Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 7) - Nguyễn Sơn Hùng

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 7)

Đức nhân trong chương 12 Nhan Uyên

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Phàm lệ

–         Dịch là của Nguyễn Hiến Lê.

–         Chú thích và Bàn thêm là của Jinsai.

–         Các hạng mục khác là của người dịch.

Bài 12. 1 Phương pháp thực hiện đức nhân: khắc phục lòng ham muốn riêng tư và luôn luôn hành động, ứng xử theo lễ. “Khắc kỷ phục lễ”.(Nội dung phu tử dạy cho Nhan Hồi).“Khắc kỷ” là căn bản để thực hiện đức nhân (Jinsai).

Nhan Uyên vấn nhân. Tử viết: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên. Vi nhân do kỷ, nhi do nhân hồ tai?”

Nhan Uyên viết: “Thỉnh vấn kỳ mục”. Tử viết: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”. Nhan Uyên viết: “Hồi tuy bất mẫn, thỉnh sự tư ngữ hỹ.”

顏 淵 問 仁。子 曰:克 己 復 禮 為 仁。一 日 克 己 復 禮, 天 下 歸 仁 焉。為 仁 由 己,而 由 人 乎 哉? 顏 淵 曰:請 問 其目? 子 曰:非 禮 勿 視,非 禮 勿 聽,非 禮 勿 言,非 禮 勿動。 顏 淵 曰:回 雖 不 敏,請 事 斯 語 矣!

Dịch

Nhan Uyên hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Khắc kỉ (chế thắng tự dục) mà trở về lễ (đạo lý) thì là nhân. Một ngày khắc kỉ trở về lễ, thì khắp thiên hạ sẽ khen đức nhân của mình (có sách giảng là sẽ bị mình cảm hoá mà theo đức nhân). Làm điều nhân là do mình, chứ đâu có do người?” Nhan Uyên hỏi tiếp: “Xin thầy chỉ cho con những điều mục (để thực hành)”. Khổng tử bảo: “Cái gì không hợp lễ thì đừng nhìn, không hợp lễ thì đừng nghe, không hợp lễ thì đừng nói, không hợp lễ thì đừng làm”. Nhan Uyên thưa: “Hồi con tuy không minh mẫn cũng xin theo lời thầy dạy.”

Chú thích

1) “Nhan Uyên… phục lễ vi nhân”: Nội dung bài này nói rõ nội dung đạo của phu tử (Khổng tử) phổ biến trong thiên hạ. “Khắc” nghĩa là thắng. “Kỷ” là tiếng chỉ bản thân mình, không phải nói về người khác. “Phục” là lập đi lập lại. “Khắc kỷ” nghĩa là quên mình để nghe theo người, không cường điệu (chủ trương mạnh mẽ) về cái tôi của mình. Nếu như khắc phục được lòng ham muốn tư lợi sẽ dẫn đến lòng thương yêu dân chúng. Nếu như lập đi lập lại lễ độ trong cuộc sống thực tế và cách sống thì sẽ trở nên có tiết độ và lịch sự thì đó là việc thực hiện đức nhân.

2) “Nhất nhật… nhân hồ tai?”: “Nhất nhật” là ngày bắt đầu lập chí. Vào một ngày nào đó lập chí khắc phục bản thân và lập đi lập lại lễ độ trong cuộc sống thì tất cả người trong thiên hạ sẽ hướng lòng về đức nhân, cái thế mạnh của việc hướng tâm về đức nhân của người đời giống như cơn lũ mạnh không có gì có thể ngăn chặn được. Ở phần cuối câu, lời lập lại “Vi nhân do kỷ, nhi do nhân hồ tai” là  để diễn tả ý khẳng định, chắc chắn của chân lý: nếu bản thân mình muốn thực hiện đức nhân thì rõ ràng bất cứ ai cũng sẽ làm được.

3) “Nhan Uyên… tư ngữ hỹ.”: “Mục” là hạng mục. Thí dụ, các loại từ vựng khác như lục ngô六 言 (lục đứcnhân, trí, tíntrựcdũngcương), lục tế 六 蔽(6 điều kiện che lấp lục đức trên, Bài 7 (trong sách cụ Lê là Bài 8 chương 17 Dương Hóa), ngũ mỹ tứ ác (ngũ mỹ: 5 mỹ đức, Bài 3 (trong sách cụ Lê là Bài 2 chương 20 Nghiêu Viết).

Chu thị (tức Chu Hy) viết “sử” việc gì là sự chuyên tâm vào việc đó”. Được phu tử dạy cho cương lĩnh của việc thực hiện đức nhân nên Nhan tử hỏi thêm các hạng mục cụ thể bởi vì ông muốn thực tiễn. Do đó, phu tử giảng thêm 4 hạng mục nói trên. Nếu thực hành được các hạng mục nói trên, bản thân sẽ có được đức nhân và không bao giờ mất đi. Ý nghĩa giống như điều mà trong kinh Dịch nói “Quân tử dĩ phi lễ phất lý” (Người quân tử không làm điều phi lễ).

Nghe phu tử giảng dạy như thế, Nhan tử lập tức thề với lòng là sẽ thực tiễn. Đối với Nhan tử, ông có tự tín là bản thân làm được. Do đó, ông không có nghi ngờ gì và xem đó là nhiệm vụ của mình. (Lấy việc thực hiện đức nhân làm nhiệm vụ là công việc rất khó cả cuộc đời, xem thêm Bài 8.8).

Giải thích

Nhan tử là nhân tài (người có tài năng) để phụ tá cho vua quản trị quốc gia. Do đó phu tử giảng đạo thực hiện đức nhân đối với thiên hạ cho ông hiểu. Quan hệ giữa bài này với Bài 10 chương 15 Vệ Linh Công viết nội dung trả lời câu hỏi của Nhan tử về phương châm quản trị quốc gia, là mặt trước và mặt sau của một vật (ý nói bổ sung nhau). Trong Bài 10 này, phu tử trả lời hãy dùng những nội dung tốt đẹp có ưu điểm và bỏ đi các khuyết điểm của lễ nhạc trong 4 thời đại (Ngu (Thuấn), Hạ, Ân và Chu) là được.

Đức nhân vốn là xuất phát từ lòng từ ái của một cá nhân và lòng trắc ẩn (không nỡ làm ngơ trước sự bất hạnh của người/vật khác) rồi từ đó phát triển lớn rộng ra, không kể trong hay ngoài một quốc gia, gần hay xa. Mức độ nhỏ là trong một gia đình, mức độ kế đến là trong một vùng hay một nước, kế tiếp là mức độ lớn của cả thế giới.

Phong thái hòa thuận thư thả làm dịu mát từ da dẻ bên ngoài cho đến xương tủy bên trong của con người. Tỷ dụ như đức của vua Nghiêu lan rộng phổ biến khắp thế gian đến cả trên trời dưới đất (Nghiêu Điển trong kinh Thư), hoặc cách làm quản trị đất nước ngăn nắp tề chỉnh của vua Thuấn làm cho các vua chư hầu tập hợp ở tứ môn của kinh đô tất cả đều cảm thấy hòa nhã thư thái (Thuấn Điển trong kinh Thư)

Tôi nghĩ rằng khắc kỷ là căn bản của việc thực hiện đức nhân, việc luôn luôn thực tiễn theo đức lễ là mảnh đất nuôi và bồi dưỡng đức nhân. Nếu không có việc khắc kỷ thì không thể nào có được đức nhân. Nếu không luôn luôn thực tiễn theo đức lễ thì đức nhân không thể nào tồn tại. Trong sách Trung Dung viết “Trai minh, thịnh phục, phi lễ bất động, sở dĩ tu thân dã” (Cảnh giới kiêng cử ăn uống, lời nói, việc làm giữ gìn tinh thần, thân thể thanh khiết, ăn mặc chỉnh tề, không phải lễ không hành động, cốt để sửa đổi chính mình.) Nhờ tu thân mà giữ gìn được đức nhân. Phu tử cũng nói: “Tu thân mình để lo việc của dân chúng là đức tối cao, ngay cả vua Nghiêu, vua Thuấn cũng khổ tâm làm sao cho được tốt, thuận lợi.” (Bài 28 chương 6 Ung Dã). Hiệu quả của việc tu thân thật sự to lớn làm sao!

Nhận xét

(1)   Bài này rất quan trọng đối với Khổng học vì Khổng học xem trọng nhất là thực hiện được đức nhân mà bài này giải thích phương pháp cụ thể để thực hiện đức nhân của chính từ phu tử.

(2)   Nên lưu ý ý nghĩa của chữ “phục” trong câu “Khắc kỷ phục lễ”. “Phục” ở đây không có nghĩa là trở lại như trong từ “hồi phục” mà là “lập đi, lập lại” nói cách khác là “luôn luôn”. Do đó, “Khắc kỷ phục lễ” nghĩa là “hành động vì người không phải vì lợi ích riêng tư của bản thân, và luôn luôn hành động, ứng xử sự việc theo lễ”. Nên chú ý vào ý nghĩa thật sự của lễ, không phải chỉ cố chấp vào hình thức bên ngoài mà phải xuất phát từ lòng tôn kính đối tượng và cẩn trọng khi hành động hoặc ứng xử. Nakae Tôju nói trọng yếu của đạo làm người là ái và kính là lý do này.

(3)   Từ bài này chúng ta cũng có thể thấy được “khắc kỷ” là một trong những cách cụ thể thực hiện đức nhân. “Khắc” nghĩa là cố gắng thắng được. “Khắc kỷ” là cố gắng thắng được lòng ham muốn riêng tư hoặc vì lợi ích cá nhân của mình. Bởi vì nếu đối tượng của sự việc là bản thân và người khác thì việc thiên về lợi ích của mình hơn vì người là việc thường tình do đó cần phải cố gắng giảm bớt sự ham muốn của bản thân.

4)   Sau khi dịch và viết Nhận xét trên khoảng 1 tháng, vào ngày 27/8/2024 người dịch đọc lại “chương V Chữ “Nhân” trong Khổng học” của sách Khổng Học Đăng, thấy nhận xét cụ Phan Sào Nam giải thích “phục lễ” là “hồi phục được chân lý của trời”, nói theo khoa học là “hồi phục theo được quy luật tự nhiên” là chí lý nhất. Bởi vì thông thường lòng ham muốn riêng tư làm cho chúng ta mù quáng, cố chấp làm những việc trái với quy luật tự nhiên nên sinh ra rối loạn hoặc thất bại. Mục đích cuối cùng của “lễ” là giữ gìn trật tự thiên nhiên để cho mọi sự vật được vận hành suôn sẻ trôi chảy theo lẽ tự nhiên chứ không phải chỉ là hình thức giữ lễ phép như thường nghĩ. Ở điểm này người dịch cảm thấy sức học của cụ Phan không thua gì hoặc có phần trội hơn các học giả Nhật Bản, thật là một điều đáng hãnh diện, do đó ghi thêm vào đây.

(5)   Trong phần giải thích Bài 7.11 trong Luận Ngữ Giảng Nghị của Shibusawa Eiichi, ông cho rằng nhờ những người cầm đầu trong công cuộc Duy Tân như Sanjô Saneyumi, Iwakura Tomomi, Saigô Takamori, Ôkubo Toshimichi, Kido Takayoshi…đã không nghĩ đến lợi ích cá nhân riêng tư nên công cuộc Duy Tân mới thành công như vậy, không giống như ở Nga hoặc Trung Quốc. Sau khi đọc phần giải thích này người viết thật thấm thía chủ trương của Jinsai: Khắc kỷ là căn bản của việc thực hiện đức nhân. (Bổ sung ngày 12/9/2024)

Bài 12. 2 Phương pháp thực hiện đức nhân: Điều mình không muốn thì đừng làm cho người, và luôn luôn hành động, ứng xử với lòng cẩn trọng và hợp với lễ. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Nội dung phu tử dạy cho Trọng Cung).

Trọng Cung vấn nhân. Tử viết: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán”. Trọng Cung viết: “Ung tuy bất mẫn, thỉnh sự tư ngữ hỹ.”

仲 弓 問 仁。子 曰:出 門 如 見 大 賓,使 民 如 承 大 祭。己 所不 欲,勿 施 於 人。在 邦 無 怨,在 家 無 怨。仲 弓 曰:雍 雖 不 敏,請 事 斯 語 矣

Dịch

Trọng Cung hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Ra khỏi cửa thì (phải nghiêm trang) như gặp khách quý; sai khiến dân thì phải thận trọng như trong một cuộc lễ lớn, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Trong nước không ai oán mình, trong “nhà” một đại phu không ai oán mình”. Trọng Cung thưa: “Ung con tuy không minh mẫn cũng xin theo lời thầy.”

Chú thích

1) “Xuất môn” ý nói khi ra khỏi nhà cần phải nghĩ mình đang đảm chức vị công khanh (chức quan lớn của nước chư hầu).

Như thừa đại tế” nghĩa là không khinh bỉ xem thường dân chúng. Trong lòng lúc nào cũng có tinh thần giữ lễ tức là đức nhân đã có trong con người của mình.

1)      “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không mong muốn thì đừng làm cho người) là điều trọng yếu để có được đức nhân.

2)      “Tại bang vô oán, tại gia vô oán” (khi làm việc quốc gia không có người oán trách, khi xử sự việc trong gia đình hoặc trong họ hàng cũng không có người oán giận) chỉ hiệu quả khi con người đã có được đức nhân. Thiên Văn Vương Hữu Thanh của Đại Nhã trong kinh Thi có câu: “Từ Tây, Đông, Nam, Bắc tập hợp đến, không ai mà tâm không phục” là để nói ý này.

4) “Trọng Cung…ngữ hỹ”: Trọng Cung lập tức hiểu được ngay ý muốn nói của phu tử và thu nhận không có một chút nghi ngờ. Do đó, các môn nhân khi biên tập Luận Ngữ, sắp xếp bài này ngay sau câu truyện của Nhan tử, cho thấy 2 nhân vật này là nhân tài tương đương nhau.

Giải thích

Tài năng của Trọng Cung đứng hạng kế tiếp sau Nhan tử. Do đó, phu tu cũng giảng giải cho Trọng Cung hiểu đạo để thực hiện đức nhân. Giống như “Kiến đại tân” (gặp khách quan trọng), giống như “Thừa đại tế” (giúp vua trong việc cúng tế lễ quan trọng) nghĩa là hành động thận trọng, cẩn trọng đối tượng không để sai lầm xảy ra, nghĩa hành động với tấm lòng (tinh thần) kính 敬. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người) là phương pháp thực hiện thứ 恕. Nếu như hành động hoặc ứng xử sự việc với tinh thần của kính và thứ thì đó là thực hiện được đức nhân. Hành động, ứng xử với tinh thần của kính và thứ thì đối với việc nước (xã hội), việc trong gia đình thân thuộc sẽ không có oán hận.

Bàn thêm

Tất cả các đệ tử của phu tử đều hiểu rõ ý nghĩa đúng của đức nhân nhưng phương pháp cụ thể để thực hiện đức nhân thì chưa biết rõ ràng. Do đó, tất cả các câu hỏi của các đệ tử và nội dung trả lời của phu tử đều nói về phương pháp thực hiện cụ thể, chưa có lần nào luận bàn về ý đúng của đức nhân. Nếu đem việc trồng hoa để tỉ dụ cho việc này thì đức nhân là hoa, và phương pháp thực hiện đức nhân là công việc tưới nước, bón phân, chăm sóc cây như bắt sâu, cắt tỉa cành lá xấu …để cho hoa được trổ nở. Các nội dung hỏi của đệ tử và trả lời của phu tử đều là phương pháp tưới, nuôi dưỡng cây, chứ chưa có lần nào nói về hình dáng, màu sắc, hương thơm của hoa. Trong khi đó, các nhà Nho của thời đại sau này (ý nói Tống Nho) chỉ biết đào xới truy cứu lý luận của đức nhân ở mặt ngôn từ! (ý nói chi lo tìm hiểu lý thuyết mà không quan tâm đến mặt thực hành, thực dụng). Việc làm của các nhà Nho này giống như lấy nội dung của các phương pháp tưới nước, chăm sóc cây để tưởng tượng ra hình dáng, màu sắc, hương thơm của hoa. Các nội dung học thuyết của các Nho gia này, hoặc của Lão tử, Trang tử tất cả đều rơi vào lĩnh vực hư vô, yên tĩnh của tâm (tinh thần) (nghĩa là hư tĩnh), hoặc là họ chỉ cắn Luận Ngữ cho đầy miệng mà thôi (ý nói, đọc hết lời nhưng không suy xét ý nghĩa bao hàm bên trong để tiêu hóa và thực hiện) là do lý do này.

Vào thời đại của Mạnh tử (tức thời Chiến quốc), đạo thánh hiền suy thoái, học thuyết của thánh hiền không còn được quan tâm đến, người đời lúc đó không những không biết phương pháp thực hiện đức nhân mà ngay cả ý nghĩa của đức nhân cũng không biết. Do đó, Mạnh tử đã khẩn thiết giảng giải một cách thận trọng cho người đời hiểu rõ. Ông nói “Lòng trắc ẩn (lòng không nở bỏ qua) là nguồn gốc của đức nhân. Lòng tu ố (thấy xấu hổ khuyết điểm của mình, chán ghét việc xấu của người khác) là nguồn gốc của là nguồn gốc của đức nghĩa.” (Bài 6 Chương 3 Công Tôn Sửu thượng, Mạnh Tử). Ông lại nói “Mọi người đều có lòng trắc ẩn (không nở bỏ qua khi thấy người khác bị khốn khó), phát triển lòng trắc ẩn này thì đạt đến đức nhân. Mọi người ai cũng có lòng tu ố, phát triển lòng tu ố thì có đạt đến đức nghĩa. (Bài 31 Chương 14 Tận Tâm hạ, Mạnh Tử). Do đó, người nào muốn tìm hiểu phương pháp để thực hiện đức nhân thì nên lấy Luận Ngữ làm căn cứ (căn bản) còn nếu muốn biết đúng ý nghĩa của đức nhân thì nên tham khảo sách Mạnh Tử.

Nhận xét

(1)    Đọc Giải thích bài này của Jinsai, một lần nữa chúng ta thấy chủ trương ái và kính của Nakae Tôju (1608 ~ 1648) là chí lý.

Bài 12. 3 Phương pháp thực hiện đức nhân: Thận trọng lời nói. “Kỳ ngôn dã nhẫn” (Nội dung phu tử dạy cho Tư Mã Ngưu).

Tư Mã Ngưu vấn nhân. Tử viết: “Nhân giả, kỳ ngôn dã nhẫn”. Viết: “Kỳ ngôn dã nhẫn, tư vị chi nhân hĩ hồ?” Tử viết: “Vi chi nan, ngôn chi đắc vô nhẫn hồ?”

司 馬 牛 問 仁。子 曰:仁 者,其 言 也 訒。曰:其 言 也 訒,斯 謂 之 仁 矣 乎? 子 曰:為 之 難,言 之 得 無 訒 乎?

Dịch

Tư Mã Ngưu hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Người có đức nhân thì biết nhịn lời”. Lại hỏi: “Biết nhịn lời mà thành người có đức nhân ư?” Đáp: “Làm thì khó, (nói thì dễ), vậy chẳng nên nhịn khi mình muốn nói sao?”

Chú thích

1)      “Tư Mã Ngưu vấn nhân”: Tư Mã Ngưu là đệ tử của phu tử, theo (Trọng Ni Đệ Tử Liệt Truyện trong) sách Sử Ký. Tên là Lưu 犂.

2)      “Tử viết... dã nhẫn”: “Nhẫn” là khó khăn (ý nói: nói ý tứ, lời nói thận trọng như khó khăn mới nói nên lời.). Đức của người có đức nhân đều tồn tại ở bên trong tâm hồn, tinh thần của họ, không có nói ra ngoài một cách cẩu thả, không suy nghĩ. Bởi vì Tư Mã Ngưu có bản tính hay nói nhiều ra ngoài nên phu tử nói như trong bài để cảnh giác ông.

3)      “Viết… vô nhẫn hồ?”: Tư Mã Ngưu nghĩ rằng đạo của đức nhân rất rộng lớn, chưa hẳn như lời phu tử nói với ông nên ông mới hỏi lại. Đối với câu hỏi lại của Mã Ngưu, phu tử trả lời với ý sau: Người có đức nhân lấy việc nỗ lực thực hiện việc tốt vì người làm chính yếu, bất cứ việc cũng không làm cẩu thả. Do đó, người có đức nhân cần phải cẩn trọng lời nói của mình, không ăn nói bừa bãi, cẩu thả. Nếu ăn nói bừa bãi, cẩu thả thì không thể có được đức nhân.

Giải thích

Đối với các câu hỏi về đức nhân của các đệ tử, phu tử lúc nào cũng đưa thí dụ về việc làm cụ thể của người có đức nhân để trả lời. Tại sao như vậy?

Bởi vì đức nhân vốn không có hình dạng cụ thể. Do đó để cho người nghe nắm bắt được điểm chính yếu của đức nhân, việc đưa ra việc làm cụ thể của người có đức nhân trong khi giảng giải sẽ rõ ràng và dễ hiểu hơn. Do lý do này, phu tử có lúc đưa ra trạng thái tinh thần, có lúc đưa ra việc làm cụ thể của người có đức nhân. Bài này tương ứng với trường hợp này.

Chu thị (Chu Hy) “Bởi vì Tư Mã Ngưu là con người có bản tính như vậy nên nếu phu tử không nêu ra khuyết điểm khó nghe của ông để dạy mà đưa ra lời giải thích tổng quát để ông tự ngẫm nghĩ biết khuyết điểm của mình rồi tự giác sửa đổi mà có được đức nhân thì không có thể đối với con người có bản tính hấp tấp nôn nóng như ông. Do đó, phu tử mới dùng cách dạy như trong bài.”

Nhận xét

(1)   Đối với Tử Cống, người đệ tử giỏi ăn nói, phu tử cũng khuyên tương tự khi ông hỏi thế nào là người quân tử: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi.” (Trước hãy làm điều muốn nói, rồi hãy nói sau) (Bài 2.13).

(2)   Tục ngữ Nhật Bản có câu: người nói nhiều thường ít có phẩm cách (từ đa, phẩm thiều). Việt Nam có các tục ngữ, ca dao như:

Ăn bớt bát, nói bớt lời”

“Vàng thời thử lửa, thử than,

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.”

Bài 12. 21 Điều kiện để đúng nghĩa của người sĩ (kẻ sĩ) là yêu thích sự chất phát, chính trực và đạo nghĩa. Xem trọng thực chất bên trong không phải vẻ đẹp bên ngoài. Hữu xạ tự nhiên hương. (Nội dung phu tử dạy cho Tử Trương)

Tử Trương vấn: “Sĩ hà như tư khả vị chi đạt hỹ?” Tử viết: “Hà tai, nhĩ sở vị đạt giả”. Tử Trương đối viết: “Tại bang tất văn, tại gia tất văn”. Tử viết: “Thị văn dã, phi đạt dã. Phù đạt dã giả, chất trực nhi hiếu nghĩa, sát ngôn nhi quan sắc, lự dĩ há nhân, tại bang tất đạt, tại gia tất đạt. Phù văn dã giả, sắc thủ nhân nhi hành vi, cư chi bất nghi, tại bang tất văn, tại gia tất văn.”

子 張 問:士 何 如 斯 可 謂 之 達 矣?子 曰:何 哉,爾 所 謂 達 者?子 張 對 曰:在 邦 必 聞,在 家 必 聞。子 曰:是 聞 也,非 達 也。夫 達 也 者:質 直 而 好 義,察 言 而 觀 色,慮 以 下 人,在 邦 必 達,在 家 必 達。夫 聞 也 者:色 取 仁 而 行 違,居 之  不疑,在 邦 必 聞, 在 家 必 聞

Ghi chú: Ở sách Khổng Tử & Luận Ngữ của Nguyễn Hiến Lê là Bài 12.20.

Dịch

Tử Trương hỏi: “Kẻ sĩ (kẻ làm quan) như thế nào thì có thể gọi là đạt?” Khổng tử hỏi lại: “Theo ý anh, đạt là thế nào?” Tử Trương đáp: “Làm quan một nước có tiếng tăm, làm gia thân cho một nước có tiếng tăm”. Khổng tử bảo: “Như vậy là tiếng tăm chứ không phải đạt. Người đạt thì chất phác chính trực mà thích làm điều nghĩa, biết xét lời nói, quan sát nét mặt của người khác (mà hiểu tâm ý họ), biết suy nghĩ khiêm nhường ở dưới người: như vậy làm quan một nước sẽ “đạt”, làm gia thần cho một đại phu sẽ “đạt”. Còn người có tiếng tăm thì bề ngoài làm bộ nhân đức mà hành vi trái nhân đức, thế mà vẫn tin chắc rằng mình nhân đức. Như vậy làm quan một nước sẽ có tiếng tăm, làm gia thần một đại phu sẽ có tiếng tăm.”

Chú thích

1)      “Đạt” nghĩa là có thực lực (tài năng thật sự) thì danh tiếng tự nhiên sẽ truyền rộng ra.

2)      “Hà tai, nhĩ sở vị đạt giả”:Bởi vì phu tử nghĩ rằng “đạt” mà Tử Trương nói có thể không phải là “đạt” thật sự nên mới bằng giọng cật vấn hỏi lại. Trước hết để cho Tử Trương nói ra cách suy nghĩ sai (chứng bệnh) của mình, sau đó mới chỉnh sửa lời nói, nghĩa là tùy theo bệnh trạng mà ra toa thuốc chữa trị.

3)      “Tại bang … tại gia tất văn”: là nội dung “đạt” mà Tử Trương hiểu.

4)      “Thị văn dã, phi đạt dã”. “Văn” là trang sức, làm đẹp bên ngoài, làm như có danh tiếng.

5)      “Phù đạt dã giả, … tại gia tất đạt”. Khi yêu thích sự chất phát, chính trực, đạo nghĩa thì không làm việc trang sức, làm cho đẹp bên ngoài. Khi chỉ quan tâm để ý đến cách ăn nói, sắc mặt của đối tượng thì không thể nào bản thân có thể thỏa mãn và có thái độ tự trọng được. Ba hạng mục mà phu tử nói ra là các hạng mục vừa tu thân vừa khiêm tốn, không đòi hỏi đối tượng phải công nhận mình nhưng nếu thực hiện được thì sẽ có được đức, người khác tin cậy và danh tiếng tự nhiên sẽ lan rộng bốn phương.

6)      “Phù văn dã giả, sắc thủ… tại gia tất văn”. Chỉ có bên ngoài ra vẻ người có đức nhân mà việc làm thực tế hoàn toàn trái ngược, thêm vào đó, tự mình tin rằng làm như vậy là tốt nên không còn gì e dè. Danh tiếng có thể có được một lúc nhưng thật ra là đức bị tổn thương.

Giải thích

Thực ra sau người học hiểu rõ ràng sự khác biệt giữa đạt và văn thì cái chí của người học mới được định đoạt. “Văn” là nội dung thì trống rỗng chỉ có danh tiếng đối với bề ngoài mà thôi. Không để ý quan tâm việc thực hành nội dung mà nhiệt tâm với hình thức bên ngoài. “Đạt” có nghĩa là phần nội dung cũng đầy đủ mà phần danh tiếng cũng lan rộng. Tu tập nghề nghiệp để làm đầy đủ phần nội dung (tức là đức) nhưng không làm cho người ta biết. Sự khác biệt giữa đồ thật và đồ giả, là sự khác biệt giữa người quân tử và người tiểu nhân. Cái mà thế gian gọi là đạt đều là văn chứ không phải đạt. Người học nên nắm vững điểm này.

6/8/2024

Nhận xét

(1)   “” có nhiều nghĩa như: người có học, người làm quan, người có kỹ năng cao, trình độ chuyên môn cao, người thuộc cấp lãnh đạo… Thế nào là người sĩ với ý nghĩa “kẻ sĩ” hoặc chí sĩ, hoặc người trí thức, hoặc người lãnh đạo là một đề tài quan trọng, người viết sẽ tìm hiểu trong Luận Ngữ xem thế nào là người sĩ.

Bài 12. 23  Đức nhân là yêu thương người. Đức trí là hiểu biết người. Đề cử người chính trực vào chức vụ cao có thể làm người cấp dưới trở thành chính trực. (Nội dung phu tử dạy cho Phàn Trì)

Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: “Ái nhân”. Vấn trí. Tử viết: “Tri nhân”. Phàn Trì vị đạt. Tử viết: “Cử trực thố chư uổng, năng sử uổng giả trực”. Phàn Trì thoái kiến Tử Hạ, viết: “Hướng dã, ngô kiến ư phu tử nhi vấn trí. Tử viết: “Cử trực thố chư uổng, năng sử uổng giả trực”, hà vị dã?” Tử Hạ viết: “Phú tai ngôn hồ! Thuấn hữu thiên hạ, tuyển ư chúng, cử Cao Dao, bất nhân giả viễn hỹ. Thang hữu thiên hạ, tuyển ư chúng, cử Y Doãn, bất nhân giả viễn hỹ.”

樊 遲 問 仁。子 曰:愛 人。問 知。子曰:知 人。樊 遲 未 達。子 曰:舉 直 錯 諸 枉,能 使 枉 者 直。樊 遲 退,見 子 夏 曰:鄉 也,吾 見 於 夫 子 而 問 知。子 曰:“舉 直 錯 諸 枉,能 使 枉 者 直。”何 謂 也?子 夏 曰:富 哉 言 乎!舜 有 天 下,選 於 眾,舉 皋 陶,不 仁 者 遠 矣;湯 有 天 下,選 於 眾,舉 伊 尹,不 仁 者  遠 矣。

Ghi chú: Ở sách Khổng Tử & Luận Ngữ của Nguyễn Hiến Lê là Bài 12.21.

Dịch

Phàn Trì hỏi về đức nhân. Khổng tử đáp: “Yêu người”. Hỏi về đức trí, đáp: “Biết người”. Phàn Trì chưa hiểu rõ, Khổng tử giảng thêm: “Đề bạt người chính trực lên trên người cong queo thì có thể khiến cho người cong queo hoá ra chính trực”. Phàn Trì lui ra, kiếm Tử Hạ hỏi: “Mới rồi, tôi vô yết kiến thầy, hỏi về trí. Thầy bảo: “Đề bạt người chính trực lên trên người cong queo thì có thể khiến cho người cong queo hoá ra chính trực”. Như vậy nghĩa là sao?” Tử Hạ đáp: “Lời thầy hàm súc lắm. Ông Thuấn khi có thiên hạ (lên ngôi thiên tử) tuyển chọn trong dân chúng mà đề bạt ông Cao Dao, mà những kẻ bất nhân đều xa lánh. Ông Thang khi có thiên hạ, tuyển chọn trong dân chúng mà đề bạt ông Y Doãn, mà những kẻ bất nhân đều xa lánh.”

Chú thích

1)      “Phàn Trì …vị đạt”: Sau khi nghe trả lời của phu tử, Phàn Trì đã hiểu về đức nhân nhưng về đức trí thì có nghi vấn rằng lẽ nào đức trí chỉ là việc biết người.

2)      “Tử viết… hà vị dã?”: Nội dung trả lời của phu tử về đức trí là nói về hiệu quả rộng lớn của đức trí.

3)      “Phàn Trì thoái… hà vị dã?”: Phàn Trì đem nghi vấn về đức trí sau khi nghe trả lời phu tử để hỏi Tử Hạ.

4)      “Tử Hạ viết… Phú tai ngôn hồ!”: “Phú” là thịnh vượng. Câu này nói Tử Hạ ca ngợi lời nói của phu tử về đức trí rất phong phú, hàm xúc mang ý nghĩa rất phổ biến (không có chỗ nào mà không bao hàm trong đó).

5)      “Thuấn hữu… viễn hỹ.”: Cao Giao là quan tòa án ở thời vua Thuấn. Y Doãn là quan Tể tướng của vua Thang đời Ân. Chu thị (Chu Hy) nói “Những kẻ bất nhân đều xa lánh (bất nhân giả viễn hỹcó nghĩa là vua thực hiện chính trị nhân đức nên mọi người đều được cảm hóa, do đó kẻ bất nhân tránh xa, không còn người bất nhân. Làm kẻ không chính trực thành người chính trực cũng là nhờ vua thực hiện chính trị nhân đức.”

Giải thích

Nội dung của bài này từ câu “Trí nhân” (biết người) chuyên giảng giải về tác dụng to lớn của đức trí. Nghi vấn của Phàn Trì, trả lời của phu tử, lời của Tử Hạ tất cả đều về đức trí. Ban đầu Phàn Trì không hẳn đã có nghi vấn về sự mâu thuẫn giữa đức nhân và đức trí. Phu tử không có ý sắp đức nhân và đức trí ngang chung với nhau. Khi phu tử trả lời câu hỏi của Ai công nước Lỗ cũng đã nói “Cử trực, thố chư uổng, tắc dân phục.” (Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng người cong queo thì dân phục tòng) (Bài 2.19). Tuy nhiên, trình độ hiểu Ai công chỉ ngừng lại ở nội dung là nếu hành vi của người thực hiện chính trị thích đáng thì người đời tâm phục, ông không biết rằng trong lời của phu tử bao hàm cả ý: đức trị (trị dân bằng đức) rất thịnh vượng và tác dụng rất to lớn. Từ sự việc này, Lời của thánh nhân (tức phu tử) tùy theo tư duy của người tiếp nhận sâu cạn mà trở thành hạn hẹp hoặc to rộng như trường hợp của Ai Công và Tử Hạ. Người muốn học đạo thánh nhân cần nên suy nghĩ việc này.

Nhận xét

1)      Không hiểu tại sao Phàn Trì hỏi phu tử về đến 3 lần: Bài 6.20, 12.23 và 13.19.

Bài 6.20, phu tử trả lời: “Vụ nhân chi nghĩa, kính quỉ thần nhi viễn chi, khả vị trí hỹ” (Chuyên tâm làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỉ thần nhưng tránh xa, như vậy có thể gọi là trí”.

Bài 12.23 (bài này), phu tử trả lời: “Ái nhân” (yêu thương người)

Bài 13.19, phu tử trả lời: “Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân(人)trung. Tuy chi di địch, bất khả khí dã.” (“Trong lúc ăn ở đi đứng thường ngày phải nghiêm cung, khi làm việc phải nghiêm trang, cẩn thận, giao thiệp với ai phải trung thực. Dù tới nước di dịch chưa khai hoá, cũng không thể bỏ ba điều ấy.”)

Bài 12. 25 Người quân tử họp bạn để trau dồi văn chương hoặc học tập, và nhờ bạn để nâng cao hoặc để cùng bạn thực hiện đức nhân. (Lời Tăng tử)

Tăng Tử viết: “Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân.”

曾 子 曰:君 子 以 文 會 友;以 友 輔 仁。

Ghi chú: Trong sách Nguyễn Hiến Lê là Bài 12.23

Dịch

Tăng Tử nói: “Người quân tử dùng văn chương để họp bạn, dùng bạn để giúp nhau tiến lên đức nhân

Giải thích

Người quân tử không khinh suất hội họp với bạn bè một cách thiếu suy nghĩ. Trường hợp hội họp nhất định phải cùng nhau thảo luận và mỗi người tự trau dồi mài giũa bản thân. Người quân tử không chọn người kém thua mình làm bạn.

Khi chọn lựa bạn bè, nhất định chọn người có thể giúp mình nâng cao đức nhân. Nhờ vậy người quân tử mỗi ngày nâng cao đức nhân của mình cao hơn.

Nhận xét

(1)   Việc chọn bạn đúng là quan trọng. Nếu chọn được bạn theo tiêu chuẩn bài này nói thì rất tốt nhưng nếu bản thân mình không có gì hay để người khác học hỏi cũng chưa chắc mình đã được người khác xem là bạn.

Trên là trường hợp chọn bạn khi đã lớn. Đối với trẻ em, việc chọn bạn bè tốt cho con cái cũng là nhiệm vụ quan trọng của bậc làm cha mẹ. Bởi vì ảnh hưởng của bạn bè rất to lớn nhất là khi còn nhỏ tuổi.

Xong ngày 8/8/2024

Nguyễn Sơn Hùng, Tu sửa, bổ sung ngày 12/9/2014

Tàì liệu tham khảo

1)    Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha

2)    Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)

3)    Shibusawa Eiichi (nói miệng), Otate Koretaka (viết ghi lại) (1925): Luận Ngữ Giảng Nghị (tiếng Nhật), Nhị Tùng Học Xá xuất bản bộ.

4)    Phan Bội Châu (1929): Khổng Học Đăng.

5)    Itô Tasabu rô (1983): Danh Tác của Nhật Bản 11- Nakae Tôju & Kumazawa Banzan-, Chuokouronsha.

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Trở về trang chủ
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng














Không có nhận xét nào: