Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Nhắn Gởi Hai Bạn Hùng - Hân - Nguyễn Văn Đức

 NHẮN GỞI HAI BẠN HÙNG, HÂN
Nguyễn Văn Đức
Khóa 2 Viện Hán Học Huế

Bỉ nhân tôi có tật: say mê trang sách nào thì cố đọc cho xong, bất kể thời gian, không gian. Năm thứ 4 Hán Học Huế, nhà văn Chu Tử cho ra đời cùng một lúc các quyển tiểu thuyết tựa đề một chữ: Sống, Yêu, Ghen. Nằm trên gác trọ gần trường khu Bến Ngự, mình đọc liền một mạch suốt đêm hết quyển tiểu thuyết Yêu để mong tìm tuổi xuân hoa bướm trong ngàn đóa hoa khoe sắc cùng trường. Sau một thời gian dài tuyệt tích giang hồ(1975-2009) vì những khó khăn trong cuộc sống, đoạn trường này chắc hầu hết các bằng hữu cũng phần nào gặp phải. Kiến thức 5 năm Hán Học tưởng chẳng vận hành gì được trong cuộc sống đời thường, vì phải bươn chải vật lộn tìm miếng ăn cho vợ chồng con cái. Của cải, sự nghiệp đều cuốn theo chiều gió như nước chảy hoa trôi, như một nhà thơ Pháp đã viết: “Dẫu mải miết trên đường đời gió bụi, chẳng được gì mà chẳng dám van lơn”. Nhưng, bình tâm nghiệm lại: quả theo thời gian, hành trang Hán Học đã dựng lên trong ta một tư cách “đối nhân xử thế” mà người khác phải mấy phần nể nang, kính phục. Đọc say sưa nhiều lần nội san “ Huế - ký ức hoài niệm - 2009”, nay đọc tiếp nhiều lần nội san “lớp cũ trường xưa - 2010”, ký ức hé lộ cho tôi hình dung lại rất rõ nét mỗi khuôn mặt và tính cách bạn bè thân hữu cùng lớp, cùng trường. Nhớ lại Huế hè về phượng đỏ ve kêu, Huế mưa dầm rả rích mà các o, các mệ vẫn áo dài, hút thuốc cẩm lệ, quảy gánh hàng rong. Các nữ sinh viên nón lá bài thơ, áo dài trắng tím tha thướt trên cầu Trường Tiền hay trong Đại Nội cổ kính. Cà phê đen đặc sánh đêm mưa quả là cái thú vị chỉ ở Huế xưa mới có. Đội bóng đá Viện Hán Học, hương vị vài cái Tết xa nhà, nhiều cuộc du ngoạn dã ngoại bằng xe đạp… không thể nào quên được. Tôi có thể viết ra thật nhiều trang giấy để nâng niu hình bóng bạn bè xưa: bạn học, bạn chơi, bạn miền Nam, bạn miền Trung… Bạn nào cũng đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm (26/12/2009 - 30/12/2009) cùng các bạn Ngọc Sương, Phạm Văn Minh, Đỗ Thị Cốc, Trần Văn Hùng, La Thu Thủy… làm lại chuyến Huế du về nguồn dự kỷ niệm 50 năm Viện Hán Học. Trường xưa vẫn cổ kính rêu phong mà bạn xưa nay đã da mồi tóc sương. Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan vẫn còn nhớ được anh “Đức đá banh”, bạn Hồ Văn Ngữ vẫn còn nhớ “mi là Đức đá banh”. Văn chương mình dở ẹc nên không viết lách được gì nhiều. Chị hai Cam, cô Sương Bình Dương, cô Hạ Vũ Hồng Phi viết bài đều có nêu lại hình ảnh Đức Long An trông có vẻ lạnh lùng ít nói ít cười “giữ tiền không được”. Nhưng 50 năm sau, tôi có nhiều kỷ niệm với 3 bạn quá. Ký ức là những gì sống lại sau khi ta đã quên, các bạn nhỉ. Lâm Khương Nhàn, người bạn nhỏ khóa 4 ngay lần đầu gặp lại tại Mỹ Tho đã nhận ra ngay anh hai “Đức đá banh”. Hẹn một ngày nào đó tôi về Vũng Tàu ghé thăm “Lâm viên ngoại” để cùng nhau:
Người xưa đốt đuốc chơi đêm,
Nay ta đốt đuốc truy tìm cuộc vui
Xưa nay vãn một cõi đời
Phù du số kiếp ai thời cho thêm
(Hồng thêu một lối - thơ Lâm Khương Nhàn)
Bèo dạt hoa trôi. Cánh hạc bay cao vút tận trời. Tản Đà đã nói thế. Không ai cho ta thêm thời gian. Nhưng ta vẫn cố níu kéo thời gian để cùng bằng hữu “ thiên bôi thiểu” và “ hồ trường cạn chén quẳng hồ trường đi”. Cố níu thời gian thì cũng như dã tràng xe cát biển đông mà thôi:
“Mênh mông dồn dập ba đào
Niềm thương nỗi nhớ dạt dào trào dâng”
(Võ Hồng Phi)
Cô ba Ngọc Sương Bình Dương nghĩ về hiện thực nhiều hơn:
“Hôm nay bạn đến chơi nhà
Vui mừng khôn xiết đậm đà tình thân
Bạn và tôi bước đời đều khó
Cơm đủ ăn cũng phải dãi dầu
Bây giờ tóc đã ngả màu
Tuổi đời chồng chất sợ mau về miền…”
(Gặp bạn - thơ Ngọc Sương)

Chị hai Cam thì lại nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Không biết khi viết bài thơ “Ân tình”, chị có bâng khuâng hay nở nụ cười trên môi như năm mươi năm về trước?
“Hương Giang, Bến Ngự đôi bờ,
Năm năm hàn mặc, ân to của thầy.
Bạn bè một thưở vui vầy,
Ra về lòng những đong đầy nhớ thương”.
(Ân tình - Nguyễn Thị Cam, USA)
Lê Hoàng Nhi đến khi gặp lại hai lần năm 2010 thì vẫn nghiêm chỉnh trong ăn mặc, giọng nói đặc sệt dân Miền Tây Nam Bộ. Trong nhà vẫn treo đầy các câu khuyên đời của người xưa “Bần vô siểm - Phú vô kiêu”. Hùng Cái Bè sống nội tâm pha chút ngang tàng nhưng rất nhớ bạn bè và tiếc quá, bận không thể về Tiền Giang họp bạn. Hân Huế nhỏ nhẹ, dễ gần, từng nấu ăn chung, chơi chung cùng nhau, thường chưng diện quần áo mốt 1963 - 1965 bát phố Trần Hưng Đạo - Huế. Tính tôi thích nội tâm, ít bộc lộ nhưng thể hiện tính đầu đàn, không vồ vập, không suồng sã, không tự thân thiện giao tiếp với bạn bè. Ngày 28, 29/12/2010 họp mặt 50 năm kỷ niệm khóa 2 Viện Hán học tại miền sông nước Tiền Giang, hai bạn biết tôi mong hai bạn đến là dường nào. Phôn đi phôn lại nhiều lần. Nhưng ôi thật tiếc! Sức khỏe không cho phép hai bạn đi dự được, thật đau, thật xót, không được cùng hai bạn nhậu tê môi, nhâm nhi cà phê để cùng hồi tưởng thời cùng nhau cùng học, cùng chơi, cùng vui, cùng buồn. Thôi Hộ, Thôi Hiệu, Alfred de Vigny, La Martine, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên… đọc thơ họ, suy tưởng cuộc đời qua thơ họ. Suy ngẫm rất phù hợp: lúc như sương khói phù du, lúc hiện thực cuộc đời. Đọc các đoạn văn, hồi kí, thơ trong hai tập nội san tôi bắt gặp lại ý văn, tứ thơ của các bạn đều trang trọng, lắng đọng, tình cảm sâu lắng với bạn bè về một Viện Hán Học đoản mệnh. Đôi dòng gửi Hùng, Hân, lan man đến các bạn khác gọi là cảm thông nhau chút tình bạn đồng môn đồng song thông
cảm nhau, hoài niệm nhau trong tuổi chiều xế bóng. Thư bất tận ngôn.

Long An, ngày 3 - 2 - 2011
N.V.Đ





Không có nhận xét nào: