Tha Thứ
Bài viết của Hoàng Đằng
Tôi được một anh học trò cũ ghé thăm và mời ra quán uống cà phê. Tôi vốn dị ứng với cà phê. Uống vào, nhịp tim tăng, mệt người và tối lại không ngủ được. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận lời mời thay vì, như trước đây, tôi hay từ chối những gì mà mình không thích.
Trên facebook, có người nào đó tải lên mấy lời khuyên cho người già, trong đó, lời khuyên sau đây, nghĩ kỹ, tôi rất tâm đắc: Người già không nên vòi vĩnh, nhưng nếu con cháu, bạn bè…, vì tình cảm, cho mình cái gì, mời mình cái gì, dù ít dù nhiều, cứ vui vẻ nhận; không nhận sẽ làm người cho, người mời hụt hẫng, tìm cách xa lánh; thành ra mình lại tự cô lập mình.
Thế là tôi thuận theo người học trò ra quán cà phê, bụng bảo dạ rằng không uống được cà phê thì uống một ly trà.
Tôi đề nghị xe máy để lại giữa sân nhà tôi. Thầy trò thong thả tản bộ.
Tính tôi thích đi bộ lắm – đối với ai, không biết, chứ đối với tôi, đi bộ là một môn thể dục có tác dụng điều chỉnh lại những tư thế sai trái do cả ngày, không việc, cứ nằm rồi ngồi; đi bộ còn tập nhịp tim, hơi thở cho đều, sức cho bền và dẻo dai.
Hình như nhờ đi bộ mỗi chiều khoảng 5 cây số, tôi leo động Thiên Đường ở tỉnh Quảng Bình hai lần vẫn không thấy đuối: Lần nhất vào mùa đông 2014 với cựu đồng môn Viện Hán Học nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Viện, tôi, cứ bị tưởng là yếu, đi vùn vụt, khiến các bạn đồng hành khen: “Hoàng Đằng còn khỏe lắm!” Lần hai vào mùa hè 2015 với một nhóm cựu học sinh Công Lập Đông Hà nhân họ ra Đông Hà làm từ thiện; thấy tôi bước thoăn thoăt, những học trò cũ của tôi không ngớt reo mừng, so sánh: “Thầy còn khỏe hơn tụi mình!”
Hai thầy trò đi sát mép phải một con đường nhựa không rộng, không hẹp, mắt nhìn thẳng về phía trước, chuyện trò luôn miệng.
Hai cậu thanh niên cỡi hai xe máy phân khối lớn, đột ngột từ phía sau vút qua, tiếng rú ga làm chúng tôi khiếp vía. Chúng tôi chưa hoàn hồn, thì “ào” một tiếng; một cậu thanh niên khác trên một chiếc xe phân khối lớn nữa lách tránh chiếc xe hơi ngược chiều, luồn vào giữa hai chúng tôi, xe chạm vào hai bàn tay chúng tôi đang nắm nhau. Chúng tôi đau điếng, như thử bàn tay đã lìa khỏi người; cậu thanh niên do chạy nhanh, đà bị cản, té nghiêng nhào xuống đất; anh học trò tôi, không biết do lực gì đẩy, té ngửa giữa đường.
Cậu thanh niên không biết có đau đớn gì không hay có đau mà rán nhịn nín, dậy đỡ chiếc xe đang nổ máy lên, ngồi vào yên, định cho chạy thì người từ các nhà hai bên đường ùa ra bắt lại. Anh học trò của tôi nằm yên một chốc rồi gượng đứng dậy.
Cậu thanh niên không biết có đau đớn gì không hay có đau mà rán nhịn nín, dậy đỡ chiếc xe đang nổ máy lên, ngồi vào yên, định cho chạy thì người từ các nhà hai bên đường ùa ra bắt lại. Anh học trò của tôi nằm yên một chốc rồi gượng đứng dậy.
Tôi hỏi:
- Em có sao không?
Anh đưa tay phủi đất bụi dính vào người rồi chậm rãi trả lời:
- Em không sao cả, bình thường, thầy à! Còn thầy có bị sao không?
-. Thầy bị đụng mạnh ở bàn tay, giờ sưng đỏ đây này, hơi nhức.
Em té ngửa, đầu em có choáng gì không? Tôi vặn hỏi.
- Không, em không sao cả, thầy à! Anh học trò, mặt còn tái mét, nhắc lại.
Những người đang giữ cậu thanh niên đòi đưa cậu ta lên đồn công an để trừng trị hành động của cậu về tội nhập bọn dám đua xe trong thành phố; anh học trò của tôi xoa tay, can ngăn:
- Cảm ơn bà con. Thôi, xin bà con để cho nó đi; đưa nó lên công an cũng chẳng được gì mà hai thầy trò chúng tôi mất thời giờ chầu chực, rồi một số bà con không chừng phải đi làm chứng.
Cơn tức giận của mọi người hạ xuống; cậu thanh niên cúi đầu, nói tiếng cảm ơn đến tất cả mọi người rồi lặng lẽ lên xe, cho xe chạy chầm chậm.
Cách cư xử của anh học trò tôi làm cho tôi ngạc nhiên; tôi cứ tưởng anh sẽ đồng ý với đòi hỏi của mọi người đưa cậu thanh niên đến đồn công an. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi thấy anh học trò của tôi quá thông minh, điềm đạm, biết điều.
Thái độ sẵn sàng tha thứ chắc chắn sẽ làm cậu thanh niên ấy biết lỗi và từ đó về sau không đua xe giữa phố nữa.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ chuyện xưa. Mùa hè 1967, ông Chủ Tịch Hội Đồng Giám Thị kỳ thi Tú Tài tại Nha Trang, có thể do không chấp nhận chuyện bê bối, gian lận trong phòng thi hay vì một nguyên cớ gì đó, làm mất lòng một thí sinh. Bực tức, cậu thí sinh quyết tìm vị Chủ Tịch Hội Đồng Thi trả thù. Lợi dụng lúc vị ấy đang ăn trưa trong một quán ăn, một thanh niên cầm dao bất ngờ bước vào, đâm chết; không biết thanh niên này là người trực tiếp liên quan hay chỉ là một kẻ do người khác xúi giục hoặc thuê mướn. Ít lâu sau đó, người thanh niên bị tòa kết án tử hình. Dư luận nghĩ rằng bản án thích đáng; phải thế để răn đe những kẻ ác.
Dù đang chịu mất mát đau thương, gia đình vị Chủ Tịch Hội Đồng Thi lại suy nghĩ khác, tự nguyện làm đơn xin tha tội cho kẻ gây án. Mà phải thôi, vị Chủ Tịch Hội Đồng Thi cũng không còn nữa; giết người thanh niên thì mất thêm một mạng người, gây đau khổ thêm cho một gia đình; oán thêm oán dài dài. Biết đâu, sau khi được tha tội chết, người thanh niên ấy biết ăn năn hối cải, sẽ trở thành một người hữu ích cho đời.
Từ chuyện ở “tầng vi mô” – tha thứ giữa cá nhân và cá nhân, gia đình và gia đình, tôi nghĩ đến chuyện trong lịch sử ở “tầng vĩ mô” – tha thứ của phe thắng đối với phe thua trong tranh giành quyền lực ở một quốc gia .
Cuộc nội chiến Nam – Bắc ở Hoa Kỳ (1861 – 1865) bùng phát do việc tổng thống Lincoln, sau khi đắc cử 1860, chủ trương bải bỏ chế độ nô lệ. Chủ trương này làm thiệt hại cho một số không nhỏ người Mỹ; nếu nô lệ không được sử dụng, những vùng đất rộng lớn của họ thiếu người khai phá, trồng trọt. Thế là 11 tiểu bang miền Nam ly khai ra khỏi liên bang. Cuộc nội chiến ác liệt nổ ra giữa Liên Minh miền Nam gồm 11 tiểu bang và 21 tiểu bang ủng hộ chính phủ liên bang miền Bắc. Trong 4 năm đánh nhau, chừng 700,000 binh sĩ hai bên tử trận, còn số lượng thương vong dân thường không xác định được. Vậy mà khi phe miền Nam do tướng Lee chỉ huy chịu thất bại, đầu hàng phe miền Bắc do tướng Grant chỉ huy, sự trả thù không diễn ra; cả tướng lẫn lính phe miền Nam vẫn được đón chào, không hề bị làm nhục, không bị bắt bớ giam cầm, được dùng lừa ngựa của mình trở về quê làm ăn; mồ mả của binh sĩ miền Nam tử trận chôn ở các nghĩa trang được tôn trọng.
Trong chiến tranh, sự chia rẽ giữa dân Mỹ dẫn đến căm thù nhau, sẵn sàng giết nhau trên trận địa. Thế nhưng sau chiến tranh, sự đoàn kết của người Mỹ lại được thắt chặt, bền vững, không ai ngờ. Có vậy, nước Mỹ mới tiếp tục phát triển, mở rộng – từ 32 tiểu bang thời Nội Chiến, giữa thế kỷ XIX, bây giờ là 50 tiểu bang và là một nước hùng mạnh nhất gần như ở mọi mặt trên thế giới.
Tôi lại tưởng tượng. Nếu như lúc đó, thắng cuộc rồi, miền Bắc đối xử không ra gì với miền Nam thì hòa bình kéo dài không được bao lâu đâu! Oán hận nẩy chồi đâm cành thêm giữa người Mỹ và người Mỹ; rồi các thế lực thực dân bên ngoài xúi giục nội loạn để “duật bạn tương trì ngư ông đắc lợi” (con cò và con trai níu nhau thì ngư ông hưởng lợi – bắt được cả hai con), bây giờ, nước Mỹ không biết chia thành mấy nước nhỏ. Mỹ - một siêu cường đứng nhất thế giới sẽ không có; các nước nhỏ ấy làm sao đủ điều kiện thám hiểm không gian, nghiên cứu khoa học để cống hiến cho nhân loại những sáng chế tuyệt vời.
Đọc lịch sử nước ngoài, rồi đọc lịch sử nước mình. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, dân quá cơ cực do nạn nhũng nhiễu của quan lại dưới quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Ngoài tìm giết những thân nhân của chúa Nguyễn, Tây Sơn còn đào mồ mả các vị chúa đã mất, hài cốt đổ xuống sông, do mê tín theo thuật “phong thủy”, mong triệt linh khí giống nòi kẻ thù.
Đến khi phục hồi quyền lực, không chậm trễ, Nguyễn Phúc Ánh – tức là vua Gia Long - trả thù ngay nhà Tây Sơn; cũng giết chóc cho tuyệt nòi Tây Sơn, cũng tìm mồ mả các vua Tây Sơn đào bới, làm nhục hài cốt; thậm tệ là áp dụng những hình thức xử tử man rợ vua quan Tây Sơn, bất kể lớn bé, già trẻ như lăng trì… Một số cố đạo Tây Phương có mặt truyền đạo Gia Tô ở nước ta lúc đó, nghe được, viết thành sách, danh ô đến muôn đời!
Sao vua nước ta tàn nhẫn, thiếu lòng tha thứ đến vậy! Lẽ nào họ chịu ảnh hưởng câu nói của Khổng giáo: “Dĩ trực báo oán” mà không đoái hoài đến lời dạy của Phật giáo: “Dĩ ân báo oán”. Mà từ “trực” hàm hồ quá! Hiểu sao cũng được, nên mới ra nông nỗi.
Do một số vị vua nước ta không quân tử, không có lòng tha thứ, nước ta mới trầm luân trong chia rẽ, nghèo đói, chậm tiến, yếu kém; di họa đến tận bây giờ. Nghĩ mà buồn ghê!
18/10/2015 (06/9/Ất Mùi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét