Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 55 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Chữ Nghĩa Làng Văn 55

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***


Chữ Việt cổ


Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình…


Kẻ chợ: người khôn ngoan 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xới: xới chọi gà” 


Viết “sới” mới đúng. Vì “sới” trong “sới chọi gà” là “sới” trong “sới vật”, “sới võ”, Vietlex giảng là: “khoảng đất được bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim để tranh giải trong ngày hội”.


(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ nghĩa làng văn


Người Việt cổ sống nhờ nông nghiệp. Rồi đưa sản phẩm đến một mảnh đất có người ở để trao đổi, tiếng Hán gọi là “Kỳ”. 


Sau gọi là Kẻ, có nghĩa là làng. Như Kẻ Xổm ở Hà Đông, Kẻ Nõi ở Sơn Tây. Cuối thời Trần, Thăng Long được sử sách chép với tên Kẻ Chợ để phân biệt với Kẻ Sặt, Kẻ Lủ ở vùng quê



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“Xuất: khinh xuất” 


Viết đúng là “khinh suất” 輕 率. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” 輕 = xem nhẹ; “suất” 率= hấp tấp, không thận trọng.


(Hòang Tuấn Công)


Vấy


Vấy : bậy, hỏng

(làm vấy, nói vấy)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tục ngữ và thành ngữ


- Tục ngữ: là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán.


- Thành ngữ: một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu, mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.

Thí dụ như: "Cá bể, chim ngàn" hay "Người chửa, cửa mả"...


Có người nói tục ngữ là ngạn ngữ, là lời nói đã lưu hành từ xưa. 

Chữ ngạn có nghĩa là lời nói của người xưa.



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


Xứ: xứ bộ” 

Chỉ có “sứ bộ”, không có “xứ bộ” 

(Vietlex: “sứ bộ” 使 部 phái đoàn đi sứ thời xưa”).


(Hòang Tuấn Công)



Thành ngữ tục ngữ 

 

Kẻ ăn rươi, người chịu bão


Hằng năm, cứ khoảng thánh chín âm lịch, các ruộng nước chua mặn ở miền biển có giống rươi nổi lên. Người ta hớt rươi về làm thức ăn (chả rươi, mắm rươi). 

Nhưng mùa này cũng hay có bão làm thiệt hại. Câu này nói lên sự không công bằng: kẻ được ăn, người chịu vạ lây.


Nợ tang bồng

Trói chân kỳ ký tra vào rọ

Rút ruột tang bồng trả nợ cơm

(Nguyễn Công Trứ)


Kỳ ký: tên hai loại ngựa quí; Tang bồng: gỗ dâu và cỏ bồng, ngày xưa cung làm bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng, thường đi đôi với chữ hồ thỉ, chỉ chí trai vẫy vùng ngang dọc.



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“Xực: mũi xực lên; thơm xực”.

Viết đúng là “sực lên”, “thơm sực”.

(Hòang Tuấn Công)



Văn bút, nhân sự và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu


Đỗ Đức Thu sinh ngày 28-12-1909 tại Thái Bình, nguyên quán quê ông ở làng Mộc Hạ Đình, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Tác phẩm đầu tay của ông tựa đề là “Ba”, được giải thưởng của TLVĐ. Về sau ông gia nhập Văn đoàn Tự Lực, viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Ngày Nay.

Ông cũng từng là chủ tịch đầu tiên của nhóm Bút Việt sau đổi thành Trung tâm Văn Bút với nhiều nhiệm kỳ:

Ngày 17-8-1957: ông được bầu làm Chủ tịch Ban Vận Động Nhóm Bút Việt có cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Tchya Đái Đức Tuấn làm Phó Chủ tịch.

Niên Khóa 1960-1961: Ông là Chủ tịch Ban Chấp Hành Chính thức của Văn Bút, Tchya Đái Đức Tuấn và Phạm Việt Tuyền làm Phó Chủ Tịch .

Niên khóa 1961-1962: Ông rút lui để nhà văn Nhất Linh làm chủ tịch, LM. Thanh Lãng, kịch tác gia Vi Huyền Đắc làm phó chủ tịch.


Tác phẩm của nhà văn Đỗ Đức Thu

- Vỡ lòng (tiểu thuyết) NXB Đời Nay, Hà Nội

- Bốc đồng (tiểu thuyết) NXB Nguyễn Du, Hà Nội 1942

- Nhà bên kia (tập truyện ngắn) NXB Công Lực, Hà Nội, 1943

Ông mất ngày 5-3-1979 tại Tân Định, Sài Gòn, thọ 70 tuổi.


(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)

 


Thành ngữ hiện thực

Tôi có thể cưỡng lại tất cả mọi thứ… chỉ trừ sự cám dỗ

 


Học giả Hoàng Văn Chí

Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hơn nửa thế kỷ nay, từ 1959 tới nay, 2010, bảy chữ Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc, nhan đề của cuốn sách, hay cụm từ Vụ Nhân Văn - Giai Phẩm. Những chữ ấy hiện ra lần đầu tiên và tồn tại, từ cuốn sách của học giả Hoàng Văn Chí xuất bản tại Sài Gòn cuối thập niên 50.


Tiểu truyện Hoàng Văn Chí

Cuối thập niên 70 tại vùng tam biên Washington, D.C. - Maryland - Virginia, nổi bật hình ảnh lão trượng râu bạc như cước, mảnh mai, điềm nhiên thanh thản, tươi cười, người lúc nào cũng cầm trong tay một cái tẩu thuốc màu gụ. Đó là học giả Hoàng Văn Chí còn đang làm việc tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cư ngụ trong ngôi nhà có vườn tược xanh um, thoai thoải từ sân trước xuống thấp dần vào thung lũng sân sau. 


Khi được gặp tác giả “Trăm Hoa đã được dịch ra 12 thứ tiếng, kẻ hậu sinh nào không ngưỡng mộ? Không những thế, từ con người ấy toát ra một phong thái uyên áo, những nhận xét sắc bén kèm theo các thí dụ cụ thể. Ðược gặp cụ đôi lần, sau này đi định cư xa thì cụ nhắn “khi nào về thăm vùng D.C., ông nhớ ghé tôi.”  Tôi có ghé thăm cụ trong ngôi nhà Hoàng Môn ở Maryland, dường như chỉ hai hay ba năm trước khi cụ qua đời, tháng 7, 1988. 


Học giả “Trăm Hoa Ðua Nở Trên Ðất Bắc”  Hoàng Văn Chí  (trái) và tác giả Viên Linh tại Hoàng Môn, Maryland, vài năm trước khi cụ Hoàng từ trần, 6 tháng 7 - 1988. 


(Người phát giác vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” – Viên Linh) 

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Mấy đời bánh đúc có xương.
Mấy đời chơi net không vương tơ tình.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình .
Em xinh em hút thuốc lào cũng xinh.

 


167 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Khu lều bạt Thăng Long, nơi tạm trú sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố trên đất Khám Lớn Sài Gòn cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xấy cất chưa hoàn tất. 

Đặc san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, do anh Trần Thanh Hiệp làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm chủ bút. Chúng tôi, các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt, đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì

Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm bạn: Mai Thảo.

Mai Thảo gửi tới chúng tôi Đêm Giã Từ Hà Nội.
Tôi nhận được một bao thư dầy cộm, không địa chỉ người gửi, trong đựng xấp bản thảo đánh máy. Bút hiệu Mai Thảo hoàn toàn xa lạ với tôi. Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc: Phượng nhìn xuống vực thẳm: Hà Nội ở dưới ấy.

Câu trích đề của truyện đột ngột khác thường. Nó không trích ra từ một tác phẩm khác đã có. Nó như tự trên trời rớt xuống, hay nói như Mai Thảo là câu “bắt được của trời”. Cái chiều sâu của nó làm chóng mặt. Tưởng nên nhắc nhớ rằng ẩn dụ “vực thẳm”, cứ theo chỗ tôi biết, cho đến lúc bấy giờ chưa thấy được dùng trong văn chương Việt Nam. Phải đợi vài năm sau, khi Phạm Công Thiện xuất hiện với ảnh hưởng của Nietzsche, văn từ “hố thẳm” mới tràn lan và trở thành sáo ngữ.
Đọc hết truyện thì rõ câu trích đề là một câu ở trong truyện. Phượng là tên nhân vật. Nhớ trong buổi họp kiểm bài vở trước khi chuyển xuống nhà in, tôi đã không thể ngăn nổi mình yêu cầu các anh Hiệp, Sỹ, Tế nghe tôi đọc Đêm Giã Từ Hà Nội  đăng trọn trong một kỳ báo, không cần lời giới thiệu. Và tôi đọc say sưa, hùng hồn liên hồi. Và các anh chịu khó ngồi nghe trên căn gác lửng tối chật của tòa báo. Anh Tế kết thúc buổi họp nói đùa "Anh làm chúng tôi mất cái thú tự mình khám phá".

(Thanh Tâm Tuyền)



Đừng tưởng

Đừng tưởng cứ mới là tân.. 

Cứ hứa là chắc cứ ân là tình

(Bùi Giáng)



Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng     

Nhà báo Lê Ngộ Châu, điều hành tạp chí Bách Khoa trước 1975, đã qua đời tại Sài Gòn, ngày 24 tháng 9 vừa qua, thọ 83 tuổi.

Ít người biết đến tên Lê Ngộ Châu vì ông không viết sách, viết báo, chỉ âm thần phụ trách tòa soạn tạp chí Bách Khoa trong non hai mươi năm. Nhưng đa số những người làm văn học tại miền Nam trước đây đều biết và quý mến, thậm chí chịu ơn ông dẫn dắt. Muốn hiểu tình cảm sâu đậm đó, phải biết Bách Khoa không những là tạp chí có đời sống lâu dài nhất (1957-1975), mà còn có những đóng góp lớn lao cho đời sống văn hóa miền Nam thời đó.

 

Nhà văn Võ Phiến hợp tác chặt chẽ với Bách Khoa suốt thời gian này, đã nhận định:

“Người ta nhận thấy Bách Khoa qui tụ được đông đảo cây bút thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau; nó phản ảnh các chuyển biến của văn học qua nhiều giai đoạn; nó lưu lại một khối lượng bài vở lớn lao và giá trị, một kho tài liệu cho việc tìm hiểu cuộc sống của miền Nam trên nhiều phương diện. Trên Bách Khoa không phải chỉ có thơ văn, mà có cả những khảo luận về văn học, sử học, ngữ học, triết học, tôn giáo, hội họa, âm nhạc…; như thế không những trên Bách Khoa có những tìm tòi về nguồn gốc dân tộc, về các vấn đề của văn học cổ điển nước nhà chẳng hạn, mà còn liên tiếp có những giới thiệu các trào lưu tư tưởng Âu Tây mới nhất lúc bấy giờ : tiểu-thuyết-mới, hiện tượng học, cơ cấu luận v.v…”


(Đặng Tiến)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

cho dù số phận có long đong

anh vẫn yêu em trọn một lòng

ít nhiều thể hiện mình em biết

tiền tài, danh vọng cũng bằng không

(Jap Tiên sinh)



Dương Hùng Cường ở nhà giam Chí Hòa

Về cái chết của nhà văn Dương Hùng Cường…

Giữa, hay cuối năm 1987, tôi bàng hoàng khi được tin Dương Hùng Cường đã chết ở số 4 Phan Đăng Lưu (…) Anh em nói tối hôm trước ở những phòng tập thể, họ còn nghe tiếng Cường hát ở cửa gió biệt giam. Nhưng 8 giờ sáng hôm sau, cai tù đi một vòng điểm số. Không thấy Dương Hùng Cường đứng đưa mặt ra ô cửa gió. Mở cửa vào phòng biệt giam, cai tù mới thấy người tù nằm ngửa, đã chết trên sàn xi-măng… 

Thi thể nhà văn Dương Hùng Cường được đưa về nhà xác Chí Hòa. Vợ con anh được gọi đến nhà xác Chí Hòa nhìn mặt anh, chứng kiến tẩm liệm anh. Công an cộng sản tối kỵ việc cho thân nhân lãnh xác tù về nhà làm đám ma. Chúng cung cấp cho Dương Hùng Cường quan tài, xe chở lên chôn ở một nghĩa trang bên Lái Thiêu…

Tôi nhớ lại hình ảnh Cường trong chiếc áo pull xanh, quần kaki, túi quần áo đặt dưới chân, đứng trong hành lang C1, chờ cai tù mở cửa phòng biệt giam. Dương Hùng Cường, tôi đã gọi tên Cường một lần ở giữa lòng Sài Gòn bị chiếm đóng của chúng ta.” 


(Cái chết của nhà văn Dương Hùng Cường - Hòang Hải Thủy)


Phụ đính của người sưu tầm

Theo Vũ Uyên Giang khi biến cố 30 Tháng Tư, 1975, xảy ra, nhà văn Dương Hùng Cường không di tản. Thời gian này, vợ ông, bà Vương Thị Oanh, nữ sinh Trưng Vương, mang thai đứa con thứ sáu; và lại là con trai: Niềm mong ước trong bao nhiêu năm của ông. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng không được thấy mặt con lúc ra đời vì đã sớm bị tập trung “cải tạo”.

 


Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Tứ đẳng huyền đai không bằng dao phay chém lén.



Tưởng nhớ nhà thơ Nam kỳ lục tỉnh Trần Tuấn Kiệt

Những bài tùy bút sau này của Trần Tuấn Kiệt viết rất chân tình và cảm động, ông nhớ lại một thời đã sống bạt mạng, lãng tử trong giới cầm bút với nhiều khuôn mặt đã in sâu vào ký ức. Người con của Nam Kỳ Lục Tỉnh đã trở về với cát bụi. Và, hình ảnh Trần Tuấn Kiệt với tha nhân như hai câu thơ của ông:


Người thi sĩ đã một ngày gặp gỡ
Thì ngàn năm bóng sáng vẫn chưa tan


Bên kia bờ Thái Bình Dương, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt vừa vĩnh biệt cố hương. Bên này bờ Thái Bình Dương, nhà thơ Du Tử Lê qua đời tối thứ hai, tại tư gia ở Garden Grove, hưởng thọ 77 tuổi. Trong cùng một ngày, hai nhà thơ được giải Văn Học Nghệ Thuật đã vĩnh viễn ra đi!

(Vương Trùng Dương)



Chữ nghĩa lung tung trống kèn

Ngồi học hồn để lên mây
Ông tiên ổng hỏi: "Lên đây làm gì?"
Thưa rằng lên hỏi đề thi
Ông tiên ổng chửi: "Về đi, con mẹ mày...!"

(Jap Tiên sinh)



Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam - 1

Tôi thiển nghĩ nghiên cứu văn học một giai đoạn không thể giới hạn vào một dòng văn học nhất định. Văn học thời kỳ 1945-1954, mặc dù kháng chiến là nội dung chủ đạo, vẫn còn những tác phẩm ở thành thị. Nhiều tác phẩm trong thời kì này, như tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, không có nội dung kháng chiến. Tương tự như thế sau 1954 không phải chỉ có văn học miền Bắc mà còn có văn học miền Nam, và ngược lại, không phải chỉ có văn học miền Nam mà còn có văn học miền Bắc. Quá trình hình thành văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ hai mươi là tập hợp của các dòng văn học, nhưng đó không phải là một số cộng đơn thuần. Sự tồn tại song song của nhiều hơn một dòng văn học không phải là một hiện tượng mới lạ trên thế giới hay ở nước ta. Trong lịch sử đã có những dòng văn học riêng rẽ vừa đối kháng vừa bổ sung. 


Trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, có những tác giả phía Bắc và những tác giả phía Nam, nhưng ngày nay chúng ta không còn tìm cách phân biệt họ trên các quan điểm chính trị, trừ khi nhằm mục đích nghiên cứu cụ thể. Nếu văn học miền Bắc là một nền văn học cách mạng, văn học xã hội chủ nghĩa, phục vụ cho những đường lối của đảng, “trước hết đó là văn học phục vụ chính trị”, “ghi chép những thành tích, những chiến công”, như cách nói của Lê Ngọc Trà. 

             

Trong các tác phẩm văn học công khai trong nước ba mươi năm trở lại đây, có nhắc ít nhiều đến miền Nam dưới chế độ VNCH, tôi chưa từng may mắn đọc được một tác phẩm nào mô tả đúng thật hoàn cảnh mà tôi đã sinh ra, đã cắp sách đi học, đã vui chơi, đã hạnh phúc, đã đau khổ giữa cha mẹ, láng giềng, thầy cô, bè bạn, kẻ bên này, người bên kia, đã khóc trước xác chết của người thân, đúng như những con người mà tôi vẫn biết, những nhân vật cho đến nay vẫn chờ một ngày cuốn tiểu thuyết của họ được kể lại bởi các nhà văn am hiểu tường tận thời kỳ đó.


(Nguyễn Đức Tùng)



Tục ngữ hiện đại, hiện thực

Đất lành chim đậu,

Chim chưa đậu đã… nhậu hết chim


Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam - 2

Gần đây trong nước, việc khôi phục văn chương tiền chiến, Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn,  đã tạo ra những nhận thức mới, góp phần vào việc làm phong phú hoá đời sống văn học và đời sống tinh thần của người Việt, giúp hiểu đúng đắn hơn lịch sử. Đã có một vài cố gắng nhìn lại văn học miền Nam trong những bài viết rải rác đó đây của các tác giả mà tôi nhớ tên, tất nhiên là không đầy đủ, như Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huệ Chi v.v. Báo Văn Nghệ, trang web của Hội Nhà Văn và một vài trang web trong nước khác cũng đăng lại một số tác phẩm miền Nam. Tôi nghĩ đó là nỗ lực, khởi đi từ những cá nhân tâm huyết, rất đáng trân trọng. Nhưng một nền văn học cần được nghiên cứu một cách hệ thống, với những tiếp cận đặc trưng cho nền văn học ấy.


Nếu có một thời điểm nào thích hợp để mỗi chúng ta ngồi xuống lắng nghe bài giảng của lịch sử, như những người học trò nhỏ, thì đó là thời điểm hiện nay. Tôi lớn lên ở làng quê nghèo, thuở bé lẽo đẽo theo mẹ đi giữa những luống cà chua, khoai lang, những cánh đồng bên bờ sông, trồng bắp, trồng đậu, trồng lúa, những buổi trưa lang thang bắt tổ chim, bắn súng cao su, tắm sông. 


Tôi đã sống qua chiến tranh, chứng kiến cái chết, sự đau khổ của bao nhiêu người, trong đó có gia đình tôi. Có điều lạ lùng là sau tất cả những năm tháng ấy, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều có một cảm giác giống nhau, cảm giác êm dịu. Tôi tin rằng cảm giác ấy chỉ có được khi người ta sinh ra và lớn lên trong khung cảnh thanh bình thơ mộng, dù chỉ là tạm thời, được đọc những cuốn sách lãng mạn đầu đời, những cuốn sách mà về sau có người ném đi vì cho rằng chúng chẳng có giá trị phản ảnh hiện thực gì cả, nếu người ta được đọc những cuốn sách như thế, được úp khuôn mặt bé bỏng của mình lúc lên chín tuổi giữa hai trang sách còn thơm mùi giấy mới, đó là cảm giác êm dịu đối với cuộc đời.  


(Nguyễn Đức Tùng)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tiền là giấy ==> Đốt là cháy
Người yêu là rác ==> Đầy là đổ.
Tình là bụi ==> Thổi là bay.
Đời là phù du ==> Ngu là phù mỏ.



Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, 

Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi


Nhà văn Nguyễn Tuân trước cách mạng nổi đình đám với “Vang bóng một thời”, nhưng từ sau cách mạng ông tự tước bỏ gai góc, xù xì để trở thành một nhà văn chỉ “ngợi ca chế độ” :
Vang bóng một thời đâu dễ quên
Sông Đà
ũng muốn đẩy thuyền lênc

Chén rượu tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại chút lệ ưu phiền


Nhà thơ Lưu Trọng Lư, “con nai vàng “ đã thành “vờ ngơ ngác” để leo lên tới chức vụ trưởng vụ văn nghệ :
“Em không nghe mùa thu
Mùa thu chỉ có lá
Em không nghe rừng thu
Rừng mưa to gió cả
Em thích nghe mùa Xuân
Con nai vờ ngơ ngác
ca bài cải lương…”


Nhà thơ Huy Cận ngày xưa với “Lửa Thiêng”, sau khi đi theo cách mạng, thơ ông cũng “nói dối” :
“Các vị La hán chùa Tây Phương
Các vị gầy quá còn tôi thì béo
Năm xưa tôi hát vũ trụ ca
Bây giờ tôi hát đất nở hoa
Tôi hát chiến trường như trảy hội
Đừng nên xấu hổ khi nói dối
Việc gì mặt ủ với mày chau
Trời mỗi ngày lại sáng có sao đâu ?”


Nhà thơ Xuân Diệu ngày xưa có Thơ thơ, nay thì :
Hai đợt sóng dâng, Một khối hồng 
Không làm trôi được chút Phấn thông 
Chao ơi Ngói mới, nhà không mới 
Riêng còn chẳng có, có gì Chung


Nhà văn Nguyễn Đình Thi tuy làm quan cách mạng nhưng vẫn viết “con nai đen” ngụ ý xỏ xiên:
Xung kích tràn lên nước vỡ bờ
Đã vào lửa đỏ hãy còn mơ
Bay chi mặt trận trên cao ấy
Quên chú nai đen vẫn đứng chờ…” 


(Nhât Tuấn)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tóc thề em xoã ngang vai.
Anh mà đụng tới bạt tay bây giờ



Đuờng văn ngõ chữ

Hữu Thỉnh tin tướng số, tử vi

Nguyễn Hữu Thỉnh (chủ tịch Hội Nhà văn) có máu làm quan, chỉ cố chí leo lên cho được một cái ghế lãnh đạo thật cao. Hắn tin ở bói tóan. Đi đâu cũng xem giờ xuất hành và thắp hương khấn vái.

 

Một hôm, Trung Đức, nhà ở Tràng Tiền, mời Thỉnh và tôi đến nhậu. Nguyễn Hữu Thỉnh tự khoe tướng của mình rất tốt: “Em lông mày lưỡi mác, em còn lên” – Thỉnh vừa nói vừa chọc chọc ngón tay lên cao. Lúc ấy Thỉnh mới là Uỷ Viên Chấp Hành Hội Nhà Văn. Thỉnh xoay ra xem tướng tôi: “Anh  cái nốt ruồi bên trái mũi. Nếu  vào giữa sống mũi thì 

anh đi  rồi. Nếu  đầu mũi, anh đi ăn mày!”. Thỉnh nói dứt khoát như thế.

 

Từ ngày ấy, không biết có phải nhờ trời phật phù hộ không mà Thỉnh cứ lên vùn vụt. Từ uỷ viên chấp hành lên Tổng Thư Kí. Xuýt nữa vào nhà đỏ. Thực ra mẹo của Thỉnh là lấy lòng cả làng, nịnh tuốt. Đối với người già, Thỉnh tổ chức chúc thọ đầu năm, lập Hội Nhà Văn Cao Tuổi. Đối với bọn làm thơ đang chẳng có ai thèm đọc, hắn tổ chức Hội Thơ Xuân. Thỉnh đúng là một “Thiên tài hiếu hỷ” – Nguyễn Huy Thiệp nói đúng. Ai có cha già mẹ héo, ai ốm đau hay gặp tai nạn gì, Thỉnh đến ngay và có phong bì. Vừa rồi, họp đại hội nhà văn lần thứ 7, tôi bị ngã. Hôm sau Thỉnh đã đến thăm rồi.

 

Thỉnh có cách phát biểu ca ngợi người khác rất tâm huyết. Được khen một cách đầy tâm huyết, ai chả thích!

Nhớ một lần gặp tôi ở khách sạn nổi Hồ Tây – hôm ấy Hội Nhà văn có liên hoan gì đó. Thỉnh ôm lấy tôi, nói lớn: “Nhà phê bình nghệ sĩ!”. Những lời lẽ tâm huyết như thế, chắc Thỉnh ban phát cho nhiều người.

 

Một lần, tại Mộc Châu, tôi ở cùng phòng với Thỉnh. Có một cây bút trẻ đến đọc thơ cho Thỉnh nghe. Hai tay ngồi trên cái giường một, còn tôi ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ. Thỉnh thoảng tôi lại giật mình vì Thỉnh vỗ đùi nói lớn: “Tuyệt!” Đối với một cây bút cấp tỉnh, cấp huyện, được một nhà thơ Uỷ Viên Chấp Hành Hội, khen thơ mình như thế thì sướng quá rồi còn gì!

Thỉnh thoảng Thỉnh lại điện cho những cây bút địa phương gửi bài đến để anh đăng trên báo trung ương. Đối với các cây bút tỉnh lẻ, được đăng bài trên báo trung ương là danh giá lắm!

 

Nhưng có điều này thì Thỉnh lại cứng rắn hơn ai hết, nguyên tắc hơn ai hết: đừng đụng đến cái ghế của anh ta, đừng cản trở con đường thăng quan tiến chức của anh ta. Về mặt này Thỉnh sẵn sàng đổi trắng thay đen, trở mặt như bàn tay.


(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh) 



Giai thọai làng văn xóm chữ 

Toa” soạn chứ không phải “toà”


Vào lúc An Nam Tạp Chí có cơ bị đình bản, Tản Đà tính nước đem báo từ Hà Nội vào Vinh, ông phải tới nơi lo việc này, vì thế những ngày ấy công việc tòa soạn có khi phải làm trên toa xe lửa nối hai thành phố. Có hôm, sáng từ Hà Nội xe lửa vào Vinh, đêm lại từ Vinh xe lửa ra Hà Nội. Tản Đà làm riết công việc tòa soạn lưu động kiểu ấy khiến ông soát vé chẳng những quen mặt mà quen luôn cả đồ nghề làm báo của Tản Đà: một cái giỏ tre đan, bầy công khai vài thứ mà chỉ cần nhìn là... khỏi phải soát vé. 


Xin trích nguyên văn bài tường thuật một buổi làm việc trên tầu của ông chủ bút hay thơ này: 

“Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về. Hành lý của ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và một cái khăn mặt ướt đựng trong cái giỏ tròn bằng tre đan có quai xách. Thường lúc buồn ông vẫn uống rượu trên tàu. Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để ngủ cho đỡ gió. 

Tôi hết chỗ nằm phải ngồi cạnh ông để ngủ gật. Đến một ga, một ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông gắt người nọ cự người kia. Đương đêm ai phải dậy mà không khó chịu và nhanh nhảu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay. Nhưng lạ một nỗi là ông ta không đánh thức ông Tản Đà mà chỉ ngó nhìn vào cái giỏ có lòi cái cổ chai ra mà thôi rồi yên trí hỏi vé tôi là người bên cạnh.”  


(Nguyễn Công Hoan, Tao Đàn số 9-10 năm 1939)



Về bài thơ Hồ Trường

Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ

Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.


Theo nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng:

“… Nguyễn Bá Trác có phải là tác giả bài “Hồ Trường”? Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm ra bài thơ Hồ Trường được chính thức đăng vào sách văn học trước 1945 hoặc trước 1975 tại Việt Nam. 


Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng có nghe bạn bè ngâm hay đọc bài thơ này, nhưng không biết rõ xuất xứ. Người ta nói tác giả bài thơ là Nguyễn Bá Trác. Nhưng tôi hỏi các cụ nhà nho ở Huế mà nhiều người biết Nguyễn Bá Trác. Trong đó có những vị là thầy dạy của tôi là cụ Võ Như Nguyện (trưởng nam của cụ Võ Bá Hạp), nhưng không ai nghe nói đến bài Hồ Trường này.



Điện Kính Thiên 

1802 - Gia Long ra Thăng Long, ngự điện Kính Thiên do nhà Lê dựng, bầy tôi chầu mừng. Nhà Nguyễn dùng điện Kính Thiên làm Hành cung, vẫn gọi theo tên cũ.

1805 - Gia Long thứ tư, phá Hòang thành cũ, xây lại thành Thăng Long nhỏ đi rất nhiều, theo kiểu mẫu Vauban vuông vắn, mỗi bề khỏang một cây số (vì không được phép xây to hơn Hòang thành nhà Nguyễn ở Huế). Tường cao một trượng 5 thước, mở 5 cửa Đông, Tây, Bắc, Đông Nam, Tây Nam.


Sai quan đốc việc xây đắp điện Kính Thiên, xây hơi lệch về hướng Tây (theo phong thủy) trên núi Nùng. Thềm điện có 9 bâc, nội điện xây tường gạch. Trước mặt điện xây một đường cổng bằng đá thẳng đến Đoan Môn, có biển bằng đá khắc hai chữ "Đoan Môn", đây là di tích từ thời nhà Lý. Có ba cửa, chính giữa dành cho vua đi, hai bên cho các quan. 


Gia Long đổi tên thành Thăng Long. Chữ "long" nghĩa là "rồng" đổi thành chữ "long" nghĩa là "thịnh", lấy cớ rồng tượng trưng cho vua, nay vua không ở Thăng Long thì không được dùng chữ ắy.


(Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Bản chửi mất gà Bắc Kỳ


Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng. Sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà bây giờ nó bị mất. Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy… ấy… ấy !

 

Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa. Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà.  Này bà bảo cho chúng mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn… Con gà nó ở nhà bà là con gà. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, con thành đanh mỏ đỏ, nó sẽ mổ mắt, xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ , chồng, con cái nhà mày đấy… ây… ấy !

 

Mày mà ăn thì con gà nhà bà thì ăn một miếng chết một đứa, ăn hai miếng chết hai đứa, ăn ba miếng chết ba đứa, và ăn cả con gà đó sẽ chết cả nhà cả ổ nhà mày.

Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau. Chết mau, chết sớm! Chết trẻ, đẻ ngang nhá.

 

Bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng, đưa đám tang cả nhà mày ra đồng làng chôn đấy. Mày có khôn hồn, mang trả ngay con gà đó cho bà, kẻo không bà đào mồ, quật mả cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, thúc, bá, đệ, huynh, cô, dì, tỷ, muội nhà mày đấy.

Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên a… Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy, bà tha cho mày.


Chùa Bà Đanh 

 

Chùa của thần linh Chàm được họ mang theo thờ cúng trên kinh đô nước Việt là "chùa" Bà Ðanh. Ðây rõ ràng là một "chùa" thờ thần Po Yan Dari, sau này Việt hóa ngay trên đất Chàm cũ là Ðĩ Dàng, Lỗ Lường (Khánh Hòa). Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần. Tên Bà Banh là ý "phô phang" đó, còn tên Bà Ðanh là nói về cây gậy (hẳn bằng đá ở chùa này). Xét các tượng còn đến bây giờ, ta phải tiếc là đã mất đi pho tượng đặc biệt này.

 

Bia 1699 còn lại sau lần phá dỡ năm 1907 chỉ rõ tên nôm của chùa là Bà Ðanh Tự, còn tên Hán Việt là Châu Lâm Tự, tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nộị, Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. 

Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh. Đầu thế kỷ XIX, chùa trở nên hoang phế,

 

Chùa Bà Đanh có tên bình dân khác là chùa Bà Banh.

Nguồn được xác nhận hiện diện khoảng 1720-1729 trong gia phả của Nguyễn Quỳnh (Trạng Quỳnh) với câu chuyện bài thơ ghẹo Thần của ông "trạng" này.

Sau khi Pháp chiếm Hà Nội, họ lấy khu đất này để lập trường Trung học bảo hộ (1907) - nay là trường trung học Chu Văn An, vì thế chùa Châu Lâm phải dời về phía Tây Nam, ở cuối làng và đổi sang tên mới là chùa Phúc Lâm. Dấu tích của chùa Phúc Lâm hiện vẫn còn giữ lại được tấm bia ghi rõ: Bà Đanh tự.


(Thần, người và đất Việt - Tạ Chí Ðại Trường)



Giai thọai làng văn xóm chữ 

Con chó chửa từ bi

Lúc còn trẻ, Nguyễn Công Trứ là người rất tinh nghịch, thường hay lảng vảng vào các chùa, miếu mạo miếu ở làng để chơi đùa, vẽ bậy. Có lần lại bê cả xôi, chuối, rượu, thịt ở bệ thờ về đánh chén, khiến thủ từ cứ nghi hoặc mà chẳng dám kêu ca.

Một buổi tối, Nguyễn Công Trứ lẻn vào miếu lấy rượu, thịt xuống nhắm say khướt, rồi lại nâng chén ghé mãi vào miệng long thần. Thấy pho tượng cứ ngồi yên không nhúc nhích, ông tức mình vật ngửa tượng ra đổ rượu vào mồm rồi mới đi về.


Sáng mai tỉnh dậy, không biết là ông hối hận hay nghĩ thế nào mà lại làm bài thơ rồi đem ra dán ở miếu để tạ long thần: 

Hôm qua trời tối tới chơi đây

Ðánh phải long thần mấy cẳng tay

Khi tỉnh thời nào ai có dám

Say


Lại có người kể, nho Củng (tên cúng cơm của Nguyễn Công Trứ) ra về, nhưng vừa bước đến giữa sân thì hai con chó nhà chùa xổ ra cắn. May có chú tiểu ngăn mãi mới được. Nho Củng dừng lại nhìn quanh chùa rồi ngâm hai câu như một lời nhắn gửi: 

Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá

Còn hai con chó chửa từ bi



Thành ngữ tục ngữ sai 


Một tiền gà, ba tiền thóc

Bỏ ra ba đồng mới thu về được một đồng. Ví dụ như thu hoạch được một bồ lúa thì phải bỏ ra bao nhiêu công sức như cày cấy giống, má, phân bón và công sức lao động.


Nghĩa đen nằm ngay trong bản thân câu tục ngữ, không hiểu sao tác giả Nguyễn Cừ lại đi lấy chuyện cày cấy, chăm bón để ví với chuyện nuôi gà? Mà so sánh rất khập khiễng.


Nghĩa đen: Nuôi gà không có lãi, vì gà ăn phạm vào lương thực. Tiền gà bán đi chỉ một đồng, vì nhìn thấy được nên tưởng là lãi, tuy nhiên thực tế chi phí thóc để nuôi chúng mỗi ngày một ít.

Tục ngữ, thành ngữ thường lấy các sự vật, hiện tượng xung quanh để làm “giáo cụ trực quan” cho nghĩa đen, qua đó đúc rút kinh nghiệm về quan hệ ứng xử. Bởi vậy, người “giải nghĩa tục ngữ” không những cần phải hiểu biết về những “giáo cụ” đó mà còn phải có hiểu biết về phong tục, tập quán, tâm lý, v…v.. 


(Hoàng Tuấn Công)


***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Thực là một trang đặc tả mà ngay đến các cây bút “hậu hiện đại” cũng chưa chắc viết nổi. Còn chàng Hoàng Cát, một “tình trai“ của Xuân Diệu, khi lên đường vào B được Xuân Diệu tặng thơ với lời yêu đương thống thiết:
“Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời…”


Ấy thế mà khi Cát trở về Hà Nội viết “Cây táo ông Lành” đăng báo Văn Nghệ bị đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt ngó lơ.


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Tản Đà đưa Nguyễn Công Hoan vào văn học - 1


Nguyễn Công Hoan kể: Do trọ học ở Hàng Hài, mà ông sớm làm quen với Tản Đà. “Ông Tản Đà thấy tôi khôi ngô, lanh lợi, nên tuy tôi ít tuổi hơn ông nhiều, nhưng ông không coi tôi như trẻ con”. 


Mối giao tình giữa Nguyễn Công Hoan và Tản Đà kéo rất dài, đến nỗi, sau này, có người ngạc nhiên, tại sao một người trữ tình duyên dáng như Tản Đà, lại rất thân với một người bông phèng, tinh quái như Nguyễn Công Hoan. Và người ta bảo tác giả Bước Đường Cùng là một thứ “quái thai” của tác giả Khối Tình Con (!) Có điều là dù bông phèng thế nào, bao giờ Nguyễn Công Hoan cũng dành cho Tản Đà những dòng rất trân trọng.

Nguyễn Công Hoan thường bảo mình viết văn do năng khiếu và người ta nói chung viết được là do trời sinh ra, không có bài bản nào sẵn, không có trường sở nào dậy được. Nhưng chẳng phải cái môi trường trong đó có Tản Đà?


(Vương Trí Nhàn)



Chữ nghĩa làng văn

Tản Đà đưa Nguyễn Công Hoan vào văn học - 2

Về sau, dù đi dạy học ở xa, Nguyễn Công Hoan thường vẫn gắn bó với đời sống văn học Hà Nội. Ông về Hà Nội để trông nom báo giúp bè bạn, như bàn với Tản Đà việc tái bản An Nam Tạp Chí.


Khi Tản Đà mất 1939, Nguyễn Công Hoan có viết một bài kể chuyện những lần gặp Tản Đà, trong đó có một lần gặp ngay ở báo quán của nhà thơ, khi ông đang phải dúm dùm chèo chống An Nam Tạp Chí. Cảnh sống của Tản Đà thật eo hẹp:

 “Tôi buồn ngủ phải nằm ghé vào bàn đèn thuốc phiện bày ở phản cạnh bàn làm việc của ông mà giấy má, muối, vỏ trứng, bụi hoả lò bừa bãi”.

(Vương Trí Nhàn)














Không có nhận xét nào: