Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

NÊN QUAN TÂM ĐẾN ẢNH HƯỞNG CỦA DI TRUYỀN TRONG GIÁO DỤC CON CÁI (POTT số 39 ) - Tác giả: FUKUZAWA Yukichi Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

 

NÊN QUAN TÂM ĐẾN ẢNH HƯỞNG CỦA DI TRUYỀN TRONG GIÁO DỤC CON CÁI (POTT số 39 )

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Đối với việc giáo dục con cái, trước hết chúng ta cần phải quan sát tình trạng sức khỏe, thể chất của chúng. Kế đến sau khi xem xét biết chúng có thể theo đường học vấn đến nơi đến chốn, mới bắt đầu cho chúng theo đuổi học vấn.

Cứ thấy đứa con này thân thể yếu đuối không thích hợp với các việc phải vận động đến chân tay mà vội quyết định cho đi học để nó có thể yên tĩnh đọc sách là cách suy nghĩ sai lầm lớn. Chính vì thân thể bạc nhược nên trước tiên cần cho nó luyện tập vận động để tạo dựng cơ thể cường tráng mới là tuần tự đúng cách. Không lưu tâm để ý đến thể lực, sức khỏe mà bắt con cái phải cực khổ, mệt nhọc trong việc học thì chẳng khác gì giết hại chúng. Sai lầm thật dễ sợ.

Con người chịu ảnh hưởng di truyền của tổ tiên. Nên có nhiều trường hợp ép buộc, cưỡng chế học tập cũng không thể có tiến bộ được. Tỉ dụ, hãy xem các lực sĩ sumo (1), những người thành Đại Quan hay Tiểu Kết là do tài năng trời cho (thiên phú), nghĩa là do di truyền từ tổ tiên là chính chứ không phải chỉ do tập luyện mà được.

Chắc chắn ai cũng nghĩ rằng người nhỏ con, gầy ốm dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể vào đến bậc Makunouchi được. Năng lực tinh thần của con người dù không thể thấy được bằng mắt như thể lực nhưng có chênh lệch do trời cho, giống như lực sĩ sumo có chênh lệch sức mạnh vậy.

Đối với các trẻ con chậm hiểu trong việc học thì nên chỉ dạy các điều cơ bản cần phải có để sống tốt không nên đòi hỏi nhiều ở chúng. Ban đầu cho chúng học tự do theo điều chúng thích, dần dần xác định phương hướng chúng nên theo đuổi sau. Giống như các người có thân thể ốm có tập luyện sumo cũng vô ích mà thôi. Không phải người nào cũng nên thành học giả. Học vấn cũng chỉ là một trong những con đường để chọn, không vì không có tài năng đọc sách hoặc suy luận hoặc không thành đạt được trong học vấn mà phải lo buồn. Chỉ cần học như người bình thường, học biết khoa học để có kiến thức tổng quát, dù không hoạt bát cũng có thể dễ dàng sinh sống ở đời. Ở đời không phải là không có những người thành công lớn mặc dù họ không biết một chữ.

Dù sao đi nữa sắc bén hay chậm hiểu trong việc học là do tài năng trời ban. Do đó không quan sát sở trường, sở đoản của con cái mà cưỡng bách chúng theo đuổi con đường học vấn phải nói là sai lầm của cha mẹ.

Ở đời có nhiều người tự cho mình có khả năng hay tài giỏi trong việc giáo dục tại nhà, quá tự tin vào nội dung hay phương pháp dạy dỗ của mình đến mức độ chủ trương rằng dù cho cho là người ngu đần họ cũng có thể giáo dục thành người trí tuệ. Tuy nhiên, thật sự mà nói hiệu quả của giáo dục chỉ là giúp đỡ làm khai hoa các tài năng trời cho, hướng dẫn các tài năng này theo hướng tốt, đạt được những thành tựu mà các tài năng này có thể đạt đến mà thôi. Nếu nói tỉ dụ, giáo dục giống như thợ làm vườn chăm sóc, cắt tỉa các cành lá dư thừa của cây trong vườn làm cây sinh trưởng tốt có thể nở hoa đẹp.

Dù cho thợ làm vườn tài giỏi cũng không thể nào biến đổi tùng thành mai. Nếu từ đầu cây không có cành, thợ cũng không thể nào tạo dựng ra cành hay làm cho cây trỗ hoa được. Tuy nhiên, nếu để cây sinh trưởng tự nhiên thì vườn cây không lâu sẽ trở nên hoang dả và phải chặt đốn làm củi đốt. Do đó việc làm của thợ làm vườn là trổ tài nuôi dưỡng nhiều loại cây cỏ, phòng bệnh, phòng sâu phá hoại, làm cây cỏ có thể phát triển các đặc sắc có sẵn của chúng với phẩm chất tốt.

Bởi vậy dù người giáo dục có cố gắng thế nào đi nữa cũng không thể cải biến người ngu dại thành kẻ trí tuệ được, từ lúc sinh ra không có sẵn tài năng thì dù khuyên học bằng phương pháp nào đi nữa cũng không thể thành đạt trong đường học vấn. Tóm lại, trong giáo dục nên quan sát xem đối tượng được di truyền tài năng gì để hướng dẫn cho tài năng đó đạt được đến đích, nên chú ý đừng bắt ép mà làm đối tượng hoang phế trở thành củi đốt.

Nguyễn Sơn Hùng, Tháng 6/2017

Nguồn: Truyện số 39 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

 

Mời Xem : KHÔNG NÊN KEO KIỆT CHI PHÍ GIÁO DỤC CON CÁI (Phúc Ông Trăm Truyện số 38 ) - Diển Đàn Khai Phóng

Không có nhận xét nào: