Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

CHUYỆN KỂ ĐÊM HALLOWEEN - Thơ DUY ANH

              

CHUYỆN KỂ ĐÊM HALLOWEEN

Đĩa bạc treo trên đầu ngọn cây

Sương mờ lam xám phủ trời mây

Nghĩa trang, đom đóm bay đầy khắp

Ẩn hiện hồn Ma-Quỷ chốn nầy.


Phù Thủy áo đen cưỡi chổi bay

Vút qua xẹt lại, té buông tay

Lũ Ma dưới mộ cười the thé

Ngất ngưởng rú lên tựa bọn say.


Phất phơ vải liệm, lộ xương người

Quỷ quái đội mồ rũ rượi cười

Trên nắp quan tài lăn Bí đỏ

Mắt trừng miệng há, đỏ con ngươi.


Mèo đen gào thét đón ma trơi

Rồi bỗng đàn Dơi bay ngập trời

Đom đóm đỏ lòm như máu chảy

Bầy Ma dưới mộ kéo lên chơi...


Người gác nghĩa trang kể chuyện ngông

Trẻ con chùn bước, sợ vào trong

Chúng bèn đổi hướng đi xin kẹo

Cha Mẹ tháp tùng... đêm HALLOWEEN!!

      DUY ANH

Happy Halloween!


Thơ Họa:

    ĐÊM MA QUỶ

Gió xào xạc thổi giữa hàng cây

Mờ mịt sương mù che phủ mây

Vần vũ quạ đen bay khắp nẻo

Lao xao chồn cáo tụ nơi này.


Bộ xương trắng xóa lửng lơ bay

Lỏng khỏng khoèo chân, vung vẩy tay

Hai hố mắt đen nhìn phát sợ

Lắc lư, lảo đảo tựa đang say.


Quạ đen xúm xít cạnh thây người

Ác quỷ kề bên the thé cười

Móc ruột, moi gan làm bữa nhậu

Trừng trừng ánh mắt lộ tròng ngươi.


Đầu lâu lơ lửng vật vờ trôi

Dơi máu lang thang lượn khắp trời

Ma đói lao nhao dành bánh kẹo

Tranh cùng trẻ nhỏ xếp hàng chơi.


Giữa đường, sói dữ chay lông ngông

Kinh hoảng, chó mèo trốn tận trong

Tiếng hú kinh hoàng nghe rợn óc

Đêm dài rùng rợn Halloween.

  Sông Thu

( 26/10/2024 )

 

   LỄ HALLOWEEN

Màn đêm phủ xuống kín hàng cây,

Trời vút xa xa mấy đám mây.

Đom đóm nhấp nhô trùm nghĩa địa,

Hồn ma ghê rợn hú nơi nầy.


Thập thò Phù Thủy nhảy tung bay,

Quơ quẩy cuồng quay múa vẩy tay.

Ma hoảng hải kinh xô góc núp,

Nhe răng la hú gọi cùng say.


Miệng hố hiện ra xương xốc người,

Nhe răng le lưỡi kéo nhau cười.

Quan tài mở nắp ma hồn hiện,

Bỉm dáng kinh hoàng mắt đỏ ngươi!


Hú thét xa gần tiếng hé trơi,

Âm binh quỷ tướng vọng tung trời.

Gió xa hi hút nghe rờn rợn,

Góc bụi ma hồn gọi thé chơi.


Bỏ rời nghĩa địa nhảy gào ngông,

Đám trẻ phố tràn ngập khắp trong.

Cha mẹ tháp tùng xin bánh kẹo,

Halloween tạo khắp vang rền.

                       *

Ma quỹ trẻ cùng họp một đêm!

HỒ NGUYỄN

 (26-10-2024)

 

LỄ HỘI HÓA TRANG

Lập lòe đom đóm chớp trên cây

Tiếng hú vang rền giữa đám mây

Màn tối mịt mờ che phủ khắp

Ham vui ta ghé đến nơi này.


Trẻ nít nô đùa thả bóng bay

Đầu lâu, bí đỏ bé cầm tay

Nàng trăn ngoe nguẩy nhìn mà ớn

Lão cáo mỏm dài, mắt ngủ say.


Lơ lửng tầng trời bộ cốt người

Nhe nanh, thè lưỡi, khóc rồi cười

Ma đầu tóc xõa trông ghê rợn

Lũ chó mặt người, mắt đỏ ngươi.


Chập chờn sáng tối thấy hồn trơi

Ngã ngớn trêu ngươi giữa cổng trời

Âm phủ mở rào, thây được thả

Một bầy ma quỷ đội mồ chơi.


Ba mốt, tháng mười lắm kẻ ngông

Quà treo cuốn hút cố vô trong

Chỉ là muốn lấy vài viên kẹo  

Nhấm nháp vui ngày lễ hội WEEN!

     LAN

(26/10/2024)

 

QUANG CẢNH HALLOWEEN

Đêm đen bao phủ khắp cành cây

Gió lạnh từng cơn th̉ổi đám mây

Tạo cảnh âm u hồi hộp quá

Đoàn người hóa dạng đủ loài nầy

           xxx

Tử Thần áo khoác liềm nơi tay

Phù Thủy ngồi trên cây chổi bay

Người mặc áo xương đi khập khiễng

Kẻ đeo sọ trắng lắc lư say

           xxx

Đến nhà hình nộm treo như người

Xin bánh kẹo nhiều trẻ nhỏ cười

Bên trái sân nhà đầy Bí đỏ

Kinh hoàng lăn lóc những đầu người

             xxx

Tiếng kèn thổi hú giống ma trơi

Khiến đám dơi đen lượn phắp trời

Đom đóm bay vòng dòng nước chảy

Lập lòe chớp sáng nhởn nhơ chơi

               xxx

Quang cảnh tối tăm rùng rợn trông

Cả đoàn sợ hải nhìn vào trong

Trẻ con không dám vô xin kẹo

Đành phải quay về Lễ Halloween.

Mỹ Nga

    26/10/2024 ÂL,24/09/Giáp Thìn

 

CHUYỆN KỂ ĐÊM HALLOWEEN

         (Thơ mượn vần)

Bảng lảng sương chiều đọng cỏ cây

Trời thêm ảm đạm giữa tầng mây

Thu phong vần vũ đang đe dọa

Đám trẻ lao nhao khắp phố nầy


Ta vừa cùng cháu chạy như bay

Vài giọt mưa lùa thấm kẽ tay

Nép vội hiên người mong khỏi ướt

Va phải "Pum kìn"… ngã tựa say


Hoảng hồn nhìn mấy bộ xương người

Đầu lâu trắng nhởn hé răng cười

Lưỡi hái tử thần tay lỏng khỏng

Mắt sâu hoắm lỗ lại không ngươi


Phất phơ quần áo lũ ma trơi

Chẳng  chở che xương lộ giữa trời

Biết giả… eo ôi... nhìn cũng khiếp

Mà bao người Mỹ khoái trò chơi


Hết mưa bà cháu lại lông ngông

Xin kẹo chủ nhà nhét áo trong

Túi ngoài chỉ mới vừa lưng lửng

Vui cùng Lễ Mỹ… HALLOWEEN

ThanhSong ntkp

 CA.26/10/2024


HALLOWEEN CUỐI THÁNG MƯỜI

“Vì sao” sáng bạc chốp lùm cây

Nhấp nháy mờ sương lạnh gió mây

Đom đóm nghĩa trang bay loạn khắp

Hồn ma bóng quế hiện nơi này


Áo đen phù thủy, chỗi ngồi bay

Nhá xẹt lại qua rớt xuống tay

Cổ mộ hồn ma cười hú thé

Chó tru rùng rợn tựa ma say


Vải trắng liệm thây lộ sọ người

Nhập tràng quỷ quái ngã lăn cười

Quan tài đậy nắp đầu lâu đỏ

Miệng há, mắt trừng biết hổ ngươi


Rú hoảng mèo mun đóm lửa trơi

Bầy dơi vỗ cánh liệng đầy trời

Đỏ lòm đom đóm trên dòng chảy

Ma quỷ mồ hoang xúm lại chơi


Nghĩa trang ông gác giống người ngông

Chùn bước trẻ con sợ ở trong

Đổi hướng rủ nhau xin bánh kẹo

Tháp tùng phụ mẫu dự Halloween

        MAI XUÂN THANH

Silicone Valley October 27, 2024


LỄ MA HALLOWEEN

Nộm treo ma hiện trên lùm cây

Mắt chớp xanh lè sáng tới mây

Chí choé nhà hoang nghe tiếng khóc

Rợn người bà kể quỷ nơi đây..


Thầy pháp nghê nga theo gió bay

Dần dần ma nữ hiện không tay

Miệng nhai máu chảy bà hung dữ

Nhảy múa lung tung như uống  say...


Nghĩa địa đầu làng thấy bóng người

Trong đêm ma quái hả hê cười

Run người có tiếng ma còn bé

Quỷ mẹ trợn trừng lòi mắt ngươi ..


Ma đuốc soi đèn dọc nước trơi

Chuyện trò rỉ rả lúc than trời

Tháng năm hiu quạnh không ai cúng

Đói khát lang thang hù doạ chơi ..


Tháng Mười quỷ quái diễn trò ngông

Ma giả ngoài đường kể ở trong

Tô vẽ hoá trang theo lắm kiểu

Không làm run sợ... đến Halloween !..

   Yên Hà

29/10/2024

 

      LỄ  HALLOWEEN

Đêm mùa lạnh lẽo gió chuyền cây

Bóng tối âm thầm phủ kín mây

Dạ hội “làm ma“ đà nhắc nhở

Đìu hiu vắng vẻ ở nơi này


Áo choàng phủ kín cánh dơi bay

Đèn mắt soi ngời kiếm buộc tay

Xuất hiện trên đường nghiêng ngả dáng

Dọa hù thiên hạ đóng vai say


Trước cửa nhà ai để mặt người

Nhe nanh nhọn hoắc tựa đang cười

Giăng toàn màn nhện ôi ma quái

Cả dãy treo đầu đỏ rực ngươi


Cảnh khác rùng mình đám quỷ trơi

Bày chưng trước ngõ sợ… kêu trời

Mèo mun tru tréo nơi hàng giậu

Chó sủa gầm gừ muốn dọa chơi


Một đàn con nít chạy lông ngông

Xách giỏ hóa trang bước rảo vòng

Đập cửa bao nhà vui nhận kẹo

Tháng mười lễ hội trẻ chờ mong

       Minh Thúy Thành Nội

Tháng 10/30/2024















TRÒ VUI THÁNG 10 - Thơ Thái Huy và Thơ Họa

            

    TRÒ VUI THÁNG 10

Muôn hình dị hợm được trưng ra

Màng nhện cùng giăng điện lập lòa

Biểu hiện âm binh thời quỉ quái

Phô bày ác tính giới tà ma

Trẻ thường nghịch ngợm đua khoe mẽ

Già cũng ham vui thích tặng quà

Trong nước hẳn hơn vì bắt chước,

Muôn hình dị hợm được trưng ra.

Thái Huy

 10/13/24


Thơ Họa:

    LỄ HỘI THÁNG 10

Tháng mười vui nhỉ, đã bày ra

Khắp phố phường giăng điện chớp lòa

Nhân diện điểm trang thành mặt quỷ

Hình người vời vẽ hóa thây ma

Nhóm công kênh dạo tung tăng ngõ

Đoàn túm tụm đi nhún nhảy quà

Văn hóa cổ truyền nên hội lễ

Tháng mười vui nhỉ, đã bày ra

Lý Đức Quỳnh

  25/10/2024

 

   HALLOWEEN

Tháng mười ngày cuối, cảnh bày ra (*)

Chỗ tối đen thui, chỗ sáng lòa

Sói ác nhe nanh cùng bọn quỷ

Quạ đen trợn mắt với bầy ma

Thây treo lủng lẳng ngoài khung cửa

Xương chất tràn lan cạnh gói quà

Lể hội kinh hoàng trên đất Mỹ

Tháng mười ngày cuối, cảnh bày ra.

  Sông Thu

( 25/10/2024 )

(*)Lễ hội Halloween ngày 31 tháng 10 hàng năm

 

      LỄ HỘI HALLOWEEN

Cuối tháng mười đây lễ hội ma

Những hình quỷ quái được trưng ra

Trong sân xương trải màu u ám

Trước ngõ đèn giăng điện sáng loà

Sẵn dịp trẻ con đòi nhận kẹo

Thừa cơ ông lão nhắc trao quà

Tục bày mua bán cho hưng thịnh

Kinh tế thị trường mới vượng ra

songquang

 20241025

 

   LỄ HALLOWEEN

Hình dáng dị kỳ đã hiện ra,

Xa xa khắp phố bóng nhe lòa.

Âm binh kéo hiện cùng hung quái,

Quỷ sứ trêu đùa ghẹo ác ma.

Đám trẻ tới lui ca réo hát,

Người thân bên cạnh xúm chia quà.

Halloween đến vang ầm xóm,

Hình dáng dị kỳ đã hiện ra.

                         *

Không bánh không quà khóa cửa nha!

HỒ NGUYỄN

 (25-10-2024)

 

     HALLOWEEN

Ba mốt, tháng mười ác quỷ ra

Từng đàn ẩn hiện chạy ngời nhòa

Răng nanh, móng vuốt loài tinh quái

Mắt lửa, đầu lâu bọn dị ma

Lớn,nhỏ được đùa chơi thỏa chí

Lẹ nhanh gắng giựt lấy giành quà

Cả năm chờ đợi Ha-Ween lễ

Ba mốt, tháng mười ác quỷ ra.

     LAN

(25/10/2024)

 

CHÀO MỪNG LỄ HỘI MA 

Thế giới thần tiên đã hiện ra

Thì tà quỷ ám cũng vui loà

Thời nay dân dã ưa mung mị

Thủa đó quan quyền sợ mánh ma

Hãy cứ mê say chờ huyễn cảm

Hay cùng chìm đắm đợi hư quà

Để rồi hoang tưởng trong giây phút

Hoà Hội Tháng 10 thích thú ra ...

  Los Angeles  25 - 10 - 2024

CAO MỴ NHÂN

 

  YÊU QUÝ TRẺ THƠ

(“Halloween”Cuối Tháng Mười)

Mến trẻ Halloween tục lệ ra

Đầu lâu màn nhện điện quang lòa

Cú mèo xương cốt như yêu quái

Nghĩa địa âm binh giống quỷ ma

Trắng toát bình phong bên lũ quạ

Đen thui một đống cạnh thùng quà

Chưng bày lễ hội giàu kinh tế

Mến trẻ Halloween tục lệ ra…

    MAI XUÂN THANH

Silicone Valley 10/25/2024

 

LỄ HỘI MA - HALLOWEEN

Halloween Lễ Hội Yêu Ma,

Ở Mỹ nhà nhà đều sáng lòa

Chớp tắt đèn màu bộ mặt quỷ

Bí Ngô đục lổ thành đầu ma.

Phất phơ hình nộm ngay nơi cửa,

Vắt vẽo sọ người trên kệ quà.

Trẻ nhỏ từng đoàn xin bánh kẹo

Áo choàng,áo nhện vẽ hình ra...

Mỹ Nga

   25/10/2024 ÂL,23/09/Giáp Thìn

 

     LỄ HỘI MA QỦY

Tháng Mười lễ hội quỷ bày ra

Đèn đóm ban đêm chiếu sáng lòa

Bầy trẻ hóa trang như quái thú

Đám già y phục giống hồn ma

Rủ nhau gõ cửa hỏi xin kẹo

Nô nức ra đường đi kiếm quà

Nước Mỹ gì đâu thật dị hợm

Tháng Mười lễ hội qủy bày ra

Toàn Như

 

          BÀY

Những gì xấu nhất muốn đem ra

Đôi mắt sáng trưng lại hóa lòa

Chưng diện thân mình thành dáng quỉ

Tô màu xương thịt giống thây ma

Đưa tay gõ cửa hầu xin kẹo

Xách túi vào sân để kiếm quà

Cuối tháng mười cùng vui với trẻ

Những gì xấu nhất cứ đem ra.

2024-10-25

   Võ Ngô

 

NGÀY HỘI VONG HỒN

Mới ở trong nhà giậm bước ra,

Phố phường giăng điện mắt mờ loà.

Chỗ này lủng lẳng hình phù thuỷ,

Góc đó toòng teng nộm quỷ ma. 

Bọn trẻ mang bao vào gõ cửa,

Người già mở gói bốc cho quà.

Vọng hồn lễ hội là như thế,

Mặc hoá trang tưng bừng diễn ra.

Đỗ Quang Vinh

hoạ nguyên vận

  25-10-2024

 

      ĐÊM HỘI MA

Trong bóng tối phù thủy bước ra

Tay cầm cây nến gió bay lòa

Phải đang dụ dỗ vào hang quỷ

Hay muốn mọc mời nhập cõi ma

Trẻ nít kéo đàn bôi mặt nạ

Cửa nhà bày kẹo sắp hàng quà

Trên cây bỗng bộ xương dài thõng

Nhảy vội hoàn hồn thở hắt ra.

Lê Mỹ Hoàn

  10/2024

 

        LỄ MA

Vẽ họa giăng màn nhện lối ra

Hình treo quái gỡ chiếu xanh loà

Như loài quỷ ngựa trên trần thế

Giống cảnh âm hồn dưới cõi ma

Trẻ lại nhe nanh cười gõ cửa

Già đem đổ kẹo phát cho quà

Đêm vui lễ hội người thiên cổ

Vẽ hoạ giăng màn nhện lối ra

      Minh Thúy Thành Nội

Tháng 10/26/2024


     TRÒ MA QUỶ

Thứ này chốn khác khó bày ra

Hình nộm thấy ghê điện chớp loà

Quần áo tóc tai hơn quỷ sứ

Hung hăn tô vẽ giống thây ma

Tháng Mười xem đó là vui thích

Chuẩn bị kẹo ngon để phát quà

Phong tục xứ Tây nay phổ biến

Hoá trang càng giống .. cứ bày ra …

  Yên Hà

26/10/2024

 

TRÒ VUI THÁNG MƯỜI

Cuối Tháng Mười đây sắp diễn ra

Vườn sân ngõ ngách ngắm như lòa

Nhà nầy lủng lẳng dăm tên quỷ

Góc nọ lòng thòng mấy xác ma

Tỉa bí ngô vàng mong phát kẹo

Treo xương cốt giả đợi trao quà

Sau cùng nhập tiệc và khiêu vũ  

Truyền thống hằng năm Mỹ diễn ra

ThanhSong ntkp

 CA.26/10/2024


LỄ HALLOWEEN

Lễ Halloween lại xảy ra

Phố phường nhộn nhịp bóng đèn lòa

Ngoài đường từng nhóm, già trông trẻ

Trước cửa từng nhà, quỷ dắt ma

Từ cõi âm u người hiện diện?

Với trò xảo thuật lúc giao quà

Tháng mười đêm cuối theo truyền thống

Lễ Halloween lại xảy ra.

(Phan Thượng Hải)

       10/27/24 










Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

HỒN MA BÓNG QUẾ - Triệu Dương NLT

 

        HỒN MA BÓNG QUẾ

Thượng nguồn sông Thu Bồn, về phía Nam của huyện Duy Xuyên, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày xưa có một vùng đất nổi tiếng về nghề trồng quế. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn (cuối thế kỷ 19) thì năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trích lấy bốn tổng thuộc huyện Duy Xuyên và một tổng thuộc huyện Lễ Dương đặt thành huyện Quế Sơn. Huyện nầy có rừng Gia Lộc thuộc hai xã Tân An và Gia Lộc và rừng Hương Phước thuộc xã Hương Phước là nơi có nhiều cọp beo và cũng là nơi có nhiều quế. Dân ở đây thường trồng cây quế là một loại dược thảo quý dùng để trị bệnh, ổn định tâm, can, tỳ, phế, thận rất tốt. Con trai, con gái khi cưới vợ gã chồng, sinh con thì trồng cây quế làm vốn cho con sau nầy lớn lên ra đời, tự lập. 

Khách buôn thường đến các chợ Thu Bồn (còn gọi là chợ Phường Tây), chợ Phước Sơn và chợ Tân Yên (tức chợ Hoa Viên) thuộc huyện Quế Sơn để tìm mua các loại quế thanh và quế chi đem về cung cấp cho các tiệm thuộc Bắc hay các nhà giàu, nhà quan ở trong tỉnh. Quế thanh là thứ quế lấy từ vỏ cây, dày, chắc, thơm và cay, có công hiệu lớn trong việc trị bệnh. Còn quế chi là quế lấy từ vỏ của các cành cây (chi) nên mỏng mà chất lượng lại không bằng quế thanh. Theo lệ, mỗi năm huyện Quế Sơn phải nộp cho nhà vua một thanh quế vào loại thượng hảo hạng nặng 8 lạng từ nguồn sông Thu Bồn, còn huyện Hà Đông thì nộp 3 thanh quế thượng hảo hạng từ nguồn sông Chiên Đàn thuộc tỉnh Quảng Nam.

Suốt một cuộc đời chiến đấu cho lý tưởng quốc gia, mãi đến tháng 3-1975, Phan Quế Sơn từ Đà Nẵng chạy vô Sài Gòn và sau ngày 30-4-1975 không trốn ra ngoại quốc được nên “tự động đi trình diện học tập cải tạo” tại trại Long Thành, tỉnh Đồng Nai... để được “hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà Nước...”

Gia đình họ Phan tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trước 1945, nên khi lớn lên, anh cũng đứng trong hàng ngũ những người đối lập với Việt Minh Cộng Sản. Cha mẹ lấy tên quận Quế Sơn đặt cho anh để sau nầy, dù có lưu lạc bất cứ nơi đâu thì cũng nhớ đến nguồn gốc của mình là dân sinh trưởng ở vùng đất trồng quế.  Cho đến tuổi gần năm mươi mà anh chưa lập gia đình.

Phan Quế Sơn nằm bên cạnh cụ Trần Quang Túc, một đảng viên Việt Quốc lão thành phụ trách đảng bộ Nha Trang. Cụ có người con ở cư xá Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh, Gia Định, cùng một phường với gia đình chúng tôi, nên thường lui tới trò chuyện và nhận là người “đồng hương” với nhau.

Nghe cụ Túc nói tôi biết coi chỉ tay, giải đoán lá số Tử Vi... nên Phan Quế Sơn thường đến gặp riêng tôi tâm sự và hỏi tôi về quá khứ, tương lai. Lợi dụng giờ nghỉ trưa, anh thường rủ tôi lên Hội Trường, ngồi nhìn ra cánh rừng xa xa, những cây cao su san sát nhau hay những rẫy bắp ngô đang trổ cờ, nghe tiếng xe đò Sài Gòn - Vũng Tàu chạy qua mà lòng nao nao buồn... Buổi tối, anh thường đun nước pha trà và mời chúng tôi đến chỗ cụ Túc nghe kể chuyện lịch sử hay ôn lại những kỷ niệm đã qua trong đời để cho vơi đi nỗi thương nhớ gia đình trong cảnh tù đày tuyệt vọng, không biết mình sẽ bị giam giữ cho đến bao lâu, liệu có còn sống được cho đến ngày về hay không?!...

Cụ Túc bắt tôi kể chuyện trước rồi đến Quế Sơn, còn cụ chỉ lo pha trà, cà phê, khi nào nhận được tiếp tế của gia đình thì có thêm chuối khô, bánh kẹo. Cứ đêm nầy qua đêm khác, kể riết rồi cũng hết chuyện, tôi phải xoay qua kể chuyện ma... Ban ngày, tôi chuẩn bị nội dung, cố làm sao cho thật hấp dẫn, tối đến kể cho cụ Túc và Quế Sơn nghe. Tôi cứ sáng tác dài dài, cố moi trong đầu óc, nhớ lại những chuyện xưa tích cũ, tiểu thuyết, tin tức báo chí, chuyện nghe người khác kể, chuyện mình biết, mình đã trải qua, v.v.  làm sao mỗi đêm có “phim” để “chiếu” cho khán thính giả ái mộ...

Bên ngoài chỗ cụ Túc nằm, chỉ cách một miếng tôn là ngôi mộ của một người chạy loạn bị chết trong dịp 30-4-1975, được chôn cất vội vàng với cái tên NGŨ CÔNG BÌNH ghi trên cái bia mộ nhỏ bé bằng xi-măng... Rằm tháng Bảy năm 1975, chị Nguyễn Thị Minh Tâm, nghị viên tỉnh Gia Định, cũng bị tù tại trại Long Thành, đã mang một nải chuối đến đó để cúng cô hồn. Anh em chúng tôi âm thầm theo dõi, khi chị vừa quay lưng đi thì Phan Quế Sơn liền lấy nải chuối đem giấu cất để tối mời anh em ...

Một hôm vào mùa trăng nhưng trời bỗng mưa to gió lớn, chúng tôi đến chỗ cụ Túc, kể chuyện “ma hiện hồn về...” làm cho cụ cảm thấy ớn lạnh xương sống. Mãi quá nửa đêm, khi tôi đã trở về chỗ nằm thì bỗng thấy cụ lò mò mang chiếu đến nằm bên cạnh. Cụ nói:

           Cho tôi nằm đây với. Anh kể chuyện ma làm tôi sợ quá. Tôi vừa chợp mắt thì thấy Ngũ Công Bình về đòi nải chuối của bà Tâm cúng hồi sáng...Mặt mày hắn đầy máu me trông kinh khiếp...           

            Cụ Túc có tính hay sợ ma nhưng lại thích kể chuyện ma. Đêm hôm đó trời mưa, căn nhà trống trải, gió lạnh từng cơn lùa vào, chăn mền không đủ ấm, tôi thấy cụ tự nhiên run lên cầm cập. Cứ nửa đêm về sáng, con tắc kè trong hang ngoài thềm nhà, gần ngôi mộ, lại kêu lên mấy tiếng “Tắc kè! Tắc kè” nghe áo não. Giờ đó, anh em thường giật mình tỉnh giấc, thay nhau đi tiểu, tiếng dép lẹt xẹt kéo ngang qua chỗ tôi nằm. Có người ngồi dậy lấy điếu thuốc lào, đốt đóm, nghe “rít” một tiếng thật dài, hoặc ngồi hút thuốc lá, nghĩ đến gia đình vợ con...

            Tối hôm sau, tôi không kể chuyện ma nữa. Thấy thế, Phan Quế Sơn bèn tình nguyện thay tôi “chiếu phim”. Câu chuyện anh kể, có thể là một chuyện cổ tích anh đã từng nghe hồi nhỏ, hoặc do chính anh sáng tác với khung cảnh vùng quê của anh. Với giọng của dân miền núi Quảng Nam, hơi khó nghe, nhưng anh cũng cố gắng nói chậm rãi, rõ ràng; hơn nữa chúng tôi vốn đã quen với giọng nói của anh nên cũng theo dõi được từ đấu đến cuối...

                       ....           

            Phía Nam của dãy Trường Sơn huyền bí, là ngọn núi Ngọc Anh hay Ngọc Lĩnh, cao hơn hai ngàn thước. Núi Ngọc Anh, nghe giống tên một cô con gái chốn lá ngọc cành vàng nào đó ? Người ta đồn rằng trên núi có tiên ở.

            Ngày kia, có một chiếc thuyền chở người chết từ dưới đồng bằng đi lên phía thượng nguồn. Trải qua mấy ngày vất vả, thuyền mới đến được dưới chân núi.  Người chồng ẳm xác vợ vừa đi vừa khóc thảm thiết. Đó là một người đàn bà rất đẹp, xác chết còn tươi tắn như người nằm ngủ, tóc xỏa dài xuống tận gót chân.

            Người chồng trải chiếu trên đám cỏ, đặt xác vợ xuống đó rồi lấy nhang đèn, hoa quả bày biện ra để cúng. Chàng khấn rằng:

           Lạy Thần Núi Ngọc Anh linh thiêng, quyền phép. Kẻ ngu hèn nầy ở chốn quê mùa dân dã, quanh năm đánh cá ven sông, trồng trọt cày bừa để có miếng cơm manh áo, chưa từng làm điều gì trái với luân lý đạo đức, chưa từng hại người lương thiện. Trời thương cho kẻ ngu hèn nầy một người vợ rất khả ái, vợ chồng sống hòa thuận thương yêu nhau đã ba năm rồi mà chưa có con cái.  Mấy hôm trước đây, nàng bỗng trở bệnh, cứ kêu la đau đớn, thuốc thang không lành, và hôm qua, nàng bỗng nhiên từ biệt cõi đời. Kẻ ngu hèn nầy rất đau khổ, nên chèo thuyền chở nàng đến đây, cầu xin Đấng Thần Linh ban phước cứu sống nàng. Nếu nàng không được cứu chữa bởi phép nhiệm mầu của Ngài thì kẻ hèn nầy nhất quyết ở lại đây, cùng chết với nàng dưới chân núi nầy mà sẽ không bao giờ trở về quê hương nữa.         

            Người chồng cứ lặp đi lặp lại mãi câu nói đó từ sáng cho đến tối, ngày nầy qua ngày khác mà không có tiếng của Thần Núi trả lời. Bỗng một hôm, có nhà sư mặc áo vàng từ đâu xuất hiện, tay cầm tràng hạt vừa đi vừa niệm Phật.

            Người chồng bèn chạy đến sụp lạy trước mặt nhà sư khóc lóc và nói:

           Thưa Ngài, vợ tôi chết đã mấy hôm nay rồi. Tôi đưa thi hài của nàng đến đây để cầu xin Thần Núi Ngọc Anh linh thiêng ra tay cứu sống nàng. Tôi xin nguyện sẽ làm bất cứ điều gì mà Thần Thánh yêu cầu, dù có chết cũng cam, miễn sao cho vợ tôi được sống lại. Tôi tha thiết cầu khẩn đã mấy ngày đêm rồi mà không có tiếng trả lời, chỉ nghe tiếng nói của tôi vọng lại từ vách đá cheo leo mà thôi. Hôm nay, bỗng nhiên thấy Ngài xuất hiện. Nếu Ngài quả là người từ trên núi Ngọc Anh mà đến để cứu nhân độ thế thì xin Ngài hãy giúp cho vợ tôi được sống lại...           

            Nhà sư bèn đưa tay ra đỡ anh ta đứng dậy, rồi nói:

           Ta có thể nguyện xin ơn trên cho vợ anh sống lại được. Nhưng sau nầy, nếu vợ anh có điều gì không vừa ý thì anh đừng có hối tiếc...           

            Người chồng mừng rỡ nhận lời:

           Thưa Ngài, dù phải chết, tôi vẫn vui lòng. Xin Ngài ra tay giúp cho vợ tôi sống lại...

           Nếu anh muốn như vậy thì cũng được. Anh hãy cắn tay và cho nàng một giọt máu. Nàng chỉ cần một giọt máu đỏ mà thôi.          

            Người chồng bèn cắn tay cho chảy máu rồi cạy miệng vợ, cho một giọt máu nhễu vào đó. Lát sau, người vợ mở mắt và sống lại. Vợ chồng vui mừng lạy tạ nhà sư. Nhưng nhìn lại thì nhà sư đã biến mất từ lúc nào rồi.

            Chồng liền dẫn vợ xuống thuyền, xuôi dòng trở về quê hương. Thuyền đi dưới ánh trăng rằm bao la bát ngát, gió trên sông nhẹ thổi vào mặt làm cho hai người cảm thấy sảng khoái yêu đời. Khi ngược dòng lên núi vất vả bao nhiêu thì lúc trở về, thuyền xuôi mát mái nhẹ nhàng bấy nhiêu. Quá nửa đêm, người chồng cảm thấy đói bụng, bèn ghé lại bên đường:

           Em hãy ở lại đây giữ thuyền, đừng đi đâu nhé, để anh lên bờ tìm mua thức ăn vì đã mấy ngày nay vất vả, chẳng ăn uống gì.       

            Người vợ “dạ” một tiếng rất dịu dàng rồi ngồi núp vào trong thuyền đợi chồng.

            Người chồng đi rồi thì có một chiếc thuyền buôn to lớn, hai tầng, đèn đuốc sáng trưng. Ở bên trên người ta đang bày tiệc rượu có đàn ca xướng hát rất vui nhộn, tầng dưới cũng đầy ắp hàng hóa...Đúng là một chủ nhân ông giàu có đang đi qua đây. Người vợ bỗng nổi tính tò mò, bèn mở cửa, ra ngồi trước thuyền để xem. Bên thuyền kia, chủ nhân đang ngồi giữa bàn tiệc vừa trông thấy nàng bèn cất tiếng mời:

           Vị nữ lưu nào ở trên thuyền kia, xin mời ghé lại đây nhập tiệc với chúng tôi. Trên thuyền chúng tôi có đủ cao lương mỹ vị, đàn ca xướng hát... Chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp nàng đến chơi...           

            Lúc đầu, nàng còn nhớ lời chồng dặn, không được bước ra khỏi thuyền. Nhưng về sau, chủ nhân năm lần bảy lượt mời mọc nên nàng cũng xiêu lòng đứng dậy bước ra khỏi thuyền con để bước qua thuyền lớn.

            Khi nàng vừa đặt chân lên thuyền lớn thì chủ nhân liền ra lệnh nhổ neo.  Thuyền vừa đi trên sông, trăng sáng vằng vặc, gió hiu hiu thổi, tiếng nhạc trổi lên nhịp nhàng, tiệc rượu bày ra, đủ cả sơn hào hải vị lại thêm chủ nhân trân trọng đón tiếp nàng. Những lời chúc tụng, tâng bốc, ca ngợi nhan sắc duyên dáng của nàng làm cho nàng cảm thấy vui sướng, hài lòng và quên mất người chồng ở trên bờ.

            Người chồng trở lại, không thấy vợ mình đâu nữa, chiếc thuyền con lênh đênh trôi dạt trên sông vắng. Mặt trời ló dạng, từ từ nhô lên trên mặt nước.  Cảnh vật mỗi lúc một rõ hơn, gió thổi mạnh, tiếng chim đi ăn đêm đang bay về khi trời sáng. Chàng cất tiếng gọi, nhưng không thấy nàng trả lời. Chàng hốt hoảng, lo sợ, nhảy xuống sông bơi ra tận thuyền. Trong thuyền không có một ai, đồ đạc còn nguyên vẹn như chưa hề xảy ra chuyện gì, chỉ thiếu một mình nàng. Không biết nàng đã bỏ đi đâu hay kẻ cướp đã đột nhập bất thình lình ?! Chàng chèo thuyền đi trên sông suốt ngày nầy qua ngày khác, dò hỏi khắp các làng xóm quy tụ hai bên bờ, nhưng không một ai hay biết. Chàng đau khổ vô cùng.

            Bỗng một hôm, chàng được tin có một chiếc thuyền buôn giàu có, chủ nhân vừa cưới được một người vợ trẻ đẹp, đang chu du đây đó để hưởng tuần trăng mật.  Chàng bèn chèo thuyền đi khắp sông hồ để tìm dấu vết chiếc thuyền của nàng.  Chàng bỏ hết công ăn việc làm, lang thang hết làng nầy qua làng khác và cuối cùng đã trở thành một người ăn mày mang bị gậy đi xin độ nhật. Một ngày kia, chàng đến trước cổng một dinh thự to lớn, giàu sang để xin ăn.  Khi bước vào sân, chàng bỗng thấy một mệnh phụ phu nhân từ trong nhà đi ra bên cạnh có kẻ hầu người hạ. Trước khi bước lên xe, phu nhân nhìn thấy người ăn mày đứng ngửa tay xin của bố thí, nàng bèn móc túi lấy mấy xu nhỏ ném xuống cho chàng. Mắt chàng vừa nhìn lên, đã nhận ngay được người đó chính là vợ mình ngày xưa. Nhưng nàng không bao giờ nghĩ rằng người hành khất đó chính là chồng cũ của mình.

            Khi bóng nàng đã đi khuất, chàng bèn nghĩ cách làm thế nào để gặp vợ cho được. Chàng lân la dò hỏi mọi người trong vùng, biết được đúng tên phu nhân kia chính là vợ mình ngày xưa. Chàng bèn đến trước cổng nhà, xưng tên tuổi, quê quán của mình và xin gặp đích danh phu nhân tên là Ngọc.

            Phu nhân được báo có người tên Phan Minh đến tìm để đòi một món nợ cũ....  Biết đích xác là gặp lại chồng xưa nên không thể tránh mặt được, nàng đành phải ra tiếp chàng. Gặp lại vợ cũ, người chồng chỉ nói một câu:

           Hãy trả lại cho tôi giọt máu mà tôi đã nhỏ vào miệng nàng ngày xưa. Tôi đến đây chỉ có một mục đích đó mà thôi. Tôi không cần tiền bạc vật chất, tôi cũng không phá hoại hạnh phúc của nàng hiện tại.           

            Người vợ tỏ ra rất phân vân, xúc động, nàng cũng không nói một lời nào.  Bỗng nàng đưa ngón tay lên, cắn một cái thật mạnh, máu chảy ra và cho một giọt máu rơi vào miệng của chàng.

            Tự nhiên nàng cảm thấy chóng mặt, khó thở, da tái xanh và ngả xuống giữa sân nhà. Một trận gió ào ào thổi đến nghe rợn người, những tiếng kêu rên thảm thiết từ trong cõi vô hình đang vang lên, xác nàng bỗng biến thành tro bụi, chỉ trong phút chốc đã hòa theo gió bay đi mất chỉ còn lại một con muỗi...Mỗi đêm, con muỗi bay đến bên chàng kêu “o, o” để đòi lại “giọt máu”...

            Phan Quế Sơn kể đến đó, bỗng nhiên hai hàng nước mắt từ từ chảy xuống trên má. Mọi người im lặng, không ai nói một lời. Tôi biết Sơn có tâm sự buồn, tuồng như anh ta đã bị người đàn bà nào đó phản bội, bỏ rơi. Trong hồ sơ lý lịch cá nhân, anh khai là còn độc thân. Nhưng bạn bè nói anh đã có vợ, có con. Anh đã sống với một người đàn bà, không cưới hỏi chính thức, không lập hôn thú, hai người đã chia tay nhau trước khi anh vào tù!

            Năm 1975, sau khi anh một mình chạy vào Sài Gòn thì cha mẹ anh ở tại quê nhà cũng bị kẻ thù hãm hại. Mấy tháng sau, anh mới được tin đó, anh quyết sẽ không bao giờ trở lại quê hương nữa. Tên của anh là tên của quê hương, anh đi đâu cũng mang cái tên đó đi theo mình, anh không bao giờ quên.

            Một hôm gần Tết, trời lạnh, cụ Túc lại rủ chúng tôi đến uống trà và ăn bánh của con cháu cụ từ Sài Gòn gởi vô. Nửa đêm, chúng tôi vẫn ngồi tâm sự, không ai ngủ được. Bỗng con tắc kè ở bên ngoài thềm nhà kêu lên mấy tiếng...Tôi nói:

           Tắc kè kêu “Túc về ! Túc về !”, chắc là cụ Túc sắp được về với gia đình trong dịp Tết...           

            Nghe tôi nói như thế, cụ Túc lòng ngập tràn hy vọng, đêm nào cũng đun nước pha trà, cà phê, đem bánh kẹo mời chúng tôi ăn. Cụ Túc thường đem bánh kẹo ra đặt trên mộ Ngũ Công Bình để cúng cô hồn. Cụ thường nằm mơ thấy anh nầy về hỏi thăm nên cụ sợ lắm! Trước khi đón năm mới Bính Thìn 1976, cụ Túc được cán bộ trại Long Thành mời lên “làm việc” cùng với một số người khác thuộc diện già yếu, bệnh hoạn, gia đình neo đơn. Ngay sau đó, cụ được lệnh thu dọn đồ đạc và tập trung tại Hội Trường, không được liên hệ với những người ở lại. Đến Hội Trường, cụ và anh em khác nhận được giấy phóng thích, ký tờ cam kết và được cấp tiền xe để về với gia đình. Cụ không kịp nói lời chia tay với anh em và chúng tôi cũng không kịp nhắn tin gì với gia đình.  Còn lại một chút thức ăn, cụ đem cho tôi khi đi ngang qua chỗ tôi nằm.

            Tết năm 1976, cụ có ghé thăm gia đình tôi tại cư xá Thanh Đa quận Bình Thạnh. Sau đó cụ cùng gia đình tìm đường vượt biên và định cư ở Pháp. Gần hai chục năm sau, tôi lại nhận được thư cụ, thật là chuyện bất ngờ, không hiểu làm sao cụ có được tin tức và địa chỉ của tôi. Mấy tháng sau, tôi được thư của Bà Lương Thị Nga ở Pháp, một chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, báo tin cụ đau nặng và rất muốn gặp tôi, muốn liên lạc với tôi.  Nhưng tôi chưa có điều kiện để qua Âu Châu gặp cụ thì lại được tin cụ đã ra người thiên cổ... Và mới đây, 1999, tôi lại được tin Bà Lương Thị Nga cũng đã qua đời!

            Cụ Túc về được ít lâu thì một hôm Phan Quế Sơn đến gặp tôi tâm sự:

           Tôi đọc sách thấy nói người nào có “đường pháp lệnh” chạy thẳng vào miệng là số chết đói. Có đúng vậy không?    

            Đường “pháp lệnh” là đường vòng hai bên miệng từ mũi xuống. Tôi bỗng nhìn vào mặt anh và thấy rõ anh có đường pháp lệnh chạy thẳng vào miệng. Tôi bèn nói:

           Không biết anh xem sách vở ở đâu chứ tôi chưa thấy nói điều đó. Nhưng số anh em mình rồi cũng chết vì đói mà thôi. Anh nghĩ tù tội như thế nầy, ai cũng đói, thiếu ăn thì sinh ra suy nhược, bệnh hoạn mà chết. Như thế có phải chết vì đói hay không? Nếu không về sớm thì rồi anh em đều chết vì đói hết. Chỉ có ơn trên, ông Trời, Thượng Đế... mới cứu mình ra khỏi cảnh nầy mà thôi. Anh có lòng tin thì cứ cầu nguyện, người Việt Nam mình ai cũng tin có Đấng Tạo Hóa, có Ông Trời... ăn ngay ở lành, khi gặp hoạn nạn sẽ được Trời cứu giúp... Nước mất, nhà tan, bản thân phải bị đọa đày, mình chịu chung cái nạn với quốc gia, dân tộc đó thôi. 

Phan Quế Sơn im lặng bước đi bên tôi không nói gì. Mấy tháng sau, chúng tôi phải chuyển ra miền Bắc, mỗi người một ngã, từ đó, tôi không gặp lại Sơn.  Khoảng 1980, tôi được tin anh đã chết vì tai nạn khi vào rừng chặt tre đem về làm nhà cho trại. Cây tre rơi từ trên núi xuống đâm trúng anh thủng ruột. Anh chết trong lúc kiệt sức, ngả té, thấy cây tre lao xuống mà không đủ sức lăn mình qua chỗ khác để tránh, đành phải chấp nhận cái chết rất thê thảm. Anh em chôn anh ở trong rừng, không có hòm, chỉ bó chiếu và mảnh chăn rách.

Tối đó, anh em nằm ngủ nghe tiếng bước chân đi trên trần nhà lạo xạo suốt đêm. Ngọn đèn dầu leo lét để trên bàn ở góc nhà cho anh em ban đêm hút thuốc lào hoặc thấy đường đi vào cầu tiêu bỗng vụt tắt. Bóng tối bao trùm cả một gian phòng lạnh lẽo. Tiếng chim lạ từ trong rừng vọng lại như gọi hồn ma, tiếng cú mèo lâu lâu cất lên nghe rợn người. Có anh đang nằm ngủ bỗng thét lên làm cho anh em khác đang ngủ phải giật mình. Một vài tiếng khóc tức tưởi nghẹn ngào của những người tù tuyệt vọng nhớ vợ con gia đình. Tiếng kẻng tù báo thức đã qua một đêm, chuẩn bị vào một ngày đi lao động mới. Anh em kể cho nhau nghe, tối hôm qua có người nằm mơ thấy Phan Quế Sơn về, bóng anh cao lêu nghêu, ốm yếu, đi vật vờ giữa buồng. Ngay khi đó, cây đèn dầu trên bàn như bị ai thổi tắt đi...

Triệu Dương NLT

30 tháng 6, 1999