Ở Một Chốn Nào Đó
(Mượn một chút tình tiết thật, phần còn lại, bối cảnh,
nhân vật của chuyện được viết bằng tưởng tượng, để tặng đám bạn cùng lớp cùng
khóa ở trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn của những năm 69-70)
Ba mất
sớm, từ ngày Hiệp tròn ba tuổi, không biết mất bao giờ và hình dáng ông ra
sao, mẹ chưa có lần nào nói. Từ Cai Lậy, mẹ tay dắt con, tay xách giỏ bàng, đựng
mấy bộ quần áo cũ, bạc không bạc đen không đen, đem Hiệp về lại cù lao Đông với
ngoại, nơi mà từ đó mẹ bỏ lại ngoại một mình, theo ba lam lũ, nổi trôi với đời
làm thuê vác mướn. Xóm cù lao Đông, nằm cách bờ bên kia phố chợ làng Trà Cao, cái
cầu ván, chỗ lành chỗ nứt, bắt ngang qua nhánh rạch nhỏ, xuôi theo vàm nối ra sông
Vàm Cỏ Đông. Cái ấp có chừng hai ba mươi căn nhà vách đất mái tranh, mái lá, lụp xụp, lưa thưa, gần gần xa xa, dọc theo con đường đất, lồi lõm, lớn đủ chiếc
xe bò đi qua, xen kẻ giữa đám cây ổi hoang hiếm khi thấy trái và những bụi chuối
hột, cao cao lá vàng lá úa, chạy một đường quanh ấp, cửa trước cửa sau, chắn hờ
bằng mấy tấm liếp tranh, cái đong đưa cái lủng lẳng, chẳng cần biết mùa mưa nước
lên hay nắng khô đồng hạn. Người trong ấp, đôi khi mười họa, cần mua gì đó thì
qua chợ làng, nếu khá hơn từ làng, đón chuyến xe đò lỡ chạy đường Bến Cầu Gò Dầu
ra chợ quận ngang qua Gò Dầu Thượng.
Ngoại vốn đã nghèo, mẹ Hiệp bỏ ngoại đi,
ngoại ở lại cứ nghèo, rồi mẹ về ngoại cũng vẫn nghèo như từ thuở đó, may mà ngoại
còn có được miếng đất nhỏ, chéo góc đường bờ rạch và cái nhà lụp sụp, mái tranh
xen kẻ lá dừa, nên còn có chỗ che nắng trốn mưa. Trong nhà hai cái bàn cây, mấy
cái ghế đẩu, chân cao chân thấp, hai cái giường tre, một cho ngoại một cho mẹ
con Hiệp, năm sáu cái thúng, bốn năm cái thùng nhựa đựng áo quần cùng mấy thứ lặt
vặt, ở chái bếp có thêm cái kệ cao bằng mấy cây trúc khô cột dọc cột ngang và mấy
cái nồi đất, một chão thiếc đen thui. Mẹ về với ngoại không có gì khác hơn là
cái nghèo giống ngoại mang theo và thằng con, chắc đã quen khổ rồi, chưa lần
khóc đòi chuyện gì dù là khóc đòi sữa mẹ, nhưng ngoại vui và mẹ cũng vui, vì
không còn ai lủi thủi một mình, nhìn đất nhìn trời mỗi khi mưa luồng gió tạt. Trời
cũng còn thương cho kiếp nghèo, những ngày không có mẹ, thấy ngoại đơn chiếc lẻ
loi, một mình lụm cụm, bó rau, cái trứng của hai ba con gà mà bà nuôi, khệ nệ
bưng ra chợ xã bán. Vợ chồng anh chị Đắng, ở căn nhà bên cạnh, cách nhà bà ngoại
một khoảng mương sâu, ngập bông súng và cá lòng tong. Anh chị bắt khúc cây dừa
khô lớn cở một tay ôm ngang mương, họ cũng nghèo, nhưng có đôi cho nên đở hơn. Anh Đắng làm nghề đi cày ruộng mướn, chị thì ở nhà trồng đậu trồng khoai, chạy
qua chạy lại, hỏi han phụ giúp khi tối lửa tắt đèn. Anh chị cũng có đứa con
gái, con Mận, trạc tuổi Hiệp, gọi tới gọi lui hai tiếng “bà bà”, nhờ vậy ngoại đở buồn. Có mẹ con Hiệp về, thấy nhà trống
trước trống sau tội nghiệp, anh Đắng đi kiếm đâu đó một số trúc già và mấy liếp
tre còn tốt, làm khung, ngăn phòng, một bên cho ngoại, một bên cho hai mẹ con,
có chỗ che chỗ đậy.
Về cù lao Đông, vì con nhỏ, mẹ không đi gieo
mạ cấy mướn như đa số người trong ấp, họ không lạ gì mẹ Hiệp, cũng mừng rỡ chào
nhau, hỏi thăm hỏi lom chuyện xưa chuyện cũ nhưng cùng chung kiếp nghèo, thương
mà không ai giúp được gì hơn. Cả năm qua, mẹ Hiệp xách đục tre đan, sớm sương
chiều nắng, một mình lầm lũi “tát đồng
tát đìa bắt còng bắt cá”, có chút ăn để sống chứ chẳng khá gì hơn. Hôm mẹ dắt
Hiệp theo ngoại ra chợ xã bán mớ rau, tình cờ gặp bác Thạnh, xã trưởng, vốn đã
gặp mẹ ngày mới về, xin thêm tên hai mẹ con vào tờ khai gia đình và cấp cho Hiệp
cái giấy thế vì khai sinh, để lớn lên có giấy tờ mà đi học nếu được. Bác cho biết
có ông bà cai tổng Triêm ngoài chợ Gò Dầu, muốn mướn một người lo việc nhà, quét
dọn và giúp chuyện đi đứng cho bà cai tổng chút đỉnh vì bà bị đau ở xương sống
cột lưng sao đó, vào ban ngày, chiều về thì có người lo rồi, thứ bảy chủ nhật
không cần. Thấy tình cảnh mẹ con tội nghiệp, bác bảo mẹ Hiệp nếu muốn bác giới
thiệu cho, ông bà cai tổng Triêm rất hiền hậu và thương người, cả quận ai cũng
biết.
Thôi
cũng đành phần số, ngoại nhắm mắt gật đầu. Mẹ Hiệp về làm người ở đợ cho
ông bà cai tổng Triêm sau ngày đó. Nhà ông bà, một căn biệt thự không mới không
cũ, xa bến xe, xế ngã ba đường đầu chợ, trên đường đi Sài Gòn, có rào sắt cao
và mấy bụi hoa sứ già, rụng đầy lá. Mấy người con lớn nghe nói ở đâu đó dưới
Sài Gòn, cũng nhà cao cửa rộng, chỉ còn cô con gái út, cô Huyên, tuổi cở tuổi mẹ
Hiệp, và đứa con gái tên Quỳnh Hương, bằng Hiệp, còn ở với ông bà, hiện coi sóc
tiệm sách, giấy mực viết bút, ngay đầu đường vào chợ. Chồng cô, ba của Quỳnh
Hương, là một sĩ quan Dù, chỉ huy trưởng căn cứ biệt kích ở Ka Tum Thiện Ngôn
gì đó, nhưng không may đã tử thương một vài năm trước đây. Ngày nào cũng vậy,
sáng sớm, mặt trời chưa hừng rõ bên kia sông lớn, mới có chút ửng hồng, Hiệp
còn ngái ngủ thì mẹ Hiệp xách cái túi đựng mớ đồ lặt vặt, đi bộ qua cầu ra chợ
xã, chờ ngoài đường lộ đón xe đò sớm xuống Gò Dầu, chiều chạng vạng mới về nhà. Cũng may, ông bà cai tổng và cả chị Huyên đều tử tế, hiền từ nên mẹ Hiệp không
nổi nào vất vả cho lắm. Ở nhà, nhiều khi không có mẹ, Hiệp thấy bà ngoại cứ đứng
thấp nhang ngoài trời, trước sân vái vái xá xá thì thầm gì đó, hỏi mẹ, mẹ bảo
là ngoại xin Trời Phật phù hộ cho gia đình được bình an may mắn. Những ngày
không đi Gò Dầu, mẹ vẫn túi đục tre đan, cái chĩa cây dài, dầm mưa đội nắng,
tát cá tát đìa như thuở nào, bữa cơm chiều cũng mấy con cá con, mấy con còng
kho muối tiêu mặn, mấy cọng rau lang rau muống, pha chút cười chút nói mẹ con
bà cháu.
Mới đó mà mẹ Hiệp đi ở đợ cho nhà ông bà
cai tổng Triêm đã được gần bốn năm năm. Mẹ làm việc siêng năng, cần mẫn, thật
thà và ăn nói nhỏ nhẹ nên được ông bà thương mến, năm nào cũng vậy, ông bà và
cô Huyên đều gởi cho Hiệp cái quần cái áo mới, chút tiền lì xì và cho mẹ Hiệp
thêm tiền công ăn Tết. Cũng mới đó mà đã cuối năm lớp nhất trường làng cùng với
Mận, con gái của anh chị Đắng. Trong ấp cù lao Đông đi học không nhiều, chỉ có
Hiệp, Mận và ba bốn đứa trai gái nữa ở tận xóm trong. Bao nhiêu năm rồi, ngày
nào cũng như ngày nấy, sáng sớm, trời hừng đông, cả đám tụ nhau trước ngỏ nhà Mận
chờ, tay cầm khoai tay cầm bắp, theo nhau qua cầu, nói cười luôn miệng. Từ ngày
Hiệp về cù lao Đông rồi cùng đi học cho đến giờ, “con Mận thằng Hiệp” tiếng của bà ngoại gọi, ít khi rời nhau nửa bước,
chạy qua chạy lại, đánh vần học bài, chẻ củi đốt lò, lùa gà đuổi vịt, không nhà
bên này cũng nhà bên kia. Khúc cây dừa bắt ngang cái mương chia hai bên, ngày
càng mòn đi thấy rõ. Hình như đám cá lòng tong cũng bỏ đi xa vì con nước không
còn yên bình như thuở chỉ có một mình bà ngoại. Kỷ niệm vui nhiều hơn buồn, của
tuổi ấu thơ dìu dịu, êm đềm nối nhau lớn dần theo những ngày tháng đó, không “ngựa xe son phấn “không “áo lụa quần là”mà
ngọt ngào với đục tre giỏ lát, nước mặn bùn đen, khói cơm bếp lửa, rặng trâm bầu
và những con đường mòn bờ đê đầy hoa sim tím.
Cùng
với ba bốn đứa học chung lớp nhất ngoài chợ xã, Hiệp và Mận, thi đậu vào đệ
thất trường trung học Gò Dầu. Anh chị Đắng, mẹ Hiệp và ngoại mừng mà khóc cả mấy
ngày. Nghe tin này, bà cai tổng Triêm đã gởi cho mẹ Hiệp số tiền, để mua vải
may quần áo đồng phục. Mẹ Hiệp đem về chia với anh chị Đắng một nửa phần cho Mận.
Được một cái là hai đứa không cần phải xuống ở đậu nhà người ta dưới Gò Dầu. Một
hai tháng trước, có chú năm Vững, và cháu của bác Thạnh xã trưởng, nhà phía sau
chợ, mua hai chiếc xe lam ba bánh 550 cũ
của ai đó, làm xe chở khách đi về Trà Cao – Gò Dầu, ngày ba bốn chuyến, nên
không còn phải ngóng phải trông chiếc xe đò lỡ từ Bến Cầu xuống. Nhờ có hai chiếc
này mà người ở Trà Cao đi chợ quận thường hơn trước. Sáng sớm theo mẹ qua bên
chợ xã, đi chuyến chạy sớm trước của chú năm Vững xuống Gò Dầu. Ba người xuống
ngay ngã ba, chờ hai đứa khuất cuối đường vào trường rồi mẹ Hiệp mới bỏ đi. Nhà
ông bà cai tổng Triêm cách đó không mấy xa, chiều về Trà Cao cũng đã có xe của
cháu bác Thạnh chạy ngang qua đón.
Giờ ra chơi định tìm Mận, thấy Quỳnh Hương
loanh quanh bên cô ta, cười nói ngoài sân nên Hiệp đứng ở góc hàng rào chờ. Nhớ
ngày đầu vào lớp, gặp Quỳnh Hương, Hiệp có phần ngài ngại gì đó, chẳng biết tại
sao, nên cố tránh đi nhưng khổ nổi, Quỳnh Hương lăng xăng, tiếng một tiếng hai,
Hiệp Hiệp, Hương Hương, nên cũng đành trả lời một cách nhát gừng, với cô ta. Quen cũng không hẳn là quen, Hiệp đã gặp Quỳnh Hương ở nhà ông bà cai tổng
Triêm vài ba lần trong mấy dịp Tết, được mẹ dắt xuống, cám ơn những món quà mà
ông bà đã cho, khúm núm, bẽn lẽn, lấp ló nói nhau đôi ba tiếng rồi thôi. Tuy vậy,
lần nào ra về, Quỳnh Hương cũng chạy theo bà cai tổng ra cổng, đứng nhìn theo
cười. Biết là có cô ta ở đó nhưng chưa lần nào Hiệp dám quay lại, trở vào lớp, ở
bàn sau nhìn lên, hai cô vẫn còn nhỏ to, Hiệp nhăn mặt thắc mắc, cười mỉm một
mình, chiều về chắc là sẽ biết thôi. Từ những ngày sau đó, cũng theo chuyện thường
tình, vào học ra về, ba đứa trở thành bạn thân nhau, vui buồn với sân trường lớp
học, sáng chờ cổng trường chiều chia tay đầu ngã ba bịn rịn bước đi bước ở.
Cuối năm đệ lục, có người cháu gái bà con,
từ đâu dưới miệt Long Xuyên về ở với ông bà cai tổng Triêm, nên mẹ Hiệp xin
thôi việc. Về lại nhà được mấy hôm, vợ chồng bác Thạnh xã trưởng, đến nhà, gặp
mẹ gặp ngoại, bàn qua nói lại cũng hơn nửa buổi. Bác có người cháu trai, trạc
tuổi mẹ Hiệp, đi lính cấp bậc trung sĩ, sư đoàn 25 VNCH, đóng ở Tây Ninh, bị
thương trong trận núi Bà, giải ngủ, vợ anh mất đi chừng hai năm nay, đang làm nhân
viên ở văn phòng quận Phú Khương, Tây Ninh, muốn kết đôi với mẹ Hiệp, nhưng mẹ
từ chối, một phần tình yêu đã nguội lạnh, một phần mẹ không muốn một lần nữa bỏ
ngoại một mình. Vợ chồng bác Thanh không nở nài ép, vậy mà lần nào gặp ngoài chợ,
bác cứ nhắc chuyện này hoài, mẹ nhỏ nhẹ cười trừ thôi. Không may sau đó, ngoại
bệnh nặng trở lại, nằm không bao lâu thì mất ở bệnh viện. Cùng với anh chị Đắng,
bà con trong xóm cù lao và chiếc xe lam của chú tư Vững, mẹ đem ngoai chôn tại
cái gò mả chung, trên đám đất cao, bên bờ nhánh sông, cuối còn đường mòn từ đầu
xóm nhà. Mẹ Hiệp khóc nhiều sưng cả mắt gần mấy ngày. Rồi cũng nguôi ngoai, mẹ
con ra vào buồn vời vợi. Sau ngày cúng 49 ngày với số vốn dành dụm từ mấy năm
nay, cộng thêm chút tiền ông bà cai tổng cho khi nghĩ làm, nhờ anh Đắng một tay
dựng cây dựng kệ, mẹ Hiệp mở cái sạp bán hành tiêu tỏi ớt, kẹo bánh nhỏ. Hàng lấy
từ chợ Gò Dầu, cuối góc chợ xã, không xa chỗ bến xe lam bao nhiêu. Chị Đắng, mẹ
Mận, cũng có chỗ để bán thêm bó rau bó cải, con cá con cua. Từ ngày đó mẹ không
còn theo xe lam xuống chợ quận như mấy năm trước.
Ở cù
lao Đông, những gì của ngày xưa còn bé đã lẳng lặng bỏ đi. Tuổi biết buồn
chợt vội vã về, không chờ không đợi, với Hiệp, cũng bên nhau qua cầu, cũng ngồi
bên nhau trên chuyến xe lam sớm nhưng không còn đánh đôi đánh đọ, tay nắm tay
lôi chiều mưa trưa nắng nữa. Những đêm ngồi học bài muộn, lời thơ tình của ai
đó Mận nhớ hơn là nhớ công thức toán năm Đệ Tứ. Ngọn đèn dầu khuya bên này cứ nhớ
ngọn đèn dầu khuya bên kia nhà Hiệp, Mận chợt biết ra mình đã thương thật rồi
hai tiếng “thằng Hiệp con Mận”,
thương mà để vậy, không dám nói ra và chưa
biết khi nào mới dám nói. Dưới Gò Dầu, Quỳnh Hương cũng thấy lòng mình ray rứt,
nhớ nhớ mong mong. Vẫn ba tháng như những mùa hè cũ nhưng mùa hè năm nay sao cứ
dài lê thê, chùm hoa đỏ bầm cuối mùa trên hàng phượng già đầu cổng trường đã
héo rủ từ lâu, thèm nghe tiếng chuông trường reo nhưng chờ hoài vẫn chưa có. Đường
phố chợ quận đông người xe cộ nhưng hồn mang mang một nỗi buồn trống vắng, Quỳnh
Hương cũng như Mận, thì ra mình đã thương và nhớ một người. Đầu năm đệ nhị, cũng
như đám học trò ở xã, Hiệp, Mận xuống ở trọ dưới Gò Dầu, xe đò xe lam từ Bến Cầu
xuống hay ở Trà Cao đi, không còn chuyến sớm nữa vì ban đêm quân du kích Việt cộng thường ra đắp mô gài mìn, phục kích đám lính VNCH đi mở đường. Tiếng súng
tiếng đạn nghe ngày càng gần làng gần ấp nhiều hơn, đôi khi đã có người chết phía
bên kia bỏ lại trên đường lộ. Chợ quận không có bao nhiêu con đường, phố xá
không xa, loanh quanh, đi xuống đi lên chưa đủ mỏi thì đã gặp lại nhau, nhưng
có họ, ba người, Gò Dầu dễ thương Gò Dầu đáng nhớ. Mùa thi ngấp nghé đâu đó
nhưng cũng có những chiều hẹn nhau quán nhỏ, khi đầu chợ lúc cuối đường góc phố,
cũng có những sáng tụm nhau đi, chờ chuông trường, nhặt hoa rụng, thả lá bay, rộn
ràng mình ta với bốn mùa Thu Đông Xuân Hạ.
Cứ nhìn ra đường, trời giữa chiều, mưa bất
chợt về ngang từ bên kia cầu, lất phất bay mờ đục màu bụi phấn, trong một góc
quán nhỏ, cả ba không nói, lặng thinh, buồn níu kéo buồn man mác, dù có muốn
nói thì cũng chẳng biết nói gì thêm vì biết nói làm sao đây. Xong Tú Tài một,
nhà vẫn nghèo, ba đồng ba cộc, cũng kiếp đời của người trong ấp, chưa biết chừng
nào mới khá hơn, Mận vào trường Quốc Gia Sư Phạm, mong mau ra trường làm cô
giáo, sớm có chút tiền lương cho nhà đở khổ. Quỳnh Hương, không biết vì sao,
cũng vội bỏ xuống Sài Gòn, theo người chị, con bà dì, chị của mẹ, vào đệ nhất
trường Lê Văn Duyệt. Chuyện của mình thì Quỳnh Hương và Mận đã nói nhau nghe hết
rồi hôm cuối mùa thi, bên lề phố vắng ngó qua cổng trường Gia Long dưới Sài Gòn,
cả hai cùng thương Hiệp, không ai hỏi vì sao, không giận hờn trách móc, không
biết ai buồn hơn ai, thôi thì cứ trôi theo định mạng và vẫn giữ cho riêng mình
hiểu. Từ lúc quen nhau tới giờ, đôi lúc chạnh lòng, có chút bâng khuâng nào đó về
bất chợt nhưng rồi như gió thoảng qua mất hút. Hiệp chưa lần nào và chưa dám
nghĩ tới chuyện thương yêu dù trong lòng cũng đã có thoáng nhớ nhung mơ tưởng, hình
ảnh cuộc đời lam lủ, và kiếp người ở đợ, cô độc của mẹ làm Hiệp chú tâm vào
việc học hành hơn là chuyện khác. Rồi thì cũng phải chia tay. Người xe ngoài đường
vắng từ lâu, lưa thưa vài vạt nắng hé lên muộn màng, trời vẫn còn hâm hấp nóng,
cười tiễn nhau ba ngã đường, có người cười muốn khóc. Bóng Mận và Quỳnh Hương
khuất xa khỏi dãy phố loang lỡ tường vôi ở cuối hai lối rẻ, Hiệp đứng bên lề
nhìn theo, bỗng chợt thấy có chút gì mất mát.
Hai cô gặp lại trong trường Quốc Gia Sư Phạm Sài
Gòn hôm khai giảng, vui quên cả buồn, sau lần chia tay ở Gò Dầu, nhà trọ mãi tận
dưới Phú Lâm, đôi ba khi mới cùng đi phố vài lần nhưng không ai hỏi Hiệp và nhắc
chuyện nói nhau nghe hôm cuối mùa thi Tú Tài một năm nào. Mận đưa Quỳnh Hương tới
chỗ này chỗ nọ, trên lầu dưới sân, làm quen cô này anh kia, hỏi ra mới biết,
không may, Quỳnh Hương rớt Tú Tài hai, cùng với người bạn thân, không chịu học
lại mà thi vào năm thứ nhất. Mận bắt đầu năm cuối ra trường. Hiệp thì vào Kỹ
Thuật Phú Thọ học Điện, đi về Trà Cao nhiều hơn là ở dưới này, cùng ở Sài Gòn
đó, vướng vấp chút trớ trêu tình cảm “thương
một người” nên năm khi mười họa ba người mới gặp nhau, ở một quán nước bên lề
đường, hỏi nhau ba bốn chuyện vớ vẩn, quê nhà xứ người thế thôi, rồi chia tay mỗi
người mỗi ngả, chẳng màng hẹn lần khác, không ai buồn thắc mắc vì sao. Cứ như vậy
bỏ mặc cho ngày tháng đi về, lạnh lùng, chết lặng trong cô đơn giữa những cơn
mưa cái nắng buồn vui bất chợt của trời Sài Gòn.
*
Vài
hôm trước ngày thi cuối năm thứ hai, nghe tin người quen nhắn xuống, mẹ anh
bị bệnh gì đó mấy ngày qua nhưng không sao, Hiệp nóng lòng nên bỏ học, ra ngã
tư Bảy Hiền đón chuyến xe đò sớm đầu ngày về Gò Dầu. Đường vắng tanh, trời mù mờ
sương sáng, không may, xe cán phải cái mô có gài mìn chặn ngang đường, ở khúc vừa
qua Suối Cụt, do đám quân du lích Việt cộng đấp trong đêm nổ tung. Hiệp, anh lơ
xe và ba bốn người khác chết, mười mấy
người bị thương nặng nhẹ, nằm la liệt bên lề đường, dưới bờ ruộng. Mấy xe cứu thương của lính sư đoàn 25 từ Củ
Chi lên phụ đem người về bệnh xá quận, cũng cái xe lam 550 đưa ngoại đi chôn của
chú tư Vững, một lần nữa chở xác Hiệp về cù lao Đông.
Mận tốt nghiệp, về dạy tại một trường tiểu
học trên quận lỵ Chơn Thành, Bình Long, Quỳnh Hương ở lại học năm cuối, cũng
thêm một lần chia tay. Hai người bên nhau suốt buổi chiều ngày chọn nhiệm sở,
lòng vòng loanh quanh đường xưa phố cũ, hẹn nhớ thư cho nhau biết tin, chúc
nhau nhiều may hơn rũi. Ba bốn tuần sau ngày Hiệp mất, mẹ Quỳnh Hương xuống Sài
Gòn đặt mua sách học, tập vở cho biết tin, vài hôm trước đây, một chị bạn dạy ở
trường tiểu học quận, thường tới nhà chơi, cũng có nhiều lần gặp mẹ Hiệp lúc
còn làm ở đó, trên đường từ trường về nghỉ trưa, ghé tạt ngang qua tiệm báo
tin, Hiệp đã chết vì chuyến xe đò từ Sài gòn về Gò Dầu bị trúng mìn. Quỳnh
Hương rụng rời, kềm lòng không được, thẩn thờ như người mất hồn, khóc rấm rứt
luôn tới mấy ngày. Sáng thứ bảy nghỉ học, Quỳnh Hương ra bưu điện chính thật sớm,
gởi điện tín khẩn cho Mận qua địa chỉ của trường cô ta dạy báo tin, hẹn về Sài
Gòn để hai người đi Gò Dầu cùng ngày thăm mộ. Xong việc, trở ra đường, trời vừa
có chút nắng lúng túng xuyên màn sương tan mờ mờ, Quỳnh Hương băng vội qua trước
sân nhà thờ Đức Bà, chưa có người đi lễ sớm và cũng chưa có tiếng chuông, đứng
chết lặng trước tượng Chúa, lâm râm, rưng rưng khóc.
Gọi là khẩn cho vui chứ tình hình chiến trận
bây giờ, ở đâu cũng vậy chuyện không tới tay người nhận sớm là chuyện quen rồi,
biết vậy nhưng Quỳnh Hương cứ trông trông ngóng ngóng. Buổi sáng sau ngày gởi
điện tín mấy hôm, vào tới sân trường, đám bạn cùng lớp tụm năm tụm ba ngay đầu
hành lang chờ, nhỏ to có vẻ là lạ, nhìn quanh không riêng gì họ mà hình như cả
trường, mặt mày ai nấy buồn xo, vì tin Mận chết do một chị khóa trước, cháu bà
con của cô Hoàng giám thị, đang dạy cùng trường, nhờ một người quen, sĩ quan bên
chi khu, theo nhóm lính đi phép về Sài Gòn nhắn lại, vì khi còn ở trường, Mận
được xem là học trò cưng của cô. Nghe tin Quỳnh Hương đứng chết trân, buột miệng
“trời ơi”, nhạt nhòa nước mắt. Nhận
được điện tín của Quỳnh Hương, từ văn phòng trường trở lại, Mận khóc òa lên
ngay cửa lớp. Khi đọc chưa hết lời nhắn, đám học trò lớp nhì đang đứng im phăng
phắc, bỗng hớt hơ hớt hãi gọi to “cô ơi cô ơi.” Mận quỵ xuống sàn nhà, bất động, trên tay bức điện tín mở toang, lật lên lật xuống
theo chiều gió sáng từ hướng rừng lùa về mang chút bụi đỏ ngang qua sân trường.
Ngồi chờ sáng, để mai sớm đón chuyến xe đò Bửu Hiệp về Sài Gòn, đêm cứ dài và
dài vô tận, sau ngày Lộc Ninh mất, tiếng đạn đại pháo bên này bên kia nghe rồi
cũng quen tai, quá giữa khuya, quân cộng sản pháo kích như mưa, rớt nổ nhiều chỗ
trong quận lỵ, Mận chết vì căn nhà không may bị trúng đạn, nằm cong người bên cạnh
cái túi xách nhỏ, đựng vài ba bộ áo quần, mấy thứ lặt vặt thường xài và cái điện
tín xếp vội hờ chưa đóng kín. Nhờ thiếu tá Tường, Quận Trưởng dàn xếp sao đó với
tỉnh, xác Mận được chở theo trên chiếc phi cơ vận tải đưa thương binh VNCH về tổng
y viện Cộng Hòa chiều ngày hôm sau.
*
Quỳnh Hương ngồi đó, môt mình, sụt sùi,
cúi người cố choàng dài tay ra ôm nhưng không trọn hai tấm mộ bia đá cùng màu, khắc
cùng một kiểu chữ, chừng như muốn kéo nó sát lại bên nhau. Trời giữa trưa hừng
hực nắng, thản nhiên trải thảm trên mặt đất khô cằn của cái gò mả nghèo nàn cuối
xóm cù lao Đông, trong hình, cả hai Hiệp Mận cùng cười. Quỳnh Hương nhìn đăm
đăm cười mà cười trong ràng rụa nước mắt, khóc không thành tiếng “nói gì bây giờ đây anh Hiệp ơi, Mận ơi”. Lưa thưa đâu đó, lẻ loi dăm ba cụm mây xám chùng xuống, trời chợt mù mờ hơi
mưa, nán ngồi thêm chút nữa, cũng không còn gì để nói cho nhau, cũng không làm
sao kể cho hết tâm tư thầm kín, giữ trọn cho riêng mình, riêng người, tất cả chỉ
còn lại đó, hai nấm mộ một u tình, Quỳnh Hương đứng lên, sửa lại mấy bó hoa
tươi, mang từ dưới Gò Dầu lên trước ba nấm mộ. Ngoài sông chiếc xuồng ba lá ọp ẹp
thả câu, lặng lờ xuôi theo chiều nước về ngang, người đàn bà nhích cái nón lá
rách trên đầu lên nhìn vào, không ngừng tay chèo, lắc đầu, miệng thì thầm, một
lần nữa rươm rướm mắt, đưa tay vuốt mấy tấm bia đá vừa dịu cơn nắng, buồn thiu
nói nhỏ “thôi tạm biệt, có lẻ phải lâu lắm
mình mới lại gặp nhau, không chắc là ở đây, nếu có, sẽ ở một chốn nào đó”.
Lạnh
lùng, cánh cổng sắt của tu viện Dòng Mến Thánh Giá chầm chậm khép lại. Trời
Đà Lạt mấy hôm nay lạnh gắt dù mới chập chững vào đông, trong sân sương mù mờ, phủ
một màu vàng nhạt cùng màu con đường lát gạch dài dọc theo hành lang, người Mẹ
Bề Trên đứng đón trước cửa chánh tòa, Quỳnh Hương lặng lẽ đi theo sau một dì
phước trẻ vào tới trước mặt bà, bỏ cái va-li xuống đất, hai người đứng chờ. Mẹ
Bề Trên gật đầu cười, đưa tay choàng ôm cô vào người nói nho nhỏ gì đó, cô khẻ
gật đầu, bà chậm rãi quay lại đi vào trước, cô và người dì phước trẻ nhẹ bước theo
sau. Ngoài khoảng sân rộng cả một trời vắng
tanh, sương lảng đảng đục, cuối đường bóng ba người ẩn hiện lờ mờ rồi mất hút sau
cái cửa kín lớn của gian nhà nguyện. Không bao lâu sau có giọng con gái kéo dài
thật dài hai tiếng “Lạy Chúa” thoáng
ra, chuông thánh lễ sáng vừa đổ hồi đầu, có chút trễ hơn như mọi ngày.
Thuyên Huy
Bendigo tháng sáu đầu đông 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét