Nói Trạng Không “Nhằm”Trong lễ đính hôn của con gái, cậu mự mời một ít bà con bên nội, bên ngoại. Cậu mự cố gắng mời cho được hai ông già nhất, một thuộc phía bên cậu (bên nội), một phía bên mự (bên ngoại). Cậu mự nghĩ: có người cao tuổi đến dự trong những dịp như thế này là một vinh dự cho gia đình.
Ông lão bên nội, trên 80 tuổi, xưa nay chỉ ở trong làng, đến rất sớm. Theo giao hẹn, 10 giờ sáng, gia đình nhà trai mới đến nộp lễ; vậy mà mới 7 giờ sáng, ông đã xuất hiện ở cổng, tóc búi cột củ tỏi thả lỏng xuống lưng, râu cằm chừa dài ngang ngực, râu mép nắn tỉa uốn cong như râu cá trê “cộ” (lâu năm), hai mắt trợn như mắt của Saddam Hussein, cựu tổng thống Iraq, trên khuôn mặt màu sạm đen chen nhẹ màu trắng bạch, chiếc quần trắng ố vàng, cái áo dài xanh in hình chữ THỌ sờn xơ, cái khăn đóng đội đầu lệch một bên trán, một tay phất phất quạt giấy, một tay chống đỡ chiếc dù căng lên. Ông làm điệu làm bộ thế, chứ trời chưa nắng mấy. Cậu ra chào, mời ông vào nhà, ngồi vào bộ bàn đặt căn giữa nhà. Cậu chỉ cái ghế gần bàn thờ, ông vung văng, không chịu.Ông vừa nói vừa lần ra.- Tao là đại diện gia đình, ngồi ngoài thôi.Cậu vào phòng, mời ông lão phía bên mự ra cùng ngồi để hai ông trò chuyện cho hết thời gian chờ đợi.Ông lão bên ngoại, vì ở xa, đã đến từ chiều hôm trước. Ông bước ra, dáng đi không vững, nghe nói ông đã trên 90, bộ quần áo lụa trắng, tóc hớt ca-rê, khuôn mặt trắng, râu cạo nhẵn nhụi, ra dáng người khiêm tốn, bình dân. Thấy ông lão bên nội đã ngồi sẵn, ông cung kính chào:- Chào cụÔng lão phía nội vừa đáp với giọng “ta đây” vừa kéo chiếc ghế phía sát trong ông ra.- Phải, mời ông ngồi.Trong khi chờ nhà trai đến, hai ông chuyện trò với nhau. Ông bên nội nói nhiều, ông bên ngoại ít nói. Ông bên nội khoe về giòng giống, về gia phong, về học hành..., thỉnh thoảng điểm vào câu chuyện vài câu trích trong các sách dạy Hán Văn như Minh Tâm Bửu Giám, Luận Ngũ... như thử ông đã từng sôi kinh nấu sử lâu ngày. Ông bên ngoại ngồi nghe, cảm phục.Khi ông bên nội tạm dừng câu chuyện, ông bên ngoại từ tốn, cất tiếng hỏi:- Rứa ngày xưa cụ học chữ Hán viết đến hàng mấy rồi?Ông bên nội sung sướng được dịp trổ tài nói khoác, đưa tay vỗ nhẹ vào bàn, rung đùi, nói ngay:- Hàng nhất chứ hàng mấy nữa, vùng ni có ai hơn tôi nữa mô!Ông bên ngoại cười mỉm. Ông bên nội tưởng đó là cười mừng, cười khen; mặt rạng rỡ hẳn lên. Té ra không phải!!!Ngày xưa, trẻ học chữ Hán tập viết: mới học, thầy cho viết chữ to, mỗi trang giấy một hàng chữ rồi sau đó theo trình độ viết chữ nhỏ dần, mỗi trang giấy có nhiều hàng chữ. Viết càng nhiều hàng thì trình độ càng cao.Trong lịch sử Đông Tây kim cổ, có nhiều chuyện “nói trạng”; mỗi lần đọc lại hay nghe ai kể, thấy sao dí dỏm, thích thú, không biết chán; còn chuyện trạng của ông già trên đây nghe sao bực bội, trơ trẽn.Chuyện nhắc chúng ta lại bài học: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe,” đừng ba hoa mà làm trò cười cho thiên hạ.06/9/201221/7/Nhâm ThìnHoàng Đằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét