Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 63- Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn 63

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

***

Xăm xăm

Xăm xăm : đi về một hướng


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 


Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

- Đừng lo, đàn em này trang trải mà… hôm nay vào câu lửa(2)


2. Trúng mánh lớn    


(Thằng người có đuôi - Thế Giang)

 


Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại…


Con ranh: con đẻ ra liền chết.

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“siêu: siêu tán. → không viết: xiêu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (nhưhồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…).  “xiêu tán 飄 散 [phiêu tán nói trại] như phiêu tándân phải xiêu tán vì giặc giã” 

(Hòang Tuấn Công)


Từ điển chính tả sai lỗi... chính tả


“siêu: liêu siêu. → không viết: xiêu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “xiêu” mới đúng. Nếu xem “liêu xiêu” là từ láy, thì “xiêu” chính là tiếng gốc, có nghĩa là xiêu vẹo, xiêu đổ.  “liêu xiêu ở trạng thái ngả nghiêng, lệch như muốn đổ. Đi liêu xiêu chỉ chực ngã”.

(Hòang Tuấn Công)


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“síu: tí síu. → không viết: xíu”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 

Viết “xíu” mới đúng. Vì “xíu” nghĩa là “nhỏ” (trong “bé xíu”, “chút xíu”). tí xíu như chút xíuCòn tí xíu nữa”. 


(Hòang Tuấn Công)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tầu, Tàu... 

Huỳnh Tịnh Của định nghĩa Tàu (chữ Hán, chữ Nôm) là thuyền lớn, thuyền đi biển. 


(Nguyễn Dư)


Câu đối Tết

Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Đầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co chân đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà
  l

Theo Dương Quảng Hàm thì câu đối này của Nguyễn Công Trứ

(Trích từ Văn Hóa Việt)

 


Góp nhặt phố văn ngõ chữ

Chu Tử, nhà văn chết đầu nước

Nhà văn Chu Tử có tên khai sinh là Chu Văn Bình, ra đời ngày 17 Tháng Tư năm 1917 tại làng Mía, Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Theo lời tự thuật của ông, vì bạn bè trong lớp sỉ nhục, sau khi đậu tiểu học, ông chỉ mất có ba năm thì thi đậu tú tài. Mất thêm mấy năm nữa, ông học Luật tới năm thứ ba, rồi nghỉ một thời gian, không rõ vì sao. 

Tham gia sinh hoạt đấu tranh từ nhỏ, trong khi còn học lớp nhất trường Hưng Hóa, Chu Tử, vào đêm nổi dậy của Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930, đã theo đàn anh Nguyễn Khắc Nhu, biệt danh Xứ Nhu, phó đảng trưởng, đi hạ đồn Hưng Hóa. 

Thất bại, bơi qua sông trên đường rút lui, tới được bờ thì quá mệt, và quá vui, nhà cách mạng 13 tuổi ngủ một giấc, và từ đó mất liên lạc với Xứ Nhu. Ông bị tù thời Pháp, sau đó còn bị tù thời Nhật, thời Ngô Ðình Diệm, như ông viết. Tuy vậy thời Việt Minh, ông có lần ngồi xử án một vài phiên tòa địa phương.

(Viên Linh)


Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Ăn bánh mi sốt vang Hoè Nhai
(Nguồn: Tôi đi đâu)


Thuở mơ làm văn sĩ

Đời sống của Dương Nghiễm Mậu khác hẳn chúng tôi, anh làm ăn cần cù, đời sống mực thước. Tiền bạc anh kiếm được do việc viết lách anh ăn xài rất là tiện tặn. Anh có điều đặc biệt là chưa bao giờ biết đi xe đạp, trong túi anh lúc nào cũng có tấm thẻ xe buýt. Tất cả anh em chúng tôi đều quý mến anh, anh sống chín chắn, nhưng không thiếu hào hiệp khi bạn bè gặp cùng cảnh khổ.

Tôi nhớ hoài hình ảnh anh khi đứng với tay lên tủ sách, giở cuốn sách kẹp những đồng bạc phẳng phiu anh dành dụm trao cho tôi và Hoài Nam. Khi chúng tôi vì hoàn cảnh bắt buộc phải đi bụi đời. 

Đến gần 9 giờ đến nhà Dương Nghiễm Mậu. Hoài Nam ra đời sớm, anh không ngoan khi phải ứng phó. Anh vào thẳng vấn đề với Dương Nghiễm mậu:
- Bọn tớ đói, nhà cậu có cơm nguội cho chúng tớ ăn đỡ, không cần thức ăn, muối hay nước tương là được rồi....
- Còn cơm đó, nhưng ít quá sợ các cậu không đủ no.
- Cũng được, bọn tớ sắp sỉu, xe đạp chở nhau lại xịt lốp tới được đây mệt quá là mệt.
Dương Nghiễm Mậu mau mắn chia đều phần cơm trong nồi cho hai thằng:
- Ăn đỡ đi, mình ra ngoài quán uống cà phê rồi mua thêm cái gì ăn. Này mang chiếc xe vá đi, đừng lo, tớ trả tiền cho.

Dương Nghiễm Mậu với tay lên tủ sách, anh lấy xuống một quyển sách dầy, giở trang ra, anh lấy một số tiền, những tờ giấy bạc phẳng phiu:
- Chẳng nhiều nhặn gì, đây là những đồng bạc tớ để dành để giúp đỡ bạn bè. các cậu thiếu thốn cứ đến tớ, đừng để đói quá như hôm nay.
Tôi thực sự cảm động và chẳng bao giờ quên được hình ảnh nghĩa cử này.
 

(Nguyễn Thụy Long)


Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương

Dẫn nhập: Cũng như mọi người, giữa trần gian, họ đã đến, đã sống buồn, vui, vinh, nhục, đã làm việc, đã phấn đấu… và rồi theo lớp tuổi, thanh thỏa với cuộc đời, họ lần lượt ra đi. Ra đi, nhưng không hề biến mất; không những thế, tiếp tục tồn tại. Bằng thơ, văn, bằng chữ, nghĩa, họ vẫn hiện diện. Vẫn thở, vẫn nói, vẫn đối thoại với cuộc đời, giữa mọi người.

Họ! Đó là năm khuôn mặt văn học nghệ thuật, bốn ở hải ngoại và một ở trong nước, từ giã chúng ta năm 2019. Tin buồn đầu tiên đến từ San Jose: nhà văn Hoàng Ngọc Biên (16/5). Chưa tới một tuần lễ sau, nhà thơ Tô Thùy Yên (21/5/2019) từ Houston. Năm tháng sau, ngày 4/10, nhà văn Phan Huy Đường, Paris (Pháp). Hai ngày sau, nhà thơ Du Tử Lê, Westminster, California (7/10). Một ngày sau, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt (8/10) từ Sài Gòn.


Hòang Ngọc Biên

Hoàng Ngọc Biên sinh năm 1938 ở Quảng Trị, tốt nghiệp đại học sư phạm Pháp văn năm 1961. Anh vừa đi dạy học vừa xuất bản sách, phụ trách phần mỹ thuật cho các báo và nhà xuất bản ở Sài Gòn; anh cũng nằm trong ban biên tập của tạp chí Trình Bày.

Là nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ, dịch giả, họa sĩ, anh là tác giả của nhiều tập thơ, tập truyện, công trình biên khảo được nhiều người biết từ trước năm 1975 và tham dự nhiều lần triển lãm tranh ở Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Goethe, Pháp Văn Đồng Minh Hội, Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, cũng trước năm 1975.

Anh xuất bản gần 20 tác phẩm, vừa truyện, thơ, dịch thuật và tiểu luận văn học.

- Thơ: Uống trà sớm mai; Đất và người và thần thoại Việt Nam; Biển ngày đêm; Chân mây cuối trời.

- Truyện và đoản văn: Đêm ngủ ở tỉnh; Người đạp xe vào thành phố buổi sáng; Quê hương, người về.

- Dịch thuật: Thơ Pasternak, con người và tác phẩm; Tĩnh vật và những bài thơ khác của Joseph Brodsky.


(Trần Dõan Nho)


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Yêu anh không kể giàu nghèo.
Chỉ cần anh có vài căn mặt tiền.


Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn


Đêm thấy ta là thác đổ


Đây là một bài hát, một bài thơ thuộc dạng nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà đảm bảo từ cái tựa đề bài hát thôi là đã làm người nghe thấy mông lung, chóng mặt rồi. Sao tự nhiên đêm thấy ta là thác đổ? Nghe có vẻ siêu nhiên kỳ bí quá.

Có một vị thiền lâu năm đã thốt lên: “Trịnh Công Sơn phải là sư tổ môn thiền học mới ‘đạt’ được cái trạng thái ‘thác đổ’ này”.

 

Những ai theo thiền môn lâu năm đều biết, mỗi khi thiền xong, khi mở mắt ra là nghe thấy trong đầu còn có “âm vang như có tiếng thác đổ”. Thành ra “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ” cũng là thật chứ không phải là chuyện siêu nhiên kỳ bí gì cả. Khi tỉnh ra, thì “vẫn như còn nghe”.


Nhìn lại một số tạp chí miền Nam

Sau 1963, phần đông quy tụ trên các tờ Hành Trình, Đất Nước, Thái Độ, Trình Bày...


Những tạp chí này đều xuất hiện sau khi Huế xuất hiện tờ Lập Trường do Tôn Thất Hanh làm chủ nhiệm. Tờ Lập Trường chỉ là tiếng nói của Phật Giáo và vẫn phản ảnh quan điểm phản động với cộng sản. Bởi trên thực tế, tờ Lập Trường tuy được phong trào Phật Giáo yểm trợ nhưng kể như bị chi phối nặng nề bởi cộng sản, ít nhất cũng thông qua chủ nhiệm Tôn Thất Hanh, 


(Hai mươi năm miền Nam 1955-1975 - Nguyễn Văn Lục)


Văn bút, nhân sự và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu 

Vũ Hạnh được che chở trong sự nghiệp cầm bút nhờ Văn Bút Việt Nam (1957-1975) qua thời kỳ Vũ Hoàng Chương và Linh Mục Thanh Lãng (thời kỳ tiền nhiệm với Đỗ Đức Thu, Nhất Linh). 

Trong danh sách Văn Bút Việt Nam có 160 hội viên và Vũ Hạnh ở số thứ tự 28, nhờ uy tín của VBVN và đảm trách biên tập trong tờ Tin Sách nên khi có chuyện “bất an với nghi can” thì được che chở…” Việc xin thả Vũ Hạnh sau khi bị công an bắt giam, đúng là có sự can thiệp của Trung tâm Văn Bút VN, nhưng không chỉ một mình chủ tịch Văn Bút Thanh Lãng tự ý quyết định riêng như dư luận vẫn nhắc tới mà là do ý kiến của đa số thành viên trong ban chấp hành.

Vũ Hạnh là một hội viên Văn Bút. Ông ta rất siêng năng đi họp, không buổi họp nào của Ban Thường Vụ vào buổi tối Thứ Tư hằng tuần ở trụ sở số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn mà lại vắng mặt. 

Thời gian đó không ai nghĩ Vũ Hạnh là một kẻ nằm vùng mà chỉ coi ông ta là một đồng nghiệp chăm chỉ, dễ chịu, chưa một lần nào góp ý hay đề nghị Văn Bút tiến hành một công tác gì có lợi cho CS. Tình văn hữu do đó có cơ hội nẩy nở và công việc của Văn Bút vẫn tiến hành một cách suôn sẻ.

Cho đến khi giới chức trách về an ninh xác nhận đích thị Vũ Hạnh là cán bộ CS nằm vùng, tuy không ai cải chính nhưng cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên. Phải hiểu đó là một sự buông thả dễ dãi, một căn bệnh của trí thức miền Nam ở thời kỳ đó.

Trong tình cảnh miền Nam phải đối đầu với CS, sự can thiệp xin trả tự do cho Vũ Hạnh như thế tất nhiên là sai trái. Và những sai trái kiểu đó cũng đã xẩy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành hẳn đã góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ miền Nam.


(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)


Câu đố dân gian

Có chân mà chẳng biết đi,
Có mặt phẳng lì cho kẻ ngồi trên

(cái ghế)


Chân dung hay chân tướng nhà văn? 

Xuân Sách với Tôi Về Tới Bên Sông Xưa

Cầm súng rồi cầm bút, Xuân Sách đi qua chiến tranh và đi qua hòa bình bằng những ưu tư riêng.


 

(Nhận diện Chân dung nhà văn)


Thành hay bại, hân hoan hay đau khổ, Xuân Sách đều gửi gắm vào thơ. Bây giờ ông đã đi xa, muốn hiểu những ngày ông đã sống, chỉ cần chậm rãi đọc lại thơ ông.

Sau mấy năm thường xuyên đau yếu tại Vũng Tàu, nhà thơ Xuân Sách bảo: "Tớ ra Hà Nội ở với con gái để có điều kiện chữa bệnh!". Ừ thì ông đi. Thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi, giọng Xuân Sách buồn buồn: "Tớ vừa suy gan vừa suy thận. Ở đây mai mốt tròn trăm thì về quê cho tiện". Nói rồi ông cười khùng khục, cái kiểu cười dường như không biết sợ hãi điều gì của Xuân Sách. 

Ông muốn trở lại với mảnh đất Nông Cống - Thanh Hóa đã sinh ra và bồi đắp cho ông sự tài hoa, cái mảnh đất mà ông khắc khoải: 

Tôi về tới bến sông xưa

Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò. 

Nhìn theo ngọn khói vu vơ.
Nhớ thương thì có, đợi chờ thì không. 

Buồn ai thả lại giữa dòng. 

Cho tôi mang lấy nặng lòng chiều nay


Ông tên thật là Ngô Xuân Sách, sinh ngày 4-7-1932 tại Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hoá.


 

Năm 1960, ông bắt đầu công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1987, ông chuyển vào làm chủ tịch Hội Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu. Đầu năm 2008, nhà thơ Xuân Sách chuyển ra Hà Nội sống với con gái để có điều kiện chữa bệnh suy gan và suy thận. Thế nhưng, do tuổi cao sức yếu, sau mấy ngày nằm ở bệnh viện, khuya ngày 2-6 nhà thơ Xuân Sách đã lặng lẽ từ biệt cõi đời . 


(Lê Thiếu Nhơn)


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực


Ai đưa con sáo sang sông.
Để cho con sáo mất công bay về.



Chân dung hay chân tướng nhà văn? 

Hoàng Cầm

Tôi ở phố Ấu Triệu, nhà thơ Hoàng Cầm phố Lý Quốc Sư, cách nhau nửa con phố ngắn nhưng ít khi tôi mò sang “quán rượu” số 43 của ông (nhà Hòang Cầm). Gọi là quán cho sang, ngang dọc lối chừng 5 - 6 mét, mấy chiếc ghế gỗ, bàn nhỏ. 


Một lần nhà thơ Lê Xuân Đố cùng ca sĩ Trần Khánh ghé tôi rủ sang quán rượu Hoàng Cầm. Quán chỉ có hai người “phục vụ”: chị Yến, phu nhân Hoàng Cầm làm đồ nhậu lạc rang, thịt bò khô… nhà thơ “phụ trách“ rót rượu. Ngồi nhấm nháp chốc lát rồi cả bọn kéo nhau lên gác xép. Lê Xuân Đố bảo anh Hoàng Cầm đọc thơ. Em ơi buồn làm chi? Anh đưa em về bên kia sông Đuống…”, nhà thơ đọc chưa hết nửa bài nước mắt đã ròng ròng. Chợt bên tai vang lên hồi chuông Nhà thờ Lớn gọi con chiên lễ chiều. Trong này nỗi buồn sông Đuống, ngoài kia nô nức vây quanh tượng Đức mẹ Hòa Bình giữa sân Nhà thờ Lớn. Tôi cũng không biết nên buồn hay vui?


Năm 1980 trước khi chuyển vào Sàigòn, tôi ghé chào nhà thơ. Ông chép tặng tôi bài “U gì ?”.
“Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy bãi sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn (đi hoang ư) ngậm miệng nghỉm gió thốc lốc cung rê-ma-giơ quắt nhức ba cạnh nhung gai lì ái ân gì dài thon mười búp lóa kim cương trắng sữa đầu vú núi cao ngất lùm cỏ ngọt ước ao...”


Bài này đã vượt khỏi âm hưởng “Kinh Bắc”, đậm chất avant-garde như “Ô mai” của Đặng Đình Hưng, “Ngàn lẻ một mùi hương“ của Dương Tường. Thực ra thơ Hoàng Cầm thiên về "thơ huê tình" hơn là "thơ phản kháng", thiên về tính “âm”, tính “nữ” tính ôn hòa hơn là hừng hực ngọn lửa đến mức trở thành “tráng ca”. 
Trong “Chân dung tự thú năm 1994”, ông viết:
“Gọi chiều xưa trở lại
Đẩy chiều nay về xa
Thường trò chuyện với ma
Như với người đang sống.”


Điều này cũng chứng tỏ trong thời “bao cấp tư tưởng” những kiến thức phương Tây hiện đại là khá xa lạ với các nhà văn, nhà thơ miền Bắc. Nhà thơ Xuân Sách dựng chân dung Hoàng Cầm với lời lẽ chua chát:
“Em ơi buồn làm chi
Em không buồn sao được
Quan họ đã vào hợp tác
Đông hồ gà lợn nuôi chung
Bên kia sông Đuống em trông
Tìm đâu thấy lá diêu bông hỡi chàng.


(Nhật Tuấn *)

(*) Nhà văn Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến


175 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Trần Dần

Sau Văn Cao đến lượt Trần Dần nằm xuống. Tôi nhớ lại lần đầu khi đọc Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, thái độ sống không khuất phục của Trần Dần khiến cho ông là người tôi cảm phục nhất. 


Ông sinh năm 1924, được kết nạp vào đảng từ năm 1951, nhưng cũng sớm đánh mất niềm tin tưởng của ông vào đảng cũng như của đảng đối với ông, khi ông được điều về làm công tác viết báo cho Cục Quân Huấn thuộc Trung ương. Không chịu nổi bầu không khí lúc nào cũng ngột ngạt, ông xin ra mặt trận, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chứng kiến cảnh quân ào ạt tấn công vào thành luỹ kiên cố của quân Pháp, cũng như cái chết thê thảm của họa sĩ Tô Ngọc Vân, ông viết tác phẩm Người người lớp lớp, và cũng nhờ tác phẩm này ông được đảng tín nhiệm trở lại, cho đi tham quan Trung Quốc. Nhưng khi từ Trung Quốc trở về, ông đã cùng một số nhà văn khác gửi lên trung ương một kiến nghị, yêu cầu hạn chế sự can dự của cán bộ chính trị vào văn nghệ.

(Câu chuyện Nhân Văn – Hoàng Khởi Phong)


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Mấy đời bánh đúc có xương.
Mấy đời gái chảnh mà thương trai nghèo.



Đuờng văn ngõ chữ

Tố Hữu vẫn hách - 1

Những năm cuối đời, ở Tố Hữu, có chuyện này cũng lạ: thường phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm. 

 

Trong cuốn Chân dung  đối thoại, Trần Đăng Khoa nói đến chuyện Phù Thăng một thời bị qui chụp chính trị rất nặng. Khoa cũng thuật lại cuộc phỏng vấn Tố Hữu về việc sáng tác bài Hoan  chiến thắng Điện Biên. Tố Hữu nói, không hề biết chuyện Phù Thăng, còn những điều Trần Đăng Khoa hỏi ông về bài Chiến thắng Điện Biên là bịa. Thực ra Tố Hữu từng viét bài phê phán Phù Thăng, còn về cuộc phỏng vấn ông về bài Chiến thắng Điện Biên thì Khoa nói với tôi: “Em có ghi băng hẳn hoi, đâu có bịa”

 

Lại có chuyện Nhật Hoa Khanh công bố một bài phỏng vấn Tố Hữu rất dài. Đọc bài phỏng vấn này, thấy Tố Hữu nói ngược hẳn những điều ông nghĩ, ông viết và ông làm trước đây đối với các nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm. Ngược hẳn lại như quay 180 độ, khiến rất khó tin là có thật. 

Trần Đăng Khoa cho rằng, Tố Hữu quả cũng hay phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm, nhưng không đến nỗi quá quắt như trong bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh. Tô Hoài thì nói, những sự kiện, những chi tiết trong bài phỏng vấn đều có thật cả, chỉ có điều Tố Hữu nói ngược lại. Nhật Hoa Khanh thì nói, anh có ghi âm, còn giữ băng ghi âm.

 

Hiện tượng này tôi vẫn thấy khó tin và cũng khó giải thích. Hay là giải thích bằng tính cách của người Huế chăng: “Sơn bất cao, thuỷ bất thâm…”

 

Tố Hữu ngay khi đã mất hết chức vụ, vẫn rất hách. Trong một cuộc gặp mặt của các nhà văn lão thành (Hữu Thỉnh hằng năm cứ vào đầu xuân lại mời các nhà văn ở Hà Nội từ 70 tuổi trở lên đến gặp mặt để chúc Tết và mừng tuổi), người đã đến đông, Tố Hữu đến sau, ông nhìn khẩu hiệu trên tường: “Hoan nghênh các nhà văn lão thành cách mạng, Tố Hữu nói thủng thẳng: “Lão, nhưng liệu có thành không chứ!”

 

Tính cách như thế nên nói chung văn nghệ sĩ không ưa. Khi ông có chức có quyền, người ta sợ, người ta phải đến như xếp hàng chúc Tết ông chẳng hạn. Nay hết chức quyền rồi, người ta lảng hết. Tôi nhớ đám tang Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, người đến viếng đông lắm. Viếng xong, mọi người sang phòng bên uống nước và trò chuyện. Tôi thấy Tố Hữu ngồi một mình. Chả có ai đến nói chuyện. Ông ngồi một lúc rồi lẳng lặng bỏ về.

 

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh) 

 


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Một cây làm chẳng nên non.
Ba cây chụm lại ăn đòn mới phê.



Đuờng văn ngõ chữ

Gọi nó về, bắt lấy nó - 2

Tố Hữu rất hách. Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói, ông đã từng ra lệnh Tử Phác bắt Trần Dần bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi nó về, bắt lấy nó”. 


Tôi đã chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví như con cua co dúm người lại trước con ếch.

Tôi đã nghe Hoàng Ngọc Hiến thuật lại trong cuộc họp nhà văn đảng viên hồi tháng sắu năm 1979, Nguyên Ngọc trình bầy bản đề cương chống Mao-ít. Tố Hữu đã quạt cho Nguyên Ngọc một trận, cho đây là hiện tượng “ngược dòng”, ông có cách nói mỉa mai rất ác. Nhân thấy Nguyên Ngọc, người thấp, nhân làm đổ cái micro trên bàn chủ tịch đoàn, ông nói: “Cái bục này đối với tôi hơi cao, đối với anh Nguyên Ngọc thì cao quá!”

 

Gần đây Kim Lân còn cho tôi biết, hôm ấy, Tố Hữu đến chỗ Kim Lân, nói: “Dạo này viết ít quá đấy!”. Kim Lân buột miệng nói: “Bác lại phê bình em rồi!”  Có vậy thôi mà nghĩ sợ quá. Kim Lân nói: “Tôi nhớ trong truyện Tam Quốc, có hai anh bạn thân, sau một anh làm to, anh kia đến chơi, nói suồng sã về những kỉ niệm thuở hàn vi. Sau bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu – Sợ quá”.

 

Nguyễn Khải kể, hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu nói nhỏ với anh: “Ông Lành đang nói sao cậu lại cười?”  Khải sợ quá, vội chối: “Không, răng tôi nó hô đấy chứ, tôi có dám cười đâu!”.

 

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)


Không có chữ Việt cổ

Ít lâu nay có nhiều nhà biên khảo cho rằng chữ Việt cổ (chữ nòng nọc) có từ thời lập quốc. Qua tích thần thoại vua Hùng Vương mang quân đến núi Khả Lao, Thanh Hóa được thần báo mộng cho trống đồng thúc quân mà thắng trận. Sau khi thắng, vua ban sắc phong là Đồng cổ đại vương và lập đền thờ Đồng cổ thần từ.


Lê Văn Siêu qua Việt Nam Văn Minh Sử Cương dẫn đoạn cổ tích trên rồi chú thích:

“Xin lưu ý hồi này chữ Hán chưa truyền vào Giao Chỉ làm sao vua Hùng Vương có chữ để phong cho thần là Đồng cổ đại vương hay Áp Lãng chân nhân hoặc Đồng cổ thần từ

Việc mang quân đi đánh phương Nam theo truyền thuyết có thể là có thật. Nhưng đặt duệ hiệu theo những tiếng Nôm nào đó, còn sự phong tặng chỉ là thêm thắt của người đời sau”.

Như thế theo tác giả Lê Văn Siêu đã gián tiếp khẳng định nước ta chưa có chữ viết vào thời Hùng Vương.

(Trần Bích San – Văn Khảo)


Đại điểm quần thần
Một quan lớn đi kinh lý, dân làng làm mấy cổng chào, có dán nhiều câu ca ngợi thịnh đức. Vốn là tay hay chữ, khi kinh lý xong trở về công sảnh, quan nhớ lại những câu đối tán dương, rất lấy làm bằng lòng, duy vì chỉ thắc mắc vì bốn chữ đại tự: Đại điểm quần thần mà quan thấy viết ở bức hoành trên một cổng chào mé cuối làng.

 
Đại điểm quần thần: đã đành khi mình đi kinh lý, điểm mặt quần thần là phải, nhưng đây là một vùng nhỏ, làm gì có quần thần? Mà vùng này là vùng văn học chớ không đâu! Hay là có ẩn ý gì đây... Đương mân mê điếu thuốc lào để suy tưởng, bỗng quan vứt mồi thuốc xuống đất, miệng lẩm bẩm: "Láo thật, quân láo thật! Dám chơi lối Trạng Quỳnh với mình".

Thì ra quan vừa chợt hiểu ra : đại điểm là chấm to, chấm to là ... chó tâm. Mà quần thần, quan nhớ ra rồi: là bầy tôi, bồi tây. Thật quá ư hỗn sược, vì Tâm lại chính là tên húy của ngài.

Chẳng phải nói, các bạn cũng tưởng tượng được trận lôi đình của bậc thượng quan, và sau đó bao nhiêu chức dịch làng kia đã khốn khổ vì cái chấm to nàỵ

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)


Rượu trong văn học

Nói đến rượu mà quên đề cập đến Phạm Thái kể như là một thiếu sót đáng kể. Phạm Thái hiệu là Đan Phượng, thường gọi là Chiêu Lỳ, người mà Khái Hưng cảm khái viết ra truyện “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”, một trang anh hùng có thể chết vì ánh mắt giai nhân Trương Quỳnh Như. Khi nhà Tây Sơn ra đánh Bắc Hà, Phạm Thái bỏ đi tu, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Phạm Thái sinh thời, rất thích rượu và thơ lại có tính ngông: Khi Quỳnh Như không còn ở cõi đời, Phạm Thái có làm bài thơ khóc giai nhân:
“Buồn đốt lò vàng hương nhạt khói
“Sầu châm chén ngọc rượu không hơi
(…)

“Oanh ru bên trướng giấc hoa nồng
“Say tỉnh hồn mai nhớ lại mong”


Nhà thơ họ Phạm cũng chẳng ở cõi đời lâu. Ông mất lúc 35 tuổi.

(Khuyết danh - Tết nói chuyện rượu)


Chữ là nghĩa

Khi ta đang ăn bị hóc xương, chồng trẻ càu nhàu: “Bỏ cái gì vào mồm cũng phải nhìn chứ”, còn chồng già nói: “Sao em không đưa miếng đó cho anh?


Văn hoá nhậu
Gặm xương 

Cái thú thứ hai gặm xí quách là hưởng được nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ là bò, gà, hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Cục xương to nhất không hơn nắm tay như giò heo hoặc đuôi bò, dài khẳng khiu không hơn cây bút chì như xương chân gà, lại cho ta nhiều thứ để thưởng thức như vậy. Ăn thịt heo luộc thì chỉ có nạc và mỡ, ăn bít tết thì chỉ có thịt, ăn nem thì có thịt có da; không thức ăn nào cho ta hưởng được nhiều thứ như gặm xương. Có lẽ vì sảng khoái như vậy nên dân nhậu thường lấy xương làm mồi…

Rỉa một miếng xí quách, chấm vào xì dầu (nước tương) có pha tương ớt, cho vào miệng nhai, rồi ngẫm nghĩ,Đời cũng còn nhìều thú vui đơn sơ mà đáng sống.” Mà đúng thật, ăn xí quách cũng như sống cuộc đời, đủ mùi vị khi ngọt bùi, khi cay đắng, khi đầy toan tính, khi thực bất ngờ. Ấy là chưa kể nhấm thêm vài lá húng quế hoặc ngò mùi, ngò gai, cắn một tí ớt. Cộng hưởng với men nồng của rượu, thực không có gì tiêu biểu cho cuộc đời lên voi xuống chó cho bằng gặm xương… chó.


(Ngã thuật nhi bất tác - KT)

 


Một thóang hương xưa


Chuồng xí có cái bệ xây bằng xi măng cao khỏi mặt đất hơn một thước. Bước mấy bậc có hai miếng xi măng u lên hình hai bàn chân để ngồi xổm mà ị. Dưới bệ xi măng là cái thùng tôn đựng phân. Thùng dầu hôi của hãng Shell in hình nổi con sò. 


Những người đổ thùng mở cổng sau vào, họ dùng que sắt có móc kéo thùng tôn ra đổ vào cái thúng trám hắc ín rồi gánh đi. Những người đổ thùng ở Hà Nội bấy giờ thường đi thành hàng dài 5, 6 người. Mỗi người đều có đòn gánh trên vai, hai đầu hai cái thúng. Phân và nước tiểu sóng sánh, nhỏ giọt trên vỉa hè… 36 phố phường Hà Nội.



Gánh phân làng Cổ Nhuế

(tranh từ bản khắc mộc bản 

của Henri Oger 1908)



Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ

 

Bây giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Đối diện là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết, và truyện hiếm hiệp Đức Hưng. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh. 

 

Khi đến ngã năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn xéo về phía tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh

Nếu đi ngược chiều trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngã ba đầu tiên là đường Huyền Quang, có đình Sơn Trà. Đường Huyền Quang mang tên một vị sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang, quẹo trái là Chả cá Lã Vọng


 

Ngã ba kế là Lý Văn Phức, cuối đường là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sài Gòn đều nhắc đến. 

 

(Casino Dakao)


Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao và tiệm thạch chè Hiển Khánh. Đối diện là nhà hàng Pháp tên Casino. Nếu quẹo phải sẽ gặp Đền Thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

 

(Trần Đình Phước)

 


Dốt đặc cán mai

Mai là dụng cụ dùng để đào đất. Cán mai thường làm bằng táu, một thứ gỗ rất cứng để khi bẩy đất không bị gãy cán. 

Dốt đặc cán mai ý nói đầu óc bị đặc như cán mai, không có chỗ để nhét chữ vào được.

 

Tổ tôm

Tổ tôm là loại bài lá, được nam giới, người già chơi trong những ngày hội, Tết. Luật lệ phức tạp, cách chơi biến hóa, đòi hỏi người chơi suy nghĩ, vận dụng trí tuệ nhiều nên không phải loại bài bình dân và đại chúng.


 

 

Loại bài dân gian miền Bắc nhưng lá bài in theo dáng dấp mỹ thuật mộc bản Nhật Bản. Có lẽ đây là loại bài ưa thích và thường chơi nên những thi sĩ xưa như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ… làm thơ cũng nhắc đến tổ tôm. 

Cụ Nguyễn Công Trứ ca tụng tổ tôm, còn gọi là tụ tam vì lá bài ba hàng quân Văn-Vạn-Sách rằng,

Nhân sinh quý thích chí

Chẳng gì vui hơn cuộc tụ tam

 

(Những quân bài ngày Tết - Đinh Yên Thảo) 


Qua với bậu

Có người giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”. 

 

Có thật đó “là một từ địa phương Nam Bộ”? 

Năm 1602, Nguyễn Hoàng sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ. Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc, huyện Duy Xuyên, ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua, Điện Bàn. Từ đó, ca dao địa phương có câu: 

 “Tỉnh thành đóng tại La Qua, 

 Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

 

Và La Qua đã đi vào câu đối với cách chơi chữ tuyệt vời, lấy chữ qua với chữ đồng âm: 

“Con gái La Qua, 

qua hôn, 

qua hít, 

qua vít, 

qua véo, 

qua biểu em đừng có la qua” 

(la nghĩa là rầy mắn, qua là anh, tôi).


(Nguyễn thị Cỏ May)

***

Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Trên đường về tôi la oai oái. Thật không thể tưởng tượng được, một “nhà văn viết bút ký hay nhất của văn học ta hiện nay”  (Hoàng Phủ Ngọc Tường – lời Nguyên Ngọc), hồi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Huế là tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế, soạn “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy, thu băng phát đi khắp các nẻo đường, phố phường Huế Tết Mậu Thân, có thành tich lớn trong phong trào “diệt ác, trừ gian”, đã từng ngồi ghế Chủ tọa Tòa án Nhân dân tại trường Gia Hội . 17 năm kiên trì làm “đối tượng đảng” rồi được kết nạp…


Một người đã bỏ đô thị “lên xanh” theo cách mạng với thành tích lớn thế sao ra Bắc lại bị “đãi ngộ” nghèo nàn đến vậy. Ra khỏi nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi lo lắng hỏi bệnh tật chị Mỹ Dạ, Trịnh Tú gạt đi:
“Bệnh tật gì đâu… bệnh thiếu… protide ấy mà… ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên sinh bệnh thế thôi.”
Tôi nổi cáu:
“Một cặp nhà văn – nhà thơ có nhiều đóng góp cho cách mạng sao giờ lại đối xử vậy?”
Trinh Tú cười hề hề: 
“Cậu hỏi mấy ông trên, sao hỏi tớ? Thôi, ghé quán bà Dậu làm chén “cuốc lủi”, mặc mẹ sự đời.”

(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Nam Cao

Theo một số bạn bè và người quen cho biết, Nam Cao thường chỉ viết được về những gì có thực trong đời mình, và ở quanh mình. 

Người ta nói rằng chỉ có một nhân vật được nhà văn kiên trì.. “bịa” là… người vợ. Bà vợ Nam Cao rất hiền, còn trong tác phẩm của nhà văn: bà là người đàn bà thường lại là những nhân vật lắm điều, lắm nhời, hay chì chiết chồng con, v.v…


(Vương Trí Nhàn)


Chữ nghĩa làng văn

Nguyễn Công Hoan

Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể chuyện hòi bé khoảng 9, 10 tuổi có thời gian sống gần nhà thơ Tản Đà, thỉnh thoảng được ông sai vặt. Khi thì nhờ mua vài tệp giấy, lúc khác mấy tháp bút. Ông khen bé Hoan nhanh nhẹn ý tứ, ông cho xem thơ của ông thấy sáng dạ, ông bảo thằng bé Hoan này tương lai sẽ làm nên. 

Về sau quả Tản Đà tiên tri đúng. 

 

Nguyễn Công Hoan còn kể trong số nhà văn trẻ, lớp con cháu, chỉ Nguyễn Tuân được Tản Đà xem như bạn, vì ngoài tài năng Nguyễn Tuân còn có thể chịu chiếu nhà thơ Núi Tản Sông Đà từ sáng tới tối.





Không có nhận xét nào: