Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn 31 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

            Chữ Nghĩa Làng Văn 31

                               Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                          *****



Tó : lấy ra, móc ra


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Ghép chữ Nôm 

Đặc biệt một chữ mà đem ghép với nhiều chữ khác để hàm ý-nghĩa thật mạnh.

Như chữ “trắng”: trắng bạch, trắng bệch, trắng bóng, trắng dã, trắng hếu, trắng mởn, trắng muốt, trắng mướt, trắng nõn, trắng ngà, trắng ngần, trắng phau, trắng tinh, trắng toát, trắng xóa...,


Còn “đỏ” thì có: đỏ au, đỏ chét, đỏ choét, đỏ chói, đỏ gay, đỏ lòm, đỏ rực, đỏ tươi, đỏ thắm,...


Và “vắng” thì ta có: vắng bặt, vắng lạnh, vắng ngắt, vắng tanh…


(Tiếng Việt Hồn Việt – Lê Thương)



Chữ Việt cổ


Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Ngãi tế/ hiền tế: chàng rể


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Lá trúc che ngang mặt chữ điền


Tác giả Phanxipăng trong bài biên khảo về Hàn Mạc Tử đã đề cập đến đầu đề bài thơ: 

Điều nhầm lẫn… tiêu đề bài thơ! Nguyên tác, Hàn Mặc Tử viết “ đây thôn Vỹ Giạ chứ không phải  Đây thôn Vỹ Dạ” như trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học phổ thông hiện hànhĐịa danh có thể chỉnh sửa về chính tả : Vỹ Dạ thay vì Vỹ Giạ


Còn chữ “Ở” hà cớ gì bị lược bỏ? Nhà văn Trần Thanh Địch nhận xét: Chữ “Ở” được Hàn Mặc Tử dùng có chủ đích. 

Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn VỹỞ đây sương khói mờ nhân ảnh


Tùy tiện “biên tập” cả “tựa đề” là chuyện tối kỵ!


(Nguyễn Cẩm Xuyên)



Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Tế quán: vợ, tiếng xưng vợ nhà


(Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



143 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tới Phong Hóa số 59, bức vẽ “Lý Toét ra tỉnh” thứ hai, do Đông Sơn vẽ dưới đây, (ký tên chữ nho) chiếm ngay trang bìa:


(Lý Toét lẩm bẩm: Quái! người ta chôn ai mà đào dài vậy??)


Đông Sơn Nhất Linh biết rằng nhân vật này sẽ chinh phục độc giả. Quả như vậy, Lý Toét đã làm mưa làm gió trên văn đàn nước ta trong suốt thập niên 1930. Trước hết, về cá nhân Lý Toét, tính chất tổng quát được mọi người cùng chấp nhận bất thành văn, là:

Lý Toét là một ông già nhà quê, có chức phận trong làng, chức Lý Trưởng, nên được goi là Lý, mắt bị bệnh đau-mắt-hột từ bé, thành ra nó cứ kèm nhèm, như viền vải tây đỏ, ta gọi là mắt toét. Nhập hai chữ Toét vào nhau thành tên luôn, chứ Lý Toét không phải là tên cúng cơm, bố mẹ đặt cho.


Lý Toét nghèo, sống ở thôn quê, chưa từng được thấy những thứ văn minh ngoài phố do người Pháp mang lại. Lý biết đọc chữ quốc ngữ, biết ít chữ Nôm, chữ Nho, nhưng không hiểu tiếng Pháp, nên có nhiều phen không thông về chữ nghĩa, nhầm chữ nọ sang chữ kia tí chút. Vì nghèo nên Lý Toét tham ăn, lại nghiện rượu, nên ích kỷ, chỉ muốn mình được phần to, thêm nữa, không hiểu gì về vệ sinh, ăn ở dơ bẩn, Lý Toét rât mê tín, thờ đủ mọi loại thần thánh, từ con cóc sành trên bể nước ngoài vườn hoa, đến con hổ sống trong chuồng Vườn Bách Thú…


Nhưng ngắm tranh Lý Toét lâu, ta thấy cụ có vẻ hơi… cô độc, thiếu bạn. Và việc phải đến, đã đến: Xã Xệ xuất hiện


Nhất Linh gọi đó là do tự nhiên phải thế. Xã Xệ là một nhân vật bằng vai phải lứa với Lý Toét. Xã Xệ béo ịt, thấp lè tè, đầu trọc lông lốc, còn độc một sơi tóc quăn xoắn ốc trên đỉnh. Hình ảnh Xã Xệ hoàn toàn đối chọi với Lý Toét gầy đét và cao lênh khênh. Xã ra đời để đấu láo với Lý, cãi chầy cãi cối với Lý…

 

Cha đẻ của Xã Xệ là họa sĩ Bút Sơn, từ Saigon gửi tranh vẽ ra Hà Nội. Độc giả này tạo ra nhân vật Xã Xệ đối kháng với Lý Toét. Ông lấy hiệu Bút Sơn để nhái Đông Sơn


Nhưng Nhất Linh đến tận khi mất, vẫn chưa biết tên thật của Bút Sơn. Trên tờ di cảo “Đời Làm Báo” ghi tất cả tên và bút hiệu các cộng sự viên Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh có hàng chữ sau: “Bút Sơn ở Saigon (Người đẻ ra Xã Xệ), tên thật chưa biết. Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hoặc các bạn, cho biết tên thật”.


Hiện nay chúng tôi được biết tên thật họa sĩ Bút Sơn là Lê Minh Đức. “Theo nhà báo nhà thơ trào phúng Tú Kềnh viết trên Báo Bình Minh Xuân Mậu Thân 1968 xuất bản ở Saigon thì: 

Vào năm 1936 báo Phong Hóa, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, ở Hà Nội, có tổ chức cuộc thi vẽ tranh hài hước, họa sĩ chuyên vẽ tranh hài hước Bút Sơn Lê Minh Ðức ở Saigòn vẽ một bức tranh gửi ra Bắc dự thi”. Thật ra, lần đầu tiên Xã Xệ xuất hiện trong tranh Bút Sơn là ngày 16 tháng 3 năm 1934, trên báo Phong Hóa số 89. 


(Đi Tìm Gốc Gác Lý Toét, Xã Xệ - Phạm Thảo Nguyên)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Ta về ta tắm ao ta

Chứ qua ao bạn… đường xa quá chừng



Đã có một thời…

Đi tìm ông nặn tượng

Tôi nhận được điện thoại của anh Thái Phương từ Mỹ, nhờ đi tìm anh Nguyễn Thanh Thu. Nhưng oái oăm thay cái địa chỉ anh cho lại rất mơ hồ: Phường 5, đường Lê Quang Định. Tôi thuê xe ôm đi tìm một lần, nhưng cái Phường 5 đường Lê Quang Định rối rít tít mù với hàng dãy phố xá, đường hẻm, đường cụt. Anh xe ôm chuyên nghiệp ở vùng này cũng không thể mò ra. Tôi điện thoại cho Thái Phương rủ thày giáo này cùng đi kiếm, hay nói cho đúng hơn là đi “mò kim đáy biển”, may ra thì gặp. 


Đi suốt một buổi sáng, hai anh em muốn “cãi lộn” vì hẻm này hẻm kia, ngõ này ngõ nọ.  Cuối cùng “vớ” được một thiếu phụ khá trẻ và… khá đẹp, lên tiếng: “Các ông cần tìm nhà ông nặn tượng,  cứ đi theo tôi. Nhân thể tôi cũng đi qua đường đó”.  


Đi loanh quanh vài con hẻm, chúng tôi dừng lại trước của một tiệm cà phê rất “hoành tráng” có cái tên cũng khá “ấn tượng” là…“Tượng đá”. Quán cà phê rộng, có những cây cổ thụ gốc rễ xù xì, cao ngất ngưởng. Bên cổng là một cái nhà nhỏ cho mấy anh “bảo vệ”. Thấy cái cảnh có vẻ “bề thế”, tôi trở nên ngập ngừng hỏi thăm bác Nguyễn Thanh Thu. Anh bảo vệ chỉ ngay một anh thanh niên: “con ông Thu đó”. Chúng tôi thở phào, tay bắt mặt mừng với người con trai của anh Thu, như đã… quen nhau từ khuya. Anh thanh niên đưa chúng tôi

vào theo con đường nhỏ bên phải quán cà phê. 


Lúc đó điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đang đổi nghề điêu khắc sang “thợ làm vườn”. Anh đang tưới cho mấy chậu cảnh quý ngoài hiên nhà. Xung quanh anh là một số những tác phẩm lẫn lộn cả cũ và mới nằm rải rác trong khu vườn hoa tĩnh lặng. Phía bên kia là dãy bàn ghế cho quán cà phê đang đông khách, được ngăn chia bằng mấy thân cây si, cây đề cổ thụ xòe những tàn lá che kín nửa vùng sân. 
Nhận ra người quen, anh Thu rời cây kéo tỉa hoa, vui mừng ôm vai bạn. Kiểu “ăn diện” của Nguyễn Thanh Thu bao giờ cũng giản dị đến… quá bình dân. Cái “mũ nồi” từ đời tám kiếp nào vẫn chùm hụp trên đầu, có vẻ cố giấu cái đầu hơi lớn. Nhưng đó là “dấu ấn đặc biệt made in Nguyễn Thanh Thu”, không lẫn đi đâu được. Cứ như, nếu không có cái “mũ nồi đen” và không có vẻ lam lũ thì không phải là Nguyễn Thanh Thu.


(Văn Quang)

 


Nói lái trong nước 


Người… có chỗ đứng sẽ… cứng chỗ đó.



Đã có một thời…

Vĩnh biệt họa sĩ Thái Tuấn

Những ngày cuối cùng

Anh cứ hẹn tôi, lúc nào sẽ lên Lộc Ninh nằm chơi vài ngày, nếu thích sẽ vẽ mấy cô gái Thượng. Trong hàng loạt tác phẩm của anh, hầu hết diễn tả vẻ đẹp thiếu nữ thuộc nhiều thành phần khác nhau, có lẽ chỉ thiếu một số cô gái miền sơn cước. Tôi nghĩ đó cũng là dự định của anh vào thời gian này. Nhưng ý tưởng chưa thực hiện được thì anh đã nằm bệnh viện. Sau này, thỉnh thoảng anh điện thoại cho tôi, nhưng tiếng anh khào khào qua điện thoại, chỉ được vài câu rồi con anh phải “phiên dịch” lại.


Trước ngày anh ra đi, tôi vẫn nhận được tin tức anh qua điện thoại. Vài ngày trước khi mất, các con anh nói bây giờ anh chỉ “bút đàm”, tức là chỉ nói chuyện bằng giấy bút, chứ không nói được. Mới hôm trước ngày 25-9, được tin anh ra khỏi phòng cấp cứu. Trưa hôm sau, 13 giờ ngày 26-9-2007, được tin anh mất trên đường từ bệnh viện về nhà. 

Tôi cấp tốc thông tin đến bạn bè khắp nơi. Một số bạn nhanh chóng hồi âm và giao cho tôi nhiệm vu thay mặt đi phúng điếu, chuyển lời phân ưu đến tang quyến.


(Văn Quang)



Câu đố dân gian 

Hai anh cùng giống cùng nòi
Anh thích ngồi trốc, anh đòi cõng chơi
Gió sương, mưa nắng mặc trời
Từ xưa vốn bạn không rời nhà nông

(cái nón và cái áo tơi)



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Quang Dũng : Vẽ

Quang Dũng vẽ khổ sở lắm. Anh có dắt tôi về nhà xem tranh của anh. Ôi! Nói tới cái nhà của Quang Dũng, thiệt là đau khổ. Có lẽ Quang Dũng và Kim Lân là hai nhà văn có cái nhà… "sang trọng" nhất Hội Nhà văn! Tuy vậy anh vẫn có chỗ đề vẽ. 


(Ba Vì tranh bột màu)


Tôi không còn nhớ những bức tranh nho nhỏ anh vẽ trên bìa cạc-tông lượm ở đâu thì phải chớ không vẽ trên lụa trên vải bố hoặc trên giấy “căn-xông” của giới hội họa. Quang Dũng bảo tôi: "Vẽ cảnh vật nhưng không chỉ vẽ cảnh vật mà mượn cảnh vật để tả cái tình của mình đối với cảnh vật!". Chao ôi! Lạ lùng thế ư? 


Nghèo đến thế lại đông con. Quà sáng anh ít khi ăn, có chăng một củ mì luộc. Tôi có mời, anh lắc đầu: Mình vừa ăn xong! (Có lần Kim Lân thú thật với tôi: Thèm phở quá, lãnh lương xong ghé mậu dịch làm một tô. Xong, thấy mình "có tội" với vợ con!) . 

To như anh mà ăn một củ mì có khác gì cọp ăn bù mắc.


(Xuân Vũ)



Nói lái trong dân gian

Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái, câu đối, hay với hò vè…

Một câu hò ở Nam bộ, giải rõ ra thì tục, nhưng mới nghe qua khó nhận thấy :

Thằn lằn đeo cột thằn lằn trốn
Cá nằm trong đăng, cá mắc kẹt đăng
Anh với em nhân ngãi đồng bằng
Dù xa duyên nợ nhưng cột lằn đừng xa



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Quang Dũng : Thơ

Một hôm anh cho tôi xem mấy bài thơ. Cho xem xong anh vội cất nhanh như sợ tôi hỏi thêm gì nữa. Có lẽ anh không muốn nói gì thêm. Nhưng trông anh buồn lắm. Bây giờ ngồi viết những dòng này tôi cũng buồn lắm. Mấy chục năm sau, khi sang Hoa Kỳ tị nạn CS tôi đọc thấy trên một tờ báo Việt Ngữ, mới té ngữa ra. Mấy bài thơ trên báo chính là thơ cửa Quang Dũng cho tôi xem hồi trước. 

Quang Dũng đã làm thơ mà tôi không ngờ. Cũng như nhờ tờ báo này mà tôi biết được Quang Dũng là một cán bộ quân sự cấp Trung đoàn từng chỉ huy Trung đoàn Tây Tiến, đã từng sang học trường Quân sự ở Trung Hoa và đã từng chỉ huy khu Vân Nam.

Vậy mà ở tòa soạn báo Văn nghệ người ta chỉ thậm thụt vơi nhau nói về Quang Dũng như một tên phản động (*) được đảng khoan hồng, tệ hơn nữa, là bí thư của Nguyễn Tường Tam


Tôi không biết tôi xa Quang Dũng lúc nào? Có lẽ lúc sấp bị tống đi Trường Son thì phải. Chừng 10 năm trước tôi đọc báo Hà Nội thấy nói Quang Dũng đau nặng không có thuốc men chi cả, không còn nói được, chỉ nằm chờ chết. Vậy là hết một đời nghệ sĩ tài hoa. Quang Dũng đã nằm yên dưới mộ với Đôi Mắt Ngươi Sơn Tây, Đôi Bờ và những văn thơ bất hủ trong kháng chiến được lưu truyền ra hải ngoại. Rất tiếc tôi quen với Quang Dũng ít quá.

(Xuân Vũ)


(*) Phụ đính: Theo nguồn khác khi nhà thơ Quang Dũng nằm liệt giường, anh em văn nghệ xin Tố Hữu cho nhà thơ vào bệnh viện lớn nhưng “đao thủ phủ” Tố Hữu… lắc đầu.



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Một cô làm chẳng lên non

Ba cô chụm lại… mỏi mòn lỗ tai



Về khúc Tống Biệt

Ở Việt Nam ta thì có chuyện Từ Thức:

Từ Thức người Tống Sơn, (Thanh Hóa), làm tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh), nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp gặp tình huống éo le. Thời gian sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù (Ninh Bình), Từ Thức đi qua núi và thấy một chiếc động, được động chủ gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã cứu thuở nào. 

Sống với nhau được một năm, Từ Thức nhớ nhà, xin được về thăm. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi đến quê, tất cả đều đổi thay, Từ Thức hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu nội của mình. Chàng đã đi quá lâu. Từ Thức muốn trở lại cõi tiên với vợ, nhưng chẳng còn dịp may… trước cửa động Từ Thức, bây giờ dây leo chằng chịt đan kín.


Ở bài Tống Biệt, tác giả chỉ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu-Nguyễn với 2 nàng Tiên, hay là Từ Thức với Giáng Hương để qua đó thầm gửi gắm "Niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ có thể tìm lại được, nếu không biết giữ gìn, để qua đi mai một".



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Lời nói không mất tiền mua
Tha hồ mà nói đừng… thua câu nào



Hẻm Hồ Biểu Chánh

Hẻm Hồ Biểu Chánh từ ngoài đường Công Lý ngang qua đường Nguyễn Huỳnh Đức. Tôi hiểu tại sao tên Hồ Biểu Chánh lại được đặt cho con hẻm nhỏ bé và khiêm tốn đó, vì chính tại đây có quán Lá, một quán nhậu nổi tiếng về món cá trui, tôm nướng… Cách quán Lá không bao xa, sau vài lùm cây là nhà Hồ Biểu Chánh.


Bây giờ nhớ lại, nếu tôi không tới đó trong một lần nhậu thì nào tôi có biết nằm ở đâu đó, trong khu nhà yên tĩnh là:

Nơi Hồ Biểu Chánh đã sống, đã viết, và đã chết.


(Từ Đó Đến Nay – Dương Nghiễm Mậu)



Đường phố mang tên các bà 

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy.
Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi.


Bà Sương Nguyệt Ánh cũng không bao giờ đi thăm cha được, vì bà ở xóm Bùi Chu, còn cụ đồ lại qui điền mãi tận bên Tân Định.
Vị nữ anh hùng thứ nhì của ta, Bà Triệu cũng bị ta quên mất vì bà cũng ở xóm ngoại nhân, trong Chợ Lớn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đô thành đặt tên rất khéo, Công chúa Huyền Trân ở một căn phố buồn hiu, sau dinh Độc Lập, buồn như con đường thiên lý ngàn dặm băng rừng đưa công chúa từ Việt sang Chiêm.

      (Phố của thành phố: Nhân Loại – 1957 Bình Nguyên Lộc)



Tên đường phố Sàigòn năm 1956 - 1

Trong những năm làm việc tại tòa Đô chánh Saigon, tôi có dịp góp phần trông coi việc xây dựng và tu bổ đường xá Sai Gòn, Chợ Lớn. Hàng ngày họp với các ông cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.

Qua bao nhiêu năm lịch sử của thành phố, hầu hết đều có tên Tây như Boulevard Charner, Boulevard Galliéni, Boulevard Norodom... Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho chính phủ Bảo Đại, với Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Để đánh dấu việc dành độc lập từ tay người Pháp, toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. 

 

Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Lúc bấy giờ công việc này được giao cho ty Kỹ Thuật mà phòng Hoạ đồ. May mắn thay có được nhà văn Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, có bằng cán sự Điền Điạ lúc ấy đang giữ chức trưởng phòng Hoạ Đồ.

Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên đường trên họa đồ, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.

 

(Sài Gòn chuyện đời của phố - Nguyễn Văn Luân)

 


Rạch Thị Nghè  

Sông Sài Gòn từ xưởng Ba Son chẩy lòng vòng vào Sài Gòn. Qua Sở Thú có cầu Thị Nghè 1 bắc ngang sông gọi là... rạch Thị Nghè

 

Đến đoạn cầu Bông gọi là sông Cầu Bông. Rồi chẩy tới cầu Kiệu vẫn là... sông Cầu Kiệu. Nhưng từ cầu Công Lý tới cầu Trương Minh Giảng lại gọi là... kinh Nhiêu Lộc.



Tên đường phố Sàigòn năm 1956 - 2

Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng lại phù hợp với điạ thế có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khiá cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Tôi xin kể ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:

Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.

Đường de Lattre de Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, phải chăng vì đi ngang qua Pháp đình Sàigòn. Con đường dài và đẹp rất xứng đáng. Ba đường Tự Do, Công lý, và Thống Nhất giao kết với nhau nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập.

 

Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Nguyễn Thái Học với Cô Giang và Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ, Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết.

Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước giữ nước của các ngài. Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi.

Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số cư dân là người Hoa. 

(Sài Gòn chuyện đời của phố - Nguyễn Văn Luân)



Sài Gòn một chút quán xá

Bánh mì xe

Sài Gòn là nơi khai sinh ra bánh mì thịt: một món ăn của đường phố, một món ăn của vỉa hè với nét độc đáo riêng biệt, không phải nơi nào cũng có thể có được! Sáng, trưa, chiều hay tối, ngồi lề đường, nhai ổ bánh mì, uống ly cà phê, ngắm giòng người và xe cộ qua lại là một thói quen của người Sài Gòn. Bởi vậy, một trong những đặc điểm của Saigon là có vô số kể các xe bánh mì lề đường hiện diện ở bất cứ đầu con hẻm nào, ở bất cứ đầu con đường nào, ở bất cứ giờ nào trong ngày, ở bất cứ địa điểm nào trong thành phố: trường học, nhà thương, công sở, bến xe. 

 

Ta đọc đoạn văn sau đây nói về những xe bán bánh mì Sài Gòn:

“Như bánh cuốn, phở, xôi, bún, bánh mì là thức ăn không thể thiếu dân Sài Gòn. Bánh mì là thứ người ta có thể ăn mọi lúc, ở mọi chỗ. Bánh mì có mặt suốt ngày, từ sáng tinh sương đến đêm khuya, và dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đầu đường, góc phố nào của Sài Gòn. Đêm khuya khi những tiệm ăn đã đóng cửa, không còn hủ tíu, phở, chè thì xe bánh mì với ngọn đèn leo lét vẫn một mình thức trên vỉa hè đón đợi những khách cần ăn khuya.

Tôi có anh bạn nhà văn từ Hà Nội vào Sài Gòn chơi. Được dăm ngày, một buổi sáng, khi đang ngồi cà phê vỉa hè, anh chợt đưa ra nhận xét: “Sài Gòn có cái bánh mì là lạ nhất”. 

Tôi chưa hiểu. Anh giải thích: 

Ở Hà Nội, người ta cũng bán bánh mì nhưng là để trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, một người bán bánh mì, mỗi bữa dẫu chỉ bán chục cái bánh cũng có một cái xe lắp kính hẳn hoi…”. 

 

À, thì ra cái lạ là ở chỗ “cái xe có kính” rất ư đàng hoàng tử tế ấy.

Chưa hết, bánh mì Sài Gòn còn rất ngon và có nhiều sự lựa chọn. Ngán thịt, sợ phì thì kêu bánh mì bì. Muốn bụng nhẹ, mau tiêu thì gọi bánh mì cá. Thích bồi dưỡng một chút thì “đủ thứ”. Còn chỉ cần đủ dinh dưỡng thì “trứng ốp-la.

Xe bánh mì thường bao giờ cũng có chiều ngang chừng tám tấc đến một thước, rộng chừng năm – sáu tấc. Nửa trên ba phía là kiếng, trưng nào bánh, nào thịt, nào gia vị để nhận vào ổ bánh. Nửa dưới đóng kín thường có một bếp than. Bánh lúc nào cũng nóng. Bánh nhận đủ sắc màu ẩm thực bên trong: 

Xíu mại, thịt quay, pâté, xá xíu, lòng heo, lòng bò khìa, phô mai, thịt ba rọi,… Nhiều xe bánh mì trông đơn sơ vậy, nhưng nổi tiếng cả vài chục năm, ngay một góc đường…

 

http://www.tongphuochiep.com/images/03.2016/banhmi7.jpg   http://www.tongphuochiep.com/images/03.2016/banhmi15.jpg

 

(Bánh mì Sài Gòn theo giòng thời gian – Xuân Phương)



Xóm Gà

Sở dỉ có tên Xóm Gà là vì nơi đây là trường đá gà, chớ không phải nuôi gà nhiều. Tôi không thấy ai nuôi gà nhiều ở đây. 

Ông cố kể lại trước đây, đức Tả Quân Lê văn Duyệt Tổng Trấn Gia Định Thành rất thich đá gà, và ở vùng Saigon- Gia Định có nhiều trường gà , trường gà lớn ở Quân 1 Sài Gòn, nghe nói gần dinh Độc Lập, bây giờ là Hội trường Thống Nhất và nhiều trường gà nhỏ, một ở Xóm Gà. Đức Tả Quân thường đến trường gà lớn để chơi đá gà. Mộ đức Tả Quân và Phu Nhân hiện nằm trong khu Lăng Ông ở Bà Chiểu (gọi tắt là Lăng Ông Bà Chiểu)   

(Y Nguyên-Mai Trần)



Sài Gòn một chút quán xá

Xe bánh mì Tám Lự, quán Thanh Bạch


Đối với tôi, một món cũng thuộc loại “khoái khẩu” ở Sài Gòn là… bánh mì thịt nguội, trong đó có cả jambon, xúc xích, patê ăn kèm với sốt mayonaise và đồ chua. Bánh mì thịt nguội ăn sẽ ngon hơn nếu bạn có thì giờ ngồi nhẩn nha tại tiệm: các loại thịt bày trên đĩa trắng tinh kèm thêm một cục xốt bên cạnh dao, nĩa sạch bóng. Bẻ một miếng bánh mì còn nóng, trét sốt lên trên rồi một lớp patê, sau đó cắt một miếng jambon… đưa vào miệng. Tuyệt cú mèo!

 

Xe bánh mì Tám Lự gần chợ Bàn Cờ chỉ bán từ sẩm tối đến đêm khuya. Một ổ bánh mì Tám Lự dài cỡ 4 tấc, hai gang tay, tối ăn vào no đến sáng. Bánh mì ngon, ngoài pâté chả lụa, pâté foie, bơ Bretel còn thêm dưa leo, ngò, hành lá, nước tương, muối tiêu, ớt xắt. Ngày xưa khách chỉ cần nói: “Cho một tàu lặn hay một tiềm thủy đĩnh đi, anh Tám” là khách sẽ có ngay một ổ bánh mì nóng giòn, thơm phức.

 

Nếu muốn sang hơn thì lên bánh mì Pâté tòa Ðô Chính trên đường Nguyễn Huệ hay ngồi ở quán Thanh Bạch đường Lê Lợi (gần bệnh viện Sài Gòn). Chỉ cần gọi đĩa bánh mì thịt nguội kèm theo một ly cà phê sữa đá là đủ no cho đến trưa. Thanh Bạch là nơi vừa ăn sáng vừa ngắm cảnh của người Sài Gòn. Sài Gòn xưa có hai tiệm Thanh Bạch, một ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh Lợi. Tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dãy phố trệt dưới tòa soạn nhật báo Sài Gòn Mới năm xưa. 

 

Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội, Thanh Bạch có bánh mì bò kho, hủ tíu và đặc biệt là món suông. Bún suông dùng xương heo để nấu nước lèo, và đặc biệt ở đây là dùng tôm tươi lột vỏ, bỏ đầu, bằm nhuyễn sau đó vo lại thành sợi dài (như sợi bún). Nước lèo ở đây rất trong, ăn kèm với rau sống… Nhà hàng Tài Nam trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nổi tiếng với món đuông chà là chiên bơ rất ngon nhưng cũng rất mắc tiền. Theo nhà văn Sơn Nam, vua chúa cũng còn thèm “con đuông chà là,” tên chữ là “hồ đa tử”. Hồ đacây dừa rừng, tức cây chà là hoang thường mọc miền nước mặn Nam bộ, giống như cây cau kiểng

Cây dừa rừng có “củ hũ,” tức đọt non, sau Tết thường xuất hiện con đuông, giống như con nhộng. Ðuông ăn đọt dừa non nên to, mập và thường được bắt trước khi nở thành bướm. 

Sơn Nam viết: “Ðem đuông nướng trên vỉ sắt, cho héo rồi ăn, chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuông béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là”…

 

Nếu nói bánh mì đi theo ta suốt quãng đời đi học cũng không phải là nói quá! Còn bây giờ anh khác thằng nhóc lắm


Ngồi xổm lan can và gặm bánh mì
Chờ áo trắng tan trường ơi áo trắng
Anh trải thơ tình để lót bước em đi
(Bùi Chí Vinh) 

 

(Nhớ lại món ngon Sài Gòn ngày trước - Nguyễn Ngọc Chính)



Chữ nghĩa làng văn

Để biết qua cách viết văn sử của Tạ Chí Đại Trường, hãy thử đọc một đoạn nói về chuyện cây thuốc lá xâm nhập Việt Nam: 

“…Chỉ biết cây thuốc lá, mà Lê Quý Đôn biết gốc gác từ Philippines: ‘tạm-ba-cô,’ thấy ở Nam Trung Hoa, đến Đàng Ngoài qua ngã Lào (1660) được ‘quan, dân, đàn bà, con gái đua nhau hút,’ khiến cho hai lần lệnh cấm 1665 không mang lại hiệu quả. 


Sự mê đắm đó tập trung vào một dạng đặc biệt của cây mê thảo này với tên riêng: ‘thuốc lào,’ thực sự thêm một lối giải trí ngoài rượu chè, cờ bạc bị cấm đoán, đã đem lại cho đám dân cực nhọc những giây phút quên lãng cuộc đời khốn khố. Và cho cả những người của tầng lớp quan quyền một chút ảo vọng về con đường công danh gập ghềnh, có khi đầy cay đắng với những rủi ro bất thường từ sấm sét trên cao, cùng lúc với những xung đột kèn cựa từ các đồng liêu của nhiều nguồn gốc đào tạo, thăng tiến… Các chúa Đàng Trong có vẻ cũng không từ bỏ lạc thú này vì cuối thế kỷ sau, chàng thanh niên Nguyễn Ánh, sau hồi vong gia thất thổ trở về dựng nghiệp ở Gia Định, đã có riêng một toán người đặc trách ‘hầu điếu.’”


(Tạ Chí Đại Trường, người viết ‘văn sử’ – Trần Dõan Nho)



Từ điển và từ ngữ Việt Nam

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

Cửa Phật. nơi thờ Phật


Cửa Phật là chốn tu hành (theo Phật giáo) chứ đâu chỉ là «nơi thờ Phật».

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Sex ở Việt Nam thời nhà Mạc

Được sự hỗ trợ của các cuộc lật đổ và nổi dậy của nhà Hồ, thời nhà Mạc xã hội Việt Nam được giải phóng để bước vào thời đại phục hưng với các cá nhân, tự do được đề cao. 

Thời nhà Mạc văn hoá dân gian rất thịnh. Hầu hết những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc đẹp nhất trên đồng bằng Bắc Bộ hiện nay phần lớn đều hình thành dưới thời nhà Mạc


Vì vai trò cá nhân được đề cao, trên mỗi sản phẩm đồ gốm, tên người thợ, nghệ nhân làm ra nó được ghi rõ dưới đáy sản phẩm, điều chưa hề có trước đó và sau này, kể cả trên đồ gốm sứ Trung Quốc. Chiếc đĩa trong con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm cũng ra đời trong hoàn cảnh này. Ở Việt Nam ta tiếc thay, những tiền đề dưới thời nhà Hồ, nhà Mạc ấy đã bị dập tắt, lụi tàn dần để quay trở lại chế độ phong kiến dưới thời nhà Lê hà khắc hơn, bảo thủ hơn. Hà khắc bảo thủ đến mức đến bây giờ nhiều người vẫn cảm thấy ngại khi nhìn vào chiếc đĩa này. 

Có quá ít dữ liệu để chúng ta hôm nay có thể hiểu thêm về những gì vẽ trên chiếc đĩa độc đáo này. Những nét vẽ nguệch ngoạc ấy như lưu giữ một thời thoáng đạt ngắn ngủi trong lịch sử dân tộc. Nó xứng đáng được lưu giữ trong bảo tàng bảo vật quốc gia.


(Trần Anh Tuấn)



Văn hoá chửi 

Mọi nhà đã lên đèn. Tôi nằm chơi trên cái chõng tre giữa sân. Đúng lúc làng xóm đang yên tĩnh, ổn định, thì bài trường ca bắt đầu. Tôi nghe một lần là nhớ suốt đời như thế này: 

“… Nếu mày có trót dại bắt con gà của bà, nghe bà chửi mà không khôn hồn thả nó ra, mà cả nhà cả ổ mày cứ húc đầu vào ăn cho đầy miệng, thì bà cho chúng mày ăn cái máu l…, rớt l… của bà đây này (lúc này bà khẽ rướn người lên, hai đầu ngón tay khẽ nhúm chiếc váy đụp nâng lên phía trước). Mày tưởng mày có quyền có thế, có người làm ông nọ bà kia mà ăn hiếp gái già này à? Cứ ra mặt với bà xem! Bà thì cứ… dứt cái lông l… thứ tám, bà chẻ tạm làm tư, bà trói cổ cái ông tổ năm đời mười đời nhà mày lại, bà vẫn còn thừa cái nút hậu...”. 


Lạ chưa? Cái lông thứ tám? Bà cô tôi phải đánh số để tiện việc…chửi? 

(Nguồn: Khuyết danh)



Tình dục trong làng văn xóm chữ

Tín ngưỡng phồn thực


Tín ngưỡng phồn thực được biểu đạt tùy theo phong tục của từng vùng mà có những cách làm và thờ những hình “giống” khác nhau. Nhưng bên cạnh những tiểu dị ấy vẫn có những cái đại đồng của văn minh nông nghiệp lúa nước. Cơ quan sinh sản của nam và nữ được “hình tượng hóa” thành hai vật thiêng linga và yoni, được Việt hóa với cái tên nõ và nường. Nõ: khúc gỗ ngắn tượng trưng cho sinh thực khí nam, nói lên sức mạnh dương khí, sinh sản. Nường: mảnh gỗ hình tam giác có đục lỗ, tượng trưng cho sinh thực khí nữ, biểu thị sức chứa đựng.


             


Linga – Chàm        Yonu - Chàm


Chất liệu nếu không là đá, gỗ, mo cau thì cũng là tre, lá dứa, mà cách điệu nữa là lúa, bột, gạo làm nên những biểu tượng khác nhau mang hàm nghĩa cho dương vật (cột đá dựng đứng, cột trụ tròn, cây bông, cây gậy, lưỡi cày, sừng trâu, chiếc bánh chưng dài...) và âm vật (khe đá, bánh dày, lỗ tròn hoặc vuông...), biểu hiện cho sức mạnh về sinh sản hoặc mang yếu tố phồn thực được sùng bái trong Hindu giáo và tín ngưỡng dân gian.

(Đặng Hoài Thu)



“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt? 1


Một số từ vựng trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi tạm cúng cơm, đặt tên cho chúng là "ảo từ", "ẩn từ" hay "biến từ" cho… tiện. Nói chung là những từ "nghe vậy nhưng không phải vậy".

 

Chẳng hạn như từ "chớ" trong phương ngữ miền Nam.

"Chớ", thoạt tiên, là từ đồng nghĩa với "chứ" theo cách nói của người phương Bắc. Hãy nghe lời thề non hẹn biển của đôi tình nhân trai Bắc gái Nam: "Sao em lại nghĩ thế, anh yêu em lắm chứ. Nếu chàng gốc gác Nam kỳ, thì câu nói sẽ khang khác: "Nói tầm bậy nà, anh thương em lắm chớ

 

Thì ra, "chứ" hay "chớ" từ vị trí khẳng định trong "lắm chứ" hay "lắm chớ" đột nhiên biến thành "chớ" mang nghĩa phủ định, có nghĩa như "đừng", nhưng "yếu" hơn, gần như "không nên". 

 

Như khi cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu cho chàng Lục Vân Tiên, sau khi đánh đuổi bọn cướp đường, lên tiếng khí khái cản ngăn nàng Kiều Nguyệt Nga toan rời kiệu hoa:

"Khoan khoan ngồi đó chớ ra"

 

 bởi vì 
"Nàng là phận gái, ta là phận trai"

 

Khi ai đó nói: "Với anh, chuyện gì tôi cũng làmchớ chuyện cho anh mượn tiền, tôi chịu thua". Thêm lần nữa, "chớ" thay xiêm đổi áo, không khẳng định hay phủ định gì ráo, mà đâm ra lưỡng lự và biến dạng tương tự như "còn".

Nguyên nhân gì xui khiến "chớ" thay lòng đổi dạ chóng vánh như vậy, thú thật, tôi không rõ.


(Ngô Nguyên Dũng)











Không có nhận xét nào: