Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 30 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                      Chữ Nghĩa Làng Văn 30

                                           Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Chữ Việt cổ


Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Tang: dâu

(Nợ tang bồng quyết trả cho xong – Nguyễn Công Trứ)


(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Khâm Thiên 

Ở Hà Nội có một đường phố mang tên Khâm Thiên, một thời là nơi chốn hát ả đào, cô đầuTản Đà, Trần Tế Xương thường lui tới để vào văn học sử. 

 

Thế nhưng dưới thời Hậu Lê, đó là địa điểm để cơ quan Khâm Thiên Giám các quan văn xem thiên văn cho nhà nông cầy cấy.



To vo

To vo : chơ vơ, không nơi nương tựa

(gặp thời bạt đãng to vo một mình)

(Tự Điển Tiếng Việt Cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo  thời nhà Đinh 

Trong lịch sử một ngàn năm Bắc Thuộc, dân Việt không có đồng tiền riêng. Mãi đến sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dân Việt vẫn còn dùng đến đồng tiền của phương Bắc. 


Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, niên hiệu Thái Bình

Năm 970 nhà vua đã cho đúc những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Đây chính là những đồng tiền đầu tiên của người Việt chứ không phải tiến giấy, tiền kẽm thời Hồ Quý Ly.

(Nguồn: Đồng tiền thời xưa – Khuyết danh)



Chữ nghĩa thời xưa

Chiếu = lời vua ban cho thần dân. 
Biểu = bài văn của thần dân dâng lên vua để bầy tỏ điều gì. 
Sớ = tờ điều trần dâng lên vua.



Bút danh, nghệ danh

Có người trái lại chọn hình thức chơi chữ, như trường hợp Vũ Trọng Phụng lấy bút danh Ưng Sắc bởi “Ưng” bỏ thêm dấu sắc thành Ứng là tên của mình. Nguyễn Thứ Lễ chọn bút danh Lê Ta, bởi chữ Hán “Ta” có nghĩa là Ngã mà Lê thêm dấu ngã tức Lễ. 

Dương Hùng Cường mượn ba âm đầu của họ, tên đệm và tên chính làm âm đầu của bút danh Húc Càn. Chữ Hán “Dương” có nghĩa là Dê, thật đồng âm, đồng nghĩa với họ


Đôi khi họ xáo trộn các chữ trong tên biến thành bút danh, nghệ danh. Nguyễn Tuân và Nguyễn Bính đảo lộn họ tên, trên xuống dưới lên và xóa bỏ hết dấu biến thành Ân Ngũ Tuyên và Biến Ngũ Nhy. Trái lại Trần Khánh Giư bỏ họ, đảo lộn tên đệm và tên chính thành Khái Hưng. Lê Văn Bái thay đổi vị trí các chữ cái của họ và tên chính, bỏ dấu, viết liền và thêm một chữ Pháp vào phía trước thành J. Leiba, nghe ra vẻ tên Pháp. 

(Chuyện phiếm về bút danh, nghệ danh – Nhật Thịnh)



Phong Hóa và Ngày Nay đình bản

Trở lại tòa báo Phong Hóa, mọi việc không được xuôi chèo mát mái như mong muốn. Ngày 31/05/1935 báo Phong Hóa đã bị Thống sứ Bắc Kỳ đình bản ba tháng. Và hơn một năm sau, sau số 190, ngày 5/6/1936, Phong Hóa bị rút giấy phép, đóng cửa hẳn.


Đoán biết sẽ có ngày Phong Hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, do Nguyễn Tường Cẩm, anh của ông, một công chức, đứng tên. Đó là tờ báo Ngày Nay hiền lành, chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương. Báo Ngày Nay số 1 phát hành ngày 31/01/1935. Phong Hóa bị đóng cửa, toàn thể ban biên tập quay ra làm việc cho Ngày Nay mới phong độ của Phong Hóa cũ. 

Báo ra tất cả được 224 số, không còn Ngày Nay, Tự Lực Văn Đoàn chỉ còn nhà in, nhà xuất bản Đời Nay, tiếp tục in sách, thơ, tiểu thuyết… Một vài cố gắng của Thạch Lam và Khái Hưng ra báo Chủ Nhật, rồi cũng sớm bị rút giấy phép. 

Nhất Linh thoát ra hải ngoại. Năm 1942, Thạch Lam mất vì bệnh lao. Hoàng Đạo, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, mấy tháng sau bị đưa lên Vụ Bản Hòa Bình, 1941-1943. Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị tra tấn tàn nhẫn. Sau đó, Pháp đưa Nguyễn Gia Trí đi an trí ở Thủ Dầu Một. Hoàng Đạo an trí ở Hà Nội.

Năm 1945, một số thành viên cũ như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ. Thanh Tịnh, Nguyễn Tường Bách… tụ tập lại, cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, được 16 số thì đình bản, ngày 18/ 8/ 1945, hiện nay không tìm thấy, chúng ta tạm coi như Ngày Nay số 224, là số cuối của Tự Lực Văn Đoàn.

1946 văn đoàn Tự Lực sau 12 năm, tự giải tán.


Nhìn kho tàng văn học vô cùng đồ sộ của các vị tiền nhân nằm yên trong tủ sách bao nhiêu năm nay, nhiều người trong chúng tôi đã có ước mơ: “Làm một điều gì đó”.

(Phạm Thảo Nguyên - Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi… ”quởn”


Nem chua nướng ngõ Ấu Triệu

(Nguồn: Tôi đi đâu)



142 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Hai "nhân vật" chủ chốt của biếm hoạ Việt Nam chính cũng được sinh ra trên các trang báo Phong Hoá  và từ đó đi vào văn học, vào đời sống thường ngày của người Việt : Lý Toét và Xã Xệ. Nhất Linh, dưới tên hoạ sĩ Đông Sơn, chính là cha đẻ của Lý Toét. 


Họa sĩ Đông Sơn vẽ ra Lý Toét vào đầu thập niên 1930, và tờ báo đầu tiên đăng tranh Lý Toét, là Phong Hóa. 

Tìm đọc lại báo Ngày Nay Xuân 1940, cũ, mới biết Nhất Linh có giải thích rõ ràng chi tiết về lý lịch của cụ, trong bài viết “Lịch sử Lý Toét…”, Báo Xuân Ngày Nay 1940, tóm tắt như sau: Tên Lý Toét ra đời trước, rồi hình người Lý Toét mới ra đời sau.


Năm 1930, trong báo Tứ Dân, người đẻ ra “tên-Lý Toét” lại là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, từ “đẻ ra” sáng tác bởi Nhất Linh. Họa sĩ Đông Sơn (Nhất Linh) và bà Phụ Nữ Thời Đàm đẻ ra “hình-Lý Toét” sau. Sự tích là: Nhất Linh một hôm đang xem báo Phụ Nữ, vẽ nghịch một ngườì nhà quê, thấy hay hay nên xé ra vứt vào ô kéo, chưa biết để làm gì. “Quý vị ơi! Nhìn hình dưới đây đi! Nó đấy, chính nó đấy, mảnh giấy nhật trình có chân dung “thủy tổ” của tất cả các Lý Toét sau này đấy!”. Đúng là không có bà Phụ Nữ Thời Đàm thì không có Lý Toét, Nhất Linh nói chí lý thật! Trên bức hình đó Lý Toét trẻ hơn sau này nhiều, đã được mặc áo dài khăn đóng, như mọi cụ già thời đó. Lại có đủ cả râu ria, búi tóc, xách thêm đôi dép da Gia Định, cắp cái ô đen:. Cụ thường xách dép, đi đất. Cái ô cũng ít khi mở ra, cụ để dành đánh chó và đeo lên vai cho oai. 


Chắc các bạn còn nhớ: Bắt đầu từ Phong Hóa số 14, ra ngày 2-9-1932 chủ bút mới là Nguyễn Tường Tam. Ngay trong số 14 này, ta bắt gặp Đông Sơn đưa hình cụ (chưa có tên) về Hà Nội trên một chuyến xe đò đông như nêm cối. 


Các bạn có nhìn thấy cụ ngồi trên mui xe ngay trên đầu tài xế đó không? Họa sĩ Đông Sơn thật hóm, giấu kỹ chẳng cho ai biết gì cả! Tuy nhiên, rất có thể chính ông cũng không biết là mình đã cho cụ về thành hôm đó, trên chiếc xe đò đó! 


(Đi tìm gốc gác Lý Toét, Xã Xệ - Phạm Thảo Nguyên)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng quan chức là rồng
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì

(Bùi Giáng)



Đã có một thời…

Vài nét về Hoàng Anh Tuấn (1932-2006)


Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7-5-1932 tại Hà-nội. Ngoài làm thơ, viết văn, viết kịch, ông còn là đạo diễn điện ảnh
- 1949 Đi Pháp du học 
- 1958 Về Việt Nam, cộng tác với các tạp chí văn nghệ, cùng nhiều tuần báo và nhật báo ở Sàigòn
- 1965 Quản đốc đài phát thanh Đàlạt
- 1975 Tù cải tạo về tội phản động
- 1981 Qua Mỹ. sống ở San Jose, California 
- Từ trần 7:30 sáng (giờ Cali) ngày thứ  sáu, mồng 1 thang 9 năm 2006 tức ngày 9 tháng bảy năm Bính Tuất, Thọ 75 tuổi.

(Văn Quang)

 


Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Ngón tay thon thỏn búp măng
Tánh tình khoan nhã, thơ văn đủ mùi



Đã có một thời…

Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn

Năm 2006, khi ông từ Pháp trở về VN, tôi đến thăm ông vài lần. Những ngày sau cùng, ông sống trên căn lầu nhỏ, hệt như cái chuồng chim. Chiều ngang 2m chiều dài gần 3m, nhưng có được cái máy lạnh. Khách đến chơi, không được quá 3 người. Chỗ đâu mà ngồi. Cũng chẳng có chỗ treo tranh như nhà nhiều hoạ sĩ khác. Trong phòng ông chỉ đủ chỗ treo một hai bức mới nhất. Mỗi khi cần giới thiệu một bức tranh nào, ông phải nhờ một người con mang từ một nơi nào đó trong nhà vào phòng.


Chính ở nơi này ông đã sáng tác 13 bức tranh trong triển lãm tháng 12 năm 2006, tôi tường trình với bạn đọc trong bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn” năm 2006. Không ngờ đó lại là lần triển lãm cuối cùng của Thái Tuấn và sau đó vài ngày là bữa cơm thân mật của anh em chúng tôi, cũng lại là bữa ăn với nhau cuối cùng ở nhà hàng Cơm Niêu. Thái Tuấn mang theo một chai rượu vang, đúng… kiểu Tây. Bữa đó có cả cụ Mạnh Đan, vợ chồng Đằng

Giao, Nguyễn Thuỵ Long.



(Văn Quang)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Yêu nhau chỉ ngại đuờng xa

Đi bộ mòn dép, đi xe tốn dầu.



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Quang Dũng: Con ngựa Ô Chùy

Trời xuôi đất khiến làm sao mà sau vụ đấu tố Nhân Vân Giai Phẩm tôi bị đưa về làm ở tòa soạn báo Văn Nghệ, số 54 Trần Hưng Đạo cùng chung với Quang Dũng.

Tôi không biết Quang Dũng sanh năm nào nhưng đoán chừng anh lớn hơn tôi 9-10 tuổi. Anh ta lớn lắm. Không biết tả thế nào cho đúng, thôi thì cứ nói thế này, nếu đi mậu dịch xếp hàng mua đồ mà tôi đứng sau lưng anh thì cô không thế nào trông thấy tôi. 

Hoặc hình tượng hóa cho linh dụng hơn thì cứ trông anh cởi chiếc xe đạp Trung quốc chạy ngoài đường thì rõ. Xe đạp Trung quốc to hơn xe đạp Pháp và nặng hơn bất cứ loại xe đạp nào có bán ở Hà Nội. Đặc biệt chỉ sơn đen, vè sắt, vành sắt, bánh xe Pháp 650, Đông Đức 700, còn xe Trung quốc chắc là 750. Ai mà rủi ro bắt được phiếu mua xe Trung quốc thì khóc ròng, nếu ở gác 3 mỗi ngày phải vác lên cõng xuống vài lần thì mất sức khoẻ lắm. Bọn tôi thường gọi đó là con ngựa Ô Chùy, nhưng Quang Dũng cởi nó chạy bòn bon như người lớn cởi xe con nít vậy.


Quang Dũng thường mặc đồ nâu sậm, nâu nhạt, không thấy anh mặc áo trắng hoặc màu gì khác. Có lễ để đỡ tốn xà bông chăng? Xà bông ở Hà Nợi phải mua phiếu chớ không dễ. Anh mang dép râu chớ không mang giày. Anh còn có thói quen mang một sắc cốt bằng vải kaki bên hông như mấy ông đại cán. Anh đội một chiếc nón lá kè độc nhất, cũ nhưng không rách. Vật dụng của anh dù cũ kỷ nhưng rất tươm tất, gọn gàng không xập xệ.

(Xuân Vũ)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Ăn trông nồi, ngồi trông đứa bên cạnh.

 


Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Quang Dũng: Viết 

Tôi biết anh là người có nghề nên tìm cách học cũng như tôi học Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng. Quang Dũng bảo: "Cái sự viết ấy mà! Cậu cứ viết thì thành nghề. Chớ không có ai dạy ai được. Bởi vì tim ai nấy run, đầu ai nấy nghĩ"  (Sau này tôi đọc Thạch Lam thấy cũng nói gần như vậy: Nghệ sĩ là thiên phú, không học mà cũng không dạy được).


Nhưng thỉnh thoảng Quang Dũng vẫn kêu tôi ra chỗ vắng hoặc ngoài đường, bảo cho tôi những chỗ "được" của anh này, chị nọ hoặc chính của tôi. Hồi đó tôi biết quái gì đâu, kêu vô hội Nhà Văn thì vô, ham viết thì viết, có biết giàn dựng cái giống gì. Nhưng nhờ học mỗi người một chữ, mỗi ngươi chỉ cho một chút mà viết.

(Xuân Vũ)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ước gì anh hóa thành gà
Ngày ngày đạp mái các nhà xung quanh



Chuyện bây giờ mới kể

Xe đỗ lại trong một cái sân rộng.

“Theo chân họ, tôi (Hồ Dzếnh) bước vào một căn phòng trống huếch trống hoác, ở tường hậu có một cái bàn giấy. Lấy thêm ghế, phân ngôi chủ khách. Chuyện trên trời dưới đất. 

Sau hết, mới vào đề:

- Anh nhất định không chịu ?

- Tại sao tôi lại phải đi?

- Người Hoa đi cả, anh ở lại làm gì?

- Nhà tôi ở đây, vợ con tôi ở đây, đi đâu? Việc gì tôi phải đi?.


Họ nhìn nhau, cười. Cứ như họ nghe một câu trả lời ngớ ngẩn của người điên. Tôi bặm môi lại, không nói thêm câu nào nữa. Nói làm gì? Có nói họ cũng chẳng hiểu.

Rồi họ đứng lên, ra hiệu cho tôi đi theo”.

- Họ đưa anh đi đâu?

“Qua một cửa lớn làm bằng nhiều song sắt. Rồi một cửa nhỏ, cũng bằng song sắt. Nó dẫn vào một hành lang mờ mờ tối”

Tôi thảng thốt:

- Đó là khu xà lim1. Tôi từng ở đấy. Họ giam anh?

Hồ Dzếnh trầm ngâm. Rồi cười buồn:

“Lúc ấy tôi cũng nghĩ thế – mình sẽ bị giam ở đây. Nhưng không, họ không giam tôi.

Một anh có vẻ là cấp trên trong hai người mở nắp cái ô nhỏ bên trên cánh cửa, rồi ra hiệu cho tôi nhòm theo. Cái lỗ quan sát ấy.  Nhòm vào, tôi giật bắn mình – bên trong là một cái xác trần truồng, gày đét. Nghe động, cái xác hé mắt. Hoá ra là một người sống. Tất nhiên, anh ta không nhìn thấy tôi, cái lỗ ấy chỉ cho anh ta thấy hai con mắt. May, không phải một người quen. Tiếp theo, họ mở thêm vài cái ô như thế nữa, vẫy tôi lại, nhưng tôi lắc”

– Rồi sao?


“Họ đưa tôi về nhà, cũng trên chiếc command-car ấy. Trên xe, không ai nói với ai câu nào. Chỉ khi mở cửa xe cho tôi xuống, người công an cấp trên mới đặt tay lên vai tôi: “Anh thấy rồi đấy – anh muốn về Tàu hay muốn ở lại trong cái chỗ anh vừa thấy?”


Câu chuyện Hồ Dzếnh kể làm tôi bàng hoàng.

Lại thêm một cái không thể ngờ có thể xảy ra trong cuộc cách mạng mà tôi đi theo từ thuở thiếu thời. Những người mà tôi từng gọi là đồng chí bên trong cái vỏ bọc cách mạng đã hành xử tàn nhẫn đến thế đấy, với một nhà văn không hề chống lại họ.

(Vũ Thư Hiên)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Chẳng cần biết ngày mai ra sao

Mà dù có ra sao cũng chẳng sao.



Chữ nghĩa làng văn

Đột nhiên Hoàng Huế hỏi, nghe nói bà vợ thứ hai của anh (Hữu Loan) là “vợ nhặt” phải không? Tôi (Xuân Đài) liếc nhìn Hoàng Huế mắng, hỏi gì mà cắc cớ thế! Hữu Loan lại cười đôn hậu, không sao Đài ơi, Hoàng Huế dùng từ “vợ nhặt” là đúng đấy. Dạo đó đang cải cách ruộng đất, gia đình cô ấy là địa chủ, bố cô lĩnh án tử hình, cô bị đuổi ra khỏi nhà sống lang thang, mót khoai mót sắn ăn, đêm về ngủ bờ ngủ bụi. Làng cô gần làng tớ. Lần đi phép năm đó, 1955, tớ gặp cô, hỏi han dăm ba câu chuyện, rồi dắt cô về nhà, cô trở thành vợ tớ từ đó. 


Hồn nhiên vậy thôi. Bây giờ đi ăn cái đã, tớ bao cả hai thằng bằng tiền nhuận bút vừa lĩnh được. Các cậu muốn biết mối tình cay đắng thứ hai này, bữa khác, thông thả tớ kể chi tiết cho nghe, bây giờ chỉ nói với các cậu một câu ngắn gọn: bà ấy đã sinh ra cho tớ một bầy con, học hành đến nơi đến chốn, lần này tớ vào đây, ngoài việc thăm Sài Gòn, thăm bạn và thăm con…


(Một lần gặp nhà thơ Hữu Loan – Xuân Đài)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Trán cao, miệng rộng, mũi dài
Có khoa ăn nói, ít ai sánh bằng



Về khúc Tống biệt
Tống biệt là một bài "Từ" nổi tiếng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông được xem như một trong những người mở đường cho Thơ Mới sớm nhất.


Tống Biệt được trích trong vở chèo Thiên Thai do ông sáng tác năm 1922. Nội dung vở diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần & Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân Tết Đoan Ngọ (nhằm ngày 5 tháng 5 Âm lịch), vào núi Thiên Thai (nay là tỉnh Triết Giang) hái thuốc, rồi bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng, sống hạnh phúc được nửa năm, thì cả hai nhớ nhà, muốn về thăm. Các nàng ngăn cản không được 2 chàng, vì biết ra đi là lạc lối về. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, hỏi ra thì mới biết đã xa nhà đến 7 đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì đã không còn thấy tiên cảnh đâu nữa...

Kể từ đấy, họ đi vào núi rồi mất biệt...



Văn học cổ - 1

Các nhà nghiên cứu văn học xếp văn học cổ Việt Nam thành ba loại: văn chương bác học, văn chương vừa bác học vừa bình dânvăn chương bình dân. 

Văn chương bác học là loại văn chương viết bằng chữ Hán, dành cho những người có học. Văn chương vừa bác học vừa bình dân là loại văn chương viết bằng chữ nôm, một thứ chữ dùng chữ Hán ghép lại nhưng phát âm tiếng Việt nên khi đọc lên người bình dân cũng có thể hiểu được sơ sơ. Văn chương bình dân là loại văn chương phát xuất từ giới bình dân, đó là những câu ca dao, tục ngữ và truyện cổ.


Văn chương bác học do những nhà Nho sáng tác dành cho những người giỏi Hán văn, ít ra cũng phải qua “thập niên đăng hỏa” hoặc những người đã đỗ đạt. Chẳng hạn như Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn... và những bài thơ chữ Hán của các nhà Nho. 

(Văn học cổ VN – Tạ Quang Khôi)



Ghép chữ Nôm

Tiếng Việt có nhiều cách ghép chữ như:
Ghép chữ Nho: Phần lớn các chữ ghép của ta do hai chữ Nho ghép lại thường được gọi là tiếng Hán-Việt ta dùng quen thành tiếng Việt thông-dụng... Tài tình nhất là những chữ kép hoàn-toàn ghép bằng hai tiếng Nôm (tiếng Việt thuần-túy). 


Lối này có nhiều cách như:
Ghép hai chữ mà đứng riêng ra thì không có nghĩa: bâng-khuâng, sỗ-sàng, sặc-sụa, sững-sờ, tầm-tã, thỉnh-thoảng, xập-xệ...


Ghép một chữ có nghĩa vào một chữ phụ để làm mạnh ý: bực tức, cực khổ, cứng rắn, ồn-ào, tan-tác, thương yêu, xấu hổ, yếu hèn... 

Ghép một chữ vào một chữ khác để làm nhẹ bớt ý: cồm cộm, cong cong, khen khét, mằn mặn, nhè nhẹ, trăng trắng...


Văn học cổ - 2

Văn chương vừa bác học vừa bình dân là loại văn chương viết bằng chữ Nôm, một thứ chữ còn khó hơn chữ Hán, vì muốn đọc được, phải thông thạo Hán Văn trước đã. Vì thế, loại văn chương này cũng do các nhà Nho khoa bảng sáng tác. Người ta thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Bích Câu Kỳ Ngộ của Vũ Quốc Trân, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Loại văn chương này người bình dân không đọc được, nhưng nghe thì hiểu đại khái vì lời văn có nhiều điển cố.


Văn chương bình dân là loại văn chương truyền miệng của giới bình dân, như ca dao, tục ngữ, truyện cổ. Sau này văn chương bình dân mới được ghi chép lên giấy tờ, sách vở

Văn chương bình dân là loại văn chương không chịu ảnh hưởng của Hán Học nên không có nhiều dấu vết vay mượn như hai loại văn chương bác học và vừa bác học vừa bình dân.

(Văn học cổ VN – Tạ Quang Khôi)



Sài Gòn xóm - 1

Đừng quên phía sau Sài Gòn phố còn là Sài Gòn xóm. Những con xóm một thời ẩn chứa nhiều cổ tích, là một phần không thể thiếu trong ký ức và đời sống của đô thị. 

 

Sài Gòn xóm bắt đầu từ thế kỷ 19, lúc thành Gia Định có khoảng 40 làng, tụ hội dọc bờ sông, bờ rạch, xen kẽ với chợ búa. Người Pháp đến, họ phóng đường mở phố. Tuy nhiên, phía sau những dãy nhà mặt tiền to lớn vẫn còn nhiều vườn tược, bãi đất, ao hồ, mương rạch. Từ đó, dần dần ra đời những con hẻm, những ngõ ngách, những xóm nhà ẩn khuất xung quanh…

 

Những cái tên dấu ấn làng quê 
Sài Gòn xóm có tên riêng tùy nơi: Chợ Đũi, Xóm Gà, xóm Bàn Cờ, Xóm Đất, Cây Da Xà, Cống Bà Xếp, Lò Vôi... Những cái tên mang đầy dấu ấn làng quê trước lúc chuyển sang phố thị. 

(Phúc Tiến)

 


Xóm Gà

Vùng Sài Gòn -Gia Định có nhiều địa danh rất đơn giản, biều lộ tính mộc mạc, tả chân, có gì thì nói đó của dân Nam, rải rác khắp nơi như Xóm Củi, Xóm Chiếu, Xóm Lò Gốm, Xóm Thơm, Xóm Lò Vôi, nhưng hiếm có một xóm có tên của động vật: Xóm… Gà.


Xóm Gà, ngày xưa  thuộc Bình Hòa Xã, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, là xã tiếp cận với quận 1 Sài Gòn chỉ cách nhau qua cầu Bông (trên đường Lê Văn Duyệt bây giờ là Đinh Tiên Hoàng) và cầu Sắt trên đường Bùi Hữu Nghĩa xưa chỉ dành cho tuyến xe lửa). Xưa có ba ga xe lửa nằm trên đường Lê Quang Định (Bình Hòa, Xóm Gà, và Đông Nhì) trên tuyến đường  Gò Vấp ra đến Sài Gòn. Tôi nhớ mang máng thấy đường rầy xe lửa và ga nữa. 

(Y Nguyên-Mai Trần)

 

Sài Gòn xóm - 2

Tôi sinh ra và lớn lên ở xóm Bàn Cờ, khu vực đóng khung giữa các đường Lê Văn Duyệt, Hồng Thập Tự và Lý Thái Tổ, Phan Thanh Giản. Bàn Cờ ngày càng đông đúc, nhà dân, chợ búa mọc lên tấp nập. Thế nhưng, 50 năm trước, xem bản đồ Sài Gòn xưa, ta có thể ngạc nhiên thấy cả khu vực này đều chưa có tên. Tìm hiểu qua sách báo và cư dân lâu năm, mới biết cuối năm 1950, Bàn Cờ là “trại tạm cư”. 

Dân “chạy loạntừ quê lên, được chia ô cắm dùi làm lều. Cứ thế, trên đất trống hình thành những con hẻm đường đất, chạy chi chít nhưng vuông vắn như... Bàn Cờ. 

“Làng quê” ven phố 
Xóm Bàn Cờ xa xưa giống như những con xóm khác của Sài Gòn, không những là nhà nghèo mà còn là “nhà quê”, bởi chính khung cảnh đậm đặc “thôn làng” giữa phố! Nhiều xóm nhà ngày ấy rất đúng nghĩa là “xóm nhà lá”, vì phần lớn đều là những căn nhà có mái và vách ngăn làm bằng lá dừa nước phơi khô. “Sang” hơn thì nhà vách ván, vách tôn. “Sang” nhất trong xóm là những ngôi nhà đóng bằngcây(gỗ), dẫu chỉ là gỗ tạp, còn gọi lànhà cây”. Đó thường là nhà hai tầng, khung và các cửa đều bằng gỗ, sơn phết màu xanh da trời hay màu xanh đọt chuối, rất hiền hòa. 

 

Thuở ấy, đèn néon chưa phổ biến, nhà nào khá lắm cũng chỉ có bóng đèn vàng. Đường hẻm chưa có đèn công cộng. Tối đến, khung cảnh các xóm càng trông giống làng quê với những ánh đèn vàng tĩnh mịch. Những con hẻm đường đất vẫn còn nhiều cây xanh là ngôi vườn, là sân chơi chung cho con nít chúng tôi. Dưới những tàng cây thanh bình, trẻ em trong xóm chơi đánh đáo, bắn bi, ô ăn quan, nhảy cầu, nhảy dây, tạt lon... 


(Phúc Tiến)

 


Thành ngữ tục ngữ  

Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò
Đây là thành ngữ chỉ nghề làm gốm sứ. Muốn có sản phẩm tốt phải chú ý ba yếu tố : xương, da, dạc lò. Xương là chất đất để nặn ra sản phẩm, da là chất men dùng tráng mặt ngoài của sản phẩm, dạc lò là độ nóng của lửa nung. Cũng có người giải thích dạc lò là hình dáng lò nung. Lò nung phải xây đúng cách để khi nung, độ nóng tỏa đều khắp thì sản phẩm mới đẹp.

 


Phố Thi Sách

Đi trên đại lộ Hai Bà Trưng tôi bỗng sực nhớ lại một điều rồi tủi thân cho bọn đàn ông. Là hễ đờn ông được danh vọng thì đàn bà cũng thơm lây, nhưng khi đàn bà nổi danh thì tên tuổi đàn ông chìm sâu. Đành rằng ông Thi Sách chỉ có công nhỏ đối với nước nhà là bị viên Thái Thú Tàu giết, nhưng quên mất ông ấy cũng tội.


Vậy nên tôi đã đi khắp Sàigòn để tìm xem có con phố nào là phố Thi Sách không? Có. Hoan hô quí vị đặt tên đường đã nhớ dai. Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhânhương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.

(Phố của thành phố: Nhân Loại – 1957 Bình Nguyên Lộc)

 


Sài Gòn một chút quán xá

Hủ tíu Thanh Xuân, hủ tíu Gà Cá

Các tiệm hủ tíu nổi tiếng Sài Gòn phải kể đến hủ tíu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp (gần chùa Chà Và), hủ tíu Phạm Thị Trước ở đường Lê Lợi (khúc gần Pasteur), hủ tíu Gà Cá ở đường Hàm Nghi gần khu Ngân Hàng Quốc Gia và hủ tíu Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực…

Có người đến hủ tíu Phạm Thị Trước gọi thêm bánh pâté chaud ăn kèm, cũng giống như hủ tíu Gà Cá.  Tuy nhiên, mỗi tiệm hủ tíu đều có hương vị riêng khiến một khi khách đã “kết” thì khó đi ăn nơi khác.  Hủ tíu Sài Gòn sáng nào cũng đông người đến thưởng thức, không cần đợi đến những ngày cuối tuần.

 

Thường hủ tíu bánh mềm, riêng hủ tíu Thanh Xuân hay Mỹ Tho thì thêm bánh dai, nấu khô hay nước, tùy theo ý thích của khách. Chỉ nhìn đĩa rau dọn lên trước cũng thấy bắt mắt: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô, vài cọng xà lách. Thêm vào đó, mùi nước lèo xông lên như đập vào khứu giác thực khách làm bụng cứ gào thét…

Hủ tíu Thanh Xuân thì phải có rau tần ô, rau cần tàu, giá sống. Hủ tíu Phạm Thị Trước hay Thanh Thế không có rau tần ô. 

 

Riêng hủ tíu Gà Cá thì chỉ có giá sống. Tuy nhiên, các thứ hủ tíu nếu thiếu vài miếng tóp mỡ cải bắc thảo thì hình như thiếu mất cái gì đó. Nước lèo vừa ngọt của xương, vừa béo của chất tủy từ ống xương, chút mùi của con mực, tôm khô, và củ cải. Những thứ ấy quyện vào nhau thành một thứ nước lèo hấp dẫn. Hủ tíu bình dân có những xe hủ tíu bán dạo. Từ mờ sáng cho đến khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng rao… lòng thấy nao nao!

 

(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)

 


Nói lái trong dân gian

Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè, thơ ca


Bụi riềng trồng ở bờ ao
Chú mộc tồn quấn quít ngày nào cũng xin.

(mộc tồn: cây còn, con cầy)

 


Sài Gòn một chút quán xá

Phở Hòa Pasteur, phở Quyền

Trên đường Pasteur có phở Hòa, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm 1960, tiệm phở này mang tên Hòa Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở các tiệm phở ở Hà Nội thời Nguyễn Tuân. Phở Hòa chỉ chuyên phở bò. 

 

Nói đến phở Sài Gòn tại khu vực trung tâm, phải nói đến tiệm phở 79, ngay tại số nhà 79 trên đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952, tiệm phở 79 mở cửa, khi đó nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường.  Chỉ vài năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân mua hai nhà bên cạnh, mở lớn thành tiệm phở 79 khang trang và có thể nói là một trong những tiệm phở lớn nhất Sài Gòn thời đó.

 

Trường sinh ngữ quân đội có chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Tráng rất gần với phở 79 tại khu vực ngã Sáu Sài Gòn. Ðám giảng viên chúng tôi thường xuyên ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối mỗi khi “ứng chiến” tại trường. Phở tại đây được đánh giá là… “ăn được.” Nếu ai “ăn không được” thì chịu khó đi thêm vài bước ra ngã sáu, nơi đây có đủ các món từ phở, hủ tíu cho đến mì

 

Gần ngã tư Phú Nhuận có phở Quyền trên đường Võ Tánh. Nước phở ở đây rất đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. Phở Quyền còn có cả món “tái sách tương gừng” được xếp vào loại… trứ danh.

 

(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Sex ở Việt Nam thời Hồ - Mạc

Một chiếc đĩa Chu Đậu vẽ hình hai người nam nữ trong một tư thế làm tình thoáng hoạt, dưới một lùm cây; ở góc đĩa có một khuôn mặt của người thứ ba thò ra như xem trộm... Chiếc đĩa này nằm trong lòng một con tàu đắm chỉ chở toàn hàng gốm sứ Chu Đậu. Năm 2002, nó được Công an Quảng Nam thu giữ từ mớ đồ cổ  trên một con thuyền đánh cá trục vớt đồ cổ ở Cù lao Chàm.


Điều này cho phép có thể xác định bước đầu chiếc đĩa đã được chế tạo cách nay 4-6 trăm năm. Nét vẽ vụng về, hình người không cân xứng, trong khi đó bụi tre bên cạnh thì rất đẹp, cho thấy vẽ người không phải là sở trường của người thợ này. Tất cả như một lần vẽ nghịch, vẽ đùa của một người thợ nào đó. Thế nhưng cái tư thế làm tình không cổ điển của hai người, cũng như khuôn mặt thứ ba dòm vào gợi cho người xem một cảm giác về một câu chuyện có thật nào đó, đã xảy ra đâu đó trong làng hay trong lò gốm, người ta bàn tán râm ran mà thành ra chuyện. 


Có thể nói đây là hình tượng người làm tình thứ hai của người Việt kể từ sau các đôi người nằm chồng lên nhau trên nắp thạp đồng Ngọc Lũ (sic). Khoảng cách thời gian giữa hai hình tượng là xấp xỉ 2.000 năm. Thế nhưng, nếu trên nắp thạp đồng Ngọc Lũ (sic) dễ tạo nên cảm thông bởi đó là thời của các nền văn minh cổ đại, thời của các văn hoá, tôn giáo phồn thực, các chuẩn mực xã hội cũng chưa nhiều để có thể xem hành động giao cấu là tội lỗi; thì chiếc đĩa Chu Đậu này gây cho ta cảm giác về một điều gì đó vượt ra ngoài lễ giáo, thực sự vi phạm các chuẩn mực xã hội. 

(Trần Anh Tuấn)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Sex ở Việt Nam thời nhà Hồ 

Có thật vậy không?  Đồ gốm sứ Chu Đậu, tên một làng sản xuất đồ gốm sứ ở Hải Dương, cực thịnh trong vòng 200 năm từ cuối thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16. 

Ở Trung Quốc, nhà Minh lên đã có những thay đổi lớn trong chính sách buôn bán ngoại thương. Tức vào năm thứ 4 đời Hồng Vũ 1371 công bố lệnh cấm người Trung Quốc đi ra nước ngoài bằng đường biển. Các đời vua sau duy trì tiếp trong khoảng 200 năm và cho đến 1567 lệnh này mới được bãi bỏ. Chính thời gian này là điều kiện để đồ gốm sứ Việt Nam thay thế vai trò thống trị của hàng gốm sứ Trung Quốc trước đó. 


Và ở Việt Nam lúc này, từ Lê, Lý, Trần kéo dài hơn 500 năm đã tạo nên một sức phản kháng ngấm ngầm. Những chuẩn mực đạo đức Nho Giáo mới hình thành, chưa ăn sâu bén rễ trong đời sống làng xã thì nhà Hồ với những cuộc cải cách táo bạo như: Không xem Khổng Tử là người thầy của xã hội, không dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh trong thi cử chọn người tài, phát hành tiền giấy, súng đại bác được đúc, đẩy mạnh đội thuyền chiến. Những cải cách của Hồ Quý Ly lúc này trùng khớp với những chuyển mình của Thời Đại Phục Hưng ở Châu Âu. Tiếc thay, thời đại Hồ Quý Ly quá ngắn để có thể hình thành nên một thời đại phục hưng ở Việt Nam. 

(Trần Anh Tuấn)



Từ điển và từ ngữ Việt Nam

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

Cục tác. Tiếng gà mái kêu

 
Dĩ nhiên là nếu lời giảng trên đây của Nguyễn Lân mà đúng thì gà trống sẽ chẳng bao giờ biết cục tác cả.









Không có nhận xét nào: