Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

HỒN MA BÓNG QUẾ - Triệu Dương NLT

 

        HỒN MA BÓNG QUẾ

Thượng nguồn sông Thu Bồn, về phía Nam của huyện Duy Xuyên, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày xưa có một vùng đất nổi tiếng về nghề trồng quế. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn (cuối thế kỷ 19) thì năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trích lấy bốn tổng thuộc huyện Duy Xuyên và một tổng thuộc huyện Lễ Dương đặt thành huyện Quế Sơn. Huyện nầy có rừng Gia Lộc thuộc hai xã Tân An và Gia Lộc và rừng Hương Phước thuộc xã Hương Phước là nơi có nhiều cọp beo và cũng là nơi có nhiều quế. Dân ở đây thường trồng cây quế là một loại dược thảo quý dùng để trị bệnh, ổn định tâm, can, tỳ, phế, thận rất tốt. Con trai, con gái khi cưới vợ gã chồng, sinh con thì trồng cây quế làm vốn cho con sau nầy lớn lên ra đời, tự lập. 

Khách buôn thường đến các chợ Thu Bồn (còn gọi là chợ Phường Tây), chợ Phước Sơn và chợ Tân Yên (tức chợ Hoa Viên) thuộc huyện Quế Sơn để tìm mua các loại quế thanh và quế chi đem về cung cấp cho các tiệm thuộc Bắc hay các nhà giàu, nhà quan ở trong tỉnh. Quế thanh là thứ quế lấy từ vỏ cây, dày, chắc, thơm và cay, có công hiệu lớn trong việc trị bệnh. Còn quế chi là quế lấy từ vỏ của các cành cây (chi) nên mỏng mà chất lượng lại không bằng quế thanh. Theo lệ, mỗi năm huyện Quế Sơn phải nộp cho nhà vua một thanh quế vào loại thượng hảo hạng nặng 8 lạng từ nguồn sông Thu Bồn, còn huyện Hà Đông thì nộp 3 thanh quế thượng hảo hạng từ nguồn sông Chiên Đàn thuộc tỉnh Quảng Nam.

Suốt một cuộc đời chiến đấu cho lý tưởng quốc gia, mãi đến tháng 3-1975, Phan Quế Sơn từ Đà Nẵng chạy vô Sài Gòn và sau ngày 30-4-1975 không trốn ra ngoại quốc được nên “tự động đi trình diện học tập cải tạo” tại trại Long Thành, tỉnh Đồng Nai... để được “hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà Nước...”

Gia đình họ Phan tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trước 1945, nên khi lớn lên, anh cũng đứng trong hàng ngũ những người đối lập với Việt Minh Cộng Sản. Cha mẹ lấy tên quận Quế Sơn đặt cho anh để sau nầy, dù có lưu lạc bất cứ nơi đâu thì cũng nhớ đến nguồn gốc của mình là dân sinh trưởng ở vùng đất trồng quế.  Cho đến tuổi gần năm mươi mà anh chưa lập gia đình.

Phan Quế Sơn nằm bên cạnh cụ Trần Quang Túc, một đảng viên Việt Quốc lão thành phụ trách đảng bộ Nha Trang. Cụ có người con ở cư xá Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh, Gia Định, cùng một phường với gia đình chúng tôi, nên thường lui tới trò chuyện và nhận là người “đồng hương” với nhau.

Nghe cụ Túc nói tôi biết coi chỉ tay, giải đoán lá số Tử Vi... nên Phan Quế Sơn thường đến gặp riêng tôi tâm sự và hỏi tôi về quá khứ, tương lai. Lợi dụng giờ nghỉ trưa, anh thường rủ tôi lên Hội Trường, ngồi nhìn ra cánh rừng xa xa, những cây cao su san sát nhau hay những rẫy bắp ngô đang trổ cờ, nghe tiếng xe đò Sài Gòn - Vũng Tàu chạy qua mà lòng nao nao buồn... Buổi tối, anh thường đun nước pha trà và mời chúng tôi đến chỗ cụ Túc nghe kể chuyện lịch sử hay ôn lại những kỷ niệm đã qua trong đời để cho vơi đi nỗi thương nhớ gia đình trong cảnh tù đày tuyệt vọng, không biết mình sẽ bị giam giữ cho đến bao lâu, liệu có còn sống được cho đến ngày về hay không?!...

Cụ Túc bắt tôi kể chuyện trước rồi đến Quế Sơn, còn cụ chỉ lo pha trà, cà phê, khi nào nhận được tiếp tế của gia đình thì có thêm chuối khô, bánh kẹo. Cứ đêm nầy qua đêm khác, kể riết rồi cũng hết chuyện, tôi phải xoay qua kể chuyện ma... Ban ngày, tôi chuẩn bị nội dung, cố làm sao cho thật hấp dẫn, tối đến kể cho cụ Túc và Quế Sơn nghe. Tôi cứ sáng tác dài dài, cố moi trong đầu óc, nhớ lại những chuyện xưa tích cũ, tiểu thuyết, tin tức báo chí, chuyện nghe người khác kể, chuyện mình biết, mình đã trải qua, v.v.  làm sao mỗi đêm có “phim” để “chiếu” cho khán thính giả ái mộ...

Bên ngoài chỗ cụ Túc nằm, chỉ cách một miếng tôn là ngôi mộ của một người chạy loạn bị chết trong dịp 30-4-1975, được chôn cất vội vàng với cái tên NGŨ CÔNG BÌNH ghi trên cái bia mộ nhỏ bé bằng xi-măng... Rằm tháng Bảy năm 1975, chị Nguyễn Thị Minh Tâm, nghị viên tỉnh Gia Định, cũng bị tù tại trại Long Thành, đã mang một nải chuối đến đó để cúng cô hồn. Anh em chúng tôi âm thầm theo dõi, khi chị vừa quay lưng đi thì Phan Quế Sơn liền lấy nải chuối đem giấu cất để tối mời anh em ...

Một hôm vào mùa trăng nhưng trời bỗng mưa to gió lớn, chúng tôi đến chỗ cụ Túc, kể chuyện “ma hiện hồn về...” làm cho cụ cảm thấy ớn lạnh xương sống. Mãi quá nửa đêm, khi tôi đã trở về chỗ nằm thì bỗng thấy cụ lò mò mang chiếu đến nằm bên cạnh. Cụ nói:

           Cho tôi nằm đây với. Anh kể chuyện ma làm tôi sợ quá. Tôi vừa chợp mắt thì thấy Ngũ Công Bình về đòi nải chuối của bà Tâm cúng hồi sáng...Mặt mày hắn đầy máu me trông kinh khiếp...           

            Cụ Túc có tính hay sợ ma nhưng lại thích kể chuyện ma. Đêm hôm đó trời mưa, căn nhà trống trải, gió lạnh từng cơn lùa vào, chăn mền không đủ ấm, tôi thấy cụ tự nhiên run lên cầm cập. Cứ nửa đêm về sáng, con tắc kè trong hang ngoài thềm nhà, gần ngôi mộ, lại kêu lên mấy tiếng “Tắc kè! Tắc kè” nghe áo não. Giờ đó, anh em thường giật mình tỉnh giấc, thay nhau đi tiểu, tiếng dép lẹt xẹt kéo ngang qua chỗ tôi nằm. Có người ngồi dậy lấy điếu thuốc lào, đốt đóm, nghe “rít” một tiếng thật dài, hoặc ngồi hút thuốc lá, nghĩ đến gia đình vợ con...

            Tối hôm sau, tôi không kể chuyện ma nữa. Thấy thế, Phan Quế Sơn bèn tình nguyện thay tôi “chiếu phim”. Câu chuyện anh kể, có thể là một chuyện cổ tích anh đã từng nghe hồi nhỏ, hoặc do chính anh sáng tác với khung cảnh vùng quê của anh. Với giọng của dân miền núi Quảng Nam, hơi khó nghe, nhưng anh cũng cố gắng nói chậm rãi, rõ ràng; hơn nữa chúng tôi vốn đã quen với giọng nói của anh nên cũng theo dõi được từ đấu đến cuối...

                       ....           

            Phía Nam của dãy Trường Sơn huyền bí, là ngọn núi Ngọc Anh hay Ngọc Lĩnh, cao hơn hai ngàn thước. Núi Ngọc Anh, nghe giống tên một cô con gái chốn lá ngọc cành vàng nào đó ? Người ta đồn rằng trên núi có tiên ở.

            Ngày kia, có một chiếc thuyền chở người chết từ dưới đồng bằng đi lên phía thượng nguồn. Trải qua mấy ngày vất vả, thuyền mới đến được dưới chân núi.  Người chồng ẳm xác vợ vừa đi vừa khóc thảm thiết. Đó là một người đàn bà rất đẹp, xác chết còn tươi tắn như người nằm ngủ, tóc xỏa dài xuống tận gót chân.

            Người chồng trải chiếu trên đám cỏ, đặt xác vợ xuống đó rồi lấy nhang đèn, hoa quả bày biện ra để cúng. Chàng khấn rằng:

           Lạy Thần Núi Ngọc Anh linh thiêng, quyền phép. Kẻ ngu hèn nầy ở chốn quê mùa dân dã, quanh năm đánh cá ven sông, trồng trọt cày bừa để có miếng cơm manh áo, chưa từng làm điều gì trái với luân lý đạo đức, chưa từng hại người lương thiện. Trời thương cho kẻ ngu hèn nầy một người vợ rất khả ái, vợ chồng sống hòa thuận thương yêu nhau đã ba năm rồi mà chưa có con cái.  Mấy hôm trước đây, nàng bỗng trở bệnh, cứ kêu la đau đớn, thuốc thang không lành, và hôm qua, nàng bỗng nhiên từ biệt cõi đời. Kẻ ngu hèn nầy rất đau khổ, nên chèo thuyền chở nàng đến đây, cầu xin Đấng Thần Linh ban phước cứu sống nàng. Nếu nàng không được cứu chữa bởi phép nhiệm mầu của Ngài thì kẻ hèn nầy nhất quyết ở lại đây, cùng chết với nàng dưới chân núi nầy mà sẽ không bao giờ trở về quê hương nữa.         

            Người chồng cứ lặp đi lặp lại mãi câu nói đó từ sáng cho đến tối, ngày nầy qua ngày khác mà không có tiếng của Thần Núi trả lời. Bỗng một hôm, có nhà sư mặc áo vàng từ đâu xuất hiện, tay cầm tràng hạt vừa đi vừa niệm Phật.

            Người chồng bèn chạy đến sụp lạy trước mặt nhà sư khóc lóc và nói:

           Thưa Ngài, vợ tôi chết đã mấy hôm nay rồi. Tôi đưa thi hài của nàng đến đây để cầu xin Thần Núi Ngọc Anh linh thiêng ra tay cứu sống nàng. Tôi xin nguyện sẽ làm bất cứ điều gì mà Thần Thánh yêu cầu, dù có chết cũng cam, miễn sao cho vợ tôi được sống lại. Tôi tha thiết cầu khẩn đã mấy ngày đêm rồi mà không có tiếng trả lời, chỉ nghe tiếng nói của tôi vọng lại từ vách đá cheo leo mà thôi. Hôm nay, bỗng nhiên thấy Ngài xuất hiện. Nếu Ngài quả là người từ trên núi Ngọc Anh mà đến để cứu nhân độ thế thì xin Ngài hãy giúp cho vợ tôi được sống lại...           

            Nhà sư bèn đưa tay ra đỡ anh ta đứng dậy, rồi nói:

           Ta có thể nguyện xin ơn trên cho vợ anh sống lại được. Nhưng sau nầy, nếu vợ anh có điều gì không vừa ý thì anh đừng có hối tiếc...           

            Người chồng mừng rỡ nhận lời:

           Thưa Ngài, dù phải chết, tôi vẫn vui lòng. Xin Ngài ra tay giúp cho vợ tôi sống lại...

           Nếu anh muốn như vậy thì cũng được. Anh hãy cắn tay và cho nàng một giọt máu. Nàng chỉ cần một giọt máu đỏ mà thôi.          

            Người chồng bèn cắn tay cho chảy máu rồi cạy miệng vợ, cho một giọt máu nhễu vào đó. Lát sau, người vợ mở mắt và sống lại. Vợ chồng vui mừng lạy tạ nhà sư. Nhưng nhìn lại thì nhà sư đã biến mất từ lúc nào rồi.

            Chồng liền dẫn vợ xuống thuyền, xuôi dòng trở về quê hương. Thuyền đi dưới ánh trăng rằm bao la bát ngát, gió trên sông nhẹ thổi vào mặt làm cho hai người cảm thấy sảng khoái yêu đời. Khi ngược dòng lên núi vất vả bao nhiêu thì lúc trở về, thuyền xuôi mát mái nhẹ nhàng bấy nhiêu. Quá nửa đêm, người chồng cảm thấy đói bụng, bèn ghé lại bên đường:

           Em hãy ở lại đây giữ thuyền, đừng đi đâu nhé, để anh lên bờ tìm mua thức ăn vì đã mấy ngày nay vất vả, chẳng ăn uống gì.       

            Người vợ “dạ” một tiếng rất dịu dàng rồi ngồi núp vào trong thuyền đợi chồng.

            Người chồng đi rồi thì có một chiếc thuyền buôn to lớn, hai tầng, đèn đuốc sáng trưng. Ở bên trên người ta đang bày tiệc rượu có đàn ca xướng hát rất vui nhộn, tầng dưới cũng đầy ắp hàng hóa...Đúng là một chủ nhân ông giàu có đang đi qua đây. Người vợ bỗng nổi tính tò mò, bèn mở cửa, ra ngồi trước thuyền để xem. Bên thuyền kia, chủ nhân đang ngồi giữa bàn tiệc vừa trông thấy nàng bèn cất tiếng mời:

           Vị nữ lưu nào ở trên thuyền kia, xin mời ghé lại đây nhập tiệc với chúng tôi. Trên thuyền chúng tôi có đủ cao lương mỹ vị, đàn ca xướng hát... Chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp nàng đến chơi...           

            Lúc đầu, nàng còn nhớ lời chồng dặn, không được bước ra khỏi thuyền. Nhưng về sau, chủ nhân năm lần bảy lượt mời mọc nên nàng cũng xiêu lòng đứng dậy bước ra khỏi thuyền con để bước qua thuyền lớn.

            Khi nàng vừa đặt chân lên thuyền lớn thì chủ nhân liền ra lệnh nhổ neo.  Thuyền vừa đi trên sông, trăng sáng vằng vặc, gió hiu hiu thổi, tiếng nhạc trổi lên nhịp nhàng, tiệc rượu bày ra, đủ cả sơn hào hải vị lại thêm chủ nhân trân trọng đón tiếp nàng. Những lời chúc tụng, tâng bốc, ca ngợi nhan sắc duyên dáng của nàng làm cho nàng cảm thấy vui sướng, hài lòng và quên mất người chồng ở trên bờ.

            Người chồng trở lại, không thấy vợ mình đâu nữa, chiếc thuyền con lênh đênh trôi dạt trên sông vắng. Mặt trời ló dạng, từ từ nhô lên trên mặt nước.  Cảnh vật mỗi lúc một rõ hơn, gió thổi mạnh, tiếng chim đi ăn đêm đang bay về khi trời sáng. Chàng cất tiếng gọi, nhưng không thấy nàng trả lời. Chàng hốt hoảng, lo sợ, nhảy xuống sông bơi ra tận thuyền. Trong thuyền không có một ai, đồ đạc còn nguyên vẹn như chưa hề xảy ra chuyện gì, chỉ thiếu một mình nàng. Không biết nàng đã bỏ đi đâu hay kẻ cướp đã đột nhập bất thình lình ?! Chàng chèo thuyền đi trên sông suốt ngày nầy qua ngày khác, dò hỏi khắp các làng xóm quy tụ hai bên bờ, nhưng không một ai hay biết. Chàng đau khổ vô cùng.

            Bỗng một hôm, chàng được tin có một chiếc thuyền buôn giàu có, chủ nhân vừa cưới được một người vợ trẻ đẹp, đang chu du đây đó để hưởng tuần trăng mật.  Chàng bèn chèo thuyền đi khắp sông hồ để tìm dấu vết chiếc thuyền của nàng.  Chàng bỏ hết công ăn việc làm, lang thang hết làng nầy qua làng khác và cuối cùng đã trở thành một người ăn mày mang bị gậy đi xin độ nhật. Một ngày kia, chàng đến trước cổng một dinh thự to lớn, giàu sang để xin ăn.  Khi bước vào sân, chàng bỗng thấy một mệnh phụ phu nhân từ trong nhà đi ra bên cạnh có kẻ hầu người hạ. Trước khi bước lên xe, phu nhân nhìn thấy người ăn mày đứng ngửa tay xin của bố thí, nàng bèn móc túi lấy mấy xu nhỏ ném xuống cho chàng. Mắt chàng vừa nhìn lên, đã nhận ngay được người đó chính là vợ mình ngày xưa. Nhưng nàng không bao giờ nghĩ rằng người hành khất đó chính là chồng cũ của mình.

            Khi bóng nàng đã đi khuất, chàng bèn nghĩ cách làm thế nào để gặp vợ cho được. Chàng lân la dò hỏi mọi người trong vùng, biết được đúng tên phu nhân kia chính là vợ mình ngày xưa. Chàng bèn đến trước cổng nhà, xưng tên tuổi, quê quán của mình và xin gặp đích danh phu nhân tên là Ngọc.

            Phu nhân được báo có người tên Phan Minh đến tìm để đòi một món nợ cũ....  Biết đích xác là gặp lại chồng xưa nên không thể tránh mặt được, nàng đành phải ra tiếp chàng. Gặp lại vợ cũ, người chồng chỉ nói một câu:

           Hãy trả lại cho tôi giọt máu mà tôi đã nhỏ vào miệng nàng ngày xưa. Tôi đến đây chỉ có một mục đích đó mà thôi. Tôi không cần tiền bạc vật chất, tôi cũng không phá hoại hạnh phúc của nàng hiện tại.           

            Người vợ tỏ ra rất phân vân, xúc động, nàng cũng không nói một lời nào.  Bỗng nàng đưa ngón tay lên, cắn một cái thật mạnh, máu chảy ra và cho một giọt máu rơi vào miệng của chàng.

            Tự nhiên nàng cảm thấy chóng mặt, khó thở, da tái xanh và ngả xuống giữa sân nhà. Một trận gió ào ào thổi đến nghe rợn người, những tiếng kêu rên thảm thiết từ trong cõi vô hình đang vang lên, xác nàng bỗng biến thành tro bụi, chỉ trong phút chốc đã hòa theo gió bay đi mất chỉ còn lại một con muỗi...Mỗi đêm, con muỗi bay đến bên chàng kêu “o, o” để đòi lại “giọt máu”...

            Phan Quế Sơn kể đến đó, bỗng nhiên hai hàng nước mắt từ từ chảy xuống trên má. Mọi người im lặng, không ai nói một lời. Tôi biết Sơn có tâm sự buồn, tuồng như anh ta đã bị người đàn bà nào đó phản bội, bỏ rơi. Trong hồ sơ lý lịch cá nhân, anh khai là còn độc thân. Nhưng bạn bè nói anh đã có vợ, có con. Anh đã sống với một người đàn bà, không cưới hỏi chính thức, không lập hôn thú, hai người đã chia tay nhau trước khi anh vào tù!

            Năm 1975, sau khi anh một mình chạy vào Sài Gòn thì cha mẹ anh ở tại quê nhà cũng bị kẻ thù hãm hại. Mấy tháng sau, anh mới được tin đó, anh quyết sẽ không bao giờ trở lại quê hương nữa. Tên của anh là tên của quê hương, anh đi đâu cũng mang cái tên đó đi theo mình, anh không bao giờ quên.

            Một hôm gần Tết, trời lạnh, cụ Túc lại rủ chúng tôi đến uống trà và ăn bánh của con cháu cụ từ Sài Gòn gởi vô. Nửa đêm, chúng tôi vẫn ngồi tâm sự, không ai ngủ được. Bỗng con tắc kè ở bên ngoài thềm nhà kêu lên mấy tiếng...Tôi nói:

           Tắc kè kêu “Túc về ! Túc về !”, chắc là cụ Túc sắp được về với gia đình trong dịp Tết...           

            Nghe tôi nói như thế, cụ Túc lòng ngập tràn hy vọng, đêm nào cũng đun nước pha trà, cà phê, đem bánh kẹo mời chúng tôi ăn. Cụ Túc thường đem bánh kẹo ra đặt trên mộ Ngũ Công Bình để cúng cô hồn. Cụ thường nằm mơ thấy anh nầy về hỏi thăm nên cụ sợ lắm! Trước khi đón năm mới Bính Thìn 1976, cụ Túc được cán bộ trại Long Thành mời lên “làm việc” cùng với một số người khác thuộc diện già yếu, bệnh hoạn, gia đình neo đơn. Ngay sau đó, cụ được lệnh thu dọn đồ đạc và tập trung tại Hội Trường, không được liên hệ với những người ở lại. Đến Hội Trường, cụ và anh em khác nhận được giấy phóng thích, ký tờ cam kết và được cấp tiền xe để về với gia đình. Cụ không kịp nói lời chia tay với anh em và chúng tôi cũng không kịp nhắn tin gì với gia đình.  Còn lại một chút thức ăn, cụ đem cho tôi khi đi ngang qua chỗ tôi nằm.

            Tết năm 1976, cụ có ghé thăm gia đình tôi tại cư xá Thanh Đa quận Bình Thạnh. Sau đó cụ cùng gia đình tìm đường vượt biên và định cư ở Pháp. Gần hai chục năm sau, tôi lại nhận được thư cụ, thật là chuyện bất ngờ, không hiểu làm sao cụ có được tin tức và địa chỉ của tôi. Mấy tháng sau, tôi được thư của Bà Lương Thị Nga ở Pháp, một chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, báo tin cụ đau nặng và rất muốn gặp tôi, muốn liên lạc với tôi.  Nhưng tôi chưa có điều kiện để qua Âu Châu gặp cụ thì lại được tin cụ đã ra người thiên cổ... Và mới đây, 1999, tôi lại được tin Bà Lương Thị Nga cũng đã qua đời!

            Cụ Túc về được ít lâu thì một hôm Phan Quế Sơn đến gặp tôi tâm sự:

           Tôi đọc sách thấy nói người nào có “đường pháp lệnh” chạy thẳng vào miệng là số chết đói. Có đúng vậy không?    

            Đường “pháp lệnh” là đường vòng hai bên miệng từ mũi xuống. Tôi bỗng nhìn vào mặt anh và thấy rõ anh có đường pháp lệnh chạy thẳng vào miệng. Tôi bèn nói:

           Không biết anh xem sách vở ở đâu chứ tôi chưa thấy nói điều đó. Nhưng số anh em mình rồi cũng chết vì đói mà thôi. Anh nghĩ tù tội như thế nầy, ai cũng đói, thiếu ăn thì sinh ra suy nhược, bệnh hoạn mà chết. Như thế có phải chết vì đói hay không? Nếu không về sớm thì rồi anh em đều chết vì đói hết. Chỉ có ơn trên, ông Trời, Thượng Đế... mới cứu mình ra khỏi cảnh nầy mà thôi. Anh có lòng tin thì cứ cầu nguyện, người Việt Nam mình ai cũng tin có Đấng Tạo Hóa, có Ông Trời... ăn ngay ở lành, khi gặp hoạn nạn sẽ được Trời cứu giúp... Nước mất, nhà tan, bản thân phải bị đọa đày, mình chịu chung cái nạn với quốc gia, dân tộc đó thôi. 

Phan Quế Sơn im lặng bước đi bên tôi không nói gì. Mấy tháng sau, chúng tôi phải chuyển ra miền Bắc, mỗi người một ngã, từ đó, tôi không gặp lại Sơn.  Khoảng 1980, tôi được tin anh đã chết vì tai nạn khi vào rừng chặt tre đem về làm nhà cho trại. Cây tre rơi từ trên núi xuống đâm trúng anh thủng ruột. Anh chết trong lúc kiệt sức, ngả té, thấy cây tre lao xuống mà không đủ sức lăn mình qua chỗ khác để tránh, đành phải chấp nhận cái chết rất thê thảm. Anh em chôn anh ở trong rừng, không có hòm, chỉ bó chiếu và mảnh chăn rách.

Tối đó, anh em nằm ngủ nghe tiếng bước chân đi trên trần nhà lạo xạo suốt đêm. Ngọn đèn dầu leo lét để trên bàn ở góc nhà cho anh em ban đêm hút thuốc lào hoặc thấy đường đi vào cầu tiêu bỗng vụt tắt. Bóng tối bao trùm cả một gian phòng lạnh lẽo. Tiếng chim lạ từ trong rừng vọng lại như gọi hồn ma, tiếng cú mèo lâu lâu cất lên nghe rợn người. Có anh đang nằm ngủ bỗng thét lên làm cho anh em khác đang ngủ phải giật mình. Một vài tiếng khóc tức tưởi nghẹn ngào của những người tù tuyệt vọng nhớ vợ con gia đình. Tiếng kẻng tù báo thức đã qua một đêm, chuẩn bị vào một ngày đi lao động mới. Anh em kể cho nhau nghe, tối hôm qua có người nằm mơ thấy Phan Quế Sơn về, bóng anh cao lêu nghêu, ốm yếu, đi vật vờ giữa buồng. Ngay khi đó, cây đèn dầu trên bàn như bị ai thổi tắt đi...

Triệu Dương NLT

30 tháng 6, 1999




Không có nhận xét nào: