Tản Mạn:
Ông Đội Nón Cời
Thái Trọng Lai
SAU VỤ KHÁNG THUẾ Ở Quảng
Nam bị chính quyền đàn áp thẳng tay (dẫn đến án chém Ông Ích Đường năm 1908)),
nguyên Lãnh binh Quảng Nam khét tiếng tàn ác là Phạm Ngọc Điềm (chữ này còn đọc
là Phạm Ngọc Quát). Với công lao tích cực truy sát những người cầm đầu kháng
thuế, Phạm Ngọc Quát được bổ làm Tuần phủ Khánh Hòa. Bấy giờ Trần Quý Cáp đang
giữ chức Giáo thụ phủ Ninh Hòa gửi thư về làng có câu “cận văn ngô châu cử thử sự. Khoái thậm! Khoái thậm!” (gần đây quê
ta tiến hành việc ấy (kháng thuế) sướng quá! Sướng quá!). Tuần phủ Khánh Hòa
vin vào câu nói ngỗ ngược ấy liền ghép họ Trần vào án tử hình lại hành hình bằng
cách chém ngang lưng. Dư luận xôn xao tuy biết rằng Lãnh Điềm nổi tiếng khát
máu nhưng không thể tin là y nặng tay đến thế trước một lời nói suông ngẫu
nhiên không thể cho là lời hô hào kích động bạo lực. Sĩ phu bấy giờ ngơ ngác
coi Lãnh Điềm là kẻ tàn ác bẩm sinh hành động không khác gì gian thần Tần Cối đời
Tống khi ra tay hãm hại danh tướng Nhạc Phi khi viên tướng này kêu oan : “Tôi
có tội gì ?” thì Tần Cối đáp lời kêu oan của Nhạc Phi bằng ba tiếng “mạc tu hữu” (chẳng cần phải có) nên bấy
giờ thiên hạ gọi bản án họ Trần là bản án “mạc
tu hữu.”
Thực ra cái ý chém ngang lưng không phải là “mạc tu hữu” mà là bắt nguồn từ hồi Trần Quý Cáp còn là học trò,
tháng tháng còn đi tập văn ở trường Đốc. Mỗi lúc đi về, Trần Quý Cáp và bạn bè
đều kéo nhau vào quán nước bên đường, ở đấy có cô Huệ nổi tiếng xinh đẹp nết
na, con gái bà chủ quán. Giai nhân danh sĩ đã tạo nên sức hút của duyên trời và
bà chủ quán cũng hết sức tán thành mong chờ cái ngày “ngựa anh đi trước, võng nàng
theo sau” và Lãnh Điềm cũng có cách riêng hâm mộ giai nhân nên vin cớ cần người
hầu hạ vợ, sai lính đến quán mượn cô Huệ mấy hôm. Bà chủ quán biết không thể
thoái thác đành phải khuất phục và con gái bà ngay sau đấy bị chết oan. Trần
Quý Cáp biết chuyện, ghé vào quán nước khấn trước bàn thờ cô Huệ mấy lời an ủi.
Bà chủ quán tỏ ý thương cảm cho mối tình dở dang của đôi trẻ bèn ý tứ nhờ Trần
Quý Cáp viết cho bà mấy chữ để thờ cô con gái bất hạnh cho thỏa vong linh. Với
nỗi niềm căm uất tột độ họ Trần bèn viết mấy câu lên vuông vải trắng :
Con bỏ đi đâu ới Huệ ơi!
Cảm thương thân mẹ sắp lìa đời.
Trời sao nỡ hại con tôi vậy ?
Mà lại tha ông đội nón cời ?
Đồng
dao: “Ông già ông đội nón cời, Ông ve con
gái thì trời đánh ông”. Thì ra chính cái “ông đội nón cời” hồi mười năm trước
bị “nhột” về tội dâm ác ngày ấy nên tìm ra cách hành hình cựu tình địch cho thật
đáng...“đồng tiền bát gạo” đến cỡ ấy !
(Thuật theo lời kể của cụ Đốc học Lê Ấm, con
rể nhà chí sĩ Phan Chu Trinh)
(Trích tập truyện Tản Mạn của Thái Trọng Lai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét