩ đa tài mà Anh rất mến mộ: Văn Cao. Anh bị bắt rồi bị đày
ra Côn Đảo. Theo tôi, nhạc sĩ Hoàng Nguyên chắc phải có hoạt động gì đó. Về âm
nhạc, nhiều tác phẩm có xu hướng dân ca Huế như “Anh đi mai về”, “Tiếng hai đêm”… của Anh, lời ca rõ ràng có ẩn ý
nhắn nhủ, kêu gọi hòa bình, phản chiến, hướng về tình tự dân tộc…
Năm 1958, Anh
được thả về. Hay tin, tôi cùng người em rể, đều là học trò cũ của Anh, đương ở
Sài Gòn, đến thăm Anh tại nhà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở đường Bùi thị Xuân. Nhà
Hoàng Thi Thơ đang bận tiếp khách, thế là thầy trò chúng tôi đứng ngoài đường
nói chuyện với nhau. Chúng ta đọc tài liệu sau để biết việc bắt bớ Anh: “Hoàng Nguyên dạy học ở Trường Tư thục Tuệ
Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu 4 Đà Lạt, thượng tọa Thích Thiện Tấn (anh ruột
Thầy Nhất Hạnh) làm Hiệu trưởng. Nhà giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp Đệ Lục,
Thầy Nhất Hạnh dạy Việt văn lớp Đệ Thất. Tên tuổi hai nhà giáo như một hấp lực,
lôi cuốn học sinh đến trường Tuệ Quang.
Chẳng được bao lâu, sóng gió cuộc đời nổi dậy, năm 1956,
trong một trận lùng bắt ở Đà Lạt, trường Tuệ Quang có nhiều nhà giáo bị bắt
như: Lý Quốc Việt, giáo sư Toán, Lý, Hóa; Nguyễn Hữu Chỉnh, giáo sư Pháp văn…
vì hoạt động đảng phải (Đại Việt) và Cao Cự Phúc vì có tham gia phong trào
“kháng chiến” chống Pháp.
Hoàng Thi Thơ ở Sài Gòn phối hợp cùng Hoàng Nguyên, tổ
chức đại nhạc hội tại Đà Lạt. Đêm đó có truyền đơn phản động đã rải bên ngoài.
Trưởng ty Công An Cảnh Sát Phạm Trọng Lý (cha ghẻ nữ danh ca được thành danh
trong mấy thập niên qua) đã có thành kiến với Hoàng Nguyên, nhân cơ hội này,
quy kết đầu mối có bàn tay của “đối tượng” nên đem nhân viên công lực đến nhà
khám xét. Chẳng may, bắt được nhiều bản nhạc tiền chiến, có bản “Tiến quân ca”
của Văn Cao, nhạc phẩm đó Hoàng Nguyên rất ái mộ. Văn Cao đã nổi danh với ca
khúc “Thiên Thai”. Dưới mắt quan chức thẩm quyền, đứng đầu là trung tá tỉnh
trưởng, nhạc phẩm “Đường nào lên Thiên Thai” có phần ủy mị, yếm thế, ru ngủ
tuổi trẻ và ông cho rằng người sáng tác nhạc phẩm này mơ về một thiên đường
không tưởng, vẫn còn đi theo con đường của văn nghệ sĩ bên kia vĩ tuyến… Hoàng
Nguyên bị bắt và bị đày ra Côn Đảo khoảng năm 1957” (Vương Trùng Dương- Dòng Nhạc Yêu Thương, Dòng Đời
Ngang Trái”… Trích từ bài “Hoàng Nguyên, tìm đâu “thiên đường đã mất?” của Tuệ Chương-
Kỷ Yếu Quảng Trị 2000- USA).
Anh lại học
Đại học Sư phạm Anh văn, đi dạy một thời gian thì bị động viên học Sĩ quan Thủ
Đức. Ra trường nhờ có nhạc sĩ Anh Việt (đại tá Trần Văn Trọng, Cục trưởng Cục
Quân cụ) đưa anh vào ngành Quân cụ đồng thời giúp nhạc sĩ Anh Việt trong Hội
Nhạc sĩ Quân đội. Anh mất bất ngờ trong một tai nạn xe. Cấp bậc cuối cùng là
đại úy. Tất cả tác phẩm của Hoàng Nguyên đều có gía trị cả ca từ lẫn âm nhạc.
Anh đã viết nhạc bằng cả tâm hồn và trái tim nhân ái. Nếu anh còn sống, biết
đâu kho tàng âm nhạc Việt Nam lại không có thêm nhiều ca khúc tuyệt vời? Thật:
“Thương
cho một kiếp tài hoa
Mà đời lắm nỗi phong ba, đọa đày…” (TVD)
Thầy Nguyễn Hữu
Ba dạy tôi môn nhạc hai năm Đệ Thất, Đệ Lục. Thầy là bạn của Ba tôi. Trong những
năm kháng chiến 1, Thầy có về quê ở với gia đình tôi một thời gian. Vì hoàn
cảnh, Thầy không được học nhiều nhưng đa tài. Thầy chuyên khảo cứu dân ca Việt
Nam, đặc biệt cổ nhạc miền Trung. Ngón đàn cổ của Thầy thì ít ai sánh kịp. Nhất
là đàn nhị mà khi kéo Violon, cũng rất véo von. Thầy thành lập ở nhà riêng, gần
cửa Thượng Tứ một “Tỳ Bà Trang”, trong đó gần như một bảo tàng nho nhỏ về các
nhạc khí dân tộc. Ở một bài báo, nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ đã gọi nhạc sỹ Nguyễn
Hữu Ba là “Một thiên tài Quảng Trị” và viết: “Trong giới nhạc sỹ Việt Nam, không một người nào quá nặng lòng với âm
nhạc truyền thống Việt Nam bằng “Thiên tài quảng trị” này. Nhạc sỹ Ba, dường
như suốt đời, tìm tòi mọi cách bảo tồn và phát huy vốn cổ. Ông đã viết sách sưu
tầm, nghiên cứu huấn luyện, phổ biến âm nhạc cổ truyền như một sứ mệnh của đời
nghệ sỹ của ông” (Kỷ Yếu Quảng Trị- Năm 2000, Hoa Kỳ). Và thầy Ba đã cho
xuất bản nhiều tác phẩm như: Nhạc Pháp
Việt Nam và Tự Học Đàn (1940).-Vài Thiển Kiến về Âm Nhạc (1949).- Ca Huế Cổ
Truyền (1956).- Tự Học Đàn Nguyệt (1940).- Bản Đàn Tranh- Đàn Tì Bà – Đàn Độc
Huyền- Đàn Nhị Huyền (1962).- Phương Pháp Học Đàn Tranh (1962).v.v.. Từ năm
1951, trong khi soạn luận án tiến sỹ, nhạc sỹ Trần Văn Khê đã nhờ Thầy Ba “gia công sưu tầm tài liệu về âm nhạc truyền
thống Việt Nam”. Sau khi Thầy Nguyễn Hữu Ba qua đời, nhạc sỹ Trần Văn Khê
đã “Thương tiếc nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba” bằng
một lá thư (1) “chan chứa nước
mắt” và “kết thúc bằng một lời xác nhận
minh bạch về thiên tài Nguyễn Hữu Ba” : “Suốt đời anh, anh đã tận tụy với nền
nhạc cổ truyền. Anh đã thu được một tư liệu rất lớn, ghi lại tiếng đàn của
nhiều nghệ nhân nay đã quá cố. Anh đã truyền nghề lại cho một số đông môn sinh.
Anh đã có công gìn giữ, bảo vệ truyền thống âm nhạc Việt Nam…”. (Hoàng Thi
Thơ- Về một Thiên tài Quảng Trị).
Về tân nhạc,
Thầy Ba sử dụng vĩ cầm (Violon) và “là một nhạc sỹ sáng tác tiền phong” như các
ca khúc: Quãng đường mai (1940); Lửa Rừng
đêm (1946); Thu khói lửa (1946); Xuân xuân (1948); Tiếng hát quân Nam (1950);
Ánh dương trời Nam, Sám hối (nhạc tôn giáo). Tuy Thầy sáng tác tân nhạc ít
về số lượng “nhưng nhiều và cao về phẩm” như đánh giá của nhạc sỹ Hoàng Thi
Thơ.
Thầy cũng làm
thơ Đường luật. Ta thử đọc các vần thơ sau:
Ba Lé Tự Vịnh (Thầy Ba bị lé)
Mình có đôi
tròng lé cả đôi,
Thảo nào nước
chảy tưởng mây trôi!
Thấy ông Đại
Tướng ngờ tên cướp,
Thấy đứa nôm
bò tưởng cởi voi.
Thấy chị me
Tây ngờ qúi phái!
Thấy con chó
chết hóa ông Trời!
Nhìn gương
soi lại đôi mắt lé,
Mà cũng cho
mình chẳng lé thôi…
“Bài thơ
khá dí dỏm, phảng phất sự bất mãn của mình về xã hội mà ông (tức Thầy Ba) đang lây lất sống” (Hoàng Thi Thơ).
Và bài thơ sau làm khi thực dân Pháp
nghi ngờ Thầy hoạt động cho Việt Minh rồi tìm mọi cách hạn chế hoạt động nghệ
thuật của Thầy. Thầy “đã trải qua một
giai đoạn khủng hoảng tinh thần dữ dội” (Theo Nguyễn Đắc Xuân - Chuyện Tình và Thơ Tình Xứ Huế).
Ta chán ta rồi
vũ trụ ơi
Đời
như nấm mộ nuốt thây người
Sống qua cái chết bao lần khóc
Tính
lại cơn mê mấy trận cười
(1)Ghi chú: Thầy Nguyễn Hữu Ba mất năm 1997 ở
Sài Gòn, có lẽ lúc đó nhạc sỹ Trần Văn Khê còn ở Pháp nên mới viết thư “thương
tiếc” Thầy Ba (?).
Sự nghiệp lung linh thân chớm tạ
Nhân tình trắc ẩn lệ hồ vơi
Lắm khi muốn đạp tan trời đất
Cho hả lòng ta hận cảnh đời.
Thầy còn vẽ
tranh thủy mặc. Thầy có vẽ tặng Ba tôi hai bức, lồng kiếng đóng khung rất đẹp.
Thầy từng làm giám đốc Nhạc viện Huế và dạy tại Nhạc viện Sài Gòn. Nhiều nghệ
nhân nổi tiếng hiện nay là môn sinh của Thầy. Khoảng 1982, tôi và một người
cháu theo chân Ba tôi đến thăm Thầy ở Phú Nhuận. Thầy đã đàn cho chúng tôi nghe
và tặng tôi một tập sách nhỏ khảo cứu cổ nhạc Việt Nam. Thầy kể một kỷ niệm vui
: Hồi ở Quảng Trị, bọn Tây đi lùng đến nhà Thầy, một thằng hung hăng kéo cái
đàn trên vách xuống, rồi “đàn bằng gót giày” (đạp cái đàn bằng gót giày). Vừa
nói Thầy vừa làm điệu bộ, pha trò rất tự nhiên, làm cho chúng tôi cười ngặt
nghẽo…
Năm Đệ Lục,
tôi học Quốc văn với Thầy Hà Thúc Lãng. Thầy còn giữ nhiệm vụ kiểm duyệt sách
báo ở Ty Thông Tin. Một hôm Thầy Nguyễn Hữu Ba kéo Violon cho cả lớp nghe một
nhạc phẩm của Hoàng Nguyên rất hay; Thầy viết lời ca lên bảng rồi gạch dưới
nhiều ca từ, lưu ý chúng tôi đó là những từ bị kiểm duyệt. Và Thầy nói xa nói gần
để cho học trò biết người kiểm duyệt là Thầy Hà Thúc Lãng. Tôi không còn nhớ
tựa đề bài hát, chỉ nhớ- không đủ- phần đoạn đầu cùng với điệu nhạc: “Người về Miền Bắc nhớ thương người ở Miền
Nam (…). Đây dốc ngược Câu Nhi đây bến đò Ba Lòng. Tiếng ai hò trên sông…”. Bài này về sau Hoàng Nguyên đặt lời ca mới và
xuất bản được. Thầy Hà Thúc Lãng có hai người con cũng là thầy của tôi. Thầy Hà
Như Hy dạy Công dân Đệ Ngũ, sau làm Hiệu trưởng Trung Học Trần Quốc Tuấn Quảng
Ngãi và Thầy Hà Như Chi dạy Văn lớp Đệ Nhị lúc tôi ở Sài gòn, là tác giả hai
tập giảng văn nổi tiếng, biên soạn rất công phu: “Việt Nam Thi Văn Giảng Luận”.
Thầy cũng là dân biểu Quốc hội có uy quyền thời Ngô Đình Diệm.
Thầy Võ
Long Tê dạy tôi môn Việt văn Đệ Ngũ. Một buổi chiều, mới vào lớp Thầy đã hỏi: “Em
nào không soạn đoạn Chinh Phụ Ngâm mà thầy đã cho chép trên bảng?”. Ở nhà, tôi
cứ nghĩ mới bắt đầu học Chinh Phụ Ngâm, chắc Thầy sẽ giảng ở lớp nên không
soạn. Tôi “thản nhiên” đứng dậy liền, tiếp theo bảy tám đứa khác cũng đứng lên
trong đó có hai bạn Nguyễn Kim Hoàn (ở lại lớp) và Tôn Thất Hoàng (trường tư
mới thi vào). Cả hai đều học kém lại ngang tàng, nghịch ngợm, chơi thân với
nhau. Thầy Tê cho mỗi đứa không soạn bài một con zéro vào sổ điểm. Chiều lại, tan
học, cuốn sổ điểm tự nhiên biến mất. Năm đó (1956), Khải Đinh “nhỏ” bấy giờ đã đổi tên là
Nguyễn Tri Phương, Thầy Đinh Quy làm hiệu trưởng. Thầy nổi tiếng nghiêm khắc,
học trò rất sợ. Sáng hôm sau, Thầy cho gọi riêng từng đứa bị điểm “không” vào
phòng hiệu trưởng, trong đó có tôi. Thầy vừa như hăm dọa lại vừa dỗ dành. Trong
lòng, tôi đang nghi hai bạn Hoàn và Hoàng là thủ phạm vụ này nhưng không dám
nói ra. Về sau vụ việc qua ngày tháng, không tìm ra ai, cuối cùng cũng êm xuôi…
Thầy Võ Long Tê từng làm Tùy viên Văn hóa Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Pháp.
Vào những năm 1960-1970, Thầy làm ở Bộ Quốc Gia Giáo dục, Phủ Quốc vụ khanh Đặc
trách Văn hóa Sài Gòn. “Trong văn học
hiện đại Việt Nam, Võ Long Tê được xem như một nhà nghiên cứu nghiêm túc giới
thiệu được một phần tinh hoa văn học Việt Nam đến các bạn đọc Việt Nam, cũng
như trong cộng đồng độc giả sử dụng tiếng Pháp trên thế giới. Các tác phẩm của
ông đã phần nào nói lên được cốt lõi của một bộ phận văn học, sử học, địa dư
học Việt Nam đến người đọc nước ngoài muốn tìm hiểu lịch sử, văn chương Việt
Nam cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam”. (Nguyễn Q. Thắng- Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới,
Tập 3). Thầy Võ Long Tê còn là một nhà thơ nữa. Hiện Thầy định cư ở Canada.
Các tác
phẩm chính của Thầy: Việt Văn độc bản
(Huế, 1950); Lịch sử Văn học Công giáo
Việt Nam (Sài Gòn, 1965); Ánh sáng
trong đêm (Thơ, Sài Gòn, 1966) (Lumière dans la nuit); Tiệc cưới (Thơ, Sài Gòn, 1968) (Festin de noces); Les archipels de Hòang Sa et de Trường Sa
selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’histoire et de géographie (Quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các tác phẩm cổ của lịch sử và địa lý Việt Nam)
(Sài Gòn, 1974). L’expérience poétique et
itinéraire spirituel de Hàn Mạc Tử (Sài Gòn, 1974).v.v..
Trường có
sáu lớp Đệ Ngũ. Môn Sử Địa được chia cho hai thầy Ưng Đồng và Cao Hữu Triêm
dạy, mỗi thầy ba lớp. Thầy Triêm dạy lớp tôi, Thầy nổi tiếng dạy hay về môn
này. Thi Trung học Đệ Nhất cấp nếu đậu viết (écrit) xong, khi qua thi vấn đáp (oral)
Sử Địa, các thí sinh hầu như đều gặp Thầy Triêm. Ở Nguyễn Tri Phương, hai kỳ
thi lục cá nguyệt, sáu lớp chúng tôi bị xáo trộn ngồi theo vần a,b,c và làm
cùng đề. Hôm thi Sử Địa, trong số các câu hỏi có một câu Thầy Triêm chưa dạy mà
Thầy Đồng thì dạy rồi nên cậu ngồi kế tôi, học Thầy Đồng, viết “ro ro”, còn tôi
đành cắn bút. Tôi nghĩ nếu xem cậu đó chép vào thì Thầy Triêm sẽ biết là tôi “cóp-pi”
(copier). Bởi vậy, để chứng tỏ sự ngay thật, cũng như lý do không làm bài được,
tôi ghi vào giấy thi: “Bài này Thầy Triêm chưa dạy”. Sau kỳ thi, Thầy Triêm vào
hai lớp B1 và B3 nói với học trò rằng: “Bên B2 có thằng Trần Văn Dật dám cả gan
viết vào bài thi nói thầy Triêm chưa dạy…”. Các bạn hai lớp này thuật lại cho
tôi nghe thế. Tuy nhiên vào lớp tôi, Thầy dạy bình thường, không đả động gì đến
chuyện đó cả, mà tôi cũng không biết Thầy cho mình mấy điểm vì Thầy không phát
bài cũng chẳng đọc điểm. Nhưng tôi bắt đầu lo sợ, sợ gặp Thầy trong kỳ thi vấn
đáp Sử Địa năm sau. Bấy giờ tôi đã võ vẽ làm được một số bài thơ, có cả thơ
Xuân. Nhân dịp Tết, tôi chép thơ tôi vào giấy đẹp, đóng thành tập nhỏ, nhờ hai
thằng bạn thân trình bày thật trang nhã, có hoa lá cành, mua thêm thiệp Xuân
viết lời chúc Tết Thầy. Đầu tập thơ cũng như dưới thiệp đề tên cả ba đứa rồi chúng
tôi mang đến nhà tặng Thầy. Thầy vui vẻ đón nhận và chuyện trò với chúng tôi. Làm
được việc ấy, tôi mới thấy lòng mình nhẹ hẳn. Lên Đệ Tứ, vẫn Thầy Triêm dạy Sử
Địa nhưng hôm thi vấn đáp, tôi lại gặp Thầy Lê Hữu Mục, giáo sư Quốc Học, sau
dạy Đại học Văn khoa Huế. Thầy Mục bỏ các câu hỏi vào trong hộp, tôi bốc trúng
bài “Đồng bằng Nam Việt”, tôi đọc ngay, còn một đoạn ngắn ở sau tôi quên béng
nên đứng im. Thầy Mục bảo tôi đọc tiếp, tôi “láu cá” trả lời: “Thưa thầy, Thầy
Triêm chỉ dạy chừng đó thôi”. Thầy làm thinh, cho điểm. Ở Quốc Học, Thầy Mục
cũng có dạy tôi một thời gian ngắn. Thầy là tác giả hai cuốn luận đề về “Nửa
chừng Xuân” của Khái Hưng, “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh và một số công trình dịch
thuật từ Hán văn qua Việt văn. Sau 1975, thầy định cư tại Canada.
Đến môn thi
Vạn vật (Sinh vật), giáo sư phụ trách là một cô trẻ, đẹp và toát ra một nét hết
sức hiền hậu. Cô dạy ở Đồng Khánh, tôi không biết tên. Cô gọi tôi lên. Với vẻ
mặt đầy buồn khổ, tôi thưa thật với Cô: “Thưa Cô, em chỉ thuộc bài “Mắt”! ”. Cô
nhỏ nhẹ bảo tôi về lại bàn ngồi soạn trước. Tôi mừng hú vía! Không hiểu sao Vạn
vật là môn học bài mà tôi đần một cách lạ lùng! Cứ học thuộc đó rồi sau lại
quên ngay. Trước hôm vào thi vấn đáp, tôi đã học lui họ tới Sử Địa, Vạn Vật,
thế mà Sử Địa thì nhớ nhưng Vạn Vật lại quên. May còn nhớ được bài “Mắt”. Hai môn
dốt khác của tôi là Lý và Hóa. Từ Đệ Thất cho đến Đệ Ngũ, tôi chẳng hiểu gì về
hai môn này nên không làm trúng được một bài toán lý hóa nào. Mãi đến năm Đệ
Tứ, năm quyết định cho tương lai, tôi mới biết cân bằng phản ứng mà làm được
toán hóa và hiểu về điện, quang, để làm trúng bài tập lý. Nói chung, với tôi
suốt cả đời, cái gì liên quan đến máy móc, khoa học, tôi không thích lắm, nên
làm biếng tìm hiểu. Cũng vì cái tánh đó, mà đến bây giờ, thời đại vi tính,
người ta toàn viết trên máy để sửa chữa thêm bớt dễ dàng thì tôi vẫn ngồi viết tay, sau mới nhờ đánh lại để sửa
hoàn chỉnh.
Sau hiệp
định Genève (20-7-1954), Tây rút về. Khải Định “lớn” từ Trường Đồng Khánh trở
lại vị trí cũ, rồi năm 1956 được đổi tên thành “Quốc Học Ngô Đình Diệm” nhưng
tên này không hiểu vì sao chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Có lẽ thấy thêm ba
chữ “Ngô Đình Diệm” sau chữ “Quốc học” có vẻ không ổn lắm, lại thôi!...
Lên Đệ nhị
cấp, khi học ở Quốc học, Thầy Cao Xuân Duẩn, giáo sư Anh văn, dạy quyển
“L’Anglais Vivant Troisième bleu”. Bài đầu tiên là “Civil War” (Nội chiến).
Thầy uốn lưỡi đọc hai chữ Civil War trông có vẻ đau khổ nên bọn học trò tinh
nghịch chúng tôi cứ thấy Thầy là đọc “Civil War”. Thầy Cao Hữu Hoành, em ruột Thầy
Triêm dạy Pháp văn. Thầy thích nói về Triết. Chính câu chuyện Le Cid mà Thầy
dạy đã ảnh hưởng đến tôi để tạo nên một mối tình khá trớ trêu khi học ở Viện Hán
Học!... Thầy Phạm Ngọc Hương thì dạy tôi Quốc văn, học về Chinh Phụ Ngâm, Cung
Oán Ngâm Khúc, Kiều…Thầy hiếm khi mang theo sách vở. Cứ vào lớp, Thầy đọc thuộc
tuần tự từng câu thơ rồi bình giảng; lần sau lại đọc câu tiếp. Chúng tôi thán
phục trí nhớ siêu đẳng của Thầy. Thầy có một cửa hiệu lớn bán đồ máy móc gần
nhà sách Ưng Hạ đường Trần Hưng Đạo. Thầy thường lái xe hơi đi dạy. Nhà Thầy là
một villa đẹp trong khu đất rộng. Thầy Duẩn, Thầy Hoành về sau đều dạy ở Viện
Hán Học. Lúc tôi học năm thứ tư ở đó thì Thầy Hương về làm Giám học của Viện
thay Thầy Phan Văn Dật và kiêm môn Văn lớp tôi thế Thầy Nguyễn Văn Dương chuyển
qua trường khác. Trước đó độ một tháng, Thầy Dương ra đề luận cho sinh viên
nghiên cứu để viết về Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải trong Truyện Kiều. Tôi tìm
đọc nhiều sách liên quan đến Truyện Kiều rồi viết ra trên những tờ giấy lớn
đóng thành tập; nhờ người bạn cùng khóa, Nguyễn Bá Yên trình bày, viết các tựa
đề chữ to rất đẹp. Nhưng Thầy Dương ra đi thình lình, tôi đem đến nhờ Thầy
Hương xem. Không ngờ có nhiều đoạn Thầy khen và phê một câu đầy ấn tượng: “Một
sinh viên có tương lai!”. Thầy còn “bắt” tôi thuyết trình trước lớp bài viết
của mình. Cuối năm ấy, tôi đứng Nhất, được Huy chương đồng về học lực của Viện
Đại Học Huế. Thầy Hương phê trong học bạ tôi “Học hạnh kiêm ưu”. Nhưng thưa
Thầy, Thầy tiên đoán về con sai rồi: Sau “Giải phóng”, con quá lao đao! Con bị
đày đọa đủ cách!...
Cũng niên
khóa này, con gái Thầy Hương học năm thứ nhất theo qui chế mới. Cô ta khá xinh
xắn, dễ thương. Thầy quen Hội Việt Mỹ nên xin cho Viện Hán Học tổ chức một đêm
văn nghệ tại đó, cô con gái của Thầy cùng ở trong ban hợp ca với tôi. Những
buổi tập dượt, chúng tôi hay nhìn nhau mà chẳng nói với nhau lời nào. Tối trình
diễn, ban hợp ca mặc đồng phục có gắn “nơ” trước ngực. Tôi khá xúc động và ngạc
nhiên khi các bạn gái của cô đứng đó, mà cô lại tìm đến, nhờ tôi cài “nơ” lên
ngực cô. Tối ấy, tôi hân hạnh “đèo” cô về nhà trên chiếc vélo-solex của tôi. Vì
“mới ban đầu” “còn giữ ý”, tôi không dám
thổ lộ gì… Nhưng rồi, “nghe đâu” một bạn gái của cô ta mà “nhan sắc không được
mặn mà” ganh tị, đã “thọc gậy bánh xe”, nên cô ta “đành” hay “dứt khoát” quay
lưng lại với tôi. Thậm chí cuối hè, tôi bị tai nạn xe nằm ở bệnh viện, các bạn nam
nữ cùng khóa, khác khóa, quý thầy, có Thầy Hương nữa – là ba của cô- đến thăm
hỏi tôi, an ủi tôi, vỗ về tôi nhưng tôi chẳng thấy cô đâu cả... Sau khi Viện
Hán Học bị giải thể, cô qua học Đại học Sư phạm Anh văn.
Ở Viện Hán
Học, Thầy Nguyễn Hồng Giao dạy Tứ Thư. Thầy khoan hòa, điềm đạm, ăn nói chuẩn
mực. Năm đầu Thầy dạy Luận ngữ. Thầy viết bài Hán Văn lên bảng cho chúng tôi
chép vào vở, xong Thầy giảng, chúng tôi lại ghi nhớ. Một hôm ra nhà sách gặp
cuốn Luận Ngữ của Đoàn Trung Còn chú giải, tôi mua về, thay vở mới, chép lại
các bài mà Thầy Hồng Giao đã dạy rồi ghi theo lời giảng của Đoàn Trung Còn.
Thầy Giao gọi tôi lên hỏi bài. Thấy vở tôi chỉ chép các lời giải của Đoàn Trung
Còn mà không có lời nào của Thầy, Thầy có vẻ không bằng lòng. Nhưng lần nọ, Thầy
ra một đề tài nghiên cứu: “Người quân tử trong Nho giáo”, thời gian làm một
tháng. Tôi sưu tập tài liệu về người quân tử và đến nhà Thầy Dật, nhờ kho sách
của Thầy, tìm đọc, ghi chép tại chỗ rồi về nhà hoàn thành bài nghiên cứu đúng
kỳ hạn. Khi chấm bài, Thầy Hồng Giao đã phê: “Một điểm son!” 18/20. Năm thứ ba
học về Mạnh Tử. Thầy ra đề: “Mạnh Tử, nhà cách mạng”, Thầy lại cho 18,5/20 rồi cũng phê: “Một điểm
son!”. Chính những lời khen của quí Thầy đã khích lệ tôi nhiều trong việc học
tập… Khi không còn Viện Hán học, Thầy Giao qua dạy Trung học.
Thầy cùng
Thầy Võ Như Nguyện đã soạn quyển “Học chữ Hán” tập I, xuất bản năm 1959. Rồi
khi Bộ Văn Hóa ủy thác cho Viện Đại Học
Huế soạn thảo sách dạy Hán văn cho các lớp Trung học Đệ Nhất cấp thì Linh mục
Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế kiêm Giám đốc Viện Hán học “đã giao việc soạn thảo bộ sách ấy cho hai
giáo sư Viện Hán học là ông Võ Như Nguyện và ông Nguyễn Hồng Giao. Hai ông
không những là giáo sư giàu kinh nghiệm về việc dạy Hán văn mà còn là tác giả
những cuốn sách giáo khoa có giá trị về ngành này.
Khi hoàn thành bản thảo (gồm 2 tập, tập I cho các lớp
Đệ Thất và Đệ Lục, tập II cho các lớp Đệ Ngũ và Đệ Tứ), hai ông đưa cho tôi
xem, tôi lấy làm vừa ý lắm. Sách soạn công phu và đạt được mục đích của Bộ đã
đề ra, nghĩa là hai tác giả đã khéo chọn lựa những câu, những đoạn văn, trong
đó những chữ Hán Việt đã giữ một vai trò quan trọng (…)” (Trích “Lời giới thiệu” của L.M Cao Văn Luận viết
ngày 14-01-1964). Đó là hai quyển “Hán Văn Giáo Khoa Thư” Tập I và Tập II. Thầy
Phan Văn Dật, Giám học Viện Hán học thì viết bài Tựa: “ (…) Bộ sách này dày gấp bốn quyển “Học chữ Hán” và riêng cho mỗi năm số
bài soạn có phần nhiều hơn số bài cần thiết cho cả niên khóa, để học sinh có
bài học thêm ngoài những bài đã dạy ở lớp và quý vị giáo sư có thể tùy nghi lựa
chọn.
Sách soạn rất công phu và có phương pháp (…). Thỉnh
thoảng ta lại tìm thấy một vài giai thoại hay một cuộc so sánh hứng thú làm cho
bài học không bao giờ có vẻ khô khan. Với cách trình bày như vậy, học sinh có
lẽ không bao giờ đến nỗi nhàm chán và sợ môn Hán tự; ở đâu họ cũng gặp những
chữ thường nghe, thường nói nhưng chưa hiểu được một cách minh xác tường tận.
Người học chỉ cần nhận kỹ những điều giảng giải và chỉ dùng trí nhớ về chữ viết
thôi. Học hết bộ này có thể nói rằng học sinh sẽ biết dùng một cách chắc chắn
đa số danh từ Hán Việt thường gặp trong các sách báo ngày nay…”. Hai quyển Hán văn “Giáo Khoa Thư” Tập I (Lớp Sáu- Lớp
Bảy) và Tập II (Lớp Tám, Lớp Chín) đều do Trung Tâm Học Liệu- Bộ Giáo Dục Sài
Gòn xuất bản: Tập I, in năm 1965, 2000 quyển; tái bản năm 1972, 5000 quyển. Tập
II , in năm 1972, 5000 quyển. Sau này Nhà Xuất bản Đà Nẵng đã in và tái bản
nhiều lần.
Cụ Ngô Đình
Nhuận dạy Hán văn lớp tôi năm thứ ba. Niên khóa ấy tôi làm lớp phó, thường điểm danh các bạn rồi báo cho mỗi thầy trước
giờ dạy. Chiều đó, Nguyễn Văn Đài, con thầy Nguyễn Văn Kháng (dạy tôi Pháp văn)
không biết “bận việc” đi chơi hay có giờ học bên Văn Khoa mới dặn tôi: “Tau nghỉ,
mi đừng ghi tau vắng nghe!”. Cụ Nhuận bước vào, tất cả sinh viên đứng dậy và tôi
báo: “Thưa Cụ, lớp đủ”. Cụ chưa cho chúng tôi ngồi xuống mà lại đếm (lớp B tôi
chưa được 30 người, nên qua năm thứ tư, hai lớp A,B nhập làm một được 56 sinh viên).
Tim tôi đập thình thịch và lo sợ… Cho lớp ngồi xuống rồi Cụ mới la tôi. Tôi rất
xấu hổ, thế mà cũng “bướng” đứng dậy bào chữa: “Thưa Cụ, con không bao giờ dám nói
láo. Khi nãy con đếm đủ mà!”. Sở dĩ tôi dám “qua mặt” Cụ như vậy, vì giờ Cụ,
chưa lần nào nghe Cụ hỏi sĩ số. Độ một tuần sau, Cụ bệnh rồi mất. Nghe tin, sau
giờ học, tôi và một số bạn khác chạy qua nhà Cụ liền, lúc chưa khâm liệm. Cụ đương
nằm trên một chiếc giường trong buồng. Không biết đã có ai vuốt mắt cho Cụ chưa,
hay vì bị ám ảnh, tôi thấy Cụ cứ nhìn tôi trừng trừng. Tôi có cảm nghĩ Cụ vẫn còn
giận tôi về hành vi “bất chính” của mình hôm đó đối với một người thầy!
Những thầy
cao tuổi dạy ở Viện, chúng tôi đều gọi bằng “Cụ”; ngay những giáo sư trẻ hay
trung niên, cũng gọi các thầy đó bằng “Cụ”. Như Cụ Nguyễn Duy Bột, dạy Sử Trung
Quốc, Cụ Hà Ngại dạy Hán Văn, Cụ Hồ Đắc Định dạy Đường thi v.v…
Một hôm tôi
đưa tập thơ của tôi nhờ Cụ Định xem. Phần lớn cụ phê bên cạnh “Được”! Cũng có
bài Cụ sửa. Một bài khác có nội dung: Người con trai chưa có công danh sự
nghiệp, tương lai còn mờ mịt, lại sống vất vưởng rày đây mai đó, nên chàng
khuyên người yêu hãy quên mình đi. Đọc xong, Cụ phê: “Phụ tình chăng?”. Cụ tuy “cựu” nhưng lại rất
“tân” trong thơ phú, thích “tự do” hơn theo “luật”, chẳng hạn như những câu thơ
trong bài “Người em”:
“Trăng,
Nước.
Ngọc.
Vàng.
Tồn tại,
Tiêu tan;
Một vẻ khuynh quốc,
Một ánh hào quang;
Tây Thi mà Ngô Phù Sai mất nước,
Elvire mà Lamartine dài than;
Mỵ Nương mà Thủy Tinh gây sóng gió,
Samson mà Edouard bỏ ngai vàng.
Dung nhan em không bút tả,
Cách điệu em không lời bàn,
Chỉ dám lăm le chuỗi thủy túy,
Chỉ dám thầm thĩ vòng kim cang.
Nơi em là âu yếm,
Nơi em là bàng hoàng;
Em là phẩm kiệt tác của vũ trụ,
Em là cả những gì của thế gian!”
Từ
năm 1930, Quách Tấn làm việc tại phòng kế toán Tòa Khâm Sứ Huế đã viết ở
“Trường Xuyên Thi Thoại” (Trường Xuyên là
bút hiệu của Quách Tấn) : “Trong phòng (ở Tòa Khâm Sứ) có cụ Tôn Thất Lương
và cụ Hồ Đắc Định là hai nhà thơ có tiếng ở Thần Kinh”. Ngoài tài làm thơ, Cụ
Định còn vẽ tranh thủy mặc rất đẹp bằng những nét nhẹ nhàng, thanh tao. Trên
mỗi bức, Cụ thường viết thảo một đôi câu chữ Hán, càng điểm xuyết cho họa phẩm.
Thế mà trong suốt mấy năm liền học với Cụ chẳng ai biết tài vẽ tranh của Cụ cả.
Cho đến năm 2001, nhân các anh chị em cựu Hán Học ở Sài Gòn tổ chức đi Miền Tây
rồi ghé Vĩnh Long thăm tôi, trở về (Sài Gòn), chị Nguyễn Thị Minh Hoàng (khóa
IV), cháu của Cụ đã gởi tặng tôi tập “Cô Tùng Minh” của Liên Hồ Hồ Đắc Định mà
các con Cụ sưu tập và in (lưu hành nội bộ) nhân ngày giỗ thứ 22 (1978-2000) của
Cụ. Rồi trong tập thơ, tôi mới “thưởng ngoạn” được vài bức tranh của Cụ. Tôi
ghi thêm vào đây bài “Cảm đề Cô Tùng Minh Thi Tập” của Thầy Phan Văn Dật để
thấy “lòng ái mộ” của Thầy đối với Cụ Định: “Có
những vinh dự quá lớn lao mà tầm vóc nhỏ bé của người thọ lãnh không đủ sức
đương nổi. Nhận viết những dòng này, tôi tự thấy gần như mang trong mình một
mặc cảm tội lỗi. Vì giữa Liên Hồ tiên sinh và tôi có cả một mối tình sư đệ mà
năm tháng chỉ càng thắt chặt hơn lên.
Một kẻ chỉ biết thụ giáo thì đâu còn dám lãnh cái trọng trách giới thiệu
và phê bình. Tôi chỉ tìm thấy ở đây một cơ hội để nói lên tất cả tấm lòng cảm
mến của tôi đối với tiên sinh, một sự cảm mến chân thành và nồng nhiệt.
Cô tùng minh toàn tập gồm đến mấy trăm
bài. Chẳng may mấy năm trước đây, cảo bản đã bị thất lạc. Nể lời một số thi
hữu, gần đây tác giả mới tìm kiếm và thu nhặt lại được một số ít bản nháp còn
sót lại trong những chồng giấy cũ, cho sao chép vào trong tiểu tập này.
Tại
sao nhan sách lại lấy hai chữ “Cô Tùng”? Các văn hữu thường lui tới với Liên Hồ
tiên sinh, thoạt bước vào ngõ đã trông thấy một cây tùng đột khởi giữa sân,
không biết trồng tự hồi nào song vẫn luôn luôn trơ gan cùng tuế nguyệt. Phải
chăng chủ nhân của nó muốn ngụ ý rằng mình cũng có cái tâm trạng như Đào Nguyên
Lượng khi xưa và đã hồi tâm với mọi mùi thế lợi? Có một điều chắc chắn là giữa
thời buổi nhiễu nhương nầy, những lúc lòng ta bị quá mài dũa mà không
tìm được chốn qui y, bước đến Cô tùng
minh uống chén trà ngọt, xem những bức tranh thủy mặc đượm màu tiêu sái và nghe
những vần thơ chất chứa u hoài của tiên sinh, ít nhất ta cũng tìm thấy được ít
nhiều an ủi. Tôi tưởng không riêng gì những người đứng tuổi mà ngay các bạn trẻ
sinh viên Văn Khoa, đệ tử của tiên sinh, cũng cùng chung một cảm nghĩ như thế.
Đã nhiều năm rồi, tôi may mắn được
tiên sinh cho lạm dự vào hàng vong niên chi hữu, nhưng lúc nào tôi cũng tự xem
mình là một kẻ môn sinh. Tôi yêu thơ của tiên sinh cũng như tôi quí tấm lòng của
tiên sinh. Kể về tuổi tác thì tiên sinh tuy thuộc về thế hệ các bậc lão thành,
song kể về tinh thần thì tiên sinh lại là người rất trẻ và rất mới. Không phải
cái mới lố lăng ngượng ngập của kẻ xu thời, vì mới có hẳn đâu là tốt, tiên sinh
mới ở chỗ tiên sinh có cái tâm thức, cái nếp suy tư của con người thời đại,
tiên sinh càng trẻ và mới hơn khi tiên sinh biểu hiện được cái tâm thức ấy,
những suy tư ấy bằng tiếng nói của thời đại. Đặc biệt nhất là thơ của tiên sinh
vừa là thơ cũ, vừa là thơ mới, cũ đã không giống ai mà mới lại càng chẳng giống
ai, hay nói cho đúng, thơ tiên sinh chỉ là thơ. Có thể nói rằng tiên sinh đã
biệt thành nhất gia cơ trữ. Thử hỏi các dòng dưới đây là cũ hay là mới và có một
chút gì giống những câu ta thường nghe, thường đọc không? Tiễn bạn đi xa, tiên
sinh viết:
Nhớ
nhung còn lắm thư từ
Mười vần đây, một bài thơ ban đầu.
…..
Sông tuôn về đông, người qua tây,
Lòng trời ganh tình người xưa nay.
Tiên sinh có đủ mọi thứ tình, tình với
giang sơn đất nước, tình với hoa cỏ chim muông, tình với giới cần lao, lam lũ
và cố nhiên tình với người đẹp, tình với tình, song thắm thiết nhất là tình với
các bạn tri giao. Người xưa đã từng ước vọng:
Bất nguyện sinh phong vạn hộ hầu
Đản nguyệt nhất thức Hàn Kinh Châu (1)
Tôi không biết được nhất
thức Hàn Kinh Châu sung sướng đến bậc nào, chứ được nhất thức Liên Hồ thì quả
thật là một điều hạnh ngộ. Ta hãy nghe tiên sinh nói với bạn là Nhược Thủy:
Ai
đo lường biển sâu đến thế nào?
Mà
đo lường lòng đôi ta thâm giao.
Thật là giản dị và tình tứ biết bao!
Nếp sống của tiên sinh ở Cô tùng minh
đúng như lời của Lưu Trọng Lư nói về thi sĩ Tản Đà, là cả một công trình mỹ
thuật:
Quan âm, điểm chén danh trà
Sen thơm khắp án, nguyệt sà nửa hiên.
Câu thơ này có mùi vị cổ sơ và du ta về dĩ vãng. Nhưng nói sao cho hết
cái hay, cái đẹp của “Cô tùng minh thi tập”? Trong một phút đắc ý, Thé Lữ đã tự
hào rằng đối với nàng Thơ, ông có cả một cây đàn muôn điệu, một cây bút muôn
màu, tôi tưởng đó cũng là trường hợp của Liên Hồ tiên sinh.
Thơ tiên sinh gồm đủ thể, nhưng phần nhiều là không gò bó trong một khuôn
khổ
nào mà chỉ tung hoành theo cái thi hứng. Bài ngắn chỉ có tám, mười câu,
bài dài như bài “Mơ màng” có ngót hai trăm câu. Tiên sinh còn rất sở trường về
thơ dịch
--------
(1)
Theo anh Phan
Thuận An (Khóa 1 Viên Hán học) và anh Huỳnh Quang Vinh (Khóa 2 Viện Hán học)
thì có lẽ người đánh vi tính, đánh nhầm chữ “nguyện” thành chữ “nguyệt”. “Đản
nguyện” nghĩa là “Chỉ muốn”. Còn “Đản nguyệt” thì không có nghĩa gì ở đây. Vậy
hai câu: “Bất nguyện sinh phong vạn hộ hầu/ Đản nguyện nhất thức Hàn Kinh
Châu”, anh Vinh “tạm chuyển ngữ: “Chẳng ước được phong vạn hộ hầu/ Chỉ mong cầu
biết Hàn Kinh Châu”; còn anh An thì: “Theo thiển ý, hai câu thơ ấy có lẽ được
hiểu như sau: “Chẳng muốn trong đời được phong tước hầu hưởng lộc một vạn nhà/
chỉ muốn một lần được quen biết với Hàn Kinh Châu”. Anh An cho biết đã tra cứu
nhiều bộ từ điển nhưng chưa “tìm thấy nhân vật Hàn Kinh Châu”.
và có những bài dịch Đường thi của
tiên sinh ta thấy không kém gì nguyên tác.
Viết đến đây, tôi thấy hình như tôi
chưa nói gì về thơ của Liên Hồ tiên sinh cả. Vì thơ của tiên sinh cần phải đọc
luôn cả toàn tập thì mới nhận chân được hết giá trị của nó. Tôi chỉ là một kẻ
rất mến tài của tiên sinh và muốn nhân cơ hội này nói lên tất cả tấm lòng ái mộ
của mình.
Huế,
ngày đầu Xuân Bính Ngọ (1966)
Kính
đồ,
Phan
Văn Dật”
Thầy Võ Như Nguyện, Chủ sự văn phòng,
không dạy, trực tiếp quản lý Viện Hán Học. Thầy trông rất oai vệ, từng làm Tỉnh
trưởng và phụ trách an ninh cả Miền Trung. Thầy thường đi làm bằng xe hơi có
tài xế vừa là cận vệ do chính quyền phái qua. Một lần tôi với một số bạn Sinh
viên đến gặp trực tiếp Cha Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại học kiêm Giám Đốc
Viện Hán Học, đưa đơn xin Cha cho Thầy Phan Văn Dật, nguyên giám học Viện Hán
Học, đã bị “đẩy” xuống làm dịch thuật ở Thư viện Huế, được dạy lại. Đơn trả về
Viện Hán học và Thầy Nguyện gọi tôi xuống văn phòng bảo là tôi đã làm một việc
thiếu nguyên tắc hành chánh, vượt hệ thống. Thầy đã la tôi. Dù vậy, lúc nào tôi
cũng kính mến Thầy Nguyện. Rồi chính sự rầy la đó mà tôi tìm đến “người cháu
gái của Thầy” đang học ở Hán Học Viện. Tôi thử áp dụng câu chuyện Le Cid mà
Thầy Cao Hữu Hoành đã dạy tôi. Ai dè cuộc tình đến quá nhanh chóng và mỗi ngày
mỗi khắng khít giữa những bất trắc đang bủa vây bên ngoài…Và lúc tôi đang ở xa,
“nghe đâu” chính Thầy Nguyện là người đứng ra xe kết cho “hai đứa chúng tôi”,
nhưng có lẽ không phải duyên nợ nên tất cả chỉ còn là kỷ niệm…
Ba của Thầy là Cụ Võ Bá Hạp, một chí sĩ cận đại. Cụ đỗ cử nhân, không
ra làm quan, kết giao với các nhà ái quốc. Chính Cụ đã lo liệu cho Phan Bội
Châu và Tăng Bạt Hổ xuất dương. Khi Tăng Bạt Hổ trở về và bị trọng bệnh, cũng
chính Cụ Bá Hạp lo thuốc thang và chôn
cất lúc Tăng Bạt Hổ mất (1908). “Trong quyển Việt Nam nghĩa sĩ liệt truyện, nhắc đến các liệt sỹ đã hy sinh,
Phan Bội Châu vẫn ghi nhớ sự đóng góp của Võ Bá Hạp. Trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng cũng nhắc
đến ông (Võ Bá Hạp) với lòng quý mến, cảm phục”. (Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá
Thế: Từ điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam).
Xuất thân
trong một gia đình có truyền thống cách mạng, thầy Võ Như Nguyện cũng hoạt động
chính trị nên trong cuốn 2 “Tuấn, Chàng
trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ đã nhắc đến tên Thầy khi Thầy bị Pháp bắt
giam “tại một nơi rừng thiêng nước độc
của dân thiểu số Raddhé thuộc huyện Củng Sơn, tỉnh Phú Yên, Trung Kỳ”. Thầy
cũng luôn tưởng nhớ và hết sức trân trọng những nhà ái quốc ái quần chân chính.
Thầy đã di dời mộ Cụ Tăng Bạt Hổ và mộ Cụ thân phụ Thầy về khuôn viên lăng mộ
Cụ Phan Bội Châu. Lần nọ, anh sinh viên đồng khóa 2 Viện Hán học với tôi “xúc
phạm” đến Cụ Phan Bội Châu- “chê” một tác phẩm của Cụ -, Thầy rất tức giận và
“cảnh cáo” cậu ta dưới cột cờ… Hôm Thầy từ Pháp qua Mỹ chơi, anh chị em cựu Hán
học ở California đã họp mặt đón Thầy. Chị Võ Hồng Phi (Khóa 2) cho tôi biết
nhân có anh Phan Cảnh Lãng (Khóa 2) sắp về Việt Nam, Thầy đã đưa tiền cho anh
Lãng và yêu cầu anh lên chùa Châu Lâm (ở Huế) “nhờ quý thầy hướng dẫn để tìm và
thăm ngôi mộ song hồn của hai vị tiền bối liệt sĩ: Trần Cao Vân và Thái Phiên.
Nếu cần phải xin phép chính quyền địa phương để tu sửa và xây dựng…” ( Thư của
Thầy Võ Như Nguyện gởi cho anh Trần Khánh Tiếu, Khóa 3). Nhưng về Việt Nam, anh
Lãng lại nhờ anh Trần Khánh Tiếu đảm trách công việc ấy. Và anh Tiếu cho biết:
“Nhà nước đã xây dựng năm 1990 rất chỉnh đốn và trang nghiêm. Tôi đã gởi thư và
ảnh để phúc đáp đến Thầy “kính tường” để thầy yên tâm” (Trần Khánh Tiếu – Thắp
lửa song hồn chí sĩ…!).
Chúng ta hãy đọc mấy vần thơ sau để thấu được phần nào tâm
sự của Thầy Võ Như Nguyện trong tuổi già ở nơi phương trời xa lạ:
Thuật Hoài
Tám chục lẻ
năm suốt cuộc đời
Trầm,
thăng, vinh, nhục… - một trò cười!
Chức
quyền năm bận tham gia thử
Luy
tiết bốn lần thách thức chơi!
Nghĩa
nặng gia đình không trọn vẹn
Ân
sâu quốc tổ khó đền bồi!
Phong
trần huyễn mộng dằng dai kiếp
Hổ
với non sông, thẹn với người!
Võ Như
Nguyện- Canh Thìn (2000)
Hoài Cựu (Nhớ bạn xưa)
Tương thức, tương tri khuất bóng rồi!
Hồng trần quạnh quẽ kiếp đơn côi…
Tơ chùng phiếm lạnh đàn im tiếng
Thơ cũ vần xưa giấy lạnh hơi.
Trưa nắng bồi hồi nghe quốc gọi
Chiều tà thờ thẫn ngắm mây trôi
Tình quê thổn thức bao cơn mộng
Ngừng bước phong sương, khép cánh đời!
Võ Như Nguyện.
v.v..
Thầy và gia đình hiện định cư ở Pháp. Năm nay (2014) Thầy
đã gần 100 tuổi!
Thầy Võ Như
Nguyện và Thầy Phan Văn Dật là những đầu tàu của Viện Hán Học khi mới thành
lập. Thời gian học ở đó, tôi hay lui tới nhà Thầy Dật, vì nhà thầy là một “thư
viện” nho nhỏ, đầy sách quí hiếm. Thầy là thi sĩ thời Tiền chiến, có tên trong
Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân . Thầy cũng viết tiểu thuyết và
được phần thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đầu Thầy làm Giám Học. Ở lớp tôi, Thầy
dạy Sử Địa năm Nhất và Quốc văn năm cuối khi Thầy trở lại Viện Hán học. Một
hôm, tôi chép một số bài thơ của tôi tặng Thầy. Ý của tôi là muốn nhờ Thầy cho
ý kiến. Tôi làm thơ mà thiếu tự tin. Bài đầu trong tập thơ nhỏ đó là:
Xuân Với Lòng Tôi
Đã mấy Xuân đi Xuân lại về
Lòng tôi
còn đắm giữa sông mê…
Thuyền
đời vẫn lướt bên hờ hững
Và chuốc
cho mình những tái tê…
Người ta
cười đón mùa Xuân mới
Tha thướt
xiêm y sáng rực đường
Tất cả
triều vui đương ngóng đợi
Tôi tìm Xuân với ý buồn thương!
Ray rứt
tháng ngày cho số phận
Thiệt
thòi, thất vọng, vấn vương theo…
Xuân
quang thêm gợi niềm ân hận!
Định bến
nơi nao một cánh bèo!?
Tiếng
pháo đêm Xuân nổ chuyển trời
Cô phòng,
làm xé nát tim côi…
Hồn kinh
như lạc vào hư động
Tôi kéo
chăn trùm kín lấy tôi!
Tôi phải
vì đâu khổ thế này ?
Bao giờ
mới hết nỗi niềm tây?
Sầu miên
chẳng thứ đêm trừ tịch
U ám tâm
tư phủ tháng ngày…
Ngày hôm
sau đến nhà Thầy, tôi thấy tập thơ của mình ở trên bàn mà bài “Xuân với lòng
tôi” có mấy câu thầy gạch đỏ bên dưới. Tự nhiên tôi hơi lo, chẳng biết có phải
Thầy chê các câu ấy dở không, mới hỏi và Thầy cười trả lời đó là những vần thơ,
ý thơ hay, đạt! Nghe Thầy nói mà tôi vui
sướng làm sao!
Thời gian ở
Viện Hán học, thỉnh thoảng Thầy Dật cho tôi sách văn học. Ra trường, đi dạy,
tôi vẫn liên lạc với Thầy và thư hồi âm nào, Thầy cũng giới thiệu cho tôi những
tác phẩm mới, hay. Ở Huế, Thầy dạy khá nhiều trường (lúc Viện Hán Học không
còn) như Đồng Khánh, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Đại học Văn Khoa…Sau 1975, tất cả đổi
thay, tôi mất liên lạc và chẳng biết Thầy ở nơi nào. Gia đình tôi từ Quy Nhơn
vào Vĩnh Long. Mãi đến năm 1983, tình cờ tôi biết Thầy vẫn còn ở Huế, tìm được
địa chỉ và từ đó, Thầy trò lại thư từ qua lại. Trong một lá thư gởi cho tôi,
Thầy cho biết vừa hoàn tất một hồi ký. Tôi viết thư xin Thầy một tập để đọc và
để kỷ niệm, nhưng Thầy bảo tập này “chẳng văn chương gì” nên Thầy không gởi
cho. Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có lẽ nhân đọc hồi ký ấy hay được Thầy kể mà biết
những chuyện riêng tư thầm kín của Thầy: “Lúc
ra đời, ông (tức Thầy Dật) vào làm
việc ở Đà Nẵng và yêu một cô đào hát bội tên Liên. Cô này hát hay nhưng do
trình độ hiểu biết và cuộc sống đi hát của cô không thích hợp với phong cách
của ông nên hai người xa nhau. Sau ông yêu một người con gái nền nếp ở Huế, ông
đề nghị gia đình đi cưới cho ông. Bà mẹ ông rất sốt sắng đã giúp ông tìm hiểu
người ông yêu và gọi ông từ Đà Nẵng về Huế cưới vợ. Ông phấn khởi về nhà lo
cưới vợ. Đến khi cưới thì mới hay bà mẹ đã nhầm, bà đi hỏi và cưới cho ông một
người mà ông chưa hề quen biết. Thế nhưng ông vẫn bằng lòng với số phận và
người con gái chưa quen biết ấy về ăn ở với ông đến đầu bạc răng long, gia đình
hạnh phúc, sinh con đẻ cháu đông đúc, bà đã giúp ông trên mọi lãnh vực của cuộc
đời”. (Nguyễn Đắc Xuân- Chuyện Tình Và Thơ Tình Xứ Huế).
Ngoài ba bài thơ “Tiễn
Đưa”, “Bi Xuân Nương”, và “Nàng Con
Gái Họ Dương” (trong “Bâng Khuâng”, xuất bản 1935) mà Hoài Thanh- Hoài Chân
trích đăng ở “Thi Nhân Việt nam”, chúng ta đọc thêm bài thơ sau rút trong tập “Những Ngày Vàng Lụa” (chưa xuất bản)
của Thầy:
Cho Địa Chỉ
Nhà anh có bến Đợi Chờ,
Có đình dựa nguyệt có thơ nhớ nàng.
Xuân về có gió đông sang,
Thu qua có cảnh lá vàng rụng bay.
Lâm tuyền có thú đổi thay,
Có đêm huyền hoặc có ngày nhớ nhung.
Có giàn hoa lý bên song,
Có con đường sỏi đi vòng giếng khơi.
Món quê hoa quả có thời,
Tháng giêng có hạnh tháng mười có cam.
Có khi ngồi ngắm trên am,
Mây hồng dựng sớm sương lam tỏa chiều.
Hư thân có mãi cái nghèo,
Tùy lòng ai có muốn theo thì về.
(Trong bài
“Những Tháng Ngày Khó Quên” đăng ở “Đặc san kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Hán học
Huế”, tôi viết nhiều về Thầy Phan Văn Dật).
Thầy Nguyễn
Văn Dương dạy lớp tôi hơn ba niên khóa. Thầy là một trong những giáo sư trẻ,
dạy rất nhiều môn: Quốc văn, Hán văn, Triết học…Thầy chỉ cho sinh viên cách thức
đọc sách, ghi chép tài liệu và thường giới thiệu sách này sách nọ. Thầy gửi
những tác phẩm văn học hay Thầy hiện có mà chưa được xuất bản lại, vào Sài Gòn,
thuê đánh máy, in ronéo (bấy giờ chưa có photocopy) đóng thành tập rất đẹp, gửi
về Huế. Thời đó mà có những tập như “Thơ Thơ”, “Gửi Hương Cho Gió” của Xuân
Diệu, “Dưới Mắt Tôi” của Trương Chính…sinh viên chúng tôi mừng lắm. Thầy chịu
khó học tập, nghiên cứu, nên tuy còn trẻ mà đã có tác phẩm xuất bản. Đầu năm
thứ tư, chúng tôi học với Thầy hơn một tháng thì thầy đổi qua Quốc Học rồi Đại
học Huế. Vừa dạy vừa học, Thầy lấy xong Cao học Văn chương Trung Hoa (Đại học
Văn khoa Sài Gòn, 1971), rồi Tiến sĩ Ngữ
văn (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 1991). Năm 1981, Thầy vào Sài gòn dạy Hán Nôm, tiếng Hoa, tiếng Nhật ở
Đại học Sư Phạm. Thầy viết Từ điển tiếng Việt, Hán Việt, Pháp Việt, Anh Việt,
nghiên cứu sử học và dịch thuật. Tất cả đều đã xuất bản. Tôi vinh dự được Thầy
tặng cho các tác phẩm chính của Thầy. Ở Vĩnh Long, tôi giới thiệu và bán một số
sách của Thầy viết. Một hôm vào bán cho trường Cao Đẳng Sư Phạm, họ đòi hóa đơn
đỏ, tôi không có, họ bắt tôi xác nhận là “Tác giả bán”. Tôi phải ghi: “Tôi, Tiến
sỹ Nguyễn Văn Dương, tác giả…”. Viết mà lòng thấy áy náy, xấu hổ… Vì mình đâu
phải tiến sỹ! Tôi kể lại cho Thầy nghe và Thầy trò đều cười…
Một số tác phẩm chính của Tiến sỹ Nguyễn
Văn Dương: Thử Giải Quyết Vấn Đề Dịch Giả
Chinh Phụ Ngâm (NXB Đại học Huế, 1964; NXB Văn Hóa Thông Tin, 2009). Đại cương Triết học sử Trung Quốc (dịch)
(Viện Đại học Vạn hạnh, 1968; NXB Thanh Niên, 1999). Khuất Nguyên, Cuộc đời và tác phẩm (Đại học Văn khoa Sài Gòn,
1971); Tuyển tập Phan Châu Trinh (NXB
Đà Nẵng, 1995; NXB Văn hóa Thông tin, 2006) v.v..
* *
*
Trong cuộc đời học sinh, thầy nào đã dạy
mình, không nhiều thì ít, đều có những kỷ niệm riêng. Bây giờ tôi trên tuổi “thất
thập”, trí nhớ đã mỏi mòn nên chỉ ghi lại được chút ít thôi…
Kính thưa
quí Thầy,
Khi con
ngồi viết những dòng này thì phần lớn quý Thầy đã ra người thiên cổ! Nhưng ở
đâu, dù chỉ dạy cho con một chữ (nhất tự), nửa chữ (bán tự), quí Thầy vẫn mãi
mãi là Thầy của con. Quí Thầy không những truyền thụ cho con kiến thức mà còn
dạy cho con cách đối nhân xử thế. Và chính nhờ những điều này mà con đã đứng
vững giữa cuộc đời đầy sóng gió, cả về tinh thần lẫn vật chất…
Sài Gòn, 5.10.2014
Trần văn Dật