Tội Tình
Viết cho chị, hơn phân nửa đời người ở đợ nơi quê xưa, đã không còn trên đời này
Vào Đệ Thất, anh lên tỉnh trọ học, nhà nghèo, ở tận một xã xa dưới quê, ba mẹ làm ruộng mướn, không quen biết ai. Cũng may, hôm ba anh xuống dưới quận tính chuyện trả tiền trả lúa cho chủ, gặp một ông bác cũng tới trả nợ, người bên xã trong, hỏi han hoàn cảnh nhau. Bác có người cháu bà con, đang học lớp Đệ Tứ trên đó, chỉ chỗ anh này ở. Ba anh nhờ vậy, mừng quá, mừng đến nổi cứ run run cầm tay bác cám ơn không biết bao nhiêu lần. Trước ngày khai trường mấy ngày, hai cha con đón xe đò thật sớm lên tỉnh, chỗ ông bác chỉ cũng dễ tìm, ngay mặt đường lộ, đi bộ tới trường trung học chừng hơn hai ba trăm thước.
*
Nhà trọ, chỗ anh ở, một căn nhà lợp tôn, tường ván còn tốt, khang trang, nằm cách lề bởi cái mương dài chạy dọc theo đường, có khoảng sân đất cát trắng, phía sau là khu vườn cây vú sữa, bao quanh ngôi nhà ngói lớn, mái âm dương, bề thế của bà Bảy Hiền. Bà tuổi già, sống một mình, tu tại gia, cất cho đám học trò quê xa lên ở trọ nhiều năm rồi, không lấy tiền, hết lớp này tới lớp kia. Trong nhà, có bốn người, người nào cũng học trên nhiều lớp, có anh sắp thi Tú Tài Một năm này, anh là thằng nhỏ nhất. Nhà có điện hẳn hoi, sáng hơn cây đèn dầu leo lét dưới nhà quê. Thấy thương anh một mình, tội nghiệp, mấy anh lớn an ủi, vỗ về chút chút vậy thôi, chứ không biết làm gì hơn. Họ cũng nghèo, cơm bữa chao bữa tương, dưa leo dưa chuột, chia nhau miếng khô miếng tép. Ba mẹ anh cũng lên thăm, đón về năm ba lần, chắt chiu mang lên mớ cá mớ tôm kho quẹt, anh em chia nhau, rồi dần dà quen. Thứ Bảy Chủ Nhật, anh theo mấy anh lớn, đón xe về nhà. May mà cả đám đều cùng một đường dưới đó, chỉ khác là người xuống trước xuống sau nên anh không còn lo còn sợ nữa.
Chị ba Thắm, người ở cho bà Bảy Hiền, chắc cũng hai mươi, dễ thương, vui tính. Chị hiền lắm, ăn nói nhỏ nhẹ, mỗi sáng đi chợ, ngang qua sân nhà, thấy anh đứng loanh quanh chờ tới trường, đều tới hỏi đủ chuyện, từ chuyện nhớ nhà, chuyện đi học tới chuyện ăn uống, một hai ân cần dặn, nếu cần gì thì vào nhà trong kêu chị, chị giúp cho. Cứ hai ba bữa, chiều chờ mấy anh em đi học về, chị mang ra cho thêm mấy cái hột vịt, hủ chao hủ tương, cải chua dưa muối, đôi khi cái bánh, miếng kẹo. Riết rồi thân, rồi mến, thấy anh nhỏ, trọ học xa nhà tội nghiệp, chị giặt cả quần áo cho luôn. Chiều chiều anh vào nhà trong, hai chị em ngồi bên nhau, cười đùa luôn miệng. Cứ vậy mà về nghỉ hè bãi trường, xa chị, nhiều lần nhớ anh khóc.
Mấy anh lớn ở nhà trọ, những năm sau lần lượt bỏ đi thì hai ba anh khác đến, căn nhà vẫn vậy. Anh lên lớp, lớn hơn nhưng chị Thắm cứ lo cho y hệt như ngày mới lên tỉnh học. Anh thương chị không ít, cũng phải, vì thiếu tình thương người chị. Cuối năm Đệ Tứ, nghe lời ba mẹ, anh chuyển về dưới trường trung học quận mới mở hơn một năm nay, gần nhà, đi về cũng tiện, ông bà đở lo tiền nong gạo thóc.
*
Hôm từ giã chị Thắm, cũng là ngày cuối năm học, vào Hè, bãi trường, buổi sáng hai chị em dắt nhau ra chợ tỉnh, chị đãi anh ăn một bữa hủ tiếu tôm thịt, ly chè sâm bổ lượng đầy ém, dặn nhớ ráng học, “khi nào rảnh lên thăm chị nếu còn nhớ”. Buổi trưa, chị ra đứng bên đường, chờ xe đưa anh đi, cho anh gói quà, bộ đồng phục nam sinh, quần xanh dương áo trắng, chị may vài tháng trước, định để dành tặng anh năm tới. Anh cầm mà rươm rướm nước mắt. Xe tới, anh lên xe nhìn xuống, đứng dưới ngó lên vẫy tay, chị che mặt khóc.
Mấy năm sau, cảnh nhà ngày thêm chật vật, ba anh già yếu, mẹ anh cũng không khá hơn, sức người mòi mỏn chuyện cày sâu cuốc bẩm. Đi học thì thôi, về nhà anh cũng dầm mưa dãi nắng, theo ông ra ruộng ra sông, cắm câu giăng lưới, bất kể ngày nghỉ ngày hè. Nhiều lần anh muốn lên tỉnh, hẹn lần hẹn lựa nhưng vẫn chưa được dù cho có muốn lắm. Anh vẫn nhớ lời hứa nhưng chưa lần nào trở lại tỉnh từ dạo đó.
*
Từ căn cứ Đồng Tâm, sau khi xuống thăm người bạn Hải quân về, trời còn sớm, nắng rưng rức nóng, từ mấy cánh đồng trơ xác rạ xa cuối làng đứng gió. Khi tới ngã ba Trung Lương, chỗ sạp quán, người bán người buôn đủ loại trái cây dọc hai bên, thì xe đò xe hàng nối đuôi, kẹt cứng ngay ngả đường vào Mỹ Tho. Mấy chị, mấy bà bán hàng từ phía đầu trên chạy xuống, hớt hơ hớt hãi la lớn “xe đụng chết người”. Cả khu nhốn nháo chỉ chỏ nói qua nói lại, chật cứng trên đường. Tấp xe vào đậu phía sau, người tài xế ngồi yên, lấy thuốc ra hút, anh bỏ xuống, len vào đám đông tới phía trước, chỗ xảy ra tai nạn.
Một chị bán hàng xem ra rành chuyện, cho biết, người bị xe đụng là chị có sạp bán mận, bán chôm chôm gần bên sạp mình, chưa có chồng, lúc vội chạy theo chiếc xe đò lớn về Mỹ Tho, đưa túi đụng mấy ký mận cho người khách ngồi trên xe chờ, bên kia lề. Chị lấy tiền xong, băng lẹ qua đường lại, không nhìn trước nhìn sau, chiếc xe đò nhỏ cũng về hướng Mỹ Tho, chạy giành đám đông khách đứng chờ phía trên xa, phóng vụt vượt qua bên hông, thắng không kịp, đụng chị ngã sấp xuống, máu me tùm lum. May nhờ có mấy người lính chạy Honda về dưới tỉnh, gọi xe cứu thương giùm, đang chờ họ lên. Bạn hàng không biết làm gì, đứng chung quanh nhìn, than trời trách đất, không dám động đậy.
Tới nơi, chiếc xe đò loại nhỏ đậu chắn ngang giữa đường, anh chen đám đông bu quanh, đi lên xem thử. Anh chết trân, nghẹn ngào, ngồi quỵ xuống “trời ơi, chị Thắm, chị Thắm ơi”. Trên vũng máu đọng tím bầm, chưa khô, chị nằm cong queo, mắt nhắm nghiền, thân người không động đậy. Xe cứu thương, xe cảnh sát từ Mỹ Tho lên tới, nhận ra anh, họ vội vàng chào. Anh nói với họ gì đó, họ gật đầu đứng chờ. Hai người y tá khiêng chị lên xe, anh lên theo. Hụ còi lớn, xe cứu thương vụt chạy đi, anh ngồi bên cạnh, cầm tay chị, nước mắt lăn dài trên má.
*
Chừng hơn hai năm, sau ngày anh về dưới trường quận, bà Bảy Hiền mất, người cháu bà con trên Đà Lạt về lo đám tang. Họ đem hỏa thiêu rồi mang tro cốt vào gởi trong ngôi chùa cổ xưa ngoài ngoại ô tỉnh. Chị Thắm, phận người ăn người ở, không muốn cũng phải chịu, họ bán căn nhà ngói và nhà tôn ngoài đường mà bà cho đám học trò ở trọ. Chị rời tỉnh về lại quê cũ, gần Long Định. Cũng như chị, đám học trò tản mác, lo thân đi ở đâu đó. Với chị, hôm bỏ tỉnh đi, đã không còn nghĩ tới chuyện gặp lại anh như lời chị dặn “lên thăm chị nếu còn nhớ” trong buổi sáng ngày đó đưa anh đi bên lề đường.
Về Long Định, với số tiền dành dụm từ những năm ở với bà Bảy Hiền, nghe lời người dì họ, cũng già lắm rồi, chị sang lại cái sạp nhỏ bán trái cây trên ngã ba Trung Lương. Mới đầu chưa quen nhưng dần dà khá hơn, khách qua đường, khách đi xe lên xuống tới mua cũng khá đông, chị vui mà quên chuyện cũ, chuyện vui buồn của kiếp đời ở đợ. Người bán hàng chung quanh, kế bên đều thương đều mến vì chị ăn nói nhỏ nhẹ, nhường khách nhường phần, tiếp tay sạp hàng kế bên, túi nhẹ túi nặng. Ngay cả mấy anh tài xế, lơ xe đò đều ngắm nghía, chọc ghẹo luôn miệng, chị cười trừ, dù chị không còn trẻ nữa.
Từ đó, chị kiếm đươc đồng vô đồng ra, nhà hai dì cháu giờ có thêm cái bàn cái ghế, cái chén cái nồi. Người quen trong ấp, bạn hàng ngoài Trung Lương, tỏ ý gợi chuyện muốn làm mai cho người quen, con cháu nhưng chị vui vẻ từ chối, cứ bảo là để thủng thẳng rồi tính. Ngày qua tháng lại, chị vẫn bương chải một mình, ngày hai buổi đi về Long Định, không buồn không tiếc gì hết nhưng không ai biết là chị cũng đã có một lần thương, trong những ngày còn ở với bà Bảy Hiền, chỉ một lần thương mà không trọn vì thân phận “con ở đợ”.
*
Chắc cũng hơn tám chín năm, không gặp lại từ ngày anh về học trường quận nhưng vẫn còn nhớ rõ như in gương mặt của chị Thắm, giờ ngồi nhìn không khác nhiều hơn trước. Hôm theo xe cứu thương chở chị về bênh viện Mỹ Tho, anh ở bên cạnh, đi qua đi lại, phụ mấy chị y tá lấy ống chích cây kim, giữ kéo dây chuyền nước biển. Chị vẫn nằm bất động, máu đọng bên khóe miệng đã đặc khô cứng màu bầm, miệng thầm gọi “chị ơi, chị ơi”. Anh ở lại đó cho tới giờ đổi ca trực đêm, giữa khuya, chị y tá sau cùng, quen biết anh, kéo lại tấm vải đắp trên mình chị Thắm, xếp mấy thứ lặt vặt trên cái bàn kê ở đầu giường bệnh, ra ngoài đứng chờ. Anh đi tới, cúi xuống gần nhìn mặt chị thì thầm “chị ơi chị ơi”, mắt chị vẫn nhắm nghiền, rồi bước ra theo. Chị y tá nhẹ tay khép cửa, gật đầu chào, lặng thinh bỏ đi, anh nấn ná ở lại đôi phút. Hành lang bệnh viện vắng tanh, không bóng người, rồi cũng bỏ đi, dưới ánh đèn vàng mù mờ trong phòng bệnh, giọt từng giọt vẫn đếm từng cái một rớt xuống trong chai nước biển treo ngay đầu giường.
*
Sáng sớm, mặt trời chưa hé, sương mù mờ, chập chờn cả đêm không ngủ, cứ nhớ ray nhớ rứt những năm đầu học trường tỉnh, nhớ căn nhà tôn trên cái sân cát rộng sát bên đường lộ, nhớ nụ cười nhớ lời dặn dò của chị, nhớ quay quắt, nhất là lời chị nhắc “lên thăm chị nếu còn nhớ”, nhớ mà muốn khóc, anh lái xe chạy một mạch tới bệnh viện. Người cảnh sát gát đêm trên đường về, mệt mỏi nhưng cũng dừng lại, đứng bên lề, vẫy tay chào, anh hững hờ cười chào lại.
Bỏ xe đậu đại đâu đó trong sân dãy phòng bệnh, anh đi vội đi vàng về hướng cuối hành lang chỗ chị Thắm. Chưa được nửa đường, anh giựt thót người, hớt hãi, một nhóm nhiều chị y tá đứng trước cửa phòng mặt mài buồn xo, nhìn vào, nói qua nói lại gì đó. Anh chạy nhanh tới, chị y tá quen, người rời phòng bệnh cuối cùng đêm qua cũng vừa bước ra, nhìn anh rồi nhìn vào trong. Anh nhìn theo, trên giường tấm khăn trắng phủ toàn thân người chị Thắm, không chừa đầu như hôm qua, chai nước biển cũng đã gở xuống, đèn trong phòng mù mờ như cái mù mờ như vậy từ chiều qua, chị chờ anh quay ra, thở dài “chị đã mất chừng nửa giờ trước đây”.
*
Anh đẩy cửa vào, mấy chị y tá tránh qua một bên. Họ nói nhau gì đó rồi lẳng lặng bỏ đi, một mình người chị y tá quen anh, ở lại bên ngoài, kiên nhẩn chờ như đã chờ anh để khép cửa hồi khuya đêm qua. Anh cúi xuống, tay run run kéo tấm vải phủ xuống khỏi đầu, mặt chị đã đổi màu, nhưng vẫn là gương mặt đó, gương mặt của những buổi chiều, hai chị em ngồi nói chuyện với nhau, trước mái hiên căn nhà ngói mái âm dương của bà bác Bảy Hiền hơn tám năm trước, đầm đìa nước mắt.
Lảo đảo quỵ người xuống, anh đưa tay vuốt mặt chị trước khi kéo tấm vải lên khỏi đầu. Trời bắt đầu có chút nắng sáng, bên ngoài trước phòng, mấy chị y tá hồi nảy trở lại, có đẩy thêm chiếc băng ca. Anh thẩn thờ nói nhỏ “vĩnh biệt chị của tôi”, rồi ôm đầu nức nở khóc.
Thuyên Huy
Cũng là những ngày đầu đông 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét