Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Hai Chỉ Vàng - Thái Trọng Lai

                          Hai Chỉ Vàng

  PHONG TRÀO ĐÔNG DU do Phan Bội Châu tổ chức rất được sĩ phu hưởng ứng. Số du học sinh sang Nhật đã thành một lực lượng gây lo ngại cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương, nhất là Phan Bội Châu về nước quyên góp ở Nam Kỳ được hơn ba chục vạn đồng (tương đương thời giá 2.000 lạng vàng). Chính quyền Pháp ở Đông Dương bèn điều đình với chính phủ Nhật trục xuất số du học sinh ấy. Phần lớn số họ về kiếm sống lây lất ở Thái Lan. Một số khác co cụm ở Quảng Đông, Hương Cảng sống vất vưởng không nghề nghiệp ổn định, nương tựa lẫn nhau và rất thường chịu đói, nhất là về mùa đông. Hằng ngày các nhà ái quốc ấy lang thang tìm việc, chiều tối về tá túc trên các thuyền đậu ở bến sông để tránh tai mắt của Mật thám Pháp. Lạ một điều là tuy anh nào cũng ngủ đói nhưng sắc diện không giống nhau. Một sáng nọ, Đỗ Chân Thiết (sau này là nhân vật tích cực của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng bị kết án với cả nhóm) bấy giờ dậy sớm, loay hoay rửa ráy ở đầu thuyền, bỗng dưng hốt hoảng nhảy ùm xuống nước hì hục cả lúc lâu rồi trồi lên run lẩy bẩy. Người bạn đồng chí trên thuyền là Nguyễn Bá Trác kinh ngạc hỏi duyên cớ. Đỗ Chân Thiết lúc ấy đành thú thật rằng mình có hai chỉ vàng cột trong khăn lâu ngày, chẳng may bục chỉ rơi xuống sông lúc nãy. Nguyễn Bá Trác thở dài, thoái thác là mình đói quá không còn hơi sức tìm giúp bạn. Cái nhẫn hai chỉ đành nằm lại đáy sông. Đêm ấy Nguyễn Bá Trác suy nghĩ mông lung nhiều điều: hiện bao nhiêu nhà chí sĩ lưu vong đang đồng tâm đồng chí đeo đuổi mục đích đánh đổ thực dân Pháp, chưa nên tấm miếng gì, thế mà có kẻ chịu đói rét khổ sở, có kẻ cơm rượu phè phởn rồi về dối gạt bạn bè là được chiêu đãi. Có lẽ các đồng chí cư xử với nhau không mấy thật ý thật tình, thế thì mai kia đại sự cáo thành, quyền lực đạt được, chắc gì các đồng chí ấy còn giữ trong sáng được lương tâm? Nguyễn Bá Trác bèn quyết tâm chấm dứt quãng đường lưu vong phiêu lãng của mình, về nước đầu thú nhà cầm quyền. Ông làm báo chữ Hán, chủ bút phần chữ Hán tờ Nam Phong một thời gian rồi vào kinh làm việc ở bộ Hộ, leo dần đến Tổng đốc Thanh Hóa, Bình Định rồi bị giết trong Cách Mạng Tháng Tám.
Hai chỉ vàng thế là đã xoay chuyển chí hướng của một nhà chí sĩ.

(Thuật theo lời kể của ông Đốc học Lê Ấm (Người suýt làm nhạc phụ tác giả năm 1956))

Thái Trọng Lai






Không có nhận xét nào: