Chữ Nghĩa Làng Văn XXII
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Chữ nghĩa làng văn
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Một: chết, mất
(mai một)
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau.
Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.
Bà mẹ vợ tôi, người gốc Long Xuyên, khi nói đã tự ý đổi “y” thành “i” ở cuối chữ; đôi khi nghe cũng dễ bị hiểu lầm lắm (?):
“Tịm chúng tôi có báng đủ các lọi đồng hồ đeo tai”
(Tiệm chúng tôi có bán đủ các loại đồng hồ đeo tay)
(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)
Cơm vua, cơm làng
Cơm vua
Vua Tự Đức là người rất thận trọng nhưng nhút nhát, hay sợ sệt. Ngài không ăn những món chưa được ngự y nếm trước. Nhà vua dùng đũa tre. Mỗi bữa đều thay đũa mới. Vua không dùng đũa ngà vì đũa ngà nặng quá. Vua chỉ uống nước đã được chưng cất cẩn thận hoặc uống một loại rượu hạt sen ướp hương liệu.
Lượng gạo vua dùng mỗi bữa được cân đúng lượng. Bữa nào vua ăn không ngon miệng thì ngài gọi ngự y vào. Ngự y pha thuốc và uống thử trước mặt vua trước khi đưa cho vua dùng.
Vua Tự Đức ăn uống hơi khó tính. Hạt gạo phải trắng, còn nguyên vẹn. Cân đúng lượng. Nồi niêu thổi cơm chỉ dùng một lần rồi đập bỏ .(1) Ăn uống như vậy thì chắc là không biết bài thơ, không biết câu “ca dao Việt Nam” này.
Vua thích “đập”. Sai người khác đập nồi. Chính tay mình thì…
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
(Khóc Thị Bằng, tương truyền của vua Tự Đức)
(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)
(1) Vua chúa Nga có trò uống rượu đập chén. Tướng tá Tây rút kiếm chém chai, tu rượu. Ta có thói ăn cháo đá bát. Nay có thêm mốt mới ăn cơm đập niêu.
Sài Gòn một chút quán xá
Cháo cá Chợ Cũ, cháo giò heo Phan Đình Phùng
Lại nói thêm, đường Albert (vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa đổi tên thành Ðinh Tiên Hoàng) khá dài nên dọc theo con đường này có nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng. Tiệm ăn Chez Albert (lấy tên theo con đường), Cà phê Hân, Mì Cây Nhãn (tên đặt theo cây nhãn hồi đó còn trồng trước sân), Thạch chè Hiển Khánh (nơi sưu tầm rất nhiều thơ ca tụng thạch chè)… Tôi chắc chắn còn bỏ quên khá nhiều điểm ăn uống khác nữa trên con đường này.
Ở góc đường Tôn Thất Ðạm và Hàm Nghi, vào thập niên 30 có một quán cháo cá nổi tiếng một thời. Buổi chiều đến gần khuya, khách đến ăn rất đông, nhất là khi cải lương, hát bội, hát bóng vãn hát. Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Tạp Pín Lù, quán cháo cá này của người Tàu, gốc Quảng Ðông, “cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chớ không phải chơi…”
Cháo tại đây nấu bằng gạo tấm hầm với cá, xương heo và thịt tôm hùm để thành một thứ hồ sền sệt khiến “người đau mới mạnh dùng không sợ trúng thực, người mệt mỏi ăn vào cảm thấy nhẹ bụng, mau tiêu. Tô cháo cá Chợ Cũ quả là một ‘tô thuốc tráng thần’…” Cháo nóng hổi bốc hơi nghi ngút. Vừa thổi vừa húp xì xụp mới thấy được cái thú vị của món cháo cá Chợ Cũ. Thịt cá giòn, thơm, lẫn lộn hương vị của hành, tiêu, gừng và có thể ăn với “dầu chá quẩy.” Thú thật, tôi là người thích thịt hơn cá nhưng thỉnh thoảng được thưởng thức món cháo cá vẫn thấy ngon đến toát mồ hôi!
Có một tiệm cháo giò heo khá nổi tiếng trong ngõ đường Phan Ðình Phùng. Tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhảy, khuya về đói bụng đến ăn tô cháo nóng.
(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)
Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa
Kế tiếp là nhà hàng Givral, cũng 2 mặt tiền toàn vách kính, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Lợi, thuộc hành lang Eden (tiếng Pháp: passage Eden).
Từ ‘hành lang’ nghe không qui mô, không bề thế bằng từ ‘thương xá’ – như thương xá Tax gần đó – nhưng khi phục hiện cái không khí văn hóa phong phú, đặc sắc của Sài Gòn, Văn Quang đi sâu vào một chi tiết đặc biệt, rằng trong khu Eden có một hiệu sách nổi tiếng hàng đầu Sài Gòn cũ, không kém cạnh nhà sách Khai Trí bên đường Lê Lợi chút nào, đó là nhà sách Xuân Thu. Xuân Thu nổi tiếng về các đầu sách ngoại văn (nhất là sách nghiên cứu văn hóa – văn minh Pháp và sách giáo khoa chương trình phổ thông trường Pháp) mà giới trí thức, nhà giáo, sinh viên Sài Gòn thời ấy khi cần là có thể đến lục tìm, hay đặt cho nhà sách mua dùm từ châu Âu, châu Mỹ.
Hơn thế, giới ‘chữ nghĩa’ ở Sài Gòn đã không khỏi ngưỡng mộ khi nhìn lên lầu 2 của nhà sách Xuân Thu, nơi khoa chính trị kinh doanh (Science politique) của đại học Đà Lạt tổ chức lớp cao học ‘Science-po.’, ngành học nâng cao à la modenhất của giới SV đã xong cử nhân một số ngành về khoa học nhân văn tại Việt Nam vào thời từ 1970 trở đi.
Văn Quang viết:
“…Givral là một địa điểm trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm vài thứ, đợi giờ vào rạp chiếu phim, hoặc chỉ đi “bát phố” (…). Hơn thế, thương hiệu bánh ngọt Givral rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách sành ăn. Mấy bà đi ngang qua Lê Lợi – Tự Do ghé vào mua vài cái bánh mang về cho chồng con là chuyện bình thường…”.
(Phạm Nga)
Chữ Việt, chữ Hán
Chữ yếm của người Việt, của cái giải yếm che ngực có thể do từ “yếm” của chữ Hán là che đậy?
Góp nhặt cát đá bên đường
Đừng tự làm tổn thương
Một đêm một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc. Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ.
Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu. Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”.
Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi.
Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.
(Trần Tiết)
Ai đã đặt tên cho các đường phố Saigon trước 1975
Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành, và toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên đường trên họa đồ, khu nào thuộc trung tâm thành phố, khu nào thuộc ngoại ô, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng suy nghĩ càng hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.
Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với điạ thế, và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khiá cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này.
Tôi xin kể ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:
Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.
Đường đi ngang qua bộ Y tế… thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.
Đường de Lattre de Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, phải chăng vì đi ngang qua Pháp đình Sàigòn. Con đường dài và đẹp rất xứng đáng. Ba đường Tự Do, Công lý và Thống Nhất giao kết với nhau nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập.
Đại lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sàigòn nối từ toà Đô chánh đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của ngài.
(Nguyễn Văn Luân)
Họ dân gian
Trong số "trăm họ" hiện được dùng, có chừng 30 họ là gốc Việt hoàn toàn, lúc đầu vốn là họ bộ tộc. Chúng tôi nói "họ" Việt mà không nói "người" Việt vì đến nay, mấy ai có thể chứng minh là thuần "gen" hav "máu" Việt.
Ngược dòng lịch sử, Việt tộc bị người Hán xâm chiếm, vào khoảng thế kỷ thứ IV tntởc Công Nguyên. Từ năm 1069, người Việt tiếp tục Nam tiến, chiếm toàn thể nước Chiêm Thành năm 1693 và chiếm đóng phần đồng bằng phía đông Cam Bốt tức Thủy Chân Lập năm 1759. Phần khác, nước ta từng bị nhà Hán và các triêu đại Trung quốc sau đó đô hộ cả ngàn năm, một số quân lính sang đất Giao Chỉ rồi ở lại lập gia đình sanh con đẻ cháu. Mặt khác nữa, nước ta đã từng đón nhận nhiều người Hoa đến tị nạn hoặc di trú.
Đó là lý do lịch sử của một số họ Việt gốc Hoa như Khổng, Lưu, Trương, Mai, Lâm, Lữ, Nhan, Sử, Tăng, Trịnh, Vương, v..v... hoặc gốc Miên như Thạch, Sơn, Danh, Kim, Lâm là năm họ nhà Nguỵễn đã ban cho, hoặc gốc Chàm như Chế, Chiêm, v.v... hoặc họ của đồng bào thiểu số (trong nước hiện gọi là "dân tộc") như Linh, Giáp, Ma, Đèo, Kha, Diêu, Vi, Quách, Nông, Chữ, Ngân, Ông, Trà, Lang, Lục, Sầm, v.v...
(Tên họ người Việt – Nguyễn Vy Khanh)
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nói chữ
Dần dần trên mâm rượu, thằng nào ngà ngà đến độ say, thì người ta nói nó “lên chữ”, “đủ chữ” rồi, mấy câu như “chưa vô mấy hớp lên chữ” hay “ thôi nghen, vậy là đủ chữ rồi đó, tui dề (về) a ”.
Nói chữ, xổ Nho, người miền Nam có trọng tuổi ở hải ngoại ngày nay chắc không quên mấy tiếng đó. Nói chữ, xổ nho khi người ta nói đến đạo lý, cái khôn ở đời, hay xử thế, xử sự mà dùng tiếng Hán Việt như “Kiến ngãi bất vi vô dõng dã”, “Tào khang chi thê bất khả hạ đường”, “chuyện Qua Lý phải tường” vân…vân…
Người bình dân rất trọng người có học, ai mà nói chữ nói nghĩa thì được người đời gán cho “một bụng chữ nghĩa” hay ông đó mở miệng ra là “câu văn tự”. Anh nông dân xổ nho thì có lúc trắng trợn rõ ràng như “ Ngồi vô trường án, vổ ván cái rầm…”, có khi thì cao siêu mơ hồ như “U minh Rạch Giá thị quá sơn trường, dưới sông cá lội, trên rừng cọp tha”. Nhưng ngày nay nếu ai đó có xổ Nho mà chêm câu “Phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc ”.
Câu nói nầy có lẽ không có trong sách vở đạo Nho. Vốn nó từ Tam Quốc Chí mà ra. Trương Phi vì mê uống rượu, ghét Lã Bố mà đánh vạ Tào Báo, ba vợ Bố. Báo oán hận mở cửa thành Từ Châu cho quân Bố vào. Mất thành, Trương Phi chạy gặp Lưu Bị khóc lóc đòi tự tử vì làm mất thành Từ Châu, không bảo vệ hai chị dâu. Lưu Bị mới nói “Phu thê như y phục, huynh đệ như thủ túc”.
Câu nói nầy thiếu đạo lý, chỉ là đầu môi của bọn gian hùng tranh bá đồ vương như Lưu Bị. Thì tui xin thưa rằng đó là sai mà phải đổi lại “Huynh đệ như thủ túc, phu thê như tâm phúc”… hay câu “Bần cư náo thị vô nhơn vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm” thì xin chỉnh một chút “Bần cư cận xứ vô nhơn đáo, phú tại viễn phương hữu khách cầu”. Nó thích hợp với xã hội thời đại hơn.
Đó cũng là nho chùm mỹ tửu như ai…
(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)
G Giai thoại thành ngữ “mài dao dạy vợ”
Ngày xưa có một người nhà quê lấy phải vợ đối xử với mẹ chồng rất là hỗn láo vô lễ. Người chồng khuyên hoài không được, bèn nghĩ ra một kế.
Anh ta sắm một con dao bầu thật sắc. Mỗi ngày lấy ra mài. Người vợ lấy làm lạ hỏi, nhưng anh ta không đáp. Người vợ tò mò hỏi hoài, cuối cùng anh ta trả lời: "Tôi mài dao để có dịp giết mẹ đi thôi. Mẹ đã già, sống mà ngày nào cũng cãi cọ với mình vậy thì thà chết đi cho rồị".
Người vợ thấy thế hoảng hốt, rồi ăn năn: "Xin mình đừng giết mẹ, từ nay tôi hứa sẽ không có điều chi to tiếng trong nhà nữa".
Quả nhân
Quả: lẻ loi.
Nhân: người.
Tiếng tự xưng của vua, ý tỏ sự khiêm tốn.
Quả nhân là tiếng xưng hô chỉ dùng cho vua.
Điếu thuốc lá
Điếu thuốc lá là một trong những truyện ngắn hay nhất của Khái Hưng, cho thấy nét đa dạng trong ngòi bút của ông và tính chất mập mờ của con người. Thằng nhỏ mười tuổi muốn thử xem ông thầy bói mù có thật sự đoán biết tất cả những gì xẩy ra chung quanh mình hay không, nó bèn thử giấu điếu thuốc lá dang hút dở của ông thầy bói.
Đầu đuôi chỉ có vậy. Nhưng Khái Hưng đã tạo ra một kiệt tác.
Sự bí mật mà thằng bé muốn khám phá, là đôi mắt mù, chúng ta biết rõ từ đầu, y hệt như chuyện chú tiểu Lan là con gái: bí mật. Nhưng truyện vẫn lôi cuốn không thể cưỡng lại được, bởi các sự kiện kinh hoàng nối tiếp nhau, từ lớn đến nhỏ: việc ông thầy bói đúng khiến quan Tổng Đốc thoát khỏi nạn “làm ma không đầu” đến khi ông nhót trúng quân cờ, càng làm tăng ma lực hấp dẫn của ông. Chân dung người thầy bói, được trình bày qua cái nhìn ghê gớm của đôi mắt mù, với các động tác chớp nhoáng và trúng đích của một người không nhìn thấy. Cuộc đấu trí giữa đứa trẻ lên mười và người thầy bói kỳ tài đầy kinh nghiệm. Sự bí mật trong ý nghĩ và thành tích của ông Cửu Thầy.
Tất cả đều từ bình thường biến sang kỳ lạ, khiến cho người đọc có cảm tưởng chính mình là kẻ bị bịt mắt dẫn vào một không gian rùng rợn của núi Văn Dú hay một hang động bí mật nào mà sáng tối đối chất và cộng tác để tạo nên một sức ép, một sự căng thẳng chưa từng có.
(Khái Hưng 1896/1947 – Thụy Khuê)
Tây
Tây : riêng
(phép công là trọng niềm tây xá nào)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
133 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Khi tôi và Nguyễn Tuân trò chuyện với nhau thì cuộc tranh luận về thể ký còn đang tiếp tục sôi nổi trên các báo chí (1966, 1967).
Tôi bèn hỏi quan niệm của Nguyễn Tuân về thể văn này.
Ông nói:
“Có người hỏi làm thế nào để viết ký cho hay, không nhạt. Tôi cho rằng phải có vốn văn hoá, vốn kiến thức. Kiến thức lịch sử, địa lý, thiên nhiên..., rồi vận dụng các ngành nghệ thuật. Mà nói chung thì nghệ thuật nào chẳng phải mượn các cách của nghệ thuật khác để thể hiện. Khi anh không chỉ tả mặt mà còn tả cái gáy, cái vai, tả người cúi xuống, cái mông bóng lên, là vô tình đã phải vay mượn điêu khắc rồi.
Nói ký là bước sơ bộ của truyện, không đúng. Các thể loại văn học đều bình đẳng. Mỗi thể văn được chọn viết là do cái tài khác nhau. Một ký hoạ chì than có thể giá trị hơn một bức sơn mài lớn. Cùng một matière có thể người này viết truyện ngắn, làm thơ, người kia viết ký. Không có tài không viết ký được.
Ông A. France, nhà xuất bản bảo ông viết truyện ngắn. Ông ấy nói, tôi làm gì có thời giờ viết truyện ngắn. Viết truyện, phải có nhân vật. Nhân vật truyện không bị gò bó trong không gian, thời gian. Nhân vật truyện muốn làm gì thì làm, tự do.
Ký không bắt buộc có nhân vật, hay đúng ra chỉ có bóng dáng của nhân vật. Nên nhân vật không cần có lí lịch, tính cách, số phận rõ ràng. Ký ghi sự việc, thấy ẩn ẩn hiện hiện một nhân vật nào đó. Thoáng một tý hình ảnh, ký là sự việc. Sự việc thì cũng phải có thằng người. Bốn người viết bốn thể tài, cũng đi thực tế. Cùng nghe, thấy, hỏi, ghi chép. Kịch hỏi khác. Truyện hỏi khác. Giác quan anh viết ký phải dựng lên hết”.
(Chân dung Nguyễn Tuân – Nguyễn Đăng Mạnh)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Huy Tưởng: Văn chương gọt đẽo công phu - 1
Nhưng sự gọt đẽo đó không được phá hỏng tính chất hồn nhiên. Hồn nhiên là một trong những yếu tố quan trọng trong văn chương. Văn chương phải gọt đẽo, nhưng cũng không nên gọt đẽo đến mức tác phẩm trở thành món đồ thủ công, là nó khô khan, ngay ngắn, nhưng không có sức sống, vô hồn.
Nếu Tô Hoài hấp dẫn các cậu thì đó là do chất tươi mát hồn nhiên của cuộc sống ngồn ngộn trong văn chương, chớ không phải do sự gọt đẽo. Trong văn chương của Tô Hoài nổi bật là sự sống, chớ không phải do khéo tay. Anh không biết thế nào là văn chương, khi viết Dế mèn phiêu lưu ký, nhưng Dế mèn lại trở thành ông voi trong văn học. Nói đến Tô Hoài là nói đến sức sống, chứ không nói đến sự sang trọng của chữ nghĩa như Nguyễn Tuân. Chắc các cậu chưa biết anh Tô Hoài viết tiểu thuyết trong khi chưa biết tiểu thuyết là gì, thế mà thành công.
Anh Nguyên Hồng bứt rứt phải xin tiền mẹ mua giấy viết văn, rồi cũng thành công. Cả hai cùng được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn lúc mới 16-17 tuổi. Cái gì làm cho các anh thành công, và trở nên thần đồng trong văn học Việt Nam?
Đó là sự hồn nhiên. Nhưng nên nhớ rằng hồn nhiên không có nghĩa là tự nhiên, thô kệch.
Trong những quyển đầu của Tô Hoài và Nguyên Hồng, sự sống là chủ yếu. Không thấy có sự suy nghĩ gì cả, cứ “chép” sự thực lên giấy thôi. Tự cái sự thực đó đã là văn chương rồi, và cái sự thực đó nói thay cho tác giả. Đó là nghệ thuật tiểu thuyết.
(Xuân Vũ)
Nói lái với câu đố
Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn
(con ngựa)
Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi
Nguyễn Huy Tưởng - 2
Chốc đây mà đã gần 40 năm, Nguyễn Huy Tưởng không có mặt ở Hà Nội. Nếu anh còn cầm bút từ đó đến nay, thì người đời đã được đọc bao nhiêu trang sách lý thú.
Tôi nhớ ngày ấy dãy hàng hoa Hà Nội trống hết, không còn một đóa nào. Chúng được kết thành vòng hoa tiễn biệt nhà văn Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng. Một nhà văn mất đi, thiệt đáng buồn. Anh rất giản dị, chân đi guốc, mặc đồ nâu, nếu mặc sơ mi thì chỉ sơ mi trắng, không bao giờ bỏ vô quần. Anh thường kêu chúng tôi là những “thằng cu Nam Kỳ”. Coi chúng tôi như em. Nói năng không giữ kẽ, uống rượu say với chúng tôi, vào giường chúng tôi ngủ hoặc nằm ngay sô pha.
Nhớ lại những bài học vỡ lòng về văn chương của anh giảng cho ở mâm rượu, tôi không cầm được nước mắt. Bây giờ mới thấu hiểu thêm, chớ hồi đó nào biết văn gì. Nếu không có anh dạy bảo, chắc đâu chúng tôi đã viết được gì ra hồn
“Nam Kỳ là đất tiểu thuyết… Các cậu phải viết, chớ không ai viết thay các cậu được! Sholokhov viết về Sông Đông. Các cậu viết về Cửu Long. Chớ không ai khác, không ai khác! “
(Xuân Vũ)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tình yêu... giúp ta vượt lên những suy nghĩ tầm thường
và đưa chúng ta tới những suy nghĩ... tầm bậy
Đã có một thời…
Lê Xuyên
Thỉnh thoảng tôi đưa bài đến báo Thời Thế, đôi khi vào buổi trưa, tôi lại rủ Lê Xuyên đi ăn trưa, hôm có tiền thì chui vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu Bát Đạt. Có lần tôi rủ:
– Chúng tớ có cái phòng thuê ở trên lầu ba để thỉnh thoảng chơi phé, lấy tiền sâu gửi lại tay quản lý nên bất cứ lúc nào cần phòng là có ngay. Ông có muốn nằm lại đây một buổi không?
Bản tính anh hiền lành nên hỏi lại:
– Nằm làm gì, tôi phải về làm việc chứ.
– Ông ngây thơ thật hay ngây thơ cụ, ông cứ lên với tôi là biết ngay “nằm làm gì”. Ông muốn Tàu cũng có mà ta cũng có.
Dĩ nhiên đến nước này thì ông bạn tôi phải hiểu, nhưng ông lắc đầu quầy quậy như anh con trai mới lớn bị bà mẹ bắt lấy vợ sớm. Tôi đưa ông trở lại toà soạn và xác nhận với anh em rằng “Lê Xuyên nó đứng đắn thật các ông ạ”. Một ông bạn tôi cãi: “Nó nhát chứ đứng đắn cái gì”. Thôi thì nhát cũng được, đứng đắn cũng được nhưng nó không giống tụi mình.
Và một điều ai cũng nhận thấy là chưa bao giờ thấy mặt Lê Xuyên ở bất cứ cái phòng trà tiệm nhảy nào, ngay cả chỗ đông người anh cũng tránh. Tôi cứ lẩm cẩm ngồi nhắc lại từng chuyện khiến anh thú lắm, đó là lúc anh được sống với dĩ vãng.
(Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời – Văn Quang)
Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo
Về hưu mới thấy mình già
Cái bụng thì rỗng quả cà thì teo.
Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước năm 1975
Mấy năm gần đây một vài anh thích nhắc đến thơ Thanh Tâm Tuyền. Nhưng chính hồi ấy, chúng tôi biết đến nhiều hơn là một Thanh Tâm Tuyền ở văn xuôi. Một lần nào đó đi họp với các cụ nhà văn tiền chiến một bạn trẻ của tôi chợt phát hiện ra Nguyễn Tuân với Cát Lầy của Thanh Tâm Tuyền. Vâng chính là nhà văn ấy, đang đọc cuốn sách ấy. Anh về kháo với anh em chúng tôi. Tự nhiên là chúng tôi cũng bị lôi cuốn bảo nhau mò mẫm đi tìm. Đến cả Nguyễn Khải cũng tìm. Cát Lầy, theo Nguyễn Khải, ăn ở sự ma quái của mình. Sau này Nguyễn Minh Châu nói rằng thích Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan vì ở đó có yếu tố tượng trưng.
Cả hai nhà văn Hà Nội của tôi viết theo lối thực, nhưng ở chỗ riêng tư, các anh bao giờ cũng nhấn mạnh rằng một thứ văn xuôi thăng hoa mới là điều đáng ao ước, và chúng tôi cũng học theo các anh mà nói vậy. Ai mà chẳng muốn khác đi một chút so với những gì mình đang có!
(Khuyết danh)
Chữ và tiếng nói
Không những chỉ chú ý đến tiếng nói, còn nghe cách nói của mỗi người. Cách người nói, câu của người này đối đáp với câu của người kia bắt nhau chỗ nào, tại sao bắt vào nhau được. Đó là sự vận động của tiếng nói. Chỉ có thông qua sự vận động của tiếng nói, chúng ta mới phân tích được một câu nói, một người nói. Vấn đề này rất hệ trọng, bởi nó liên quan và dính liền tới cả chủ đề sáng tác và sự cấu tạo nhân vật. Học tập cho biết được cách thức tiếng nói vận động không chỉ là học đối thoại và lối kiến trúc câu văn trong sách, hoặc đi xem kịch, chèo, cải lương mà chủ yếu là nghe mọi người đối đáp, trò chuyện trong đời sống hằng ngày.
Trên đường công tác, đi đò đêm hay ở trọ hàng cơm, những hàng cơm quanh các chợ tỉnh, mà ở đấy nhiều thứ sinh hoạt trong kháng chiến phải dồn cả về đêm, đêm thường thật đông, thật ồn. Trong bóng tối, ít ai rõ mặt ai như trên một chuyến đò dọc đêm, chỉ nghe tiếng nói của nhau. Người xung quanh chuyện với nhau, với mình, câu người này tìm bắt câu người khác, mình lặng yên nghe hoặc cũng đáp chuyện vào đấy rôi do âm thanh và ý nghĩ mỗi câu nghe và cách nói mà đoán người.
Công việc đó thú vị chẳng khác đọc sách. Tôi tưởng một người muốn viết học đối thoại, học kiến trúc câu văn, không cách nào tốt bằng thường chú ý câu nói như thế. Bản thân một chữ đứng yên không đủ làm nổi một câu mà nó còn phải có hoạt động va chạm, có thể hiện mới thành sự linh họat kỳ diệu của lời nói.
Chúng ta thấy rằng: có tiếng hay, lại phải có cách nói, cách viết thì tiếng hay ấy mới có hồn. Tôi nhặt dưới đây những chứng minh cái hay ở tiếng nói trong sách vở và trong sinh hoạt hằng ngày.
Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ có những câu:
Phút nửa khắc muôn vàn thê thảm
Trong một mình bảy tám biệt ly
Nôm na câu được câu chăng
Đỡ khi buồn bã lại dâng một cười.
Những chữ “dâng”, “bảy tám biệt ly” là những chữ rât linh hoạt.
(Sổ tay viết văn – Tô Hòai)
Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên
Tờ báo kinh tế đầu tiên
Nông Cổ Mín Đàm ra ngày
1/8/1901 (số đầu tiên)
Tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là tờ Nông Cổ Mín Đàm nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn".
Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là ký giả Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt…
(Trần Chánh Sắt, một trong những
chủ bút của tờ Nông Cổ Mín Đàm)
Nông Cổ Mín Đàm bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ quốc ngữ. Số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901. Một thời gian sau báo được xuất bản một tuần 3 kì. Sau khi phát hành số ra ngày 4 tháng 11 năm 1921 thì báo bị đình bản.
Tờ báo này ra đời theo một nghị định của Quan Tổng thống Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Ban đầu, trụ sở của tòa soạn đặt ở số 84 đường La Grandière, Sài Gòn. Một thời gian sau, trụ sở thay đổi liên tục, cuối cùng tọa lạc tại số 12 đường Cap St–Jacques, Sài Gòn.
(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
thuần hoá 馴 化
Soạn giả cho rằng, trong từ thuần hoá, thuần = thực thà, dày dặn, tốt đẹp; và, thuần hoá = biến vật hoang dại thành vật thích ứng với môi trường mới. Ông đã giảng chữ thuần ở đây khác với chữ thuần trong từ thuần dưỡng, nhưng vẫn giảng sai.
Chữ thuần ở đây và ở từ thuần dưỡng chỉ là một. Thuần hoá 馴 化 nghĩa là cải biến môi trường sống và thói quen của động thực vật hoang dã, làm cho chúng thích nghi với điều kiện chăn nuôi và trồng trọt do con người tạo ra.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)
Những cái cũ & xưa nhất của Saigon
(Trương Vĩnh Ký 1837-1898).
Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hoá phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt.
Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt bằng tiếng Pháp.
(Sử ký diễn ca)
Cuốn “Giáo Trình Lịch Sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét