Những mảnh đời thua thiệt 4
Mẹ Con
(Chuyện kể của Lão Gàn)
Như
thường lệ, ăn tối xong, ông Kha, bà Hiền lên phòng khách xem TV. Ông Kha 65
tuổi, bà Hiền cũng gần 60. Hai ông bà xưng hô với nhau “anh, em” ngọt xớt, chứ
không như ở trong khu phố này, đa số dân sống bằng nghề lao động chân tay, do
vất vả, mệt nhọc, sử dụng ngôn ngữ cộc lốc – thậm chí cộc cằn. Những cặp vợ
chồng ngang tuổi ấy hay nhiều hơn thường gọi nhau “ôông mụ”; những cặp trẻ hơn
thường gọi nhau “mi, tau”.
Ông
Kha là giáo viên hưu trí; bà Hiền làm nghề buôn bán, có một sạp hàng quần áo buôn
bán rất chạy trên chợ.
Ông
Kha ngồi sát bên bà Hiền, ông tình tứ gác cẳng chân lên bắp vế bà. QTV (Truyền
Hình Quảng Trị) phát hết chương trình Thời Sự Quốc Tế, đến chương trình Thông
Tin Kinh Tế Xã Hội, trong đó có mục “Nhắn Tìm Mẹ” của một phụ nữ trung niên:
“Tôi tên là Miên. Nghe kể lại tháng 01/1973,
một bà mẹ trẻ tuổi sinh tôi ra tại bệnh viện Tam Kỳ. Vì hoàn cảnh, tôi được đem
cho một người khác nuôi. Nay ba mẹ nuôi tôi muốn tôi tìm lại mẹ đẻ; vậy tôi
đăng thông cáo này lên Truyền Hình để tìm mẹ ...”
Nghe
đến đó, bà Hiền lạnh xương sống, đổi sắc mặt, bà đứng dậy, nói với ông Kha:
- Em hơi mệt, anh cứ tiếp tục xem, em đi nằm
sớm.
Ông
Kha kéo bà Hiền sát vào mình, sờ đầu bà xem có nóng sốt gì không, thấy bình
thường, ông áp môi vào má bà, hôn trùn trụt bên này rồi bên khác, nói yêu:
- Em vô giường trước, khi nào xem xong
bản tin 19 giờ của VTV1, anh vô sau; gắng chờ anh một chút!
Bà
Hiền ngã người xuống giường. Cái hình con bé thông báo tìm mẹ giống bà ngày xưa
quá, nhất là cái miệng cười; hai môi đỏ nở ra để lộ hàm răng trắng đều như một
đóa hoa. Những kỷ niệm thời thiếu nữ hiện về trong tâm trí bà như một cuốn phim
quay chầm chậm với đầy đủ chi tiết nóng sốt, hồi hộp.
Cuối
năm 1971, do chiến sự quá ác liệt, dân làng Hiền dồn về một khu ven tỉnh lỵ,
vất bỏ ruộng vườn là phương tiện mưu sinh chủ yếu từ bao đời nay. Tại khu dồn
dân, mỗi người phải lo kiếm một việc để sinh sống. Hiền lúc đó mới 15 tuổi,
dáng dong dỏng cao, đôi má hồng hồng, ngực đã nhú căng, tóc thề xả ngang lưng –
kiểu tóc của nữ sinh trung học. Hiền đã học xong lớp 7, nhưng đành phải bỏ học.
Đầu
năm 1972, một ông bác họ lên tỉnh làm công chức ở tòa hành chánh đã lâu, quen
biết rộng, giới thiệu Hiền tới phụ bán hàng cho một hiệu buôn.
Hiệu
buôn này có cơ sở buôn bán riêng gần khu vực chợ, còn nhà ở nằm ở một khu vực
yên tĩnh. Công việc của Hiền ban ngày đứng bán hàng ở cơ sở buôn, phụ với bà
chủ, ban đêm về dọn dẹp việc nhà. Hiền phải ăn ở tại nhà chủ, ít khi về nhà cha
mẹ dù đường đi cũng gần thôi.
Ông
bà chủ có cậu con trai đang học bậc đệ nhị cấp ở một trường trung học tại tỉnh
lỵ. Ban ngày, cậu học ở trường, buổi tối, cậu thường vắng nhà, cậu nói với bố
mẹ cậu đi học nhóm với bạn bè; mười đêm hết chín, cậu về khuya.
Chỗ
ngủ của Hiền là chiếc giường gỗ rộng một mét kê dưới cầu thang gần cửa. Nhà có
cửa ra vào rộng ở phòng khách, nhưng cửa này đóng kín, khóa chặt khi ông bà chủ
đã lên phòng ngủ trên lầu. Cậu con trai mỗi lần về trong đêm đều gõ cửa sát cầu
thang và Hiền có trách nhiệm dậy mở.
Đã
mấy hôm rồi, Hiền cảm thấy người nóng lên, rạo rực, dục tình thèm khát. Thông
thường, Hiền nằm xuống ngủ liền. Cậu ấy về gõ cửa mạnh và lâu, Hiền mới dậy ra
mở trong tình trạng ngái ngủ. Dạo này, Hiền cứ trằn trọc, mới nghe tiếng “cốc
cốc” nhẹ, dậy ngay. Hiền ngóng chờ một chỉ dấu gì đó từ cậu con trai; Hiền thất
vọng; đã ba bốn đêm rồi, hễ cửa mở ra, cậu lẻn vào, vội vàng lên phòng riêng
trên lầu ngay. Hiền thắc mắc con trai con triếc gì mà vô cảm, mà tỉnh bơ đến
thế.
Rồi
một đêm, tiếng gà gáy đầu đã vang lên đó đây; cậu mới vô cửa, Hiền cầm tay cậu,
đưa nhẹ lên ngực mình, đẩy qua đẩy về, rồi kéo mạnh cậu tới giường. Cậu cứ để
Hiền hành động tự nhiên; cậu bắt đầu “nổi máu”, nằm xuống cùng Hiền trên chiếc
giường hơi chật với hai người; trong màn tối, Hiền nghe rõ nhịp thở tăng tốc
...
Cậu
mệt nhoài, ngủ thiếp, còn Hiền, sau vài giây phút phấn chấn, bắt đầu lo sợ vẩn
vơ; Hiền không ngủ được, chong hai mắt và khi nghe gà gáy điểm canh lại, Hiền đánh
thức cậu dậy, bước nhẹ cầu thang, lên phòng ngủ riêng. Từ đó, mỗi lần cậu về
khuya, cậu đều ghé nằm chung với Hiền và chỉ lên phòng riêng khi ân ái xong.
Nhiều lúc, Hiền không ưa, cậu cũng “thầy đây” cho được.
Hiền
tắt kinh. Những cảm giác lạ đến với Hiền: thèm đồ chua, trong bữa ăn ngửi mùi
cá, nôn ọe... Hiền vừa thẹn vừa sợ, giữ kín một thời gian. Những triệu chứng
của thai nghén lộ rõ dần, Hiền về nhà, bạo gan tâm tình với mẹ. Mẹ Hiền chỉ thở
ra, không có ý kiến gì và cũng không tỏ vẻ trách móc rồi rầy la như Hiện cứ
nghĩ.
Dạo
này, Hiền đứng bán hàng, thường buồn ngủ, lơ dễnh với công việc; khách vào, gọi
hàng mua, hình như không nghe, Hiền cứ đứng sửng. Bà chủ nhắc nhở nhiều lần,
Hiền vẫn “chứng nào tật ấy”. Qua bực, bà chủ lên tiếng to, mắng nhiếc. Vin cớ,
Hiền bỏ về nhà cha mẹ.
Bụng
to dần; bố mẹ Hiền bàn bạc, sắp xếp gởi Hiền vào với ông chú định cư ở Tam Kỳ .
Và
đầu năm 1973, Hiền sinh một bé gái tại bệnh viện Tam Kỳ. Gia đình Hiền kín đáo sắp
xếp để sau khi bé mới chào đời cho ngay một cặp vợ chồng hiếm muộn tại địa
phương.
Hiền
ở lại bệnh viện thuốc men; sức khỏe phục hồi, Hiền về lại nhà ông chú nghỉ
dưỡng. Ông chú xin cho Hiền một chân thư ký ở một công sở. Tuổi mới 18, ăn diện
và trang điểm vào, Hiền trông rất dễ thương, lôi cuốn mắt nhìn của biết bao
chàng trai Quảng Nam .
Lại thêm, giọng nói dịu dàng, thái độ thân thiện, kỹ năng làm việc tốt, Hiền
rất được lòng của tất cả cán bộ và nhân viên trong sở. Nhiều nam đồng nghiệp
độc thân tìm cách tiếp cận, tán tỉnh, nhưng chưa ai lọt vô mắt xanh của cô.
Từ
tháng 3 năm 1972, chiến sự dữ dội khắp cả tỉnh Quảng Trị. Phần lớn dân di tản
về phía nam, tạm cư tại các trại tỵ nạn ở Đà Nẵng. Bố mẹ Hiền vào ở trại Hòa
Khánh.
Mùa
thu năm 1973, Hiền từ Tam Kỳ về Hòa Khánh thăm gia đình. Hiền - một cô gái cao
mảnh khảnh, trong bộ trang phục áo dài màu xanh lơ điểm những hình thêu mềm mại
tinh xảo - xuất hiện gần bên cái sạp ván ép – chỗ ăn ở của bố mẹ - kê chiếm 1/6
của cái săm (chambre) lính Mỹ để lại, mọi người thuộc những gia đình khác trong
săm nhìn cô, trầm trồ thầm khen cô vừa đẹp, vừa sang.
Kha,
một giáo viên gốc Gio Linh, ở cùng săm, mới 24 tuổi, giả bộ đi lui đi tới trong
săm như thử đang tìm một cái gì đó để được liếc nhìn Hiền nhiều lần; Hiền không
để ý gì đến Kha, cô chỉ chuyện trò với bố mẹ; bao nhiêu chuyện từ ngày cô vô
Tam Kỳ đến giờ cứ nối đuôi nhau: chuyện ở quê nhà, chuyện trên đường di tản,
chuyện tạm cư ...
Hiền
trở lại Tam Kỳ. Kha làm thân với bố mẹ Hiền. Kha viết thư làm quen, rồi tỏ tình
với Hiền. Được sự tác động tích cực từ bố mẹ, Hiền đáp ứng. Hai người thư qua
thư lại, vẽ nên hạnh phúc gia đình tưởng tượng bằng nét chữ, lời văn
Hè
năm 1975, đất nước hòa bình, dân Quảng Trị hồi cư. Và lễ cưới của Kha và Hiền
được tổ chức ở quê nhà. Lấy chồng, Hiền lại lo lắng về một chuyện tế nhị mà chỉ
mình mình biết, chỉ mình mình hay. Hiền từng nghe: nhiều tân lang trong đêm tân
hôn tìm cách để khám phá xem tân nương còn trinh nguyên hay không; cô đọc
truyện Kiều và biết mưu dùng “nước vỏ lựu, máu mào gà” để đánh lừa mấy gã đàn
ông chỉ thích làm “tiền khai khẩn.”
Tuy vậy, cô nghĩ ra cách riêng của mình; đêm tân hôn, cô giả bộ e thẹn, nghiêng
phía này rồi ngoảnh phía khác, kẹp cứng hai chân lại; Kha nôn nóng, không thể
chờ đợi...
Và
khi xong “việc”, Kha nằm xuôi lơ. Hiền thầm mỉm cười: “Thiên hạ cứ dọa mình, có chi đâu! Đàn ông “xấu máu” trước đàn bà, “mần”
được là thôi, nào mấy ai đủ sức và đủ thời giờ tẳn mẳn tỉ mỉ như người ta đồn
thổi đâu! Và lũ đàn ông đừng láo, có khi mô đàn bà bầy choa đòi xem “đồ nghề”
của các ngươi còn nguyên hộp mô! Đừng bất công với phụ nữ nghen! ”
Kha
tiếp tục đi dạy, còn Hiền không còn được “lưu dung” làm thư ký. Hiền cùng với
dân làng làm nông nghiệp, vô đội, vô đoàn, khai hoang phục hóa. Ít lâu sau, đội
đoàn lên hợp tác xã; mỗi làng lớn thành một hợp tác xã, còn đối với làng nhỏ
thì nhiều làng thành một hợp tác xã. Làm thì có mà ăn thì không; “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải có
con người xã hội chủ nghĩa”; chưa có con người loại đó, thành thử sự nghiệp
làm ăn hợp tác hóa lâm bế tắc. Năng suất lao động kém, quản lý tập thể tồi...
Của cải làm ra ít, đời sống đại bộ phận
nông dân cơ cực.
Dầm
mưa dãi nắng, lăn lộn với bùn nước, bụi bặm, Hiền tàn phai dần nhan sắc và vẻ
quý phái. Việc sinh con và nuôi con làm cho cơ thể xệch xạc, gầy guộc, da dẻ
đen điu, tái mét. Không trụ nỗi với ruộng đồng, Hiền lên thị xã, đến chợ, mở
một quầy bán quần áo.
Cuộc
sống của Kha + Hiền khá lên từ đó đến giờ, hai vợ chồng tậu được nhà ở thị xã.
Ông bà ngày xưa nói không sai. “Phi
thương bất phú” mà!
Lấy
Kha, Hiền sinh được một trai năm 1977 và một gái năm 1980.
Hiện
tại, Kha đã về hưu được 5 năm, đứa con trai tốt nghiệp kiến trúc sư TP. Hồ Chí
Minh đã có vợ con, làm việc và định cư ở Sài Gòn, đứa con gái tốt nghiệp đại
học sư phạm Huế đã có chồng con dạy trung học phổ thông ở Huế. Ở nhà hiện chỉ
còn hai ông bà. Trong cảnh già, không còn việc gì chi phối, người này luôn nghĩ
về người khác. Nhà cửa trống vắng, người này coi người khác như gia tài tinh
thần và tình cảm của riêng mình.
Bé
gái Mân do Hiền sinh ra năm xưa được một gia đình khá giả nuôi nấng, dạy dỗ
đàng hoàng tử tế. Mùa hè 1975, bé Mân di tản qua Mỹ, bố nuôi Mân là Trung Tá
Hải Quân của Quân Đội Cộng Hòa. Qua bên ấy, bé Mân đi học tiểu học, trung học
rồi đại học.
Bây
giờ, Mân làm bác sĩ, có chồng và 3 con.
Khi
Mân đủ 18 tuổi, một buổi tối, gia đình sum họp, không biết sao mẹ nuôi Mân kể lại
chuyện đời cho Mân nghe. Hình như dù rất thương yêu Mân, bà nghĩ rằng không cho
Mân biết nguồn cội rõ ràng là một điều thiếu sót. Nếu một mai chết đi, ông bà
sẽ cảm thấy chưa tròn trách nhiệm.
Năm
nay, Mân về quê thăm. Mân tới đài Truyền Hình tỉnh đăng thông báo tìm mẹ trong
vòng một tháng. Thông báo chỉ đọc một hai lần thì, dưới mắt khán thính giả, là
chuyện bình thường, đằng này, đọc quá nhiều lần, người nghe ai cũng thương cảm;
xướng ngôn viên truyền hình đọc giùm thông báo tìm mẹ mà như tiếng khóc trẻ
thơ lạc mẹ giữa chợ đông người.
Tối
nào, bà Hiền cũng nghe thông báo ấy. Bà im lặng, ruột quặn thắt; biết chắc con
mình đẻ ra rồi đó, nhưng lên tiếng với con quá khó. Ông Kha biết được, con trai
bà ở Sài Gòn và con gái bà ở Huế biết được sẽ tỏ thái độ như thế nào! Có thể họ
sẽ bao dung và biết đâu gia đình sẽ thêm một thành viên mới. Tuy nhiên, biết
đâu hạnh phúc hiện tại sẽ đổ vỡ. Kinh nghiệm là trong xóm đây; ông kia thời
thanh niên do bồng bột đã “hoang” với một thiếu nữ đồng trang có bầu; do hai
gia đình không “môn đăng hộ đối,” việc hôn nhân không tiến hành được; ông ấy
buồn vô Nam sống và lấy vợ trong đó. Thời gian sau, vợ chồng đem nhau về thăm
quê, bà vợ phát hiện ông chồng đã từng có con. Trở lại miền Nam, bà vợ cho rằng
khi lấy bà, ông không “khai báo thật thà”, lừa phỉnh bà; ngày nào bà cũng xỉ
mắng ông, thậm chí nhiều lúc đuổi ông ra khỏi nhà, bà chấp nhận sống ly thân
nuôi con một mình. Lâu ngày chịu không nổi, ông chồng phải về quê sống một mình
bên bà con thân thuộc.
Càng
nghĩ, bà Hiền càng âm thầm đau khổ. Câu hỏi: “Mần răng đây hè?” cứ lởn vởn
trong tâm trí bà.
16/10/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét