Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Những Mảnh Đời Thua Thiệt 5: Chuyện ông Khôn (Lão Gàn)

Những mảnh đời thua thiệt 5
Chuyện ông Khôn
(Chuyện kể của Lão Gàn)

Ở trong khu phố, tuy cao tuổi, không câu nệ địa vị, chức tước, gia cảnh, tuổi tác, ông Khôn cư xử với ai cũng vui vẻ, thân thiện, từ đứa thiếu nhi đến cụ già lọm khọm.
Trên đường, gặp ai, ông cũng bắt tay, vỗ vai, níu lại trò chuyện năm ba câu rồi mới thả đi.
Ông làm Chi Hội Trưởng Hội Người Cao Tuổi – cũng thuộc giai tầng cán bộ. Ông thường đến thăm nhà các cụ đồng hội, thăm các gia đình chính sách, các gia đình neo đơn; tới đâu, trong chuyện trò, ông không quên nhắc nhủ: vợ chồng phải thuận hòa, tôn trọng lẫn nhau, nuôi dạy con cháu cho tốt, giữ gìn môi trường sạch đẹp.  Đoàn thể nào: nông dân, phụ nữ, thanh niên... hội họp, đều mời ông tới dự và phát biểu ý kiến.  Tóm lại, ông Khôn là người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
*
Vậy mà mấy tháng nay, người ta ít thấy ông đi ra ngoài. Tưởng ông bệnh, các đoàn thể cử đại diện đến thăm, thấy ông không bệnh hoạn gì cả. Bà Thảo – vợ ông, trong thái độ tiếp khách, cũng thay đổi. Trước đây, ai vào nhà, bà vồn vã chào hỏi, loay hoay pha trà, rồi lên ngồi bên ông tiếp chuyện. Thế mà bây giờ, bà nằm miết trong phòng; thỉnh thoảng, một tiếng đằng hắng dội ra bên ngoài. Không biết do tiết trời thay đổi mà bà viêm họng không.
Thấy vậy, người ta đoán già đoán non lý do sự thay đổi trong cách xử thế của ông Khôn và bà Thảo. Tổng hợp nhiều lời đoán, người ta cũng tìm ra sự thật dù có thể chưa đến mức 100%.
Ở trong xã hội này, mỗi người là một tình báo viên khỏi trả công, một cặp mắt và một đôi tai của chế độ. Vì thế, cách đây không lâu, một Đại Biểu Quốc Hội đã khen: không có an ninh nước nào mà điều tra giỏi hơn an ninh Việt Nam, ý nói là biết thu thập, phân tích, chọn lọc nguồn tin từ dư luận nhân dân. Từ chuyện quốc gia đại sự xuống chuyện cá nhân bé tí tẹo, không có chuyện gì lọt ra khỏi mạng tình báo nhân dân. Chuyện gia đình của ông Khôn và bà Thảo cũng thế.
*
Trước khi nước nhà thống nhất, Ông Khôn làm giám đốc một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ở một tỉnh ngoài Bắc – nói là vật liệu xây dựng cho có vẻ lớn lao, chứ thật ra chỉ là lò nung gạch ngói. Năm 1975, ông Khôn chưa tới 40 tuổi, đã có vợ và 2 con.  Vợ ông  lao động trong hợp tác xã nông nghiệp ở quê; còn con ông, đứa đầu là trai 14 tuổi học lớp 8, đứa thứ hai là gái 8 tuổi học lớp ba. Ông nhận lệnh nhập đoàn vô tiếp quản các cơ sở kinh tế vừa giành được từ chính quyền Sài Gòn. Vào Nam, ông được Tổ Chức phân công ở lại tỉnh Quảng Trị, lập kế hoạch mở lò gạch ngói. Tỉnh Quảng Trị bị chiến tranh tàn phá quá nặng nề. Công sở của chế độ cũ bị sập đổ tan tành, nhà cửa trong dân bị bom đạn thiêu rụi; nhu cầu vật liệu tái thiết rất lớn. Ông Khôn được đánh giá là cán bộ có kỹ năng, có óc sáng tạo, có tài tổ chức; việc bố trí ông ở Quảng Trị là đúng, được cân nhắc kỹ càng.
Chỉ cần một thời gian ngắn, ông Khôn đã đưa lò gạch đi vào hoạt động. Ông thu dụng những người có kinh nghiệm từ các lò gạch ngói tư nhân trước đây vào khung nhân sự nòng cốt; còn công nhân thì tuyển dụng từ các thanh niên nam nữ địa phương mới hồi cư từ các tỉnh thành phía Nam.
*
Thảo - một thiếu nữ 18 tuổi - được tuyển dụng làm công nhân. Thảo vừa học xong lớp 9. Vốn con nhà nông thôn, đã quen giúp cha mẹ những công việc nặng nhọc như cắt cỏ, gặt lúa, gánh lúa, gánh phân, xay lúa, giã gạo... Thảo mới xin vô làm gạch ngói, chứ đồng trang đồng lứa đồng học với Thảo, con nhà thành thị, chưa quen lao động chân tay, không ai dám xin vào đây.
Ở nông thôn, thời đó, con gái ít được cha mẹ cho đi học, phần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phần vì cần người giúp việc nhà, phần vì quan niệm cho rằng con gái, một khi lấy chồng, là con người ta. Nhờ có chút học vấn, Thảo được cất nhắc lên làm kế toán. Thảo có thân hình tròn trịa, khuôn mặt dễ thương, lại thêm, được sắp xếp lao động trí óc, cơ thể không xệch xạc. Vẻ đẹp của Thảo nổi trội hơn hết giữa đám phụ nữ của cơ quan, nhất là làn da trắng mịn, hồng hào.
Hàng ngày Thảo ngồi trong phòng kế toán, ông Khôn – giám đốc – thường gọi qua hỏi chuyện nhiều lần trong một buổi. Cũng chẳng có việc gì để báo cáo, Thảo được ông Khôn gọi qua chỉ để nhìn ngắm – hoa đẹp ai mà không thích. Hơn nữa, xa vợ lâu ngày, ông thèm khát hình bóng phụ nữ.
Chiến tranh chấm dứt; bom đạn đi vào quá khứ; người ta bắt đầu ham muốn hưởng thụ, đặc biệt là những người thuộc “Bên Thắng Cuộc.”  Với vai trò lãnh đạo cơ quan, ông mặc nhiên được giao trách nhiệm lo mọi việc trong đời sống cho thuộc cấp: công ăn việc làm, cơm gạo áo tiền, quan hôn tang tế. Một hôm, ngồi trong phòng giám đốc, không có việc gì giải quyết, ông gọi Thảo vào, khép cửa lại, hỏi vu vơ vài câu về thu chi trong tháng. Rồi ông vừa cười vừa nói như có vẻ quan tâm đến tương lai của Thảo:
- Công việc ở đây ổn định rồi, cháu lo chuyện chồng con đi; sau đó chú sẽ sắp xếp để cháu vào trường Trung Cấp Kế Toán học thêm cho có bằng. Có bằng cấp, công việc mới lâu dài, mới thăng tiến được.
Thảo mừng, lễ phép thưa:
- Thưa chú, chú lo cho tương lai của cháu, cháu cảm động và cảm ơn chú. Về chuyện kiếm chồng, cháu chưa được ai để ý “tìm hiểu”; còn chuyện cháu vào trường học tùy thuộc vào lòng thương của chú.
- Việc kiếm chồng cho em. Ông Khôn đột ngột đổi cách xưng hô, đưa bàn tay vỗ vào vai Thảo, mắt nguýt vào mắt Thảo, nói trong nhịp thở nhanh.  Anh sẽ lo. Đồng ý chưa?
Biết ông Khôn có tình cảm đặc biệt với mình, Thảo bẽn lẽn, lịu giọng:
- Nếu chú, à quên, anh sắp xếp cho cháu, à quên, em được thì quý hóa quá.  Nhưng em cần phải hỏi ý kiến của ba mẹ em.
Ông Khôn níu đầu Thảo sát vào mình, cúi xuống hôn lên má Thảo, lên môi Thảo, mắt đờ đẫn, nói yêu:
- Ba mẹ đồng ý thôi, em ạ!
Thảo hé cửa, bước ra khỏi phòng giám đốc. Lòng dậy lên những cảm xúc khó nói. Thảo là người sinh trưởng ở bờ nam sông Bến Hải; vào thời điểm chiến tranh vừa kết thúc, người thuộc “bên thua cuộc” được người thuộc “bên thắng cuộc” thương yêu đã mừng rồi; huống chi ở đây, Thảo được ông Khôn thuộc giai tầng lãnh đạo chiếu cố, hãnh diện quá đi thôi! Nở mặt nở mũi quá đi thôi! Chỉ có điều mà Thảo mường tượng hơi khó là ông ấy lớn tuổi như vậy, chắc đã có vợ con ngoài Bắc; công việc giải quyết sao đây cho ổn thỏa.
*
Ông Khôn về Bắc. Xa nhà lâu ngày, ông bước vô nhà, vợ con mừng lắm, hỏi han biết bao nhiêu chuyện: tình hình trong Nam thế nào? Có còn nguy hiểm không? Nhân dân trong đó đói khổ lắm phải không? Công việc thế nào? Đáng lẽ ông niềm nở với vợ, ông lại thờ ơ.  So sánh bà vợ ở đây với Thảo trong cơ quan, ông thấy cả một trời một vực. Bà vợ bận cái quần đen vải thô bó sát, chỉ dài đến nửa cẳng chân, cái áo cụt tay vá vai lấm chấm đất bám, mặt mày hốc hác, da dẻ đen điu, ban đêm nằm bên, mùi hôi bùn ruộng thoang thoảng bốc lên khó chịu. Còn Thảo, dáng đi nhún nhẩy, hai tay “đánh xa” mềm mại theo bước chân, khuôn mặt tròn trịa như một đóa hoa tươi, làn da mịn màng, thấy muốn ôm, muốn nựng, muốn hôn.
Ông kể chuyện ở Quảng Trị cho bà vợ nghe. Nào là trong ấy nhà cửa tạm bợ, nào là nước sinh hoạt khan hiếm, mùa hè, phải đi gánh xa, nào là gạo và thực phẩm thiếu do dân mới hồi cư chưa sản xuất kịp mà số lượng nhà nước cấp phát chưa đủ... Ông cố bịa ra cảnh khó sống như thế để dọa bà; rồi đểu cáng, đề nghị bà cùng đi theo ông.
Vốn là nông dân, do bản tính, bà không muốn rời làng xóm, bà con nội ngoại.  Nay lại nghe mô tả ở vùng Quảng Trị đời sống vô cùng khổ, bà lại nhất quyết không chịu đi và còn thách ông cứ ly dị bà, vào trong ấy ưa ai thì lấy.  Bà đã mắc bẩy ông giăng.  Ông làm đơn và bà ký ngay không cần suy nghĩ.
*
Ông Khôn trở lại cơ quan, báo cáo xin “Tổ Chức” tục hôn với Thảo. Lúc đó, ông Khôn 40 tuổi, Thảo 19 tuổi.
Dù đất nước trong cảnh chiến tranh, người miền Nam vẫn hưởng thụ cuộc sống mọi mặt được chừng nào hay chừng ấy, không “thắt lưng buộc bụng.” Qua tuổi dậy thì, Thảo đã đọc một số sách tìm hiểu phát triển sinh lý ở nam giới, nữ giới và nghệ thuật ân ái. Trong sinh hoạt vợ chồng, Thảo đưa cho ông Khôn đọc quyển Ái Tình Bửu Giám rồi Bảy Đêm Khoái Lạc. Ông Khôn mừng là lấy được Thảo – một cô gái “chịu chơi”, biết làm cho chồng tăng thêm khoái cảm, chứ không như bà vợ ngoài Bắc luôn trong tư thế thụ động.

                           (Hình minh họa mượn từ internet)
*
Hiện tại, ông Khôn, bà Thảo đang nghỉ hưu. Dù đã gần 60 tuổi, cơ thể bà còn “năng.”  Để tỏ vẻ biết ăn chơi thuộc hạng dân quý phái, bà Thảo tham gia Câu Lạc Bộ Khiêu Vũ Thành Phố; đêm nào bà cũng đi nhảy. Trong hội hè do bạn bè tổ chức, thấy bà nhảy nhuần nhuyễn, uốn lượn nhịp nhàng, ông Khôn lấy làm tự hào có bà vợ vừa trẻ vừa sành nghệ thuật. Còn ông Khôn sáng nào cũng dậy sớm đi bộ cùng với các cụ cao tuổi. Người ta nói đi bộ là môn thể dục tốt đối với người già; ông tuân thủ không bỏ một buổi nào. Hàng ngày, cứ 4:30 giờ sáng, lúc trời còn tối, ông dậy đi dọc theo con đường dẫn ra cánh đồng lúa rộng; không khí trong lành, ông và các cụ già trong khu phố vừa đi vừa trò chuyện. Thỉnh thoảng, họ sải rộng hai cánh tay rồi dựng thẳng lên quá đầu, tập thở sâu. Họ chỉ trở về nhà khoảng 6 giờ sáng, lúc mặt trời đã lóe ra ở chân trời phương Đông.
*
Sáng hôm ấy, như thường lệ, ông Khôn mở cửa bước ra đường. Trời còn tối om, ông đi được khoảng 15 phút, trời bắt đầu lờ mờ sáng. Một cụ già đi cùng phát hiện ông mang ở hai bàn chân hai chiếc dép khác màu: một chiếc xanh, một chiếc đỏ, một chiếc lớn, một chiếc bé. Ông vội vã trở về, sợ lúc trời sáng mặt người đi đường thấy vậy, ông “ôốc dôộc”.
Đến cửa, ông nghe tiếng rên hư hử của bà Thảo, ông cuống quýt giật mạnh cửa, cứ lo bà đột ngột bị bệnh gì. Cửa không bung; ai đã chốt thoen bên trong rồi. Nóng ruột, ông đấm rầm rầm; một hồi lâu, bà Thảo, quần áo ngủ xệch xạc, vẻ mặt tím tái, mở cửa ra; ông Khôn hỏi bà có sao không, chuyện gì mà rên dữ rứa. Bà lầm lì đi xuống bếp. Ông Khôn vào phòng - nơi hai ông bà ngủ. Chăn gối ngổn ngang, lộn “tùng phèo”. Nghĩ rằng bà bị đau bụng cắn, trằn trọc, lăn lóc, đẩy đạp nên mới gây ra cảnh “lộn xà ngàu” như thế, ông leo lên giường, đưa tay sắp và xếp chi li lại.
Một gã đàn ông núp dưới giường chạy vụt ra. Ông Khôn khiếp vía, thoáng nhìn và nhận ra anh hàng xóm quen. Anh này còn ít tuổi hơn thằng con đầu của ông ở ngoài Bắc.
Xử sự khác với người bình thường, ông Khôn giữ kín sự cố xảy ra trong gia đình, ông sợ mất uy tín, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” mà! Tuy nhiên, ông buồn, không còn vui vẻ như trước.
*
Từ đó đến nay, trong tâm trí ông cứ lởn vởn sự so sánh. Anh nông dân sản xuất ra được một tấn rưỡi lúa, gia đình chỉ tiêu thụ một tấn, còn năm tạ anh ấy có thể kêu khách bán hay cấp giúp cho những người thiếu đói; anh nông dân có quyền, còn ông đây, chuyện ấy xưa ông “xài” được, nay “xài” không được, nhưng ông đã mất quyền định đoạt việc bán hay cho..
Mấy cậu thanh niên trong khu phố chơi facebook kháo với nhau rằng một facebooker nào đó viết: nam giới từ 18, 19 tuổi đến 80, 90 tuổi vẫn thích nữ giới 17, 18 tuổi, nghĩa là luôn “giữ vững lập trường”. Từ kinh nghiệm riêng, ông Khôn cho thế là đúng, nhưng muốn có lời khuyên đến các bậc nam nhi: không nên lấy vợ trẻ hơn mình nhiều. Chồng già vợ trẻ, càng về sau, nam giới càng khổ.
Lại một facebooker khác không biết lấy đâu mà đưa lên mấy câu thơ:
“ ... Sáu lăm mới tuổi dậy thì.
Bảy lăm là tuổi mới đi vào đời.
Tám lăm là tuổi ăn chơi.
Chín lăm là tuổi yêu đời, yêu hoa.
Một trăm mới bắt đầu già.
Đêm đêm vẫn cứ mặn mà với em...”

Nghe thơ, ông Khôn lầm bầm: “Phụ nữ như con Thảo thì đúng, còn áp dụng thơ đó vào bản thân mình thì sai bét;” rồi ông chưởi thầm: “Thằng cha nào làm thơ láo, thơ láo!”
Chưởi thầm xong, ông lại cười thầm: “Hắn tên Thảo, hèn chi muốn cho ai là cho, chẳng cần hỏi ý kiến mình; còn mình tên Khôn thì chẳng khôn chút nào mà lại quá dại: bỏ vợ, bỏ con để đi lấy một con đĩ”

                            Lão Gàn
                          21-10-2014








                           21- 

Không có nhận xét nào: