NHỚ MÃI KHÔNG
QUÊN
Nguyễn Đăng Vận
Khóa 4 Viện Hán Học Huế
Tôi là sinh viên năm thứ 3 Viện Hán Học Huế, chỉ học được 3 năm thì Viện giải thể. Dù chỉ theo học 3 năm nhưng nơi ấy đã chôn chất trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp thời trai trẻ của một sinh viên. Các bạn đồng môn và đồng khóa của chúng tôi, phân tán mỗi người một ngã. 70 sinh viên tốt nghiệp đã được tuyển dụng làm giáo sư chánh ngạch ở các Trường trung học khắp miền Nam. Sinh viên các khóa còn lại được chuyển thẳng đến các Trường ĐHSP Huế hay Trường Sư phạm Quy Nhơn, một số khác tiếp tục theo học các Trường Đại học Văn khoa… Viện Hán học chúng tôi ngày trước sinh viên không nhiều lắm lại được các Thầy tận tình dạy dỗ, lo toan cho sinh viên nên không khí trong trường rất ấm áp dễ thương và chan hòa như một đại gia đình. Cũng nhờ tình nghĩa Thầy trò thắm đượm, sinh viên chăm chỉ học hành, quý thầy giảng dạy tận tâm, nên chúng tôi tiếp thu được nhiều kiến thức rất căn bản, đủ để tự tin khi theo học tiếp tục ở các trường chuyên môn khác. Do vậy, anh em chúng tôi đã trở thành những nhà giáo vững vàng và phục vụ tốt khắp các vùng miền của đất nước. Mới đó mà đã 55 năm thành lập trường, bằng hữu của chúng tôi nay đã hưu trí và sống rải rác khắp nơi; người ít nhất cũng đã 70 tuổi. Hồi tưởng lại những năm tháng ở Viện, tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. 55 năm là quãng thời gian rất dài của cuộc đời mà tôi có cảm giác như mới ngày hôm qua. Quên sao được sự lưu luyến nhớ nhung đầy ắp trong mỗi chúng ta. Cho nên mỗi lần họp mặt ai cũng mừng rỡ, hàn huyên tâm sự và nhắc lại nhiều kỷ niệm dưới mái trường thân yêu ấy. Cũng nhờ các cuộc họp mặt được tổ chức khắp nơi như Huế, Sài Gòn, Mỹ Tho và mới đây là Vũng Tàu mà chúng tôi biết được nhiều thông tin của bằng hữu cùng khóa. Rất buồn khi các bạn Lê Văn Chính, Mai Thị Thú và Dương Sứ đã vĩnh viễn ra đi. Ở Huế còn lại 4 anh em thường xuyên gặp nhau là Hồ Đăng Kế, Như Lanh, Mạnh Quy và tôi. Lần họp mặt tại Mỹ Tho năm 2010, tôi cũng may mắn và xúc động gặp lại các bạn Hịch, Diên, Ngàn, Mầu và cô bạn gái xinh đẹp ngày trước Nguyễn Thị Thơ. Lần điểm lại những bạn bè một thời ngồi cùng một lớp, mỗi bạn đều có một cá tính, một cách sống khác nhau nhưng lại rất thương nhau và quý trọng nhau. Lê Văn Chính, người cao lớn lại hát cải lương Nam bộ rất mùi mẫn. Mai Thị Thú rất đoan trang thùy mỵ mang dáng dấp của người con gái xứ Huế. Dương Sứ ngang ngạnh, vui vẻ lại giỏi Anh văn, Võ Hữu Diệp ngồi bên cạnh tôi luôn luôn hòa nhã, chững chạc, chăm chỉ và sống rất mực thước, ra trường sư phạm về dạy ở Thừa Thiên, đi lính và sau năm 90 định cư tại Hoa Kỳ. Tôi, Nguyễn Mạnh Quy và Hồ Văn Xê thân nhau lắm. Nguyễn Mạnh Quy thích ca nhạc lại nhảy giỏi (sau này anh là vũ sư). Hồ Văn Xê vui vẻ, hòa đồng nên ai cũng thương và ưa kết thân. Đặc biệt Xê có tài hài hước cho nên khi lên sân khấu độc tấu hài ai cũng thích và được tán thưởng nồng nhiệt. Ba chúng tôi đã cùng các bạn nữ Minh Hương, Thúy Vi và Thơ đi dự trại hè tại Mỹ Khê- Đà Nẵng năm 1963 do Đại Học Huế tổ chức. Ấn tượng nhất trong trại hè này là chúng tôi, được tàu hải quân đưa đi thăm Cù Lao Chàm. Cuộc vui không được trọn vẹn khi trên đường về Huế xe chúng tôi bị tai nạn ở đèo Hải Vân. May mà không đứa nào bị thương tích gì trầm trọng. Hồ Đăng Kế người nhỏ con, có năng khiếu đàn violon và sau này cũng là một chuyên gia chỉnh đàn dương cầm (Piano). Cho đến nay tôi vẫn chưa được gặp Bửu, Hồng, Nghĩa sau mấy chục năm xa cách. Các bạn ơi, nhớ quá không biết các bạn ở đâu? Cũng rất vui khi gặp lại Lâm Khương Nhàn tại Vũng Tàu năm vừa qua. Nhàn cùng chị Tôn Nữ Thị Hiếu (khóa 3) tổ chức cuộc hội ngộ tại Vũng Tàu rất thành công. Nhàn luôn luôn hoạt bát, vui vẻ và rất chân tình đúng bản chất dân Nam bộ. Huỳnh Nổ vạm vỡ pha chút nông dân. Ngày anh em vào Buôn Mê Thuột chơi, anh chống gậy đến thăm rất là tình nghĩa. Nguyễn Kim giọng nói sang sảng của giọng Quảng Nam chính
gốc. Sau năm 1965, anh không đi học Sư
phạm Quy Nhơn, hiện sống ở Sài Gòn làm thơ và viết báo. Trương Như Lanh đi lại
nói năng chậm rãi, mực thước và nghiêm cẩn nên luôn luôn được anh em cử lễ bái
trong những dịp phúng điếu. Trương Khắc Hịch (anh của Trương Khắc Rê, cả 2 anh
em cùng học Viện Hán học Huế), hiện ở Bình Phước có đồn điền cao su, cuộc sống
khá thoải mái. Hồ Xuân Đán quê ở miền gió Lào Gio Linh- Quảng Trị nhưng
trắng trẻo, đẹp trai và học giỏi, ra trường khá thành đạt. Lê Phước Diên người
Phong Chương, Thừa Thiên có giọng nói ồm ồm nhưng rất dễ nghe. Diên tính tình
thật thà, dễ mến. Lê Văn Lan ít gặp, sống khép kín và lặng lẽ với gia đình ở
vùng Gia Hội, Huế. Ba người chị ngồi bàn trước cùng lớp là chị Thú, chị Hương
và chị Quế Chi. Hương và Quế Chi hơi mập, có mái tóc mượt mà xỏa quá vai tạo
nên khuôn mặt dễ thương, gợi cảm. Có lần tôi tỏ tình bằng cách ghép các chữ cái
của chị Hương và tên tôi viết lên bàn học, chị Thú cười mỉm và cho biết Hương
đã có người yêu đang du học ở nước ngoài. Tôi "quê" quá và xóa liền. Nguyễn Thị
Thơ nhỏ con xinh xắn, có đôi mắt buồn nhưng rất vui vẻ cùng Minh Hương, Thúy Vi
chơi rất thân. Minh Hương cùng Mạnh Quy là đôi bạn thân, đôi lúc có tình ý với
nhau nữa nhưng cuối cùng chỉ là bạn thân. Minh Hương nay đã có gia đình định cư
ở Úc. Thơ đang sống với gia đình ở Sài Gòn. Thúy Vi hiện sống độc thân ở Hoa
Kỳ. Một cô bạn gái khá đặc biệt là Minh Hoàng, tóc uốn ngắn và gọn gàng như đầu
tóc nam. Minh Hoàng ăn nói có duyên, miệng luôn cười và rất hòa đồng với bạn
bè. Thời đó các chàng trai ở Viện Hán học Huế mê Minh Hoàng lắm. Ai cũng tưởng
Bửu và Minh Hoàng sẽ là “cặp đôi hoàn hảo”. Ai ngờ! Bửu trước là phi công, sau
1975 anh định cư ở Mỹ, còn Minh Hoàng đang sống với gia đình con trai ở Phan
Thiết. Mộng Lan có gọi điện từ Mỹ về thăm tôi và bạn bè nhân dịp đọc bài của
tôi viết trong Đặc san 50 năm của Viện Hán học. Cảm ơn Lan, hình ảnh một cô gái
trắng trẻo, duyên dáng lại hiện về trong tôi: Nguyễn Thị Cốc người Sài Gòn
chính gốc, dáng gầy gầy, xương xương nhưng rất hoạt bát và vui tính, là người
năng nổ và nhiệt tình trong các lần hội ngộ anh em. Nhắc đến chị Phạm Thị Hảo,
tôi luôn ấn tượng vì là “hoa khôi” của lớp tôi và cũng là của Viện. Mũi dọc
dừa, cao cao rất cân đối lại con nhà khá giả. Trong giao tiếp, chị Hảo ít cười,
ít nói nhưng không phải vì thế mà cách biệt với bằng hữu. Nhiều bạn trai trong
lớp và trong Viện say mê lắm, thư tỏ tình gởi đến tới tấp. Cuối cùng chị Hảo đã
chọn vị thầy của chị và cũng là thầy của chúng tôi. Hiện chị Hảo và gia đình
đang định cư ở Mỹ. Chị Châu người Hoa, nhà ở đường Chi Lăng rất giỏi Hán văn và
cả Quan thoại nữa. Chị Châu chăm chỉ học hành, suốt buổi học không rời chỗ
ngồi, chăm chỉ nghe giảng bài… Và còn ai nữa của lớp mình không nhỉ? Ai còn, ai
mất tôi cũng không nắm hết. Xin chúc các bạn còn ở dương thế ai cũng hạnh phúc,
ai cũng may mắn! Xin dâng nén hương với tấm lòng thành tưởng niệm các bạn đã
khuất. Còn ai nữa xin các bạn cho biết tìm cách thăm nhau. Điểm mặt có điều gì
chưa chính xác xin các bằng hữu thứ lỗi cho. Và nếu các bạn hồi âm, tôi xin
điều chỉnh các sai sót của mình.
N.Đ.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét