Chữ Nghĩa Làng Văn XXII
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Đế và Vua
Xưa nay chúng ta vẫn thường gọi “hoàng đế” là “vua”, từ vua trong tiếng Việt vừa chỉ quốc vương, vừa chỉ hoàng đế.
Thực ra cách gọi này không chính xác vì hai từ này có thứ bậc khác nhau vì hoàng đế có quyền phong cho người khác làm quốc vương nhưng ngược lại, quốc vương thì không.
Người xưng đế đầu tiên ở nước ta là Lý Bí và người cuối cùng là Bảo Đại.
(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)
Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo
Của tôi tôi để đầu hè
Bỗng dưng anh đến anh đè tôi ra
Kêu lên, xấu mẹ hổ cha,
Nín thinh, ướt của tôi ra thế này...
Họ các triều đại
Đa số ngời Viêt mang một họ trong số 16 dòng họ đã từng cai trị lãy lừng trong lịch sử. Theo thứ tự nhiên đai, đó là những họ Thục, Trưng, Triệu, Mai, Khúc, Lý, Phùng, Kiều, Ngô, Đinh, Lê, Trần, Hồ, Mạc, Trịnh và Nguyễn.
Riêng họ Nguyễn này trở nên thông dụng vì đời Trần Thái Tông
(1232), sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý, Trần Thủ Độ lấy lý do tổ nhà Trần tên Lý, đã bắt tất cả nhửng người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị, lẫn dân gian, phải đổi làm họ Nguyễn.
Con cháu nhà Mạc từ khi rút về Cao Bằng, đã đổi ra nhiều họ khác nhau, trong số có họ Nguyễn: Mạc Cảnh Vinh đổi thành Nguyễn Hữu Vinh.
(Tên họ người Việt – Nguyễn Vy Khanh)
Cơm vua, cơm làng
Cơm vua
Đầu tháng 5 năm 1886, Frédéric Baille vào hoàng cung chào vua Đồng Khánh. Chuyến thăm viếng được Baille kể lại trong Les Annamites (1898) có đoạn nói về chuyện ăn uống của nhà vua:
“Thường nhật, vua Đồng Khánh dùng (cơm) ba lần : sáu giờ sáng, mười một giờ trưa và năm giờ chiều. Mỗi bữa ăn có 50 món khác nhau. (Khải Định chỉ dùng 35 món ăn). Mỗi người lo nấu một món riêng của mình và khi chuông đổ thì trao cho đám thị vệ đưa qua đoàn thái giám. Các ông này chuyển đến năm cung nữ và chỉ có mấy nàng mới được hân hạnh quỳ gối hầu cơm đức vua.
(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Huy Tưởng: Không nên bắt chước - 1
Anh Nguyễn Tuân còn coi đó là cái đạo. Ai có cách viết nấy, đừng có bắt chước. Các cậu mới bắt đầu, nên tôi mới dặn thế, đừng tự ái, đừng buồn nhé? Như trẻ con thấy cái gì ngồ ngộ thì làm theo, mãi rồi thành thói quen mà không hay.
Tôi lấy ví dụ thơ Mayakovski (gọi tắt là Maia). Đó là thơ leo thang. Tại sao người ta leo? Một trong những lý do leo, có thể là ngôn ngữ của người ta là ngôn ngữ đa âm (polysyllabique), còn ngôn ngữ của mình là ngôn ngữ độc âm (monosyllabique).
Người ta cắt một chữ ra thì còn đọc được, thí dụ:
Mát – xcơ – va.
Còn chữ của mình làm sao mà cắt?
Thật là vô lý kỳ cục! Hao giấy vô ích!
(Xuân Vũ)
Chữ Việt cổ
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Ngủ móm: ngủ vùi
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Huy Tưởng: Không nên bắt chước - 2
Nếu hay, thì mình cũng có thể chấp nhận được, còn đằng này các cậu có thấy gì hay không? Đó là sự lập dị, phá phách chớ chằng phải tìm kiếm sáng tạo gì cả. Thơ hay là thơ có vần có điệu, nếu phá thể thì cũng vẫn có vần có điệu. Không ai hiểu được thơ leo thang VN. Nó lai căng, mất gốc và dị hợm.
Đó là chuyện nên tránh.
Lại nói xa hơn: Bắt chước tác phong. Các cậu chẳng lạ gì tác phong và văn chương của anh Nguyễn Tuân: nó đạo mạo, khinh bạc, và phớt (ăng lê) đời. Hồi trước cách mạng có kẻ bắt chước Nguyễn Tuân trong cách viết, cách ăn mặc đi đứng hào hoa, nhưng đều trở thành lố bịch. Còn bắt chước lối văn của anh thì càng kệch cỡm hơn.
Tôi ví dụ thêm cho rõ: Có vài người bắt chước Vũ Trọng Phụng tạo ra một Xuân Tóc Đỏ, và một lô nhân vật như cụ Cố, ông Phán mọc sừng, Tuyết, Văn Minh… nhưng chẳng ai thành công cả, trái lại, thất bại hoàn toàn.
(Xuân Vũ)
132 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tôi chính thức được tiếp xúc với Nguyễn Tuân khi dạy ở Đại Học Sư Phạm Vinh. Trường Vinh cử tôi ra đón Nguyễn Tuân vào nói chuyện về ký chống Mỹ. ấy là vào năm 1965, 1966 gì đó.
Xe đi từ sáng sớm, nhưng đến cầu Khuất thì phải dừng lại rất lâu. Cầu sắt bị phá. Người ta bắc cầu phao. Nhưng buổi sáng người ta phải dỡ phao cho thuyền bè qua lại. Vì thế mãi đến trưa xe mới đến đồi Kim Tân. ở đây có một hàng bán miến gà. Xe dừng lại để ăn trưa. Nguyễn Tuân không ăn, tuy tôi bảo nhà hàng làm cho một bát miến gà đặc biệt (Hồi chiến tranh chỉ có loại miến làm bằng bột đao, nhưng vào thời ấy, thế là đã sang lắm rồi). Ông lấy trong túi ra gói cơm nắm, xắt ra mấy lát, ăn với ruốc. Sau đó lấy bi đông rượu rót ra cái nắp uống.
Cuộc đi này, tôi thấy Nguyễn Tuân biết nhiều chuyện, nào là các làng nghề chung quanh Hà Nội (làng này chuyên chữa kính, làng kia chuyên cắt tóc, làng nọ chuyên làm thợ may...), nào là những nhân vật có tiếng ở xã này, huyện nọ... Và ông hay đố chữ. Nhờ Nguyễn Tuân hôm ấy tôi mới biết được, tiết canh đánh giỏi là “tiết canh xâu lạt”, người theo đạo Thiên chúa mà bỏ đạo, gọi là “dở người”. Thí dụ “ông tôi đã dở người”, “Nam Cao đã dở người”...
Trường Đại Học Sư Phạm Vinh lúc ấy sơ tán ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Khi xe chúng tôi về đến nơi, thấy ban giám hiệu đều có mặt ra đón long trọng lắm, sau đó bầy tiệc lớn chiêu đãi. Tôi thấy Nguyễn Tuân không có vẻ mặn mà gì, ông chỉ gắp vài miếng trứng tráng. Từ hiệu bộ, tôi đưa Nguyễn Tuân về khoa văn ở một địa phương gọi là Thạch Yến. Trần Văn Hối, phó chủ nhiệm phụ trách sinh hoạt, thủ sẵn một chai vang ngoại đợi Nguyễn Tuân vào thì đưa ra. Trông thấy chai vang, Nguyễn Tuân nói: “Rượu đàn bà, uống làm gì!”.
(Chân dung Nguyễn Tuân – Nguyễn Đăng Mạnh)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau.
Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường.
Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.
“Nem boa bửa không tém một bửa”
(câu trên người Bình Định, Quy Nhơn
đọc số phone: 537-0817)
(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)
Chữ và Tiếng Nói
Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hình thức văn hóa của dân tộc. Vấn đề chữ và tiếng nói, ngôn ngữ văn tự, đối với chúng ta cần đặt lên hàng quan trọng lúc viết. Người viết văn phải am tường “chủ nghĩa tiếng nói”. Vì “chủ nghĩa tiếng nói” tham dự vào sự quyết định thành công trong sáng tác.
Bạn tưởng mình có thể viết hay? Tôi không bao giờ chế giễu nhiệt tình của bạn, khi bạn nói chuyện đề tài và cốt truyện bạn định viết. Ai cũng khuyên bạn nên viết, vì đề tài và cốt truyện của bạn rất hay. Nhưng khi viết ra thì chao ôi, lại không hay như lúc bạn kể. Bởi vì chữ nghĩa của bạn dùng để thể hiện không điểm trang nổi hình tượng nhân vật, không đặc sắc. Văn không có màu vẻ riêng.
Những khi mới nếm thất bại, tôi thường không hiểu vì đâu, tôi chán nản mất tin tưởng. Lại đổ người ấy người nọ không thích mình nên chê mình. Tôi không chịu nhìn chữ nghĩa đã tạo cho sự thất bại của tôi. Về sau, có kinh nghiệm hơn, hiểu được vấn đề hơn. Ngôn ngữ Việt Nam thường dai sức và điêu luyện. Sống chen giữa những dân tộc to lớn, bị đô hộ hàng nghìn năm, nhưng tiếng nói Việt Nam đã có “sức kháng cự mãnh liệt trước những đe doạ đồng hoá” và vẫn phát triển phong phú sắc thái dân tộc.
Và trong lịch sử văn học mới, một ngành rất trẻ như ngành tiểu thuyết nhìn lại lúc nó mới phát triển rộng, quãng từ năm 1930 tới bây giờ thật đã bước một bước tuyệt dài. Từ những lời văn đối chọi biền ngẫu lúc đầu đến truyện của nhóm Tự lực văn đòan mà lời lẽ làm giầu có tiếng nói, đưa tiếng nói văn học. Sử dụng ngôn ngữ là do khả năng mỗi người viết, nhưng chúng ta đều thấy rõ, càng ngày ngôn ngữ càng thuần thục, nhuần nhuỵ.
Có cách học chữ và tiếng nói. Mỗi người viết văn tự luyện một cách học khác nhau. Còn nhớ, thuộc bài ghi vào sổ tay, là tuỳ cách mỗi người. Khi còn nhỏ, tôi ở bên làng ngoại. Bà ngoại tôi hay kể chuyện. Bà tôi kể đi kể lại trong làng chỗ nào có ma, nhiều câu nói, việc làm bà tôi kể dù nghe lại bao nhiêu lần vẫn thích, vẫn nhớ từng câu đến tận giờ. Trong đời người ở quãng thiếu niên ấy, nhữg chuyện kể nghe được, đã ảnh hưởng đến trí nhớ và sức tưởng tượng ở người viết văn lại càng rõ. Những người thân xung quanh đã đậm sâu tới đời văn sau này của mỗi người. Đó là những tiếng nói đầu tiên...
(Sổ tay viết văn – Tô Hòai)
222 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27.2.1917 tại Hà Nội. Mất ngày 12.9.1986 tại Minneapolis, Hoa Kỳ.
Tác phẩm: Kịch: Hậu trường, Giao thừa, Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn, Ga xép, Ngộ nhận, Thằng cuội ngồi gốc cây đa (Lộng ngôn), Mơ Hương Cảng (tùy bút)
***
Năm 1953, tôi học Đệ Thất trường Chu Văn An Hà Nội, năm 1954 di cư vào Sài Gòn học ba năm Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ trường Nguyễn Trãi. Sau kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi lại trở về trường Chu Văn An năm 1957 học ba năm cuối cùng Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất và rời trường năm 1960. Lớp Đệ Tam B2 nằm ở lầu hai ngay cầu thang. Cứ mỗi lần kẻng báo hiệu giờ học thì cả thầy lẫn trò đều cùng từ dưới nhà leo cầu thang lên lầu.
Một tuần hai ba lần tôi bước sau thầy Vũ Khắc Khoan, dáng người thấp nhưng vạm vỡ, khuôn mặt như tượng đồng, mái tóc hơi gợn sóng. Thầy không dạy lớp tôi, nhưng tôi đoán thầy chẳng bao giờ cười. Cứ mỗi lần đi sau thầy trên cầu thang, tôi lại nghĩ “Đây là ông Thần Tháp Rùa, đây là người đợi Giao Thừa.”
Trong tập truyện Thần Tháp Rùa có truyện Trương Chi, trong “Trăm Hoa” có truyện “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh” tác giả Phùng Cung. Quả thật hồi đó tôi chỉ lờ mờ thấy hình như hai truyện này có một điểm nào đó giống nhau mà không thể nào nêu ra được. Hai tác giả sống ở hai miền dưới hai chế độ tương khắc tương tranh, cả hai không quen biết nhau mà sao tư tưởng gặp nhau. Từ đó về sau, cứ mỗi lần nhớ đến thầy Khoan là tôi liên tưởng đến Phùng Cung nhưng tôi vẫn chưa hiểu được sự giống nhau về tư tưởng; cho đến khi sau 1975 thì mọi sự sáng tỏ.
(Nhớ thầy Vũ Khắc Khoan - Ðào Ngọc Phong)
Đã có một thời…
Lê Xuyên
Để cho anh được sống lại với những kỷ niệm cũ, tôi kể lại một buổi sáng sớm vào khoảng năm 1971-72, sau một đêm đánh chắn với vợ chồng ông chủ báo Kịch Ảnh đường Cống Quỳnh, tôi lái xe về nhà. Qua đường Lê Lai, tôi thấy Lê Xuyên cúi đầu đi trên hè phố. Tôi đậu xe sát lại, Lê Xuyên vẫn chưa thèm nhận ra là xe của ai. Tôi bóp còi, lúc đó anh mới ngước lên nhìn và toét miệng cười. Ít khi ông Lê Xuyên cười lắm. Tôi đẩy cửa xe, thò đầu ra hỏi :
– Ăn sáng chưa ?
– Chưa… gì hết trọi, có tiền đâu mà ăn.
– Lên đây, tôi đưa ông đi ăn sáng.
Leo lên xe, anh hỏi thẳng :
– Đêm qua được hay thua ?
– Được.
– Nhà không còn một xu, tui để tiền trong túi cũng hết luôn.
Tôi cười và hiểu cái sự “hết tiền trong túi” của anh dù mới lãnh lương. Móc trong cóp xe, tôi chia cho anh một nửa số tiền được bạc đêm hôm qua và dặn dò rất kỹ:
– Mang về toà soạn cất vào ngăn kéo để tiêu dần đấy.
– Ừ, tốt. Ông ăn sáng chưa, cho tôi đi với. Lâu rồi không được ăn đồ Tây.
Tôi cười :
– Ra Givral hay Brodard, ông thích chỗ nào.
– Đâu cũng được.
Chúng tôi ra Givral, sáng sớm tinh mơ chỉ có hai bàn có khách. Tôi gọi mì jambon là món “đặc sản” ở đây còn Lê Xuyên gọi omelette jambon ngồi nhai bỏm bẻm lấy làm thú vị lắm. Ăn xong tôi bảo ông có tiền rồi, lấy xe taxi về toà soạn.
(Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời – Văn Quang)
Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa
Văn Quang viết tiếp:
“Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết.”
Ngoài giới văn nghệ sĩ ‘khách quen’ như trên, tất nhiên trong La Pagode còn thường có một số khách khác, như khách du lịch quốc tế, quân nhân, công tư chức và các bạn trẻ. Có điều là, như một nhà văn đã ghi nhận, cũng lai rai có hiện tượng ‘làm dáng trí thức’, như trên tay một số khách vào quán thường lấp ló những đầu sách – cả nguyên bản lẫn sách dịch – đang hot, đang gây nhiều tranh cải thời ấy, như ‘Hố Thẳm Của Tư Tưởng’ của Phạm Công Thiện, ‘Tropic Of Cancer’ của Henri Miller, ‘Zen Buddhism’ của D.T.Suzuki, ‘Dịch Hạch’ (tiếng Pháp: La Peste) của Albert Camus… Hay ít ra cũng là những tạp chí, tuần báo, nguyệt san Anh ngữ, Pháp ngữ thời danh như Times, Newsweek, L’Express, Salut Les Copains… mà có lẽ người ta vừa mua ở Book Shop, tiệm chuyên bán sách báo ngoại quốc gần ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh, tức cách La Pagode chừng 400m.
(Phạm Nga)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, cũng là Nguyễn Thứ Lễ.
Thứ Lễ nói lái thành Thế Lữ: Người khách phiêu du trên trần thế.
Ông dùng bút hiệu Lê Ta, vì Lễ = Lê ngã, Ngã chữ nho là “ta”.
Đôi khi ông lấy tên Lê Tây để đùa.
Có một câu đối dùng bốn tên của ông, chưa ai đối được, đó là:
Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ
Một quả lê tây, một quả lê ta.
Thế Lữ ở Thái Hà Ấp, Hà Nội. Lớn lên ở Lạng Sơn, là nơi rừng núi âm u, nhiều sắc dân miền núi, nhiều chuyện ma rùng rợn, người lớn. 1929 lên Hà Nội lần thứ nhất, vào học trường Mỹ Thuật, được một năm rồi bỏ, vì ý muốn viết văn.
Thế Lữ viết Một cuộc báo thù ghê gớm, Tiếng hú hồn của mụ Ké, Tiếng nói thầm của người chết do những xúc động khi ở Lạng Sơn. Ra cuốn sách đầu tiên Một chuyện báo thù, ký tên Nguyễn Thế Lữ, rồi cuốn truyện ngắn thứ hai Tiếng Hú Hồn. Về Hải Phòng, nhớ lại chuyến đi thăm chùa Hang ở Đồ Sơn, viết Vàng và Máu.
Cũng năm đó, Phong Hoá của nhóm Nguyễn Tường Tam ra đời, Thế Lữ có cảm tình ngay với tờ báo có phương hướng rõ ràng này, muốn hợp tác.
(Phạm Thảo Nguyên - Bếp Núc của Tự Lực Văn Đoàn)
Tàu
Tàu : chuồng nuôi súc vật
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chữ và nghĩa
Rất nhiều từ ngữ mà chúng ta cho là của người trong nước sau 75, thực ra là của Việt Nam trước đó. Vậy tiếng nào là tiếng của người Việt trước hay sau 75?
Cảnh báo - “cảnh báo” và “báo động” được dùng ở cả hai miền. Thí dụ Miền Nam: Việt-Pháp Từ điển Ðào Ðang Vỹ viết: “Cảnh báo” : signaler, avertir. Tân Ðại Tự điển Việt Anh Nguyễn Văn Tạo: “Cảnh báo: alarm.” Chính xác hơn, cảnh báo là báo trước nguy cơ có thể tới để đề phòng; báo động là báo khi nguy cơ bắt đầu xảy ra để tránh thoát.
(Tâm Thanh – Chiêu hồi ngôn ngữ)
Tự vị tiếng Việt miền Nam
Về ngôn ngữ, cụ (Vương Hồng Sển) phản đối thống nhất quá đà, đến mức muốn mọi người phải nói một “giọng của người đắc thắng nhất thời”: chớ không phải bo bo mà gọi là “nói tiếng thống nhất” được. Nói có một giọng, dùng có một chữ duy nhất, tỷ dụ nói “thư” bỏ chữ thơ, hoặc nói nhất, không cho dùng chữ nhứt, vân vân, theo tôi, ấy là làm nghèo cho tiếng nói chớ không còn thống nhất nữa.” (tr. 479-480)
Cụ chê “trại cải tạo” là một chủ trương dối trá. Phân biệt phòng và trại, cụ dẫn Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ rằng “trong đẳng, sau khi bị treo giò, mất tín dụng người cán bộ nào được ở lại nằm lì nằm co một chỗ tại phòng tiếp tân của trung ương cơ quan mình thì gọi là “phòng’, anh nào vô phúc hơn, phải xách ba lô vào cải hối thất thì gọi là “trại”. Cả hai đều với mục đích trau giồi tư tưởng, lọc bỏ lỗi lầm cũ, nhưng ở “phòng” thì còn danh còn nghĩa, chứ đến “trại” thì đã là tù” (tr. 529).
Nói thêm: Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam ghi nguồn là Việt Nam Máu Lửa trang 174, nhưng thực ra là các trang 172-173). Cần lưu ý Nghiêm Kế Tổ là một nhân vật lẫy lừng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, còn Việt Nam Máu Lửa (nxb Mai Lĩnh, 1954) là cuốn sách chống cộng. Và có phải ngẫu nhiên khi không cụ Vương muốn minh định nghĩa của chữ trại, là “trại tù”, trong khi nhà nước luôn luôn nói đó chỉ là “trại cải tạo”?
Đây là một cuốn sách tra cứu, sắp xếp theo kiểu từ điển, cho nên ý kiến của tác giả chỉ ngắn gọn, rải rác và không hệ thống. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc kỹ, cũng có thể thấy phần nào quan điểm của cụ Vương. Việc cho in cuốn sách này có lẽ là do người canh cửa của nhà xuất bản Văn Hóa sơ xuất, không ngờ tác giả lại cài những lời lẽ “không hợp thời” hơn là do họ có tư tưởng cởi mở.
(Cái nhìn của Vương tiên sinh về chế độ mới - Văn đoàn Việt)
Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên - 1
Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên
Gia Định báo có khổ giấy
25x32cm, giá 0,97 đồng/tờ,
phát hành vào thứ 3 hàng tuần.
Lịch sử báo chí Việt Nam bắt đầu với sự ra đời của Gia Định báo vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Ban đầu, Gia Định báo có mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của người Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm Giám Đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử...
Gia Định báo góp phần cổ động việc học chữ Quốc Ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.
Đường D'Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay), một trong những địa chỉ từng in tờ Gia Định báo
(SNG Paris – Một tài liệu hiếm)
Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên - 2
Nông Cổ Mín Đàm
Nông Cổ Mín Đàm nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn" là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corse, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm, chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt.
Nông Cổ Mín Đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ Quốc Ngữ. Số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kỳ. Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản. Đây được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ.
Nói lái với câu đố
Cái gì bằng ngón chưn cái mà chai cứng
(ngón chưn cái)
Sài Gòn một chút quán xá
Quán Givral, Brodard
Grival Brodard
Tản bộ trên đường Catinat, từ nhà thờ Đức Bà tới bến Bạch Đằng, nhìn ngắm các cửa hiệu sang trọng thời thượng dọc con phố. Và Passage Eden, rất nên gọi là “Hành lang đi bộ” chính diện nhìn ra đường Catinat. Passage Eden gồm trong đó: bát phố; xem chiếu phim – trong rạp Eden giữa lòng hành lang; mua sắm; ăn kem uống cà phê ăn tối ở quán Givral liền bên…
Ra vào Passage Eden nhiều lối, ưa thích ra vào lối nào cũng được. Anh tôi dẫn tôi vào lối cửa ở đường Charner, rồi đi vòng qua Bonard, rồi ra cửa Catinat… Rồi chúng tôi ghé hiệu sách Albert Portail – sau có tên là Xuân Thu – sát cạnh đó, toàn là sách từ bên Tây đưa sang, tha hồ mà đọc mà ngắm.
Rồi với bạn học cùng lớp cùng trường Chu Văn An, Trường-Trung-Học-Di-Chuyển- Bắc-Việt (có ghi ở bảng hiệu của trường như vậy, vì trường cũng di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn) đi chơi và chụp ảnh lưu niệm Sài Gòn.
Bất cứ buổi sáng chủ nhật nào, góc thân thuộc nhất, tập trung nhiều nhất các “bác phó nhòm,” chính là quảng trường trước mặt quán Givral. Mái hiên cong kiều diễm của quán Givral, và con đường Catinat thẳng tắp, với hai hàng cây hai bên chạy dài ngút mắt, đã đi vào không biết bao nhiêu tấm ảnh lưu niệm Sài Gòn. Hoặc những tấm ảnh của cả gia đình, lưu niệm ngày đi mua sắm ở thương xá Charner; buổi dùng bữa cơm Tây ở một nhà hàng Pháp trên phố Bonard…
(Sài Gòn của tôi 50 năm trước – Nguyễn Đạt)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đời là bể khổ.... Qua được bể khổ.... là hết đời
Ai đã đặt tên cho các đường phố Saigon trước 1975
Trong những năm làm việc tại tòa Đô Chánh Saigon, tôi có dịp góp phần trông coi việc xây dựng và tu bổ đường xá. Hàng ngày họp với các ông cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.
Bao nhiêu năm lịch sử của thành phố, hầu hết đều có tên Tây:
Boulevard Charner
Boulevard Galliéni
Boulevard Norodom v.v
Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho chính phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Để đánh dấu việc giành độc lập từ tay người Pháp, toà Đô Chánh Sàigòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Trong lịch sử của các thành phố có bao nhiêu lần đổi tên hàng loạt toàn bộ các con đường như thế này? Có lẽ vô cùng hiếm hoi.
Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Chỉ nghĩ đơn thuần, khi dùng tên vua “Trần Nhân Tôn” và tướng “Trần Hưng Đạo” để đặt tên cho 2 con đường thì đường nào to và quan trọng hơn? Câu hỏi như vậy không đơn giản, huống chi cân nhắc cho ngần ấy con đường trong một thời gian gấp rút thật không dễ.
Lúc bấy giờ công việc này được giao cho ty Kỹ Thuật mà phòng Hoạ Đồ. May mắn thay cho thành phố có được nhà văn Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, có bằng Cán Sự Điền Điạ lúc ấy đang giữ chức trưởng phòng Hoạ Đồ.
(Nguyễn Văn Luân)
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước năm 1975
Tại sao những người viết văn năm ấy đang còn trẻ là bọn chúng tôi lại chú ý đến mảng văn học đó? Nếu có người hỏi như vậy, chính tôi cũng sẽ lúng túng và nói bừa rằng thích thì làm vậy. Rồi người ta có thể kể người này có biết gì đâu, chẳng qua học đòi; người kia lúc nào cũng kín kín hở hở khoe rằng mình đã đọc để làm dáng... Tất cả những cái đó có cả. Thế nhưng ngồi nghĩ lại ở đây còn có một cái gì sâu xa hơn mà dần dần trong thời gian nó mới bộc lộ. Có thể, vâng, tôi lờ mờ cảm thấy không chừng những con người đó và những cuốn sách đó sở dĩ có sức thu hút với bọn tôi là vì những lẽ vừa xa xôi vừa thiết thực. Trong sự chờn vờn có có không không lẫn lộn, “nó” giống như một thách thức mà khi nghĩ tới, thúc đẩy chúng tôi làm tốt hơn công việc trước mắt. Bằng cách đưa ra những trang viết khác hẳn chúng tôi đang viết, “nó “ gợi ý về những việc có thể làm, nhớ lấy rồi ra lúc khác sẽ làm.
Ấy là không kể -- điều này thì chắc chắn chứ không còn nghi ngờ gì nữa --, “ nó “ mở ra cho chúng tôi một chân trời mới về kiến thức văn học và thức dậy những ham hố phiêu lưu. Đại loại đó là sự tò mò của tuổi trẻ hoặc cái khao khát được sờ vào những trái cấm. Mà… tuổi trẻ bao giờ chẳng thế, trách chúng tôi thì “trách cả nhân loại “!
Gần như cả giới văn chương trẻ Hà Nội biết điều đó. Cứ nghĩ rằng nếu lân la tìm đến ngôi nhà 16 Hồng Phúc sẽ được ngó ngàng vài số tạp chí từ trong kia mang ra, lòng đã run rẩy và có phải đi xa mấy để đọc cũng chẳng ai thấy ngại.
(Khuyết danh)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nhà cầu, cầu tiêu, cái bào
Khi xưa ở thôn quê miền Nam, người ta cất nhà cầu dọc mé sông, dẫn tới nhà cầu là cây cầu nhỏ, thường là cầu khỉ hay cầu ván. Vì vậy người ta gọi chổ ỉa đái, cái chòi nho nhỏ đó là nhà cầu. Đi ỉa đi đái nói là đi cầu. Ở đồng ruộng thì người ta nói đi đồng.
Tới khoảng những năm 1950 tôi còn thấy dọc theo mé sông cầu Rạch Ông, cầu Nhị Thiên Đường và cầu Ba Li Cao trong Chợ Lớn còn có nhà cầu công cộng cất đưa ra sông. Ai có nhà cất sát mé sông thì có nhà cầu riêng.
Ở Bào Sen, Chợ Quán lúc tôi còn nhỏ, hai xóm sau nhà tui có cái bào. Ở đó củng có một nhà cầu công cộng. Lúc đó vài gia đình có nhà cất dọc theo cái bào đó, còn nghèo không có cầu tiêu.
(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
thuần dưỡng 馴 養
Sau khi giảng giải rằng, thuần = đều một loạt, không tạp nhạp; và dưỡng = nuôi, soạn giả rút ra định nghĩa: thuần dưỡng là làm cho thú rừng trở thành thú nuôi. Ông đã giảng sai về từ tố thuần. Với nghĩa như thế thì từ tố thuần chắng dính dáng với nghĩa của từ thuần dưỡng cả. Chữ thuần ở đây nghĩa là dạy cho động vật hoang dã quen với điều kiện sống do con người tạo ra.
Như vậy, thuần dưỡng nghĩa là nuôi và dạy cho động vật hoang dã quen với điều kiện sống do con người tạo ra.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu
Nguyên nhân làm cho một số thành ngữ, tục ngữ trở nên khó hiểu là phương thức cấu tạo chúng đã không còn được nhận ra nữa nên làm cho người ta cảm thấy chúng có vẻ kỳ quặc hoặc bí hiểm. Chẳng hạn: “nghèo rớt mồng tơi”; “già cóp bình thiếc” (mà ngày nay nhiều người nói thành “già cúp bình thiếc”; “say quắt cần câu”; “mê tít thò lò”; v…v…
Những thành ngữ trên đây sẽ trở nên dễ hiểu nếu người ta biết rằng chúng được sản sinh do nhu cầu tạo ra sắc thái hài hước bằng cách phối hợp với một số yếu tố thực tế không có liên quan gì với nhau về mặt ngữ nghĩa. Xin phân tích một thí dụ. Trong “say quắt cần câu”, chẳng hạn, thì “quắt” vừa miêu tả vừa nêu lên mức độ cao của “say” ; “Say quắt” là say đến quằn người lại cong như cái cần câu bị cá đớp mồi mà kéo xuống.
Trong thí dụ vừa phân tích ở trên, sắc thái hài hước vẫn còn hoàn toàn rõ ràng nhưng ở một vài thành ngữ cùng loại thì sắc thái đó khó lý giải về mặt ngữ nghĩa, thí dụ: nghèo rớt mồng tơi. Thành ngữ này cũng được tạo ra bằng phương thức y hệt như “say quắt cần câu”. Do đó mà câu hỏi “nghèo rớt mồng tơi“ là nghèo như thế nào? sẽ không bao giờ trả lời được.
Đối với một phương thức mà mục đích là tạo ra sắc thái hài hước bằng sự phi lý (cái cần câu mà lại liên quan đến sự say xỉn, cây mồng tơi mà lại liên quan đến sự nghèo túng, cái bình thiếc mà lại liên quan đến sự già cỗi, …) thì tất nhiên không có cách nào giải thích kết quả của nó bằng sự hợp lý được.
(Phan Trọng Hoa – Thành ngữ, tục ngữ khó hiểu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét