Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hủng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***

Tiếng Việt kỳ diệu

Trong chữ “Nhẹ” vẫn có dấu “Nặng”

Trong chữ “Vững” vẫn có dấu “Ngã”

Trong chữ “Hiểu” vẫn có dấu “Hỏi”

Chữ “Ngắn… dài hơn chữ “Dài”


Sơn bất cao, thuỷ bất thâm 

Dân gian có câu:  

Sơn bất cao,

Thuỷ bât thâm;

Nam đa trá,

Nữ đa dâm.

Nhưng câu trên là của Tào Tháo đời Tam Quốc trong bài Đoản Ca Hành  có câu: Sơn bấy yếm cao  – Thủy bất yếm thâm.

(Nguyễn Tử Quang - Điển hay tích lạ)


Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Người đời sau cứ mặc nhiên bồi đắp một tình yêu lãng mạn đã xảy ra, hơn cả mức các bài ca đã diễn tả... Xét cho cùng các chàng hầu hết đâu đến được với nàng, nhưng trong buổi đầu đi kháng chiến, "mấy anh nho nhỏ" thường trông vào các cô để vợi nỗi buồn tha hương và lưu lạc. Dường như các cô hàng đã thành một mẫu hình cho giai nhân thời chinh chiến, như cô hàng nước của Vũ Huyến (Vũ Minh), cô hàng hoa của Thẩm Oánh, các cô sơn nữ của Trần Hoàn, Tô Hải, cùng nhiều cô trên con đường vô định của tuổi trẻ.

 

Cô Hàng Cà Phê là ca khúc nổi tiếng nhất của Canh Thân, nhưng ông cũng có nhiều ca khúc đặc sắc khác. Cái tên Canh Thân cũng rất đặc biệt bởi chính là năm sinh của ông - ứng với dương lịch là 1920. Ông từng học nhạc tại trường Lê Lợi (Hải Phòng) do nhạc sĩ Lê Thương dạy. Thời trước 1945, Canh Thân rất nổi tiếng với vai trò một ca sĩ chuyên biểu diễn theo phong cách của danh ca Tino Rossi (người Pháp gốc Sardinia), đến độ vào thời thanh niên lập ra các "hội ái Ti-nô" thì Canh Thân có biệt danh "Ti-nô Thân". 

(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)


Chân dung Văn học Nghệ thuật & Văn hóa

Văn học Việt Nam truyền thống không có bộ môn tiểu sử. Hay nói cho rõ hơn, không có những công trình dài hơi, thấu đáo, viết về chẳng những sự nghiệp mà cả thân thế đời sống riêng tư của các văn nghệ sĩ làm nên văn học sử nước nhà. 



Bên trời Tây, họ có truyền thồng này ngay từ thời Trung đại. Nhờ thế, qua Thayer, chúng ta biết những “Người tình bất tử” của Beethoven chẳng qua chỉ là sản phẩm tưởng tượng nằm bên trong khối óc âm nhạc kì vĩ nhất của nhân loại. Hiểu biết tường tận hơn về con người cá thể của tác giả, các nhà nghiên cứu hai ba trăm năm sau có thêm trong tay cơ sở quy chiếu để đọc văn bản từ một góc độ độc lập nào đó, tâm lí học chẳng hạn, và rất có thể có cái nhìn phân tích thú vị và trung thực hơn về tác phẩm.


Trong khi đó bên ta, lúc hiệu khảo bộ Truyện Kiều, học giả Trần Trọng Kim chỉ có thể đưa ra một tiểu sử rất sơ lược về cụ Nguyễn Du, thậm chí cụ Nguyễn sinh tháng nào, cụ Trần cũng lúng túng, không biết tra cứu nơi đâu! 

Rồi đến thân thế nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, cách đây khá lâu, chính xác là năm 1858 (?), trên tạp chí Sáng Tạo, ông Lữ Hồ còn tỏ ý nghi hoặc về một bà Hồ Xuân Hương có thật!

(Trịnh Y Thư)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xom: già xọm” 

Viết đúng là “già sọm” (sọm = gầy, già yếu, hom hem).

  (Hòang Tuấn Công)


Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 1

Song sự thực mọi chuyện không suôn sẻ như thế.

Những người quen biết, khi viết về tuổi già Thanh Tịnh, thường tả căn phòng của ông trong ngôi nhà số 4, ở đó rất nhiều đồ vật lịch sử “cái đĩa thời Lê, viên gạch thời Lý”, ngoài ra là ngổn ngang những vật kỷ niệm “một mảnh máy bay B.52, viên đạn ở chiến trường Quảng Trị, một con vịt nhựa sứt mẻ nhặt được sau một trận bom…” 


Và có người còn bảo là trong hoàn cảnh bấy giờ, Thanh Tịnh đã khéo tổ chức một cuộc sống riêng rất hợp lý. Có điều đấy là một cách an ủi cho người đau khổ đỡ tủi. Nên biết là ngay từ sau 1954, Văn Nghệ Quân Đội là một cơ quan rất được ưu đãi, anh em cán bộ chiến sĩ tuy đang tại ngũ, nhưng không phải lúc nào cũng bắt buộc mặc quân phục, và giờ giấc cũng không chặt chẽ như các đơn vị hành chính khác. Chỉ riêng một việc cơ quan đặt ở ngoài thành lại không có trạm gác đi về thoải mái, đã là một ân sủng quá sức chờ đợi! Là những người lính, nhưng hầu hết cán bộ trong cơ quan có gia đình ở Hà Nội, và sau một ít giờ sinh hoạt chung, ai về nhà nấy, thậm chí viết lách cũng có thể ngồi nhà, chỗ ngồi viết được cơ quan bố trí có để mốc ra đấy.


Chính trong không khí đầm ấm đó mà sự cô độc của Thanh Tịnh càng nổi lên rõ rệt: Hãy thử tuởng tượng, vào những buổi tối, cả ngôi nhà hai tầng thâm nghiêm sang trọng đó vắng lặng chỉ có Thanh Tịnh. Sau những bữa cơm chiều tẻ nhạt, có đi đâu một lát thì cuối cùng ông cũng phải trở về với dãy phố chỉ có hàng sấu lá reo, với cái cầu thang mênh mông mà bóng ông không bao giờ lấp kín. Trong khi đó, không cần tưởng tượng phong phú gì lắm, cũng có thể hình dung ra cảnh các đồng nghiệp của mình đang vợ con ríu rít như thế nào – tất cả những chuyện này, đối với Thanh Tịnh lặp đi lặp lại hàng ngày, và một tâm hồn nhạy cảm như ông làm sao không cảm thấy xót xa cho được? 


Chẳng ai có lỗi trong nỗi bất hạnh này của Thanh Tịnh cả – chẳng qua đất nước chia cắt, ông lập gia đình sớm, mà giờ vợ con lại ở tận trong kia (trong miền Nam), trong khi bọn chúng tôi trẻ hơn, bấy giờ mới bén mùi hạnh phúc riêng tư, nên tự nhiên là có cuộc sống khác hẳn ông như vậy. Tuy nhiên sáng sáng, bọn tôi khi bắt tay vào một ngày mới, đến cơ quan với bao náo nức, quả thực là có xẹp đi ít nhiều, chợt thấy người đồng nghiệp đồng đội già của mình lầm lũi xách một xô nước, từ bể chứa dưới nhà lên gác hai. Chính chúng tôi cũng muốn lẩn tránh ông, chứ không phải riêng ông muốn tránh chúng tôi. Lấy đâu ra lời lẽ, để ngày nào cũng an ủi nhau, chúng tôi tự nhủ. Chỉ hoạ hoằn lắm, có đợt cả loạt anh em cơ quan cùng đi công tác, những lần ấy, mọi người như đều bình đẳng với nhau trong sự xa nhà của mình,.

(Vương Trí Nhàn)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xứ: xứ bộ” 

Chỉ có “sứ bộ”, không có “xứ bộ” 

(Vietlex: “sứ bộ” 使 部 phái đoàn đi sứ thời xưa”).

(Hòang Tuấn Công)


Thanh Tịnh, cuộc đời Ngậm ngải tìm trầm - 2

Chẳng những thế, lại phải biết thêm là sinh hoạt văn học từ sau 1954, nhất là từ 1958-60 trở đi, rồi trong chiến tranh, có một vẻ tấp nập riêng chỉ nó mới có. Các nhà văn Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Hải Hồ, lúc ấy mới trên 30, đi khoẻ, viết khoẻ, tháng trước vừa theo đơn vị này đi tiễu phỉ ở Hà Giang, về viết một hai tuần nộp bài cho cơ quan xong, tháng sau lại có thể theo một đơn vị khác, và trở về, lại có bài ngay để nộp, cả toà soạn như một đàn ong cần cù, hàng ngày hàng giờ toả đi khắp nơi để viết, viết ngay về cái thực tế sôi động của miền Bắc lúc ấy. 


Còn Thanh Tịnh của chúng tôi thì sao? Ngoảnh đi ngoảnh lại tuổi 50 đã đến với ông từ lúc nào. Ông không thể xông xáo như mọi người, mà có lao đi khắp nơi, trở về, ông cũng không thể viết nhanh viết khoẻ như họ. Hơn thế nữa ở đây, không khỏi còn những phân cách trong thói quen, trong quan niệm. Một bên là lớp nhà văn mới trưởng thành, đầy tự tin, và cái háo hức chủ yếu, là háo hức làm nên một nền văn học trước đây chưa từng có; còn bên kia là Thanh Tịnh dẫu sao cũng là còn hơi hướng tiền chiến, nghĩa là thuộc về một quá khứ người ta đang muốn chôn vùi


Và thứ văn chương như Quê Mẹ, dẫu sao cũng là thứ văn hiu hắt buồn tẻ của một thời đã xa lắm rồi, một người đã viết nên thứ văn như thế, làm sao có thể bắt ngay vào cái nhịp sống mới. Tuy không ai nói ra, nhưng hồi ấy, hầu như tất cả nghĩ thế. Mỗi lần bàn về Thanh Tịnh, mọi người thầm bảo nhau: Thôi thì cứ để “cụ” tuỳ nghi viết gì thì viết. Nhưng khi đã nghĩ như thế, tức là mọi người không còn coi Thanh Tịnh bình đẳng với mình. Tức ông đã sớm trở thành một thứ cựu chiến binh ngay trong thời gian tại ngũ. Có cái rỗi rãi của người được chiều, có cái tuỳ nghi của người không bị ràng buộc. Chính vì thế, lại dễ trở nên lạc lõng. Tiếng thở dài hàng ngày của ông vẫn cất lên đều đều khi bước chân nặng nề đưa ông từ gác xuống nhà, từ nhà lên gác, song đáp lại tiếng ngân vang của nó, chỉ có một sự im lặng buồn tẻ. 


Kể ra, sự xa cách trong lối sống đã được giữ gìn kín đáo để khỏi trở thành lộ liễu. Là những cây bút đầy tài năng và hiểu biết, những Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao… đối với Thanh Tịnh vẫn có cái tình riêng. “Ông viết văn từ khi ta còn học tiểu học”, “Và bây giờ trong lúc ta vợ con đầm ấm, thì ông cô độc cô quả, xa nhà xa vợ con” – hầu như bất cứ ai cũng có lần tự nhủ vậy, để đối với Thanh Tịnh thật gượng nhẹ.


Riêng Nguyễn Minh Châu lại có cái gì hơn thế. Hình như với cái cốt cách riêng của mình, Nguyễn Minh Châu cứ có sự bùi ngùi thương cảm riêng với các bậc đàn anh tiền chiến và thường xuyên dậy lên trong ông một tình cảm giống như sự biết ơn chân thành. Một lần nào đó, viết xong một truyện ngắn, bên cạnh nhan đề Những Lá Thư Vui, Nguyễn Minh Châu trang trọng chua thêm mấy dòng “Kính tặng bác Thanh Tịnh” (như ngày xưa, Thanh Tịnh đã viết Con So Về Nhà Mẹ để “Kính tặng hương hồn anh Thạch Lam”). Lại một lần khác, sau nhiều dịp trò chuyện với Thanh Tịnh, Nguyễn Minh Châu đóng vai nhà báo, viết hẳn một bài phỏng vấn giúp cho Thanh Tịnh giãi bày đủ điều với mọi người.

(Vương Trí Nhàn)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xới: xới chọi gà” 

Viết “sới” mới đúng. Vì “sới” trong “sới chọi gà” chính là “sới” trong “sới vật”, “sới võ”, mà Vietlex giảng là: “khoảng đất bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim để tranh giải trong ngày hội”.

(Hòang Tuấn Công)


Xuân Sách và…- 1

Tôi lại nhẩm mấy câu thơ của ông: “Làm vua mà cũng chán/ Một nước cờ Yên Tử / Làm bận lòng thế gian” (bài “Yên Tử”). Vị Nhân giả bên phải là Nguyễn Hòa bảo: “Tại sao bận lòng nhỉ?”. Tôi nhìn ông đang gật gù và chợt hiểu. Yên Tử là An Tử, là chốn an lành của một bậc Thầy, bởi Tử có nghĩa là Thầy. Vậy thì cái “nước cờ” ấy, đơn giản là đạt tới... cõi yên. Muốn thế phải thờ ơ với ngôi vua, thờ ơ với danh, lợi, thờ với mọi cám dỗ... Nhưng mà than ôi, cái kiểu “yên” như vậy thì thế gian từ đó đến nay, có bao giờ yên đâu? Chẳng trách phải bận lòng. Tôi ngẫm nghĩ và bất chợt cùng gật gù với ông. Thời bây giờ có nhiều thầy (tử) lắm. Mà không “yên” thì tức là đang “loạn”. Thế thì ngoài cái chỗ là “Yên Tử” duy nhất đó ra, thế gian này toàn thị là... “Loạn Tử”. Ghê thật! Bốn câu thơ nói về cõi Tiên, mà rõ ràng hiện lên... cõi Tục.

 

Cái tư tưởng “yên tử” với “loạn tử” ấy làm tôi chợt liên tưởng đến một tập “thơ chân dung” của ông từng viết. Tập thơ vừa in xong đã bị thu hồi. Hình như trong đó sừng sững đến cả trăm gương mặt. Thế thì cũng thuộc loại “bách Gia, chư Tử” rồi. Cả một thời chư Tử không “yên”. Tập thơ đặc tả những gương mặt quen thuộc, nhàu nát như thể sách giáo khoa. Những thế hệ bầy đàn như chúng tôi chính là đã lớn lên trong cái vầng hào quang giáo khoa chói lọi ấy. Tôi chuẩn bị cất mồm ngâm ví dụ vài bài thơ chân dung của ông thì Nguyễn Hòa vội đưa tay ngăn lại. “Thôi, đọc cái khác đi”. Thì ra nhân giả này đang nghĩ hệt như tôi, đọc được ý nghĩ của tôi. Quả là tôi đang ngồi bên cạnh... quỉ, chứ không phải người thường.

  (Phạm Lưu Vũ) 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xuất: khinh xuất” 

Viết đúng là “khinh suất” 輕 率. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” 輕 = xem nhẹ; “suất” 率= hấp tấp, không thận trọng.

(Hòang Tuấn Công)



Xuân Sách và…- 2

Tôi rợn người trước ý nghĩ ấy, vội vàng nốc cạn một ly rượu để lấy lại hồn vía. Dụi mắt một hồi cho các giác quan trở về cõi thực, rồi quay sang vị Nhân giả bên trái là ông mà bảo: Huy Cận ngày xưa nhớ quê thì nghĩ ngay đến bác lò rèn: “Bác cho tôi đốm lửa ban sơ / Tôi luyện rèn năm tháng thành thơ”. Nguyễn Bính nhớ quê thì: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Trông lại tha hồ mây trắng bay”. Còn bác, bác nhớ quê hương đến nỗi phải biến thành... con bò (!). Sao lại biến thành bò? Thì đấy: “Tôi ngồi ăn / trong quán cơm bình dân phố núi / hết rổ rau này, rổ khác lại bưng ra...” (Bài “Rau má”). Bác ngốn rau má như thế, mà là ăn sống, rau sống mới đựng vào rổ. Thế thì không phải bò là gì. Ừ nhỉ. Sao bác không viết: “hết đĩa này, đĩa khác lại bưng ra...”? Nói cho vui vậy thôi. Chứ mấy ai ngốn ngấu nỗi nhớ quê được như ông. Hình ảnh tuy chỉ nhỏ bằng cọng rau má. Song tấm lòng thì bằng cả... con bò. Ôi cái thứ cây rau “nông nghiệp” ấy. Ông đã đi qua hai cuộc kháng chiến rồi. Vậy mà quê hương Thanh Hóa của ông, bây giờ vẫn “rau má”, vẫn xa lắc xa lơ như Nguyễn Bính vậy.

 

Sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha phương nghìn đời thê thảm ấy, trong óc tôi lại hiện lên mấy câu thơ ông viết: Tôi về với bến sông xưa / Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò / Nhìn theo ngọn khói vu vơ / Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không... (Bài “Bến Quê”). Không trách ông gọi mình là Xuân Sách. Những câu thơ như thế này không hề có tuổi, đọc lên nghe buồn và thương đến lặng người. 

May quá, tôi đang ngồi bên ông, nhìn ông đang yên ổn, trầm ngâm mà cảm thấy được an ủi phần nào. Tôi ngắm cái hình hài tưởng như trong suốt của ông và rùng mình nhớ tới hai câu kết, trong bài thơ ông tự vẽ mình (chân dung tự họa) như sau: “Mặt trời ảm đạm quê hương cũ / Ở một cung đường rách tả tơi.” 

Câu thơ mới tuyệt tác làm sao. Mười bốn chữ ấy chứa bao nhiêu nước mắt, không gian và thời gian, tâm linh và sự uyên bác... Tôi đọc lên trong một niềm kính cẩn, lòng tự nhủ không được vô lễ với sự ghê gớm, từng trải nhường ấy. Thơ ấy chỉ có thể thấm thía, mà không thể cắt nghĩa. Bức “chân dung” mới lồng lộng làm sao, bởi nó đâu chỉ tạc nên kiếp phận một con người...

(Phạm Lưu Vũ) *


Tiểu sử : Tên thật: * Phạm Khắc Lưu. Sinh 1957 tại  Nam Định.

Tác phẩm: Bữa Tiệc Nhân Sinh - Chuyện Làng Kinh - Sự Tích Núi Mồ côi - Gã Động Kinh - Chính Danh - Nhà Hiền Triết


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xộ: xừng xộ”

Viết đúng là “sừng sộ”, vì “sừng” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.

(Hòang Tuấn Công)


229 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

T.K.: Thưa anh, thế còn anh Xuân Diệu thì vì lý do gì mà anh Xuân Diệu lại viết bài đánh anh một cách tàn tệ như thế?

L.Đ.: À vâng, anh Xuân Diệu thì chuyện như thế này. Anh Xuân Diệu là người bao giờ cũng có ý làm trưởng môn một môn phái. Thế nhưng, anh ấy thấy rằng từ cách mạng trở ra thì anh ấy yếu lắm vì thơ anh rất kém. Những bài Ngọn Cờ Tổ Quốc với cái gì non sông ấy, thơ tồi quá. Mà trong những người chê anh ấy thì có tôi với Nguyễn Đình Thi và anh ấy ghét tôi với Thi lắm. Tôi nói cho chị một chuyện này: Người ta bố trí cho anh Xuân Diệu ngay cạnh giường của tôi, nằm ngủ cùng với tôi để anh ấy "giúp đỡ xây dựng" tôi. Thì trong một buổi họp, anh Xuân Diệu đã nói như thế này cơ mà, để chị biết là nó tàn tệ như thế nào, anh ấy nói rằng: 

"Bây giờ tôi phải nói với các đồng chí rằng tội của tôi cũng không đáng bao nhiêu mà đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ được. Nhưng tội Lê Đạt nó tầy đình như thế mà tôi cứ thấy nó nằm xuống giường là nó ngủ ngay!" (cười). 


Tôi thấy nhiều người phải quay mặt đi, chắc là hơi xấu hổ (cười). Tại vì Xuân Diệu thấy ở tôi và Trần Dần là hai người cạnh tranh nhất trong vấn đề thơ, cho nên là đặc biệt Xuân Diệu ghét Trần Dần và tôi, và đặc biệt là ghét tôi nhất tại vì tính tôi là người hay nói mà tôi lại thân với Thi. Cho nên thái độ anh Xuân Diệu đối với tôi quá đáng, chắc cũng vì thế thôi.

Và tôi phải nói với chị thế này, tức là sau khi Nhân Văn bị đánh rồi thì tất cả những người làm thơ năm 1930 tức là anh Huy Cận này, anh Xuân Diệu này, và anh Chế Lan Viên là tập trung xung quanh anh Tố Hữu và lúc bấy giờ rõ ràng là nền thơ Việt Nam bắc một nhịp cầu và nó lại trở lại cái vai trò chế ngự của thơ mới năm 1930 mà chính anh Tố Hữu chủ xướng.

(Phỏng vấn Lê Đạt – Thụy Khuê)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 “Xực: mũi xực lên; thơm xực”. 

Viết đúng là “sực lên”, “thơm sực”.

(Hòang Tuấn Công)


Văn nghệ miền Nam không có quá khứ

Hồi năm 1954, một đợt người Bắc khác vào lập nghiệp sinh sống ở miền Nam. Sau 45 năm vụ Phạm Duy Tốn, lại có người viết văn gốc Bắc phủ nhận văn nghệ miền Nam. Trần Thanh Hiệp, luật sư, nhà lý luận văn học của nhóm Sáng Tạo chủ trương thơ tự do, quy tụ những người viết văn gốc miền Bắc đã nói chuyện ở Câu Lạc Bộ Văn Hóa đường Tự Do, do Phạm Xuân Thái về "Viễn Tưởng Văn Nghệ Miền Nam" ngày 12-8-1960. Trong bài nói chuyện, có chỗ ông khẳng định "Văn nghệ miền Nam không có quá khứ". 


Người ta cho rằng rằng ông Trần Thanh Hiệp không hiểu thế nào là miền Nam và thế nào là quá khứ. Ông nói: "Không có quá khứ là điều đáng tiếc, nhưng có may mắn là tiến mau lẹ" Tóm lại qua lập luận ấy, người ta càng thấy ông Trần Thanh Hiệp không rõ chút gì về cái thực tế miền Nam mà ông đang tìm viễn tượng. 

Hình như về phương diện địa lý, ông không quan niệm rõ ranh giới miền Nam từ đâu giáp tiếp đến đâu, dân số gồm những ai và trong cốt cách tinh thần của họ văn nghệ dân tộc đã nếp dáng thế nào. Ngoài những áng cổ văn góp phần tạo nên phong thái của họ, còn câu hò câu hát, những điệu tuồng chèo, những hơi vọng cổ, bao nhiêu hình thái dân ca mang tự bình nguyên Nhị Hà và vẳng lên từ bờ Cửu Long góp phần xây dựng vốn liếng tình cảm của họ mà ông vô tình không thấy.

(Lê Tấn Tài giới thiệu và trích dẫn)


Bánh đúc lạc

Hà Nội thu về, khi tiết trời bắt đầu se lạnh cùng với những cơn gió heo may người ta bắt gặp trên góc phố những bà, những chị đội những cái thúng trên đầu miệng rao: “ai bánh đúc đây...”. 

Và người Hà Nội thường hay nghĩ ngay đến cái món bánh đúc lạc chấm tương...

Dân gian đã có câu: “bánh đúc, cá kho bán bò trả nợ” để thấy được sức hấp dẫn của món bánh dân dã này, nó mang đậm phong cách của làng quê Việt. 

(Tuệ Phong)


Diêm vương 閻 王 

Diêm vương là vua của địa ngục, là thần chết. Nhưng diêm là gì? 

Diêm là lối gọi tắt của từ “Diêm la”, mà Diêm la trong tiếng Hán phiên âm từ Yama trong tiếng Hindu, là vua của địa ngục


Viễn phố

“Gác mái ngư ông về viễn phố”, câu này của bà Huyện Thanh Quan hẳn ai cũng biết nhưng có nhiều người hiểu lầm “phố” như “phố phường”. “Phố” đây là “cửa biển”. Chữ Tầu “cửa biển” viết bằng chữ phố với bộ thủy bên trái. 


Chữ nghĩa làng văn

Nam Cao

Chí Phèo không phải là người cùng thời với Nam Cao. Đó là một nhân vật truyền thuyết của làng. Ngày xưa có một anh Chí Phèo, làm nghề mổ lợn, giỏi bắt phèo nên người ta gọi là Chí Phèo. Anh ta thường uống rượu say, đi trên đường làng, chửi trời chửi đất lung tung, trẻ con chạy theo hàng đàn. Chí Phèo không đâm chém ai cả. 


Còn Thị Nở có người nói có, có người nói không. Cô Hồng, con Nam Cao, thì nói dứt khoát: “Ông ấy bịa”.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


Nghi vấn văn học 

Lý do là vì nghi vấn được nêu lên ở đây liên hệ tới những tác phẩm và những tác giả Việt Nam thuộc hai thế kỷ cách xa nhau khá dài: thế kỷ XIV, thời nhà Trần của Trần Thế Pháp và Mạc Đỉnh Chi, và thế kỷ XVIII (cuối thời nhà Lê của Lê Quí Đôn). Ở giữa hai thế kỷ này, có cuộc xâm lăng của nhà Minh và mang sách vở của ta về Tàu. Minh Thành Tổ đã ban hành ba sắc chỉ liên tiếp trong các năm 1406, 1407. 


Vấn đề được đặt ra ở đây là những sách vở bị đem về Yên Kinh đã nằm tản mát đâu đó ở Tàu mà ta chưa kiếm ra; chúng có thể đã bị sao chép lại và trở thành văn thơ của người Tàu với những tên tác giả là người Tàu ở bất cứ thời nào người làm công việc mà chúng ta gọi là đạo văn muốn, càng xa xưa càng tốt, nhằm một mặt làm giàu cho kho tàng sách vở của người Tàu


Truyện Việt Tỉnh, bài văn tế, câu đối của Mạc Đỉnh Chi mà Trần Văn Tích nêu lên trong bài viết của ông là trường hợp điển hình. 

Cũng vậy, với bài văn tế vị công chúa người Tàu. Lý do như tôi dã nêu trên là vì Mạc Đỉnh Chi là người đời Trần, thuộc thế kỷ XIV trước khi có cuộc xâm lăng của nhà Minh, đầu thế kỷ XV, nên biết đâu những tác phẩm của ông cũng bị người Tàu tịch thu đốt mất hay bị đem về Tàu rồi sau này văn của ông bị đạo luôn. Tất nhiên ở đây ta cũng cần để tới giai thoại liên hệ tới bài văn tế này vì đã có người cho rằng nó là bịa đặt. Có điều giai thoại có thể là bịa đặt nhưng bài văn và tác giả của nó vẫn là sự thực.

(Lĩnh Nam Chích Quái - Phạm Cao Dương)


Làng văn xóm chữ

Tôi chợt nghe tiếng Nguyễn Đắc Điều say mê hỏi chuyện Thái Thanh: "Thưa chị, Phạm Duy có ảnh hưởng như thế nào với tiếng hát của chị?" Ánh mắt Thái Thanh như bừng sáng lên, giọng chị reo vui những âm thanh như tiếng của những hòn bi rơi trên sân gạch bát tràng thời thơ ấu: "Có những lần anh Phạm Duy mới sáng tác được hai ba câu của một bài ca đã gọi tôi: "Em, em Thanh, hát thử cho anh nghe cái câu này". Thế thì có nghĩa là bài của ông Phạm Duy chưa xong, Thái Thanh đã hát rồi.


Nguyễn Đắc Điều: Như vậy là...

Thái Thanh: Vâng tôi hiểu ý các anh. Tôi không nghĩ là anh Phạm Duy sửa đổi nhạc của anh ấy vì tiếng hát của tôi đâu. Tôi chỉ nghĩ là có nhạc Phạm Duy thì có tiếng hát Thái Thanh như thế này,


Tôi hỏi : Chị có nhớ ai là người đặt ra câu "Tiếng hát Thái Thanh vượt thời gian"?

Thái Thanh : Một nhà sản xuất băng nhạc ở Sài gòn thời trước, anh ạ. Họ thâu tiếng hát của tôi nguyên một cái tape rồi họ nói với tôi: "Chị Thái Thanh, tôi muốn quảng cáo cuốn tape này với câu Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian, có được không, thì tôi trả lời tùy ý ông bà.

(Đỗ Tiến Đức)


Để nhớ lại một thời

Hoài niệm xe lô

Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình. 

Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị VC gài mìn phá hủy, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát. Đường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Đi xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. 

(Trang Nguyên)


Làng văn xóm chữ

Hỏi : Chị có thể cho biết chị thích loại nhạc nào nhất ?

Thái Thanh: Mười bài "Đạo Ca" của Phạm Duy.

- Phạm Duy còn mười bài "Tục Ca".

- Không, tôi không hát mười bài này.

- Chị nghĩ thế nào về Tục Ca ?

Thái Thanh nhún vai cười: Tôi có nghe anh Phạm Duy hát cho nghe vài lần nhưng mà tôi không hát. Tục là không có hát.


Thái Thanh bước tới chiếc máy, bật lên. Băng Đạo Ca đã có sẵn, bung ra gian phòng êm ả những nốt nhạc thanh thoát. Giọng Thái Thanh vút lên như tiếng chuông ngân từ một ngôi chùa cổ nơi rừng núi, rồi bay theo gió, quyện vào những làn khói trong buổi chiều tà... Thái Thanh ngồi nghe giọng mình hát mà cũng như say như đắm. Tôi hiểu rằng những âm thanh của giọng ca Thái Thanh với mười bài Đạo Ca này đã ru chị ngủ trong những lúc ngồi một mình trong căn phòng hẹp này của viện dưỡng lão mà nhớ những bước viễn du rộn rã những ngày tháng cũ.

(Đỗ Tiến Đức)


Học lại chữ Hán 

Về điểm người Lạc Việt có mặc quần hay không thì ta bối rối lắm. Quyển Annam chí nguyên của Cao Hùng Trưng cũng nói là trước đời Trần Lê, người mình chưa biết mặc quần.

Sao ta có danh từ quần mà Quan-thoại nói là fủa, Quảng-đông nói là fuu, tức danh từ quần của ta không phải mượn của họ.


Xin nhắc lại rằng đừng tưởng rằng ta có thể vay mượn của các nhóm khác như Mân Việt, Đông Âu, như đã nói ở bài trước, bởi vào thuở ấy các nhóm đó cũng kém văn minh như ta và chỉ bị Tàu cai trị trước ta một vài trăm năm thì chưa đủ khả năng làm thầy của ta đâu. Ta có vay là vay của Tàu chánh gốc, tức Quan Thoại mà thôi. Phương âm Quảng-đông chỉ đưa ra để làm chứng vậy thôi. Còn sáng tạo tiếng mới thì cũng khó có, như đã nói trên kia.

(Gương mặt dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt – Bình Nguyên Lộc)


Thuốc lào Tiên Lãng

Tiên Lãng (Hải Phòng) nằm ở hai sông Văn Úc và Thái Bình đã bồi đắp cho mảnh đất để trồng cói (cói để dệt chiếu của vùng nước lợ nửa chua nửa mặn) và thuốc lào.

Thuốc lào mới du nhập vào nước ta vài trăm năm nay. 


Theo Lê Quý Đôn thì “cây thuốc lào nguyên sản xuất ở Lữ Tống. Nước Nam ta xưa không có. Từ năm Canh Tý (1660) niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Thần Tông nhà Lê, người Lào đem giống ấy đến, dân ta mới trồng(Vân Đài ngoại ngữ).


Các sách xưa có ghi về việc này. Đồng Khánh Địa Chư Chí Lược cho biết Tiên Lãng “trồng nhiều thuốc lào và cây thuốc. Thuốc lào ở xã An Tử Hạ là ngon nhất”. 


Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Thuốc lào các huyện Thanh Lâm, Tiên Minh và Vĩnh Bảo đều có. Thuốc lào Tiên Minh ngon hơn”. 

Còn Phan Huy Chú cũng cho rằng: “Về huyện Tiên Minh có thuốc lào” (Lịch triều hiến chương – dư địa chí).


Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phía Nam đến Bình Thuận

Lúc bấy giờ lãnh địa Đàng Trong chỉ có từ sông Gianh đến đèo Cù Mông (1). Vê phía nam là đất của Chiêm Thành. Người Chiêm Thành có nguồn gốc Malayo-Polynésian di cư lên phía bắc vào thế kỷ thứ I và thế kỷ thứ II trước Tây lịch 


Lịch sử Chiêm Thành, hầu hết, là những trang chiến sử. Họ liên tục gây chiến với Trung Hoa, Đại Việt, Lào, Phù Nam, Chân Lạp. Đại Việt nhiều lần họ đánh phá, nên không còn lựa chọn nào khác là đánh họ để sinh tồn

- Năm 1069, Lý Thánh Tông tấn công Chiêm Thành, bắt được vua Chế Củ làm tù binh . Chế Củ đem 3 châu (Quảng Bình và một phần Quảng Trị) để được tha. Thế rồi năm 1074, Chế Củ đem hòang gia và 3000 quân xin cu trú ở Đại Việt (?)

- Năm 1306, Chế Mân đem 2 châu (ThừaThiên-Huế và Đà Nẵng ngày nay) làm sính lễ xin cưới công chúa Huyền Trân.

- Năm 1402, Hồ Qúy Ly chiếm Quảng Nam, Quảng Ngãi.

- Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đánh chiếm Chà Bàn (2) (hay Đồ Bàn ở Bình Định)

(Trần Văn Miêng)

(1) Đèo Cù Mông là ranh giới giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.

(2) Chà Bàn tiếng Phạn nghĩa thắng lợi


Thành ngữ tục ngữ… sai 

Bán tự vi sư 

(Nửa chữ cũng là thầy) Nói đến tình nghĩa cao cả giữa thầy và trò.


Thực tế không có ông thầy nào kể công lao hoặc tự nhận, tự xưng “nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, không thể nói rằng thành ngữ này nói lên tình nghĩa của đôi bên, cụ thể là “giữa thầy và trò” được. Ngược lại, thành ngữ chỉ nhằm mục đích tôn xưng, vinh danh nghề thầy, công lao dạy giỗ của thầy, sự biết ơn của trò đối với thầy học mà thôi.


Tham khảo: Nhà sư Tề Kỷ (đời Đường) bên Tàu hay thơ, thơ hay, làm bài “Tảo Mai” (Hoa mai nở sớm) có câu: Vạn mộc đống dục chiết, Cô căn noãn độc hồi. Tiền thôn thâm tuyết lý, Tạc dạ sổ chi khaiTạm dịch: Vạn cây băng giá chết, Mình cội ấm xuân về, Đầu thôn ngập tuyết trắng, Mấy cành đêm nở hoa

Tề Kỉ nhờ Trịnh Cốc chỉ giáo. Trịnh Cốc nhận xét: “Sổ chi  phi tảo dã, vị nhược nhất chi giai ”  (Có tới mấy cành không thể gọi là sớm, chưa hay bằng một cành ). Thế là Trịnh Cốc chỉ đổi một chữ (sổ-mấy thành nhất-một) mà toát lên thần thái của toàn bài thơ ! Sư Tề Kỷ mới sửa thành: Tạc dạ nhất chi khai (Một cành đêm nở hoa) và nhận Trịnh Cốc làm “nhất tự sư ” (thầy dạy một chữ).

(Hoàng Tuấn Công)


Lịch sử người Hoa ở Chợ Lớn 

Khác với đoàn thuyền của Dương Ngạn Địch đi tới một nơi không có đồn lũy của nhà Nguyễn được ghi rõ lại trong sử (dù rằng người Việt đã tới sinh sống tại đây từ trước, do đó triều đình Huế mới chỉ định chỗ đến). 

Đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên) đi qua cửa Cần Giờ, vào đến Bến Nghé, không thể nào không tiếp xúc với người Việt đang sinh sống ở đó, nơi có hai trạm thu thuế đã được chúa Sải lập từ năm 1623, một ở  Bến Nghé (Quận I), và một ở Phiên Trấn (Quận 5) hồi đó có tên là Prei Nokor, sau là Sài Gòn rồi Chợ Lớn. 


Mười chín năm sau đó, tức năm 1698, ngay tại vùng Phiên Trấn này, đã thấy hình thành làng Minh Hương đầu tiên


***

Đến đây, ta có thể đặt ra câu hỏi : 

“Tại sao làng Minh Hương đầu tiên không được thành lập tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), nơi phồn hoa đô hội thời đó, hay Mỹ Tho là nơi dân Minh Hương đang canh tác”.

Câu trả lời có thể,  đây là đầu cầu liên lạc chính thức giữa những người Minh Hương và người Việt. Đó là nơi mà người Minh Hương đã gặp quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định (1698), xác nhận quyền sở hữu của người Việt, để xin thành lập làng Minh Hương ngay trên vùng lãnh thổ mới khai sinh.



Theo thiển ý, khu vực chung quanh làng Minh Hương (vùng Sài Gòn, tức Prei Nokor) đó đã là cột mốc, cái nền đầu tiên để tạo dựng ra Chợ Lớn sau này.


Đó là đất Phiên Trấn (tạm gọi khu đất nằm trong vùng đất tên Prei Nokor, dân Việt gọi là Sài Gòn, rồi đổi tên thành Chợ Lớn) nằm gần ngay một con rạch rất thuận tiện (không rõ tên gọi lúc đó, sau được vét lại rồi mang tên Kinh Tàu Hũ, Pháp gọi là Arroyo Chinois). Diện tích vùng đất, vào lúc phát triển sau này, để trở thành khu phố chợ cho người Hoa khoảng hơn 1 cây số vuông. 

Mới đầu, người ta đặt tên vùng đất đó là Phiên Trấn, sau người Tầu gọi là Tài Ngọn (Đề Ngạn), Thầy Ngọn, Xi Coón, Sài Côn, Tây Cống để phân biệt với khu người Việt sinh sống là Bến Nghé.

(Huỳnh Thị Mỹ Nhàn)


Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Theo Đại Tá Lung, lý do cuộc Tổng công kích Mậu Thân là một cú đánh bất ngờ của cộng sản vì cách phân tích thông tin tình báo của phe Đồng Minh: lượng định hướng đi của địch quân chủ yếu dựa trên khả năng, lực lượng của quân địch chứ không đặt nặng xu hướng hay dự tính của địch. 

Dựa vào thông tin đã có (về lực lượng địch), không tin rằng quân cộng sản có khả năng làm một cuộc “tổng tấn công”. Vì thế, Mậu Thân đã trở thành cú đánh bất ngờ. Một thiếu sót khác của quân đội VNCH là không có phối hợp thông tin tình báo cho đến năm 1968 dù đã có Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) trực tiếp dưới quyền chỉ huy của tổng thống.


Vẫn theo “Tổng tấn công 1968-69”, chiều ngày 29 tháng 1, 1968, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, cho gọi tư lệnh các vùng chiến thuật, cảnh báo cuộc tấn công sắp đến của địch và ra lệnh có biện pháp phòng thủ thích nghi với tình thế.


Tuy nhiên, lý do chính dẫn đến sự từ-không-đến-thiếu chuẩn bị của quân đội VNCH và đồng minh chính là cơn bão tuyên truyền “tin chiến thắng” vào cuối năm 1967 dưới sự đạo diễn của phù thủy Walt W. Rostow, Cố vấn An ninh của Tổng thống Lyndon B. Johnson. Tràn ngập màn hình TV cũng như báo đài Mỹ là những tuyên bố hồ hởi của giới lãnh đạo Hoa Kỳ. “Chúng ta bắt đầu thắng cuộc đấu tranh này; Chúng ta đang ở thế tấn công, đang giành được đất, đang tiến vững chắc.” – Phó Tổng thống Hubert Humphrey, giữa tháng 11, 1967 trên đài truyền hình NBC (26);

(26) Nineteen Sixty-Eight (Vietnam Experience), p66

“Việt cộng đã bị đánh bại; địch không có đủ lương thực; địch không có quân mới. Đối phương phải đổi chiến lược từ kiểm soát quần chúng ở miền duyên hải chuyển sang sống lây lất ở vùng miền núi.” – Bruce Palmer, một trong các Tướng tư lệnh chiến trường dưới quyền Tướng Westmoreland (27).

(27) The Tet Offensive: Politics, War, and Public Opinion. Schmitz, David F, Westport CT: Praeger, 2004. p 58


Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, ngày 21 tháng 11, 1967, Tướng Westmoreland đăng đàn tuyên bố, “…Tôi tuyệt đối tin rằng nếu địch đã ở thế thắng trong năm 1965 thì bây giờ địch chắc chắn đang thua…” (28). Trong một cuộc nói chuyện khác với tạp chí Time, Tướng Westmoreland thách thức cộng sản mở cuộc tấn công, “Tôi mong địch giở trò, vì tôi đang muốn đánh.” (29).

(28) Nineteen Sixty-Eight (Vietnam Experience), p66
(29) Vietnam: A History, Karnow, Stanley. New York: Penguin, 1991. ISBN 0-670-84218-4hc, p514
(Trần Giao Thủy)


Tác giả: Trần Giao Thủy tên thật Lã Mạnh Hùng, cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký niên khoá 1964-71. Hiện đang định cư ở Montreal, Canada.

Tác phẩm: Đoàn sứ giả Việt Nam tại Paris năm 1863, Petrus Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi Tây 1863, Tấm bia chí sĩ Phan Bội Châu dựng năm 1918 tại Nhật Bản, Bùi Viện đi Mỹ, lịch sử hay ngụy biện…, Nhân dạng, hình ảnh của Bùi Viện


Bức tượng “Thương Tiếc”

Chuyện bây giờ mới kể về bức tượng “Thương Tiếc” được viết lại theo cuộc phỏng vấn của Lê Xuân Trường với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu. Trong clip này, ở phần cuối dài hơn 5 phút, có đề cập đến thời gian đi học tập cải tạo của Đại úy Nguyễn Thanh Thu. Anh tâm sự cuộc đời của mình dính liền với tác phẩm Thương Tiếc, từ “danh vọng” đến “thê thảm”. Tại trại cải tạo trong thời gian bị “biệt giam” 22 tháng trong “thùng conex” [1] với lời buộc tội: “sĩ quan xong giặc rồi là hết, còn anh vẫn lưu lại tư tưởng phản động qua tác phẩm….”.


[1] Thùng Conex: loại thùng bằng sắt để chứa hàng hóa trong quân đội Mỹ ngày xưa, có kích thước khoảng 3 mét mỗi chiều. Ngày nay thường thấy loại thùng này lớn hơn được chuyên chở trên các xe container.


Cán bộ trong trại chắc cũng chưa từng thấy bức tượng “Thương Tiếc” mà chỉ nghe đồn qua người Sài Gòn vì bức tượng đã bị giật sập và nấu thành kim loại sau năm 1975. Khi ở trong trại được khoảng 8 tháng, có lần “quản giáo” trong trại đề nghị anh Thu khai chỉ đóng vai phụ giúp trong việc tạc tượng còn tác giả đã ra nước ngoài.


(Bức tượng Thương Tiếc sau 30/4/1975)


Anh Thu đã trả lời một cách khẳng khái rằng anh đã “làm” thì anh “chịu”, tàu chìm thì anh chìm theo, máy bay rớt thì anh rớt theo, tượng chết thì anh chết theo… chứ không thể nào khác được.…

(Nguyễn Ngọc Chính) 


Nguyễn Ngọc Chính chào đời ngày 19/6/1946, ở Vĩnh Yên. 1953 di cư vào Đà Lạt. Anh nguyên là một cựu sĩ quan QLVNCH, khóa 4/68 Thủ Đức. Năm 1969, mãn khóa anh tùng sự tại trường Sinh Ngữ Quân Đội. Sau 30 tháng 4, anh đi “cải tạo“ (Trảng Lớn, Tây Ninh). Khi thóat khỏi tù, anh không tìm cách vượt biên hoặc rời đất nước theo diện HO. Anh chọn ở lại, cũng nhờ vậy, chúng ta đọc được những dòng ký ức “Hồi ức một đời người“, đằm thắm tình quê, tình đất, tình người của anh. 


“Tử cung” là cái quan tài

Trong bài Hịch Tây Sơn

Tại chẳng đoái tới số mệnh

Mặt nào trông vào chố tử cung

Hai chữ tử cung ở câu trên có nghĩa là cái quan tài viết với chữ “tử” là chết. Chứ không phải…“tử cung” theo nghĩa thông thường.

Thí dụ trong thành ngữ “cái quan định luận” trong chữ Hán là đóng nắp áo quan rồi mới luận cái hay, cái dở của người đã khuất. Chứ không ai nói đóng “tử cung” lại. Rất may hai chữ này đã biến mất, ngày nay không dùng… cổ ngữ nữa.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)


Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn

Tôi vẫn lang thang kiếm sống qua ngày, xa lánh chợ trời mà có lần tôi đã coi là chốn gió tanh mưa máu. Tôi đi bán xôi đến lúc quị ngã vì mất sức lao động. Một cơn tai biến mạch máu não, tí nữa thì chết, nếu không chết thì cũng bán thân bất toại, tê liệt nửa người. Tôi qua khỏi cơn bệnh như có phép lạ. Bây giờ di chứng chỉ còn nói ngọng và khó khăn khi nói. Chẳng được một câu nào gãy gọn. Còn một tay chưa tê tôi bèn viết. Kệ nó muốn ra sao cũng được.

Tôi bị tai biến mạch máu não phải nằm bệnh viện, ngoài vợ con ra tôi chỉ có bạn bè, những người bạn nghệ sĩ nghèo, góp nhặt cho tôi từng đồng để trả viện phí. Tôi mang ơn bằng hữu hoặc thân hoặc sơ. Khi đó tôi tường mình đi đứt rồi. Chỉ có những khuôn mặt bạn bè cúi xuống tôi. Tôi nhớ mãi những khuôn mặt ấy, những đôi mắt ấy không bao giờ quên được. Tôi làm sao quên được chú em bạn tù Võ Bá Yên, nguyên là huynh trường Hướng Đạo Sinh, khi khiêng tôi vào phòng cấp cứu phải mang cầm Chứng Minh Thư Nhân Dân (căn cước) để có tiền đưa tôi qua cửa ải này. Trước khi mê man, tôi còn ghi nhận được hình ảnh ấy. Nay thì Võ Bá Yên không còn nữa, chú em ấy bị nhồi máu cơ tim cũng đã chết rồi.

Tôi đưa Yên đến phần mộ ở Bình Hưng Hòa. Tôi đã khóc. Tôi quì trong chùa cùng các sư cầu siêu cho Yên. Ôm hai đứa con nhỏ của Yên, khuyên nhủ chúng cố giúp mẹ chúng duy trì nghề bán cơm bình dân ở căn nhà cạnh chợ Cây Quéo. Bố chúng chết rồi, hàng cơm thiếu người bưng tô rửa chén, các cháu phải thay bố ngoài giờ đi học.

Khi tôi rời bệnh viện ít ngày thì vợ tôi cũng giở dạ đẻ, đứa con út tôi hiện nay. Lúc ấy tôi không có tiền. Mẹ con nó may mắn mẹ tròn con vuông và vợ tôi chịu đoạn sản để lấy tiền thưởng đóng thay viện phí. Vậy cũng xong. Chuyện cũng như người phải bán máu mình để lấy tiền mua cơm ăn. Như cây nến tự ăn mình đề duy trì ngọn lửa.
(Nguyễn Thụy Long)


Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ

Đã 36 năm trôi qua, một quãng thời gian đủ để những người “chiến thắng” vùi chôn, xóa sổ sạch mọi vết tích tồn tại của “đồng bào” thù địch khỏi tầm mắt. Và chút Sài Gòn ít ỏi còn sót ấy, tất nhiên, cũng đang trên con đường bị họ triệt tiêu hoặc đang tự triệt tiêu mình trên lộ trình già nua, hư hỏng của thời gian.


Hủ gốm Cây Mai -Sài Gòn, trong bộ sưu tập
của Trần Tiến Dũng. 

(Hình: Trịnh Cung)


Vui sướng và đau buồn – hai trạng thái trái ngược nhau ấy là những cảm xúc thường bắt gặp mỗi khi tôi đối diện với chúng đây đó trên các nẻo đường Sài Gòn. Khi là một ngôi nhà kiểu Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 19 vốn từ lâu đã là biểu tượng cho cái đẹp Sài Gòn nay bị đập phá để xây một cao ốc mới; khi là một bình gốm Cây Mai – Chợ Lớn như những kiều nữ nằm chờ khách trong những tủ kính của khu phố đồ cổ Lê Công Kiều; có khi là một chiếc máy nghe nhạc Akai đang ủ rũ , héo hắc với cuộn băng Sơn Ca 7 trong xó góc của một tiệm bán đồ cũ trên đường Âu Cơ.

(Trịnh Cung)

***

Phụ đính I

40 Năm hải ngoại - Một nén hương - Cho những nhà văn

nhà thơ đã khuất núi 

(Danh sách cập nhật tới tháng 6/2017 – Nhật Tiến biên soạn 

Tổng hợp từ nhiều nguồn)


Phạm Việt Tuyền
(1926-2009)

Nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà báo Phạm Việt Tuyền, bút hiệu Thanh Tuyền, sinh ngày 15 tháng Tám, năm 1926. Ông từng là Chủ Nhiệm nhật báo Tự Do. Ông cũng là Tổng Thư Ký của Trung Tâm Văn Bút VN trong nhiều nhiệm kỳ. Tác phẩm của ông gồm những cuốn “Trên Ðường Phụng Sự,” (Kịch, Xb năm 1947) “Nghệ Thuật Viết Văn,”(Biên khảo, Xb năm 1952) “Phá Lao Lung,” (Thơ, Xb năm 1956) “Quan Ðiểm Về mấy Vấn Ðề Văn Hóa,” (Biên khảo, Xb năm 1953) hay “Phương Pháp Nghị Luận, Phân Tích và Phê Bình Văn Chương,” (Biên khảo, Xb năm 1969).. vân vân…


Trong lãnh vực giáo dục, ông là giáo sư dạy chứng chỉ dự bị ban Việt Hán, ở Ðại Học Văn Khoa, Sài gòn; hay chứng chỉ Văn Chương Việt Nam, cho năm thứ nhất ở Ðại Học Văn Khoa, Huế. Ðầu thập niên 1980, định cư tại thành phố Strasbourg, Pháp. 


Ông mất ngày 16 tháng 2, năm 2009.


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Tuân và phê bình

Hiền lành một cục, thận trọng cũng một cục, thế mà rồi có lúc Kim Lân cũng bị nện cho một trận với truyện ngắn “Con Chó Xấu Xí”. Người ta nói tác giả ví văn nghệ sĩ trung thành với đảng như con chó ghẻ xấu xí nọ, nó gắng sức giữ nhà cho chủ, thế mà vừa trơn lông đỏ da là chủ vật ra làm thịt. Một truyện ngắn hay, giọng văn mộc mạc, khó có thể tìm được một câu được hiểu là móc máy. 

Kim Lân cười buồn: “Cái bọn phê bình có cần chó gì nghệ thuật. Nghề của bọn ấy là bới. Cứ thằng nào viết văn không nổi là y như rằng nó quay ra làm phê bình”. Nguyễn Tuân trăn trối trước: “Này, đừng có chôn tôi bên cạnh một thằng phê bình đấy nhá”.

(Vũ Thư Hiên)


Chữ nghĩa làng văn

Hồ Dzếnh và Vũ Thư Hiên

Tôi đọc Hồ Dzếnh rất sớm, lúc mới lên mười. Cha tôi thường mang về cho tôi những cuốn Sách Hồng cho trẻ con, mỗi cuốn là một chuyện cổ tích. Chúng được kể với giọng dí dỏm, dễ hiểu, lôi cuốn. Lại có cả một cuốn sách thơ cho trẻ con, không nhớ là của ai, trong đó có hai câu còn đọng lại lâu trong trí nhớ:

Hôm qua trời đổ mưa rào,

Mặt trời sợ ướt lẩn vào đám mây.


Cuốn sách đầu tiên, đích thực sách, mà tôi được đọc, là Chân Trời Cũ. Một ngày, mẹ tôi mua Chân Trời Cũ về. Bà đọc chăm chú, có lúc thừ người ra, lấy tay dụi mắt – bà khóc thầm.

Chờ cho mẹ đọc xong, quên nó rồi, đi vắng rồi, tôi mới dám lấy nó ra từ trong giỏ kim chỉ của bà. Lệ trong nhà là thế, trẻ con không được đọc sách người lớn.

(Vũ Thư Hiên)


Chữ nghĩa làng văn

Bài thơ Ông đồ 

Nhưng rồi, có một ngày Xuân, cụ Vũ Đình Liên đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui Xuân, nhà thơ đã đau đớn nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa truyền thống. 

Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên một tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": 

"Năm nay đào lại nở. 

Không thấy ông đồ xưa. 

Những người muôn năm cũ. 

Hồn ở đâu bây giờ". 
Sau này, khi bài thơ Ông Đồ đã trở thành một tác phẩm văn học đỉnh cao về niềm hoài cổ. Tâm sự lại điều này với người bạn thơ già Tú Sót, cụ Vũ Đình Liên mắt ngấn nước: 

"Nhưng bạn ạ, có lúc tôi cảm giác bài thơ Ông Đồ hình như không phải của mình mà là tiếng nói từ ngàn xưa vọng lại"
(Lê Chánh Thiêm)












Không có nhận xét nào: