Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 54 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

              Chữ Nghĩa Làng Văn 54

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

 

Vắn vỏi

 

Vắn vỏi : ngắn ngủi


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xòai: xóng xoài”

Viết chuẩn là “sóng soài”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”). 


(Hòang Tuấn Công)

 


Muôn chung nghìn tứ

Chungcái hộc, dùng để đong thóc ngày xưa. Tứcỗ xe có bốn ngựa kéo. Câu này chỉ bậc vương hầu khanh tướng, ăn lộc đến nghìn chung thóc, trong nhà có hàng nghìn cỗ xe ngựa.


Một lời đã biết đến ta. Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau

(Truyện Kiều)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Trừu: trừu mến”

Viết đúng là “trìu mến”. Vì “trìu” biến âm của “tríu”, nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) mục “trìu mến” xem “tríu-mến”: Trìu-mến, yêu-thương như ghiền (nghiện) hơi, quấn-quýt một bên luôn: Đem lòng tríu-mến”.

(Hòang Tuấn Công)

 


Chửi mất gà ở Huế


Hôm qua tau mất con gà mái dầu khoang cổ. Hôm ni tau mất con gà mái nổ khoang bông. Con mô bắt là gái trốn chúa lộn chồng. Thằng mô bắt ba đời đi ở đợ. Tụi bay vén mái tai, gài mái tóc, chống cửa cho cao, chặt hàng rào cho thấp mà nghe tao chửi... 

Bay ăn cho chồng bay sợ, cho vợ bay kinh. Bay ăn cho ngã miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ăn

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xom: già xọm” 

Viết đúng là “già sọm” (sọm = gầy, già yếu, hom hem).

 

(Hòang Tuấn Công)

 


Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa 

Bà Hồ Xuân Hương có câu “Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”.

Tàu có câu “Đê dương húc phiên” nghĩadê đực húc giậu

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xộ: xừng xộ”

Viết đúng là “sừng sộ”, vì “sừng” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.


(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ nghĩa làng văn

Làng Kẻ Noi đầm lầy, muỗi bay như rắc trấu không canh tác được. Hãy nhìn một lão làng đang quảy gánh, trong thúng có đồ nghề gắp phân bằng cật tre gộc. Thúng kia có con dao cau, cuộn giây gai, bình vôi để dịt vết thương, ấy là bởi nghèo túng quá lão làng làm nghề hoạn lợn

 

Cùng hót phân như Kẻ Noi, làng Phương Lưu, Hải Phòng, có người làm nghề đạo chích. Tên đạo chích khoét vách vào nhà người ta khoắng một mẻ để ăn Têt. Vì tháng củ mật nên gia chủ hờm sẵn cái lưỡi cày phập xuống ngọt lịm. Nhưng chết vào giờ linh nên được làng rước vào đình thờ là… thần hoàng ăn trộm.



Chữ nghĩa làng văn


Năm 1469, vua Lê Thánh Tông vi hành tới làng Cổ Nhuế, tên chữ là Kẻ Noi ở Hà Đông. Ngài thăm miếu thần hoàng thờ quang gánh và đôi đũa cả gắp phân


Vua ban câu đối chữ Hán cho làng:

“Thân trụ nhất nhung y, năng đảm thế gian đa năng sự 

Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ trí nhân tâm” 

 

diễn Nôm 

”Khóac tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ

Vung ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian”.



Văn bút, nhân sự và sự kiện

Khi số hội viên đã lên tới 50 người, nhóm đã thành lập một đoàn Chèo Cổ do Vũ Huy Chấn, Nhất Linh, và Trần Tuấn Khải phụ trách. Một ban kịch  được thành lập do hai kịch tác gia Vi Huyền Đắc và Vũ Khắc Khoan cùng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đảm trách.


Phần trình bầy về ngày thành lập của nhóm Bút Việt đáng lẽ đến đây là chấm dứt, nếu không có lời nhận định sau đây của nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm tạp chí Khởi Hành xuất bản ở Nam Cali:

“Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng, cho kịp thời với Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957, cuối cùng đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền”


Đoạn văn trên trích từ cuốn “Chiêu Niệm Văn Chương – Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ., tác giả Viên Linh. Đưa ra một chi tiết động trời như thế, nhưng ông Viên Linh không hề nêu được một bằng chứng nào cho thấy “Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng, cho kịp thời với đại hội Văn bút ở Tokyo vào năm 1957”

Ông Trần Kim Tuyến tài năng cỡ nào mà có thể khuynh loát được 19 nhà văn, nhà thơ, v…v… trong đó có cả những bậc lão thành như: Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Tam Lang Vũ Đình Chí, Tchya Đái Đức Tuấn..v..v..


Xin hỏi, chẳng lẽ 19 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo có mặt trong nhóm sáng lập Văn Bút không có ai chống cộng hay sao mà lại phải nhờ ông Trần Kim Tuyến “thúc đẩy?” Viết lách như thế mà cũng đã có thời ông Viên Linh làm Chủ tịch Văn bút Hải ngoại thì kể cũng lạ. Rồi lại nữa khi ông giáng một đòn búa tạ nặng nề lên tổ chức Văn Bút VN bằng một câu ngắn gọn: “… cuối cùng [Trung Tâm Văn Bút Việt Nam] đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền”.


(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)

 


Chữ là nghĩa


Chim rừng có cánh, nhiều lông

Chim nhà không cánh nhưng lông vẫn nhiều

 


Tác phẩm của Tự Lực Văn Đòan

Xuân Diệu

Thơ Thơ (1938), Phấn Thông Vàng (1939), Trường Ca (1944), Gửi Hương Cho Gió (1944). 

  

Tuy chỉ hoạt động trong thời gian 8 năm ngắn ngủi nhưng thành tựu của Tự Lực Văn Đoàn thật lớn lao. Với hai tờ tuần báo và một nhà xuất bản, nhóm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam về cả hai phương diện tư tưởng và văn học.


(Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)

 


Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam


Nhắc đến văn chương viết về chiến tranh, không thể không nói đến Phan Nhật Nam. Từ sau 1968, miền Nam thực sự ra khỏi cơn huyễn mộng sâu, cơn mê đắm ảo tưởng hoà bình dằng dặc. Mặc dù bao gồm nhiều thể loại, nhiều đề tài, nhiều nội dung, văn học miền Nam chưa bao giờ cảm nhận được sức nóng của ngọn lửa chiến tranh trên trang viết trực tiếp đến như thế.  Tôi bắt đầu đọc Phan Nhật Nam từ năm mười bốn tuổi, còn quá nhỏ để hiểu và nhớ đầy đủ chi tiết, nhưng ấn tượng của Dấu Binh Lửa, Dựa lưng nỗi chết, Dọc đường số Một… là không thể nào phai được. 


Đọc anh, tôi hiểu ra rằng chỉ vài năm nữa, nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ là một trong những người lính mang ba lô, súng đạn trên vai lội qua sình lầy, rừng thẳm, muỗi mòng, lội qua bom đạn như bao nhiêu người lính vô danh khác, chứng kiến những xóm làng lửa cháy, mẹ con dắt díu nhau chạy loạn, đụng trận với những kẻ địch mà mình không hề căm thù, nhưng vẫn phải nổ súng vào họ. Tôi sẽ giết người hay tôi sẽ bị giết, hay là cả hai. Đọc Phan Nhật Nam là đọc bi kịch của chiến tranh, những cái chết oanh liệt, một hậu phương tan rã, những suy nghĩ về đời sống, về những xung đột dân tộc mà không thể không đối diện. Lạ lùng thay, đọc anh, tôi cảm yêu đất nước mình hơn cũng như khi tôi đọc Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Bằng, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nhật Tiến, Nhã Ca, Lê Tất Điều, nhưng bằng một tình yêu cay đắng, tỉnh táo, khốc liệt, nghẹn ngào. Và giận dữ. 


Tôi từng có dịp được gặp, trong những giờ ngắn ngủi, Phan Nhật Nam, khi anh đến Canada, và Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi tôi về Việt Nam. Ngồi trước các anh, hai nhà văn viết bút ký, cả hai đều cùng quê Quảng Trị với tôi, một chiến trường máu lửa, nơi thư hùng của các đại đơn vị Nam, Bắc, tôi nhận ra rằng bi kịch của cuộc chiến tranh sẽ còn đeo đẳng dân tộc chúng ta. Cho đến khi nào chúng ta chưa tìm được cách để trò chuyện với nó, giải thích nó. Muốn thế cần có thời gian, cần có sự tha thứ. Rất nhiều tha thứRất nhiều can đảm. Hai người đã chọn lựa hai con đường khác nhau: họ chính là biểu tượng của chiến tranh vừa qua.


(Nguyễn Đức Tùng)



Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ đợi là chờ... 

Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần

(Bùi Giáng)

 


Lão Dương Dê Húc Càn nơi chốn ngục tù - 1

Việc liên lạc gửi bài vở đi và nhận quà cáp giúp đỡ từ anh Trần Tam Tiệp của anh em chúng tôi và mấy người nữa như các anh Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Khuất Duy Trác, thêm Lý Thụy Ý, và cô Nguyễn Thị Nhạn, bị nhà cầm quyền cộng sản khám phá ra rồi làm to chuyện, dẫn đến việc tất cả cùng bị bắt giam vào Phan Đăng Lưu ngay trong một đêm đầu tháng 5/1984. 

Trong thời gian bị giam giữ ở đây, không bao giờ tôi nhìn thấy anh Dương Hùng Cường và các anh kia vì mỗi người một nơi, mà chỗ nào thì cũng kín bưng những bức tường ngăn cách, nhất là biệt giam khu B bên tôi nằm khuất mãi tận cùng phía đằng sau. Đôi khi chỉ nhắn hỏi tin tức của nhau qua mấy người tù làm lao động bên ngoài.


Khi thẩm vấn tôi, các viên cán bộ an ninh hỏi cung đều căn vặn liên tục về thời gian cùng sự tương giao giữa tôi và anh Dương Hùng Cường với anh Trần Tam Tiệp. Họ cũng truy vấn nguồn mối liên lạc cùng các bài vở đã gửi đi qua cô Nguyễn Thị Nhạn, thêm nữa là mọi thứ quà cáp giúp đỡ đã được nhận. 

Họ cũng tra hỏi về các thân hữu cũ và một số tên tuổi người này người nọ còn ở lại Sàigòn sau ngày 30-4. Xem ra họ rất đặt nặng cách viết về chế độ của anh Dương Hùng Cường trong bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai. Tuy vậy, anh Dương Hùng Cường và các anh khác đều được ra phòng tập thể chỉ sau hơn ba tháng biệt giam, có nghĩa là đã kết cung xong xuôi.


Anh Dương Hùng Cường nhờ qua người tù làm lao động bên ngoài nhắn với tôi rằng hẹn ngày về gặp lại nhau ở Thương nhớ mười hai. Nhưng rồi lời hẹn này đã mãi mãi trở thành lỗi hẹn và không bao giờ thực hiện được nữa.


(Nhớ về anh Dương Hùng Cường và …- Trần Ngọc Tự)



Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ uống là say.. 

Cứ chân là bước cứ tay là sờ

(Bùi Giáng)

 


Dương Hùng Cường ở nhà giam Chí Hòa - 2

Xe chở chúng tôi từ số 4 Phan Đăng Lưu sang nhà giam Chí Hòa là loại xe vận tải. Công an thành phố dùng loại xe này vừa chở hàng, chở gạo, chở heo, và chở tù. Bọn ‘Biệt Kích’ lếch thếch xách giỏ, chiếu lên xe tù sáng ấy gồm sáu mạng: Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, tôi (Hoàng Hải Thủy) và hai nữ là Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn. 

Đây là lần thứ nhất, sáu anh em chúng tôi đặt chân vào ‘đất thánh Chí Hòa.’ Chỉ có cô Nguyễn Thị Nhạn là người bị bắt lần đầu, còn chúng tôi kể cả cô Lý Thụy Ý đều đã bị bắt một lần rồi, nhưng chưa ai ‘được’ vào Chí Hòa (…) Sau 2 giờ ‘đoàn tụ’ thân mật, vui trên xe tù, chúng tôi lại được ‘ưu ái’ chia ra mỗi tên ở một phòng.”

Ở khám lớn Chí Hòa, tôi thấy có nữ tu Thích Trí Hải – bị bắt trong nhóm Già Lam, gồm Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Lê Mạnh Thát…


Khi vào phòng 10 khu ED Chí Hòa, tôi mới biết anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã từ Phan Đăng Lưu sang đây trước tôi đang ở phòng 11 cạnh phòng tôi.

Anh Hiếu Chân bị bắt sau tôi chừng hai tháng, anh bị chứng huyết áp cao, qua đời vì cơn bệnh này trong một đêm đầu năm 1986

(Cái chết của nhà văn Dương Hùng Cường - Hòang Hải Thủy)

 


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Tài năng có hạn, thủ đoạn vô biên.



Đã có một thời…

Hà Thượng Nhân

 

Một “cơn mưa buồn”

Cho nên khi anh từ giã vĩnh viễn cuộc đời, anh em khắp nơi xôn xao, điện thoại cho nhau. Mỹ gọi cho Úc, Úc gọi cho cho Pháp, Pháp gọi cho Canada, Canada gọi cho Việt Nam. Một nỗi tiếc thương âm thầm như khói sương lan toả trong tất cả những lá thư, dù là thư điện tử, dù là tiếng nói trong điện thoại đường dài. Đôi khi lại là tiếng cười cùng nhau, nhưng… lại có cái gì đó bàng bạc nuối tiếc thầm kín. Tôi không thể diễn tả được chính xác là cái gì và cũng không diễn tả được trọn vẹn tình cảm ấy. Chỉ biết “nó” là  thật, là một cơn mưa buồn, như câu thơ anh làm trong “trại cải tạo” ở Long Giao vào năm 1975:


Bây giờ giữa Long Giao
Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay không nẻo cụt?
Anh châm điếu thuốc lào
Mình say, mình say sao?

 

Tưởng như mới hôm nào, anh ngồi cùng tôi ở trong cái gọi là “trại cải tạo”, cùng hút chung “cái điếu cày tự chế”, nay anh đã ra người thiên cổ. Một sự thật khác cần nói là anh mất ở tuổi 90 đã là thọ lắm rồi, chúng tôi đều biết anh đã suy nhược nhiều và ngày ra đi của anh không còn xa. Không “chết trẻ” để làm tăng nỗi đau xót tiếc thương. Nhưng riêng sự vĩnh biệt của anh làm nên nỗi tiếc nuối ngậm ngùi trải rộng như cơn mưa mùa đông. 

 

Với anh Hà Thượng Nhân, tôi nghĩ, mọi người dành cho anh cả tấm lòng chân thật nhất.


(Tưởng niệm Hà Thượng Nhân – Văn Quang)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thương anh chín đợi mười chờ.
Đến khi mười một , em lờ bỏ anh.



Chữ nghĩa xưa cũ

Ông Bình Nguyên Lộc nghe câu người ta chửi thề: “Mả cha mày chạy chứ mả ai chạy!” Ổng giải thích thổ là đất, mộ là nấm mộ, xe thổ mộ tức cái xe như… nấm mộ lùm lùm chạy trên đường phố. Nhưng thổ mộ là cách đọc của mình theo âm Quảng Đông là “tủ mỏ”, tức độc mã (một ngựa). 



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Tưởng nhớ nhà thơ Nam Kỳ lục tỉnh Trần Tuấn Kiệt


Những năm cuối đời, sức khỏe yếu kém, răng rụng gần hết, không còn sáng tác! Trong tùy bút của ông, “Một mùa xuân trở lại” ông bày tỏ kỷ niệm trước năm 1975 Kiệt “Hễ đến mùa Xuân thì tôi lại nhớ tới những người tình xưa và nhất là những người bạn thân mà đời mình không thể nào quên.” và sau này:


Mùa xuân này tôi chợt có dịp trở về con đường hẻm Bàn Cờ cũ gần nhà cụ Nguyễn Đức Quỳnh nơi cư xá Đô Thành có trường Tân Thanh… Ngày đó trong khuôn viên đại học Văn Khoa có dựng một gian nhà gỗ nhỏ của nhóm họa sĩ trẻ gồm Mai Chửng điêu khắc, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức… Căn nhà gỗ này do Nguyễn Trung và Hồ Thành Đức xin được trong không quân đem về dựng lại. Hằng ngày Nguyên Khai và Nguyễn Thành Nhơn đến điêu khắc chơi và thoạt tiên cũng là chỗ ngủ của Nguyễn Nghiệp Nhượng và Cù Nguyễn. 


Sau 75, khi qua đường Lê Thánh Tôn, tôi nhớ lại cái quán cà phê cũ đã thay mới, các cây điệp (phượng đỏ) cội rất lớn, thân cây bị cưa cụt đã đâm ra thêm nhiều cành nhánh mới, có nhánh đã ra hoa. Tôi đứng lặng nhớ về bạn bè hay gặp nhau ở đấy. Trần Lam Giang, Phạm Quốc Bảo, và Bùi Ngọc Tuấn, nhớ tới các bạn họa sĩ, Khánh Ly, Nguyễn Thụy Long. Cả mấy chục năm ở Sài Gòn mà tôi cứ quanh quẩn mãi Thị Nghè như một thằng Mán không biết gì nhiều sự đổi thay.”

(Vương Trùng Dương)

 

Thành ngữ hiện thực

Tài sản lớn nhất của mỗi người là tình bạn

đặc biệt là với những người bạn có tài sản

 


166 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Người dẫn tôi đến làm quen với quán cóc đầu tiên là anh Hồ Dzếnh, nhà thơ nổi tiếng tiền chiến với hai tác phẩm Chân trời cũQuê ngoại. Đó là vào đầu năm 1953, tôi mới từ Hà Nội vào Sài Gòn. Anh Hồ Dzếnh lúc đó đang viết cho báo Thần Chung của ông Nam Đình, dưới bút hiệu Lưu Thị Hạnh. 

 

Chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, tôi tìm Hồ Dzếnh ngay, bởi tất cả nhà văn sống ở Sài Gòn hồi đó, tôi chỉ quen có mỗi mình Hồ Dzếnh, tôi đến tìm Hồ Dzếnh vào lúc trưa. Anh Dzếnh giới thiệu tôi với ông Nam Đình lúc đó đang bận rộn với mấy hàng tít lớn trên báo chí khẽ gật cái đầu chào lại tôi rồi lại cắm cúi xuống trang bài vở còn ướt mực trên bàn. Hồ Dzếnh kéo tôi ra khỏi tòa soạn:

- Cậu đã ăn gì chưa?

Tôi cười, thú thật là từ sáng chưa có gì vào bụng hết. Tác giả Chân trời cũ gật đầu:

- Nếu vậy mình đi ăn luôn.

 

Và anh dẫn tôi vào một quán cóc bên lề đường lúc đó còn ở đường Nguyễn Văn Thịnh, góc đường nhỏ ăn thông sang đường Tự Do rồi về đường Nguyễn Huệ. Con đường Nguyễn Văn Thịnh này hồi đó đầy những quán cóc và tiệm cơm bình dân trên hè. Chai bia đầu tiên tôi uống ở Sài Gòn do Hồ Dzếnh mời ở trong một quán cóc vô danh nơi đó. Và cũng là lần đầu tiên gã Bắc Kỳ mới lạ, tôi ngơ ngác trước cụ Hồ Dzếnh, về cách kêu món ăn ở trong Nam. Hồ Dzếnh đã làm tôi ngạc nhiên với những danh từ “la ve” và “mì khô”. Ở Hà Nội chỉ có nước với mì xào chứ không có mì khô. Hồ Dzếnh bảo tôi:

- Cậu định sống ở cái đất Nam Kỳ này thì phải tập ăn những món miền Nam. Mì khô, hủ tíu, giá sống, và hột vịt lộn.

 

Thú thật lúc Hồ Dzếnh đưa tôi vào quán cóc, tôi đã thất vọng và hơi buồn vì cách xử của nhà thơ này. Tôi yêu Hồ Dzếnh, yêu thơ Hồ Dzếnh, yêu những truyện ngắn của Hồ Dzếnh trong Chân trời cũ, nhưng quả tình lúc đó không còn thấy yêu Hồ Dzếnh chút nào khi anh đưa tôi vào một quán cóc bên lề đường, mời mình ăn một bữa trưa với một chai lave với một tô mì khô hai vắt. Vừa từ Bắc vào, “máu Hà Nội” hãy còn đầy người, tôi chưa thể chấp nhận cái lối tiếp bạn tại một nơi... tạp nhạp như vậy. Nhưng tôi cũng cạn hết chai lave và ăn hết tô mì khô do Hồ Dzếnh mời. 

Đợi tôi ăn hết tô mì, Hồ Dzếnh hỏi tôi:

- Cậu thấy thế nào?

- Anh nói cái món mì này hả?

Tôi hỏi lại Hồ Dzếnh. Anh gật đầu:

- Phải. Bắc Kỳ làm gì có thứ này? Cậu ăn có lạ miệng không?

Tôi thành thật cho Hồ Dzếnh biết là cái thứ mì này thua xa mì Hà Nội. Đói thì ăn hết vậy thôi chứ không thấy ngon gì hết.

 

Hồ Dzếnh vẫn cười:

- Nếu vậy thì cậu nên ở chơi Sài Gòn vài bữa rồi về Hà Nội chứ đừng nên ở đây lâu.

(Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh – Thanh Nam)



Thành ngữ hiện thực


Chớ nên bán đứng bạn bè khi chưa được giá

 


Đuờng văn ngõ chữ

Biệt danh vui của Phùng Quán

 

Bộ tiểu thuyết 3 tập "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán sau khi được in năm 1988 đã gây tiếng vang lớn. Khi rời khỏi quân đội, vợ làm giáo viên, gia cảnh Phùng Quán lúc ấy rất nghèo. Cái tích "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" ra đời trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, nhà ông ở cạnh hồ Tây nên thường câu trộm cá ở đấy để thêm vào những bữa ăn gia đình. Phùng Quán lại hay rượu, là con nợ kinh niên của nhiều chủ quán rượu quanh hồ. Ông kể có một lần, có chàng thủy thủ tàu viễn dương đến nhà "tán" cô con gái rượu xinh đẹp của ông, đã để lại biếu ông một nửa gói thuốc ba số 5, ông đã phải mang ra quán đổi lấy... rượu uống được mấy ngày. 

 

Trong một cuộc thi viết về Lê Nin do Đại sứ quán Liên Xô (cũ) tổ chức,  Phùng Quán liền gửi bài dự thi và  được giải. Giải thưởng là một chiếc xe đạp Liên Xô, vành to, hồi đó thường gọi là "xe trâu". Chiếc "xe trâu" ấy được Phùng Quán đi cho đến cuối đời.


Không chỉ nổi danh bởi những bài thơ, tiểu thuyết để đời như Tuổi thơ dữ dội, Hôn, Vượt Côn đảo... và những giai thoại xung quanh biệt danh "Cá trộm, văn chui, rượu chịu" mà Phùng Quán còn "để đời" với giai thoại về vợ. Vợ của nhà văn Phùng Quán là bà Bội Trâm, là giáo viên trường Chu Văn An. Hồi Phùng Quán vào Huế viết tập 3 cuốn tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" nhiều tháng liền không gửi thư về nhà, bà Bội Trâm nhớ chồng quá liền viết thư gửi vào Huế nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tìm giúp. 

Nhưng lúc ấy Phùng Quán đã du xuân vào Sài Gòn vài tháng sau mới trở ra Huế. Sau khi đọc bài thơ của vợ gửi: "Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ/ Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ/ Bao giờ điếu lại reo êm ái/ Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ" thì Phùng Quán bỗng tủm tỉm cười rồi nhờ Nguyễn Trọng Tạo chở ra ga Huế, lên tàu về Hà Nội.

 


Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hòai Thanh

Đọc Xuân Sách trước tiên ta cảm phục lòng dũng cảm của ông. Văn học Việt Nam vào những năm “trời đất nổi cơn gió bụi”, những năm thập kỷ 1970, xã hội còn chìm đắm trong nền kinh tế bao cấp, văn hoá văn nghệ bị “quản lý” đến nghẹt thở vậy mà Xuân Sách cả gan vạch trần chân tướng của tất cả những văn thi sĩ đang cúc cung tận tuỵ hiến dâng tài năng và tâm huyết cho …đảng, cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”.


Đầu sổ là nhà thơ Tố Hữu, chủ soái của văn hoá nghệ thuật của đảng, Xuân Sách vẫn không sợ, vẫn xỏ xiên :


“Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây…”


Với Chế Lan Viên, thi sĩ “nghĩ trong những điều đảng nghĩ”, Xuân Sách thằng tay ra đòn :
Điêu tàn ư ? Chả phải điêu tàn đâu
Anh đã tính Vàng Saotừ độ ấy
Chim báo bão gió chiều nào che chiều nấy
Lựa ánh sáng trên đầu mà đổi sắc phù sa


Trước 1945, nhà phê bình Hoài Thanh nổi tiếng với cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật , nghệ thuật vị nhân sinh ?”, từ sau cách mạng chỉ còn là một anh hề đồng “ca ngợi cấp trên”, bởi thế Xuân Sách hạ bút :
Vị nghệ thuật nửa đời người
Nửa đời sau lại vị người cấp trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát lại lèn cho đau
Bình thơ tới thủa bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Tàn canh tỉnh rượu bóng mình cũng tan


(Nhât Tuấn)

 


Chữ nghiã làng văn xóm chữ 


(chỉ Khải Định) ra Bắc để ký nhường cho Tây Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa".

Trong cùng cuốn sách, ở một trang khác Nguyễn Công Hoan lại viết "Ngộ nghĩnh nhất là bộ quần áo nó (chỉ vua Khải Định) mặc ra thăm Bắc Kỳ năm 1917, gọi là ngự giá Bắc tuần ".

 

Nguyễn Công Hoan nhớ hai năm khác nhau, 1917 và 1919. Tôi tò mò muốn biết vua Khải Định ngự giá Bắc Tuần năm nào? Khải Định nhường Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp ngày nào?

 

Về chuyện nhường đất, sử nhà Nguyễn chỉ chép vắn tắt:

- Tháng 8 năm Mậu Tý(1888) đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Đại Pháp. (1)

 

Trần Trọng Kim chép đầy đủ hơn :

- Tháng 8 năm Mậu Tí (1888) Triều đình ở Huế ký giấy nhường hải cảng Đà Nẵng, thành thị Hà Nội, và Hải Phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng địa nghĩa là từ đó việc cai trị và pháp luật ở ba thành thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam nữa. (2)

 

(Tiên học lễ hậu học văn - Nguyễn Dư)

 

(1) Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, Văn Học, 2002, tr. 526.

(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, 

Miền Nam tái bản, tr. 345.

 


Văn học dân gian 

Mẹ Đốp

 

Chiềng làng chiềng chạ

Thượng hạ Tây Đông

Con gái Phú Ông

Tên là Mầu Thị

Tư tình ngoại ý

Mãn nguyệt có thai

Già trẻ gái trai

Ra đình ăn khoán

 

Đó là lời rao của Mẹ Đốp (bà Mõ) về vụ Thị Mầu hoang thai bị làng phạt vạ trong vở Chèo cổ Quan Âm Thị Kính. 

 

(Đỗ Ngọc Thạch)

 


Giai thọai làng văn xóm chữ 

Giai thoại về vua Khải Định - 2

Trong Thất điều trần, Phan Chu Trinh đã trách vua Khải Định 7 tội, trong đó có tội "phục sức lố lăng". Về điều này, sử sách chép rằng, việc tiếp xúc với người Pháp, đã ảnh hưởng lớn đến cảm quan của vua Khải Định. Trong cách ăn mặc của vua, ảnh hưởng này thấy rất rõ. Chỉ có bộ phẩm phục đại triều là thuộc về lễ nghi truyền thống, vua không dám đụng tới, còn tất cả thứ khác thì vua chế tác. Vua đã tạo mẫu, vẽ kiểu, thiết kế làm ra những bộ trang phục riêng cho mình dùng trong lúc thiết triều, đi vi hành, thường phục hằng ngày bằng cách đính các viên ngọc quý, vàng bạc, kim cương… trên áo quần, giày, ủng, mũ nón, bao kiếm…


Chỉ cần nhìn xem một số hình ảnh và tượng đồng của hoàng đế Khải Định là chúng ta có thể thấy sự khác biệt đó rất rõ ràng nhất là áo bào, cổ áo, gù vai, chóp mũ, quai nón, huân chương, kiếm, giày ống… Điển hình là bộ võ phục, chiếc áo dài được may chẽn, nhưng là áo vua nên phải thuộc loại gấm vóc, thêu rồng vẽ phượng khác hơn người thường, rồi cho gắn thêm hai cái ngù vai (épaulette), là thứ thường thấy trên lễ phục của sĩ quan Pháp. Ngoài ra, thay vì mang hia, vua đi ủng da láng bóng, có trang trí hoa văn bằng bạc, ngang lưng mang đai cẩn ngọc, mang kiếm Pháp, đeo bao tay trắng, quần tây trắng, nhưng đầu vẫn bịt khăn đóng và có khi đội nón chóp. Cái nón này lợp bằng lông vũ, bọc lụa vàng, có chóp bằng vàng. Vua cũng có một cái nón chóp khác màu đen.


 


Thêm nữa, vua còn cải cách cả cách ăn mặc của các cận thần. Chẳng hạn, với thị vệ, thay vì mang hia, vua cho mang giày ống. Đồng phục của kỵ binh cũng được đổi mới, bỏ mặc áo trấn thủ, chân đất quấn xà cạp, mà được mặc áo nỉ đỏ, mặc quần trắng, đi giày, đội nón kiểu Tây. Có thể nói, chính lối phục sức nửa Tây nửa ta này cùng với hai bàn tay mang tám chiếc nhẫn mặt ngọc, đã làm cho nhiều người đương thời bài bác vua Khải Định.

 

Điện Kính Thiên 

1428 - Năm Mậu Thân thời nhà Lê, Lê Lợi cho xây điện Kính Thiên ở chính giữa Hòang thành, trên nền cũ chính điện thời Lý, trên đỉnh núi Nùng để làm chỗ bàn việc nước. Tháng tư, ngày rầm, Lê Thái Tổ lên ngôi ở điện Kính Thiên.



1467 - Năm Đinh Hợi, làm thêm lan can đá ở thềm điện, những thành bậc hiện nay còn thuộc thềm điện làm thời ấy :bốn thành chạy dài suốt 9 cấp, chia ra 3 lối đi vào điện. Hai dẫy thành giữa chạm hình rồng bò từ trên nền điện xuống, hai thành hai bên chạm rồng, giống cách điệu rồng cuồn cuộn.

1480 - Năm Canh Tý, lớp thành ngòai bao bọc tòan bộ khu Hòang thành và dân cư, lớp thành giữa bao bọc tòan bộ kiến trúc thuộc nhà vua gọi là Hòang thành, lớp trong cùng bao quanh các cung điện lầu các, nơi vua ở, làm việc, nghỉ ngơi, gọi là Cấm thành

(Nguyễn thị Chân Quỳnh)

 


Pho tượng “lạ” trong chùa Bà Đá

Nổi tiếng với những pho tượng thiêng, mang đậm bản sắc dân tộc, tại sao bỗng dưng ngôi chùa này lại xuất hiện pho tượng “lạ”? 

Mà “lạ” như thế nào?

 

Chú tiểu chỉ cho tôi pho tượng Phật ở ngay cửa vào ngôi chùa. Pho tượng Phật lạ ở chiếc áo xanh, tóc xanh, trông khác biệt với những tượng Phật trong chùa. Cạnh pho tượng này, có dàn bày 49 loại thuốc bắc được dâng lên để thờ cúng. Cạnh đó là chiếc lọ đựng 5 loại đậu 5 màu. Đó là những hình ảnh ít thấy trong các ngôi chùa miền Bắc, liệu có giống với một vài pho tượng dị thường mà tai tiếng gần đây?

 

Theo giáo lý đại thừa của Phật giáo thì Đức Phật Dược Sư là một vị Phật chữa bệnh cho chúng sinh, thầy của các loại thầy thuốc, còn gọi là Y vương (vua của các thầy thuốc). Đây là Phật giáo trên cơ sở hài hòa với tín ngưỡng dân gian, trên đó có dàn bày 49 loại thuốc bắc”. “Thưa Đại đức, tại sao lại thuốc bắc? 49 loại thuốc hàm ý điều gì?” Tại sao lại có 5 loại đậu 5 màu?”

Cái áo màu xanh của tượng Dược sư chính là cái áo của quan Ngự y nên mọi người thấy lạ, mà đúng là lạ thật. Pho tượng này hoàn toàn nằm trong truyền thống của Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con Phật tử. 

 

(Nguồn: Phùng Nguyên)

 


Câu đối ngoài quan ải 

Chuyện kể Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa, mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Ải quan đóng cửa. Mạc Đĩnh Chi nói mãi chúng cũng không chịu cho qua. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau.. Vế ra đối viết:
Quá quan trì, quan quan bế, át quá khách quá quan
(Tới cửa ải chậm trễ, cửa ải đóng, người coi ải đóng cửa không cho khách qua)

Câu đối khó vì 11 chữ của vế đối mà có tới bốn lần nhắc lại chữ quan. Vế đối hóc búa ở chỗ có các điệp từ “quan” và “quá” ngoắt ngoéo nhau. Mạc Đĩnh Chi thấy khó mà đối lại, nhưng ông đã nhanh trí để đối mẹo như sau:

Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối 
(Ra vế đối trước thì dễ, đối lại mới khó, xin mời ngài đối trước).

 

Vế đối của ông có 4 chữ “đối” và 3 chữ “tiên”, quá là hay, nên viên quan coi ải vái hai vái và mở cửa ải để sứ bộ của Mạc Đĩnh Chi đi qua biên giới vào giữa đêm. Lời bàn của Điền tiểu tử:

- Đọc âm Hán Việt thì vế ra có 4 chữ “Quan”, những chữ “Quan” khác đều có nghĩa là “cửa ải”, nhưng chữ “Quan” thứ ba lại có nghĩa là “quan tước”. 

 

Vế đối lại của Mạc Đĩnh Chi có 4 chữ “Đối”, nhưng đều chỉ có một nghĩa là “đối đáp”, nếu Điền tiểu tử này là người giữ ải nhất định đánh rớt, cấm cửa luôn!

- Cứ tưởng trấn cửa ải phải là võ tướng, ai dè quân Nguyên lại có lệ cho một viên văn quan ra giữ ải; đã vậy, viên quan coi ải này lại là người phóng túng bất chấp quân lệnh, chỉ vì một vế đối mà dám mở toang cửa ải cho cả đoàn người đi qua lúc nửa đêm!

- Ấy là chưa kể ban đêm, quan thả câu đối xuống cửa quan. Trời tối mù mù, trạng sao mà đọc được và viết câu đối lại được.


(Mạc Đĩnh Chi: “Lưỡng quốc trạng nguyên”? - Lê Huy Vĩnh)

 

***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân nhẹ nhàng và chua chát:
- Mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi.
Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là Nguyễn Tuân, không có gì khác.
- Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.
Nguyễn Tuân thong thả nói, như cho mình nghe:
- Biết đuổi theo đứa nào mà cải chính bây giờ, tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê bình…”


Những trang viết thực như vậy quả là những tư liệu đáng quý trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy nhiên, cuốn “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài lại gây xôn xao bạn đọc ở phần “bật mí” những khía cánh riêng tư của các ngôi sao văn học. Nhiều năm nay, thiên hạ đồn thổi về cái sự “tình trai” của Xuân Diệu, trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài đã huỵch toẹt ra chuyện đó:
“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần truồng trong mảnh chăn dạ… Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít cánh tay, cặp đùi thừng chão trói nhau lại, thít lại, giằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội, dằn ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi rời rã, thống khoái, im lặng. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn... Cơn sướng lại cơn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau…


(Nhật Tuấn)

 

***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Hồ Hữu Tuờng: Hồi ký làm báo 


Trong cuộc đời làm báo của Hồ Hữu Tường, ông đã gặp các nhân vật lịch sử các nhà cách mạng đàn anh như Phan Văn Truờng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền,... hay người đồng trang lứa như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... 


Viết hồi ký" 41 năm lám báo", ông cốt ý muốn dựng lại một thời kỳ lịch sử với những nhân vật có thực với những câu chuyện đầy chất lịch sử như nguồn gốc cái tên Nguyễn Ái Quốc hoặc câu chuyện nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đi bán dầu cù là rong để vừa hoạt động vừa là một cách dấn thân cho sinh kế...

 

(Nguyễn Mạnh Trinh)  



Chữ nghĩa làng văn


Bút danh của Lãng Nhân, rất đặc biệt. Lãng Nhân là phiên âm một từ ngữ Nhật Bản: Ronin, có nghĩa là một samurai mất chủ, đi lang bạt. Lãng Nhân Phùng Tất Đắc nguyên quán ở Nam Định, thân phụ là thương gia buôn bán nhỏ nhưng giao du rộng. 



Chữ nghĩa làng văn

Viễn phố

Gác mái, ngư ông về viễn phố của bà huyện Thanh Quan thì phố nghĩa là bến sông


 

 


Không có nhận xét nào: